Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Lý Quang Diệu, Minh quân của thời đại mới

25/03/201517:44(Xem: 9023)
Lý Quang Diệu, Minh quân của thời đại mới

Ly Quang Dieu



Farewell to Lee Kuan Yew







Lý Quang Diệu

Minh quân của thời đại mới

Lời BBT: Ông Lý Quang Diệu đã xác nhận trong cuộc phỏng vấn của Mark Jacobson cho tạp chí National Geographic rằng bản thân mình là một thành viên của cộng đồng Phật Giáo và Lão Giáo  trong khi hai người em trai của ông là tín đồ của Anh Giáo (xem Wikipedia). Nên Trang Nhà Quảng Đức cho đăng bài viết của Đạo hữu Võ Tá Hân, một nhạc sĩ Phật Giáo và là một chuyên gia ngân hàng quốc tế, từng sống và làm việc trên ba mươi năm tại Singapore, để độc giả biết thêm về ông Lý Quang Diệu, một người có công giúp cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới.


Đất nước Singapore u buồn để tang 7 ngày người cha già dân tộc Lý Quang Diệu, một vị minh quân của thời đại mới đã đưa Singapore từ một thành phố cảng bé nhỏ không tài nguyên thiên nhiên, một nơi tăm tối, đói nghèo, không hy vọng tồn tại khi vừa thoát khỏi vòng thuộc địa hơn 50 năm trước, để trở thành một nước phồn thịnh, hiện đại và đầy tự tin.

Đối với người Việt thì Singapore là một trong những điểm đến quen thuộc đầu tiên khi đất nước chúng ta bước vào thời kỳ đổi mới để vươn ra năm châu và hiện nay đây cũng là nơi cư ngụ của một cộng đồng người Việt, nhất là du học sinh và sinh viên Việt Nam, ngày càng đông đảo. Là một ngân hàng gia quốc tế, tôi được chuyển đến làm việc tại Singapore vào năm 1981 rồi thì “đất lành chim đậu” nên đã lưu lại sống ở đất nước này suốt 30 năm. Biết rằng sẽ có ngày ông Lý ra đi nhưng khi được tin thì lòng cũng không khỏi bùi ngùi thương tiếc như vừa mất đi một người thân.

Tài liệu sách vở viết về ông Lý thì quả là rất nhiều và chính ông Lý cũng đã viết vài pho hồi ký kể lại cuộc đời mình. Không ai có thể phủ nhận được những thành quả mà Singapore đã đạt được khi ông Lý đã thành công trong việc biến Singapore thành một mô hình kỳ diệu pha trộn giữa chủ nghĩa tư bản nhà nước và kinh tế tư nhân. Những người phê phán ông Lý cũng không thiếu và đã chỉ trích ông Lý về nhiều mặt, nhất là về chính sách lãnh đạo Singapore với bàn tay thép, bóp chặt tự do ngôn luận, trấn áp đối lập và “gia đình trị” tạo điều kiện cho người con trai là Lý Hiển Long trở thành thủ tướng hiện tại… Tuy nhiên có phê phán gì trong lúc này cũng sẽ không công bằng cho lắm. Điều mà tôi muốn nêu lên là cái hình ảnh “con người" của ông Lý đã hình thành một khuôn mẫu đặc biệt của “người Sing”, và đã góp phần đưa đất nước này đến chỗ cường thịnh ngày nay.

Chiến thuật phát triển Singapore của ông Lý có thể được tóm tắt vào hai chữ “con người” mà nếu nhìn vào chính con người của ông Lý thì chúng ta sẽ thấy mô hình và con người Singapore ra sao. Là con trong một gia đình thuộc thế hệ thứ ba những người gốc Hoa nhập cư, ông Lý lớn lên trong một khuôn mẫu giáo dục cổ truyền nhưng đã sớm nếm chút văn hóa phương Tây khi ông theo học trung học tại một trường Anh ở Singapore. Thời gian du học ở Anh về kinh tế và luật sau đó đã giúp ông Lý có một tầm nhìn xa rộng để chuẩn bị cho ngày trở về nước làm việc là một luật sư theo đuổi đường lối xã hội, trước khi bước vào chính trường. Ông Lý thường được mô tả là một con người cứng rắn lạnh lùng, nhưng ít người thấy ông như là một con người với một trái tim quảng đại của một người cha già biết nhìn xa thấy rộng, hết lòng bảo vệ gia đình mình, áp dụng phương cách răn đe thưởng phạt con cái rất công minh theo lối giáo dục cổ xưa để lèo lái đất nước mình.

Để đưa đất nước đến chỗ thịnh vượng phú cường ngày nay, điểm quan trọng nhất là ông Lý đã biết khéo léo chiêu mộ và đãi ngộ người tài dưới trướng của ông. Không sống ở Singapore thì ít ai biết được tên tuổi của những “danh tướng” trong bộ máy nhà nước đã đóng góp trực tiếp xây dựng đất nước về mọi lĩnh vực từ quốc phòng, giáo dục, kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển đô thị… Loại trừ tệ nạn tham nhũng là một mục tiêu hàng đầu và các nhân viên nhà nước được trả lương rất cao đồng thời những người vi phạm đều bị xử phạt nặng nề.

Các thành viên của đảng Nhân Dân Hành Động mà ông là sáng lập viên năm 1954, mặc đồng phục áo sơ mi ngắn tay biểu dương những con người hành động, với màu trắng để thể hiện tính thanh liêm, minh bạch, một lòng phục vụ đất nước. Cái “phong cách Lý Quang Diệu” ấy đã được truyền từ trên xuống dưới, từ các cấp nhân viên trong guồng máy nhà nước ra giới doanh nhân và mọi tầng lớp quần chúng để trở thành một sắc thái riêng biệt của “người Sing”. Người dân Singapore, nhất là lớp trẻ rất hãnh diện mình là “người Sing” và cảm thấy bực mình khi bị gọi nhầm là “người Hoa”.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc giáo dục con người, ông Lý đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo một thế hệ trẻ là nền tảng tương lai quốc gia, với một ý thức hệ vững chắc. Tiêu chuẩn giáo dục được cải tổ và nâng cao, sinh viên ưu tú được khuyến khích đi du học, các vị giáo sư và trường đại học lớn trên thế giới được mời đến Singapore, nhân tài các nước được chiêu mộ…

Là một luật gia, ông chủ trương biến Singapore thành một đất nước mà người dân sống trong vòng tôn ti trật tự và biết tôn trọng luật pháp. Người ta thường nhắc đến Singapore về những luật lệ như cấm xả rác, cấm ăn kẹo cao su cùng bao nhiêu luật cấm “lẩm cẩm” khác nhưng ngay cả người Sing cũng ít ai biết được là đất nước này có đến hơn bốn mươi nghìn điều luật mà người vi phạm có thể bị phạt! Vâng hơn bốn mươi nghìn!

Singapore ngày nay là một quốc gia vững mạnh và là một xã hội được điều tiết và quản lý chặt chẽ. Với sự trưởng thành của dân trí và với những biến chuyển thế giới, Singapore cũng đang chuyển mình và tương lai của đất nước này rồi sẽ ra sao khi không còn hình bóng của ông Lý? Thời gian rồi sẽ trả lời nhưng tôi nghĩ ông có thể an tâm ra đi như là một trong những vĩ nhân của thời đại mới. Xin vĩnh biệt ông Lý Quang Diệu và cám ơn ông về những đóng góp cho đời và cho nhân loại.

Võ Tá Hân


Sự nghiệp của Lý Quang Diệu - huyền thoại châu Á thế kỷ 20 và 21


Từ một sinh viên luật trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore và tiếp tục có sức ảnh hưởng chính trị lớn sau khi rời ghế, Lý Quang Diệu thực hiện thành công nhiều cải cách, đưa đất nước trở thành một trong những "con hổ châu Á".


Ông Lý Quang Diệu sinh ngày 16/9/1923, trong một gia đình khá giả ở Singapore. Ông học luật tại Đại học Fitzwilliam, thuộc Đại học Cambridge, Anh, sau Thế chiến II và tốt nghiệp với kết quả xuất sắc. Ông trở về Singapore năm 1949 và làm việc cho một công ty luật. Ảnh: Corbis

 

Tháng 9/1950, ông Lý kết hôn với bà Kha Ngọc Chi. Hai người có hai con trai và một con gái. Trong ảnh, ông Lý bế con trai đầu, Lý Hiển Long vào khoảng những năm 1950. Ảnh: Straitstimes

 

Ông Lý tháng 11/1954 cùng một nhóm trí thức trung lưu từng hưởng nền học vấn Anh thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP). PAP chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức tháng 5/1959, giành được 43 trong tổng số 51 ghế trong hội đồng lập pháp. Singapore giành quyền tự trị trong mọi lĩnh vực của đất nước ngoại trừ quốc phòng và ngoại giao, chấm dứt quãng thời gian là thuộc địa của Anh từ năm 1819.

