Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

28. Hạ thứ 20 tại Jetavana (năm -570)

02/03/201421:04(Xem: 14525)
28. Hạ thứ 20 tại Jetavana (năm -570)
phatthichca2

Sự Tích Đức Phật Thích Ca
Soạn giả : Minh Thiện Trần Hữu Danh

(Ấn bản 09/2010, có hiệu chính và bổ túc)


15- Hạ thứ 20 tại Jetavana (năm -570)

Sudinna, cha của Hạt Giống[1]

Cách đây tám năm, vào hạ thứ 12, có ông Sudinna Kalandaputta, con một trong một gia đình giàu có lớn ở làng Kalanda gần Vesàlì, đến tinh xá Mahàvana (Đại Lâm) nghe Phật thuyết pháp. Nghe xong ông được khai ngộ, cảm thấy chán đời sống phàm tục, xin Phật cho phép xuất gia. Phật bảo ông là con trai duy nhất trong gia đình nên phải xin phép cha mẹ trước đã. Ông về nhà xin phép cha mẹ, nhưng cha mẹ ông đều bảo:

Này Sudinna thương, con là con trai duy nhất của cha mẹ. Cha mẹ rất thương yêu, quý mến, chiều chuộng con. Từ nhỏ đến giờ con được nuôi dưỡng trong sung sướng, được chăm sóc cẩn thận, không hề biết bất cứ điều gì về đau khổ. Nếu con có chết đi thì cha mẹ đành phải chịu, chứ cha mẹ không lòng dạ nào để con đi xuất gia, sống xa gia đình, không nhà cửa, xin ăn bửa đói bửa no, trong lúc gia sãn lớn này không người nối dõi sẽ mất vào tay kẻ khác. Không, cha mẹ thương con lắm, con nên hiểu dùm cho cha mẹ, cha mẹ không đành lòng để con đi xuất gia.

Ông Sudinna nằm dạ xuống đất, nhịn ăn luôn bốn năm ngày liền. Các bạn ông đến khuyên bảo thế nào cũng không được, đành khuyên cha mẹ ông nên để cho ông xuất gia còn có hy vọng ông thay đổi ý khi chịu cực không nỗi, hay ít ra cũng còn có thể trong thấy mặt ông sau này. Cha mẹ ông không thể nhìn con nằm dưới đất không ăn không uống, thân hình tiều tụy, đành cho phép ông xuất gia.

Được phép xuất gia, ông rất phấn khởi, tin tấn tu hạnh đầu đà, thiểu dục tri túc, sống trong ven rừng, đi khất thực theo thứ tự từng nhà. Sau một thời gian khá lâu, người cha được biết đại đức Sudinna hiện đang ở tại Mahàvana liền cùng với vợ đến thỉnh đại đức về nhà cúng dường, sau đó hai ông bà lập mưu với người vợ cũ của đại đức và năn nỉ đại đức nên để lại một đứa con thừa tự để giữ gìn tài sãn gia đình. Lúc bấy giờ chưa có giới luật rõ ràng về việc này nên đại đức đồng ý. Sau đó người vợ có thai và sanh được một đứa con trai kháu khỉnh được ông nội đặt tên là Bijaka (Hạt Giống).

Các vị khất sĩ biết được việc này chế nhạo đại đức Sudinna là cha của Hạt Giống. Khi đức Phật biết được đã gọi đại đức Sudinna đến quở trách nặng nề và quy định các học giới nhắm vào mười điều lợi ích sau đây:

1-Sự tốt đẹp cho hội chúng.

2- Sự an lạc cho hội chúng.

3- Trấn áp và ngăn ngừa những hành động xấu ác.

4-Khuyến khích lối sống hiền thiện và an lạc.

5- Ngăn ngừa các lậu hoặc (àsava)[2]trong hiện tại.

6- Diệt trừ các lậu hoặc trong tương lai.

7- Đem lại niềm tin cho người chưa có đức tin.

8- Tăng thêm niềm tin cho người đã có đức tin.

9- Củng cố sự tồn tại của Chánh Pháp (Saddhamma) gồm Pháp Học (Pariyattisaddhamma), Pháp Hành (Patipattisaddhamma) và Pháp Chứng Đắc (Adhigamasaddhamma).

10- Hỗ trợ Giới Luật.

