Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lộ Trình Tâm Thức trong cõi thơ Thanh Trí Cao

13/06/201915:29(Xem: 4885)
Lộ Trình Tâm Thức trong cõi thơ Thanh Trí Cao

LỘ TRÌNH TÂM THỨC

TRONG CÕI THƠ THANH TRÍ CAO

 

THÁI TÚ HẠP

 

Đã có nhiều thời đại trong lịch sử Việt Nam, chứng minh tư tưởng triết học Phật Giáo thâm uyên, ảnh hưởng sâu xa trong đời sống và tâm hồn Dân Tộc, kể từ khi Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu đầu tiên được hình thành tại Bắc Ninh. Đều đáng xiển dương hơn nữa là Phật Giáo, ngoài quan điểm vô ngã phá chấp, tiếp cận mật thiết với mọi tầng lớp xã hội từ vua quan đến thứ dân, từ bản sắc văn hóa đến khuynh hướng chính trị, Phật Giáo còn cấu tạo nên những ý thức hệ căn bản, phát huy tinh thần Dân Chủ, Nhân Bản và Khai Phóng phù hợp với tâm lý tập quán và đạo lý Nhân Ai truyền thống của Dân Tộc. Các bậc Đại Đức Cao Tăng hòa nhập chia xẻ với sinh mệnh thăng trầm đau thương của Tổ Quốc.

blank

Vì tư tưởng Phật Giáo được đặt trên cơ sở CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU - KHÔNG ở đây không có nghĩa là "Hư Vô Chủ Nghĩa". KHÔNG chính là cái CÓ VI DIỆU. Từ ý nghĩa đó, thể hiện tính chất biện chứng dấn thân tích cực để mang lợi ích cho đời sống con người và cho xã hội. Tận tụy phục vụ và sẵn sàng hy sinh cho quê hương Đất Nước nhưng với tinh thần vô cầu và không vướng mắc vào lợi danh hư huyễn.

 

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Thiền Sư Vạn Hạnh)

 

Đời sống vốn đã vô thường. Thịnh suy như giọt sương trên ngọn cỏ- Chính vì quan niệm siêu thoát như thế. Khi đất nước thanh bình Tự Do Dân Chủ thật sự, các bậc Thiền Sư hoàn tất bổn phận, trở về mái chùa xưa lo trì giới khổ hạnh, tụng kinh niệm Phật, hoằng dương đạo pháp. Sống cuộc đời an nhiên tự tại giữa núi rừng tịch tĩnh, diện bích soi tâm. Vượt tới bến bờ Liễu Ngộ Chân Như, cứu độ nhân thế qua những lộ trình chuyển hóa tâm linh.

Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại, và nhất là trong giới tu sĩ đạo hữu Phật Giáo, tên tuổi Thượng Tọa Thích Quảng Thanh, hay nhà thơ, nhà nghệ sĩ tài hoa đa diện Thanh Trí Cao quả thật không còn xa lạ. Đạo và Đời, thi sĩ - tu sĩ Thanh Trí Cao đã thực sự biểu hiện thiện chí tích cực với tâm lượng bao dung hài hòa chân thật. Lúc nào tâm nguyện của nhà thơ Thanh Trí Cao cũng đem đến cho cuộc đời đầy nhiễu nhương, bi thảm của kiếp người lưu vong nơi đọa đầy viễn mộng, bằng những chia xẻ từ ái như những que diêm bật sáng, cho người lữ khách cô đơn giữa đêm đông lạnh giá, với ý chí kiên trì miệt mài liên tục qua thời gian. Và nhà thơ đã cảm nhận thăng hoa niềm an vui, đem đến cho mọi người cùng khổ là chính tạo cho tâm tác giả sự an lạc thường hằng. Có lẽ từ ý niệm sâu sắc cao quý đó, nhà thơ đã hình thành thi phẩm với nhan đề: "HÁI HOA TUYẾT ĐÔNG", gợi ý cho chúng tôi nhớ đến hai câu thơ thâm thúy-

 

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt

Chẩm đắc mai hoa phác tì hương?

(Không qua một tiết đông dài

Làm sao mai nở, mùi hương dạt dào?)

 

của Hoàng Bách Hy Vân Thiền Sư sáng tác cách đây một ngàn hai trăm năm trước?

Những tương quan giữa con người với vũ trụ, giữa con người với con người phải chăng không mấy dị biệt trong tâm thức sáng tạo xưa và nay?