Trong ảnh, thứ hai và thứ ba từ trái sang, ông Lý Quang Diệu đứng cạnh Tổng thống đầu tiên của Singapore, Yang di-Pertuan Negara trong lễ ký kết tháng 12/1959. Ảnh: Straitstimes

 

Ông Lý trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore vào tháng 6/1959 và giữ vị trí này cho đến năm 1990. Ông là chính khách đảm nhận cương vị thủ tướng lâu nhất thế giới. Ảnh: Gamma Keystone

 

Singapore năm 1963 sáp nhập với Malaysia nhưng tách khỏi nước này vào năm 1965, giữa những căng thẳng về chính trị và sắc tộc. Singapore sau đó trở thành cộng hòa độc lập ngày 9/8/1965. Trong ảnh, ông Lý có mặt tại một cuộc họp năm 1963. Ảnh: Ktwop

 

Sau khi giành được độc lập, Singapore phải đối mặt với những thách thức như thiếu thốn tài nguyên, nguồn cấp nước và khả năng phòng thủ hạn chế. Ông Lý đã chỉ đạo chương trình cải cách Singapore thành nước xuất khẩu hàng hóa thành phẩm lớn,  nâng cao mức sống của công nhân và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ông đưa Singapore trở thành một trong những nền kinh tế lớn mạnh nhất ở châu Á. Ảnh: bart.bogaert.com

 

Tháng 11/1990, ông Lý Quang Diệu (giữa) về hưu và bàn giao chức vụ thủ tướng cho ông Ngô Tác Đống (trái). Ông Lý vẫn tiếp tục ở lại nội các với cương vị Bộ trưởng Cấp cao và đưa ra tư vấn. Ảnh: Straitstimes

 

Ngô Tác Đống tháng 8/2004 rút lui và bàn giao chức vụ thủ tướng cho Lý Hiển Long (trái, hàng trên), con trai đầu của Lý Quang Diệu. Ông Lý đảm nhiệm chức vụ mới là Bộ trưởng Cố vấn. Ảnh: The New Paper

 

Ông Lý rút khỏi chính trường năm 2011, sau khi đảng Hành động Nhân dân mà ông đồng sáng lập nhận được kết quả bầu cử tồi tệ nhất trong 50 năm. Ảnh: AP

 

Lý Quang Diệu đã viết hai cuốn hồi ký dài hai tập: Câu chuyện Singapore, trình bày quan điểm của ông về lịch sử Singapore cho đến khi tách rời khỏi Malaysia năm 1965, và Từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất: Câu chuyện Singapore, thuật lại sự cải cách của đất nước. Ảnh: Jiayingisunartsy

 

Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore, đặc biệt là những người lớn tuổi, họ luôn nhớ đến khả năng lãnh đạo của ông trong thời kỳ độc lập và tách rời khỏi Malaysia. Lý Quang Diệu được quốc tế nhiều lần vinh danh như nhận huân chương Mặt trời mọc năm 1967, giải thưởng Woodrow Wilson cho dịch vụ công do Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson trao tặng. Tổng thống Obama gọi là ông Lý là "người giúp thúc đẩy các phép màu kinh tế Châu Á" và "huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21". Ảnh: AP

 

Ông Lý nhận được sự kính trọng của các nhà lãnh đạo thế giới và sự yêu mến của công chúng. Trong ảnh, ông Lý tiếp Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tháng 4/2014. Ảnh: Yahoo News

Ông Lý Quang Diệu tháng 2/2015 điều trị ở bệnh viện vì bị viêm phổi nặng. Văn phòng Thủ tướng Singapore hôm 17/3 thông báo sức khỏe của cựu lãnh đạo 91 tuổi chuyển biến xấu do nhiễm trùng. Ông qua đời ngày 23/3/2015.

 


Phương V

Di sản quốc đảo xanh của Lý Quang Diệu

Quốc đảo Singapore xanh, sạch, không một cọng rác hay bã kẹo cao su, là một trong những di sản nổi tiếng nhất mà cựu thủ tướng Lý Quang Diệu để lại trước khi ra đi ở tuổi 91. 
sing1-1890-1427173324.jpg

Đường phố sạch và xanh của Singapore. Ảnh: Travelblog

Với những quy định nghiêm khắc về vệ sinh môi trường, Lý Quang Diệu cho thấy tầm nhìn xã hội của nhà lãnh đạo Singapore hiện đại, trong đó trách nhiệm đối với cộng đồng vượt lên lợi ích cá nhân để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Một trong những hành động sớm nhất của đảng Hành Động Nhân dân cầm quyền từ những năm 1960 đó là tiến hành chương trình loại bỏ các gánh hàng rong trên phố và tái định cư họ trong những quầy bán hàng cố định, có tổ chức chung và được quản lý với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Cũng trong thập niên đó, quy hoạch nhà ở công cộng quy mô lớn được thực hiện đi kèm những quy định chặt chẽ về vệ sinh và trật tự. Việc tiểu tiện trong thang máy các tòa chung cư bị cấm và các máy phát hiện mùi nước tiểu được lắp đặt để ngăn chặn những người vi phạm. Ngay cả việc đi tiểu vương vãi trong nhà vệ sinh công cộng cũng bị phạt.

Các nhà quản lý thuộc Ban Phát triển Nhà ở đã liệt kê ra trên trang web của mình những vật dụng bị cấm treo ở những cọc tre phơi đồ thò ra từ các căn hộ. Trong danh sách này có cả nồi nấu ăn và xe đẩy hàng.

Trước thực trạng xả rác bừa bãi ngày càng gia tăng, giới chức buộc những người vi phạm phải tự làm sạch đường phố và mức tiền phạt cũng được nâng cao. Năm ngoái, số tiền phạt tối đa cho hành vi xả rác tăng gấp đôi lên 2.000 USD trong lần vi phạm đầu tiên và tăng gấp 5 lần nếu tái phạm.

Hồi tháng một, Singapore đề ra mức phạt 15.000 USD đối với những người ném tàn thuốc lá qua cửa sổ căn hộ của mình, một mức phạt lớn chưa từng có.

Những khu nhà ở công cộng quy mô lớn của Singapore quy định chặt chẽ về vệ sinh và trật tự. Ảnh: Wikipedia

Những khu nhà ở công cộng quy mô lớn của Singapore có quy định chặt chẽ về vệ sinh và trật tự. Ảnh: Wikipedia

Goh Chok Tong, người kế nhiệm ông Lý năm 1990, là người đã đề xuất lệnh cấm kẹo cao su vào năm 1992. Động thái này khó diễn ra nếu không có sự đồng thuận của ông Lý, người vẫn giữ một ảnh hưởng lớn trong nội các lúc bấy giờ.

Thực tế, việc sở hữu hay nhai kẹo cao su ở Singapore không phải là bất hợp pháp. Hành vi bị cấm ở nước này là buôn bán hoặc nhập khẩu kẹo cao su. Mục đích của điều luật là ngăn chặn hiện tượng bã kẹo bị nhả bừa bãi ở hệ thống tàu điện ngầm đắt tiền, dính trên các cửa kiểm soát hay ghế ngồi.

Hình phạt đối với hành vi buôn bán kẹo ca su trái phép rất nặng. Ngay từ lần đầu tiên, người vi phạm đã có thể bị phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 70.000 USD) và hai năm tù.

Lệnh cấm trên đã phát huy hiệu quả ngay lập tức. Chỉ trong vài tháng, việc nhai kẹo cao su biến mất ở Singapore. Những bã kẹo không còn trên các vỉa hè.

Năm 2004, lệnh cấm được nới lỏng nhờ sự vận động của Wrigley, một nhà sản xuất kẹo cao su Mỹ. Việc buôn bán kẹo cao su không đường với mục đích y tế được cho phép trong giới hạn.

Daniel Wang, quan chức chính phủ thực thi lệnh cấm kẹo cao su của Singapore, vừa qua đời tuần trước ở tuổi 71. Ông thừa nhận loại kẹo này tốt cho sức khỏe của nướu và vẫn được sử dụng với những lý do y học. Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện lệnh cấm của chính phủ.

