- Hướng Về Xứ Lạnh (thơ)
- Niềm Thao Thức
- Suy Gẫm (thơ)
- Mừng Về Nguồn 10
- Hình ảnh chuẩn bị Ngày Về Nguồn Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ 10
- Hội Thảo Giáo Dục và Hoằng Pháp
- Tham Luận về Vấn Đề Giáo Dục Phật Giáo
- Cuộc đời và sự cống hiến cho PG của HT Thích Đôn Hậu
- Lễ Bồ Tát
- Lễ Khai Mạc Lễ Hiệp Kỵ 2016 (Về Nguồn 10)
- Hội Thảo ngày thứ bảy
- Lễ Hiệp kỵ & bế mạc
- Lễ Động Thổ Xây Dựng Chánh Điện Tu Viện Phổ Đà Sơn, Ottawa, Canada (khai sơn: HT Thích Bổn Đạt)
- Video: Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Về Nguồn 10)
- Con Đường Hoằng Pháp Tại Hải Ngoại
- Về Nguồn Rực Rỡ Sắc Thu Phong
- Lịch sử hành hoạt của GHPGVN Thống Nhất
- Đạo từ Lễ đặt đá xây dựng Chánh Điện Tu Viện Phổ Đà Sơn
CHO PHẬT GIÁO CỦA
HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU
ĐỆ TAM TĂNG THỐNG GHPGVNTN
HT. T Bảo Lạc, HT. T Tánh Thiệt thuyết trình trong ngày Về Nguồn 10 và Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư tại tu viện Phổ Đà Sơn - Canada ngày 8/10/2016
Đọc tiểu sử cuộc đời tu niệm, hành đạo của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, ta có cảm nghĩ như áng mây trôi trong bầu trời xanh lúc cao vút tựa diều gặp gió, khi lững lờ khựng lại chừng mất hút tan loãng không còn lưu dấu vết. Có thể nói Ngài sống trải qua bốn chế độ: thực dân Pháp (1905-1944), quân phiệt Nhật (1944-1947), Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) và cộng sản (1975-1992); dù vậy, bản thể tăng già nơi Ngài vẫn như nguyên vẹn không bị thế gian làm lu mờ mai một.
I/Thời tuổi thơ:
Ngài thế danh là Diệp Trương Thuần, sanh ngày 13 tháng giêng năm Ất Tỵ (16-02-1905) tại làng Xuân An, Tống An Đôn, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị - Việt Nam. Thân phụ là ông Diệp Văn Kỷ, một vị lương y nổi tiếng, về sau theo bước Ngài, ông xuất gia tu hành tinh cần, lập chùa Long An - Quảng Trị và có thời trụ trì chùa Sắc Tứ Tịnh Quang (Quảng Trị). Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Cựu, qua đời khi Ngài mới lên 9 tuổi.
Gia đình thâm tín Phật giáo, phụng sự tam bảo nên được chư tăng thường tới nhà thăm viếng, trong đó có thiền sư Tâm Tịnh, nhìn thấy diện mạo chú bé khôi ngô, liền tỏ lòng ưu ái, luận đoán mà như thọ ký cho Ngài con đường xuất thế. Ông Diệp Văn Kỷ có hai đời vợ: vợ trước sinh được chỉ một người con trai là Diệp Văn Hùng. Ông này có người con trai là Diệp Tâm Khai xuất gia hiệu Trí Ấn, tức Hòa Thượng Nhật Liên đã viên tịch. Sau khi vợ mất ông Diệp Văn Kỷ cưới bà Nguyễn Thị Cựu sanh được bốn người con: 1 gái tên là Diệp Thị Tý và 3 trai mà người thứ nhất là Diệp Trương Thuần xuất gia với Hòa Thượng Tâm tịnh chùa Tây Thiên, có pháp danh Trừng Nguyên, hiệu Đôn Hậu. Người con trai kế là Diệp Trương Cẩn, và con trai út là Diệp Thanh Trúc, cũng xuất gia và thọ nạn trong vụ Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội năm 1966.
- Ảnh hưởng gia đình: Ông Diệp Văn Kỷ là một cụ đồ nho, giỏi về ngành thuốc lại có lương tâm và lòng thương người thường hay giúp đỡ kẻ cơ nhở, bịnh hoạn mà không tính công, nên trong vùng mọi người ai cũng quí mến, thân cận. Ông cũng là một Phật tử đạo tâm, nên trợ duyên rất lớn cho việc xuất gia của người con trai sớm mất mẹ trở thành trụ cột cho Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20
- Phật giáo Thừa Thiên với pháp phái Liễu Quán: Vào hậu bán thế kỷ 19, sơn môn Huế thường tâm đắc về 9 cao đệ của Hòa Thượng Hải Thuận - Lương Duyên (trụ trì chùa Báo Quốc) với pháp tự chữ Giác là cửu Giác bằng sự tôn kính. Hòa Thượng Giác Thanh (Tâm Tịnh) [1] đạo phong khả kính ở kinh đô, vua Khải Định mỗi lần lên thăm Ngài tại chùa Thiền Lâm, thường để xe cộ, hộ vệ bên dưới núi, đi bộ một mình. Đức độ Ngài được nhiều người biết đến không những ở chốn kinh kỳ mà tại khắp các tỉnh miền Trung không ai là không tâm phục.