- Bông hoa tuyết là bông hoa quý phái. Đúng thế, bạn sẽ là người tiếp thị với môi trường nghệ thuật sống để tạo thành huyền thoại đẹp nhất như một dòng thơ siêu thực chảy bất tận trong dòng thời gian của cuộc đời

Mặc dù dành nhiều thời gian cho công việc Phật sự và từ thiện xã hội, thiền giả - thi sĩ vẫn không quên dành cho chính tâm mình những giây phút trầm lắng riêng tư trong sáng tạo nghệ thuật. Làm thơ, vẽ tranh, cắm hoa, chăm sóc cây kiểng- đặc biệt ở lãnh vực thi ca, nhà thơ Thanh Trí Cao chứng tỏ rất đam mê và phong phú. Bằng chứng chỉ trong một thời gian ngắn, nhà thơ Thanh Trí Cao đã liên tục cho xuất bản các thi tập "Trăng Ngủ Trong Mây", "Trên Dòng Tử Sinh", "Hương Vị Chân Tâm" và bây giờ "Hái Hoa Tuyết Đông".

Riêng với toàn bộ nội dung thi tập "Hái Hoa Tuyết Đông", chúng ta có thể khám phá thi nhân muốn khai triển ở hai phạm trù Nhập Thế và Xuất Thế. Đôi khi nhà thơ băn khoăn chính từ mâu thuẫn nội tâm, giữa lịch sử, tâm linh và thực tại:

 

Bước chân lữ khách nhớ quê

Cánh chim phiêu bạt vỗ về hư không

Bước chân tiếp nối bước chân

Lời ru của Mẹ vết hằn trong tôi

(Bước Chân)

 

Tâm sự người xưa não nề bi thiết có khác gì với tâm sự người trong một tâm cảnh xa lìa cố quận thân yêu. Cái nỗi lòng viễn xứ xúc cảm lưu đày của Thi Bá Tô Đông Pha đến Thi Sĩ Thanh Trí Cao có gì khác nhau.

 

Người đứng đó cheo leo chóp đỉnh

Tô Đông Pha khoác áo lên đường

Sao không giống như ngày xưa ấy

Say mê chi Thánh đế phong sương

 

Tình đạo sĩ đả thông ngữ nghĩa

Không mơ hồ gối mộng phôi pha

Ai để lại dòng thơ hương vị

Nửa cho người, một nửa cho ta.

(Hoa Nở Tàn Đông)

 

Nhà thơ Thanh Trí Cao đã quán triệt chân lý "Chân Không Diệu Hữu" nên nhà thơ không quản ngại dấn thân vào cuộc đời để san xẻ nỗi đau chung của Dân Tộc:

 

Vết tích người trong hồn thơ đó

Tôi lắng nghe âm điệu mây ngàn

Từng chiếc lá mảnh mai huyền diệu

Đời dấn thân tình nghĩa cưu mang

 

Đặc tính của tư tưởng Việt Nam là nâng cao tinh thần nhân ái, bình đẳng nhưng phải trên cơ sở Nhân Chủ Tự Do cho dù phải kiên trì phấn đấu, cho dù đang ở nơi điểm tựa nào trên thế giới. Trong thơ Thanh Trí Cao đã cưu mang nồng thắm lòng yêu mến và tưởng nhớ quê hương:

 

Trên đỉnh tháp của dòng tư tưởng

Mái chùa cong sắc thái đặc thù

Nét cổ kính nghìn năm thử thách

Tình Đông Tây hòa điệu thiên thu

 

Người xót xa lưu đày thân phận

Quê hương ơi! Từ đó mỏi mòn

Vẫn cứ gọi Tự Do chưa đến

Đã bao lần chết dỡ mầm non

 

Những biến thiên của lịch sử, những nổi trôi của vận nước, đã cuốn hút Phật Giáo vào chung cơn Pháp Nạn. Những Tăng Ni bị đuổi ra khỏi chùa, tù đày khổ ải, vong thân trên chính quê hương yêu dấu. Nhà thơ Thanh Trí Cao đã thấu hiểu nỗi niềm xót xa trầm thống đó và đã sáng tạo nên những vần thơ ngậm ngùi hệ lụy, thể hiện tinh thần viên dung vô ngại, vận động nuôi thắp những ước mơ bằng những tư duy hiện thực.

Chia xẻ với các Cao Tăng Đại Đức đang thầm lặng thách thức với quyền lực chuyên chính. Tỉnh thức trong sứ mệnh lịch sử, giải trừ ách nạn trầm luân, để nguyện cầu cho Dân Tộc Việt Nam sớm an hưởng một thể chế Dân Chu Tự Do Thanh Bình thực sự.