Anh Ngọc

 

Lý Quang Diệu - nhà kiến thiết sự phú cường của Singapore

"Tôi không nói rằng mọi điều tôi làm đều đúng, nhưng tất cả đều vì mục đích cao quý", thủ tướng Singapore đầu tiên Lý Quang Diệu nói về quãng đường hoạt động chính trị với những thành tựu thần kỳ nhưng cũng vấp phải đôi lời chỉ trích của mình.
02db099d-14e7-49e9-9a23-0ae2a0-5038-7121

Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu trong một lần xuất hiện vào tháng 3/2013. Ảnh: AFP

Ông Lý sinh năm 1923 và xuất thân từ một gia đình khá giả. Ông từng là học sinh hàng đầu tại Singapore, nhưng quãng thời gian sinh viên của ông bị trì hoãn vì Thế chiến II, khi đế quốc Nhật Bản chiến thắng khối Liên hiệp Anh và chiếm đóng Singapore, khi đó là thuộc địa của Anh, từ năm 1942 đến 1945. Sau chiến tranh, ông theo học trường Kinh tế London trước khi chuyển sang Đại học Cambridge, nơi ông tốt nghiệp với kết quả xuất sắc. Trong thời gian sống tại Anh, ông Lý nhận ra rằng Singapore cần phải được tự trị và về nước năm 1949. 

Tháng 11/1954, ông Lý cùng với một nhóm trí thức trung lưu thành lập đảng Hành động Nhân dân (PAP). PAP chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức tháng 5/1959 nhờ tranh thủ ủng hộ từ cộng đồng người Hoa chiếm đa số, đặc biệt là những người trong công đoàn và các tổ chức học sinh cấp tiến. Ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore.

Singapore năm 1963 sáp nhập với Malaysia nhưng tách khỏi nước này vào năm 1965, giữa những căng thẳng về chính trị và sắc tộc. Singapore sau đó trở thành cộng hòa độc lập và trở thành thành viên Liên Hợp Quốc. Ông Lý thôi giữ chức thủ tướng năm 1990 nhưng vẫn được coi là người có ảnh hưởng lớn đến chính quyền của Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long, con trai cả của ông. Ông Lý Quang Diệu rút khỏi nội các năm 2011, sau khi đảng Hành động Nhân dân mà ông đồng sáng lập nhận được kết quả bầu cử tệ nhất trong 50 năm. 

Kiến thiết Singapore

Thiếu thốn tài nguyên và nguồn cấp nước, khả năng phòng thủ rất hạn chế là những thách thức lớn mà ông Lý phải đối mặt sau khi đất nước giành được độc lập. Trong khi nỗ lực tạo lập và phát triển một quốc gia ổn định và thịnh vượng, chính quyền còn phải cảnh giác trước những xung đột có thể xảy ra trong một quốc gia đa sắc tộc. Dân cư Singapore chủ yếu là người gốc Hoa, Malaysia và Ấn Độ.

"Chúng tôi không có các yếu tố cơ bản làm nên một quốc gia", ông Lý nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ International Herald Tribune năm 2006, "dân tộc đồng nhất, ngôn ngữ, văn hóa và vận mệnh chung, chúng tôi không có những điều đó".

Ông Lý Quang Diệu chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Malaysia, tiếng Hoa và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức. Hầu hết trường học sử dụng tiếng Anh, mặc dù tiếng mẹ đẻ vẫn được giảng dạy.

Trong thời gian cầm quyền, ông Lý tiến hành các chính sách đổi mới đô thị và xây dựng nhà ở công cộng mới, giao quyền hạn lớn hơn cho phụ nữ, cải cách giáo dục và công nghiệp hóa. Ông luôn chú trọng vào kinh tế và kết nối lĩnh vực này với các mặt khác của đất nước, bao gồm việc xây dựng hình ảnh quốc tế là một "Thành phố vườn", điều được duy trì cho đến ngày nay.

Ông biến Singapore thành trung tâm vận tải và dịch vụ tài chính lớn với một trong những bến cảng tấp nập nhất thế giới. Theo Trung tâm Tăng trưởng và Phát triển Groningen, GDP đầu người của Singapore khi ông Lý lên nắm quyền năm 1959 là hơn 2.100 USD, và hơn 2.600 USD vào năm 1965, khi Singapore trở thành quốc gia độc lập. Con số này tăng lên hơn 14.200 USD vào năm 1990, khi ông rời ghế thủ tướng. Năm 2013, Singapore là nước có thu nhập đầu người đứng thứ ba thế giới. "Ông Lý Quang Diệu là người giúp thúc đẩy các phép màu kinh tế châu Á", Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tháng 10/2009.

Thông điệp chính của ông về động lực đằng sau sự thành công của Singapore rất đơn giản: "Chất lượng nguồn nhân lực của một quốc gia là yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng cạnh tranh của nước đó. Sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, làm việc theo nhóm, và đạo đức nghề nghiệp mang lại lợi thế lớn mạnh nhất trong cạnh tranh".

Theo Financial Times, ông Lý rất cứng rắn trong đấu tranh chống tham nhũng. Ông trao quyền lực lớn hơn cho Cục Điều tra Tham nhũng (CPIB) để tiến hành bắt giữ, truy lùng, điều tra tài khoản ngân hàng và việc nộp thuế thu nhập của nghi phạm và gia đình họ. Singapore được đánh giá là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng thấp nhất thế giới với hệ thống dịch vụ công trong sạch và hiệu quả. 

Ông Lý Quang Diệu tin vào tính hiệu quả của đòn roi. Khi còn là thuộc địa của Anh, Singapore một vài lần sử dụng đòn roi để xử lý hành vi liên quan đến bạo lực cá nhân. Chính quyền ông Lý sau đó sử dụng biện pháp này để trừng trị một loạt tội danh. Đến năm 1993, Singapore ấn định bắt buộc xử lý 42 tội danh bằng đòn roi như nghiện hút và nhập cư trái phép và có thể sử dụng với 42 vi phạm khác. Singapore là một trong trong số ít các quốc gia trên thế giới dùng hình phạt đánh vào thân thể trong kỷ luật quân đội.

Chỉ trích

Tuy sống trong một quốc gia xanh, sạch, giàu có và ít tham nhũng, sự bất mãn vẫn tồn tại trong dân thường Singapore. Nhiều người không thể mua nổi nhà đất vì giá bất động sản quá cao. Khoảng cách giàu nghèo tại nước này ngày càng lớn. 

Theo WSJ, các nhóm nhân quyền chỉ trích ông Lý kiểm soát quá chặt chẽ truyền thông trong nước và hạn chế tự do dân sự, thông qua các quy định nghiêm ngặt về phát ngôn và tụ tập ở nơi công cộng. 

"Chúng tôi bị gọi là quốc gia 'bảo mẫu'", ông Lý Quang Diệu nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2000, ám chỉ đến việc người Singapore được dạy cách cư xử lịch sự, ít ồn ào, không nhai kẹo cao su và không vẽ tranh trên tường. "Nhưng kết quả là chúng ta cư xử tốt hơn và sống ở một nơi dễ chịu hơn 30 năm trước đây", ông Lý nói.

Ông Lý cũng bị chỉ trích vì đã áp dụng những biện pháp cứng rắn với phe đối lập và sử dụng các luật lệ về tội phỉ báng để chống lại đối thủ chính trị. Năm 2010, ông cùng con trai, Thủ tướng Lý Hiển Long, kiện New York Times tội phỉ báng vì một bài viết liên quan đến gia đình ông của một nhà báo tự do. Tờ báo và tác giả sau đó phải trả tổng cộng khoảng 11.000 USD cho ông Lý.

Tuy nhiên, di sản ông Lý Quang Diệu để lại là điều không thể chối cãi. Năm 2010, ông được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người ảnh hưởng nhất thế giới. "Điều thể hiện một nhà lãnh đạo vĩ đại là đưa xã hội từ điểm xuất phát đến vị trí nước đó chưa từng thấy", cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger viết trong lời giới thiệu ông Lý trên một tạp chí. "Không có nhà tư tưởng chiến lược nào giỏi hơn ông trong thế giới ngày nay", Kissinger viết. Tổng thống Obama gọi là ông Lý là "huyền thoại của châu Á trong thế kỷ 20 và 21".

Ông Lý Quang Diệu từng nói rằng khi ông qua đời, các bài viết về ông trên báo chí sẽ không thể là thước đo đánh giá những gì ông đã làm. Các học giả trong tương lai mới là những người sẽ nghiên cứu ông trong bối cảnh thời đại của họ.

"Tôi không nói rằng mọi điều tôi làm đều đúng", ông Lý nói. "Tôi từng phải làm một số điều gây khó chịu như giam giữ người không qua xét xử. Nhưng tất cả mọi thứ tôi làm đều vì mục đích cao quý".

