Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VII: Ảnh hưởng Phật giáo trong đường lối trị quốc và ngoại giao của Asoka

22/05/201316:30(Xem: 3872)
Chương VII: Ảnh hưởng Phật giáo trong đường lối trị quốc và ngoại giao của Asoka

A DỤC VƯƠNG (ASOKA)

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

THÍCH TÂM MINH

---o0o---

Chương VII

ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO TRONG ĐƯỜNG LỐI TRỊ QUỐC

VÀ NGOẠI GIAO CỦA ASOKA

Asoka chính thức nắm giữ vương quyền Maurya từ năm 270 đến năm 232 trước Công nuyên. Trong khoảng thời gian 38 năm ấy, ông đã đưa đất nước Ấn độ đạt đến chỗ phồn vinh, thái bình thịnh trị nhờ vào tài năng và đường lối lãnh đạo sáng suốt của ông. Ngoài ra, Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ chủ trương đường lối hòa bình triệt để và đề ra các chính sách bang giao hòa bình triệt để và đề ra các chính sách bang giao hòa hiếu với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Tác phẩm Divyàvadàna ghi nhận sự kiện rằng Asoka trị vì một vương quốc rộng lớn mà không có đàn áp, không bắt ép người vô tội, không dùng vũ lực mà dùng đức trị.[72]Thông tin bia ký IV cũng cho hay nhờ các huấn chỉ tôn giáo do đức Thánh thượng Priyadarśì ban bố, dân chúng Ấn Độ đã tiến bộ đáng kể về phương diện đạo đức . Trong tiểu bia ký I Asoka thông báo với chúng ta ông từng sống với Tăng già hơn một năm, thông tin này một mặt nói rõ tấm lòng ngưỡng mộ Phật pháp của ông nhưng mặt khác gián tiếp phản ánh sự kiện rằng vương quốc Maurya của ông đã đạt đến thái bình thịnh trị đến độ Asoka đã có thể hoàn toàn an tâm tĩnh tu trong tu viện một thời gian khá lâu. Bia ký XIII đề cập sự kiện Asoka đã thu phục nhân tâm không những ở khắp nơi trong nước mà còn ở nước ngoài nhờ theo đuổi đường lối đức trị (Dharma-vijava). Nhận xét về thành quả của ông, K.Hazra nói rằng nhờ tài lãnh đạo sáng suốt và quản lý giỏi và với sự trợ giúp của đội ngũ quan chức chính phủ các cấp, Asoka đả quản lý hết sức thành công toàn bộ đế quốc to lớn của mình và đã thu phục lòng người một cách dễ dàng.[73]Cũng theo học giả này, Asoka đã giữ vững đế quốc rộng lớn của mình và thiết lập quan hệ thân thiện với các thế lực nước ngoài mà không dùng đến chiến tranh hay chính sách xâm lăng.[74]W.Rahula cho rằng Asoka là vị hoàng đế lỗi lạc, đã có can đảm, đức tin và kiến giải đủ để áp dụng những lời dạy của đức Phật về hòa bình, bất bạo động và yêu thương trong việc cai trị một đế quốc rộng lớn cả về nội bộ lẫn ngoại giao. Ông công khai quay lưng lại với chiến tranh, bạo động và đón nhận thông điệp của bất bạo và hòa bình.Không có bằng chứng lịch sử nào nói rằng có vua láng giềng nào đã lợi dụng sự sùng đạo của Asoka đế tấn công ông về quân sự, hay có một cuộc nổi loạn nào trong đế quốc ông lúc sinh thời. Trái lại hòa bình ngự trị khắp nơi trên lãnh thổ, và ngay cả những xứ bên ngoài vương quốc ông cũng dường như đã chấp nhận sự lãnh đạo nhân từ của ông.[75]

Tổng hợp các thông tin, nhận xét và đánh giá trên về thành quả của ông, chúng ta thấy rằng Asoka đã thành công lớn trong sự nghiệp chính trị nhờ tài năng lãnh đạo và đặc biệt là đường lối trị quốc và ngoại giao sáng suốt của ông. Trong các chương trước chúng ta đã nói đến tài lãnh đạo và các chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước Maurya đều nằm gọn trong các tàiliệu bia ký và trụ đá của ông mà trong chương vừa qua chúng ta đã có dịp xem xét đầy đủ và chứng minh chúng mang đậm tư tưởng và tinh thần Phật học.Các bia ký và trụ đá Asoka phản ánh sâu sắc giáo lý của đức Phật. Bởi vậy trong chương này chúng ta sẽ tiếp tục tìm xem Phật giáo đã đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp chính trị của Asoka hay nói cách khác, Phật giáo đã có những ảnh hưởng như thế nào đối với chính sách trị quốc và ngoại giao của nhà nước Maurya.

I.Phật giáo hóa Asoka:

Sẽ là một thiếu sót lớn khi nói đến ảnh hưởng Phật giáo trong đường lối trị quốc và ngoại giao của Asoka mà bỏ quên sự kiện Phật giáo hóa Asoka hay ảnh hưởng Phật giáo trong cuộc đời của ông. Không thể có sự kiện Phật giáo hóa đường lối Asoka nếu không có sự kiện Phật giáo hóa con người Asoka. Mọi thể chế nhà nước đều bắt nguồn từ con người và nếu nó mang sắc thái đạo đức hay tôn giáo nào đó thì điều đó có nghĩa là những người làm ra nó chịu ảnh hưởng bởi cơ sở đạo đức Maurya mang sắc thái Phật giáo bởi trước hết Asoka là một Phật tử.

Đạo Phật không chủ trương đào tạo những nhà lãnh đạo đất nước nhưng quan tâm xây dựng những con người hoàn thiện, có khả năng làm chủ chính mình và đảm đang nhiều việc lớn, kể cả việc quốc gia đại sự. Đức Phật không chủ trương luận bàn chính trị và tránh các vấn đề thế sự. Ngài tránh bàn thế sự và khuyên các môn đệ của mình không nên tham gia thế sự bởi đấy không phải là phận sự của kẻ xuất gia. Tuy nhiên, là một bậc đạo sư có trách nhiệm hướng dẫn nếp sống đạo đức và hạnh phúc của quần chúng, ngài đã không thể hoàn toàn bỏ qua mọi diễn biến của thời thế nhất là khi vấn đề ấy liên quan trực tiếp đến con người và an nguy của con người. Bản sớ giải kinh Pháp cú (Dharma-pada Atthakathà) nói rằng ngài từng đứng trước làn tên mũi đạn của hai bộ tộc Sàkya và Koliya đang chuẩn bị đánh nhau đế nói lời hòa giải. Cũng vậy, khi Ajàtasattu phái đại thần Vassakara đến thỉnh vấn ngài về ý định của ông muốn chinh phục xứ Vajjì, đức Phật đã gián tiếp can ngăn công cuộc xâm lăng của vị vua này bằng cách nói đến bảy yếu tố hùng mạnh của dân tộc Vajjì.[76]Luật tạng ghi nhận sự kiện rằng trong thời gian nổ ra các cuộc chiến tranh chấp biên giới, một số quân lính của vua Bimbisàra trốn khỏi quân đội lẩn trốn trong Tăng già. Nhà vua đệ trình sự việc lên đức Phật và ngay lập tức ngài ban hành điều lệ không chấp nhận việc xuất gia cho những ai đang ở trong thời kỳ phục vụ quốc gia.[77]

Về phương diện giáo dục, đức Phật chú ý xây dựng những mẫu người hoàn thiện tương ứng với vị trí của họ trong đời sống xã hội. Ngài chấp nhận yếu tố tích cực của văn hóa Aryan khi ngài xây dựng nhân vật Chuyển luân Thánh vương lãnh đạo đất nước dựa trên Chánh pháp. Tuyển tập Trường Bộ (Dìgha Nikàya) lưu giữ hai bài kinh, Cakka-vattìsìhanàda và Lakkhana, trong đó đức Phật nói về vị vua Chuyển luân Thánh vương (Dharmma) của vị vua này. Văn học Jàtaka thuộc Phật giáo Thượng tọa bộ thuật câu chuyện đức Phật nói về Thập vương pháp (Dasaràjadhamma) hay mười đức tình cần thiết của một minh quân. Trong bài kinh Kùtadanta, Trường Bộ , ngài kể cho vị Bà-la-môn Kùtadanta câu chuyện ngụ ngôn nói về biện pháp trị nước thiết thực và hữu hiệu của vị vua tên Mahàvijita. Như vậy, tất cả những câu chuyện liên quan đến cuộc đời đức Phật và những bản kinh của ngài đuợc lưu giữ trong kinh tạng mà Asoka đã có dịp đọc hay nghe qua chắc chắn đã tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời và sự nghiệp của ông. Chúng ta có thể nói rằng chính nhân cách vĩ đại và thánh thiện của đức Phật cùng những lời dạy sáng suốt và nhân ái của ngài đã thánh hóa con người Asoka.

