Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật giáo trước các vấn đề của thời đại

09/04/201317:07(Xem: 4441)
Phật giáo trước các vấn đề của thời đại

 

dalailama-smhPhật Giáo trước những vấn đề thời đại

Phỏng vấn Đức Đạt lai Lạt ma
Jean Claude Carrière thực hiện
Quán Như dịch

Vào tháng 2 năm 1993, nhà viết phim Pháp Jean Claude Carrière đến Dharamsala, Ấn Độ, để nói chuyện cởi mở với Đức Đạt lai Lạt ma về những vấn đề mà thế giới hiện tại đang phải đối đầu. Carrière kể là: "Chúng tôi muốn thảo luận về việc áp dụng đạo Phật vào đời sống hàng ngày, từ chính trị đến các tôn giáo và các truyền thống khác, đặc biệt chú trọng tới bạo động, môi sinh và giáo dục. Không có người nào trong hai chúng tôi muốn hình thành một tín lý mới. Ngược lại chúng tôi chỉ muốn thiết lập một cuộc đối thoại đích thực cởi mở và bất ngờ, trong những lĩnh vực mà cả hai chúng tôi ít khi đề cập đến". Kết quả của cuộc thảo luận được xuất bản trong tác phẩm "Bạo động và Từ bi" (Violence and Compassion - Nxb Doubleday 1994).

JCC: Ở Tây phương, tôn giáo không còn ở trong vị thế chế ngự nữa. Bao nhiêu người vẫn tiếp tục triết lý và hành động, thế nhưng chúng ta vẫn chưa tìm thấy hạnh phúc, an lạc. Tôi muốn nói thêm là hiện các thái độ kỳ thị chủng tộc, các hình thức tôn giáo quá khích đang sinh sôi nảy nở mạnh.

ĐLLM: - Những người nào muốn loại trừ người khác (trên con đường tâm linh, tôn giáo) sẽ tự mình bị loại trừ. Những người nào xác định Thượng đế của họ là Thượng đế duy nhất thì họ đang làm một chuyện cực kỳ nguy hại: họ sẽ là những người dùng mọi cách để bắt người khác phải chấp nhận lòng tin của họ.

JCC: Và tuyên bố họ là những người được Thượng đế lựa chọn!

ĐLLM: - Đó là điều tệ hại nhất!

JCC: Dân chủ nghĩa là đã đặt một rào phòng ngự hữu hiệu bằng cách thực hành một ý tưởng quan trọng là sự phân biệt quyền hành.

ĐLLM: - Nếu ông muốn nói là sự phân biệt quyền hành giữa tôn giáo và quốc gia, theo tôi đó là một ý tưởng tuyệt vời.

JCC: Thế nhưng, Ngài hiện thân cho một sự tương phản lại ý niệm phân biệt quyền hành đó. Ngài nắm trong tay tất cả mọi quyền hành!

ĐLLM: - Không đúng, quan niệm quyền hành của chúng tôi khác xa. Chức hiệu, định chế Đạt lai Đạt ma có thể biến mất trong một đêm. Chức vị này không phải được thiết lập bởi một quyền lực nào ngoài con người hay trái đất này. Giữa dân chủ và Phật giáo không có sự mâu thuẫn nào. Trở lại với những hình thức tôn giáo quá khích, những lòng tin vụn vỡ, những người tự nhận là "được Thượng đế lựa chọn", đó là lý do chính tại sao Phật giáo luôn tránh đề cập tới một đấng tạo hóa hay Thượng đế. Khi được hỏi về các vấn đề này, Đức Phật Thích Ca thường giữ yên lặng.

JCC: Nhưng chính Đức Phật khuyên răn là không được "quy y thánh thần quỷ vật"?

