Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. CHƯƠNG IV: TÔN GIÁO NHẬT BẢN

14/05/201312:13(Xem: 3418)
4. CHƯƠNG IV: TÔN GIÁO NHẬT BẢN

NHỮNG TÔN GIÁO LỚN TRONG ĐỜI SỐNG NHÂN LOẠI
The Great Religions By Which Men Live

Tác giả: Tiến Sĩ Floyd H. Ross và Giáo Sư Tynette Hills
Dịch giả:Thích Tâm Quang

---o0o---

CHƯƠNG BỐN. TÔN GIÁO CỦA NHẬT BẢN

12. THẦN GIÁO: CON ĐƯỜNG CỦA NHỮNG VỊ THẦN

Có nhiều người nghĩ rằng Thần Giáo, tôn giáo địa phương của Nhật Bản, không còn nữa hay tôn giáo này đang chết rất nhanh chóng. Họ nghĩ rằng tôn giáo bắt đầu suy thoái với sự đầu hàng của Nhật Bản vào lúc kết liễu Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng tín ngưỡng và tập tục truyền thống vẫn có con đường sống. Không bao giờ có thể ban sắc lệnh hay làm luật để loại bỏ tín ngưỡng ra khỏi đời sống. Sự thất trận của Nhật Bản trong Thế Chiến Thứ Hai và sự chiếm đóng của Mỹ Quốc trong những năm theo sau đó chắc chắn có thay đổi một số lễ nghi và tu tập tôn giáo. Dầu vậy vẫn còn một số không thể thay đổi được. Đó là tinh thần tôn giáo cơ bản của người Nhật. Họ gọi nó là Thần Giáo, "con đường của những Vị Thần".

Người Nhật Bản chia sẻ niềm tôn kính Phương Đông về di sản văn hóa của họ. Trong một trăm năm vừa qua, sự tôn thờ quá khứ đã bị đặt trước thử nghiệm mạnh nhất mà ta không thể tưởng tượng được. Nhật Bản vẫn tồn tại và tiến tới một cuộc cách mạng -- cuộc tấn công dữ dội của công nghiệp hóa và quan niệm Phương Tây, và hai cuộc chiến tranh thế giới, một trong hai cuộc chiến dẫn đến sự thất bại liểng xiểng. Không có một nước nào đã phải chuyển từ chế độ phong kiến thành hệ thống công nghiệp qui mô lớn quá nhanh như vậy. Thế mà hàng ngày người dân của xứ đó vẫn thưởng thức vẻ đẹp của nó, hết sức tôn trọng nhau, và một tận tụy sâu sắc với xứ sở của họ.

Đúng là quan niệm của người Nhật đang thay đổi. Nhưng từ khi lịch sử Nhật Bản cho thấy sự thay đổi liên tục trong tám mươi năm qua hơn là nghìn năm trước, thật là khó mà lập biểu sự thay đổi. Chúng ta phải nhớ rằng tương lai đến từ hiện tại, khi hiện tại bắt nguồn từ quá khứ. Cho nên, có thể chắc chắn cho rằng những giá trị yêu quý nhất đối với người Nhật Bản sẽ cùng với họ đi vào tương lai.

TÍNH CHẤT GIỐNG THIÊN NHIÊN

Một người Nhật chắc hẳn phải hỏi, "Đời sống là gì?". Nhưng người ấy không đặt câu hỏi "Đời sống của tôi là gì?". Họ thấy mình là một phần của những điều kỳ diệu sinh động đầy cảm hứng trong mọi thứ tồn tại. Họ có cảm giác gần gũi với thiên nhiên mà người Âu Châu hay Mỹ Châu bình thường không có.

Người Nhật lúc nào cũng cảm thấy sự lôi cuốn bởi không gian bên ngoài -- cát, gió, tinh tú, sóng, tiếng kêu côn trùng, bản nhạc của thác nước.