Chiếc lá đã lìa cành, nhưng những câu chuyện về ông Lý Quang Diệu sẽ còn sống động thật lâu. Ông từng trích dẫn một câu tục ngữ Trung Quốc: đừng đánh giá một người trước khi người đó qua đời. 

"Đóng nắp quan tài, sau đó hẵng quyết định", ông nói.

Phương Vũ

 


Lý Quang Diệu - nhà kinh tế học thực dụng

Sống thực tế, kiên định với những gì mình tin là đúng và có lợi cho đất nước, ông cũng sẵn sàng lắng nghe lời khuyên của người có kinh nghiệm, học hỏi những điều tốt khắp nơi để mang về áp dụng ở Singapore.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là người không ngại thách thức những tư tưởng vốn đã trở nên quen thuộc và không cần thỏa hiệp với những lý thuyết giáo điều. Đến tận cuối đời, ông vẫn tin tưởng, kiên định với việc chấp nhận và thích ứng hoàn cảnh khó khăn trong một thế giới luôn thay đổi. Để làm mới nhãn quan của mình, ông liên tục tìm lời khuyên, nghe quan điểm của các chuyên gia, nhà học thuật, các chính trị gia, nhà báo thậm chí ngay cả những người dân trên đường phố.

Dù nghe nhiều và chứng kiến nhiều cuộc tranh luận, ông không bao giờ để bản thân mình bị "lung lay" nếu chưa tìm ra được điều mà ông tuyệt đối tin tưởng, rằng điều đó tốt cho lợi ích dài hạn của người dân trên đất nước. Một trong những bằng chứng rõ rệt cho tính cách này là sân bay Changi - biểu tượng của đất nước Singapore mới giàu mạnh hiện nay.

1-1-9994-1427191028.jpg

Khi Singapore muốn mở rộng sân bay vào đầu năm 1970, một nhà tư vấn hàng không của Anh đề xuất bổ sung đường băng cho sân bay sẵn có ở Paya Lebar. Lý do mà công ty đưa ra là việc nới rộng, thay vì xây mới, sẽ giảm thiểu số tiền giải phóng mặt bằng, quỹ đất phải sử dụng. Nội các Singapore chấp nhận đề xuất trên, nhưng Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn đề nghị một công ty tư vấn khác của Mỹ đánh giá lại, sau đó tổ chức thêm một cuộc nghiên cứu khác nữa..

Cả hai nghiên cứu sau cho ra kết quả nên ở lại sân bay cũ và mở rộng nó. Nhưng vị Thủ tướng vẫn không hài lòng. Ông nói rằng việc giữ nguyên sân bay hiện tại không chắc là khôn ngoan với sự bền vững của Singapore về mặt dài hạn. Ông nhắc lại một bài học trên đường đời của mình: "Tôi từng đến sân bay Logan ở Boston và ấn tượng mạnh về tiếng ồn của những chiếc máy bay đi lên đi xuống. Nếu chúng ta mở rộng sân bay ở Paya Lebar, trung tâm Singapore sẽ phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn trong nhiều năm tới.

Cuối cùng, ông chọn Chủ tịch của cơ quan Cảng Singapore, ông Howe Yoon Chong, người vốn nổi tiếng vì tính cách mạnh mẽ - yêu cầu thực hiện cuộc nghiên cứu cuối cùng. Người này đã trả lời ông rằng phương án sân bay Changi là có thể thực hiện được.

Sau đó, bất chấp cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, Thủ tướng Lý Quang Diệu vẫn đặt cược một tỷ USD vào canh bạc sân bay Changi năm 1975. Đây là dự án mạo hiểm vì ông sẽ phải san phẳng nhiều tòa nhà, di chuyển hàng nghìn ngôi mộ, cải tạo nhiều khu vực đầm lầy, lấy đất lấn biển tại một số khu vực. Thời gian xây sân bay lúc đầu dự định là 10 năm, nhưng do tính cấp thiết đã rút gọn lại, buộc phải làm xong trong 6 năm.

Cuối cùng, quyết định của Thủ tướng Lý Quang Diệu đã mang lại quả ngọt. Ngày nay, sân bay Changi là một trung tâm du lịch, hàng không và điểm đến hấp dẫn của đảo quốc Sư tử.

2-1-7233-1427191028.jpg

Thử nghiệm: Liệu cách này có phù hợp với chúng ta?

Cách ông Lý Quang Diệu biến những câu chuyện không thể thành có thể, cách tiếp cận thực dụng, quyết tâm với tầm nhìn dài hạn đã giúp Singapore tồn tại và phát triển, ngay cả khi phương pháp ông làm dường như đi ngược lại những nguyên tắc thông thường.

"Tại một quốc gia đang phát triển, các bạn cần một lãnh đạo - người không chỉ thấu hiểu những cuộc tranh luận giữa các bên đối lập, mà còn phải nói được vào lúc kết luận rằng 'Hãy xem, trong trường hợp của chúng ta, cái nào có hiệu quả. Bất kể người Anh, người Australia, người New Zealand làm như thế nào. Đây là Singapore. Liệu cách này có hiệu quả ở đây?", ông nói.

Đã nhiều lần, ông chứng minh khả năng nhìn xuyên thấu của một người giàu kinh nghiệm, có thể vượt lên trên mọi định kiến, thành kiến. Khi còn trẻ, ông từng đọc về chủ nghĩa xã hội Fabian, một dạng làm chính quyền mà ông đặc biệt say mê trong quãng thời gian học đại học ở Anh, đến nỗi trong nhiều năm liền ông đăng ký mua tạp chí về chủ đề này để học hỏi.

Tuy nhiên, ông nhận ra rằng những lý thuyết này có thể không hiệu quả khi áp dụng vào thực tế. "Chúng ta phải sống trong một thế giới như nó vốn có, không phải thế giới mà chúng ta muốn có". Đó là một câu nói của ông mà sau này trở nên nổi tiếng.

Trong những năm đầu khi xây dựng đất nước, để phản biện lại lý thuyết đang thịnh hành thời điểm đó là các tập đoàn đa quốc gia không khác nào những tên thực dân kiểu mới - vốn chỉ chăm chăm hút sạch tài nguyên đất, lao động và khoáng sản giá rẻ của một quốc gia, Lý Quang Diệu đã làm điều ngược lại. Ông trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sách thuế, tài chính hấp dẫn. Người đưa ra lời khuyên cho ông là nhà kinh tế Albert Winsemius đến từ Hà Lan. Bài giảng "các công ty châu Âu và Mỹ hoạt động như thế nào" của vị chuyên gia đã cho Lý Quang Diệu nhìn thấy tương lai của Singapore khi đất nước này kết nối vào hệ thống thương mại, đầu tư toàn cầu thông qua các công ty đa quốc gia, sử dụng chính mong muốn và lợi nhuận của họ.

Sau này, cố Thủ tướng giải thích lại một cách giản dị: "Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để kiếm sống, làm thế nào để tồn tại. Đó không phải là những câu hỏi kinh tế mang tính lý thuyết suông. Đó là vấn đề sống hay chết của hai triệu con người".

Nhìn lại, ông Lý Quang Diệu tin rằng duy trì lập trường thực dụng đã đảm bảo sự tồn tại cho Singapore lẫn sự phát triển như ngày hôm nay. Ông nói: "Nếu có một công thức cho sự thành công của chúng tôi, đó là chúng tôi đã liên tục học hỏi cách giải quyết mọi việc, làm thế nào để mọi thứ ngày một tốt hơn. Bài thử nghiệm tôi áp dụng vào mọi lý thuyết, mọi mô hình là liệu nó có hiệu quả ở đây không? Đó là bí quyết vàng luôn tồn tại trong văn phòng của tôi trong suốt những năm qua. Nếu một lý thuyết mang ra thử nghiệm không hiệu quả, hoặc kết quả tồi, tôi sẽ không mất thời gian và tài nguyên vào nó nữa".

3-1-6604-1427191028.jpg

Cú nhảy niềm tin

Sống thực tế không có nghĩa là hoàn toàn vận hành theo lối an toàn. Trái ngược lại, Lý Quang Diệu luôn không ngừng nghỉ trong việc cải tiến và biến những hoàn cảnh khó khăn thành cơ hội. Nhiều cuộc thử nghiệm có thể sai, ông nói, "nhưng điều tối quan trọng là không được e ngại cải cách".

Ông Peter Ho, người từng là chịu trách nhiệm về dịch vụ công ích của Singapore cho biết trong những năm đầu của Singapore, nhiều quyết sách đã được đưa ra mà căn cứ của nó không có gì hơn là dựa vào niềm tin.