Sau vụ Sudinna, đức Phật đã cho phổ biến học giới sau đây: “Vị tỳ kheo nào thực hiện việc đôi lứa là vi phạm tội pàràjika (ba-la-di, đại giới, bất cộng trú), không được cộng trú (asamvàsa) trong chúng.”

Angulimàla xuất gia sau khi đã giết 999 người[3]

Một buổi sáng, Phật đi vào thành Sàvatthi khất thực. Khất thực xong, ngài tìm nơi ngồi thọ trai một mình ở một mé rừng. Thọ trai xong, ngài đứng dậy đi ra ngoại ô theo một con đường lớn vắng vẻ. Vài người nông dân thấy Phật, vội chạy đến bảo :

Bạch Thế Tôn, đi đường này hôm nay nguy hiểm lắm. Người ta cho biết tên sát nhơn Angulimàla (Ương Quật Ma, Vô Não) hiện đang có mặt trong vùng này. Hắn là người rất hung bạo, giết người không gớm tay, quan quân đều nể sợ. Mỗi khi giết được ai, hắn cắt ngón tay út của người đó, xỏ thành xâu đeo trên cổ, hiện nay hắn đã có hằng ngàn ngón tay rồi.

Nhiều người đã đến gặp Phật, nói như thế. Nhưng Phật chỉ cám ơn rồi tiếp tục đi. Đến đoạn đường hoàn toàn không có bóng người, Angulimàla trông thấy Phật, liền ẩn mình trong bóng cây bên vệ đường, theo dõi một lúc rồi cầm đao xong ra đường chạy theo. Ban đầu hắn chạy chậm, về sau hắn chạy càng lúc càng nhanh hơn, cho đến khi mồ hôi nhễ nhại mà vẫn không bắt kịp đức Phật, trong lúc hắn thấy đức Phật chỉ bước đi một cách khoan thai. Hắn bực tức hét lớn :

Ông sa môn kia, hãy dừng lại !

Này Angulimàla, mặc dù bước đi, Như Lai đã dừng lại. Còn ông, ông đã dừng lại chưa ?

Này sa môn, ông không nói dối chứ !? Ông nói ông đã dừng lại, sao tôi chạy theo ông nãy giờ mà không bắt kịp ?

Đúng vậy, Angulimàla, Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi. Đã từ lâu Như Lai không còn sát hại hay làm tổn thương bất cứ một sinh mạng nào. Còn ông, ông đã sát hại bao nhiêu mạng người với chứng tích vòng hoa kết bằng những ngón tay trên cổ ông kia. Hai tay ông và cả tâm hồn ông dính đầy máu. Chính ông là người phải dừng lại. Này Angulimàla, không thể tìm được hạnh phúc bằng hành động sát hại. Sát hại chỉ gây ra ghê sợ, thù hận và đau khổ. Này Angulimàla, chỉ có những hành động ban vui, cứu khổ, hòa nhã với mọi người, tha thứ mọi lỗi lầm của người khác mới đem lại hạnh phúc mà thôi.

Angulimàla rất ngạc nhiên. Đã từ lâu không ai dám đến gần ông ta. Đã từ lâu không ai dám đứng nhìn ông ta dù từ xa. Thế mà hôm nay vị sa môn này lại có vẻ oai nghiêm bình tĩnh đứng trước mặt ông ta, nhìn thẳng vào mắt ông ta, dùng lời nói ôn tồn hòa nhã khuyên nhủ ông. Phải rồi, vị này không phải ai khác hơn là sa môn Gotama mà ông từng nghe tiếng. Angulimàla buông đao xuống đất, xụp xuống đảnh lễ dưới chân Phật, rồi vừa khóc vừa nói:

Bạch Thế Tôn, con là Ahimsaka (Người Vô Tội) xin đảnh lễ đức Thế Tôn. Con rất ân hận đã gặp Thế Tôn quá muộn màng. Con đã gây quá nhiều tội ác, không còn dừng lại được nữa. Con không còn cách nào để chuộc lại những lỗi lầm đã qua. Quan quân và dân chúng sẽ không để cho con yên.

Này Ahimsaka, biết phục thiện, sám hối sự lỗi lầm, trở về đời sống chơn chánh, không bao giờ là quá sớm hay quá muộn. Này Ahimsaka, nếu ông gia nhập vào giáo đoàn khất sĩ, quyết tâm sống đời phạm hạnh, siêng năng tu hành theo Chánh Pháp thì Như Lai sẽ có cách bảo vệ cho ông.