Người Nhật tin tưởng rằng cùng những lực tuyệt diệu như thế vận chuyển trong thiên nhiên cũng chuyển động trong chính họ. Không có gì khác biệt. Không có ranh giới ngăn cách giữa thần thánh và con người. Vì lý do này, tôn giáo và đời sống của một con người đã đi vào lẫn nhau nên hầu như không thể nói nơi nào cái này bắt đầu và cái kia chấm dứt. Những ai cho rằng Thần Giáo không phải là một tôn giáo chắc hẳn bị bối rối bởi khuynh hướng này. Với những người Nhật Bản chín chắn, tôn giáo là phải như vậy. Tại sao tôn giáo phải là cái gì đó "thêm vào" đời sống con người?

Người Nhật tìm thấy sự an ủi và cảm hứng trong cái đẹp của môi trường chung quanh. Họ đã xây dựng những ngôi đền ở những chỗ có vẻ đẹp rất ngoạn mục. Họ cố gắng giữ mình luôn hòa nhịp với tất cả vẻ yêu kiều hướng về chúng:

Chỉ cần một lá cây,
Hay một cọng cỏ mềm mại,
Vị Thần kinh hoàng
Tự hiện ra.

Thói quen về cái đẹp dẫn người Nhật tham dự những cuộc lễ và liên hoan dường như lạ lùng với chúng ta. Liên Hoan Nghe Côn Trùng là một thí dụ về việc này. Vào một buổi tối yên tĩnh vào những tuần đầu mùa thu, hoàng đế và hàng ngàn thần dân yên lặng ngồi nghe những tiếng động của nhiều loại côn trùng. Giống như kiểu câu chuyện về một đạo sư Thiền Phật Giáo bước ra trước lớp học để giảng một bài Pháp. Đạo sư này dừng lại để nghe tiếng chim hót ngoài cửa sổ, và rồi cho giải tán lớp học. Có nhiều những bài thuyết giảng về thiên nhiên -- và người Nhật tự do thưởng thức.

Vào thời điểm cây anh đào trổ hoa, người Nhật thường đóng cửa tiệm và đi đến các công viên và miền quê để thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa anh đào nở trước khi chúng tàn héo. Đôi khi họ dành những buổi chiều tối vào việc ngắm trăng. Hay họ ngồi hàng giờ ngắm cái đẹp của mảnh vườn, hoặc cắm hoa, hoặc cả đến ngắm nhìn một nhành cây hay một chiếc lá.

Ngắm cái đẹp của chúng dẫn dắt họ trau dồi cái đẹp tại nha, tại sân của riêng họ và trong tất cả những nghề thủ công mỹ nghệ. Họ cần cù tìm cảm hứng mà cuộc sống và thiên nhiên hiến dâng cho họ. Đôi khi họ dùng thơ để bầy tỏ cảm nghĩ về tính cách giống thiên nhiên.

Thường thường người Nhật Bản làm thơ rất ngắn, chỉ diễn tả đủ để truyền cảm của họ. Đương nhiên, thường là thơ của họ không truyền đạt cùng cảm nghĩ tới một người nào đó, nhất là đối với các độc giả ở xứ khác. Mà là ta giải thích cho chính ta. Ai có thể nói một thi phẩm phải nói gì?

Dưới đây là một vài thí dụ về những vần thơ thiên nhiên của người Nhật có thể là có nhiều hoặc ít ý nghĩa mà người đọc có thể tìm thấy ở chúng:

Trên cánh hoa mận nở,
Bông tuyết rơi dày đặc;
Tôi ước gom một ít
Để trao đến tận người
Nhưng tuyết tan trong tay tôi

Trên những sườn đồi dốc
Tuyết vẫn còn nằm đó --
Nhưng dưới chân cây liễu,
Nước lũ chảy ào ào,
Xuân đâm chồi nẩy lộc.

Tôi sẽ so sánh gì
Cuộc đời này của ta?
Nó giống như con thuyền
Đi khỏi lúc rạng đông
Không để lại vết tích.

