Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

46. Bà Mẹ Hộ Độ Tuyệt Vời

17/03/201409:35(Xem: 18959)
46. Bà Mẹ Hộ Độ Tuyệt Vời
blank
Bà Mẹ
Hộ Độ Tuyệt Vời

Có sáu mươi vị tỳ-khưu, sau khi xin được đề mục thiền từ đức Đạo Sư, họ bèn lìa xa thành phố ồn ào tìm đến một nơi xa xôi, vắng vẻ để công phu hành trì. Tại một ngôi làng sơn cước, có tên là Mātikagama, thấy khung cảnh yên tĩnh, sông núi tươi xanh, dân cư trù mật, họ nghĩ, nơi này tu tập thì thật là tốt.

Vị tỳ-khưu lớn tuổi nhất, được xem như là bậc trưởng lão liền dẫn đầu hội chúng, đi vào làng để trì bình khất thực. Có người mẹ của người thôn trưởng, trông thấy chư tăng, bà rất hoan hỷ, bèn thỉnh vào nhà để đặt bát cúng dường. Bà còn huy động nhà này nhà kia chung tay hùn góp vật thực cho cả sáu mươi vị đều được đầy đủ.

Trong một khu vườn, khi chư tăng đã thọ thực xong, bà mẹ người thôn trưởng tìm đến thưa hỏi để biết các vị sẽ đi đâu, về đâu thì vị trưởng lão trả lời:

- Này mẹ! Chúng tôi định kiếm một nơi yên tĩnh, một nơi khất thực vừa đủ dùng để tu tập.

Bà hỏi:

- Thế quý ngài thấy nơi này có được không?

- Nơi này khá lý tưởng, thưa mẹ!

- Vậy thì chúng tôi xin thỉnh quý ngài ở đây; và mỗi nhà, mỗi nhà sẽ cúng dường đặt bát hàng ngày cho quý ngài, khỏi cần phải đi đâu xa nữa.

Vị trưởng lão và chư tăng im lặng nhận lời.

Bà mẹ người thôn trưởng khi được biết thái độ im lặng ấy là chấp thuận, bà rất hoan hỷ rồi tỉ mỉ thăm hỏi cách thức làm nhà hội họp, các cốc liêu lác đác nơi này nơi kia như thế nào để dân chúng trong làng cùng chung tay lo liệu. Sau khi nắm bắt rõ nhu cầu cư trú, sinh hoạt của chư tăng rồi, bà còn hỏi tiếp là bà và mọi người có thể tu tập được không, bắt đầu như thế nào, tuần tự từ thấp lên cao như thế nào. Vị trưởng lão cặn kẽ nói về tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, bố thí cúng dường... tuy rất khái quát nhưng khá đầy đủ cho một cận sự nữ phải hành trì.

- Vậy thì một số trong chúng tôi sẽ xin thọ trì tam quy, ngũ giới, bát quan trai giới, sau đó xin quý ngài hướng dẫn tiếp cho những bước cao hơn.

Lựa chọn một khoảng đất rộng ven rừng, dân làng phụ nhau làm một căn nhà hội, rồi lác đác bên những cội cây, sườn đồi, ven suối... xa gần xung quanh nhà hội, họ làm thêm những cốc liêu, những mái lợp, những vòm che... tuy tạm bợ nhưng cũng là chỗ tu tập khá tốt trong bốn tháng an cư mùa mưa cho chư tăng.

Khi đâu đó đã xong xuôi, vị trưởng lão tụ họp chư tăng ở căn nhà hội rồi nhắc nhở rằng:

- Được bà mẹ và dân làng lo cho đầy đủ tứ sự như thế này thì chúng ta không thể biếng nhác, giải đãi được. Phải tu tập cho tốt, hành đạo cho đàng hoàng; nếu không, tám cảnh địa ngục(1)sẽ mở cửa ra, chào đón những ông chủ là chúng ta, sắp trở về nhà đấy.

Cả hội chúng tỳ-khưu im lặng lắng nghe một cách rất nghiêm túc; vị trưởng lão chậm rãi nói tiếp:

- Không nên đứng, ngồi hay ở chung hai vị cùng một chỗ, ngoại trừ mỗi buổi sớm tụ hội ở đây để đi vào làng với y bát được chăm sóc, lục căn phải thu thúc, râu tóc trông sạch sẽ, tướng mạo cần trang nghiêm để nuôi dưỡng đức tin cho mọi người. Hãy tâm niệm ta là người không phóng dật, ta là người có chú niệm, có tinh cần, có ý chí duy trì phạm hạnh. Sau khi đi trì bình trở về, chúng ta gặp nhau ở đây, quét dọn trong ngoài, sắp đặt chỗ ngồi, ghè nước, giẻ chùi chân... đâu đó xong xuôi rồi cùng thọ thực trong yên lặng. Ngọ trai xong, dọn dẹp sạch sẽ đâu đó một lượt nữa, không bàn chuyện phiếm, không trao đổi chuyện vô ích rồi vị nào trở về liêu cốc của vị nấy, tấn tu chỉ quán. Chư huynh đệ có đồng ý như thế không?