"Xây cảng container đầu tiên ở Tanjong Pagar lại là quyết định liều lĩnh. Vì thời điểm đó, chưa có ai chứng minh rằng container là một phương pháp vận chuyển tốt. Nhưng Thủ tướng Lý Quang Diệu đã cho người phụ trách vấn đề này quyền hạn để biến nó thành hiện thực.

Ông Ho nói tiếp: "Trên thực tế, mong muốn thử nghiệm mọi thứ đã sinh ra một thế hệ các doanh nhân Singapore có khả năng biến những con số 0 trở thành những biểu tượng của Singapore ngày nay như hãng hàng không Singapore Airlines, Ngân hàng DBS, công ty ST Engineering, Sân bay Changi, công ty Singtel, và nhiều thứ khác. Hệ thống máy tính hóa quốc gia cũng là một ví dụ. Do Bộ Quốc phòng khởi xướng, nay hệ thống này đã làm biến đổi Singapore.

6-1-4408-1427191029.jpg

Đứng trên vai kẻ khác

Lý Quang Diệu luôn đưa ra các giải pháp bằng cách rút ra bài học từ những kinh nghiệm của nước khác hoặc nhờ tư vấn của chuyên gia. Không nhất thiết phải sáng tạo lại bánh xe, ông luôn lặp đi lặp lại câu nói này.

Trong các chuyến công tác của mình, ông luôn để ý, quan sát xem một xã hội, một chính quyền hoạt động như thế nào, điểm tốt ở đâu. Từ đó ông có những ghi chép lại về mọi  thứ để mang về áp dụng, ví dụ loại cây nào có thể mang về trồng ở Singapore, ngành công nghiệp nào có thể xây dựng ở Singapore.

Cũng nhờ cách này, ông xây dựng các biện pháp ngăn chặn ô nhiễm không khí tại đất nước của mình. Khi đến Boston năm 1970, ông nhìn thấy những dòng xe nối đuôi nhau trước cửa các garage chờ đến lượt kiểm tra. Sau đó ông về nước và thiết kế hệ thống kiểm tra phương tiện. Khi đến Nhật và chứng kiến căn bệnh Minamata vì ô nhiễm năm 1970, ông đã dời các khu công nghiệp xa ra khỏi khu dân cư.

"Tôi thích đứng trên vai người khác, những người đã đi trước chúng ta", ông nói.

Khi gặp khó khăn, ông Lý Quang Diệu sẵn sàng nhận lời khuyên của những người có kinh nghiệm, bất kể việc họ đến từ đâu. Ví dụ, khi Singapore trong tình huống cấp bách cần xây dựng ngay lập tức lực lượng quốc phòng để phòng ngừa nguy cơ bạo loạn từ nhóm Malay Ultras năm 1965, Ấn Độ và Ai Cập đã không phản hồi đề nghị giúp đỡ. Trong tình huống này, ông Lý Quang Diệu đã quay sang phía người Israel. Mặc dù vậy, khi nhóm quân Israel đầu tiên đến Singapore vào tháng 11 năm đó, giới chức Singapore giới thiệu họ là "người Mexico" để tránh gây chú ý.

4-1-6386-1427191029.jpg

Cải cách hệ thống tài chính

Trong suốt nhiều năm liền, ông nổi tiếng với những quy định nghiêm khắc về hệ thống tài chính và trong việc bảo hộ các ngân hàng nội. Cho đến khi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra giai đoạn 1997 - 1998.

Ông Heng Swee Keat, người lúc đó Thư ký riêng của ông Lý Quang Diệu nhớ lại: "Những quy định nghiêm ngặt của chúng tôi từng thích hợp trong quá khứ, nhưng trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại, các ngân hàng gặp khó khăn, ông Lý Quang Diệu đã quả quyết rằng Singapore cần phải thay đổi".

Khi đó, Lý Quang Diệu là Bộ trưởng cấp cao, đã mang đến cho Thủ tướng Ngô Tác Đống một bản kế hoạch, thuyết phục ông này làm theo. Bản kế hoạch này sau đó đã mang đến những thay đổi quan trọng về mặt chính sách và hệ thống tài chính Singapore.

Trong bài phỏng vấn năm 1999, ông Lý Quang Diệu đã nói: "Nếu chính phủ làm theo cách mà tôi đã làm cách đây 30 năm là bảo hộ ngân hàng nội, thì các ngân hàng nay đã gặp rắc rối. Chúng ta ngày nay đang ở một đất nước có sự hiện diện của 200 ngân hàng lớn nhất và cạnh tranh nhất thế giới. Do đó điều cần làm là cải thiện khả năng cạnh tranh của mình, nếu không sẽ giống như New Zealand, nơi tất cả các ngân hàng địa phương đã bị sang tên đổi chủ và về tay người nước ngoài".

Ông Heng nói tiếp: "Nếu ông Lý Quang Diệu không áp dụng những chính sách thay đổi vào cuối thập niên 1990 và không biến khó khăn thành cơ hội, chúng tôi sẽ không thể nào trở thành trung tâm tài chính mạnh như ngày nay. Chuẩn bị mở cửa thị trường tài chính ngay trong chính tâm của cuộc khủng hoảng tài chính cần sự dũng cảm và khả năng tiên đoán xuất sắc. Đây là những phẩm chất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu".

5-1-2077-1427191029.jpg

Sòng bạc, giải đua F1 và vấn đề đồng tính

Bước vào thế kỷ 21, các quốc gia đứng trước cuộc cạnh tranh không  khoan nhượng về nhân tài, du lịch, vốn đầu tư. Điều này đòi hỏi đất nước phải điều chỉnh lại một cách tinh tế vài vấn đề động chạm đến xã hội và người dân Singapore.

Trong cuộc phỏng vấn năm 2007, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu thừa nhận Singapore đã có quan điểm không rõ ràng về vấn đề người đồng tính. "Chúng tôi nói, được, hãy để họ yên. Nhưng về vấn đề luật pháp, hãy để đó tương lai giải quyết", ông nói. Trong khi Trung Quốc hay Đài Loan đã áp dụng những chính sách khá cởi mở, ông cho rằng Singapore còn có cộng đồng người Hồi giáo, một bộ phận người Hoa, người Ấn lớn tuổi và bảo thủ. "Do đó, chúng tôi để mọi thứ diễn biến thật chậm chạp. Đó là cách tiếp cận thực dụng để duy trì cân bằng xã hội", ông nói tiếp.

Từng có một thời gian dài cố Thủ tướng phản đối việc tổ chức giải đua Công thức một. Tuy nhiên, đến một ngày ông nhận ra rằng giải đua này mang đến một lực lượng những người hâm mộ giàu có và có thể đem lại lợi ích kinh tế cho Singapore. Lợi ích lớn hơn là đẩy mạnh vị thế của đất nước trên trường quốc tế cũng làm ông Lý Quang Diệu "lung lay". Ngoài ra, ông nhận thức được rằng cảnh quay về cuộc đua sẽ là cơ hội quảng bá hình ảnh Singapore đến hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Còn về vấn đề sòng bạc, trước đây ông từng tuyên bố nếu muốn làm thì phải "bước qua xác tôi". Nhưng trong bài phỏng vấn giải thích với New York Times năm 2007, ông thừa nhận: "Tôi không thích bài bạc. Nhưng thế giới đã thay đổi và nếu chúng tôi không có những khu nghỉ dưỡng được tích hợp sòng bạc như ở Las Vegas, Singapore sẽ thua. Do đó, chúng tôi quyết định tiến hành. Hãy thử và cố gắng giữ chúng trong phạm vi an toàn, không dính líu đến mafia, mại dâm hay rửa tiền. Chúng tôi có thể làm điều đó không? Tôi không chắc, nhưng cho đến nay cuộc thử nghiệm vẫn tốt".

Nói tiếp về quan điểm của mình, cố Thủ tướng cho biết: "Chúng tôi phải đi theo bất cứ hướng nào mà hoàn cảnh thế giới hướng tới nếu muốn tồn tại. Nếu không kết nối với thế giới hiện đại, chúng tôi sẽ chết, sẽ quay lại với nhưng ngôi làng chài mà người dân Singapore đã từng ở cách đây cả trăm năm".


Anh Đức 
(theo Channel NewsAsia)


Thủ tướng Lý Hiển Long nghẹn lời khi nói về cha


Thủ tướng Singapore đương nhiệm Lý Hiển Long bày tỏ nỗi đau riêng và chung khi  cựu thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời, có lúc ông nghẹn ngào không nói nên lời trong bài phát biểu về cha.