Bầu trời là biển cả
Nơi sóng mây cuồn cuộn
Mặt trăng là con thuyền;
Tiến về các chùm sao
Chèo theo đường của nó.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA SỰ THANH KHIẾT

Bầu trời, hoa lá, cây cối và cảnh đẹp nói với người Nhật Bản về cái đẹp và sự thanh khiết. Qua nhiều thế kỷ, người Nhật Bản nhìn vào những cảnh như vậy với lòng tôn kính. Họ cảm thấy nỗi kinh sợ trong sự hiện diện của vẻ yêu kiều thanh khiết mà họ ý thức sâu xa. Họ mong ước xứng đáng với nó. Điều này đã khiến họ ngưng không tranh đấu cho sự thanh khiết bên trong và bên ngoài.

Người Nhật không lại gần nơi thờ cúng ở nhà hay nơi công cộng mà lại không tham dự lễ tẩy uế trước. Có các máng nước đặc biệt gần nơi thờ cúng công cộng để người đi hành lễ có thể dùng nước đó để rửa tay và xúc miệng.

Chỉ sau khi người ta làm cho chính mình trong sạch theo cách đó người ta mới nghĩ mình đáng được lễ lạy tại đền. Những người Nhật chín chắn nhận thức đây là sự tượng trưng cho sự thanh khiết nội tâm không thực sự tùy thuộc vào sự tẩy uế bên ngoài.

Nhà của người Nhật là kiểu mẫu về sạch sẽ và ngăn nắp. Bàn thờ thần -- trung tâm thờ cúng Thần Giáo tại gia được giữ sạch sẽ tinh tươm. Bàn thờ ở những nơi thờ cúng thường xuyên được làm lại để không một tình trạng mục nát nào làm hại nơi chốn của vẻ đẹp này.

Ở Nhật Bản xưa, có lễ bán niên gọi là Đại Lễ Tẩy Uế. Tất cả mọi người tham gia lễ này bằng cách chà xát những chiếc áo giấy lên trên thân mình rồi đem đốt hay ném xuống sông, hồ hay biển. Rồi hoàng đế, nói với Nữ Thần Mặt Trời, tuyên bố tất cả mọi người lại trong sạch. Từ xa xưa, người Nhật Bản cổ tin chắc là việc tẩy uế thân xác rất quan trọng đối với các vị thần. Sau này, những người Nhật Bản nghĩ rằng thần cũng muốn sự thanh khiết về đạo đức. Đại Lễ Tẩy Uế tượng trưng cho cả hai.

Những nghi lễ như vậy khiến người dân cảm thấy đúng đối với chính họ và đối với thế giới. Những người Thần Giáo coi trọng việc tổ chức các lễ này thường xuyên, để họ có thể cảm thấy thoát khỏi sự ô uế. Họ không lo lắng về những tội lỗi hay sai lầm cá nhân. Họ quan tâm đến tất cả người dân của họ đến mức họ cảm thấy phải chia sẻ tội lỗi vì khuyết điểm và ô uế chồng chất của bất cứ người nào. Tội lỗi gộp lại này khiến họ tìm sự thanh khiết cho toàn bộ xã hội Nhật.

SỰ TẬN TỤY CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN

Người Nhật Bản đọc truyền thuyết cổ điển về sự khởi đầu đất nước của họ trong "Biên Niên Sử Nhật Bản", tờ Nihoiigi, và những "Hồ Sơ về Những Sự Kiện Cổ", tờ Kojiki. Họ đọc Nữ Thần Mặt Trời, Amaterasu, cho người cháu xuống làm vua đầu tiên tại các hải đảo. Đây là điều mà nữ thần này nói với người cháu:" Ta nghĩ rằng đất nước này chắc chắn thích hợp cho sự mở rộng nhiệm vụ thiên giới để vinh quang có thể tràn đầy vũ trụ. Chắc chắn nó là trung tâm của thế giới".

Cùng sự đánh giá cao như vậy về xứ sở đã là sự quan tâm đầu tiên của người dân Nhật. Họ tận tụy say mê với những hải đảo đẹp đẽ của họ. Họ làm ruộng với lòng kiên nhẫn vô bờ bến. Ho săn sóc vườn tược, công viên và trang trại với sự tinh xảo dễ mến.

