Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Cảm Niệm Ân Sư (bài của HT Thích Tuệ Sỹ đọc trong lễ Tưởng Niệm Chung Thất Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ)

18/04/202017:47(Xem: 8900)
Cảm Niệm Ân Sư (bài của HT Thích Tuệ Sỹ đọc trong lễ Tưởng Niệm Chung Thất Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ)
ht huyen quang-ht quang do-ht tue sy

Cảm Niệm Ân Sư,

Cẩn bạch nhân lễ Tưởng niệm Chung thất
Trưởng lão Thích Quảng Độ

 

Nam mô Bổn-sư Thích-ca Mâu-ni Phật

Ngưỡng bạch cố Hòa Thượng Ân Sư!

Than ôi, nước chảy đôi dòng
Thuyền không bến đỗ

Nước chảy đôi dòng, dòng lệ, dòng đời, hay dòng sông đất khổ
Thuyền không bến đỗ, bến này, bến nọ, hay bến bãi phù hư.

Dòng nào rồi cũng trở về biển tánh Tỳ-lô
Bến nào rồi cũng bước lên bờ tâm Bát-nhã.

Nhưng giữa cuồn cuộn sóng trào của thị phi nhân ngã, của thế lực cường quyền, con thuyền độc mộc nhồi trên ngọn sóng, bậc hoa tiêu vẫn giữ vững tay trèo, kiên trung và vô úy. Đó là hình ảnh tuyệt trù của bậc cao tăng Phật giáo Việt Nam giữa ba đào thế thái: Trưởng lão Thích Quảng Độ, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN.

Nhớ Giác Linh xưa!

Ngày 27 tháng 11 năm 1928 – Mậu Thìn
Xã Nam Thanh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình thác chất.
Vân thủy tam thiên cô đọng thành thể chân tâm siêu phương xuất thế
Pháp môn tám vạn lưu xuất nên trang hành giả ẩn mặt tuyệt trù
Đương lúc quê hương khói lửa mịt mù
Giữa chốn trần lao đa đoan triền phược.
Người lên đường hành cước

Mấy năm vân du xứ Ấn, tìm lại uyên nguyên Chánh Pháp. Rồi khi đất nước sạch bóng thực dân, đạo lý dân tộc tưởng có cơ duyên tái lập. Nhưng cùng lúc ấy, tham vọng bá quyền chia hai thế giới, đang đẩy dân Việt vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, được khoác cho danh hiệu tiền phong của những ý thức hệ không tưởng và một thiên đường hạ giới độc tôn.

Bấy giờ Ngài trở về Nam, góp sức cùng Chư Tôn phục hưng Chánh Pháp, khơi lại cội nguồn đạo lý tổ tiên. Hướng đi văn hóa giáo dục, dựng lại những gì đã sụp đổ, tài bồi thế hệ tương lai, xây dựng đất nước trong hòa bình an lạc, dân tộc Bắc Nam cùng chung một hướng.

Không bao lâu, Pháp nạn 1963 bùng nổ, Tăng đồ khắp nước lao tù. Ngài bị bắt giam, bị tra tấn tàn bạo. Sau khi qua cơn Pháp nạn. Ngài cùng với các hàng tri thức Phật giáo miền Nam, Tăng cũng như tục, trong môi trường giáo dục Đại học, hiệp lực xây dựng, phát huy truyền thống dân tộc trước nguy cơ xâm thực của chủ nghĩa vô thần và độc thần, đang làm tan rã tình tự dân tộc Bắc Nam.

Năm 1974 tại Đại hội kỳ 6, Ngài được đề cử đương vị Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN. Với tổ chức quy mô rộng lớn của Giáo hội, đấy là lúc Ngài có thể làm gạch nối, đưa những thành tựu văn hóa giáo dục từ Đại học vào thực tế xã hội, làm cơ sở xây dựng đất nước.

Thành tựu ấy chưa được bao lâu, đất nước thống nhất, hòa bình tái lập dưới chính sách cai trị khắc nghiệt của chế độ vô sản chuyên chính, cả nước lâm vào cảnh đói nghèo gần như tuyệt vọng, hàng vạn người bỏ nước ra đi, mặc cho số mạng trước ba đào sóng dữ. Đây là lúc chính sách nhất Tăng nhất Tự được ban hành; các cơ sở giáo dục và từ thiện của Phật giáo bị giải tán, tịch thu, chùa chiền được sung công làm cơ sở hợp tác xã. Phật giáo miền Nam được đặt trước viễn ảnh của miền Bắc, Phật giáo chỉ phảng phất trong những hủ tục, mê tín dị đoan.