Sự nghiệp chính trị của Asoka mà tiêu biểu là các chính sách trị quốc và ngoại giao của ông phản ánh sâu sắc tư tưởng Phật giáo và in đậm tinh thần Phật học. Tất cả các chỉ dụ và sắc lệnh do ông ban bố đều không ngoài mục đích dẫn dắt nếp sống đạo đức tôn giáo của quần chúng và thiết lập tình huynh đệ bằng hữu với các quốc gia láng giềng. Asoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ nhận rõ vai trò to lớn và lý tưởng cao cả của vị vua Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì) được nói đến trong kinh điển Phật giáo và nỗ lực theo đuổi lý tưởng ấy. Ông thực sự là một vị vua Chánh pháp , dùng Chánh pháp trị nước, chinh phục bốn phương bằng đạo đức nhân ái, mang lại thái bình cho đất nước, trị vì một quốc gia rộng lớn mà không dùng trượng hay dùng đao. Ông đề cao đạo đức nhân ái, từ bỏ chiến tranh xâm lăng, chủ trương hòa bình hữu nghị. Như vậy, về vai trò và đường lối trị quốc, Phật giáo đã mở đường cho Asoka trong vai trò một vị vua Chánh pháp và lý tưởng trị quốc được theo đuổi bởi vị vua này. Đọc lại các bản kinh Phật nói về vị hoàng đế Chuyển luân Thánh vương và sự nghiệp của ông như kinh Cakkavattìsìhanàda và kinh Lakkhana rồi so sánh cuộc đời và sự nghiệp của Asoka, chúng ta không khỏi ngạc nhiên nhận ra rằng Asoka đích thực là “bản sao” của kinh điển Phật giáo. Phật giáo đã thánh hóa con người bằng da bằng thịt của Asoka để rồi chính con người ấy sẽ dần dần thánh hóa cuộc đời. Theo Will Durant, Asoka đã hoàn toàn tin lời dạy của đạo Phật và rán áp dụng nó vào việc trị quốc.[78]Nói khác đi, Phật giáo đã chuyển hóa mạnh mẽ con người Asoka và do đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp chính trị hay đường lối trị quốc và ngoại giao của ông.

Về con người cá nhân, Asoka rõ ràng chịu ảnh hưởng tư tưởng Thập vương pháp (Dasaràja-dhamma) được chép trong tuyển tập Jàtakà. Thập vương pháp hay mười đức tính của một vị vua gồm (1) bố thí (dàna), (2) giới hạnh (sìla), (3) biến xả (pariccàga), (4) chân trực (ajjava), (5) khổ hạnh (tapa), (6) nhu hòa (maddava), (7) không sân hận (akkodha), (8) bất hại (ahmasà), (9) nhẫn nhục (khanti), (10) không đối lập hay thuận theo ý chí của toàn dân (avirodha).Có thể nói rằng cuộc đời Asoka phản ánh khá đầy đủ nội dung Thập vương pháp. Ông thực hiện đầy đủ hạnh bố thí (dàna), [79]sống một cuộc đời đạo đức thanh cao và tuân thủ các giới hạnh (sìla). [80]Ông thực hành hạnh biến xả (pariccàga), từ bỏ các thú vui và hạnh phúc cá nhân để tập trung các công tác phục vụ lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.[81]Asoka biểu lộ thái độ chân trực (ajjava), không thiên vị người thân kẻ sơ, xử lý công việc rất nghiêm minh. Truyền thuyết Divyàvadàna cho hay Asoka đã tống giam em trai mình là Mahendra vào ngục tối khi vị công tử này cậy quyền thế làm những việc xằng bậy khiến công chúng oán hận.[82]Ông công khai bày tỏ sai lầm của mình về việc xâm lăng Kalinga[83]và thường xuyên thảo luận với quần chúng nhân dân về đường lối đức trị.[84]Về đức tính khổ hạnh hay khắc khổ (tapa) , Asoka thực hành nếp sống giản dị, giảm thiểu tối đa chế độ ăn thịt,[85]từ bỏ các cuộc vui chơi săn bắn và nhiều thú vui khác của hoàng gia.[86]Ông thậm chí đã từng sống nếp sống phạm hạnh kham khổ của tăng sĩ trong thời gian hơn một năm.[87]Ông sống nhu hòa (maddava) với mọi người và đề cao đức tính khiêm tốn nhu hòa.[88]Ông không có tâm thù hận hay ác độc (akkodha), ngược lại ông luôn tỏ rõ từ tâm đối với tất cả mọi người. Bia ký XIII ghi lời Asoka khẳng định rằng ông thậm chí sẵn sàng bao dung và tha thứ cho những người mắc phải sai lầm. Cuộc đời và sự nghiệp của ông phản ánh sâu sắc tinh thần bất hại (ahimsà). Asoka không những không sát sanh, làm hại, ông còn khuyên răn mọi người không được sát sanh và làm hại. Đặc biệt, động thái bất bạo động và hòa bình của ông là tấm gương sáng về đức tính bất hại. Ông có đức tin và tính kham nhẫn (khanti) lạ thường. Truyền thống Tích Lan lưu truyền câu chuyện rằng Asoka rất sùng tín cây Bồ đề đến độ bà vợ ông, hoàng hậu Tishyarakshita, trở nên ghen tỵ muốn triệt hạ cây này vì thường xuyên thấy Asoka lễ bái dưới gốc cây. Trong ký sự của mình, Huyền Trang có thuật lại câu chuyện này và nói thêm rằng Asoka đã lặng lã cho xây một bức tường đá bao bọc chung quanh để bảo vệ cây Bồ đề.[89]Truyền thuyết Aśokàvadàna thuật rằng lúc về già Asoka bị cháu trai mình là hoàng thái tử Sampadi và đám quần thần rút lần hết quyền hành và đối xử tệ bạc. Chúng ngăn cản ông làm điều lành và rút dần phần ăn của ông cho đến khi chỉ còn nửa trái àmalaka cho mỗi bữa ăn. Mặc dù bị ngược đãi, ông tiếp tục hạnh bố thí cúng dường của mình, chia sẻ vật thực với chư tăng các phần ăn sau cùng và kham nhẫn sống với niềm vui Chánh pháp cho đến lúc qua đời. Trong suốt 38 năm trị vì, Asoka chứng tỏ là nhà lãnh đạo thuận ý dân (avirodha). Ông thường xuyên thảo luận và lấy ý kiến của dân trước khi đề xuất các chính sách.[90]Ông ra lệng cho các quan chức chính phủ phải theo hạn kỳ tuần du nhằm phổ biến chính sách nhà nước và xem xét hiện tình đời sống nhân dân và chính ông cũng thường xuyên du hành nhằm nắm bắt tình thế và giáo dục nhân dân. Không một cuộc bạo loạn nào được ghi nhận đã nổ ra trong suốt thời gian trị vì của ông và đời sống quần chúng được tiến bộ đáng kể về đạo đức và hạnh phúc.[91]

II.Phật giáo hóa đường lối Asoka:

Asoka đọc kỹ các bản kinh Phật, thấy rõ giá trị thực tiễn của giáo lý đạo Phật đối với cuộc sống đạo đức và hạnh phúc của con người nói chung nên đã không bỏ qua cơ hội vận dụng nguồn giáo lý này vào đường lối trị quốc của ông. Ngoài ra, ông cũng nhận ra giá trị to lớn của tinh thần từ bi bất bạo động và lý tưởng hòa bình mà Phật giáo luôn đề cao và đã nỗ lực theo đuổi các lý tưởng ấy thông qua đường lối đối ngoại.