Các Dân Tộc khác từ lâu đã trở nên quen thuộc với lòng trung thành mãnh liệt của người dân Nhật đối với xứ sở của họ, với đồng hương của họ, và với hoàng đế của họ. Nó bắt nguồn từ cảm tính họ là con cháu của những vị thần và xứ sở của họ là đất đai được các vị thần chọn, và hoàng đế của họ là dòng dõi trực tiếp của Amaterasu (Thái Dương Thần Nữ). Truyền thống này, thêm vào sự kiện hàng nhiều thế kỷ, dân Nhật hầu như sống biệt lập trên các hải đảo của họ nhiều thế kỷ, là nguyên nhân chính của "tinh thần Nhật Bản"

Mỗi một người dân Nhật đều quan tâm đến tất cả người Nhật. Cái gì tốt cho toàn bộ nước Nhật cũng là cái mà mỗi người dân Nhật mong muốn cho chính mình. Hạnh phúc của dân tộc ảnh hưởng đến toàn thể. Hoàng Đế nhắc nhở họ về dòng dõi thiêng liêng và trách nhiệm của họ đối với quốc gia. Chính vì vậy mà người dân nhật hết sức tận tụy với hoàng tộc trước khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt.

Lòng trung thành của người Nhật là một đức hạnh cao đến mức người quân nhân thường hy sinh thân mình không hề do dự. Thực ra, đôi khi họ nhiệt tâm làm như vậy vì tin rằng linh hồn của họ có thể giúp bảo vệ đất nước. Một phần, đặt giá trị vào lòng can đảm và trung thành bắt nguồn từ quá khứ phong kiến gần đây của Nhật Bản khi những hiệp sĩ được giáo dục trở thành chiến sĩ can cường. Dù chế độ phong kiến đã bị thay thế nhưng tinh thần ấy vẫn còn truyền lại đến ngày nay. Trung thành và danh dự vẫn là những thái độ thiêng liêng của người Nhật.

SẴN LÒNG HỌC HỎI

Sự quan tâm mãnh liệt đến văn hóa riêng của họ không ngăn trở người Nhật học hỏi nơi người khác. Họ đã vay mượn triết lý và đạo đức từ người theo Khổng Giáo, tôn giáo và nghệ thuật từ người theo Phật Giáo, và kỹ thuật công nghệ từ người Phương Tây. Nhưng khi sự trao đổi hàng hóa và khái niệm diễn ra, Nhật Bản tiếp nhận chúng theo cách riêng của mình. Trên đất Nhật, những thứ đó trở thành Nhật Bản.

Về tôn giáo, người Nhật học hỏi rất nhiều từ những gì mà người theo Không Giáo và Phật Tử Trung Hoa có thể dạy họ. Nhưng Thần Giáo vẫn còn là một tính cách ái quốc cao của dân tộc Nhật. Có thời kỳ, Quốc Gia Thần Giáo -- hay Đền Đài Thần Giáo -- được dạy tại các trường học dưới hình thức nghi lễ và được điều hành bởi một ngành đặc biệt của chính phủ. Mới đây việc này đã thay đổi, và một số liên hoan theo mùa màng đã không còn được thực hiện rộng rãi. Ngày nay, khi một người Nhật tự gọi mình là Thần Giáo, có thể có nghĩa là người ấy là thành viên của một trong số các giáo phái Thần Giáo. Hay có thể có nghĩa là người ấy kính trọng và tôn thờ những truyền thống quá khứ như "Con đường của các thần" ngay dưới Phật Giáo hay những tôn giáo khác.

LÒNG HÀO HIỆP CỦA CON NGƯỜI

Người Nhật thấy đời sống rất tốt đẹp, và họ sung sướng chấp nhận nó như thế. Họ không cố ý nghi ngờ điều đó. Họ chấp nhận đời sống một cách vui vẻ hơn một số môn đồ của một số tôn giáo. Ngay cả những người Phật Tử tại Nhật Bản cũng không quá thiên về cái khổ của đời sống. Người Thần Giáo cảm thấy "Ở Nhà" trong thế giới này. Họ tin rằng các thần mong muốn sự sung sướng và hạnh phúc của họ. Đời sống tốt đẹp và con người cũng tốt đẹp. Làm sao có thể trái ngược lại được khi các thần tạo ra họ?