"Tôi đau buồn không nói nên lời khi cha mình qua đời. Tôi biết chúng ta có cùng cảm xúc ấy. Kể cả khi chúng ta tưởng nhớ ông, hãy cùng thể hiện sự kính trọng với tinh thần của ông", Channel News Asia dẫn lời ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore, nói trong bài phát biểu được truyền hình trực tiếp sáng nay.

Ông Lý phát biểu bằng tiếng Mã Lai, tiếng Trung và tiếng Anh. Trong bài phát biểu bằng tiếng Trung, có lúc ông nghẹn ngào khi nói về cha. Lý Hiển Long giữ chức thủ tướng Singapore từ năm 2004 đến nay và là con trai cả của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu. 

"Chúng ta hãy cống hiến như là người giúp xây dựng đất nước trên những nền móng của ông, phấn đấu vì những lý tưởng của ông và giữ Singapore trở nên khác biệt và thành công trong nhiều năm tới", thủ tướng Singapore nói. 

"Singapore là niềm đam mê vĩnh cửu của ông. Ông cống hiến bản thân cho Singapore. Bởi bản thân ông tâm niệm điều đó cho tới cuối đời: 'Tôi đã dành phần lớn cuộc đời tôi để xây dựng đất nước này. Tôi chẳng cần làm điều gì hơn. Cuối cùng, tôi có gì? Một Singapore thành công. Tôi đã từ bỏ điều gì? Cuộc đời tôi'", Lý Hiển Long dẫn lại lời cha

Ông Lý Hiển Long ca ngợi người đã kiến tạo nên nền tảng đầu tiên của đất nước. "Ông truyền cảm hứng cho chúng ta, giúp chúng ta có lòng can đảm, đoàn kết và đưa Singapore tới ngày hôm nay. Ông đã chiến đấu vì độc lập của Singapore, xây dựng đất nước từ con số không và khiến chúng ta tự hào là người Singapore".

Theo ông Lý, vị cố thủ tướng đã thúc đẩy người dân Singapore đạt tới những điều dường như là không thể, và với nhiều người, Lý Quang Diệu chính là Singapore. 

Ông Lý Quang Diệu qua đời vào hồi 3h18 sáng nay (giờ Singapore), hưởng thọ 91 tuổi. Cựu thủ tướng đã ra đi sau hơn một tháng nằm viện vì bệnh viêm phổi cấp tính. Singapore sẽ quốc tang 7 ngày, từ 23/3 đến 29/3, để tưởng nhớ vị thủ tướng đầu tiên của đất nước. Trong quãng thời gian này, tất cả các tòa nhà của chính phủ sẽ treo cờ rủ. 

Khánh Lynh

Lý Quang Diệu trong mắt con trai út

Lý Hiển Dương miêu tả cha mình là người luôn theo sát những gì các con làm, cho con lời khuyên nhưng cuối cùng sẽ để chúng tự quyết định.
1_1427170663.jpg

Ông Hiển Dương và vợ, bà Lim Suet Fern, tham dự lễ trao giải thưởng kinh doanh Singapore, tháng 4/2013. Ảnh: The Straits Times.

Khác với cha và anh trai, ông Lý Hiển Dương, 57 tuổi, không theo nghiệp chính trị mà đi con đường riêng và tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh. Hiển Dương không chọn Đại học Harvard, nơi cha mình từng tu nghiệp và anh trai Hiển Long từng học thạc sĩ ngành quản lý công. Để thuyết phục con trai, ông bà Lý đã đưa cho Hiển Dương hàng loạt các bài báo nói về đại học này. Thay vì Harvard, con trai út của ông Lý chọn học thạc sĩ tại Đại học Stanford.

Hiển Dương là con trai út của ông bà Lý. Anh trai ông là Thủ tướng Lý Hiển Long, hiện 63 tuổi, và chị gái Lý Vĩnh Linh, 60 tuổi. Bà Vĩnh Linh giờ là giám đốc Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia, còn ông Hiển Dương là lãnh đạo của Cục Hàng không Dân dụng Singapore.

Lý Hiển Dương miêu tả cha là người luôn theo sát những gì các con làm. Ông cũng cho con lời khuyên về trường đại học nhưng cuối cùng sẽ để tự chúng quyết định.

Khi cha trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore vào năm 1959, Hiển Dương mới hai tuổi. Ngày nhỏ, Hiển Dương ít khi nhìn thấy cha. Chỉ khi gia đình có kỳ nghỉ hàng năm dài hai tuần, các con ông Lý mới được gặp cha nhiều hơn. Việc nuôi dạy con cái trong gia đình chủ yếu là do bà Kha Ngọc Chi đảm nhiệm.

Bà Chi là luật sư chuyên soạn thảo giấy tờ chuyển nhượng tài sản của công ty luật Lee & Lee do bà đồng sáng lập cùng chồng và em chồng. Hàng ngày, vào giờ ăn trưa, bà Chi sẽ về nhà cùng các con.

"Tôi nghĩ công việc soạn thảo giấy tờ chuyển nhượng tài sản dễ biết trước và không căng thẳng như luật kinh doanh hay kiện tụng, tranh chấp, vì thế mẹ tôi có thể chu toàn được cả công việc pháp lý và gia đình", Hiển Dương nói.

Cả hai con trai của ông bà Lý đều tham gia Lực lượng quân sự Singapore. Ông Hiển Long ra quân năm 1984 để tham gia chính trường, còn Hiển Dương rời quân ngũ năm 1996 để bước chân vào lĩnh vực kinh doanh. Hiển Dương từng có lần nhận xét chính trị không đơn giản như cốc trà. Ông kết hôn cùng bà Lim Suet Fern, hiện 56 tuổi, và có ba con trai.

"Cha tôi có gợi ý để tôi gia nhập chính trường nhưng tôi không nghĩ đó là điều mình muốn làm. Tôi chưa từng định tham gia chính trị. Tôi không biết tại sao mọi người lại nghĩ vì tôi là con trai của bố tôi nên đó (trở thành chính trị gia) phải là số mệnh của tôi", The Straits Times dẫn lời con út ông Lý chia sẻ.

3_1427171173.jpg

Ông Lý và hai con, Hiển Dương và Vĩnh Linh, đang chơi đùa cùng cún cưng trên bãi cỏ trong khu tư dinh Sri Temasek. Ảnh: The Straits Times.

Theo Hiển Dương, là con trai của Lý Quang Diệu khiến ông có vài áp lực.

"Một số người sẽ cho là tôi có nhiều cơ hội vì tôi là ai. Tôi lại cho rằng mình đã giành được cơ hội ấy và đã làm việc chăm chỉ để có nó. Tôi nghĩ đó là những gì bố mẹ tôi mong đợi", Hiển Dương lý giải.

Như một quy tắc đặt ra, Hiển Dương không bao giờ đưa mối quan hệ với cha mình vào công việc.

"Điều khiến tôi thấy khó chịu là trên các mặt báo, thậm chí tận bây giờ, khi nhắc tới tôi, họ sẽ đề cập tới việc tôi là con trai cựu thủ tướng hoặc em trai của thủ tướng đương nhiệm. Điều này liệu có liên quan gì tới việc tôi đang làm nhỉ?", em trai thủ tướng Singapore nói.

Trong cuộc phỏng vấn hai năm sau khi bà Kha Ngọc Chi qua đời, ngày 2/10/2010, Hiển Dương tâm sự ông vẫn cảm thấy rõ nỗi đau đớn. Nước mắt dâng tràn trong khóe mắt khi ông nhắc tới mẹ và nhớ đến thời gian bà nằm liệt giường. Hiển Dương cho rằng thời gian ốm đau và cái chết của mẹ khiến bố ông suy sụp.

"Thật khó khăn cho cả bố và mẹ tôi. Thành thật mà nói, tôi nghĩ bố già đi nhiều trong suốt và sau giai đoạn đó", Hiển Dương tâm sự.

Bình Minh

 

Người Singapore xếp hàng mua số báo đặc biệt về Lý Quang Diệu

Các quầy bán báo ở Singapore hôm qua chật kín khách đứng đợi mua ấn phẩm đặc biệt về cố thủ tướng Lý Quang Diệu, với mong muốn biết thêm thông tin về ông và giữ làm kỷ niệm.

Người dân Singapore biết tin cựu thủ tướng Lý Quang Diệu qua đời sáng qua, trước giờ họ đi làm.

 

Các nhân viên văn phòng tranh thủ xếp hàng để mua báo.

 

Ai cũng mong có được tờ báo về "người cha lập quốc".  Nhiều người mong hiểu thêm thông tin về ông Lý, số khác muốn giữ lại tờ báo làm kỷ niệm.

 

Trên tay mỗi nhân viên văn phòng là một tờ báo có chân dung ông Lý.

