Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngọn Đuốc Tuệ 1963 Và Con Đường Thương Yêu Đồng Loại

22/06/201320:41(Xem: 7218)
Ngọn Đuốc Tuệ 1963 Và Con Đường Thương Yêu Đồng Loại
dailetuongniem
NGỌN ĐUỐC TUỆ 1963
VÀ CON ĐƯỜNG THƯƠNG YÊU ĐỒNG LOẠI
Nguyễn Văn Sâm
(Bài nói chuyện tại
Hội Trường Jerome Center, Santa Ana CA, USA, ngày 23 tháng 06 năm 2013
nhân ngày lễ 50 cuộc tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức)

Nguye_Van_Sam

thichquangduc_luubut-contentĐã tròn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu. Thời gian đủ để chúng ta bình tâm nhìn lại sự kiện lịch sử nầy để rút ra bài học cho những bước tiến tương lai của dân tộc và cho chính mỗi con người nhỏ bé chúng ta trong cõi ta bà mê muội nầy.

Ngày 11 tháng 06 năm 1963 Ngài tự thiêu ngay tại trung tâm Sàigòn, góc đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt. Thế giới rúng động vì cử chỉ từ tốn của Ngài khi chấp tay lạy bốn phương rồi ung dung ngồi xuống kiết già để đón nhận can xăng tưới trên mình, thực hành việc tự thiêu. Thân xác Ngài chừng một giờ đồng hồ sau đã tan biến. Vâng, tan biến, cuối cùng chỉ còn lại trái tim. Trái tim bất diệt về thực thể và về tượng trưng. Với dân chúng và tín hữu thì trái tim bất diệt thực thể ai cũng thấy được, cũng xuýt xoa thán phục sự linh thiêng của Ngài, thân xác đã thành tro bụi nhưng trái tim không mất. Không mất có nghĩa là Ngài đã đến thế gian nầy và đã ra đi theo một cách thế đặc biệt trong một hoàn cảnh nghiệt ngã của đất nước và của Phật giáo, để lại như một chứng tích của lòng dũng cảm, dám từ bỏ chính thân xác mình khi cần thiết. Về tượng trưng thì trái tim Ngài biểu lộ trong hành vi tự thiêu. Người vô minh, mê muội còn chấp nhất đạo nầy đạo kia, còn ganh tỵ về sự lớn mạnh của một tôn giáo không phải của mình nên có những cử chỉ gọi là đàn áp. Mê, nên chỉ thấysự tự do tín ngưỡng của mình mà quên sự tự do tín ngưỡng của thành phần khác trong cộng đồng dân tộc. Mê, nên chỉ thấy cần đàn áp để mình được chút vinh danh, chút bổng lộc, chút tư thế trong guồng máy cai trị. Ngọn đuốc thắp sáng lên nếu bằng những vật liệu bình thường thì tác dụng thiệt là bình thường, có thể nói là không đáng kể, đàng nầy Ngài Quảng Đức đã lựa chọn phần quí giá nhứt của con người: mạng sống của chính mình. Với một người tu hành, tuy được thấm nhuần trong lý thuyết là thân thể nầy vốn huyễn ảo, có có không không, chẳng gì khác hơn là sự kết hợp của ngũ uẩn và tứ đại nhưng về mặt khác cũng được lưu ý là ta không thể hủy hoại thân thể mình, nó kết hợp với thần thức ta để tạo nên con người ta. Hủy hoại thân xác tức là hủy hoại luôn thần thức của một người, đó là chưa kể đạo lý bình thường nhứt là phụ công cha mẹ sinh thành nuôi nấng, theo lời dạy của Kinh Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng vốn được lưu truyền trong giới Phật giáo đồ từ thế kỷ 17 đến ngày nay bằng bản chữ Hán và cả bản dịch Nôm được phổ biến trong các chùa chiền. Thế nên ta biết chắc rằng trước khi quyết định tự thiêu Ngài đã suy nghĩ thao thức, cân phân coi đây có phải là hành động cần thiết hay không.

Sự suy nghĩ đó nằm trong hai tài liệu quan trọng của Ngài còn để lại là Đơn Xin Thiêu Thân gởi cho Giáo Hội Tăng Già Việt Nam viết bằng chữ Quốc Ngữ và Lời Nguyện Tâm Quyết viết bằng chữ Nôm mà ít người có cơ duyên được đọc, trong đó có những câu toát lên lòng vị tha của Ngài.