Thần giáo không có bản liệt kê các điểu răn và không có bản điều luật luân lý phải theo. Hơn một trăm năm mươi năm trước, một nhà học giả Nhật viết:" Chính là vì người Nhật thực sự đạo đức trong việc thực hành nên họ không cần đến lý thuyết đạo đức, và sự quan trọng hóa của người Trung Hoa về lý thuyết đạo đức là do thực hành không nghiêm của họ."

Một người Nhật khác cùng thời vạch ra rằng con người được tạo ra "bởi tinh thần của hai Thần Sáng Tạo (Izanagi và Izanami). Cho nên tự nhiên là họ được phú cho kiến thức về những gì họ phải làm và phải tránh. "Họ không cần phải bận tâm với hệ thống luân lý ", ông viết thêm vào như vậy.

Vì người Nhật cảm thấy con người thực sự tốt bụng, nên họ không bao giờ lo lắng về tội lỗi. Con người có thể gây lầm lỗi, lầm lỗi này có thể được gọi là "tội lỗi", nhưng không phải là tràn đầy tội lỗi. Người Nhật tôn thờ qua việc tặng lời cảm ơn hơn là kể lể nhược điểm của mình và tìm cách xin tha thứ cho họ. Không ai dạy người thần giáo nghĩ chính mình là "đồ giun dế trong cát bụi".

Người Thần Giáo không bao giờ quan tâm đến khái niệm kiếp sau. Không có lời dạy nào về cuộc đời bên kia ngôi mộ, và người Thần Giáo không cầu nguyện cho hạnh phúc tương lai. Họ cầu nguyện nhiều hơn về những thứ rõ ràng như thực phẩm, hạnh phúc, phúc lợi của quốc gia và bầy tỏ lời cảm ơn. Dù Thần Giáo không nhấn mạnh đời sống sau khi chết, thì Phật Giáo đã đáp ứng cho dân tộc Nhật. Dân tộc Nhật Bản cũng như dân tộc Trung Hoa, thích phối hợp giáo lý từ nhiều tôn giáo.

THẦN

Hầu hết người Thần Giáo nói về "Thần". Đối với đa số người Thần Giáo, có nhiều Thần và Nữ Thần, bày tỏ lợi ích của con người và mọi mặt của thiên nhiên. Những nhà Thần Giáo tri thức có thể nói về "thần thánh". Đối với họ, tính thần thánh có trong mọi thứ hoàn toàn thiên nhiên vì không có gì siêu nhiên. Đặc tính thiêng liêng này cũng ở trong con người dù rằng con người không hiểu làm sao nó có thể như thế. Sự tôn kính nhiều thần và hồn thiêng các anh hùng, và những người nổi tiếng chỉ là công nhận tính thần thánh hiện diện trong tất cả thảy đời sống.

Những người chín chắn hơn trong Nhật Bản hiện đại tin tưởng vào một Thần. Hay họ có thể giải thích điều đó như là niềm tin vào một nguồn gốc vì đặc tính thần thánh của toàn bộ đời sống. Nhưng Thần Giáo phát triển rộng lớn nhờ niềm tin vào nhiều thần. Tài liệu từ năm 901 sau Công Nguyên cho thấy ba nghìn ngôi đền tại Nhật Bản, có trên ba nghìn thần được thờ cúng. Đến năm 1914 có trên 190,000 ngôi đền tại Nhật. Có hàng trăm ngàn người thăm viếng các ngôi đền chính hàng năm. Những ngôi đền khác chỉ là những ngôi đền gần đường ở xa quận lỵ.