ĐLLM: - Đức Phật có nói vậy. Và tất cả các trường phái Phật giáo hiện nay đồng ý về điểm này. Điều này không có nghĩa là chúng tôi đã "hợp lý hóa" lòng tin của chúng tôi theo như là cái nghĩa thường tình (thế tục hóa - lời người dịch). Chúng tôi nhận sự hiện hữu của các chúng sanh thượng đẳng, hay ít nhất là những quả vị thượng đẳng (Bồ tát, A la hán). Chúng tôi tin vào ngôn ngữ mầu nhiệm, sấm truyền, giải mộng, hóa thân. Đối với chúng tôi đó là những lòng tin rõ ràng, nhưng không phải là những lòng tin mà chúng tôi muốn đem áp đặt lên người khác. Tôi lặp lại: "Tôi không muốn người khác cải đạo thành Phật tử". Phật giáo chỉ dựa vào sự kiện. Đó là quá trình nghiệm chứng tâm linh, nhất là những kinh nghiệm cá nhân. Tôi nhắc lại một lời dạy quen thuộc của Đức Phật Thích Ca: "Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi". Một nhãn quan về các vấn đề toàn cầu có thể phát sinh từ đó, ông có nghĩ như vậy không?

JCC: Chưa bao giờ chúng sanh ta sản xuất hàng hóa tiêu thụ nhiều như vậy. Thế nhưng tuyệt vọng cứ sờ sờ ngay trước cửa nhà chúng ta. Chưa bao giờ chúng ta phơi bày thân thể chúng ta, tính dục chúng ta nhiều như vậy, thế nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy cái chết cận kề như vậy. Chưa bao giờ chúng ta sáng chế những phương tiện truyền thông với người khác hiện đại như ngày nay, thế nhưng chưa bao giờ chúng ta cảm thấy cô đơn tận cùng như vậy. Tôi còn có thể kể dài dài...

ĐLLM: - Tất cả những điều ông nói đều đúng. Nhưng không có gì có thể giải quyết một sớm một chiều như có pháp thuật. Ông cần thời gian và tiến bộ tâm linh bao giờ cũng chậm. Thì dụ như ông hãy nhìn lại đầu thế kỷ này, những người sống trên trái đất không ai cảm thấy trách nhiệm của mình đối với quê hương địa cầu của mình. Dần dần các xưởng kỹ nghệ khám phá tài nguyên và khai thác tận tình, nhất là ở Tây phương. Rác rến phế thải khắp mọi nơi. Có một điều lạ là không ai để ý đến điều này. Kết quả là có bao nhiêu chủng loại bị tận diệt. Đây là một điều kinh khủng trong lịch sử 65 triệu năm của lịch sử địa cầu. Đối với một Phật tử, đây là một điều kinh hoàng không thể tưởng tượng nổi.

JCC: Và các chủng loại vẫn tiếp tục bị tiêu diệt.

ĐLLM: - Tôi biết. Nhưng ít nhất ngày nay chúng ta quan tâm về mối nguy hiểm đó. Và hiện có đảng chính trị thành lập có tên là đảng Green (đảng Xanh) và chính sách của họ là bảo vệ môi sinh. Bốn mươi năm trước đây không ai tưởng tượng chuyện này có thể xảy ra. Có một điều nữa, như ông biết, thương gia là những người không bao giờ quan tâm đến Phật giáo. Gần đây một nhóm thương gia có đến gặp tôi và hỏi về những giá trị của truyền thống Phật giáo. Họ còn đi tìm một chỗ để tu tập chung, bồi dưỡng tâm linh trong một tuần hay lâu hơn, dưới sự hướng dẫn của tôi.

JCC: Có phải là mọi sự đã quá muộn?

ĐLLM: - Tôi hy vọng là không. Nhưng dù sao có vẫn còn hơn không. Chúng ta đang ở trong một nguy cơ là chúng ta sẽ không còn liên hệ được với chúng sinh khác trong vũ trụ. Chúng ta phải làm mọi cách để giữ và thắt chặt mối liên hệ đó.

Những thay đổi thực sự thường chậm chạp và khó thấy. Thí dụ như là Tây Phương bị quyến rũ bởi Phật giáo trong nhiều năm nay là do hai ý niệm đặc biệt. Đó là ý niệm bất bạo động, một ý niệm đã được bén rễ ở đây. Thứ hai là ý niệm về duyên sinh (duyên khởi) vốn là một ý niệm lâu đời của Phật giáo.

JCC: Ý niệm duyên khởi đã khiến chúng tôi quan tâm đến môi sinh?