Bạch Thế Tôn, con nguyện từ đây hối cải, bỏ ác làm lành, quyết tâm theo Phật để học hạnh từ bi. Con xin Thế Tôn chấp nhận con làm đệ tử.

Hãy đến đây, Tỳ kheo Ahimsaka, hãy sống đời thánh thiện !

Vừa lúc ấy các đại đức Sàriputta, Ànanda, Upàli, Kimbila và nhiều vị khất sĩ khác xuất hiện. Hay tin Phật đang đi vào vùng đang có hiểm họa Angulimàla, các đại đức vội đi tìm Phật. Bây giờ thấy Phật an lành và Angulimàla đã quy phục, mọi người đều mừng rỡ. Phật bảo thầy Upàli xuống tóc cho Ahimsaka; thầy Ànanda trao cho Ahimsaka một cái áo sanghàti; thầy Sàriputta và Upàli truyền dạy vài giới luật và Giáo Pháp căn bản. Rồi mọi người theo Phật trở về tinh xá Jetavana.

Về đến tinh xá Jetavana, Angulimàla kể lại cho Phật nghe cuộc đời của ông ta như sau : Angulimàla (Ương Quật Ma, Vô Não) lúc nhỏ tên là Ahimsaka (Người Vô Tội). Cha là Bhaggava, quốc sư của vua Pasenadi xứ Kosala. Mẹ là Mantàni. Ông được cha cho đến Taxila[4](Taksasila) học với một đạo sư danh tiếng. Ahimsaka rất thông minh nên đã trở thành một đệ tử lỗi lạc. Vì thế mà bạn bè sinh lòng ganh tị, bịa chuyện nói xấu ông có dan díu với vợ thầy. Thầy ông tin lời, lấy làm tức giận, mưu hại Ahimsaka bằng cách truyền lệnh cho ông phải giết một ngàn người và nộp đủ một ngàn ngón tay út của bàn tay phải để ông làm phép truyền dạy cho nhiều môn thần thông đặc biệt. Ahimsaka tưởng thật, vâng lời. Sau khi giết vài người để chặt lấy ngón tay út, ông bị chánh quyền ra lệnh tầm nã, phải vào ở ẩn trong rừng Jalini. Lần hồi ông trở nên một tên sát nhân ghê gớm, võ nghệ cao cường, xuất quỷ nhập thần, đến cả quan quân triều đình đều phải nể sợ. Vua Pasenadi ra lệnh lùng bắt Ahimsaka và treo giải thưởng cho ai bắt được ông, nhưng đến nay chưa ai làm được việc này. Những ngón tay chặt được, ông xỏ xâu như một vòng hoa đeo trên cổ để khỏi bị chim hay thú ăn mất. Do đó người ta gọi ông là Angulimàla (Vòng hoa kết bằng những ngón tay). Khi ông đã được 999 ngón tay thì dân chúng quá hoảng sợ không dám ra khỏi nhà, quân lính tuần phòng rất nghiêm nhặt, Angulimàla phải vất vả suốt đêm mà không tìm được ngón tay cuối cùng. Ông định bụng lẻn về nhà để chặt ngón tay của mẹ. Nhưng giữa đường thì gặp Phật.

Trong mười hôm liên tiếp, đại đức Ahimsaka được đại đức Upàli hướng dẫn về giới luật và đại đức Sàriputta chỉ dạy về giáo lý và các phương pháp thiền tọa, thiền hành, khất thực, thọ trai ... Đại đức Ahimsaka nỗ lực học hỏi và thực tập rất tinh tấn. Nửa tháng sau, khi đến thăm Ahimsaka tại am của thầy ở một nơi thanh vắng trong tinh xá Jetavana, đức Phật cũng phải ngạc nhiên về sự tiến bộ của thầy. Ahimsaka đã trở nên một vị khất sĩ trang nghiêm, hiền hòa với lời nói ôn tồn điềm đạm.

Tiếng đồn Angulimàla đã xin xuất gia theo Phật đã đến tai vua Pasenadi. Dân chúng và triều thần đều cảm thấy nhẹ nhỏm. Uy tín của đức Phật và giáo đoàn khất sĩ càng vững mạnh. Độ một tháng sau ngày Angulimàla xuất gia, vua Pasenadi đến tinh xá Jetavana viếng Phật và hỏi :

Bạch Thế Tôn, trẫm nghe nói tên sát nhân Angulimàla đã xin xuất gia theo ngài, có đúng thế không ? Hiện nay hắn ở đâu ? Hắn có làm điều gì nhiễu hại đến Thế Tôn không ?