Thái Dương Thần Nữ, là trung tâm của sự thờ phượng Thần Giáo. Người anh em, Thần Dông Tố, được tôn kính rộng rãi, và Nữ Thần Thực Phẩm cũng vậy. Tất cả thần đều là dòng dõi của cặp thần gốc đã sinh ra những hải đảo của Nhật cũng như vô số các vị thần khác. Những vị thần này được gọi là Izanagi, Bàu trời cha và Izanami, Đất Mẹ. Thần thoại Nhật Bản đầy những chi tiết về chuyện sáng tạo, gồm cả chuyện về Izanagi (Trời) ra lệnh cho Amaterasu (Thái Dương Thần Nữ) trị vì Miền Thượng Giới. Từ nhiều năm, Thái Dương Thần Nữ là biểu tượng của mọi thứ quý giá nhất trong sự phát triển của dân tộc Nhật.

Khi Thái Dương Thần Nữ phái người cháu trai trị vì Nhật Bản, nữ thần này tặng cho người cháu ba báu vật thiêng liêng nhất trong Thần Giáo. Đồ châu báu cho hoàng đế, được để ở cung vua tại Tokyo, là những biểu tượng của sự phục tùng và tính quyền quí. Thanh gươm, giữ tại đền Owari, tượng trưng cho trí tuệ và công lý và tấm gương, để tại ngôi đền Ise, tượng trưng sự ngay thẳng và thanh khiết. Những người thần giáo tin rằng những huyền thoại và báu vật này dùng để nhắc nhở họ về quyền lực thiêng liêng được trao cho các hoàng đế dùng để trị vì.

THỜ PHƯỢNG THẦN GIÁO

Từ cuộc chiến tranh mới đây, đã có những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống và tập quán Nhật Bản. Không thể nào có thể tiên đoán được những nghi lễ Thần Giáo cổ sẽ tiếp tục ra sao vào những năm tới. Hiệp ước hòa bình ký kết giữa Nhật và Hoa Kỳ và sự rút lui của những lực lượng chiếm đóng có thể đặt lại tầm quan trọng trong văn hóa vốn có của Nhật, hay có thể là không. Hoàng đế, bằng sắc lệnh của chính mình, đã tuyên bố rằng Ngài không còn được coi là dòng dõi Thái Dương Thần Nữ. Tuy vậy những tập quán và cảm tưởng của thần dân trung thành Nhật có thể đã có thể rõ ràng bị ảnh hưởng bởi lời tuyên bố này.

Người Nhật tiếp tục đi tới các ngôi đền có những thần và nữ thần khác nhau, để cầu nguyện cho được mùa, thực phẩm, hay sự thịnh vượng quốc gia. Họ tự tẩy uế theo phong tục và chắp tay cung kính như người Phương Đông thường làm. Rồi họ dâng lễ vật, tiền bạc, gạo, cởi giầy, và vào phòng cầu nguyện.

Người thần giáo không sử dụng hình ảnh của các thần mà sử dụng biểu tượng của các thần. Trên những kệ thờ thần có những bài vị hay những mảnh giấy ghi tên những vị thần mà họ muốn tôn kính. Một ngọn đèn được đốt tại đấy, và gia đình đặt hoa cùng một chút rượu vang hay bánh cốm bỏng ở đó hàng ngày nếu có thể được. Những người Thần Giáo trung thành cố gắng tổ chức nghi lễ cầu nguyện ngắn trước bàn thờ thần mỗi ngày.

Những thầy tu Thần Giáo, sống như thường dân, hướng dẫn các buổi lễ chính thức trong những ngày lễ quan trọng. Họ không thường xuyên thuyết giảng vào các buổi lễ hàng tuần. Họ chịu trách nhiệm bảo vệ những đồ vật thiêng liêng trong ngôi đền. Thường thường họ có một công việc khác ngoài việc làm thầy tu.

Những ngôi đền Thần Giáo có một cổng vào đặc biệt, gọi là torri. Không ai biết chính xác làm sao mà cấu trúc hấp dẫn này trở thành một phần của ngôi đền; cái nguyên thủy đích thực của nó đã bị mất từ thời cổ. Chắc là nhiều năm trước đây nó dùng để treo chim hiến tế cho Thái Dương Thần Nữ. Tuy nó không còn dùng cho mục đích này, nhưng cái cổng vào vẫn có ở lối vào tại mỗi ngôi đền Thần Giáo. Đôi khi có một dãy cổng vào. Cổng vào là biểu tượng để phân biệt của Thần Giáo.