 

Người xưa ấy đây còn chứng tích

Người hôm nay chuyển tiếp mãi sau

Những tin tưởng nhìn về một hướng

Lòng Từ Bi chia xẻ niềm đau

 

Nửa trái đất không gian ngăn cách

Nén hương lòng, cầu nguyện quê hương

Hỡi thế giới! Lắng nghe tiếng gọi

Người tù già da bọc lấy xương

 (Thách Thức)

 

Sự kiên trì nhẫn nhục khởi phát từ lòng bi mẫn, khoan dung, và tâm niệm: "Không thể lấy thù oán để diệt sân hận, chỉ có tâm Từ Bi mới dập tắt được lửa hận thù". Đó là phương cách duy nhất để hóa giải định kiến vô minh.

 

Cõi thơ Thanh Trí Cao không những viện dẫn những tư duy đơn thuần về những vấn nạn đời thường, thi tập "Hái Hoa Tuyết Đông" còn mở ra những cánh rừng tâm thức Thiền Vị mênh mông. Những hơi thở bàng bạc tạo nên những lộ trình tư duy tỉnh thức trước những lao xao của thời thế nhân sinh- "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm", để tự khai ngộ đạt đến an nhiên vô nhiễm trước những giao động hỉ nộ ái ố ai lạc dục. Cái sát na hạnh ngộ đó đã hốt nhiên sáng tạo nên những âm điệu đặc thù trong sáng của tâm linh. Dâng hiến cho đời như những bông hoa tuyết đang rơi trong Hư Không Tịch Tĩnh. Như thi sĩ Thanh Trí Cao đã tâm sự:

 

"Thơ vẫn đẹp như lòng người nghệ sĩ mạo hiểm làm cuộc hành trình "Hái Hoa Tuyết Đông" hiến tặng cho đời, Có hay Không bản thể đồng nhất cơ hồ những cánh hoa tư tưởng mịn màng vô nhiễm. Thơ vẫn là thơ, ngôn ngữ cho dù thực hay siêu thực đều uyển chuyển linh động nhẹ nhàng như những cánh én mùa xuân gợi cảm cả bầu trời trong thanh ngoạn mục hữu tình":

 

Như giòng nước không hề lặp lại

Giữ nụ cười thuở ấy ban sơ

Ôi vũ trụ! Bềnh bồng hoang dại

Ai chẻ chi sợi tóc đôi bờ

 

Trong thực thể hay ngoài thực thể

Bất khả phân ánh sáng như nhiên

Ai níu kéo thời gian huyễn hoặc

Ta chân tình hội nhập vô biên

(Chẻ Tóc Đôi Bờ)

Cuối cùng sự hiện hữu của những hạt bụi trong không gian vô tận, thời gian vô tăm. Tâm phiêu lãng rồi cũng quay về với bản chất uyên nguyên, trong suốt và thanh tịnh được gọi là Tánh Không. Đạt tới trọng điểm Tánh Không là đạt tới cảnh giới An Lạc nơi Niết Bàn.

 

Tâm sanh, sanh hoan hỉ

Tâm diệt, diệt hồ nghi

Pháp Không hay pháp Có

Giọt nước đầy tràn ly

(Cảm Ứng)

 

Anh tự hỏi như bao lần trước

Trọn tâm tình chuyển hướng thiết tha

Nhưng hôm đó anh cười thỏa mãn

Ta tìm ta, ta lại gặp ta!

(Ta Tìm Ta)

 

Cho dù tài hoa đến mấy, con người là thể chất hữu hạn không thể nào diễn đạt hết cái tuyệt kỹ vô hạn của vũ trụ. Thơ Thiền là sáng tạo trong tinh thần phương tiện thiện xảo thời thượng của các Thiền Sư truyền đạt ý chỉ Chân Như, bằng cung cách chuyển vận ngôn ngữ của nghệ thuật thi ca và tư tưởng siêu việt. Thiền Sư Đạo Hạnh đã dạy:

 

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước hữu không không

(Hữu Không)

 

Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế gian này cũng không

Vầng trăng vằng vặc in sông

Chắc chi có có, không không mơ màng

 (Khuyết Danh)

 

Trong thế giới thi ca của Thanh Trí Cao cũng ẩn chứa lời kinh siêu thoát mênh mông, huyền diệu, thâm trầm triết lý uyên bác của Phật Giáo. Những băn khoăn, những thao thức về thân phận, về quê hương đất nước, về con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu? Niết Bàn hay địa ngục nơi trần thế?

 

Nghìn xưa mãi đến nghìn sau

Hương thơ ngự trị vá khâu mảnh trời

Chuông ngân xao xuyến bụi đời

Người ơi! Khoác áo dạo chơi Niết Bàn?