- Hồi chuông cảnh tỉnh: Do cái chết trẻ của người anh rể, chồng bà Diệp Thị Tý, để lại đứa con gái còn nhỏ dại, khiến người chị lâm cảnh góa bụa sớm. Chứng kiến cảnh vợ trẻ mất chồng, con thơ mồ côi cha trong gia đình làm cho chàng trai Diệp Trương Thuần suy tư nhiều hơn về đời sống vô thường mong manh tựa như giọt sương mai trên đầu ngọn cỏ. Thay vì lập gia đình, theo như sự sắp xếp của phụ thân, chàng thanh niên Thuần xin phép cha được xuất gia như sở nguyện, ứng hợp với lời thọ ký của Hòa Thượng Tâm Tịnh lúc trước.
- Một đại nhân duyên: Năm 1916, Diệp Trương Thuần 11 tuổi, Hòa Thượng Tâm Tịnh về thăm chùa Tịnh Quang (Quảng Trị); Ngài đang đứng nói chuyện với chư tăng trước sân chùa, nhân thấy một toán học sinh đi qua, đặc biệt Ngài chú ý tới một cậu học sinh độ chừng 11, 12 tuổi khôi ngô tuấn tú khác thường. Hòa Thượng chăm chú nhìn cậu rồi bước lại gần cầm tay hỏi:
- Con tên gì? bao nhiêu tuổi?
- Con tên Thuần, Diệp Trương Thuần. Con 11 tuổi.
- Con học gì đó, đưa ta xem nà.
- Con học Luận Ngữ.
- Con học chữ Nho năm nào? Tại sao con không học chữ Quốc Ngữ mà học chữ Nho?
- Con học chữ Nho cách đây 4 năm khi con lên 7. Vì thầy con cho con học chữ Nho nên con học chữ Nho.
Sau đó, Hòa Thượng giở sách bảo đọc và giải nghĩa, cậu bé đọc thông suốt và giải rõ ràng như thầy giáo dạy ở trường. Hòa Thượng vuốt đầu tấm tắc khen ngợi. Ngay chiều hôm đó Hòa Thượng tìm đến nhà cha của cậu học trò khi sáng là ông Diệp Văn Kỷ. Sau khi chủ khách an vị và dùng trà, cụ Kỷ giới thiệu con cái trong gia đình xong. Hòa Thượng hỏi rõ chi tiết giờ và năm sinh của Diệp Trương Thuần, bấm đốt tay tính nhẫm một hồi rồi vui vẻ nói với cụ Kỷ: cháu Thuần có tướng số rất tốt, nếu ở đời sẽ làm quan lớn, còn như xuất gia học đạo sẽ trở thành rường cột cho Phật giáo. Và Hòa Thượng còn nói cho cụ biết thêm: "Quan trường là hoạn hải, sông danh sóng lợi chưa biết sẽ kéo ta vào ngã nào; chi bằng theo Phật, dù có ba chìm bảy nổi cũng chuẩn bị cho con đường giải thoát thênh thang, sáng sủa hơn."
II/ Xuất gia học đạo:
Từ khi nghe Hòa Thượng Tâm Tịnh luận đoán về tương lai của con trai như thế, cụ Kỷ không tỏ ra lo lắng chi, lại có lòng mừng nữa, lo rước thầy về nhà dạy học cho con mau tiến bộ. Trải qua 10 năm đèn sách Diệp Trương Thuần đã làu thông Nho học. Nhưng vấn đề vũ trụ và nhân sinh của đạo Lão và đạo Nho không đáp ứng được nhu cầu tri thức của người thanh niên trí thức ấy đối với cuộc đời và kiếp nhân sinh. Đây là lúc để người thanh niên nghĩ tới con đường xuất gia theo Phật học đạo xuất thế.
Mới đó mà đã 8 năm dài kể từ ngày gặp thiền sư Tâm Tịnh tại nhà (1916). Năm lên 19 tuổi (1923) vào ngày 19 tháng 6 dịp lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm, Ngài xin phép xuất gia và được sự chấp thuận của phụ thân, Ngài đến chùa Tây Thiên đảnh lễ thiền sư Tâm Tịnh làm thầy thế độ và được ban cho pháp danh Trừng Nguyên, pháp tự Giác Thanh, pháp hiệu Đôn Hậu.