Trong Đơn Xin Thiêu Thân Ngài xác nhận rằng mình đi theo con đường chung của tín đồ Phật giáo là tranh đấu bất bạo động. Ngài nói rất rõ ràng:

Nguyện luôn luôn son sắt bền chí với lý tưởng tranh đấu hợp tình hợp lý, bất bạo động của Phật giáo đồ Việt Nam.
Tự thiêu là con đường bất bạo động tuyệt cùng. Không muốn làm đau đớn cũng như không muốn làm hại người khác, dầu cho người khác đó đã bách hại tôn giáo mình, tàn sát tín hữu mình.

Trong Lời Nguyện Tâm Quyết mà ta có thể coi là lời tuyệt mệnh của Ngài, ta không thấy một chút xíu giận ghét nào, chỉ thấy lòng Ngài bao la, bình tâm cầu mong cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt giải quyết vấn đề êm đẹp, cầu mong cho Tổng Thống lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo.
Ta hãy đi vào chính văn bức thơ, ở đoạn quan trọng đó:

Một là mong ơn Phật Trời gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên cáo.

Hai là nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.

Ba là mong nhờ hồng ân Đức Phật gia hộ cho chư Đại Đức, Tăng ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ gian ác.

Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo….

Chắc chắn rằng dưới mắt Ngài, Tổng Thống Ngô Đình Diệm không phải là người đối nghịch cần phải triệt diệt, Tổng Thống chỉ do vướng mắc trong sự mê lầm nhứt thời cho nên Ngài cầu mong Tổng Thống được sáng suốt, sáng suốt với vấn đề và sáng suốt áp dụng sự bình đẳng đối với toàn thể các tôn giáo và với toàn thể quốc dân.

Những sự việc xảy ra sau ngày Ngài tự thiêu là những sự việc của chánh trị, của sự sắp xếp bàn cờ thế giới hay nói cách khác là sự kết hợp của những nhân duyên của thời đại mà không phải ai cũng dự kiến được. Ta biết chắc chắn rằng với lòng từ bi của Ngài, nếu biết chuyện xảy ra vào cuối năm 1963 như đã xảy ra sau nầy chắc chắn ngài cũng chẳng vui vẻ gì và có thể, tôi nói có thể, Ngài đã chọn sự thể hiện tư tưởng mình một cách khác hơn là tự thiêu.

Trở lại sự kiện tự thiêu. Bình luận, khen chê, trách móc đối với một hành vi nào đó thế nào cũng có. Đó là chuyện bình thường của cuộc đời. Tôi chỉ xin lược qua mấy ý từ bài Lửa Từ Bi của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, vị thầy khả kính của tôi, với những câu thơ rất đáng được chú ý.

Thi sĩ coi sự Tự Thiêu Xác Thân nầy là hành động bi hùng khiến rơi lệ cả thế giới, cả vũ trụ:

Hai vầng sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc.

Kết quả là:

Muôn vạn khối sân si vừa mở mắt.

Toàn dân trong nước lúc đó có bớt sân si chăng? Điều nầy tùy thuộc nghiệp lực của cả dân tộc: cộng nghiệp của quốc gia Việt Nam ta, việc nầy liên quan đến nhiều yếu tố, khó lòng mà thấy ngay được.

Mỗi cá nhân có bớt sân si chăng? Điều nầy nằm trong cái biệt nghiệp của mỗi con người tại thế nầy. Hòa Thượng đốt đuốc soi đường, nhưng mỗi cá nhân chúng ta phải nhìn vào đó bằng chính con tim mình để sửa lại đường đi của mình cho đúng. Đúng đường đời và đúng đường đạo. Chính mỗi con người thời dầu sôi lửa bỏng đó và mãi mãi về sau phải tự rút ra bài học hướng dẫn hành động của đời mình. Hòa Thượng chỉ hiến thân mình làm Đuốc Tuệ, chẳng mưu cầu gì ở lời ca tụng, ở bia ký, ở đài kỷ niệm, ở bút giấy ghi công, ở lời ngợi ca sùng thượng:

Ngọc hay đá tượng chẳng cần ai tạc,
Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi…
Vần điệu của thi nhân chỉ còn là rơm rác.

Bài học, cái nhìn ý nghĩa từ hành động của Ngài và sự cố gắng của mỗi người để thực hành bài học đó mới đáng kể, kỳ dư chỉ là phù phiếm, chỉ là kiến thức vô bổ. Ngọn đuốc Tuệ đã được thắp lên, soi tỏ cho chúng sinh để từ đó giúp chúng sinh đem cái Tuệ của riêng mình mà thoát khỏi mê lầm. Nhưng chúng sinh có mở mắt chăng mới là điều quan trọng.