- Thưa, hoàn toàn nhất trí.

- Khi có người bị bệnh hoặc phát giác có trường hợp cấp bách như gió bão, lửa, đạo tặc phá phách, hoặc cần họp Tăng do có khách đặc biệt, do chư vị trưởng lão ghé thăm, do thí chủ cần thưa thỉnh việc gì... thì ở đây hằng ngày sẽ có người báo trực, đánh lên ba hồi bảng gỗ, khi ấy chúng ta mới xả thiền, yên lặng đi về nhà hội... Chuyện ấy nữa, huynh đệ có thêm ý kiến gì nữa chăng?

- Thưa, rõ rồi! Đầy đủ quá rồi!

- Đây là bản giao ước bất thành văn. Chúng ta nghiêm túc chấp hành chứ?

- Thưa vâng!

Thế rồi, ai về chỗ trú cư nấy. Họ tu hành rất tốt, rất có hiệu quả. Ai cũng thành tựu được ấn chứng này, thành quả khác.

Hôm ấy, vào buổi chiều, bà mẹ người thôn trưởng dẫn theo mấy chục người gồm con cái, dâu rể, cháu chắt rất đông cùng mang theo bơ, đường, sữa, dầu thắp, dầu thoa, thuốc ngừa bệnh đi đến căn nhà hội. Nhưng nhìn xung quanh, họ không thấy một ai. Chỉ có một vị tỳ-khưu trẻ ở đâu đó vì thấy đông người nên bước lại. Họ hỏi:

- Các ngài đi đâu cả rồi, thưa sư?

- Vị nào cũng tìm chỗ cho mình để tu tập.

- Nhưng sao các cốc liêu quanh đây cũng không có ai?

- Thấy trời tạnh ráo, mát mẻ như thế này, các vị muốn tìm một hốc đá, một cội cây nào đó trong rừng...

- Vậy nếu muốn gặp các ngài thì phải làm sao?

Vị tỳ-khưu mỉm cười trả lời:

- Hôm nay tôi trực canh. Để tôi gọi các ngài xuống.

Nói xong, vị tỳ-khưu lấy khúc cây đánh ba hồi bảng gỗ. Lát sau, từ đâu đó trong rừng, hướng này, hướng kia, lần lượt chư vị tỳ-khưu đi xuống căn nhà hội, rất lặng lẽ, riêng từng người, không ai đi chung với ai.

Thấy tình hình như vậy, một ý nghĩ khởi sanh trong tâm bà mẹ: “Thế là các con trai của ta (mamaputta) bất hòa với nhau rồi! Đã không thèm đi chung với nhau mà còn không hề nói chuyện với nhau nữa!”

Khi chư tăng đã tụ họp đầy đủ trong căn nhà hội, bà mẹ cùng mọi người đến đảnh lễ, dâng mọi thứ vật dụng mang theo.

Rồi bà mẹ nhìn vị trưởng lão cất tiếng hỏi:

- Chư tăng có chuyện bất hòa hay sao, thưa ngài?

- Không có chuyện đó đâu! Chư sư ở đây sống rất hòa hợp, thưa mẹ!

- Thế tại sao mọi người đi riêng lẽ, sống riêng lẽ, lại còn không hề nói chuyện với nhau?

- Ai cũng đang nghiêm túc, chú mục chánh niệm, tỉnh giác để thực hành sa-môn hạnh đó, thưa mẹ!

- Pháp tu sa-môn hạnh đó ra sao, thưa ngài?

Vị trưởng lão đành phải giải thích từ việc mặc y, mang bát, đi trì bình khất thực phải chánh niệm ra sao. Trên đường đi phải thu thúc làm sao, về đến căn nhà hội phải thọ thực như thế nào. Sau đó, mỗi người tự tìm chỗ riêng lẻ để tu tập các đề mục thiền định hay thiền quán... Từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, một vị tỳ-khưu không được lơ là thất niệm, không được phóng dật, giải đãi ra sao... Tất cả, vị trưởng lão đều giải thích rất cặn kẽ.

Nghe xong, bà mẹ tán thán:

- Thật tuyệt vời làm sao là sa-môn hạnh!

Rồi bà dè dặt hỏi:

- Thế cái sa-môn hạnh ấy, tôi thực hành chút chút có được không? Chút chút ấy có đem lại lợi ích thật sự cho tôi không?