- 1. Thọ giới hợp cách: Xuất gia vừa đúng một năm thì năm sau cũng vào ngày lễ vía Bồ Tát Quán Thế Âm (19/6 âm lịch) năm Giáp Tý (1924) Ngài được bổn sư cho thọ tỳ kheo giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu. Năm này (1924) Ngài vừa đúng 20 tuổi, số tuổi y luật đúng pháp quy định cho giới tăng ni đồng chơn được thọ cụ túc giới. Như thế, Ngài đến với đạo vừa hợp thời vừa đúng lúc, và rồi đây hẳn con đường tương lai sẽ huy hoàng rạng rỡ cho Phật đạo.
- 2. Tham phương cầu học: Năm 1927, trường Phật học Thập Tháp tại Bình Định khai giảng, do Tổ khai sơn Ngài Phước Huệ chủ trì giáo huấn, Ngài theo học tại đây 4 năm. Năm 1932 trường cao đẳng Phật học mở tại chùa Tây Thiên, thỉnh Hòa Thượng Phước Huệ từ chùa Thập Tháp Bình Định làm chủ giảng. Trong cuốn tự truyện Trên Những Chặng Đường, Hòa Thượng Đôn Hậu thuật rằng: "Được vào học ở chùa Thập Tháp, tôi nghĩ đây là một dịp may hiếm có. Có thể nói cả sự nghiệp tu hành của đời tôi đều được mở đầu trong chuyến đi cầu học rất có triển vọng này." Lúc Hòa Thượng Phước Huệ ra Huế dạy ở chủa Tây Thiên, Ngài Đôn Hậu tiếp tục theo học chương trình Phật học cho tới khi tốt nghiệp vào năm 1936.
- 3. Nối giòng Phật chủng: Sư Tổ, Ngài Hải Thuận - Lương Duyên, là bổn sư của Hòa Thượng Thanh Ninh - Tâm Tịnh, độ nhiều đệ tử xuất gia mà trong số nổi bật có các Ngài Tâm An, Tâm Quảng, Tâm Truyền, Tâm Thành... Những vị này trở thành là rường cột của tòa nhà Phật giáo nói chung. Ngài Đôn Hậu thọ giáo với Hòa Thượng Thanh Ninh - Tâm Tịnh, cũng là cội tùng đồ sộ, độ cho nhiều đệ tử xuất gia xuất sắc nơi đất thần kinh, điển hình nhất là hai vị Tăng Thống: Hòa Thượng Thích Giác Nhiên - đệ nhị Tăng Thống và Hòa Thượng Thích Giác Thanh - đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Ngài được các bậc đạo sư khả kính tác pháp và thọ giáo với Ngài quốc sư Phước Huệ, là được thừa hưởng ân phước to lớn không gì sánh ví, nên đã dốc tâm học hạnh kiêm ưu để khỏi phụ lòng kỳ vọng nơi các bậc thầy, nhất là với bổn sư truyền pháp, thế độ.
- III. Hoằng pháp:
Trên cầu thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh là tiêu đích của người tu Bồ Tát đạo lấy việc hoằng dương Phật pháp làm hướng tiến thủ. Ngay từ lúc còn học tại viện Tây Thiên, Ngài đã là giảng sư của Hội An Nam Phật Học (1932-1934).
- Phật giáo chuyển mình: Phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu khởi xướng từ năm 1920 nhờ ảnh hưởng phong trào Phật giáo chấn hưng ở Trung Hoa do báo Hải Triều Âm cổ xúy và chư Hòa Thượng như Thái Hư đại sư là tác nhân mang ảnh hưởng trực tiếp tới Phật giáo các nước vùng Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Tại Việt Nam lúc bấy giờ Phật giáo sinh hoạt có tính cách thu hẹp nơi sơn môn mà thôi. Vì giáo lý chưa được phổ biến sâu rộng trong quần chúng, người học Phật chỉ tin Phật nhiều nhưng người Phật tử hiểu giáo lý đạo Phật chẳng bao nhiêu. Chính Hòa Thượng Đôn Hậu là lớp người trung gian giữa cựu và tân này trong vai trò sứ giả hoằng pháp năng động; Ngài sinh hoạt trong suốt bốn chế độ:
- Thời Pháp thuộc: Theo như Hòa Thượng Thiện Hoa thì "Từ khi quê hương tổ quốc của chúng ta bị người Pháp đô hộ. Họ đã cố tình thay hết tất cả những gì quí báu của dân tộc Việt Nam ta, bằng cách thế vào đó những cái gì của họ: Tôn giáo, văn hóa, giáo dục, phong tục, tập quán v.v... Như muốn loại trừ ảnh hưởng của Phật giáo và Nho giáo, thì họ bỏ hết chữ Nho và thay vào bằng chữ Pháp. Nhưng chỉ dạy người dân đủ biết để làm nô lệ cho họ. Vì miếng cơm manh áo nên dân chúng mỗi ngày mỗi nhiều bỏ hết chữ Hán, học theo chữ Pháp. Do bỏ chữ Hán nên dân chúng không đọc được kinh Phật, vì lúc bấy giờ kinh sách Phật toàn chữ Hán..." (50 năm chấn hưng Phật giáo). Mục đích của người Pháp là cố tình nhồi sọ người dân để dễ đồng hóa theo về đường hướng mẫu quốc mà Pháp là đứa con cưng của Giáo Hội Thiên Chúa Giáo La Mã. Họ không muốn thấy Phật giáo được phát triển, nên người Phật tử không hiểu đạo Phật lại càng hay và dễ dàng cho họ.