Tiếp theo ngọn đuốc Tuệ của Ngài, nương theo ánh sáng đạo mầu dẫn dắt nên trong suốt thời gian mấy mươi năm trôi qua, biết bao nhiêu tăng ni đã theo gương ngài mà dùng chính thân mình soi sáng đường cho thế gian bớt mê lầm, không phải chỉ trong nước Việt ta mà ở trong các nước Phật giáo khác nữa. Hiện trạng tự thiêu hằng loạt ở Tây Tạng có thể coi là một minh chứng.

Nhưng than ôi! Con người vốn mê lầm nên nhân loại còn chiến tranh dài dài, còn chia rẽ và còn đày đọa nhau không thể kể hết. Chúng ta hằng năm ôn lại hành động của Ngài để cố đứng ra ngoài những mê lầm bởi vì Tỉnh thời Là Phật, Mê là Chúng Sanh. (Toàn Nhật Quang Đài).

Vì Ngài đã thành một nhân vật lịch sử sáng giá. Hành động của Ngài là hành động có một không hai ở Việt Nam, hơn nữa tuy vô tình nhưng đem đến hệ quả làm thay đổi một giai đoạn lịch sử của VNCH cho nên nhà cầm quyền hiện tại ở VN cố lái ý nghĩa của sự tự thiêu nầy, cố mập mờ về tiểu sử của Ngài, cố tạo cho Ngài một ý muốn mà tôi biết rằng thâm tâm Ngài không hề có là:

(1) Muốn đánh đổ chế độ Cộng Hòa của Miền Nam, và
(2) Đòi cho được sự không kỳ thị tôn giáo đối với Phật giáo đồ ở giai đoạn 1963.

Thật ra theo tôi Hòa Thượng Thích Quảng Đức không chủ trương hai điều nầy: Xin xem lại Lời Nguyện Tâm Quyết:
Bốn là cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc nghĩa là không có đánh nhau để giành dân chiếm đất, không có giết hại dân đen vô tội, không có khủng bố viên chức, càng không có chuyện làm xụp đổ chế độ nọ để áp dụng chế độ kia. Chuyện đánh đổ chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm là chuyện chắc chắn không có trong ý niệm của Ngài Quảng Đức khi Ngài toan tính chuyện tự thiêu.

Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân, thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo….

Tổng Thống nên lấy lòng bác ái đối với quốc dân, thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo có nghĩa là bình đẳng đối với tất cả tôn giáo, không có một sự quá trọng đối với bất cứ một tôn giáo nào mà coi thường những tôn giáo khác. Sự đòi hỏi của Ngài tuy không nói ra rõ ràng nhưng hàm chứa phải có sự bình đẳngđối với 4 tôn giáo lớn của Miền Nam là Thiên Chúa giáo, Phật Giáo, đạo Hòa Hảo, Cao Đài giáo… Đòi hỏi sự bình đẳng chungcho các đạo vượt trên sự đòi hỏi không bị kỳ thị chỉ riêng cho tôn giáo của mình. Tâm hồn cao đẹp của Ngài nằm trong mấy chữ vừa nêu lên: bình đẳng tôn giáo.

Xin nói thêm một lần nữa về sự tự thiêu.

Tự thiêu khác với ‘đánh bom tự sát’ về nhiều mặt. Tự thiêu không có mục tiêu sát thương dân chúng và chức quyền của đối phương càng nhiều càng tốt. Cũng không có ý rằng cái chết của mình sẽ được đền bù gì đó ở Thiên Đàng hay Niết Bàn…. Tự thiêu là hành vi vô hóa xác thân mình bằng đường hòa bình, đem từ tâm mình thức tỉnh mê tâm của bên phe mà mình đương nói chuyện với. Tự thiêu do đó được nễ phục bởi phe đương đối thoại, được kính trọng khắp nơi trên thế giới do mình hiểu thấu sự huyển ảo của thân xác mà hành động, do thấu hiểu sự từ bi mà đem thân làm đuốc.