 

Vừa xếp hàng, người phụ nữ này vừa tranh thủ đọc báo. Dù đã mua được báo nhưng cô vẫn cố gắng đứng đợi để có thêm một vài ấn phẩm nữa về ông Lý Quang Diệu.

 

Nhân viên tại các quầy bán báo luôn tay để lấy báo cho khách. Họ mặc áo đen để bày tỏ sự kính trọng với cố thủ tướng.

 

Sáng qua, số báo đặc biệt được bán tại các quận trung tâm ở Singapore.

 

Không chỉ người bản địa, người nước ngoài cũng hòa vào hàng người xếp hàng. Chuyên gia công nghệ thông tin người Ấn Độ Raj Kumar, 42 tuổi, cho biết anh muốn có một tờ báo về ông Lý để làm kỷ niệm bởi cựu thủ tướng là người đặc biệt. Raj (trái) sống ở Singapore 14 năm qua và hiện là công dân thường trú chính thức.

"Tôi muốn biết nhiều về ông Lý", Raj nói.

Baskara Setupathy, 40 tuổi, bạn của Raj, cho biết thêm: "Tôi nghĩ tương lai xán lạn mà Singapore đang đón nhận tất cả là nhờ có ông Lý Quang Diệu".

 

Ông Robin Chan, 63 tuổi, được bạn bè báo tin ông Lý từ trần qua tin nhắn. Ông đứng chờ từ lúc 10h45 dù không biết tờ báo nào sẽ ra số đặc biệt.

"Ông ấy là anh hùng của chúng tôi. Tôi chỉ muốn giữ lại những tờ báo này", Chan chia sẻ. Giống như nhiều người Singapore khác, ông Chan biết tin sáng qua khi vừa thức dậy để đi làm. Ai nấy đều cảm thấy nỗi buồn đau nặng trĩu.

 

Hai ấn phẩm đều in hình chân dung ông Lý trên trang bìa.

 

Nhân viên nhà in kiểm tra tờ báo tưởng nhớ tới cựu thủ tướng Lý Quang Diệu của tờ The Straits Times trước khi giao báo.

 


Bình Minh (Ảnh: The Straits Times, AFP, Reuters, AsiaOne)

Những câu nói nổi tiếng của Lý Quang Diệu

"Cho dù tôi đang nằm trên giường bệnh, cho dù các anh đang hạ tôi xuống huyệt, nếu tôi thấy có điều gì sai trái, tôi sẽ đứng dậy ngay", đây là một trong số những câu nói thể hiện tính cách của cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.

"Thưa ngài, đàn áp là một thói quen ngày càng lớn dần lên. Tôi được dạy rằng nó cũng giống như chuyện quan hệ - lần thứ hai sẽ dễ dàng hơn", ông Lý, với tư cách là chính trị gia đảng đối lập PAP, nói với chính trị gia David Marshall năm 1956, nhằm phản đối việc đàn áp các hoạt động của các tổ chức xã hội. Ảnh: CNN.

 

 

"Đừng đổi 'Không' thành 'có'. Đừng là một thằng hề. Nếu có lý do chính đáng giải thích tại sao lại là 'Không' thì phải giữ câu trả lời 'Không', nhưng sự từ chối phải được nói ra một cách lịch lãm", trích từ bài nói chuyện của ông Lý với các công chức vào tháng 9/1965. Ảnh: CNN

 

"Tất cả mọi người, dù là thiên tài hay người bình thường, cũng đều có quyền tái sinh chính mình", trích bài phát biểu của ông Lý về dự luật phá thai, tháng 9/1969. Ảnh: CNN.

 

"Điều tôi lo sợ là tính tự mãn. Khi mọi thứ trở nên tốt hơn, mọi người có xu hướng muốn làm ít hơn mà hưởng nhiều hơn", trích bài phát biểu tháng 6/1970. Ảnh: CNN.

 

"Tôi thường bị cáo buộc là can thiệp vào cuộc sống riêng tư của người dân. Vâng, nếu tôi không làm việc đó, chúng ta sẽ chẳng có được ngày hôm nay", ông Lý trả lời phỏng vấn tờ The Straits Times, tháng 4/1987. Ảnh: CNN.

 

 

"Người Mỹ là những nhà truyền giáo vĩ đại. Trong họ có sự thôi thúc mạnh mẽ nhằm thay đổi người khác", trích từ cuốn sách The Wit & Wisdom of Lee Kuan Yew năm 1992. Ảnh: CNN.

 

 

"Phán quyết cuối cùng sẽ không nằm trong cáo phó. Phán quyết cuối cùng sẽ là khi các nghiên cứu sinh tiến sĩ đào xới kho lưu trữ, đọc những bài báo cũ về tôi, đánh giá những gì kẻ thù của tôi nói, chọn lọc bằng chứng và tìm ra sự thật. Tôi không nói mọi việc mình làm đều đúng, nhưng tôi làm tất cả là vì một mục đích ngay thẳng", trích bài phỏng vấn của ông Lý với tờ New York Times hôm 13/9/2010. Ảnh: The Online Citizen.

 

Năm 1992, Singapore cấm bán kẹo cao su vì người dân vứt bừa bãi, dính bã kẹo lên bàn, ghế, gây hư hại các công trình văn hóa.

"Nếu bạn không thể suy nghĩ khi không có thứ gì để nhai, hãy thử một quả chuối", Reuters trích lời ông Lý nói. Ảnh minh họa: AFP.

 

"Tôi từng chơi golf, nhưng nhận thấy nó chẳng mang lại cho tôi sức mạnh bởi đây là môn thể thao lười biếng. 9 lỗ golf sẽ lấy mất của bạn vài tiếng. Tôi chạy trong 20 phút và cảm thấy khá hơn. Vì thế, tôi bỏ golf". Ảnh minh họa:Mothership.sg.

 

"Singapore luôn là mối quan tâm đến tận cuối đời tôi. Sao tôi lại không muốn Singapore tiếp tục thành công? Tôi không hối hận. Tôi đã dành phần lớn cuộc đời mình để xây dựng đất nước này. Không có gì quan trọng hơn thế". Ảnh minh họa: AFP.

 

"Các bạn có thể lên mạng, có thể đăng tải quan điểm của mình, xuất bản bản tạp chí hay tờ báo của mình, không có gì cản trở các bạn. Nhưng nếu bạn bôi nhọ bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ kiện bạn. Bất cứ điều gì sai sự thật và làm mất danh dự, chúng tôi sẽ khởi kiện."

"Truyền thông nước ngoài từng nói chúng tôi dốt nát, nghèo nàn, nhưng giờ họ không dùng những lời miêu tả ấy nữa. Chúng tôi sẽ không quên xuất phát điểm của mình. Chúng tôi sẽ không nao núng trước những đòn tấn công của họ. Nếu bạn nao núng, bạn là kẻ yếu đuối và ngốc nghếch". Ảnh minh họa: Mothership.sg.

 

"Tình dục giữa hai người đàn ông ở Singapore là bất hợp pháp và có thể bị phạt tới hai năm tù, dù hình phạt này hiếm khi có hiệu lực".

Năm 2011, trong cuốn "Hard Truths", ông Lý từng nói: "Không, đó không phải một phong cách sống. Bạn có thể đọc những cuốn sách hay tất cả các bài báo bạn muốn. Nhưng ở đây có sự khác biệt về di truyền nên không có sự lựa chọn. Họ được sinh ra theo cách ấy và đó là thực tế. Vì vậy, nếu hai người đàn ông hoặc hai phụ nữ có quan hệ cùng giới thì hãy để họ yên". Ảnh minh họa: Businesstimes.

 


Bình Minh

Chuyện tình của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu

Cựu thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng hé lộ về mối tình của ông với vợ, đầy ắp những kỷ niệm và chan chứa tình cảm vợ chồng.
vc3-9318-1426756451.jpg

Bức ảnh chung của Ông Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi chụp tại Anh năm 1948. Ảnh: AsiaOne.

Năm 2010, bà Kha Ngọc Chi, vợ cựu thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu, qua đời sau nhiều lần đột quỵ, thọ 89 tuổi. Tại lễ tang của bà vào ngày 6/10 năm đó, ông Lý đã kể lại chuyện tình đẹp của họ từ lúc còn trẻ đến khi về già, từ những ngày gian khó cùng nhau ở Anh đến khi trở về Singapore trong điếu văn đầy xúc động. Bài điếu như một thước phim quay chậm cuộc đời của cựu thủ tướng, cạnh ông luôn có bóng dáng của người vợ thông minh và đảm đang.

VnExpress lược dịch điếu văn đăng trên trang AsiaOne của Singapore có tựa đề: "Lời từ biệt cuối cùng dành cho vợ".