Thưa Đại vương, quả thật Angulimàla đã xuất gia. Hiện nay thầy đang tịnh tu trong một am ở nơi thanh vắng trong tinh xá. Thầy đã quyết chí cải tà quy chánh, sống đời phạm hạnh, tinh tấn tu hành. Như Lai khuyên thầy nên ẩn cư tu tập cho đến cuối mùa an cư này.

Bạch Thế Tôn, Angulimàla là một tên sát nhân vô cùng nguy hiểm, là một mối họa lớn cho mọi người. Thế Tôn nên thận trọng để người coi chừng hắn.

Đại vương đừng ngại, thầy Ahimsaka bây giờ đã trở nên một khất sĩ thuần thành, thầy còn có nhiều triển vọng tiến xa hơn nữa.

Bạch Thế Tôn, nếu được như vậy thì thật là một phước lớn cho dân chúng ở Sàvatthi, mọi người sẽ hết phập phòng lo sợ, được an ổn làm ăn. Điều mà trẫm không thực hiện được bằng binh hùng tướng mạnh, Thế Tôn đã hoàn thành bằng đức từ bi, chẳng những cứu dân chúng khỏi nạn lo sợ chết chóc mà còn độ được tên sát nhân Angulimàla vào đường tu hành thánh thiện. Trẫm xin bái phục.

Ànanda được chọn làm thị giả thường xuyên cho Phật

Trong khoảng 20 năm từ ngày đức Phật thành đạo đến nay, ngài đã có tất cả tám vị thị giả[5]. Đó là các thầy Nàgasamàla, Nàgita, Upàvàna, Sunakkhattà[6], chú sa di Cunda, Sagattà, Radha và Meghiya. Nhưng các vị này chỉ được đề cử với tính cách tạm thời. Chưa ai có đủ đức tính để làm thị giả thường xuyên cho Phật. Năm nay đức Phật đã 55 tuổi, một hôm, ngài nói với đại đức Sàriputta :

Này Sàriputta, bây giờ Như Lai đã lớn tuổi rồi. Lắm khi Như Lai nói “Ta hãy đi lối này” thì có người lại đi lối kia. Cũng có người đánh rơi y bát của Như Lai. Vậy các thầy hãy chọn một người để thường xuyên hầu cận Như Lai.[7]

Bạch Thế Tôn, đại đức Sàriputta nói, con xin tình nguyện làm thị giả thường xuyên hầu cận Thế Tôn.

Không được đâu, đức Phật đáp, thầy cũng đã lớn tuổi rồi và còn phải lo nhiều việc quan trọng hơn như tổ chức, điều hành và hướng dẫn Giáo đoàn.

Đại đức Moggallàna và nhiều vị đệ tử tên tuổi khác cũng xin tình nguyện làm thị giả, nhưng Phật đều từ chối. Riêng đại đức Ànanda vẫn ngồi im lặng.

Trong một buổi pháp đàm tại giảng đường Lộc Mẫu ở tinh xá Đông Viên, các đại đệ tử của Phật đi tới hai đề nghị quan trọng sau đây : 1- Đề nghị thầy Ànanda làm thị giả thường xuyên cho Phật; 2- Đề nghị từ nay về sau, cứ tới mùa an cư thì thỉnh Phật trở về Sàvatthi nhập hạ.

Đề nghị đầu là do đại đức Sàriputta đưa ra. Đại đức nói :

Sư huynh Ànanda là người có trí nhớ bền bỉ nhất trong chúng ta. Trí nhớ của sư huynh thật là lạ lùng, trên trần gian này không ai bì kịp. Mỗi khi Phật dạy điều gì mà có mặt sư huynh Ànanda thì những lời Phật dạy không rơi rớt đi đâu cả. Khi trùng tuyên lại những điều Phật dạy thì sư huynh Ànanda lập lại không sót một câu, không mất một tiếng. Vì vậy, nếu sư huynh làm thị giả cho Phật, sư huynh sẽ có dịp nghe hết những gì Phật nói, bất luận cho một đám đông hay cho một người. Lời dạy nào của Phật cũng quý báu không cùng, cần được ghi nhận đầy đủ để làm tài liệu cho hậu thế. Trong 20 năm qua, chúng ta đã dại dột để rơi rớt và mất mát khá nhiều. Vậy sư huynh Ànanda nên vì tất cả các khất sĩ và vì các thế hệ tương lai mà nhận lãnh trách nhiệm làm thị giả cho Phật.