- Thời quân phiệt Nhật: Đệ nhị thế chiến bắt đầu (1939): Đức tấn công Ba Lan, Anh khai chiến với Đức... khiến cục diện thế giới càng thêm rối ren, căng thẳng. Năm 1940, Pháp hợp tác với quân đội Đức, ký thỏa ước cho phép Nhật Bản đóng quân và sử dụng những tiện nghi cần thiết tại Bắc Việt. Nhưng giấc mộng xâm lăng của Nhật không dừng lại ở đó, dùng quân dội theo ngã Trung Quốc tiến chiếm toàn cõi Việt Nam và cả Đông Dương. Thế là số phận của Việt Nam trở thành là thuộc địa của Thiên Hoàng. Cho đến năm 1944, Tưởng Giới Thạch giúp Hồ Chí Minh phá hỏng hệ thống giao thông và sự chuyển vận của quân đội Nhật, mặt khác Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp lập đạo quân du kích đánh các đồn bót Pháp tại Bắc Việt, mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Biết khó mà thắng được Pháp và sẽ thất trận ở Thái Bình Dương, Nhật làm cuộc đảo chánh tại Việt Nam, đưa Bảo Đại lên làm Quốc Trưởng. Tháng 8 năm 1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh và quân đội Nhật chuyển giao quyền hành cho Việt Minh, rút quân ra khỏi Việt Nam. Mặc dù tình trạng đất nước bất ổn, nhưng với sứ mạng hoằng pháp, Hòa Thượng ghi lại: "Chắc ai cũng biết rằng vào giai đoạn từ 1930 đến 1940, Phật giáo Việt Nam đang ở trong thời kỳ chấn hưng, nên niềm tin và sự hiểu biết của quần chúng cũng có giới hạn. Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi là phải cố gắng đánh thức được phần nào niềm tin và sự hiểu biết của quần chúng, tín đồ, nhất là đối với những người đã ảnh hưởng nặng nề tư tưởng Khổng Mạnh." (Trên Những Chặng Đường - sách đã dẫn). Hòa Thượng không những giảng pháp cho Phật tử Thừa Thiên mà còn được Đà Thành Phật Học Hội tại Đà Nẳng mời tới thuyết giảng. Ngài cũng được Phật tử Việt Nam tại Lào mời giảng dịp lễ Khánh Thành chùa Diệu Giác năm 1940, thu hút được rất đông Việt kiều sinh sống tại đó. Do vậy, hai năm sau năm 1942, hội Phật tử Việt kiều tại Savannakhet cử phái đoàn đến Huế mời Hòa Thượng sang Lào thuyết pháp lần thứ hai. Ngoài việc giảng pháp cho Phật tử, Hòa Thượng còn được hội An Nam Phật Học mời dạy Phật pháp cho đoàn Phật Học Đức Dục, do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám thành lập và hướng dẫn từ năm 1940. Năm 1945, Hội An Nam Phật Học bây giờ đổi thành Việt Nam Phật Học Hội, và Hội thỉnh cử Hòa Thượng giữ chức Chánh Hội Trưởng, thay thế bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám xin nghỉ việc; đồng thời Hội Đồng sơn môn suy cử Hòa Thượng làm trụ trì chùa Linh Mụ. Ngoài ra, Hòa Thượng còn hướng dẫn Tăng Ni tại các Phật học viện; cũng như cộng tác viết bài cho báo Viên Âm, cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật Học, nên vô cùng bận rộn.