A.Đường lối trị quốc:

Về đường lối trị quốc, các bia ký của ông cho thấy Asoka chịu ảnh hưởng tư tưởng đức trị được đề cập trong các kinh điển Phật giáo. Kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống , số 26, Trường Bộ, mô tả vai trò trị quốc của một minh quân như sau; Vua là người yêu quý sự thật (dharma) và tôn trọng sự thật, tự trở thành người bảo vệ hợp pháp cho thứ dân, cho quân đội, cho Sát đế lỵ, cho quần thần, cho Bà-la-môn, cho gia chủ, cho thị dân, thôn dân, cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho các loài thú và loài chim. Trong quốc độ, nhà vua là người sống chân chánh, đúng pháp; bảo đảm đời sống cho muôn dân; tôn trọng các bậc đức hạnh; khuyến khích mọi người làm lành và ngăn chận mọi người làm ác. Kinh Kùtadanta, số 5, Trường Bộ, nói đến cảnh một đất nước thái bình thịnh trị trong đó các vua quan hết lòng thương yêu chăm lo cho dân, không dùng chính sách đàn áp, không đánh sưu cao thuế nặng, biết vận dụng các chính sách thỏa đáng, tạo công ăn việc làm thích hợp cho dân, khiến dân được yên ổn, chăm lo làm ăn, mọi người được an vui, nhà nhà được an vui, sống với cửa nhà rộng mở: “ Thuở xưa, này Kùtadana, có một vị vua tên là Mahàvijita rất giàu có, tài sản của cải chất đống, sở hữu vô số vàng bạc và châu báu. Một hôm, đang ngồi ở nơi nhàn tịnh, nhà vua suy nghĩ: ‘ Ta đã sở hữu nhiều tài sản, đã chiếm được một vùng đất đai rộng lớn. Nếu nay ta tổ chức một tế đàn lớn, như vậy phải chăng ta sẽ được lợi ích và an lạc lâu dài?’ Nhà vua liền cho gọi người chủ tế và bảo cho ông ta hay về suy nghĩ của mình. Vị chủ tế liền tâu: ‘ Nay vương quốc của Bệ hà đang gặp tai ương bởi nạn cướp bóc, làng mạc và thành thị bị tàn phá, nông thôn nhan nhản kẻ cướp. Nếu Bệ hạ cho đánh thuế các vùng này thì đó là việc làm sai lầm. Nếu Bệ hạ nghĩ rằng : ‘ Ta sẽ tiêu diệt dịch cướp bằng cách hành hình, tống tù, tịch thu, đe dọa trục xuất,’ như vậy nạn cướp này sẽ không hoàn toàn chấm dứt. Những kẻ sống sót sẽ tiếp tục nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. Tuy nhiên, bằng cách này, Bệ hạ có thể loại sạch nạn cướp, tức là, những ai trong vương quốc của Bệ hạ chuyên việc canh tác và chăn nuôi, Bệ hạ hãy cung cấp hạt giống và thực phẩm gia súc cho họ; những ai chuyên việc kinh doanh, Bệ hạ hãy đầu tư tiền vốn; những ai phục vụ triều chính, Bệ hạ hảy trả tiền lương đủ cho họ sinh sống. Những người này, do mải mê làm công việc của mình, sẽ không nhiễu loạn vương quốc của Bệ hạ. thu nhập của Bệ hạ ngày càng tăng, xứ sở được thanh bình, không còn tai ương cướp bóc, dân chúng hân hoan vui đùa với con cái và sống với cửa nhà rộng mở.’[92]

Asoka mong muốn xây dựng một vương quốc thánh thiện dựa trên đạo đức và Chánh pháp (Dharma). Ông chủ trương đường lối đức trị hay chinh phục lòng người bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava) được thể hiện qua việc nỗ lực truyền bá và nêu cao đạo đức, hết lòng chăm lo hạnh phúc cho dân, không dùng hình phạt, điều chỉnh sưu thuế, tạo công ăn việc làm cho dân, tăng cường chế độ phúc lợi xã hội, có chế độ ưu tiên trợ giúp cho người nghèo khó, già cả, kẻ lầm đường lạc lối, ân giảm hình phạt cho các phạm nhân.

Trước hết về lý tưởng phục vụ , nhà nước Asoka là một nhà nước vì dân. Asoka thương dân như con cái [93]và nỗ lực làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân.[94]Ông làm việc không kể giờ giấc và nơi chốn. Ông bảo các quan chức có trách nhiệm phải báo cáo ngay cho ông những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân.[95]Chẳng những thế, Asoka còn thường xuyên du hành nhằm nắm bắt tình thế và xem xét hiện tình đời sống nhân dân. Bia ký VIII ghi nhận sự kiện Asoka thay thế các cuộc dạo chơi săn bắn của hoàng gia (vihàra-yàtrà) bằng những cuộc du hành (Dharma-yàtrà) thăm viếng, tặng quà, thảo luận và giáo dục quần chúng nhân dân. Tiểu bia ký I cho hay Asoka đã thực hiện nhiều cuộc du hành khuyến giáo nhân dân với kết quả là dân chúng Ấn Độ (Jambudvìpa) ngày càng tỏ ra yêu mến đạo đức và sùng tín tôn giáo.

Trong công tác quản lý và điều hành quốc gia, Asoka thành lập đội ngũ quan chức chính phủ các cấp có trách nhiệm chăm lo và sẳn sàng phục vụ lợi ích của nhân dân. Ông huấn luyện rất kỹ đội ngũ quan lại các cấp, giáo dục họ phải nêu gương cho mọi người; họ phải làm việc chuyên cần, chí công vô tư, phải tận tụy với dân, không được cậy quyền thế làm điều xằng bậy và hạch sách nhân dân. Với Asoka, người lãnh đạo phải có lòng thương dân như cha mẹ thương yêu con cái và phải tận tụy chăm lo cho dân như người vú ân cần chăm lo cho con trẻ.[96]Có thể nói rằng về phương diện phục vụ nhân dân, Asoka chịu ảnh hưởng sâu sắc lý tưởng phụng sự chúng sinh của đức Phật và Tăng đoàn của ngài. Cuộc đời đức Phật là tấm gương lớn về lý tưởng phụng sự chúng sinh và ngài thành lập Tăng đoàn cũng nhằm mục đích phục vụ lợi ích và an lạc cho mọi người. Nalinaksha Dutt cho rằng chính lý tưởng phụng sự chúng sinh của đức Phật đã khiến Jìvaka mang toàn bộ vốn liếng y học của mình phục vụ tăng ni, Anàthapindika và Visakhà dốc tài sản ra vì lợi lạc của các tu sĩ, Asoka ban bố các tiện nghi vật chất và giáo dục đạo đức vì lợi ích của thần dân ông và các dân tộc láng giềng.[97]Asoka thương dân như cha mẹ thương yêu con cái và nỗ lực làm việc hết mình vì lợi ích của nhân dân tức là ông noi theo đức hạnh từ bi của đức Phật và các thánh Tăng luôn luôn thương yêu hết thảy mọi loài và nỗ lực hết mình vi hạnh phúc của chúng sinh. Kinh Từ bi (Mettasutta) nhấn mạnh: “ Như tấm lòng người mẹ đối với người con một của mình, trọn đời lo che chở cho con. Cũng vậy, đối với tất cả các loài hữu tình, hãy nuôi dưỡng tâm ý không hạn lượng, rộng lớn: ‘ Mong mọi loài chúng sanh , được an lạc an ổn; mong chúng chứng đạt được, hạnh phúc và an lạc.’’’[98]Trong các chỉ dụ của mình, Asoka xác nhận mọi nỗ lực của ông đều nhằm mục đích phục vụ lợi ích và hạnh phúc của tất cả chúng sinh.[99]Xem ra câu nói này của ông có phần nào giống với lời tuyên bố của đức Phật trong các bản kinh Pàli: “ Như Lai ra đời vì hạnh phúc và an lạc cho số động, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người.” Asoka nỗ lực phục vụ nhân dân gần 40 năm. Đức Phật chứng minh lời tuyên bố phụng sự chúng sinh bằng 45 năm thuyết pháp độ sinh của ngài. Asoka không ngừng tằng cường đội ngũ quan chức các cấp nhằm mục đích mở rộng mạng lưới chăm lo lợi ích và hạnh phúc cho dân. Sự kiện này thêm một bằng chứng cho thấy Asoka đã theo gương đức Phật khi ngài quyết định thành lập Tăng già với mục đích mở rộng công tác phụng sự chúng sinh thông qua đội ngũ các tu sĩ Phật giáo. Luật tạng Pàli (Pàli Vinaya Pitaka) ghi nhận sự kiện rằng khi số thành viên của Tăng già lên tới 61 vị, đức Phật liền khuyên các đệ tử mình đi khắp mọi nơi nhằm phổ biến giáo lý của ngài “ vì hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người.”Tài liệu này còn nói rằng đức Phật căn dặn các học trò mình không nên đi hai người một hướng mà nên đi mỗi người một ngã để cho việc truyền bá Chánh pháp được phổ biến rộng rãi.[100]