CÁC GIÁO PHÁI THẦN GIÁO

Những ngôi đền Thần Giáo hay "nhà thờ" thấy ở các nước khác không phải là một phần của Thần Giáo Quốc Gia mà là dạng thức giáo phái Thần Giáo. Chúng ta có thể gọi chúng là giáo phái. Chúng không được nhà nước hỗ trợ và không tùy thuộc vào ân sủng của Hoàng Đế Nhật Bản. Những người Mỹ gốc Nhật theo giáo phái này không thích đề cập đến những phong trào này bằng cùng cái tên Thần Giáo.

Tuy nhiên hầu hết các giáo phái, đưa vào giáo lý và nghi lễ của họ nhiều yếu tố của Thần Giáo quốc gia cũng như của Phật Giáo. Tại Nhật, mười ba giáo phái như vậy được chính thức công nhận; nhưng có nhiều giáo phái khác không được chính thức liệt kê. Nhiều trong những giáo phái này áp dụng phương pháp giáo dục và truyền giáo của giáo phái Cơ Đốc. Một số trong giáo phái tập trung việc thờ phượng vào Thượng Đế chung toàn năng. Một số nhấn mạnh niềm tin có tác dụng chữa lành bệnh.

Câu trả lời tôn giáo về "tinh thần Nhật Bản" cổ vẫn còn là một sức mạnh đáng kể trong đời sống tôn giáo của thế giới ngày nay. Người Nhật đã tìm thấy sự thỏa mãn sâu xa cho chính họ. Họ khiến những người khác nghĩ rằng mình cũng có thể tìm thấy sự thỏa mãn tương tự bằng cách hoàn toàn chấp nhận đời sống là như thế và hưởng thụ những vẻ đẹp và sự kỳ diệu mà đời dâng hiến cho những người đã bỏ thì giờ để quan sát và nghe ngóng.