Một bài thơ nhỏ trong một tác phẩm xưa như sau, diển tả sự huyển ảo của tất cả mọi thứ theo quan niệm của người thấu hiểu Phật đạo, chắc chắn rằng Ngài Thích Quảng Đức đã đọc hay ít nhứt đã nghiền ngẫm những ý tưởng tương tợ rải rác đây đó trong các kinh kệ:

Tự không nhi sắc, sắc nhi không, 自空而色色而空,
Tịch mịch hư vô lý mạc cùng. 寂寬虚無理莫穷
Thố giác trượng khiêu đàm để nguyệt, 兔角杖挑潭底月
Qui mao thằng truyện thụ đầu phong. 龜毛绳傳𣗳頭風

dịch:

Từ không thành có, có thành không
Tịch mịch hư vô, chuyện chẳng cùng
Sừng thỏ sao khều trăng đáy nước,
Lông rùa chẳng buộc gió trên cây.

Vâng! Sừng thỏ vốn không có, trăng đáy nước như có mà cũng là không nên không thể dùng sừng thỏ khều trăng đáy nước được. Lông rùa vốn không có, gió trên đầu cây như có mà cũng là không nên không thể dùng lông rùa để buộc gió trên đầu ngọn cây được.

Thì sự có - không của thân xác một con người ở trong một sát na của thời gian miên viễn có gì đâu là quan trọng. Thì sự tự thiêu của người liễu đạo cũng là lẽ bình thường.

Xưa Đức Phật một đêm nọ bỏ cung điện ra đi và nguyện: “Ta sẽ trở về khi thấy Đạo, giải thoát nhân gian vượt bể sầu đau.” Bể sầu đau của nhân sinh, cách nầy hay cách khác, do Sinh Lão Bịnh Tử và do lòng sân si, đam mê vọng động của Tâm thường tình ở trong mỗi con người.

Đức Phật xưa bỏ hết để đi vào rừng tìm đường, năm 1963 Hoà Thượng Thích Quảng Đức bỏ hết để đi vào lửa trao ra một thông điệp yêu thương, bình đẳng, ngày nay tuổi trẻ Việt Nam cũng đang bỏ hết để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh đại họa mất đất, mất biển, mất nước, mất tự do đương diễn ra ở trong nước.

Con đường thương yêu đồng loại, thương yêu đồng bào là con đường liên tục nhưng thể hiện bằng nhiều cách thế. Cái khó là nhìn thấy!

Nam Mô A Di Đà Phật.
Nguyễn văn Sâm tháng 6/2012, viết thêm tháng 06/2013.
(Nguyên Giáo Sư thỉnh giảng Viện Đại Học Vạn Hạnh trước năm 1975)






Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
29/03/2013(Xem: 4557)
Nói đến thơ và nền Triết Học lưu xuất từ Tư Tưởng Phật học Tánh Không hay một Triết lý phiêu bồng từ Đông sang Tây của thế tục đế, hầu như đã được tồn đọng trong con người gầy guộc, nhỏ nhắn, dáng dấp phiêu diêu, lãng đãng như sương sớm, mây chiều.
29/03/2013(Xem: 4505)
Những năm tháng dùi mài kinh điển trong các tự viện để thể nhập Phật học huyền vi, u hiển, một thời nào đó đã lầu thông giáo lý cao siêu giải thoát, hướng thân lập mệnh trên con đường giác ngộ, để rồi hôm nay là thành quả hiển nhiên có được tận cùng tâm hồn sâu thẳm mà Thầy đang phô diễn như ý nghĩa cao siêu của Đại Bi Tâm.
29/03/2013(Xem: 4437)
Đây là chủ đề bài thuyết trình của diễn giả Nguyên Siêu, tác giả 650 trang sách trong tác phẩm “Tuệ Sỹ Đạo Sư, Thơ, Và Phương Trời Mộng” tập 1 và tập 2 vừa hoàn thành và được chính thức ra mắt tại hội trường của Hiệp Hội Người Việt tại San Diego, miền Nam California.
29/03/2013(Xem: 10357)
Tôi người Quảng Bình, 1 trong 3 nơi mà Huyền Trân công chúa mới đáng là thành hoàng. Tổ tiên gốc người Hải dương, 4 cha con cùng có mặt trong đạo quân tiếp quản Quảng Bình, rồi định cư ở 3 làng. Thuận Lý là con trưởng, kế đó, Phương Xuân là con thứ 2. Diêm điền, làng tôi, là nơi Tổ của làng tôi cùng con út định cư.Làng tôi cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng bình chỉ có chừng 600 mét đường chim bay.
18/03/2013(Xem: 5174)
Viện Đại học Vạn Hạnh ở Sài Gòn, thủ đô miền Nam Việt Nam, trước năm 1975 là một trung tâm văn hóa Phật giáo nổi tiếng lừng lẫy. Nơi đây đã quy tụ biết bao hào kiệt trượng phu, biết bao tao nhân mặc khách, biết bao giáo sư, triết gia cự phách thượng đẳng. Đặc biệt là các thiên tài xuất chúng siêu việt như Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, nổi bật nhất là Bùi Giáng, một thi sĩ kỳ dị, xưa nay chưa từng thấy xuất hiện trên bầu trời văn nghệ Việt Nam và thế giới.
11/03/2013(Xem: 5996)
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một danh sĩ, nhà văn hóa, sử gia, sống vào đời Hậu Lê. Ông không những ba lần thi đều đỗ đầu, kinh qua nhiều chức quan, đã từng đi sứ sang Trung Quốc, mà còn là một nhà bác học, đã để lại một gia tài đồ sộ bao gồm khoảng 16 tác phẩm và nhiều thơ, phú bằng chữ Nôm khác. [1] Trong số những tác phẩm ấy, có Kiến văn tiểu lục, [2] là một tác phẩm dành riêng quyển 9 – thiên Thiền dật, để viết về Phật giáo và Thiền tông Phật giáo Việt Nam, chủ yếu là những vị Tổ thuộc Thiền phái Trúc lâm. Trong bài viết ngắn này, chúng ta thử chỉ tìm hiểu quan điểm của Lê Quý Đôn về Phật giáo, mà không bàn sâu đến phần Thiền tông Việt Nam mà ông đã chép.
21/02/2013(Xem: 6541)
Hòa thượng Thích Tâm Giác, thế danh là Trần Văn Mỹ, sinh năm 1917 tại tỉnh Nam Định, thân phụ là cụ ông Trần Văn Quý, thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Suôi. Ngài là con trai thứ hai trong gia đình gồm hai trai một gái. Ngài sinh trưởng trong một gia đình Nho phong. Thân phụ Ngài tinh thông Hán học. Cả hai ông bà lại rất thâm tín Phật pháp. Do đó, Ngài được hấp thụ ngay từ thuở ấu thơ hai nền văn hóa cổ truyền của dân tộc là Khổng giáo và Phật giáo.
19/02/2013(Xem: 7840)
Mới đây các nhà khảo cổ Mỹ và Canada đưa ra chứng cứ cho rằng Phật giáo đã được truyền vào Mỹ trước khi ông Columbus tìm ra châu Mỹ. Tuy nhiên, theo các tài liệu có được hiện nay thì Phật giáo chỉ thật sự có mặt tại Mỹ sau kỳ Đại hội Tôn giáo Thế giới tổ chức tại bang Chicago vào năm 1893. Nhưng ai là người có công truyền bá và làm lớn mạnh "hạt giống Bồ đề" trên đất Mỹ? Trong bài này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà sư cư sĩ người châu Á, những người tiên phong có công đặt nền móng xây dựng ngôi nhà chánh pháp trên đất Mỹ.
10/02/2013(Xem: 9038)
Từ những con người bình thường, không được sinh ra ở cung vàng điện ngọc, nhưng rồi trở thành những vị vua anh minh tài kiêm văn võ, tư tưởng và nhân cách cao siêu, mãi còn đọng lại với thời gian. Dù sống ở hoàng cung nhưng tâm lúc nào cũng vượt thoát, làm bậc đế vương nhưng hạnh vẫn là một sơn Tăng, ưa vui với gió nội mây ngàn, thở nhịp cùng đất trời nhân gian cây cỏ. Để rồi trở thành những người con Phật vĩ đại, trí tuệ và công hạnh thắm đượm cả không gian, thức tỉnh chúng ta trên bến bờ sinh tử của mê ngộ, đậm nét trong lòng người đến tận hôm nay. Bồ Tát Lương Võ Đế ( 463-549 ) của Trung Hoa và Trần Thái Tông ( 1218-1277) của Việt Nam, dù ở hai phương trời xa cách, sinh ra ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cùng chung một tấm lòng, mang an lạc thịnh vượng đến cho nhân dân, và một hạnh nguyện chuyển hoá cứu độ quần sanh.
07/02/2013(Xem: 14520)
Nửa thế kỷ Tôn Sư vắng bóng, Ánh Đạo Vàng tỏa rộng muôn phương Hôm nay tổ chức huy hoàn Hằng năm kỷ niệm, đàn tràng tôn nghiêm. Môn đồ Tứ chúng ngưỡng chiêm,
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567