- Thời Việt Nam Cộng Hòa: Dưới chế độ gọi là Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, do Tổng Thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo từ năm 1955 đến 1963, trong khoảng thời gian 9 năm đó, giới Phật giáo đã chịu không biết bao nhiêu bất công, đàn áp, bức chế, kể cả thủ tiêu những người tích cực tham gia Phật sự, tại các chùa và các Khuôn Hội. Bởi vì, ông Diệm theo chính sách gia đình trị muốn đạo Chúa ưu thế nên tìm đủ mọi cách đàn áp Phật giáo, ức chế Phật tử tại nhiều nơi, nhất là ở miền Trung nhiều Phật tử trung kiên bị thủ tiêu vào ban đêm xem như biệt tích. Mặc dù bị đàn áp, nhưng hàng tăng già và cư sĩ vẫn nhẫn nại và quyết tâm bảo vệ Phật pháp. Năm 1956, Hòa Thượng thành lập và làm chủ nhiệm Liên Hoa Văn tập. Hai năm sau, năm 1958 Liên Hoa Văn tập được cải danh thành Liên Hoa nguyệt san đều do Ngài làm chủ nhiệm, như cơ quan hoằng pháp của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt. Cao trào đàn áp Phật giáo của chính quyền Diệm lên cao điểm là triệt hạ cờ Phật giáo trong lễ Phật Đản tháng 5 năm 1963. Phật giáo phát động phong trào tranh đấu đòi tự do tôn giáo qua cuộc tự thiêu hùng tráng của Bồ Tát Thích Quảng Đức ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quí Mão (11-06-1963) tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt - Sài Gòn để bảo vệ đạo pháp và dân tộc. Tiếp theo ngọn lửa Thích Quảng Đức là Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu ngày 04/08/1963, Đại Đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu ngày 13/08/1963, sư cô Thích Nữ Diệu Quang tự thiêu ngày 15/08/1963, Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu ngày 16/08/1963 v.v... đã đưa cuộc tranh đấu của Phật giáo lên tới cao điểm, làm cho chính quyền khiếp sợ. Kế hoạch nước lũ càn quét các cơ sở Phật giáo đêm 20/08/1963 của ông Diệm nhằm triệt tiêu, vô hiệu tiếng nói của Ủy Ban Liên Phái đại diện cho Phật giáo. Chùa Xá Lợi, chùa Ấn Quang... tại Sài Gòn, chùa Từ Đàm, chùa Thiên Mụ, chùa Báo Quốc (Huế) và nhiều chùa khác tại hầu khắp các tỉnh miền Trung đều bị chế độ tấn công và bắt đi giới lãnh đạo phong trào tranh đấu trong cùng thời điểm. Ngài cùng chịu chung số phận với chư tăng ni, bị bắt đêm 20 tháng 8 năm 1963 tại chùa Diệu Đế và đưa đi giam giữ, cho tới sau ngày cách mạng 1 tháng 11 năm 1963 mới được thả về chùa. Giáo Hội PGVNTN thành lập năm 1964, Ngài được cử làm chánh Đại Diện miền Vạn Hạnh (Bắc Trung Phần). Năm 1968 sau đợt tấn công Tết Mậu Thân của Việt cộng vào thành phố Huế, bắt đi một số người trong số có Hòa Thượng đưa vào chiến khu và sau đó đưa ra Hà Nội.
- Dưới chế độ Cộng Sản: Sau khi Cộng Sản Bắc Việt xua quân chiếm trọn miền Nam vào 30 tháng 4 năm 1975, Ngài trở về chùa Linh Mụ, và sau đó được mời làm cố vấn Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Từ năm 1976-1986 Ngài giảng dạy kinh luật cho Tăng Ni ở các chùa Linh Mụ, Báo Quốc và Linh Quang tại Huế. Năm 1977, Đại Hội kỳ 7 Giáo Hội PGVNTN, Ngài được suy cử vào Hội Đồng trưởng lão của Giáo Hội và giữ chức Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống. Ngài được Hội Đồng lưỡng viện Hóa Đạo và Tăng Thống cung thỉnh kiêm chức vụ xử lý Viện Tăng Thống, sau khi Đức Đệ Nhị Tăng Thống, Hòa Thượng Giác Nhiên viên tịch năm 1979. Năm 1981 Phật giáo quốc doanh mở đại hội Thống Nhất PGVN tại chùa Quán Sứ, Hà Nội, suy cử Ngài vào Hội Đồng Chứng Minh và chức vụ đệ nhứt Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Ba lần Ngài được cung thỉnh làm Đàn Đầu Hòa Thượng các đại giới đàn tại chùa Báo Quốc (1977, 1983) và chùa Trúc Lâm (1981). Ngài cũng là đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN.
- IV. Từ chánh thư ký Viện Tăng Thống đến Đệ Tam Tăng Thống GHPGVNTN
Hòa Thượng Thích Giác Nhiên - đệ nhị Tăng Thống - viên tịch ngày 6 tháng giêng năm Kỷ Mùi (2/2/1979); trong khi đại hội kỳ VIII của Giáo Hội PGVNTN chưa tổ chức được. Hòa Thượng Thích Đôn Hậu với vai Chánh Thư Ký viện Tăng thống kiêm chức vụ xử lý viện Tăng Thống. Vì hoàn cảnh và điều kiện vô vàn khó khăn của Phật giáo trước thời thế lúc bấy giờ, Hòa Thượng vừa là Chánh Thư Ký và cũng kiêm đảm trách xử lý Viện Tăng Thống trong hơn một thập niên, từ 1979 đến 1992.
Trong phiên họp của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương ngày 11-2-1981, hầu hết các thành viên trong Hội Đồng đều đồng thuận, theo Hiến Chương, chương IV điều 11, trong khi Giáo Hội chưa có thể tổ chức được Đại Hội Khoáng Đại để cung thỉnh vị Tăng Thống kế nhiệm, thì vị đương kim Chánh Thư Ký sẽ xử lý Viện Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã khéo léo chu toàn các Phật sự khó khăn cho tới lúc viên tịch. Trong chúc thư, Ḥa Thượng còn ân cần lưu tâm tới Giáo Hội qua 3 điều cần yếu phải thực hiện:
- Tiếp tục công việc của Giáo Hội theo Hiến Chương của GHPGVNTN.