- Được chứ! Vị trưởng lão hoan hỷ nói - Mẹ cũng có thể tu tập được, cứ từ từ đi từ cạn vào sâu thì có thể thành tựu được an lạc và hạnh phúc trong đời này và nhiều đời sau nữa đó!

- Vậy thì xin ngài hãy chỉ dạy cho tôi!

Thế là vị trưởng lão hướng dẫn cho bà mẹ cách niệm ba hai thể trược, quán bất tịnh của thân. Rộng hơn một chút, nói về các đề mục khác thuộc các định khác nhau. Sâu hơn một chút nữa, giải thích thế nào là danh tâm, sắc tướng; cái gì gọi là ngũ uẩn; cái gì được gọi là danh và sắc; và sau cùng, phải nhìn ngắm, quán chiếu ra sao để thấy rõ tam tướng vô thường, dukkha, vô ngã của chúng...

Hóa ra, bà mẹ tuy lớn tuổi mà nắm bắt rất nhanh rồi về nhà tu tập cũng tiến bộ rất nhanh như vậy. Trong vòng mới hơn bảy ngày mà bà đã xả ly, ly tham khá nhẹ nhàng rồi lần lượt đi từ các định từ cạn vào sâu. Ít hôm sau nữa, bà mẹ quán danh sắc, ngũ uẩn thấy rõ sanh diệt, thấy rõ các pháp trống không, vô ngã; bà chứng quả A-na-hàm, có tuệ phân tích, có luôn cả tha tâm thông.

Sau khi thọ hưởng an lạc của thiền, an lạc của đạo quả siêu thế, trở lại cận hành định, bà mẹ suy nghĩ: “Thật vi diệu và thù thắng thay là pháp sa-môn hạnh. Mình mới tu tập chút ít mà thu hái thành quả như thế này thì chắc các con trai của ta phải là mùa màng bội thu, sum suê trái quả!” Tò mò, bà mẹ hướng tha tâm thông rà soát một lượt tâm ý sáu mươi vị sư lác đác nơi này và nơi khác thì bà thấy rõ, hóa ra chưa ai được cái gì cả, thiền chứng cũng như đạo quả. Các trở ngại của các vị là tham nhiều, sân nhiều, phóng tâm, trạo cử nhiều, các tưởng quá khứ chi phối nhiều nên không trú tâm được. Và trên tất cả, cụ thể nhất là máu huyết, khí huyết của các vị có cái gì đó bất ổn, có cái gì đó bị xáo trộn. Thân bất an kéo theo tâm bất an. “Hóa ra là do vật thực không thích hợp mà sinh ra!” Kết luận như vậy xong, hôm sau, bà mẹ sắm sanh, nấu nướng nhiều thức ăn khác nhau, đầy đủ chất béo các loại, chất ngọt các loại, chất bùi, chất đắng, chất cay, chất xơ các loại... rồi thỉnh chư tăng độ thực ở căn nhà hội.

Quả thật, nhờ vật thực thích hợp, tối hôm ấy, bà mẹ thấy chư sư hành thiền tốt hơn, có vị đã an trú tâm, có vị đã đi vào cận hành định, có vị quán danh sắc, ngũ uẩn rất có hiệu quả.

Hôm sau, hôm sau nữa, bà cụ yêu cầu chư tăng sau khi đi trì bình khất thực quanh làng, trở về căn nhà hội thì cho bà được cúng dường thêm. Và ai cũng ngạc nhiên, không hiểu làm sao mà bà cụ thường đặt bát cho từng vị những món mà họ cần, những món mà họ thích! Có lạ gì đâu, bà mẹ đã chịu khó, âm thầm theo dõi từng vị nên biết rõ nhu cầu cơ thể của từng người.

Nhờ sự hộ độ siêu việt của bà mẹ, trải qua gần mùa an cư, cả sáu mươi vị tỳ-khưu đều đắc quả A-la-hán!

Ngày cuối cùng chư tăng tụ họp ở căn nhà hội. Vị trưởng lão nói:

- Khi đến đây, chúng ta đều là kẻ vô văn phàm phu; sau an cư mùa mưa, chúng ta đều chứng quả vô học, vô vi, giải thoát. Công lao ấy, công đức ấy, ai trong chúng ta cũng biết rõ là do nhờ bà mẹ của chúng ta: Một vị thí chủ hộ độ tuyệt vời. Vậy trước khi về Jetavanārāma yết kiến đức Đạo Sư, chúng ta hãy đi chào bà mẹ, tri ân bà mẹ và chào cả dân làng đã cưu mang, hộ độ tứ sự chu đáo bấy lâu.

Thế rồi, dẫn đầu là vị trưởng lão, chư tăng ôm bát đi vào làng. Gặp bà mẹ, và gặp cả dân làng, họ nói lời tri ân chân thành rồi xin từ giã.