Trong cương vị lãnh đạo với danh hiệu Tổng Thư Ký, Ngài vẫn giữ vững lập trường, không khuất phục cường quyền, không giải tán cơ cấu Giáo hội để trở thành một chùa nhỏ trong Quận Mười Sài Gòn.

Sau gần mười năm khống chế, bạo lực không thể khuất phục quảng đại Phật tử tín tâm bất thối, Chính quyền thay đổi sách lược. Một Giáo Hội mới được thành lập, thay thế Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, với tư cách là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc, tổ chức ngoại vi của Đảng Cộng sản để tập hợp quần chúng, làm chỗ dựa vững chắc cho chế độ trong quần chúng.

Hòa Thượng vẫn kiên trì đường lối của Giáo hội, không xu phụ quyền thế, không làm thành viên cho bất cứ tổ chức chính trị nào. Từ đó, Hòa Thượng trở thành trọng lực chống lại chính sách dùng Phật giáo như là công cụ bảo vệ chế độ.

Cũng từ đó cho đến năm 1998, Ngài trải qua các thời lưu đày biệt xứ, bị quản thúc tại gia, bị tù đày trong các lao ngục từ Nam cho đến Bắc.

Năm 1998, dưới áp lực của những vận động quy mô trong các phong trào nhân quyền, tự do tôn giáo trên thế giới, Chính quyền phải phóng thích Hòa Thượng. Tuy trở về đời sống sinh hoạt bình thường, nhưng Ngài vẫn bị Chính quyền cô lập, quản chế nghiêm ngặt bằng khẩu lệnh tại một ngôi chùa giữa trung tâm Sài Gòn. Định lực vô úy, Ngài cùng với Hòa Thượng Huyền Quang kiên trì lập trường của Giáo hội, vận động phục hoạt Giáo hội, triệu tập Đại hội 8 bất thường tại Hoa Kỳ với sự tham gia của các vị Tôn túc vốn là thành viên của Giáo hội, đang lưu vong tại các quốc gia Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu. Từ Đại hội này, Hòa thượng Thích Huyền Quang được suy tôn đương vị Xử Lý Viện Tăng Thống, Hòa thượng Thích Đức Nhuận cố vấn Ban Chỉ đạo Viện Hóa Đạo, Hòa thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo. Giáo Hội được khôi phục, tuy chỉ với cơ sở khung, nhưng trong thực tế đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo trong sứ mệnh đấu tranh cho phẩm giá con người.

Cho đến tháng 10 năm 2003, sau Đại hội Bất thường tại Tu viện Nguyên Thiều, cơ cấu Giáo hội gồm cả hai Viện được hoàn bị, Hòa thượng Thích Huyền Quang chính thức được suy tôn đương vị Đệ Tứ Tăng Thống, Hòa thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo. Tiếng nói của Giáo hội đã gây ảnh hướng lớn trong và ngoài nước, trong các cộng đồng tự do nhân quyền trên thế giới.

Sau khi Hòa thượng Thích Huyền Quang Đệ Tứ Tăng Thống viên tịch năm 2008, Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống suy tôn Ngài đăng lâm pháp tịch, ngôi vị Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN. Trong cương vị lãnh đạo tối cao của Giáo hội, Ngài đã đơn thân hướng đạo con thuyền Chánh pháp không bị lạc lối.

Thời gian trôi qua, con thuyền Chánh Pháp trong tình cảnh vận nước ngữa nghiêng, nhân tâm ly tán,

Bao độ cà tan cà nở nụ
Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông.

Tháng 10 năm 2018, Ngài rời khỏi Thanh Minh Thiền Viện, nơi gắn bó bao năm trước và sau danh phận tù đày, trở về quê cũ Thái Bình. Hai tháng sau Ngài trở lại Sài Gòn, cư trú tại chùa Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch. Dự tri thời chí, trước khi viên tịch, Ngài đã ban hành các Giáo chỉ ổn định sinh hoạt Giáo hội, cùng với di chúc và ủy thác sứ mệnh cho người kế thừa mà Ngài tin tưởng và chọn lựa.

Ngưỡng bạch Giác linh Hòa thượng!

Mình hài xưa đã cháy
Còn lại bát tro tàn
Với uy nghiêm Đạo Thống
Xin nguyện giữ Cương Duy.