- Tổ chức Đại Hội VIII khi hoàn cảnh cho phép.
- Quan tâm đến tổ chức Phật Giáo Hải Ngoại.
Mặc dù, thời sanh tiền Hòa Thượng chưa chính thức được suy tôn ngôi vị Tăng thống, nhưng với đạo phong và tư chất điều hành xử lý thay vị Tăng Thống, Ngài đã thể hiện trọn vẹn vai trò lãnh đạo xứng đáng cho nên được Giáo Hội tôn phong Hòa Thượng lên ngôi vị đệ tam Tăng thống GHPGVNTN sau khi viên tịch. Điều mà chúng ta cần biết rõ: Đại Hội Khoáng Đại Kỳ II của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ vào năm 2000, chư Tôn đức các Châu lục cùng về tham dự và đại lễ Khánh thành chùa Cổ Lâm Seatle; Đại hội đồng thanh suy tôn đức cố Chánh thư ký Viện Tăng Thống lên ngội vị đệ tam Tăng Thống theo văn thư của trưởng lão Hòa thượng Thích Huyền Quang.
- Thông điệp Phật Đản 2525 (1981)
Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký viện Tăng Thống ban Thông Điệp Phật Đản, Phật lịch 2525 (1981) có đoạn viết: "... Phật tử chúng ta hân hoan đón mừng ngày Đản Sanh của Đức Bổn Sư. Đây là một sự kiện trọng đại nhắc nhở chúng ta nhớ lại và phát nguyện một lần nữa bản thệ độ sanh của Đức Bổn Sư, đã long trọng tuyên bố cách đây 2604 năm (2525) ... khi đạo Phật truyền vào đất nước ta thì bản thệ ấy không những được khẳng định một cách mạnh mẽ, mà còn được phát huy với tất cả tác động tích cực của nó. Đạo Phật truyền vào Việt Nam là để phục vụ dân tộc Việt Nam. Thực hành Phật Đạo là vì đạo Phật đã có những đóng góp ích lợi cho đời sống dân tộc Việt Nam. Dân tộc và Phật giáo vì thế đã trở thành hai mặt của một thể thống nhất."
Qua Thông Điệp Phật Đản này, Ngài kêu gọi toàn thể Phật tử phải thể hiện cho được tín tâm Tam Bảo, kiên trì giới hạnh, thực hành đúng pháp lục hòa để phục vụ, xây dựng Đạo Pháp và Dân Tộc.
- Thông Điệp Đại Lễ Phật Đản 2526 (1982)
Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký xử lý Viện Tăng Thống viết: "Động cơ sự ra đời của Đức Phật để mở bày con đường giác ngộ tri kiến Phật cho tất cả chúng sanh, chính là lòng từ bi vô hạn đối trước những nỗi khổ đau đang đè nặng lên thân phận kiếp người. Thật vậy, dưới ánh sáng của Phật pháp, chỉ khi nào phá vỡ được những trói buộc ấy, con người mới thực sự sống hòa bình an lạc. Cư xử với nhau trong tình huynh đệ tương thân, bình đẳng là mỗi từng bước một tiến lên địa vị giác ngộ của Phật Đà."
Thông Điệp viết tiếp: "Ôn lại lịch sử đạo Phật tại Việt Nam, chúng ta sẽ rút được những kinh nghiệm quí báu của sự hòa hợp. Có sống hòa hợp như thế mới mong làm tròn nhiệm vụ của Phật tử đối với đại sự mở bày tri kiến Phật của Đức Từ Phụ, mới mong làm nên những sự nghiệp ích nước, lợi dân. Điều này có nghĩa, sống hòa hợp là điều kiện cần yếu cho sự tiến tu, và sự tiến tu chỉ có thể thực hiện được, nếu có sống hòa hợp. Chính vì tinh thần hòa hợp và nhu cầu tiến tu đó mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã ra đời, và đã từng làm rạng rỡ thêm những trang sử vàng son của Dân Tộc và Đạo Pháp."
Cuối Thông Điệp, Hòa Thượng mong mỏi chư Tăng Ni và Phật tử cùng toàn thể Phật giáo ở trong và ngoài nước hòa hợp, tiến tu dõng mãnh trong tinh thần hòa hợp.