Bà mẹ cười:

- Từ rày, tôi không dám gọi các ngài là “con trai của ta” nữa! Tâm các ngài ở cao hơn, tôi tìm mà không thấy. Thật là kỳ diệu. Tôi thật là hạnh phúc để được hộ độ. Tôi thật hạnh phúc khi các ngài đã cho ngôi làng này, thọ thần và thiên thần ở đây cũng được an lạc theo. Về gặp đức Đạo Sư, hãy cho tôi được gởi lời chào kính, tri ân bậc Vô Thượng Giác!

Vị trưởng lão cũng cười, thành thật khuyên bảo:

- Mẹ đừng nên quá đi sâu vào các thắng trí; chỉ cần miên mật quán những ái vi tế của sắc và vô sắc, quán những dính mắc vi tế của ngã ở nơi thọ, tưởng và tâm hành là làm xong những việc cần phải làm trên đời này!

Bà mẹ chợt quỳ sụp xuống:

- Đúng là vậy! Tri ân trưởng lão.

Khi tiễn chư tăng ra đầu làng, bà còn nói:

- Khi nào du phương hành hóa, tiện dịp, tiện đường tôi thỉnh mời quý ngài ghé qua ngôi làng sơn cước này. Ở đây lúc nào cũng sẵn sàng cung đón đệ tử của đức Thế Tôn.

Về đến đại tịnh xá Jetavanārāma, sáu mươi vị A-la-hán vào đảnh lễ đức Phật, vấn an sức khỏe của ngài. Xong, vị trưởng lão kể lại đầu đuôi tự sự, những nhân, duyên và quả tại ngôi làng Mātikagama ấy cho đức Phật nghe.

Đức Phật mỉm cười:

- Đúng là như vậy! Đúng là có chuyện hy hữu như vậy! Bà mẹ Mātikagama(1)là một nữ thí chủ hy hữu, tuyệt vời!

Cả mấy ngày hôm sau, chư tăng Jetavanārāma ai cũng nghe được câu chuyện tại ngôi làng sơn cước và sáu mươi vị đắc quả A-la-hán. Ai cũng tỏ ra hâm mộ và tán dương công hạnh của bà mẹ ấy. Nhiều vị bàn tán rộng rãi hơn:

- Trước đây, chúng ta đã có trưởng giả Ānathapiṇḍika là người thường cúng dường hỷ mãn về tứ sự, không chê vào đâu được.

- Cô Visākhā thì sao? Không hỷ mãn tứ sự sao? Thức ăn không hợp khẩu vị mọi người sao?

- Đúng vậy! Đến nữ đại thí chủ ấy thì người bệnh cũng thích hợp nữa là...

- Cận sự nam Citta cũng vậy. Cận sự nữ Suppiyā cũng vậy. Cô Sirimā cũng thế. Nhiều người lắm chứ!

- Nhưng chưa ai cúng dường hợp khẩu vị từng người, từng ngày một như cái bà mẹ Mātikagama này!

- Cái ấy thì đúng!

Có vị tỳ-khưu chợt cười xòa:

- Vậy là “nhờ ăn” mà đắc quả sao? Coi chừng nói thế là trật lấc đó nghe!

Mọi người cùng cười theo. Thật ra, ai cũng biết, đấy chỉ là duyên hỗ trợ tốt mà thôi!

Chuyện kể tiếp thêm rằng, có một vị tỳ-khưu nghe chuyện, thích quá, ông ta đến xin đức Phật, được ngài đồng ý nên hối hả thu vén vật dụng, y bát rồi lặn lội tìm đến ngôi làng có bà mẹ hộ độ hy hữu để hy vọng rằng, nhờ ăn uống hợp khẩu vị sẽ chóng đăc quả A-la-hán.

Đến căn nhà hội, để đãy ta-bà và y bát một bên, vị tỳ-khưu khởi sanh ý nghĩ:

“- Chà, đi đường xa mệt mỏi! Ước gì bà mẹ cho một cận sự nam đến quét dọn trong ngoài cùng làm đầy những lu nước thì hay quá!”

Lát sau, quả thật có một thiếu niên mang theo vật dụng cần thiết và đáp ứng ngay những yêu cầu trong tâm của vị tỳ-khưu. Thấy sự việc diễn ra quá nhiệm mầu, vị tỳ-khưu khởi tâm muốn uống nước ngọt, khởi tâm muốn ở tu tại cái cốc lá dưới gốc cây to kia, khởi tâm rằng là sáng mai, trước khi đi khất thực có món cháo béo, nấu thật nhừ để điểm tâm thì quý hóa quá...