Về phương diện xây dựng đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, Asoka kế thừa đầy đủ tư tưởng đạo đức Phật giáo. Ông đề cao nếp sống không sát sanh, hiếu kính cha mẹ, tôn trọng thầy cô giáo, giúp đỡ bà con bạn bè, đối xử nhân hậu với người ăn kẻ ở, cung kính cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, những việc làm mà kinh Phật gọi là căn bản và cần thiết để chiến thắng hai đời, đời này và đời sau.[101]Ông nhấn mạnh tính chân thực, trong sạch, thánh thiện, bố thí, tín tâm, bất hại, từ hòa, tự chế, yêu mến sự thật, tiết kiệm, những đức tính mà đạo Phật đã xem là có khả năng mang lại hạnh phúc (sukha) hay vận may tối thượng (mahàmangala) cho những ai khéo nuôi dưỡng.[102]Asoka quan niệm một đời sống hạnh phúc phải là một đời sống đạo đức được thể hiện bởi mỗi cá nhân trong tất cả các mối quan hệ vói tự nhiên, gia đình và xã hội. Trước đây chúng ta đã đề cập một số bản kinh Phật nhấn mạnh nếp sống đạo đức và hạnh phúc của người cư sĩ và đã chỉ rõ nội dung giống nhau giữa các bản kinh này và bia ký Asoka.Ta có thể nói rằng Asoka đã xây dựng tư tưởng đạođức của mình dựa trên các bản kinh Phật, đặc biệt là hai bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt (Singàlovàda Suttanta) và Vận may tối thượng (Mahàmangala Sutta). Tất cả các đức tính, bổn phận và trách nhiệm đạo đức mà bia ký Asoka nhấn mạnh đều được đề cập đầy đủ và dẫn giải chi tiết ở trong hai bài kinh này.

Asoka xem trọng đạo đức, đề cáo đạo đức và nỗ lực truyền bá đạo đức. Ông sống cuộc đời đạo đức và nỗ lực hết mình vì sự nghiệp truyền bá đạo đức. Ông khuyên răn con cái, cháu chắt và tất cả thần dân của mình phải muôn đời sống trong đạo đức và phải có trách nhiệm phổ biến đạo đức. Với Asoka, đạo đức là nền tảng của hạnh phúc; do đó theo ông, sống đạo đức và khuyến khích đạo đức phải là trách nhiệm của mỗi người và mọi người. Ông đề cao đạo đức bằng cách đề cao Pháp thí (Dhrama-dàna), cho rằng không có loại bố thí nào cao quý hơn Pháp thí.[103]Quan điểm này của Asoka là hoàn toàn phù hợp với quan niệm Pháp thí (Dharmma-dàna) được nói đến trong Phật giáo. Trong bài kệ 354 thuộc tuyển tập Pháp cú, chúng ta tìm thấy câu “Sabbadànam dhammadànam” có nghĩa là, trong tất cả các loại bố thí, bố thí pháp là bố thí tối thượng.

Pháp thí (Dharmma-dàna) tức là ban bố sự thật cho người khác hay giúp người khác nhận ra điều hay lẽ phải. Chẳng hạn, trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì ngoài việc chăm sóc nuôi dưỡng con cái, cha mẹ còn có trách nhiệm khuyên ngăn con làm điều ác và khuyến khích con làm điều lành. Đây gọi là Pháp thí, tứckhuyên ngăn người khác làm ác và khuyến khích người khác làm lành. Đáp lại, người con có bổn phận không những lo phụng dưỡng cha mẹ bằng của cải vật chất làm ra đúng pháp mà còn khuyến khích, hướng dẫn và an trú cha mẹ bằng của cải vật chất làm ra đúng pháp mà còn khuyến khích, hướng dẫn và an trú cha mẹ vào Chánh pháp. Một đoạn trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya) nêu rõ quan niệm báo hiếu của đạo Phật trong đó Pháp thí (Dhamma-dàna) được nhấn mạnh và được xem là việc làm duy nhất đủ để đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ. Đoạn kinh chép như sau : “ Này các Tỷ -kheo, những ai đền ơn bằng cách nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải, vật chất, tiền bạc thời không bao giờ đủ để trả ơn cha mẹ. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích , hướng dẫn,an trú vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.

Phân tích đoạn kinh trên, Tỷ-kheo Thích Minh Châu nói rằng : “ Khởi điểm là xây dựng lòng tin nơi cha mẹ nếu cha mẹ chưa có lòng tin. Lòng tin ở đây là lòng tin Chánh pháp, và Chánh pháp không có nghĩa là lời Phật dạy mà Pháp còn có nghĩa là chân thật, là quyết định tánh hiền thiện. Pháp là những gì chân thật, không có hư vọng, không có giả dối; Pháp là những gì hiện thiện tốt đẹp, không phải độc ác bất thiện. Và xây dựng lòng tin cho cha mạ là xây dựng tánh chất chân thực, tánh chất hiền thiện nơi cha mẹ. Lời khuyên thứ hai là một thông điệp bỏ ác làm lành. Nếu cha mẹ theo ác giới, tức là sống một nếp sống không lành mạnh, nhiều bất thiện, thời khuyên cha mẹ làm các thiện hạnh về thân, về lời, về ý nghĩ, sống một đời sống trong sạch và hiền thiện. Thứ ba là một lời khuyên nhân đạo, lợi tha, khuyên cha mẹ nghĩ đến sự đau khổ của người khác mà bố thí, làm vơi nhẹ những khổ đau chung quanh, nghĩ đến tình nhân loại. Lời khuyên thứ tư không theo ác tuệ, là một lời khuyên chánh kiến, từ bỏ các ác tri kiến, phát triển những tri kiến chân thật, xây dựng một cái nhìn lành mạnh và hướng thiện cho cuộc đời.”[104]

Như vậy, Pháp thí cơ bản là khuyến khích người khác bỏ ác làm lành, một hình thức giáo dục đạo đức rất đơn giản nhưng thiết thực mà mọi người đều có thể thực hiện thông qua nếp sống của chính mình. Tự mình bỏ ác làm lành rồi khuyến khích người khác bỏ ác làm lành, đấy là Pháp thí. Asoka chú ý vận dụng tinh thần Pháp thí này của Phật giáo bởi nó giúp ông rất lớn về phương diện nâng cao đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội mà không phải tốn kém nhiều cho chi phí giáo dục. Ta có thể nói rằng chính tinh thần Pháp thí này - tự mình sống đạo đức, sống theo lẽ phải và khuyến khích người khác sống đạo đức, sống theo lẽ phải- mà Asoka học được từ Phật giáo và vận dụng triệt để vào đường lối trị quốc của ông đã góp phần tạo nên một bộ mặt hoàn toàn mới mẻ của đời sống con người và xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Đạo đức cá nhân, đạo đức gia đình và đạo đức xã hội được tăng trưởng đáng kể so với các thời đại trước đó. Thông tin bia ký IV cho hay hành trăm năm trước đó, việc giết hại súc vật để tế lễ, đối xử tàn ác với sinh linh, xử sự không đúng với thân bằng quyến thuộc, với các Sa-môn, Bà-la-môn đã không ngừng gia tăng. Nhưng kể từ năm thứ mười hai triều đại Asoka, nhờ các huấn chỉ của ông, dân chúng Ấn Độ đã tiến bộ đáng kể về phương diện đạo đức.

Chúng ta cũng đừng quên tôn giáo đã đóng vai trò quan trọng trong chính sách của Asoka và trong đời sống xã hội. Chính các tôn giáo mà Asoka xem trọng và đối xử bình đẳng đã giúp ông rất lớn về phương diện giáo dục đạo đức quần chúng và nâng cao đời sống tâm linh của xã hội. Asoka học được tinh thần hộ trì chân lý (saccànurakkhana) của đức Phật-một người có quyền theo đuổi đức tin hay quan điểm của người khác- và biến nó thành đạo dụ tôn trọng tự do tín ngưỡng và thái độ bao dung tôn giáo trong đường lối trị quốc của ông. Trong bia ký XII, Asoka sử dụng tinh thần hộ trì chân lý của Phật giáo để ban bố chính sách tôn giáo với lời lẽ như sau; “ Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của mình và bài xích tôn giáo của người vì lý do này hay vì lý do khác. Vì làm như thế người ta chẳng những tự làm tổn thương tôn giáo của mình mà còn làm thương tổn tôn giáo của người khác, nghĩ rằng ‘Như thế ta sẽ làm rạng danh tôn giáo của ta,’ thì trái lại người ấy tự làm tổn thương tôn giáo của chính mình.”