ĐLLM: - Ý niệm cho là sinh vật sống một cách biệt lập đã bị Đức Phật và tất cả tông phái Phật giáo phủ nhận ngay từ lúc đầu. Không có gì có thể hiện hữu một cách tự lập. Trái lại mọi vật mọi sự đều liên hệ chằng chịt với nhau. Mọi vật được nối kết với nhau trong mạng lưới vô biên. Indra trong thần thoại Ấn là một mạng lưới của các viên ngọc, mỗi viên phản chiếu toàn thể các viên khác. Thấy một là thấy tất cả, tất cả có sẵn trong một. Không có một chủng loại nào- kể cả nhân loại- có thể tự đặt mình ra ngoài thế giới, ra ngoài bánh xe của vũ trụ. Chúng ta chỉ là một mắc xích trong bánh xe vô biên đó.

JCC: Cái bánh xe đó càng ngày càng kêu kẽo kẹt. Ngài có cảm thấy lo sợ về sự bùng nổ dân số trong thế kỉ 20 không?

ĐLLM: - Rất lo ngại. Đó là một vấn đề tối quan trọng.

JCC: Có thể là vấn đề số một.

ĐLLM: - Đúng. Tôi cũng nghĩ vậy. Từ năm 1987, dân số thế giới đã vượt qua con số 5 tỷ. Chừng 700 hay 800 triệu đã được sinh thêm sau năm đó. Trong vòng ít hơn 30 năm nữa, con số này sẽ gấp hai. Mọi người phải được thông báo sự kiện này, không phải với thái độ đạo đức giả hay với thành kiến. Chúng ta phải nói rõ là: 6 tỷ người trên trái đất là quá nhiều. Về phương diện đạo đức, đó là một lỗi lầm quan trọng, vì dân số gia tăng kiểu đó làm tăng thêm hố sâu giữa các nước giàu và nước nghèo. Và về phương diện thực tế, viễn ảnh đó thật là hãi hùng!

JCC: Có nghĩa là Ngài đồng ý với việc kiểm soát gia tăng dân số?

ĐLLM: - Đúng vậy. Việc kiểm soát dân số phải được quảng bá rộng rãi và cổ động.

JCC: Có một vài truyền thống tôn giáo chống lại điều này!

ĐLLM: - Đúng thế. Kể cả một vài thành phần trong Phật giáo. Nhưng đã đến lúc đã xô ngã thành trì bảo thủ đó. Vấn đề chính là thái độ của chúng ta đối với đời sống con người. Mặc dù sống là khổ, nhưng dưới mắt chúng ta, đời sống con người là một hiện tượng quý giá; bởi vì chúng ta được hướng dẫn bởi trí thông minh, và trí thông minh ngày càng tăng trưởng. Nếu nhìn theo quan điểm này, kiểm soát dân số là một điều nguy hại vì nó ngăn cản sự hiện hữu của con người.

JCC: Đó là theo quan điểm cá nhân?

ĐLLM: - Mỗi người là một cơ hội kỳ diệu. Và phá thai là một hành động bạo động mà Phật tử không chấp nhận. Nhưng chúng ta nhìn trong một viễn tượng xa hơn, nếu chúng ta cố gắng hình thành một nhãn quang toàn cầu, chúng ta thấy là có quá nhiều con người trên quả địa cầu này. Trong tương lai, tình trạng chen chúc nhau mà sống còn tệ hơn nữa. Vấn đề không còn là sự tự thỏa mãn với trí thông minh tuyệt diệu và phức tạp của con người, mà là vấn đề sống còn của nhân loại. Ngay bây giờ, có 5 tỷ đời sống quý giá của con người. Và 5 tỷ đời sống quý giá này thấy bị đe dọa bởi những đời sống quý giá khác. Triệu triệu con người lại sinh thêm ra.

JCC: Như vậy không phải chỉ là đời sống con người bị đe dọa?

ĐLLM: - Dĩ nhiên là không. Thú hoang, cây cối, những gì khác bị biến mất nhường chỗ cho đời sống con người. Trong vòng 30 năm qua, rừng cây ở Tây Tạng bị phá hủy một cách hung hãn. Cũng như ở những nơi khác, đất đai khô kiệt chất màu mỡ. Các loại thú hoang mà lúc nhỏ tôi ưa thích bây giờ đã biến mất. Có bao nhiêu chủng loại bị biến mất để nhường chỗ cho đời sống quý giá của con người!