 (Bước Chân)

 

Với kiến thức am tường giới hạn về triết học Phật Giáo. Chúng tôi mạo muội bước vào cõi thơ của thiền giả - thi sĩ Thanh Trí Cao với cảm xúc thế tục chắc chắn không thể hiện trọn vẹn những phong thái sâu sắc của nguồn triết học Đông Phương, mà nhà thơ Thanh Trí Cao đã quán triệt. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến với một nhận định khiêm tốn, khách quan, dĩ nhiên không phải là tuyệt đối. Bất cứ một tác phẩm văn học nghệ thuật nào được sáng tạo đã tự nó mang một giá trị riêng biệt. Giá trị được nâng cao nếu tác phẩm đích thực được đón nhận nồng nhiệt nơi quần chúng qua nội dung tác phẩm cưu mang những ý tưởng uyên bác và thâm viễn. Nhà thơ Thanh Trí Cao, tu sĩ có tâm hồn nghệ sĩ đa dạng.

Ngoài tài hoa sáng tác thi văn, nhà thơ Thanh Trí Cao còn là một nhà họa sĩ, qua những bức tranh bìa và những phụ bản trong các tác phẩm "Trăng Ngủ Trong Mây", "Trên Dòng Tử Sinh", "Hương Vị Chân Tâm", và "Hái Hoa Tuyết Đông" đầy những nét thanh thoát siêu nhiên. Đặc biệt khi nhìn bức tranh "Thuyền Về Bến Giác", tôi liên tưởng đến mấy câu thơ Đường của Vương Chi Hoán trong bài Xuất Tái:

 

Hoàng Hà viễn thướng bạch vân gian

Nhất phiến cô thành vạn nhận san

Khương địch hà tu oán dương liễu

Xuân phong bất độ Ngọc Môn Quan

...

Hoàng Hà nước chảy tận mây

Cô đơn một mảnh thành xây đỉnh ngàn

Sáo Khương chớ oán ly tan

Gió xuân khôn đến Ngọc Quan biên thùy

 (Chi Điền)

 

Giòng thơ của Thanh Trí Cao cũng giống như giòng nước chảy từ đỉnh non cao, miên man vô tận từ Đông sang Tây, từ Đạo đến Đời. Chúng ta không tìm thấy hình bóng của cuồng nộ hận thù. Chỉ thấy tâm như bầu trời xanh thong dong những làn mây trắng - Một cánh rừng mở ra với muôn ngàn hoa lá Hương Thiền tỏa ngát, giữa thanh khí tĩnh lặng của Thiền Môn. Tất cả ngôn từ không làm hay hơn một bài thơ tự nó đã là diễm tuyệt. Giòng đời trôi qua như giòng nước cuốn phăng bao nhiêu cánh bèo tử sinh hư huyễn, nhưng vầng trăng sẽ không bao giờ bị cuốn mất trong tâm người nghệ sĩ như một ý niệm về Thiền đã giải thích:

 

...

Dù suối chảy phăng phăng

Không mang trăng đi mất...

 

Nước là nước, trăng là trăng, đó là lẽ sinh tồn tự nhiên của sự chuyển hóa trong vũ trụ. Thời gian sẽ qua đi. Chúng ta hy vọng vầng trăng "Hái Hoa Tuyết Đông" sẽ mãi mãi trường tồn trong tâm hồn nhân thế - Đẹp và thơ mộng như vầng trăng trên giòng sông tâm thức yêu dấu nơi quê nhà.

 

Source: https://vietbao.com/p112a295269/lo-trinh-tam-thuc-trong-coi-tho-thanh-tri-cao