Ước gì được nấy. Đến nỗi, vị tỳ-khưu không cần đi khất thực đâu xa, vì mới bước ra khỏi cốc lá chỉ vài chục bước chân thì đã có thí chủ đặt một bát đầy thực phẩm với những thức ăn ngon lành. Tối hôm ấy, nơi chỗ nghỉ của mình, vị tỳ-khưu chợt thấy lạt miệng, tự nghĩ: “Bây giờ trời tối rồi, lui tới khó khăn, nhưng nếu có mấy viên kẹo ‘ngọt ngọt’ thì thú vị biết mấy!”

Rồi mấy viên kẹo “ngọt ngọt” cũng được một thiếu niên mang đến với một cây đèn trên tay.

Vị tỳ-khưu vừa ăn kẹo vừa nghĩ tiếp:

“- Bà mẹ Mātikagama này là người như thế nào mà có khả năng thắng trí lạ lùng như thế? Ta ước ao được gặp bà vào buổi đặt bát ngày mai. Xem nào, bà sẽ đi tay không và con cháu bà sẽ mang theo vật thực loại cứng, loại mềm!”

Sự việc ngày mai xảy ra đúng y như vậy.

Bà mẹ sau khi cúng dường đầy đủ, đảnh lễ vị tỳ-khưu rồi nói rằng:

- Này con trai! Cứ ở đây, và hãy an tâm mà tu tập đừng ngại gì cả.

Độ thực xong, vị tỳ-khưu hỏi:

- Thưa mẹ Mātikagama! Dường như mẹ có tha tâm thông phải chăng?

- Sao con trai lại hỏi vậy?

- Vì tôi ước gì thì có nấy!

- Nhiều vị tỳ-khưu họ cũng biết như vậy mà, con trai!

- Tôi không nói các vị tỳ-khưu khác. Tôi hỏi mẹ thôi!

Vì là bậc thánh, không khoe pháp bậc cao nhân nên bà mẹ vừa cười vừa đáp:

- Này con trai! Mẹ biết con cần những thứ ấy nên giúp con những thứ ấy! Con còn nhỏ nên mẹ giúp đỡ con như con trai của mẹ vậy thôi! Cũng là chuyện thường mà!

Trả lời vậy là hết hỏi. Nhưng vị tỳ-khưu đã có kết luận trong tâm: “Đích thị mẹ Mātikagama có tha tâm thông rồi! Và chưa chừng còn có nhiều thông khác nữa đấy!”

Khi bà mẹ về rồi, sực nghĩ đến một chuyện, vị tỳ-khưu hoảng kinh: “Chết rồi! Nguy hiểm rồi! Mình là kẻ phàm phu tục tử, biết bao nhiêu là ý nghĩ xấu quấy xảy ra trong ngày, trong đêm? Nếu rủi mà lúc ấy, đôi thần nhãn của mẹ Mātikagama quét tới thì những ý nghĩ ô trọc, dơ uế, bẩn thỉu của ta biết trốn vào đâu? Ối! Mẹ Mātikagama sẽ thấy rõ trái tim đen của ta? Ta sẽ giống y như tên ăn trộm, bị mẹ nắm đầu, nắm tay bắt ngay tại trận tiền? Sẽ xấu hổ quá! Xấu hổ quá đi mất!”

Nghĩ thế xong, vị tỳ-khưu hối hả thu xếp vật dụng, y bát rồi cũng hối hả rời liêu cốc, trốn đi!

Ngay lúc ấy thì bà mẹ mỉm cười, tự nghĩ: “Con trai ta sợ ta bắt ngay tại trận những ý nghĩ xấu quấy nên trốn đi rồi! Tới cũng hối hả mà đi cũng hối hả. Nhưng chạy đằng trời! Đức Đạo Sư, bậc thiên nhãn siêu việt, sẽ bắt con trai ta quay trở lại đây thôi. Và con trai ta sẽ gặt hái được lợi ích!”

Quả đúng như mẹ Mātikagama nghĩ.

Khi vị tỳ-khưu trẻ về gặp đức Phật, ngài hỏi:

- Sao ông lại quay trở lại đây?

- Nguy hiểm quá, bạch đức Thế Tôn!

- Tại sao?

- Thưa, vì bà mẹ Mātikagama có tha tâm thông, đệ tử nghĩ cái gì là bà biết cái ấy! Vì tâm đệ tử còn nhiều ý nghĩ xấu quấy nên sợ quá!

Đức Phật nghiêm khắc nói:

- Vậy thì ông lại càng cần tới nơi ấy! Những ý nghĩ xấu quấy nếu có sanh lên thì nó cũng diệt mất. Kệ nó. Ông chỉ việc giữ cái tâm, theo dõi cái tâm mà thôi!

- Đệ tử chỉ việc giữ cái tâm thôi à ?

- Đúng thế!

- Vậy thì đệ tử sẽ cố gắng!

Vâng lời đức Phật, vị tỳ-khưu trẻ trở lại ngôi làng Mātikagama, nơi cái cốc lá của mình.