Nếu chúng ta muốn bảo vệ đời sống, nhất là muốn bảo vệ 5 tỷ đời sống quý giá đang chen chúc nhau trên trái đất; nếu chúng ta muốn họ sống sung túc hơn, có công lý hơn, có hạnh phúc hơn, chúng ta phải kềm chế sự sinh sản lại. Ông thấy thế là hợp lý không?

JCC: Có thể là đời sống biến thành kẻ thù của đời sống?

ĐLLM: - Nhất là con người. Bởi chính con người đe dọa đời sống của những sinh vật khác.

JCC: Về điểm này, các truyền thống lâu đời không giúp đỡ được gì?

ĐLLM: - Không, bởi vì những truyền thống lâu đời này khai sinh lúc con người còn ít và còn được trân quý. Con người bị các nguy hiểm rình rập... Trẻ con thường chết yểu. Hiện nay, mọi sự đã đổi khác hẳn, nhất là trong vòng 50 năm qua.

JCC: Chúng ta có thể nói gì về những hứa hẹn của khoa di truyền học trong thế kỷ tới? Cloning - đúc ra một người tương tự khác - đưa đến việc thực hiện trường sinh bất tử.

ĐLLM: - Đúng, thật dễ dàng. Tạo ra một phó bản y hệt có nghĩa là chúng ta chấm dứt khả năng tiến hóa. Chúng ta tuyên bố là chúng ta hoàn hảo và ngừng lại. Một mặt khác, nếu chúng ta thực hiện được giấc mộng trường sinh bất tử, có nghĩa là chúng ta phải ngăn chặn sinh sản, nếu không trái đất đâu có chỗ nào chứa!

JCC: Sự kéo dài tuổi thọ trung bình của con người đặt ra những vấn đề không giải quyết được. Chúng ta phải đối xử với người già mới này ra sau? Làm cho họ có chuyện gì làm? Trả họ tiền dưỡng lão?

ĐLLM: - Phải, rồi chúng ta sẽ làm gì với sự bất tử? Mối liên hệ của chúng ta thay đổi toàn diện. Thay đổi trong lối suy nghĩ đưa đến thay đổi toàn diện thái độ của chúng ta.

JCC: Ngài không "y kinh giải nghĩa"?

ĐLLM: - Trái lại thì có. Anh có điên mới ráng giữ nguyên kinh điển trong một thế giới đang thay đổi. Thí dụ như nếu khoa học chứng minh được là kinh điển sai, thì kinh điển phải thay đổi.

JCC: Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội Thiên Chúa cố bảo vệ "sự thực lịch sử" trong Thánh kinh trước những khám phá mới của khoa học. Đối với Ngài có lẽ đây là một thái độ phi lý?

ĐLLM: - Phí công vô ích. Phật giáo thì nói ngược lại. Đó là một điểm chung và trường phái nào cũng chấp nhận: muốn hay không chúng ta vẫn phải lao vào thế giới vô thường. Cũng giống như thế, bản thể trường tồn của muôn vật chỉ là một ảo tưởng. Thực tại trôi chảy giữa các kẽ ngón tay và chúng ta không thể nào giữ được.

JCC: Theo ý tôi, thỉnh thoảng Đức Giáo Hoàng muốn ngưng bánh xe của thế giới lại. Có phải câu trả lời thực sự của Đức Phật là thái độ im lặng?