Các vị khất sĩ có mặt trong buổi họp đều tán đồng ý kiến của đại đức Sàriputta. Đại đức Ànanda có vẻ ngần ngại. Thầy nói :

Tôi thấy có nhiều điều bất tiện nếu các sư huynh cử tôi làm thị giả cho Phật. Không chắc Phật đã bằng lòng cho tôi làm thị giả. Vì như thế có thể bị mang tiếng là ưu đãi những người trong thân tộc Sàkya. Đối với ni sư Mahà Pajàpati vốn là di mẫu của người mà người cũng rất cứng rắn. Còn Ràhula thì từ ngày được làm sa di, không bao giờ được ngủ trong tịnh thất của Phật, hay ngồi ăn cơm riêng với Phật. Đối với tôi cũng vậy, không bao giờ Phật cho tôi thân cận một cách quá đáng. Riêng phần tôi cũng ngại mang tiếng thóc mách mỗi khi có huynh đệ nào bị Phật gọi đến quở trách.

Nói tới đây, đại đức Ànanda nhìn đại đức Sàriputta rồi nói tiếp :

Cũng như đối với sư huynh Sàriputta. Sư huynh được Phật khen là người thông minh và tài giỏi nhất trong số các đệ tử. Sư huynh là người phụ tá rất đắc lực cho Phật trong việc dạy dỗ cũng như trong việc tổ chức. Phần nhiều các đề nghị của sư huynh đều được Phật chấp thuận. Do đó sư huynh bị một số huynh đệ ganh tị, nói xấu. Tôi ngại nếu tôi nhận làm thị giả cũng sẽ không tránh khỏi những điều đó. Tôi không muốn mất hòa khí với bất cứ huynh đệ nào.

Đại đức Sàriputta cười nói :

Riêng tôi thì tôi không ngại bị hiểu lầm hay bị ganh tị, dĩ nhiên nếu mình tránh được thì tốt. Điều quan trọng hơn hết là khi nhận thấy điều gì thật sự có lợi cho đa số thì mình phải có can đảm làm và nhận lãnh trách nhiệm, dù bị ai nói xuyên tạc mình cũng không nên thối chí ngã lòng. Này sư huynh Ànanda, chúng tôi biết sư huynh là người có ý tứ lắm. Nhưng nếu sư huynh không nhận làm thị giả thì đạo pháp sẽ bị thiệt thòi nhiều, chẳng những cho giáo đoàn khất sĩ hiện nay mà còn cho cả biết bao thế hệ sau này nữa.

Đại đức Ànanda im lặng suy nghĩ hồi lâu rồi nói :

Tôi đồng ý nhận làm thị giả nếu chính đức Phật bảo tôi làm, và nếu không có huynh đệ nào phản đối. Ngoài ra tôi xin đức Phật chấp thuận tám điều thỉnh nguyện sau đây :

1- Đức Phật không ban cho tôi những bộ y do thiện tín dâng cho ngài.

2- Đức Phật không ban cho tôi những vật thực do thiện tín cúng dường ngài.

3- Đức Phật không cho tôi cùng ở chung trong một tịnh thất.

4- Đức Phật không cho tôi đi theo khi ngài được thí chủ thỉnh riêng.

5- Đức Phật sẽ hoan hỉ cùng đi với tôi khi tôi được một thí chủ mời thọ trai.

6- Đức Phật sẽ hoan hỉ cho phép tôi được tiến dẫn những vị khách từ phương xa đến xin yết kiến ngài.

7- Đức Phật sẽ hoan hỉ cho phép tôi đến bạch mỗi khi tôi có điều hoài nghi.

8- Đức Phật sẽ hoan hỉ lập lại bài pháp mà ngài giảng lúc không có mặt tôi.

Đại đức Upàli góp ý :

Những điều sư huynh Ànanda đưa ra đều là chính đáng; tôi chắc những điều ấy sẽ được Phật chấp thuận. Duy có điều thứ tư tôi thấy chưa ổn. Nếu sư huynh không đi theo Phật khi ngài được mời thọ trai thì làm sao sư huynh được nghe những lời Phật dạy thí chủ để lập lại cho chúng tôi nghe ? Có thể đó là những điều mới lạ mà Phật chưa bao giờ nói. Tốt hơn hết là nên có một huynh đệ khác cùng đi theo.