---o0o---


Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2022(Xem: 7607)
Tôi thật chưa tìm ra cuốn nào như cuốn này, tác giả viết từ những năm 50s, hữu duyên được dịch ra tiếng Việt vào những năm 80s… Tìm lại được bản thảo sau khoảng 33 năm (2021). Tốn thêm một năm hiệu đính trên đường ta bà, gọt dũa lại.
01/02/2022(Xem: 5798)
Với sự xuất hiện của virus SARS-CoV2 ở Vũ Hán - Trung quốc cuối năm 2019, và tiếp theo sau là sự lây lan rộng khắp thành một đại dịch toàn cầu, các tổ chức Phật giáo đã ra tay hành động khắp nơi trên thế giới. Đáp ứng của Phật giáo rất đa dạng, phản ảnh sự khác biệt giữa các tông phái và các nền văn hóa, tuy nhiên họ đã hội tụ quanh những chủ đề chung theo những tiền lệ đã được ghi sâu trong lịch sử. Một ví dụ về sáng kiến gần đây là dự án “ Làm Phẳng Đường Cong” do Hội Từ Tế ( Tzu Chi Foundation ) Chi Nhánh Hoa Kỳ công bố - đây là một Tổ chức nhân đạo Phật giáo khổng lồ đặt trụ sở trung ương tại Đài-loan, có trên 10 triệu hội viên và 45 chi nhánh khắp thế giới. Trong một thông cáo báo chí vào đầu tháng 4 , Hội Từ Tế Hoa Kỳ tuyên bố rằng họ sẽ phân phối hằng triệu khẩu trang và dụng cụ y tế cho các nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu, và khởi động một chương trình hỗ trợ cho những người chịu tác động của đại dịch về mặt kinh tế xã hội. Những sáng kiến ấy ở Hoa kỳ bổ sung cho
01/02/2022(Xem: 31144)
48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà (loạt bài giảng của TT Thích Nguyên Tạng trong mùa dịch cúm Covid-19)
01/02/2022(Xem: 17733)
Nằm trong khuôn khổ của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2014 tại Davos (Thụy Sĩ) vào tháng 1 vừa qua, chương trình trò chuyện với các nhân vật nổi tiếng không hoạt động trong lĩnh vực tài chính, có quan điểm về một cuộc sống hạnh phúc mà không phụ thuộc quá nhiều vào tiền bạc và quyền lực cũng đã diễn ra.
24/12/2021(Xem: 3739)
Việc thẳng tiến bước trên con đường đạo lý thanh cao hầu đạt đến chân lý hạnh phúc chẳng khác nào bơi ngược dòng đời là một vấn đề xuyên suốt quá trình phát triển của nhân loại. Sự tác động lẫn nhau giữa thiện và ác, chính và tà định hình số phận của các cá nhân và xã hội theo các chu kỳ, có thể biết được và không nhìn thấy. Các vị triết gia và nhà tư tưởng đã cân nhắc không chỉ điều gì tạo nên những chất đạo đức thanh cao mà còn cả những trợ duyên tác động nó. Đạo đức nhân văn là ngành học nghiên cứu các nguyên tắc đạo đức chi phối hành vi hoặc cách cư xử của mỗi cá nhân, và nó cũng là mảng kiến thức liên quan đến các nguyên tắc đạo đức.
05/12/2021(Xem: 4094)
Khi đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu, chúng ta thiết lập các kết nối sâu sắc, và giúp những người xung quanh tránh bị kiệt sức.
17/11/2021(Xem: 19929)
Nghiệp, phổ thông được hiểu là quy luật nhân quả. Nhân quả cũng chỉ là mối quan hệ về tồn tại và tác dụng của các hiện tượng tâm và vật trong phạm vi thường nghiệm. Lý tính của tất cả mọi tồn tại được Phật chỉ điểm là lý tính duyên khởi.266F[1] Lý tính duyên khởi được nhận thức trên hai trình độ khác nhau. Trong trình độ thông tục của nhận thức thường nghiệm, quan hệ duyên khởi là quan hệ nhân quả. Chân lý của thực tại trong trình độ này được gọi là tục đế, nó có tính quy ước, lệ thuộc mô hình cấu trúc của các căn hay quan năng nhận thức. Nhận thức về sự vật và môi trường chung quanh chắc chắn loài người không giống loài vật. Trong loài người, bối cảnh thiên nhiên và xã hội tạo thành những truyền thống tư duy khác nhau, rồi những dị biệt này dẫn đến chiến tranh tôn giáo.
14/11/2021(Xem: 16420)
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu. Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng: – Kính bạch chư Đại Đức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có
13/11/2021(Xem: 10340)
“Bát Thánh Đạo” là phương pháp tu hành chơn chánh cao thượng đúng theo qui tắc Phật giáo mà đức Thế Tôn đã có lời ngợi khen là quí trọng hơn tất cả con đường tu hành, là con đường không thẳng cũng không dùn, không tham vui cũng không khắc khổ, vừa thành tựu các điều lợi ích đầy đủ đến hành giả, hiệp theo trình độ của mọi người. Cho nên cũng gọi là “TRUNG ĐẠO” (Majjhimapaṭipadā) là con đường giữa. Ví như đàn mà người lên dây vừa thẳng, khải nghe tiếng thanh tao, làm cho thính giả nghe đều thỏa thích. Vì thế, khi hành giả đã thực hành đầy đủ theo “pháp trung đạo” thì sẽ đạt đến bậc tối thượng hoặc chứng đạo quả trong Phật pháp không sai. Nếu duyên phần chưa đến kỳ, cũng được điều lợi ích là sự yên vui xác thật trong thân tâm, từ kiếp hiện tại và kết được duyên lành trong các kiếp vị lai. Tôi soạn, dịch pháp “Bát Thánh Đạo” này để giúp ích cho hàng Phật tử nương nhờ trau dồi trí nhớ và sự biết mình. Những hành giả đã có lòng chán nản trong sự luân hồi, muốn dứt trừ phiền não, để
08/11/2021(Xem: 11433)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567