Ô hô,
Phương trượng Thanh Minh còn lưu hình lão hạc
Thiền đường Từ Hiếu chưa ấm dáng cổ tùng
Thế sự đa đoan, đảo điên nhân ngã
Cõi đời phiền trược, đố kỵ tương tranh,
Người đã đến và đã đi, đi trong cõi tịch nhiên vô trụ, mà vẫn thường trụ trong lòng đất khổ.
Tro cốt của Người theo di nguyện sẽ hòa vào đại dương, cùng với sóng cả biển Đông theo con thuyền cứu khổ của Bồ tát Nam hải.
Bóng dáng uy nghiêm đã khuất, âm dung còn phảng phất không chỉ trong lòng những kẻ hữu duyên,
Mà trong cả Phật giáo Việt Nam, trong cả tự tình dân tộc
Giữa im lặng hồn nhiên, lòng người thổn thức,
Kính tiễn bậc Cao tăng du phương trong Vô trụ xứ
Xin dâng ba lạy này nguyên vẹn một tâm tang.
Kính nguyện Giác linh Người Cao đăng Phật quốc.

NAM MÔ VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT GIÁO HỘI ĐỆ NGŨ TĂNG THỐNG thượng QUẢNG hạ Độ TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG GIÁC LINH THÙY TỪ NHÃ GIÁM.

Khể thủ lễ túc Giác Linh Hòa Thượng!