Đại đức Ànanda cười :

Điều sư huynh Upàli nói cũng chưa ổn. Trong trường hợp thí chủ chỉ đủ sức cúng dường cho hai người thôi thì sao ?

Thì hôm ấy đức Thế Tôn và hai sư huynh ăn ít lại một chút chứ sao.

Các thầy cùng cười rộ lên một cách vui vẻ. Vấn đề thị giả đã giải quyết xong, các thầy bàn tới chuyện thỉnh Phật an cư hằng năm tại Sàvatthi.

Sàvatthi hiện nay có tới hai tinh xá lớn là Jetavana (Kỳ Viên) và Pubbàràma (Đông Viên). Ngoài ra còn có một tinh xá nhỏ cho ni chúng. Lấy Sàvatthi làm trụ sở hành đạo trung ương cho đức Phật và giáo đoàn khất sĩ rất tiện lợi. Ở các nước lân cận, ai muốn gặp Phật mà không biết ngài ở đâu thì cứ đến Sàvatthi vào mùa an cư là được gặp. Đó là cơ hội đồng đều cho tất cả mọi người. Các vị khất sĩ và nữ khất sĩ từ các xứ lân cận có thể tới Sàvatthi an cư chung với đức Bổn sư không có gì trở ngại, vì các đại thí chủ như Anàthapindika và Visàkhà đã phát nguyện cúng dường thực phẩm, thuốc men, y phục và chỗ cư trú cho bất cứ vị khất sĩ nào tới đây.

Sau khi kết thúc buổi pháp đàm, các thầy lớn cùng đi đến tịnh thất của Phật để trình bày những ý kiến của đại chúng. Đức Phật hoan hỉ chấp thuận cả hai đề nghị trên.

Đại đức Ahimsaka (Angulimàla) bị hành hung[8]

Sau mùa an cư. Một hôm, đại đức Ahimsaka đi khất thực về tới tu viện, bước đi khập khểnh, mặt mũi mình mẩy dính đầy máu. Đại đức Svastika trông thấy liền chạy tới đỡ đại đức. Đại đức Ahimsaka nhờ thầy đưa vào yết kiến Phật. Hôm nay trong khi đi khất thực trong thành phố, đại đức bị một nhóm người nhận diện ra đại đức chính là Angulimàla. Họ đến vây quanh và tấn công đại đức bằng hèo, bằng gậy. Ahimsaka chắp hai tay trước ngực, tuyệt đối không chống trả, cũng không bỏ chạy, để cho họ tha hồ đánh đập. Một lúc sau, thấy thầy ngã quỵ xuống đất họ mới bỏ đi. Thầy cố đứng lên, lần bước tìm về tinh xá.

Thấy Ahimsaka trong tình trạng thảm thương, Phật bước đến đỡ thầy. Đại đức Ànanda vội đi lấy một thau nước và một cái khăn đem đến. Phật chính tay lau mặt và những vết thương cho Ahimsaka. Ngài bảo Svastika đi hái lá thuốc để đắp vào những vết thương, rồi xé một áo tăng-già-lê cũ lấy vải băng bó lại. Áo tăng-già-lê của thầy Ahimsaka đã rách tả tơi và lấm đầy máu và bụi đất. Bình bát của thầy đã bể nát. Đức Phật an ủi :

Này Ahimsaka, thầy hãy can đảm chịu đựng hậu quả của những khổ đau mà thầy đã gieo rắc từ mấy năm qua. Thầy nên nguyện rằng những đau đớn của thầy hôm nay làm vơi bớt nổi đau khổ của những người đã mất con, mất cha, mất mẹ, mất anh, mất em do thầy gây ra. Thầy hãy phát tâm đại bi, đại hỷ, đại xả để rửa sạch ác nghiệp và hận thù. Thầy nên vui vẻ nghĩ rằng hôm nay thầy đã trả được phần nào món nợ máu.

Bạch Thế Tôn, con đã hiểu. Con đã vui lòng trả món nợ máu. Trả được nợ là điều đáng vui mừng. Con nguyện những đau đớn của con hôm nay làm vơi bớt những khổ đau mà con đã gây ra.

Tốt lắm, vậy thầy hãy về am tịnh dưỡng vài ngày. Thầy Ànanda sẽ tìm cho thầy một áo sangati và một bình bát khác.

Đại đức Ahimsaka lạy tạ, lui ra.