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2013(Xem: 5387)
Hòa thượng pháp danh Trí Độ, hiệu Hồng Chân, thế danh Lê Kim Ba, sinh ngày 15 tháng 12 năm 1894 tại thôn Phổ Trạch, xã Kỳ Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình Nho học, lúc thiếu thời Ngài học chữ Nho và năm 18 tuổi học trường Sư phạm. Vì thế mà sở học rất uyên thâm, thêm lòng mến mộ đạo Phật, Ngài đi sâu vào nghiên cứu giáo lý và trở thành một vị học Phật lỗi lạc.
09/04/2013(Xem: 5833)
Hòa Thượng pháp danh Thích Tâm Thi, đạo hiệu Tuệ Tạng, thế danh Trần Thanh Thuyên, sinh năm Canh Dần (1889) tại làng Quần Phương Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thân phụ Ngài là ông Trần Tín tự Phúc Châu, thân mẫu là bà Vũ Thị Tú hiệu Diệu Hòa.
09/04/2013(Xem: 6805)
Hòa thượng Hộ Tông (1893-1981), Maha Thera Vansarakkhita, có thế danh là Lê Văn Giảng, sinhngày 15 tháng 10 năm 1893, tại làng Tân An, quận Tân Châu, tỉnh Châu Đốc. Ngài xuất thân trongmột gia đình trung lưu trí thức, thân phụ là ông Lê Văn Như, thân mẫu là bà Đinh Thị Giêng.
09/04/2013(Xem: 5847)
Hòa Thượng họ Nguyễn, Húy Văn Kính, pháp danh Tâm Như, tự Đạo Giám, pháp hiệu Thích Trí Thủ. Ngày sinh ngày 19 tháng 9 năm Kỷ Dậu, tức ngày 01-11-1909 trong một gia đình nho phong thanh bạch, tại làng Trung Kiên, tổng Bích Xa, phủ Triệu Phong (nay là xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là cụ Nguyễn Hưng Nghĩa, thân mẫu là cụ Lê Thị Chiếu. Hai cụ là người rất kính tín Tam Bảo. Vì vậy, dù là con trai độc nhất trong gia đình, lúc 14 tuổi Ngài đã được song thân cho vào học kinh kệ ở chùa Hải Đức Huế.
09/04/2013(Xem: 10225)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái.
09/04/2013(Xem: 8256)
Hòa thượng húy Trần Thiện Hoa, pháp danh Thiện Hoa, hiệu Hoàn Tuyên, sanh ngày 7-8 năm Mậu Ngọ (1918), tại làng Tân Quy (sau đổi tên là An Phú Tân), quận Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay là tỉnh Trà Vinh). Hòa thượng là con út (thứ chín) trong gia đình. Thân phụ Hòa thượng huý Trần Văn Thê, pháp danh Thiện Huệ, thân mẫu húy Nguyễn Thị Sáu, pháp danh Diệu Tịnh. Toàn thể gia đình Hòa thượng đều quy y với tổ Chí Thiền chùa Phi Lai núi Voi, Châu Đốc. Pháp danh Thiện Hoa do Tổ đặt cho Hòa thượng.
09/04/2013(Xem: 13352)
Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang thế danh là Lê Đình Nhàn, sinh năm Canh Thân, ngày 19-9-1920 (tức ngày mồng 8 tháng 8 năm Canh Thân), quê thôn Háo Đức, xã Nhơn An, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân phụ là cụ ông Lê Vỵ pháp danh Như Hương, thân mẫu là cụ bà Ngô Thị Tư pháp danh Như Tâm cùng ở làng Háo Đức.
09/04/2013(Xem: 5575)
Hòa Thượng THÍCH BẢO AN, húy thượng THỊ hạ HUỆ tự HẠNH GIẢI, thế danh LÊ BẢO AN, thuộc đơøi Lâm Tế Chánh Tông thứ Bốn mươi hai. Nguyên Hòa Thượng sanh năm 1914 (Giáp dần), tại thôn Tịnh Bình, xã Nhơn Hạnh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, trong gia đình Lê gia thế phiệt, vốn dòng môn phong Nho giáo, đời đời thâm tín Tam Bảo, tôn sùng Ðạo Phật. Thân phụ là cụ ông LÊ PHÚNG, pháp danh NHƯ KINH, thân mẫu cụ bà TỪ THỊ HỮU, pháp danh NHƯ BẰNG, đức mẫu là cụ bà NGUYỄN THỊ CƠ, pháp danh NHƯ DUYÊN.
09/04/2013(Xem: 13349)
HT Thích Giác Trí, húy Nguyên Quán, phương trượng chùa Long Hoa, quận Phù Cát - Bình Định, tuổi Mậu Thìn 1928, năm nay 80 tuổi. Năm 13 tuổi Ngài xuất gia với Đại sư Huyền Giác, là Trụ trì tổ đình Tịnh Lâm Phù Cát. HT Mật Hiển 1907-1992 chùa Trúc Lâm, Huế, thọ giới Tỳ kheo tại đây năm 1935, giới đàn do HT Huyền Giác thành lập, thỉnh Tổ quốc sư Phước Huệ làm Đàn Đầu Hòa Thượng.
09/04/2013(Xem: 6351)
Bác Phạm Đăng Siêu sinh ngày 4 tháng 7 năm Nhâm tý (1912) tại Phú Hòa, kinh đô Phú Xuân, thành phố Huế. Nguyên quán thôn Tân Niên Đông, huyện Tân Hòa, phủ Tân Định, tỉnh Gò Công. Song thân Bác là cụ ông Phạm Đăng Nghiệp và cụ bà Tôn Nữ Thị Uyên, thuộc gia đình quý tộc giàu có.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567