ĐLLM: - Chính vậy, Đức Giáo Hoàng bị ảnh hưởng trực tiếp của truyền thống tôn giáo mà Ngài đại diện. Do đó Ngài bị trói buộc bởi một nguyên tắc: Con người là một sinh vật quý giá. Nhưng nguyên tắc này sẽ va chạm với một nguyên tắc khác, tức là những sinh vật khác cũng quý giá và phải được tôn trọng, không phải chỉ có con người. Nếu đời sống quý giá cần được bảo vệ thì phẩm chất đời sống cũng phải được bảo vệ. Đối với chúng tôi, trung thành với một nguyên tắc có nghĩa là không có sự chọn lựa. Trí khôn của chúng ta sẵn đó để chúng ta thích ứng và chọn lựa. Tất cả mọi sự mọi vật đều tương đối. Trí thông minh bị nghẽn không phải là trí thông minh. Nếu tôi phải cắt một ngón tay để cứu 9 ngón kia, tôi sẽ không ngần ngại chút nào. Tôi sẽ cắt ngón tay đó. Tôi tin là chúng ta phải góp sức với nhau để đi tìm một con đường tâm linh mới.

JCC: Con đường tâm linh đó không hẳn là tôn giáo?

ĐLLM: - Không phải là một tôn giáo. Quan niệm mới này phải được khai triển song song với các tôn giáo, để những người có thiện tâm thiện chí có thể tuân theo được.

JCC: Ngay cả những người không có tôn giáo, hay chống lại tôn giáo?

ĐLLM: - Đúng thế. Chúng ta cần một quan niệm mới, một con đường tâm linh cho những người cư sĩ bình thường. Chúng ta phải cổ động cho quan niệm mới này với sự giúp đỡ của các khoa học gia. Điều này có thể dẫn chúng ta thiết lập những điều mà ta đang đi tìm, một nền đạo đức thế tục. Tôi khẩn thiết tin vào điều này. Và tôi nghĩ là chúng ta cần có một nền đạo đức thế tục như thế để thế giới này có một tương lai tốt hơn.

Mỗi ngày tôi đều thể nghiệm được sự lợi ích của an lạc. Rất tốt cho cơ thể. Như ông có thể tưởng tượng được, tôi là một người rất bận rộn. Tôi nhận lãnh rất nhiều trách nhiệm, hoạt động, du hành, diễn văn. Tất cả điều đó là một gánh nặng, thế mà tôi có áp suất máu của một đứa bé. Những gì tốt cho tôi cũng tốt cho người khác. Tôi không có nghi ngờ gì về điều này. Thức ăn bổ dưỡng, cưỡng lại những ham muốn quá độ, tham thiền mỗi ngày. Tất cả điều đó đưa đến an lạc cho tâm. An lạc tâm thì thân an lạc. Cho dù tôi phải gánh vác những khó khăn trong đời, tôi vẫn cảm thấy an lạc.

JCC: Và con đường Ngài đi vẫn là con đường từ bi?

ĐLLM: - Đúng thế. Từ bi. Nếu ta gắng đi tìm, chúng ta sẽ thấy từ bi nằm trong mỗi chúng ta và phải đối với mọi chúng sinh bằng tình thương rộng lớn đó. Thỉnh thoảng chúng ta cũng cảm thấy khó khăn khi áp dụng.

JCC: Tái sinh làm một người đàn bà có phải là một dấu hiệu của một nghiệp quả xấu?

ĐLLM: - Trong quá khứ phụ nữ thường bị coi thường. Cũng như ở các quốc gia khác, Tây Tạng là nơi mà đàn ông khống chế đàn bà. Ngày nay, nếu so với Trung Hoa hay Ấn Độ, phụ nữ Tây Tạng đã khá hơn nhiều; nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều chuyện phải làm. Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Mahayana, nam và nữ trên nguyên tắc bình đẳng. Sau khi thọ giới, Tỳ kheo và Tỳ kheo ni có bổn phận và quyền như nhau. Tuy nhiên sự kỳ thị vẫn còn tồn tại. Rất khó mà xác định nguyên nhân và giới hạn, nhưng Tỳ kheo ni không được đối xử và kính trọng như một Tỳ kheo. Mặc dù trên nguyên tắc họ đều thọ giới giống nhau.

JCC: Tại sao?