Đại đức Ahimsaka cứu giúp một sản phụ[9]

Đại đức Svastika dìu thầy Ahimsaka về đến am của thầy. Ahimsaka mỉm cười kể cho đại đức nghe một câu chuyện xảy ra cách đây không lâu. Một hôm, trong lúc thầy Ahimsaka sắp sửa vào thành khất thực, thầy gặp một thiếu phụ nghèo đang chuyển bụng sắp sanh dưới một cội cây bên đường, nơi vắng người. Thiếu phụ đau đớn rên la một mình mà vẫn không sinh nở được. Đại đức xúc động la lên "Khổ quá ! khổ quá !", rồi thầy chạy nhanh về Jetavana báo cáo với Phật xem phải làm gì để giúp người sản phụ. Lúc bấy giờ không có một ni cô hay sư cô nào tại đó cả. Phật bảo :

Thầy hãy đến bên người sản phụ kia và chú nguyện như vầy “Này cô, từ ngày sinh ra cho đến nay tôi chưa từng cố ý phạm đến sinh mạng của một loài nào. Nguyện rằng nhờ sự thật ấy mà cô sinh cháu được bình an.”

Bạch Thế Tôn, không thể được, như vậy là con nói dối. Con đã phạm đến sinh mạng của nhiều người rồi !

Nếu vậy thì thầy nói “Này cô, từ ngày tôi được sinh ra trong Giáo Pháp giác ngộ, tôi chưa bao giờ cố ý phạm đến sinh mạng của một loài nào. Nguyện rằng nhờ sự thực ấy mà cô sinh cháu được bình an.”

Thầy Ahimsaka lập tức chạy đến nơi thiếu phụ chuyển bụng đang rên la. Thầy đứng ẩn mình sau cội cây và lập lại đúng theo lời Phật chỉ dạy. Vài phút sau, thiếu phụ sinh được em bé bình an. Thầy bèn đi tìm gọi người đến tiếp cứu.

Sau khi bị hành hung, thầy Ahimsaka nằm im lìm trên giường tịnh dưỡng, đến ngày thứ ba thầy mở mắt ra nhìn thầy Ànanda đang ngồi bên cạnh, mỉm cười nói :

Này sư huynh Ànanda, tôi đã gây nhiều tội ác phải sa điạ ngục, may nhờ đức Thế Tôn từ bi cứu vớt. Hôm nay, nợ nần đã trả xong, tôi an hưởng quả lành.

Nói xong, thầy Ahimsaka nhắm mắt lại, nhập niết bàn liền sau đó. Đức Phật được báo tin, nói kệ :

“Người đã gây nghiệp ác

“Biết phục thiện tu hành

“Như trăng rằm không mây

“Soi sáng cả thế gian. (Kinh Pháp Cú, bài 173)



[1]Xem Tạng Luật, Phân Tích Giới Tỳ Khưu 1, chương Pàràjika: 10-20.

[2]Lậu hoặc (àsava): những hành động bất thiện về thân miệng ý làm cho chúng sanh phải chịu rơi vào cõi dục (dục lậu), cõi sắc (hữu lậu) hay cõi vô sắc (vô minh lậu).

[3]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 6-14; Trung Bộ 86; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh 120.

[4]Taxilahay Taksasilalà một thành phố thuộc miền bắc Ấn Độ, hiện nay thuộc miền bắc xứ Pakistan.

[5]Thị giả (ante vasin) là vị tăng hầu cận bên cạnh sư phụ hoặc bên cạnh một vị trưởng lão.

[6]Sunakkhattà Upàvànalà con của thái tử Siddhattha với các thứ phi.

[7]Xem Tiểu Bộ, Jàtaka 456. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, tập 2, phẩm Kiều Trần Như, trang 533, thì việc chọn ngài Ànanda làm thị giả xảy ra tại thủ đô Ràjagaha (Vương Xá) vào hạ thứ 31. Sau khi Phật từ chối sự tự nguyện của đại đức Kondanna và đại đức Sàriputta vì lý do già yếu, 2 vị này liền cùng đại đức Moggallàna khuyên đại đức Ànanda nên nhận làm thị giả thường xuyên cho Phật (Theo soạn giả thuyết này không đúng).

[8]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 12; Trung Bộ 86; Tạp A Hàm 1077.

[9]Xem Buddhist Legends, quyển III, trang 11; Trung Bộ 86.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567