- Tâm thư gởi chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại đức Tăng Ni Việt Nam đang hành đạo ở Hải Ngoại:
Tâm thư gởi Tăng Ni Việt Nam đang hành đạo và tu học ở Hải Ngoại, Hòa Thượng viết: "Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt nam có lúc rất bi thảm đầy tủi nhục, nhưng cũng có lúc vẻ vang đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hóa chia rẻ, và thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường, để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ, giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp. Bài học lịch sử này, Tăng Ni Việt nam đã và đang rút ra từ kinh nghiệm bản thân, tôi hằng nghĩ đến, nếu không muốn nói là luôn luôn lo âu và theo dõi những sinh hoạt của Tăng Ni Việt Nam đang tu học và hành đạo ở hải ngoại, những người con của Giáo Hội đang đem chuông đánh ở xứ người, một việc làm cao quí nhưng cũng đầy phức tạp. Với niềm thao thức đó, nay tôi có mấy lời tâm huyết gởi đến quí vị. Vì rằng năm nay tôi đã xấp xỉ cửu tuần, sự sống có thể ngưng lại lúc nào và sự từ giả anh em trong trọng trách của mình cũng chưa kỳ hẹn được nên tôi tha thiết kêu gọi quí vị hãy phát huy hơn nữa bản thể của Tăng già mà đoàn kết hòa hợp.
Hãy cùng nhau thể hiện tinh thần tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám như luật dạy."
Huế, ngày 10 tháng 9 năm 1991
Ký tên,
Tỳ Kheo Thích Đôn Hậu
- V. Giải mối nghi ngờ:
Cho tới nay sau ngày Hòa Thượng Thích Đôn Hậu viên tịch vừa tròn 25 năm (1992-2016) mà một số dư luận, bài viết vẫn hoài nghi con người thật về cuộc đời hành đạo của Hòa Thượng. Ở đây, chúng tôi xin trưng dẫn một số tài liệt khả tín giúp quí vị rõ hơn về ngài.
- Theo như gia thế của Hòa Thượng Đôn Hậu, Ngài có người cháu gọi bằng cậu, con của người chị ruột là bà Diệp Thị Tý. Bà Tý có chồng và sanh được 4 người con, hai trai hai gái. Bà Từ Thị Thí đi kháng chiến, không được kết nạp vào đảng Cộng Sản, vì là con cháu của Hòa Thượng Đôn Hậu (Như áng mây bay của Tâm Đức).
- Lời giáo sư Lê Văn Hảo về chuyện Hòa Thượng Đôn Hậu lên chiến khu: Giáo sư Lê Văn Hảo, tiến sĩ sử dân tộc học, giáo sư Đại học Văn Khoa Huế, Đà Lạt và Sài Gòn, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Thừa Thiên - Huế kỳ Tết Mậu Thân.
Trả lời những câu hỏi của biên tập viên Nguyễn An, Ban Việt Ngữ RFA ngày 21 tháng 12 năm 2006, giáo sư Hảo cho biết ông không phải là thành viên của Mặt Trận mà chỉ là một cảm tình viên. Ông cho biết trong số những người lên núi rồi sau đó cùng ra bắc với giáo sư có Hòa Thượng Đôn Hậu thì cụ bị bắt cóc lúc quân giải phóng đã chiếm được thành phố Huế rồi thì họ mời cụ lên võng để đi họp, rồi võng cụ lên trên núi luôn. Bà Nguyễn Đình Chi cũng trường hợp như vậy... Anh Tôn Thất Dương Tiềm đi theo quân giải phóng. Anh Tiềm là Việt Cộng nằm vùng..."
- Nhân chứng lão thành Nguyễn Thúc Tuân sát cánh cụ Đôn hậu suốt 10 năm kể: Tham gia cách mạng, vào Đảng năm 1946, cụ sát cánh bên cạnh cụ Đôn Hậu từ năm 1968-1978, theo mệnh lệnh cấp trên có bổn phận bảo vệ và kiểm soát Hòa Thượng Đôn Hậu. Tối mồng 4 Tết Mậu Thân (1968) tôi cùng đi với bà Nguyễn Đình Chi, cụ Nguyễn Văn Đóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm lên chiến khu, cách thành phố Huế độ 4 km. Tối ấy ở lại một đêm, ngày sau lên chiến khu gặp giáo sư Lê Văn Hảo đã lên trước ngày 30 tháng chạp. Gặp cụ Đôn Hậu cũng đã lên trước vài ngày. Chúng tôi 6 người (4 người vừa kể ông Tuân và Hòa Thượng Đôn hậu) cùng lên gặp ông Hoàng Phương Thảo, chủ tịch thành phố Huế. Ông này lo toàn bộ ở tại chiến khu Huế 15 ngày. Do máy bay Mỹ thả bom pháo kích dữ dội nên nhóm họ đi sâu vào núi ở lại trong hang đá một ngày rồi hôm sau ra Bắc theo đường mòn, có đoạn đi bộ, đoạn