Sẽ có người bảo hòa đồng tôn giáo là sách lược của các nhà làm chính trị và là đặc điểm chung của mọi nhà nước chuyên chế. Quả đúng như vậy, nhưng trong mọi trường hợp này ta không loại trừ khả năng cách thái bao dung của đức Phật và những lời dạy chí tình chí lý của ngài về đức tin và lòng bao dung tôn giáo đã tác động mạnh mẽ đến Asoka và ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách tôn giáo của ông.

Về phương diện chăm lo đời sống cho dân, Asoka vận dụng các chính sách thiết thực và hợp lý được nói đến trong kinh điển Phật giáo. Ông theo đuổi đường lối của vị vua Chuyển luân Thánh vương (Cakkavattì), dùng Pháp trị nước, từ bỏ gươm đao và hình phạt, bảo đảm đời sống vật chất và hạnh phúc cho muôn dân. Ông thực hiện chính sách không đánh sưu cao thuế nặng khiến dân chúng lầm than, oán hận. Bản kinh Kùtadana lưu ý chính sách sưu cao thuế nặng sẽ khiến lòng dân oán hận nổi lên chống đối, nạn đói lan tràn dẫn đến cướp bóc và như vậy quốc gia sẽ lâm vào cảnh tai ương. Khi quốc gia lâm cảnh tai ương, nếu dùng chính sách đàn áp, bắt bớ, tra tấn, giam cầm thì loạn lạc càng gia tăng, lòng dân càng thêm oán hận. Biện pháp vỗ yên lòng dân và diệt trừ loạn lạc do đó phải là biện pháp khoan dung và tạo công ăn việc làm phù hợp cho dân: “ Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cung cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cung cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Và những vị này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống với nhà cửa mở rộng.”[105]

Chúng ta thiếu các tài liệu nói về chính sách sưu thuế dưới triều đại Asoka, trừ trụ đá Rummideì ghi sự kiện Asoka ban lệnh miễn các loại thuế tôn giáo cho dân làng Lumbinì và họ chỉ phải đóng một phần tám lợi tức sản xuất. Mặc dù rất tiến bộ về đường lối trị quốc, ta không nên quá lý tưởng hóa các chính sách của Asoka mà cho rằng nhà nước của ông là hoàn hảo về mọi mặt, nhất là chế độ sưu thuế, bởi nhà nước nào cũng vậy đều phải trông cậy rất lớn vào sưu thuế mới đứng vững. Về mặt này nhà nước Asoka chắc chắn cũng không ngoại lệ. Tài liệu Arthaśàstra và những ghi chép của Mégasthènes cho chúng ta biết được đời sống kinh tế ở đế quốc Maurya thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Theo các tài liệu này thì thương mại phát triển trong toàn đế quốc, các tuyến đường lớn nối liền các vùng cách xa nhau hàng nghìn dặm. Hàng hải được mở rộng và thương thuyền các nước cập bến tại hải cảng. Quan hệ buôn bán với các nước ngoài được khuyến khích. Thương nhân nước ngoài được biệt đãi và được khuyến khích. Thương nhân nước ngoài được biệt đãi và được hưởng đặc quyền ngoại giao. Người ta bảo những người cố Ai Cập dùng the Ấn Độ để bọc các xác ướp và dùng loại chàm từ Ấn Độ để nhuộm vải vóc.Người ta cũng nói đến chinapatta, tên một loại lụa sản xuất ở Trung Quốc. Sự kiện hàng to lụa được nhập từ Tàu chứng tỏ Ấn Độ đã có quanhệ buôn bán với Trung Quốc ít ra là từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên. Tại các thành phố lớn và đô thị, cuộc sống xa hoa phát triển , các hoạt động trở nên phức tạp hơn, chuyên môn hóa và được tổ chức tốt hơn. Các quán hàng, lữ điếm, hiệu ăn, nhà khách, sòng bạc mọc lên rất nhiều. Các phường hội thu hút các hội viên, nghề chơi bời du hý tạo công ăn việc làm cho nhiều lớp người như vũ nữ, ca sĩ, kỹ nữ. Buôn bán và các ngành nghề khác đều bị đánh thuế và về một phưong diện nào đó, việc hàng nghề tôn giáo cũng vậy. Nông nghiệp được phát triển và chỉnh đốn về nhiều mặt kể cả tô thuế. Người ta điều chỉnh và từng thời kỳ kiểm tra lương thực, thị trường, các nhà sản xuất, các lò mổ, việc nuôi trâu bò, quyền sử dụng nước. Như vậy ngay trước thời Asoka, đời sống kinhtế Ấn Độ đã phát triển mạnh và nhà nước đã biết các tổ chức và quản lý tốt để tăng ngân sách quốc gia từ nguồn thu thuế.

Asoka lên ngôi thừa hưởng các điều kiện xã hội đã được tổ chức tốt và phát triển trước đó nên hình như không gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành và quản lý quốc gia. Chắc chắn ông đã duy trì cơ cấu tổ chức và quản lý kinhtế đã có từ trước bởi điều này sẽ khiến ông thu được nguồn lợi nhuận đáng kể. Điều khiến chúng ta có thể tin là Asoka đã không quá khắc khe trong chế độ sưu thuế bởi thứ nhất ông là người chối bỏ chiến tranh, kiên quyết theo đuổi đường lối hòa bình và vì thế không phải lo chi tiêu nhiều cho quân đội và binh bị, những thứ vốn ngốn rất nhiều kinh sách quốc gia .Thứ hai, nhà nước của ông cũng không phải là loại nhà nước tiêu xài vô độ bởi lẽ Asoka chính là tấm gương sáng về lối sống giản dị, cần kiệm, liêm chính; các quan lại của ông cũng được giáo dục tốt về lý tưởng phục vụ lợi ích cộng đồng và nếp sống liêm khiết, cần kiệm. Có thể nói rằng dân chúng Ấn Độ dưới thời Asoka đã có được một cuốc sống yên ổn và hạnh phúc nhờ chính sách theo đuổi hòa bình và chủ trương cần kệm liêm chính của nhà nước Maurya. Chính hai yếu tố này, nghĩa là hòa bình và cần kiệm liêm chính, mà hết thảy vua quan nhà nước Asoka đều nhất mực theo đuổi, đã một mặt khiến cho dân chúng tránh được can qua bởi chiến tranh và nạn sưu thuế và mặt khác có thể hưởng các chế độ phúc lợi xã hội do việc nhà nước biết sử dụng hợp lý nguồn lợi tức quốc gia cho các công trình công ích trong điều kiện đất nước thái bình, không có chiến tranh. Thông tin bia ký[106]cho hay Asoka đã cho xây dựng khắp nơi trong vương quốc của ông hailoại hình chăm sóc y tế, một dành cho người và một dành cho thú vật. Các loại cây dùng làm thuốc và cây ăn quả được nhập khẩu và cho trồng khắp nơi nhằm đáp ứng công tác chữa trị và tiêu dùng. Dọc theo các lộ giới, các giếng nước được xây dựng và các loại cây tạo bóng mát được gieo trồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người và thú vật. Một thông tin khác [107]cho biết Asoka cho dựng các nhà nghỉ dọc hai bên đường dành cho khách bộ hành, lập các trạm cung cấp nước tại những nơi công cộng lại để phục vụ tiện ích cho người và thú. Rõ ràng những công trình phúc lợi xã hội trên đây chỉ có thể được làm tốt và có hiệu quả trong điều kiện đất nước hòa bình, không có chiến tranh; các quan chức chính phủ sống liêm khiết, không tham nhũng.