Bà mẹ theo dõi mọi sự, biết rõ mọi sự nhưng xem như không có chuyện gì xảy ra, vẫn quán sở thích, nhu cầu vật thực của vị tỳ-khưu rồi cho người hộ độ chu đáo, đầy đủ. Trong lúc ấy, thì vị tỳ-khưu chăm chuyên gìn giữ cái tâm, theo dõi cái tâm, rà soát cái tâm một cách sít sao, tinh cần; ông thấy rõ sự sanh diệt, sanh diệt liên tục của các cảm giác, của các tri giác, của các tâm hành, của các ý nghĩ, nhận thức. Thế rồi, vị tỳ-khưu đắc A-la-hán quả, tuệ phân tích luôn cả các thắng trí.

Trong đêm, thọ hưởng hạnh phúc siêu thế, vị tỳ-khưu vô cùng tri ân đức Phật cùng bà mẹ. Tri ân đức Phật là chuyện của trời, người ba cõi. Còn bà mẹ nầy mới thật là kỳ diệu. Ông nghĩ: “Không rõ do nhân duyên gì từ quá khứ mà bà đã giúp ta đến bờ siêu thế? Kiếp này thì thấy rõ rồi, còn các kiếp khác thì sao?” Vị tỳ-khưu liền sử dụng túc mạng thông hướng tâm đến bà mẹ. Thì thấy rõ rằng, kiếp thứ chín mươi chín, bà là bạn gối chăn của ông. Nhưng bà đã sanh tâm ngoại tình, với một người, và đã ra tay giết ông một cách dã man! Ông nghĩ: “Hóa ra, bà ta không những lang tâm trắc nết mà còn hung dữ, ác độc nữa!”

Trong lúc ấy thì bà mẹ cũng đang theo dõi vị tỳ-khưu xem thử tu tập ra sao. Bà thấy nhờ minh sát cái tâm mà vị tỳ-khưu đi vào đạo quả thứ nhất, đạo quả thứ hai, đạo quả thứ ba rồi sau đó bà không thấy gì được nữa. Bà nghĩ, phải chăng ông ta đã đi vào đạo quả A-la-hán rồi! Ồ! Đúng sự thật là vậy rồi!

Trong thời gian sau này, bà mẹ cũng chỉ dừng ngang nơi quả vị A-na-hàm chưa chứng rốt ráo được, nhưng bà lại có thêm một vài thắng trí khác nữa. Khi vị tỳ-khưu dùng túc mạng thông, theo dõi bà chín mươi chín kiếp thì bà cũng thấy rõ kiếp thứ chín mươi chín ấy, bà là bạn đời của ông ta, thấy rõ mình ngoại tình và giết chồng!(1)Bà bèn đi thử lên kiếp thứ một trăm thì thấy mình cũng là vợ của ông ta, nhưng kiếp này mình đã hy sinh mạng sống để cứu chồng!

Lúc vị tỳ-khưu dừng lại nơi kiếp thứ chín mươi chín, bà sử dụng thiên nhĩ thông, gởi vào tai ông ta rằng: “Đi tiếp một kiếp nữa, kiếp thứ một trăm, nó sẽ khác!”

Nghe lời bà, vị tỳ-khưu xem kiếp một trăm thì thấy bà hy sinh mạng sống cho mình! Ông nghĩ: “Quả thật, kiếp ấy, bà là ân nhân thật sự của ta đó!”

Khi bức màn tử sinh đã được vén mở. Và hai người có duyên nợ với nhau. Vị tỳ-khưu thử đưa lên bàn cân: “Nếu coi việc bà giết ta rồi cứu ta là nhân quả sòng phẳng thì mình vẫn còn mắc nợ bà trong kiếp này”. Nghĩ thế xong, vị tỳ-khưu dùng tha tâm thông, thiên nhĩ thông cùng tuệ vô lậu hướng dẫn bà mẹ Mātikagama cắt đứt những sợi dây ràng buộc vi tế còn lại. Nhờ vậy, bà mẹ Mātikagama đắc đạo quả A-la-hán.

Câu cuối cùng mà vị tỳ-khưu nghe được bên tai mình:

“- Tôi xin cảm ơn ông! Mọi gánh nặng tử sinh và phiền não đã buông xuống trọn vẹn rồi. Bây giờ tôi đi trước vì tôi không còn việc gì để làm trên cuộc đời này nữa”.

Thế là bà mẹ Mātikagama vô dư Niết-bàn ngay tại chỗ!