ĐLLM: - Tôi không thấy rõ tất cả nguyên nhân, nhưng tôi biết có sự kỳ thị đó. Năm ngoái tôi triệu tập một hội nghị về vấn đề này. Hội nghị kéo dài 4 ngày. Các giáo thọ đến từ khắp nơi, Tây phương và Nhật Bản. Chúng tôi cùng thảo luận một số vấn đề, đặt biệt là tình trạng của phụ nữ, đời sống tình dục, và những vấn đề khác thường xảy ra trên thế giới. Một Tỳ kheo ni nói là tình trạng bất bình đẳng làm trì trệ Ni chúng. Một phụ nữ Tây phương lớn tuổi kể lại những khó khăn chính bà đã gặp. Câu chuyện bà làm tôi khóc vì cảm động. Đúng là tình trạng còn có thể cải thiện nhiều thêm nữa.

JCC: Nếu kiểm soát sinh sản là một điều không thể thiếu được, vai trò của phụ nữ là vai trò chủ chốt. Họ phải giành lại quyền sinh sản hay từ chối sinh sản.

ĐLLM: - Tôi cũng tin vậy

JCC: Đứng trên quan điểm vô thường, tôi nghĩ là nam tính và nữ tính không thể nào chấp nhận được.

ĐLLM: - Cũng giống như một hiện hữu cho là mình có phẩm tính bền vững, những ý niệm này (nam tính, nữ tính - lời người dịch) không có nghĩa đối với chúng tôi. Chúng chỉ bị ràng buộc vào một số điều kiện, hoàn cảnh (như môi trường văn hóa và lịch sử), và những hoàn cảnh này có thể thay đổi.

JCC: Có thể nào một Đạt lai Lạt ma tới là một Tỳ kheo ni?

ĐLLM: - Trên nguyên tắc, không có gì cản trở điều đó.