Một lý do khác khiến chúng ta tin rằng Asoka đã áp dụng chính sách sưu thuế hợp lý ấy là bởi hầu như không có cuộc bạo loạn nào xảy ra trong vương quốc của ông suốt thời gian ông trị vì.bạo loạn bắt nguồn từ nghèo đói và bất mãn, nhưng cả hai yếu tố này xem ra đã được khắc phục tốt dưới thời Asoka. Chắc chắn Asoka đã thường xuyên điều chỉnh các chính sách của ông và có chế độ miễn giảm tô thuế cho dân cày vào những lúc dân chúng gặp cảnh khốn khó hay trong trường hợp bị thiên tai lũ lụt. Ta có thể hoàn toàn tin tưởng ở điều này bởi trong chỉ dụ của ông Asoka luôn hắc nhở các quan chức chính phủ phải thường xuyên nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của quần chúng và phải làm việc hết mình vì hạnh phúc của nhân dân.[108]Nắm bắt nguyên nhân hạnh phúc và khổ đau của dân tức là đi sâu đi sát quần chúng nhân dân, hiểu rõ niềm vui và nỗi khổ của dân để kịp thời chia sẻ và giúp đỡ . Mặt khác, Asoka ra lệnh tất cả mọi sự kiện liên quan đến đời sống nhân dân đều phải được thông báo ngay cho ông vào lúc mọi nơi để ông kịp thời giải quyết.[109]Rõ ràng quan điểm và cách làm việc này của vua quan nhà nước Maurya khiến chúng ta có lý do để tin rằng dân chúng Ấn Độ dưới thời Asoka không những thoát khỏi cảnh hà khắc về sưu thuế mà còn hưởng được các chế độ trợ giúp đặc biệt và kịp thời của nhà nước trong trường hợp gặp nguy khó. Mégasthènes nói rằng cứu đói là mối quan tâm hàng đầu của nhà nước Maurya, và phân nữa số hàng trong các kho hàng của nhà nước được dự trữ phòng khan hiếm và đói.

Do tấm lòng thương dân và nhờ biện pháp quản lý kinh tế khá hiệu quả, chính sách chăm lo hạnh phúc cho dân của nhà nước Asoka vươn khắp mọi ngỏ ngách và đến tận đáy xã hội. Vệ sinh và bệnh viện được phục vụ miễn phí và cán bộ y tế được cắt cử làm việc tại các trung tâm. Cô nhi quả phụ, người già cả, ốm đau, tàn tật được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước. Phụ nữ lầm đường lạc lối được chăm lo giáo dục và được tạo công ăn việc làm thích hợp. Tù nhân được ân xá và có quyền kháng án trong trường hợp bị xử oan. Bia ký V cho hay các quan chức Dharma-mahàmàtra có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của phạm nhân, trợ cấp tiền bạc trong trường hợp tù nhân có gia đình quá đông người [110]hay phải lo cho con dại, đình chỉ khổ sai trong trường hợp tù nhân bị ngược đãi, phóng thích tù nhân trong trường hợp tuổi già. Trụ đá IV quy định các quan chức Ràjùka phải có trách nhiệm xem xét đơn kháng án của thân nhân các phạm nhân, tạo điều kiện để các tù nhân bị xử tội chết được làm việc thiện trong ba ngày với hy vọng hưởng được lợi ích đời sau. Các đối tượng già yếu, không nơi nương tựa cũng được quan tâm đặc biệt bởi nhà nước Asoka, như được ghi trong bia ký V. Trong chính sách đối với phụ nữ, các quan chức Strydhyaksha-mahàmàtra có trách nhiệm bảo vệ lợi ích cho nữ giới, đặc biệt đối với các phụ nữ làm nghề múa hát, bán thân hay kỹ nữ .[111]B.M.Barua cho rằng nhiệm vụ của các quan chức Stryadhyaksha-mahàmàtra là ngăn chận, không để các hạng phụ nữ này làm hoen ố đạo đức xã hội, đặc biệt đối với các Sa-môn, Bà-la-môn.[112]Do đó, nếu ý kiến của Barua là đúng thì điều đó có nghĩa là nhà nước Asoka hẳn đã có chính sách đãc biệt dành cho những phụ nữ gặp cảnh ngộ bất hạnh, ít nhất phải tạo công ăn việc làm mới cho họ.

B.Đường lối đối ngoại:

Ngoài chính sách nội vụ đáng được liệt vào hạng nhà nước hết lòng vì dân, nét nổi bật và đáng trân trọng của nhà nước Asoka có lẽ là chính sách bang giao quốc tế được tiến hành trên cơ sở theo đuổi đường lối hòa bình hợp tác, từ bỏ chiến tranh xâm lăng, tôn trọng chủ quyền độc lập dân tộc. Ngay sau ngày chiến thắng Kalinga, tức khoảng năm 262 trước Công nguyên trở đi, Asoka biểu lộ một động thái chưa từng có trong lịch sử. Ông công khai bày tỏ mối ân hận về công cuộc xâm lăng Kalinga, tuyên bố từ bỏ chiến tranh, chủ trương đường lối hòa bình triệt để. Ít có vị hoàng đế nào lại tỏ ra hối tiếc về hành vi xâm lăng của mình ngay sau khi vừa giành chiến công vang dội và xem việc chinh phục quân sự chẳng lấy gì làm vinh quang như Asoka. “ Hoàng thượng Priyadarśì cảm thấy vô cùng ân hận vì đã gây ra cảnh chết chóc đầy tang thương cho dân chúng một xứ sở độc lập. Người xem việc chinh phục bằng đạo đức nhân ái (Dharma-vijava) là chiến thắng cao cả”.[113]Asoka hối tiếc về chiến công quân sự của mình bởi ông hiểu ra điều mà đức Phật gọi là quy luật muôn thuở: “ Hận thù không bao giờ dập tắt được hận thù, chỉ có tình thương mới dập tắt hận thù.”[114]“ Chiến thắng gây thêm thù oán, bại trận nuôi oán hận khổ đau; chỉ có từ bỏ thắng bại mới khiến con người được an lạc.”[115]Ông từ bỏ dùng sức mạnh quân sự và chủ trương thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái tức là ông tuân theo điều mà Phật giáo gọi là tự chiến thắng mình hơn chiến thắng người khác; “ Dầu chiến thắng hàng vạn người trên chiến trường cũng không bằng tự chiến thắng mình. Tự thắng mình là chiến thắng oanh liệt nhất.”[116]

Tự thắng mình nghĩa là làm chủ được bản tân mình, không để cho tham lam, giận dữ và si mê chi phối, thoát khỏi mọi ám ảnh bởi dục vọng, mọi cám dỗ bởi uy quyền, mọi toan tính bởi ham muốn, mọi mưu toan bởi sợ hãi. Nói khác đi, tự thắng mình tức là thoát khỏi nô lệ của bản thân, không còn làm những việc điên rồ bởi động cơ dục vọng, bởi lòng khao khát quyền lực hay sự toan tính sử dụng uy quyền. Đạo Phật không xem chiến thắng người khác bằng vũ lực là vinh quang bởi nó bắt nguồn từ những động cơ thấp hèn như tham lam, tật đố, ích kỷ, thù hận. Ngược lại, đạo Phật đánh giá cao tự thắng mình bởi đấy là khả năng chiến thắng bản thân, sự kiểm soát và điều phục thân tâm thoát khỏi các động cơ hèn hạ va việc làm tội lỗi bắt nguồn từ tham, sân, si. Mọi diễn biến tốt hay xấu của cuộc đời tùy thuộc vào quan điểm và hành động của chúng ta. Đức Phật gọi thế giới này là khổ đau ấy là bởi con người đã không kìm nén được ham muốn của chính mình. Ngài dạy thế giới là thiếu thốn, khao khát, nô lệ cho dục vọng bởi vì con người quá tham lam ích kỷ.[117]Bạo động, chiến tranh và nhiều nguy cơ khác đe dọa sự sinh tồn của loài người đều có gốc rễ từ lòng tham không đáy của con người chúng ta. Chúng không ngừng thiêu cháy chúng ta và thiêu cháy cả thế giới bao lâu chúng ta chiến thắng được các ham muốn của mình. Vì lẽ này Phật gia ví cuộc đời như ngơi nhà đang bốc cháy; thế giới của chúng ta đang thiêu cháy ngày đêm bởi chiến tranh và bạo động, bởi hận thù và si mê. Chúng ta thật xấu hổ và khổ đau khi phải sống trong một thế giới như vậy, cái thế giới mà lẽ ra người ta có thể làm cho nó đẹp ra bởi tình thương và sự cảm thông thì ngược lại luôn luôn bị con người làm cho xấu đi bởi hận thù và lòng ích kỷ!