Người xưa tổ chức tang lễ để gia đình và bạn bè cùng nhau chia sẻ nỗi buồn đau, mất mát. Thay vì sợ hãi trước cái chết, họ bày tỏ lòng thành kính của mình với người đã khuất và mang tới sự khuây khỏa cho người còn sống.

Tôi còn nhớ lễ tang bà ngoại cách đây 75 năm. Suốt năm đêm liền, cả gia đình quây quần bên nhau than khóc, dưới sự dẫn dắt của một người khóc mướn chuyên nghiệp. Những đám tang như thế giờ không còn nữa. Nỗi buồn của gia đình tôi được thể hiện qua những câu chuyện riêng về vợ tôi.

Khi bà ấy bị đột quỵ lần đầu tiên vào tháng 10/2003, chúng tôi đã có dự liệu về điều chẳng lành. Tôi và vợ ở bên nhau từ năm 1947 và sống với nhau hơn nửa đời người. Nỗi đau buồn của tôi khi Chi qua đời thật không thể diễn tả thành lời. Nhưng hôm nay, khi kể lại cuộc sống cùng nhau của chúng tôi, tôi muốn ca ngợi cuộc đời của bà ấy.

Bố mẹ Chi không kỳ vọng tôi là một chàng rể lý tưởng bởi khi đó tôi là chàng thanh niên bỏ dở Đại học Raffles, lại không nghề nghiệp ổn định. Tháng 9/1946, tôi quyết định tới Anh học luật, còn Chi trở lại Đại học Raffles để cố gắng là một trong hai người giành học bổng do Nữ hoàng Anh trao tặng hàng năm. Tôi tới Anh và hy vọng cô ấy sang theo sau khi nhận được học bổng đó. Nếu Chi thất bại, chúng tôi sẽ phải xa nhau ba năm. Cuối cùng vào tháng 6/1947, cô ấy đã thành công.

vc-9974-1426756451.jpg

Vợ chồng ông Lý tổ chức đám cưới khi cả hai trở về Singapoore năm 1950. Ảnh:AsiaOne.

Chúng tôi gắn với nhau từ đó. Tôi và Chi kết hôn bí mật vào tháng 12/1947 tại Stratford-upon-Avon. Ở Đại học Cambridge, cả hai phải nỗ lực hết mình. Trở về Singapore, vợ chồng tôi làm trợ lý pháp luật cho công ty luật Laycock & Ong trên đường Malacca. Sau đó, chúng tôi chính thức kết hôn lần hai vào tháng 9/1950 theo nguyện vọng của bố mẹ và bạn bè. Chi là luật sư thảo giấy tờ chuyển nhượng, sang tên tài sản, còn tôi chuyên về kiện tụng, tranh chấp.

Tháng 2/1952, đứa con trai cả của chúng tôi, Hiển Long, chào đời. Chi xin nghỉ việc ở nhà một năm để chăm con. Trong thời gian nghỉ sinh, Chi vẫn giúp tôi chỉnh sửa câu văn trong các bản thảo, giúp chúng trở nên đơn giản và rõ ràng. Qua nhiều năm, bà ấy ảnh hưởng tới phong cách viết của tôi. Giờ thì tôi viết những câu ngắn gọn với giọng điệu tích cực. Vợ chồng tôi cũng điều chỉnh thói quen của mình để hòa hợp với nhau.

Chúng tôi có thêm hai cháu, Vỹ Linh sinh năm 1955 và Hiển Dương sinh năm 1957. Chi đã nuôi dạy các con thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lịch sự, biết quan tâm tới người khác và không bao giờ kiêu căng tự đắc vì mình là con thủ tướng. Công việc của một luật sư giúp bà ấy kiếm đủ tiền để tôi không còn cảm thấy lo lắng về tương lai của các con.

Chi nhìn thấy cái giá mà tôi phải trả vì không sử dụng thành thạo tiếng Trung lúc còn trẻ. Chúng tôi quyết định cho con học ở các trường nói tiếng Trung Quốc, từ bậc mẫu giáo tới các cấp cao hơn. Chi cũng đảm bảo việc các con học tiếng Anh và Malaysia ở nhà. Cách giáo dục con của bà ấy đã trang bị cho bọn trẻ hành trang để sống được ở một quốc gia đa ngôn ngữ.

vc1-2330-1426756451.jpg

Ông Lý cùng vợ và các con. Ảnh: AsiaOne.

Chúng tôi chưa từng cãi nhau về chuyện dạy dỗ con cái, cũng như các vấn đề tài chính. Cả hai cùng quản lý thu nhập và tài sản. Tôi và vợ là người bạn tâm tình của nhau.

Bà ấy có những niềm vui đơn giản. Chúng tôi sẽ đi bộ quanh khu vườn Istana vào buổi tối và tôi sẽ đánh vài đường golf để thư giãn. Khi có cháu, Chi hay dẫn chúng đi cho cá và thiên nga trong hồ ăn. Sau đấy, chúng tôi sẽ đi bơi.

Chi học chuyên ngành văn học Anh khi còn ở Đại học Raffles. Bà ấy rất say mê đọc và đọc mọi thứ. Lần đột quỵ đầu tiên khiến mắt trái của vợ tôi bị giảm thị lực. Điều này ảnh hưởng tới việc đọc của Chi. Để khắc phục, Chi đọc cùng một chiếc thước kẻ.

Tối nào bà ấy cũng bơi để giữ gìn sức khỏe. Dù bị đột quỵ nhưng vợ tôi vẫn sát cánh cùng chồng và sống tích cực. Bà ấy cũng giữ mối liên hệ với gia đình và những người bạn cũ. Chi nghe những đĩa nhạc cổ điển mà bà ấy sưu tập được. Vợ tôi còn phân chia cuộc đời mình một cách hài hước thành "trước đột quỵ" và "sau đột quỵ", giống như trước công nguyên và sau công nguyên vậy.

Bà ấy thân thiện và quan tâm tới tất cả những người quanh mình. Chi hay đùa vui cùng các nhân viên an ninh và sửa cho họ ngữ pháp tiếng Anh hay cách phát âm sao cho thân thiện và vui vẻ. Những nhân viên này thường tới thăm Chi khi bà ấy nằm ở Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia. Tôi rất biết ơn họ.

Lần đột quỵ thứ hai hôm 12/5/2008 của Chi nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi động viên và khích lệ vợ, bên cạnh sự giúp đỡ của đội ngũ bác sĩ, y tá và các nhà trị liệu.

Các y tá, nhân viên an ninh và người giúp việc đều yêu quý bà ấy. Lúc ho, Chi cũng lấy một chiếc gối nhỏ để che miệng mình lại, tránh lây nhiễm cho người khác. Trí óc Chi vẫn minh mẫn còn giọng nói thì đã yếu hơn. Khi tôi hôn lên má vợ, Chi bảo tôi đừng ở quá gần, tránh lây bệnh viêm phổi của bà.

vc2-2263-1426756451.jpg

Ông Lý nhìn mặt vợ lần cuối trong lễ tang của bà Chi tháng 10/2010. Ảnh: Mothership.sg.

Tháng 7/2008, tôi đưa Chi về nhà sau khi kết quả chụp CT cho thấy não phải của bà ấy bị xuất huyết. Các bác sĩ hy vọng vợ tôi có thể sống thêm được vài tuần nữa. Cuối cùng, Chi ở bên tôi thêm hai năm, ba tháng, đến ngày 2/10/2010. Những tháng cuối đời, Chi không thể nói, nên hàng sáng, bà ấy luôn đợi tôi tới để nói chuyện.

Hai năm cuối đời là thời gian khó khăn nhất của Chi. Bà ấy nằm liệt giường sau nhiều lần đột quỵ liên tiếp. Hàng đêm, Chi sẽ đợi tôi đến ngồi cạnh để kể cho bà ấy nghe ngày hôm nay của tôi như thế nào và đọc cho bà ấy những bài thơ yêu thích. Rồi sau đó, Chi chìm vào giấc ngủ.

Tôi có nhiều kỷ niệm quý giá trong suốt 63 năm chúng tôi chung sống. Nếu không có Chi, tôi sẽ là một người đàn ông khác, có một cuộc đời khác. Bà ấy đã dành cả đời mình cho tôi và các con. Chi luôn ở bên mỗi khi tôi cần. Bà ấy sống một cuộc sống đầy ắp sự ấm áp và ý nghĩa.

Tôi thấy được an ủi vì bà ấy đã sống vui vẻ gần 90 năm cuộc đời. Nhưng ở giây phút này, trái tim tôi nặng trĩu nỗi buồn đau.

Bình Minh (lược dịch)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567