đi xe jeep, đến Nghệ An. Từ Nghệ An ra Hà Nội đi bằng xe. Cụ Đôn Hậu và bà Chi đi trước, 4 chúng tôi theo sau. Ra đến Hà Nội được Ủy Ban Thống Nhất đón tiếp. Tôi và cụ Đóa gặp lại cụ Đôn Hậu và bà Chi. Liên Minh các lực lượng Dân Chủ và Hòa Bình được hướng dẫn thăm Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái. Thỉnh thoảng Liên Minh được đi thăm các nước ngoài. Năm 1969 Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời được thành lập, Hòa Thượng Đôn Hậu được sắp đặt làm cố vấn. Từ năm 1970, Liên Minh đi Trung Quốc, Liên Xô, Đông Đức. Mông Cổ... cụ Đôn Hậu đi đến đâu dân chúng Mông Cổ quỳ lạy xem như Phật sống. Cụ Nguyễn Thúc Tuân kể tiếp: cụ Đôn Hậu thật sự là một vị chân tu. Tôi chưa thấy một vị sư nào đạo hạnh như cụ. Mồng một Tết Mậu Thân quân Bắc Việt, nhân danh Mặt Trận Giải Phóng, do thiếu úy Nguyễn Văn Khánh chỉ huy, đến chùa Thiên Mụ mời Hòa Thượng Đôn Hậu đi họp. Hòa thượng lấy cớ không được khỏe. Thế là hai người bộ đội gánh Hòa Thượng lên núi qua ngã Hương Trà. Sau một ngày đường đến địa đạo Khê Trai, thiếu úy Khánh giao Hòa Thượng cho Thành Ủy Huế. hai tháng sau Hòa Thượng được mời ra Bắc. Rõ ràng Hòa Thượng bị khống chế đi vào chiến khu rồi đưa ra Bắc, không phải Ngài tự ý tham gia.
- Đi theo con đường của Phật: Người xuất gia tu theo Phật không đi theo con đường nào khác hơn là đường giải thoát mọi khổ đau, thống hận ở đời. Qua Thông Điệp lễ Phật Đản, Tâm Thư gởi chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni Việt Nam ở hải ngoại, lời Di huấn gởi thất chúng đệ tử, chúc thư gởi Hội Đồng lưỡng viện: viện Hóa Đạo và viện Tăng thống của Hòa Thượng Chánh Thư Ký Hội Đồng viện Tăng Thống, thể hiện tấm lòng thiết tha vì đạo, trước khi về hầu Phật. Ngài còn nghĩ lo việc Giáo Hội, việc ổn định nội bộ tổ chức, giữ gìn phạm hạnh xứng với bản thể tăng già của hàng chúng trung tôn của Đức Phật, đủ nói lên công hạnh và chí nguyện xuất trần của bậc thượng sĩ trong đời ngũ trược ác thế hôm nay.
- VI. Kết luận:
Sau khi một bậc trưởng lão Hòa Thượng viên tịch, được hậu thế xưng tán bằng nhiều danh hiệu như: cao tăng, danh tăng, thượng nhân, tam tạng pháp sư, tôn giả, đạo sư... tùy theo công hạnh của vị ấy lúc sanh tiền phục vụ đạo pháp xứng hợp trong lãnh vực nào.
Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, đệ tam Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN là một bậc cao tăng, qua đạo phong của Ngài hành trì giới hạnh không ai hơn được. Làm Đàn Đầu Hòa Thượng cho các đại giới đàn là bậc sư phạm cho các hàng giới tử xuất gia, tại gia. Hòa Thượng xứng danh là bậc danh tăng với công hạnh hoằng truyền chánh pháp hơn 50 năm qua nhiều vai trò như giáo thọ sư, pháp sư, luật sư, nhà mô phạm, thiền sư... đã độ được hàng trăm đệ tử xuất gia mà trong số có những vị xuất sắc như Hòa Thượng Trí Chơn - Chủ Tịch Giáo Hội PGVNTN tại Hoa Kỳ - viên tịch tháng 3 năm 2011 và hàng ngàn đệ tử tại gia gồm đủ thành phần trong xã hội. Những vị đệ tử này sẽ tiếp tục sứ mạng truyền bá giáo pháp Phật Đà để làm cho ngọn đèn chánh pháp mãi tồn tại ở nhân gian.
Mặc dù hình bóng của Hòa Thượng đệ tam Tăng Thống không còn trên cõi đời này nữa, nhưng pháp âm của Ngài vẫn mãi là bài học cho hậu thế giữ vững niềm tin Tam Bảo ôn tầm giáo điển để báo ân Thầy Tổ trong muôn một.
Xin chân thành niệm ân chư tôn đức Tăng Ni, quý vị đại biểu, chư vị thiện hữu tri thức đã theo dõi phần trình bày của chúng tôi. Và sau đây xin mời hội chúng đóng góp phần ý kiến của mình để chúng ta cùng học hỏi.
Sa môn Thích Bảo Lạc
[1] điển hình nhất là hai vị Tăng Thống: Hòa Thượng Thích Giác Nhiên - đệ nhị Tăng Thống và Hòa Thượng Thích Giác Thanh - đệ tam Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.