Asoka tuyên bố từ bỏ chiến tranh xâm lăng nghĩa là ông đã tự chiến thắng chính mình, chiến thắng các ham muốn của bản thân để không còn xúc tiến các hành vi xâm lăng hay chinh phục người khác bằng vũ lực quân sự không gì khác là hành vi nô lệ hóa người khác bắt nguồn từ sự nô lệ hóa bản thân. Một người không kìm nén tham lam và thù hận mới tiến hành chiến tranh xâm lăng hay làm những việc khiến người khác khổ đau. Sự kiện Asoka từ bỏ chiến tranh xâm lăng, theo đuổi đường lối hòa bình chứng tỏ ông đã nhận ra giá trị to lớn của tư tưởng tự chiến thắng mình và thấy rõ lợi ích của tư tưởng này trong đường lối xây dựng đất nước thái bình.Dân chúng của ông không còn lo sợ bị điều vào quân đội, được tự do làm ăn sinh sống; tiền bạc lương thực không bị vơ vét cho chiến dịch quân sự, thay vào đó có thể dùng vào các mục đích an sinh xã hội. Có thể nói rằng Asoka đã làm một việc hết sức có ý nghĩa cho dân chúng của ông và dân chúng các nước khác khi quyết định từ bỏ chiến tranh xâm lăng và theo đuổi đường lối hòa bình. Ở đây ông đã theo gương đức Phật thiết lập đức vô úy (abhaya) cho mọi người. Ông khiến cho dân chúng của ông không còn lo lắng bởi nạn điều binh và vơ vét lương thực. Ông giải phóng dân chúng các nước khác khỏi tâm lý lo sợ bị tấn công và nô lệ bởi lời tuyên bố bao dung và hòa bình. Chỉ dụ của ông ghi ở tiểu bia ký II nói rõ Asoka đã thực hiện tinh thần vô úy thí (abhaya-dàna) của Phật giáo đối với các quốc gia và dân tộc khác: “ Các quốc gia biên giới chưa bị chinh phục có thể nghĩ như thế này: ‘Nhà vua này muốn gì ở chúng ta?’ Mong muốn duy nhất của ta đối với các quốc gia này là họ hãy hiểu rằng họ không nên lo sợ mà hãy tin tưởng ở ta, rằng họ sẽ nhận được hạnh phúc từ ta chứ không phải khổ đau, và họ cần hiểu thêm rằng ta sẽ khoan dung tất cả và sẽ giúp họ thực hành Chánh pháp (Dharma) để được lợi ích đời này và đời sau.” Thật là một thông điệp hòa bình đáng lưu truyền cho muôn thuở! Will Durant cho rằng nếu cho tới ngày nay, từ Kandy ở đảo Tích Lan tới Kamakura ở Nhật Bản, nét mặt an tĩnh của đức Thích Ca còn gợi cho người ta khoan hồng với người đồng loại và yêu mến hòa bình thì một phần là nhờ một người mơ mộng-có thể một vị thánh,chưa biết chừng – đã có thời làm vua ở Ấn Độ.[118]Rõ là tình thương chúng sinh của đức Phật đã phủ kín các chính sách của Asoka.

Người ta bảo tình thương của đức Phật rất rộng lớn, không thể dùng tâm thái thông thường của con người mà đo lường được; tình thương ấy vượt ra ngoài mọi biên giới chủng tộc và văn hóa, tìm đến với hết thảy mọi người mọi loài, không một mảy may phân biệt. Tôi cho rằng chính tình thương chúng sinh của đức Phật mà Asoka ít nhiều cảm nhận được đã mở đường cho chính sách hòa bình và bang giao hợp tác quốc tế của ông. Chính tình thương ấy là động lực khiến Asoka đem hết tâm sức của mình phụng sự chúng sinh, không phân biệt quốc gia hay dân tộc. Bia ký II, văn bản Jaugada, nói rõ nguyện vọng của Asoka muốn giới thiệu Chánh pháp (Dharma) và đường lối đức trị (Dharma-vijaya) cho nhân dân các quốc gia khác “ vì lợi ích đời này và đời sau”. Theo tài liệu Dìpavamsa và Mahàvamsa thì vua Tích Lan Devànampiya Tissa từng là bạn tốt và là đồng minh của Asoka; trong một văn thư gởi cho Devànampita Tissa, Asoka thông báo ông đã quy y Phật, Pháp, Tăng và khuyên Tissa nên tín ngưỡng Tam Bảo.[119]

Mối qian hệ giữa Ấn Độ và Tích Lan càng gắn bó chặt chẽ sau sự kiện Mahendra, con trai Asoka, nhận trách nhiệm giới thiệu Phật giáo vào Tích Lan. Biên niên sử Tích Lan[120]nói đến việc sứ giả hai nước liên tục qua lại với nhau nhằm chuyển đạt thông điệp hợp tác của hai hoàng đế vì lợi ích của hai dân tộc. Theo sử liệu này thì vua Tích Lan Devànampiya Tissa và 50.000 thần dân của ông đã trở thành những người Phật tử đầu tiền ngay sau khi Trưởng lão Mahendra vừa đặt chân lên đất nưóc này và thuyết giảng bài pháp thứ nhất. Tài liệu này cũng nói rằng sau khi nghe Mahendra thuyết giảng, hoàng hậu Anula và 500 thị tỳ của bà tỏ ý muốn xuất gia nhưng không thể thực hiện ý nguyện bởi giáo hội ở đây đang thiếu các thủ tục cần thiết cho nữ giới xuất gia. Vua Tissa sau khi xem xét sự việc đã phái sứ giả sang Ấn Độ, đệ trình Asoka ý nguyện của mình muốn mời Tỷ -kheo ni Samghamitra, con gái Asoka, sang Tích Lan tiến hành các thủ tục xuất gia cho phụ nữ đồng thời xin một nhánh cây Bồ đề đem về trồng ở Tích Lan cho quần chúng kính ngưỡng. Tài liệu thuật rằng mặc dù rất buồn lòng phải xa cách người con gái yêu quý của mình, Asoka đã đáp ứng yêu cầu của nhà vua Devànampiya Tissa, gởi Samghamitra sang đảo Sư tử và chiết tặng nhánh cây Bồ đề cho sứ giả mang nhánh cây Bồ đề về Tích Lan thì một phái bộ ngoại giao Tích Lan khác do tăng sĩ Sumana dẫn đầu đến Ấn Độ truyền đạt ý nguyện của nhà vua Tích Lan xin thỉnh cầu xá lợi Phật cho xứ sở mình. Asoka đáp ứng nguyện vọng của vua Tissa bằng cách gởi tặng nhân dân Tích Lan một đĩa đầy xá lợi mà sau đó được tôn thờ tại bảo tháp Thuparama ở Comlombo.

Nhưng quan hệ đối ngoại của nhà nước Maurya với các quốc gia khác không chỉ giới hạn ở phương diện tín ngưỡng và văn hóa mà còn mở rộng sang các lãnh vực khác. Theo bia ký II, văn bản Girnar, thì Asoka đã cho mở rộng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe cho dân và điều trị cho thú vật sang một số quốc gia khác như Chola, Pàndya, sàtiyaputra, Keralaputra và Tàmraparnì ở phương nam, Antiocho ở tây bắc và các quốc gia láng giềng với Antincho. Ông cũng cho ươm trồng các loại cây làm thuốc và cây ăn quả ở các quốc gia này, cho xây dựng hệ thống giếng nước và trồng cây dọc theo hai bên vệ đường để phục vụ tiện ích cho người và súc vật. Như vậy quan hệ giữa nhà nước Maurya và các quốc gia khác trở nên thân thiện và gắn bó không chỉ trên phương diện trao đổi tín ngưỡng và văn hóa mà còn thể hiện ở sự chăm sóc lẫn nhau cả về phương diện đời sống vật chất lẫn sức khỏe tinh thần. Asoka đã mở rộng tâm thái từ bi của người Phật tử để làm lợi ích cho hết thảy mọi người, không phân biệt chủng tộc hay văn hóa, không tỵ hiềm quốc gia hay dân tộc.

Người ta có thể thắc mắc động cơ nào đã khiến Asoka dốc hết tâm lực của mình phụng sự nhân dân các nước khác, trong khi bản thân ông không hề nuôi mộng xâm lăng hay mưu toan chính trị. Quả thực, chúng ta quen nghĩ về cuộc đời này theo lối “không ai cho không ai điều gì” và do đó khó có thể chấp nhận sự kiện một hành động trợ về cuộc đời quá hợp lý đến độ chúng ta không còn tin một người có thể làm điều tốt cho người khác mà không vì động cơ tư lợi hay toan tính cá nhân. Thật khó tin một ông vua giỏi chính trị như Asoka lạo dễ dàng làm nhiều việc tốt cho các quốc gia khác mà không hề mưu tính chuyện này chuyện kia, nhưng điều đó là thực, Asoka đã làm lợi ích cho nhiều quốc gia và dân tộc khác nhưng không hề có bất kỳ mưu toan nào về kinh tế hay chính trị cho đất nước của ông. Ông cảm nhận tình thương chúng sinh vô bờ bến của đức Phật qua tấm gương thuyết pháp độ sinh đầy nhẫn nại của ngài nên sẵn sàng làm tất cả mọi việc tốt lành cho người khác mà không hề mưu tính chuyện cá nhân hay mong chờ đáp trả.