Sau này, đức Phật thuyết lại câu chuyện này, và ngài kết thúc bằng một bài kệ:

“- Tâm ta nhanh nhạy, lẹ làng

Kiếm tìm dục lạc, chạy quàng, chạy xiên

Lành thay! Chế ngự thành hiền

Tâm khéo điều phục, diệt phiền, được an!”(1)



(1)Tám cảnh địa ngục là: 1, Địa ngục Sañjīva: Chúng sanh bị gươm đao đâm chém, gậy gộc đánh đập, cối xay nghiền giã; nhưng khi có gió mát thổi tới thì tỉnh lại, sống lại như cũ nên gọi là Sañjīva (sống lại). 2, Địa ngục Kāḷasutta:Chúng sanh bịsợi dây thừng đen (kāḷa là đen, sutta là sợi dây) căng tứ chi ra rồi cưa, cắt chặt tứ chi, thân thể ra từng khúc. 3, Địa ngục Saṅghāta: Những tội nhân tụ họp nhau lại (saṅghāta) mà cắn xé nhau. 4, Địa ngục Roruva: Tội nhân chịu nhiều cực hình, đau khổ quá nên kêu la, khóc gào (roruva) thảm thiết 5, Địa ngục Mahā roruva:Như 4 nhưng kinh khiếp hơn nên gọi là đại (mahā). 6, Địa ngục Tāpana: Tội nhân bị lửa thiêu cháy làm cho thân thể khô héo (tāpana), lụi tàn dần dần, đau khổ không kể xiết. 7, Địa ngục Mahā tāpana: Như 6 nhưng gia bội lửa cháy kinh khiếp hơn. 8, Địa ngục Avīci: Tội nhân chịu cực hình liên tục, không gián đoạn nên còn gọi là vô gián (Vīci là khoảng cách, avīci là không khoảng cách, không gián đoạn). Tám địa ngục này trong Luận Câu Xá lần lượt ghi nghĩa tương đương là: Đẳng hoạt, hắc thằng, chúng hợp, khiếu hoán, đại khiếu hoán, viêm nhiệt, đại viêm nhiệt, vô gián (Rất nhiều tự điển Phật học có ghi và có giải thích).

(1)Bây giờ đã trở thành tên của bà mẹ.

(1)Sẽ có sự thắc mắc, tại sao ngoại tình, giết người mà vẫn sinh được làm người vào kiếp sau? Xin thưa, nếu đấy là tư tác trong sát na tâm thứ 6, 7 thì sẽ trả quả kiếp sau, chưa biết kiếp nào! Trường hợp trên có thể như vậy, hoặc do nghiệp dữ chưa đủ duyên để trả quả.