Môn hạ thị lập – Tỳ kheo Thích Tuệ Sỹ



ht thich tue sy
cam niem an su-ht tue sy-1cam niem an su-ht tue sy-2cam niem an su-ht tue sy-3
Kính mời xem tiếp: Di Ngôn & Lễ Tưởng Niệm Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ (ngày 18-04-2020)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/05/2012(Xem: 7655)
Tín Nghĩa tôi đến định cư Hoa Kỳ vào ngày 19 tháng 09 năm 1979, do nhị vị Hòa thượng Thích Thiên Ân và Hòa thượng Thích Mãn Giác bảo lãnh từ trại tỵ nạn Hongkong. Ngồi tính sổ thời gian thì cũng đã gỡ gần ba chục cuốn lịch. Giá như thời gian này mà ở trong tù thì cũng mục xương và chẳng bao giờ được thấy ánh sáng của thiên nhiên.
27/05/2012(Xem: 18498)
Tác phẩm Trí Quang Tự Truyện bản pdf và bài viết "Đọc “Trí Quang Tự Truyện” của Thầy Thích Trí Quang" của Trần Bình Nam
15/05/2012(Xem: 5233)
Trong đạo lập thân của người xưa – lập công, lập đức, lập ngôn– thì lập ngôn thường được cho là quan trọng nhất, vì đó là phần “hình nhi thượng”, là tinh hoa tư tưởng cá biệt của một dòng đời mang tính truyền thừa lâu dài và sâu xa cho hậu thế. Người đem hết năng lực tinh thần và tri thức của đời mình để lập ngôn thì thành nhà tư tưởng, triết gia. Người đem chất liệu đời mình để viết lại thì thành tác giả tự truyện, hồi ký.
09/05/2012(Xem: 7226)
Sự xuất hiện của Tổ sư Liễu Quán (1667-1742) như là một Bồ tát bổ xứ, thực hiện sứ mệnh lịch sử: Không chỉ duy trì và phát triển mạch sống Phật giáo Việt Nam giữa bối cảnh xã hội tối tăm, Phật pháp suy đồi mà còn thể hiện sự xả thân vì đạo; lập thảo am, ăn rong, uống nước suối, hơn mười năm tham cứu công án, tu hành đắc đạo.
28/04/2012(Xem: 4337)
Nhà văn cư sĩ Huỳnh Trung Chánh, còn có bút hiệu Hư Thân, sanh năm 1939 tại Trà Vinh, quê nội của ông. Suốt quảng đời niên thiếu ông sống nơi quê ngoại tại Cao Lãnh, tỉnh Sa-Đéc, Nam Việt Nam. - Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa( 1961 ), Đại Học Luật Khoa Saigon. - Tốt nghiệp Cử nhân Phật Học (1967), Phân Khoa Phật Học và Triết Học Đông Phương, Viện Đại Học Vạn Hạnh, Saigon. Là một công chức dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, ông đã nổi tiếng thanh liêm, chánh trực và hết lòng dấn thân để phục vụ đại đa số dân chúng Việt Nam theo hạnh Bồ Tát của Phật giáo. Ông đã từng giữ các chức vụ sau đây: - Lục sự tại Toà Án Saigon và Long An (1960 – 1962). - Chuyên viên nghiên cứu tại Phủ Tổng Thống (1962 – 1964). - Thanh Tra Lao Động tại Bộ Lao Động (1964 – 1965). - Dự Thẩm tại Toà Sơ Thẩm An Giang (1965 - 1966). - Chánh Án tại Toà Sơ Thẩm Kiên Giang (1966 – 1969) và Toà Án Long An (1969 – 1971). - Dân Biểu Quốc Hội VNCH tại Thị Xả Rạch Giá (1
26/04/2012(Xem: 17064)
Mùa Phật Đản 1963, có máu, lửa, nước mắt và xương thịt của vô số người con Phật ngã xuống. Nhưng từ trong đó lại bùng lên ngọn lửa Bi Hùng Lực của Bồ Tát Thích Quảng Đức
20/04/2012(Xem: 8156)
Hòa thượng Thích Thiên Ân, thế danh Đoàn Văn An, sinh ngày 22 tháng 9 năm Ất Sửu 1925, tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ của Ngài là Đoàn Mễ, sau xuất gia là Thượng tọa Thích Tiêu Diêu một bậc tử đạo Vị pháp thiêu thân, thân mẫu là một tín nữ chuyên lo công quả ở chùa Báo Quốc và tu viện Quảng Hương Già Lam, Ngài là con trai thứ trong một gia đình có 4 anh em. Ngài xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc, có truyền thống kính tin Phật pháp lâu đời. Nhờ duyên gần gũi Tam bảo từ thuở nhỏ, Ngài đã sớm mến cảnh thiền môn với tiếng kệ câu kinh, nên năm lên 10 tuổi (1935), Ngài theo bước phụ thân xin xuất gia đầu Phật tại chùa Báo Quốc, làm đệ tử của Hòa thượng Phước Hậu, được Bổn sư ban pháp danh là Thiên Ân, Ngài tinh tấn chấp tác, học tập thiền môn qui tắc, hầu cận sư trưởng. Năm Tân Tỵ 1941, khi được 16 tuổi, Ngài được Bổn sư cho thọ giới Sa di tại giới đàn chùa Quốc Ân – Huế, do Hòa thượng Đắc Quang làm Đường đầu truyền giới.
08/04/2012(Xem: 4625)
Hòa thượng thế danh Đoàn Thảo, sinh ngày 10 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909), niên hiệu Duy Tân năm thứ 3 trong một gia đình nhiều đời theo Phật tại xứ Đồng Nà, tổng Phú Triêm Hạ, xã Thanh Hà, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (Nay là thôn Đồng Nà, xã Cẩm Hà, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam). Thân phụ là cụ ông Đoàn Văn Nhơn pháp danh Chơn Quang, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Có. Gia đình Ngài gần chùa Vạn Đức, lại thêm cụ thân sinh là tín đồ thuần thành của chùa, nên từ thuở nhỏ, Ngài thường theo cha đến chùa hàng đêm tụng kinh niệm Phật. Từ đó, chủng tử Bồ Đề lớn dần trong tâm và Ngài tỏ ra những biểu hiện rất có căn duyên với cửa Không môn của nhà Phật.
31/03/2012(Xem: 5391)
Hòa thượng thế danh Dương Đức Thanh, tự Liễu, pháp danh Như Nhàn, tự Giải Lạc, hiệu Trí Giác, nối pháp đời thứ 41 dòng Lâm Tế, thế hệ thứ 8 pháp phái Chúc Thánh. Ngài sinh năm Ất Mão (1915) tại làng Cẩm Văn, huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nhiều đời kính tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Dương Đức Giới pháp danh Chương Đồ, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Phụng pháp danh Chơn Loan. Năm lên 3 tuổi, thân phụ Ngài qua đời, thân mẫu tảo tần nuôi con và cho Ngài theo học chữ Nho với các cụ đồ trong làng, được 5 năm mới chuyển sang học Việt văn.
23/03/2012(Xem: 5055)
Đức Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN là thế hệ thứ 8 của phái Thiền Thiệt Diệu Liễu Quán, Pháp danh Trừng Nguyên, Hiệu Đôn Hậu. Xuất gia và thọ cụ túc với Hòa Thượng Bổn sư là Tổ Tâm Tịnh, khai sơn chùa Tây Thiên Huế, sau các Pháp huynh là quý Hòa Thượng Giác Nguyên, Giác Viên, Giác Tiên, Giác Nhiên...
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567