Kinh điển Phật giáo lưu ý mọi người về bốn tâm thái rộng mở vô biên (catu-appamaññà) hay bốn Phạm trú (catu-Brahmavihàrà) mà người ta cần nuôi dưỡng đối với mọi loài chúng sinh gồm từ (mettà), bi (karunà),hỷ (mudità) và xả (upekhà).Từ (mettà) nghĩa là ban phát tình thương cho chúng sinh, bi (karunà) là xót thương nỗi bất hạnh khổ đau của loài hữu tình, hỷ (mudità) là hân hoan chia sẻ niềm vui với kẻ khác, xả (upekhà) là giữ tâm bình đẳng đối với mọi loài. Tất cả mọi người con Phật đều được khuyên nuôi dưỡng và phát huy bốn tâm thái từ, bi, hỷ, xả này phải được tu tập và nuôi dưỡng thường xuyên để cho năng lực cảm tác của chúng thẩm thấu khắp mọi nơi, trở thành rộng lớn, khơng bị giới hạn, mở ra cho đến vô tận (appamàna). Chẳng hạn, chúng ta thấy thế nào là tâm từ rộng lớn của một người Phật tử qua lối mô tả sau đây về mettà: “ Vị ấy an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên,dưới,bề ngang,hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân.” Về tâm bi (karunà), tâm hỷ (mudità) và tâm xả (upekhà), người Phật tử cũng được khuyên vận dụng và phát triển theo cách tương tự.

Như vậy,Phật tử là người mở rộng tâm thái từ, bi,hỷ,xả đến với hết thảy mọi người và mọi loài, không phân biệt sắc thái chủng tộc hay văn hóa, không bị giới hạn bởi các biên giới quốc gia hay hào lũy dân tộc. Mọi chúng sanh đều bình đẳng về sự sống và sự chết, hạnh phúc và khổ đau. Asoka là một Phật tử, đã cảm nhận sâu sắc giáo lý từ,bi,hỷ,xả của đạo Phật và đã vận dụng giáo lý ấy vào các chính sách trị quốc lẫn ngoại giao của ông. Ông tuyên bố chấm dứt bạo động chiến tranh và theo đuổi hòa bình bất bạo động bởi tất cả chúng sinh đều lo sợ sự chết và yêu quý mạng sống.[121]Ông chủ trương đường lối hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc bởi hết thảy mọi người đều mong muốn hạnh phúc và chán ghét khổ đau.[122]

Chủ trương từ bỏ chiến tranh xâm lăng, theo đuổi hòa bình thiện chí của Asoka cũng phản ánh một quan điểm hết sức minh triết của đạo Phật; Cuộc đời mong manh vô thường, hãy sống từ bỏ điều ác, gấp tâm làm điều lành.[123]Kinh Nhất dạ hiền giả (Bhaddekaratta Sutta), Trung bộ, khuyên thế này : “ Hôm nay hãy nhiệt tâm làm; ai biết chết ngày mai? Không ai điều đình được với đại quân thần chết.” (Ajji’ eva kiccam àtappam; ko jaññà maranam suve? Na hi no samgaran tena mahà-senera maccunà). Quốc vương Pasenadi nước Kosala, đệ tử đức Phật, từng có những cuộc đàm đạo với bậc Đạo sư, cho rằng các trận chiến chính trị, kinh tế, quân sự không đem đến một hướng đi (gati), một điểm tựa cho con người khi bị già chết chinh phục. Theo Pasenadi, trong cục diện con người luôn bị già chết chi phối , thì sống chơn chánh đúng pháp, làm các việc lành, làm các công đức là có ý nghĩa nhất.[124]Asoka ít bàn về lẽ vô thường (aniccam), nhưng tất cả việc làm đầy thiện chí của ông tỏ cho thấy ông đã ý thức rất rõ lời dạy của đức Phật về giới hạn của cuộc đời và đã nỗ lực rất lớn làm cho nó có ý nghĩa bằng cách sống hòa bình với mọi người và mong muốn chia sẻ với người khác niềm vui của cuộc sống hạnh phúc và hòa bình.

Phật giáo đã giúp Asoka hiểu ra sự thật bình đẳng giữa mọi loài chúng sanh và chỉ cho ông những cách thái ứng xử hết sức sáng suốt và nhân bản trong tất cả các mối quan hệ gần xa. Trí tuệ Phật giáo đã soi đường cho chính sách Asoka. Lòng từ bi của đức Phật đã mở lối cho thái độ hòa bình, tinh thần bao dung và mọi quan hệ hợp tác thân thiện mà nhà nước Asoka đã thiết lập với nhiều quốc gia và nhiều dân tộc khác trong khu vực và trên thế giới.


[72]EB,II, Fascile,2,tr.190.

[73]RPBAI,tr.64.

[74]RPBAI,tr.64.

[75]Thích Nữ Trí Hải, Đức Phật đã dạy những gì,tr.204.

[76]7 yếu tố khiến dân tộc Vajji hùng mạnh gồm:1.Thường xuyên hội họp với nhau; 2.Hội họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết;3.không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống lâu đời;4.tôn trọng và lắng nghe lời khuyên của các bậc trưởng thượng;5.không cưỡng ép bắt cóc phụ nữ và thiếu nữ; 6. tôn trọng giữ gìn các tự miếu và tiến hành các lễ hội đã có từ lâu đời;7.bảo hộ, che chở và hộ trì các bậc tu hành chân chánh khiến cho cuộc sống đạo đức tâm linh ngày càng được nâng cao.(Xem Kinh Đại bát Niết bàn (Mahàparinibbàna Suttanta). Trường Bộ,I,tr.541-44)

[77]Rhys Davids & H.Oldenberg, Vinaya Texts, phần I,tr.194-96.

[78]Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.100.

[79]Bia ký VIII.

[80]Bia ký I; trụ đá V.

[81]Bia ký V,VI.

[82]V.A.Smith, Asoka,tr.231-32

[83]Bia ký XIII.

[84]Bia ký VIII.

[85]Bia ký I.

[86]Bia ký VIII.

[87]Tiểu bia ký I.

[88]Bia ký XIII; trụ đá VII.

[89]R.Mookerji,tr.4-5.

[90]Bia ký VIII.

[91]Bia ký IV.

[92]M.Walshe, The long Discourses of the Buddha,tr.135-36.

[93]Bia ký KalingaI, II.

[94]Bia ký VI.

[95]Bia ký VI.

[96]Trụ đá IV.

[97]MCCV,tập I,tr.12.

[98]Kinh Tiểu Bộ ,tập I, tr.508-09.

[99]Bia ký VI,X.

[100]Rhy Davids & H.Oldenberg,Vinaya Texts, phần I, tr.112-13.

[101]Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt , số 31, Trường Bộ.

[102]Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, Trường Bộ và Kinh Điềm lành lớn, Kinh Tập.

[103]Bia ký VI,X.

[104]Thích Thiện Siêu & Thích Minh Châu, Chữ Hiếu trong đạo Phật, tr,81-82.

[105]Kinh Trường Bộ tập I,tr.242.

[106]Bia ký II.

[107]Trụ đá VII.

[108]Trụ đá IV.

[109]Bia ký VI.

[110]D.R.Bhandarkar,Asoka,tr.63.

[111]B.M.Barua, Asoka and his Inscription,tr.183.

[112]Như trên.

[113]Bia ký XIII.

[114]Pháp cú, kệ số 5.

[115]Pháp cú , kệ số 201.

[116]Pháp cú, kệ số 103.

[117]Thích Minh Châu, Trung Bộ Kinh ,tr.73.

[118]Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.103.

[119]V.A.Smith, Asoka,tr.212.

[120]V.A.Smith, Asoka,tr.212.

[121]Kinh Pháp cú, kệ số 129 và 130, nói như thế này; “Tất cả mọi người đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống, hãy lấy mình làm ví dụ mà không giết hại hay khiến người khác giết hại.”

[122]Kinh Pháp cú,kệ số 131, bảo: “ Tất cả chúng sanh đều mong muốn được hạnh phúc; do đó người nào xây dựng hạnh phúc của mình trên sự khổ đau của người khác thì nhất định sẽ gặp bất hạnh đời sau.”

[123]Kinh Nhất dạ hiển giả. Trung bộ; Kinh Các sợ hãi về tương lai. Tăng chi bộ; Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ; Pháp cú, kệ số 116.

[124]Kinh Ví dụ hòn núi, Tương ưng bộ.

---o0o---

Đánh máy: Kim Thư

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567