(1)Pháp cú 35:“Dunniggahassa lahuno yattha kāmanipātino; cittassa damatho sādhu cittaṃ dantaṃ sukhāvahaṃ”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/11/2021(Xem: 11497)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
07/11/2021(Xem: 11944)
Kinh Vô Lượng Nghĩa nói “vô lượng pháp từ một pháp mà sinh ra”. Ma Ha Chỉ Quán của Thiên Thai Trí Giả (538-597), quyển 5, nói: “Phật bảo các Tỳ-kheo, một pháp thâu nhiếp tất cả pháp, chính là Tâm”. Phổ môn là vô lượng giáo pháp. Vô lượng giáo pháp này cũng từ một giáo pháp mà sinh ra. Một giáo pháp phổ cập tất cả gọi là phổ môn. Chư Phật thuyết giáo thuận theo Tâm của chúng sinh. Giáo là những ngôn từ được thuyết ra cho những chúng sinh chưa thấu suốt. Pháp là những phương thức với nhiều tướng trạng giống nhau hoặc khác nhau. Tâm ý chúng sinh có bao nhiêu ngõ ngách thì giáo pháp có chừng ấy quanh co. Chư Phật dùng muôn vàn phương tiện khế cơ mang lại lợi ích cho chúng sinh. Ngài Xá Lợi Phất từng nói: “Phật dùng nhiều thứ nhân duyên và thí dụ, phương tiện ngôn thuyết như biển rộng khiến tâm người trong pháp hội được yên ổn, con nghe pháp ấy khiến lưới nghi dứt” là nghĩa trên vậy.
05/09/2021(Xem: 14894)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
07/05/2021(Xem: 16452)
Phật Điển Thông Dụng - Lối Vào Tuệ Giác Phật, BAN BIÊN TẬP BẢN TIẾNG ANH Tổng biên tập: Hòa thượng BRAHMAPUNDIT Biên tập viên: PETER HARVEY BAN PHIÊN DỊCH BẢN TIẾNG VIỆT Chủ biên và hiệu đính: THÍCH NHẬT TỪ Dịch giả tiếng Việt: Thích Viên Minh (chương 11, 12) Thích Đồng Đắc (chương 1, 2) Thích Thanh Lương (chương 8) Thích Ngộ Trí Đức (chương 7) Thích Nữ Diệu Nga (chương 3, 4) Thích Nữ Diệu Như (chương 9) Đặng Thị Hường (giới thiệu tổng quan, chương 6, 10) Lại Viết Thắng (phụ lục) Võ Thị Thúy Vy (chương 5) MỤC LỤC Bảng viết tắt Bối cảnh quyển sách và những người đóng góp Lời giới thiệu của HT Tổng biên tập Lời nói đầu của Chủ biên bản dịch tiếng Việt GIỚI THIỆU TỔNG QUAN Giới thiệu dẫn nhập Giới thiệu về cuộc đời đức Phật lịch sử Giới thiệu về Tăng đoàn: Cộng đồng tâm linh Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Thượng tọa bộ Giới thiệu về các đoạn kinh của Phật giáo Đại thừa Giới thiệu về các đoạn kinhcủa Phật giáo Kim cương thừa PHẦN I: CUỘC ĐỜI ĐỨC
29/11/2020(Xem: 12444)
“Ma” tiếng Phạn gọi là Mara, Tàu dịch là “Sát,” bởi nó hay cướp của công đức, giết hại mạng sống trí huệ của người tu. “Ma” cũng chỉ cho những duyên phá hoại làm hành giả thối thất đạo tâm, cuồng loạn mất chánh niệm, hoặc sanh tà kiến làm điều ác, rồi kết cuộc bị sa đọa. Những việc phát sanh công đức trí huệ, đưa loài hữu tình đến Niết-bàn, gọi là Phật sự. Các điều phá hoại căn lành, khiến cho chúng sanh chịu khổ đọa trong luân hồi sanh tử, gọi là Ma sự. Người tu càng lâu, đạo càng cao, mới thấy rõ việc ma càng hung hiểm cường thạnh. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong "Niệm Phật Thập Yếu", Ma tuy nhiều, nhưng cốt yếu chỉ có ba loại: Phiền não ma, Ngoại ma và Thiên ma
03/10/2020(Xem: 19885)
Đây là một bài nghị luận về Lý Duyên Khởi được Ajahn Brahm viết lần đầu tiên hơn hai thập niên trước. Vào lúc đó, ngài quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết phức tạp trong việc giảng dạy kinh điển. Vì lý do đó bài nghị luận này có tính cách hoàn toàn chuyên môn, so với những gì ngài giảng dạy hiện nay. Một trong những học giả Phật học nổi tiếng nhất hiện nay về kinh điển Phật giáo đương đại là Ngài Bhikkhu Bodhi, đã nói với tôi rằng “Đây là bài tham luận hay nhất mà tôi được đọc về đề tài này”.
05/04/2020(Xem: 11567)
Luận Đại Thừa Trăm Pháp do Bồ tát Thế Thân (TK IV TL) tạo nêu rõ tám thức tâm vương hàm Tâm Ý Thức thuộc ngành tâm lý – Duy Thức Học và là một tông phái: Duy Thức Tông - thuộc Đại Thừa Phật Giáo. Tâm Ý Thức như trở thành một đề tài lớn, quan trọng, bàn cải bất tận lâu nay trong giới Phật học thuộc tâm lý học. Bồ Tát Thế Thântạo luận, lập Du Già Hành Tông ở Ấn Độ, và sau 3 thế kỷ pháp sư Huyền Trang du học sang Ấn Độ học tông này với Ngài Giới Hiền tại đại học Na Lan Đà (Ấn Độ) năm 626 Tây Lịch. Sau khi trở về nước (TH) Huyền Trang lập Duy Thức Tông và truyền thừa cho Khuy Cơ (632-682) xiển dương giáo nghĩa lưu truyền hậu thế.
30/03/2020(Xem: 9036)
Những người Cơ đốc giáo thường đặt vấn đề: Thượng đế có phải là một con người hay không? Nếu Thượng đế không phải là một con người thì làm sao chúng ta có thể cầu nguyện? Đây là một vấn đề rất lớn trong Cơ đốc giáo. (God is a person or is not a person?)
18/03/2020(Xem: 4331)
Phần này bàn về cách dùng tiền gián, bẻ tiền bẻ đũa thời LM de Rhodes trong tự điển Việt Bồ La. Đây là tục lệ rất ít tài liệu nào ghi nhận. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) từ điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false .
06/01/2020(Xem: 10732)
Đức Tổng Giám mục Colombo, Đức Hồng Y Malcolm Ranjith người Sri Lanka,Chủ tịch Hội đồng Giám mục Sri Lanka, phục vụ Giáo hội Công giáo La Mã của Thánh Matthew ở Ekala, Sri Lanka, gần đây đã nói điều gì đó dọc theo dòng “Nhân quyền đã trở thành tôn giáo mới nhất ở phương Tây. . . Người dân Sri Lanka đã nghiêng về con người thông qua Phật giáo, truyền thống tôn giáo chính thống của họ đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. . . Những người không thực hành tôn giáo là những người bị treo lên Nhân quyền”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567