Quán Như dịch


---o0o---

Source: LotusNet Production

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/12/2013(Xem: 25069)
Khi thực tập thiền Lạy, ta nhìn sâu vào thân ta để thấy rằng thân này không đích thực là ta, không phải là vật sở hữu của ta. Trong thân này không có cái gì gọi là cái ta riêng biệt để bám víu. Tuy nhiên, thân thể ta là một hợp thể rất mầu nhiệm, nó chứa đựng cả tinh hà vũ trụ bao la. Ta thấy được tất cả các thế hệ tổ tiên, con cháu của ta đều có mặt trong thân ta. Ta cảm nhận sự có mặt của họ trong từng tế bào của cơ thể. Họ luôn có mặt trong ta và chung quanh ta. Họ cũng như các yếu tố khác đã kết hợp lại để làm nên sự sống của ta. Ta có thể tiếp xúc với những yếu tố như đất, nước, lửa và không khí - bốn đại trong ta và ngoài ta. Ta thấy ta như một con sóng trên mặt đại dương. Con sóng này được hình thành bởi các con sóng khác.
03/12/2013(Xem: 51464)
Người ta thường nói :"Ăn cơm có canh, tu hành có bạn". Đối với tôi, câu nói này thật là quá đúng. Ngày nhỏ chưa biết gì nhưng từ khi làm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tôi đã thấy ích lợi của một Tăng thân. Chúng tôi thường tập trung thành từng nhóm 5,7 người để cùng nhau tu học. Giai đoạn khó khăn nhất là sau 75 ở quê nhà. Vào khoảng 1985, 86 các anh lớn của chúng tôi muốn đưa ra một chương trình tu học cho các Huynh Trưởng trong Ban Hướng Dẫn Tỉnh và những Htr có cấp nên đã tạo ra một lớp học Phật pháp cho các Htr ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam. Nói là "lớp học" nhưng các Chúng tự học với nhau, có gì không hiểu thì hỏi quý Thầy, các Anh và kinh sách cũng tự đi tìm lấy mà học. Theo qui định của các Anh, Sàigòn có 1 Chúng và mỗi tỉnh có 1 Chúng. Chúng tu học của chúng tôi (Sàigòn) có tên là Chúng Cổ Pháp và phải thanh toán xong các bộ kinh sau đây trong thời gian tối đa là 3 năm:
29/11/2013(Xem: 20333)
Chúng tôi chọn viết đề tài dừng tâm sanh diệt là nhân có một Phật tử than: Trong đời tu hành của con có một chướng ngại mà con không vượt qua được, đó là những niệm tưởng lăng xăng. Nó quấy rầy luôn, cả những lúc nghỉ ngơi cũng không yên.
25/11/2013(Xem: 16369)
Nhìn vào tín ngưỡng Phật giáo nhiều người thường thắc mắc tại sao lại có nhiều "thứ" đến thế! Thật vậy Phật giáo có rất nhiều học phái, tông phái, chi phái..., một số đã mai một, thế nhưng một số vẫn còn đang phát triển và đồng thời cũng có nhiều chuyển hướng mới đang được hình thành. Đối với một người tu tập Phật giáo thì sự kiện ấy thật hết sức tự nhiên: tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều chuyển động, sinh sôi nẩy nở và biến đổi không ngừng. Nếu nhìn vào các tín ngưỡng khác thì ta cũng sẽ thấy cùng một hiện tượng như thế.
06/11/2013(Xem: 14505)
Một trong những vấn đề cổ xưa nhất thách thức nhân loại là câu hỏi về đời sống sau khi chết. Chúng ta đã từ đâu đến và sau khi chết sẽ đi về đâu? Cùng với đó chúng ta tự hỏi mục đích của đời sống tốt là gì. Trước hết, hầu hết mọi người đều đồng ý rằng sống tốt thì khó hơn sống xấu và nếu không có những lý do thật sự tốt chúng ta dĩ nhiên sẽ thích làm điều dễ. Theo suy nghĩ của tôi, đây là lý do tại sao các tôn giáo có mặt và đi cùng với chúng là những khái niệm về thiên đường và địa ngục.
30/10/2013(Xem: 33757)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
26/10/2013(Xem: 51980)
Cuộc đời đức Phật là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều sử gia, triết gia, học giả, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cổ, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà điêu khắc, nhà viết kịch, phim ảnh, sân khấu… Và hàng ngàn năm nay đã có vô số tác phẩm về cuộc đời đức Phật, hoặc mang tính lịch sử, khoa học hoặc phát xuất từ cảm hứng nghệ thuật, hoặc từ sự tôn kính thuần tín ngưỡng tôn giáo, đủ thể loại, nhiều tầm cỡ, đã có ảnh hưởng sâu xa trong tâm khảm biết bao độc giả, khán giả, khách hành hương chiêm bái và những người yêu thích thưởng ngoạn nghệ thuật.
17/10/2013(Xem: 35768)
50 năm qua, cuộc tranh đấu của Phật giáo năm 1963 chống chính quyền Đệ nhất Cọng hòa do Tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo đã đàn áp Phật giáo. Sự việc đã lui về quá khứ nhưng vết thương trong lòng dân tộc, trong tim của Phật tử Việt Nam thì vẫn còn đó và có lẽ mãi còn trong lịch sử đau thương mà cũng lắm hào hùng.
17/10/2013(Xem: 26064)
Là nhân chứng sống động của lịch sử, của dòng đời, ai cũng thế. Sinh ra giữa cõi trần, có tai phải nghe, có mắt phải thấy, dù muốn nghe, muốn thấy hay không. Sống, có óc phải suy tư, có miệng phải nói, có chân phải đi, có tay phải làm. Nhưng phải biết nên nghĩ gì, nói gì, đi đâu, làm gì ! Sống, có bạn để tâm sự, có con để trao truyền. Tâm sự chuyện gì, trao truyền cái gì? Tôi tự hỏi và trải lòng ra cho ai muốn thấy tim tôi đang nhảy, phổi tôi đang thở và mỗi tế bào sinh diệt trong bất diệt của chân như. Chỉ xin đừng làm bác sĩ giải phẫu chân dung của tôi, nhưng nếu muốn thì cứ.
17/10/2013(Xem: 21873)
Nếu không có một giọt nước sẽ không có đại dương. Nếu không có một hạt cát sẽ không thành sa mạc. Trong cuộc sống, nếu không có những điều vụn vặt thì việc thành bại trong thiên hạ có đáng để lưu tâm? Tôi cũng như bạn, thấy đêm dài thì trông cho mau sáng, dù không mong đêm vẫn tiếp theo ngày. Vậy nên, thương ghét, trắng đen, tốt xấu, phải trái… là điều mà xưa nay vẫn thế và ngàn năm sau vẫn thế.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567