Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Thức A Lai Da có phải là một linh hồn ?

23/10/201416:35(Xem: 11287)
1. Thức A Lai Da có phải là một linh hồn ?

 Vén Bức Màn Bên Kia Cõi Chết

Tác giả: Đức Hạnh Lê Bảo Kỳ

Xuất bản tại Hoa Kỳ 2005

 

---o0o---

THỨC A-LẠI-DA CÓ PHẢI LÀ MỘT LINH HỒN?

 

            Thức A-Lại-Da không phải là một linh hồn, giác hồn, thần hồn. Từ xưa nay trên thế giới, chưa có một tôn giáo nào phủ nhận sự hiện hữu vĩnh  cửu của một linh hồn như Phật giáo, tức là Phật giáo không chấp nhận có một linh hồn tồn tại trong bản thân con người.

            Không phải là linh hồn, là cái gì mà các loài vật và con người biết mưu sinh, đói, lạnh, giận hờn, tham lam, luyến ái, đấu tranh giành quyền sống, v.v... ? Đó là Như Lai Tạng hay Phật tánh. Phật tánh (Như Lai Tạng) có trong chúng sinh, đúng như lời Phật nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính”. Sở dĩ chúng sinh bị trôi lăn trong sinh tử luân hồi là do vô minh, phiền não bao phủ Như Lai Tạng (Phật tính) mà sinh ra nhiều thứ ngã là năng lực sinh tử, chứ không phải rằng Phật tính (Như Lai Tạng) có sinh, có tử. Đức Phật đã nhấn mạnh vấn đề này: “Không có tự ngã lấy gì sinh tử”. Tức là do bản ngã mà có sinh tử. Năng lượng sinh ra ngã là do vô minh, phiền não bao phủ Như Lai Tạng. Như Lai Tạng được thay bằng thức A-Lại-Da để có thể giải thích dễ dàng hơn về bản chất và hoạt động của các quan năng nhận thức thường nghiệm do Lăng Già đề nghị, vì thức A-Lại-Da được biểu thị từ Như Lai Tạng. Cho nên Như Lai Tạng không phải là ngã, không phải là chúng sinh, linh hồn, chủ thể có ngôi vị.

 

            Vì Như Lai Tạng (Phật tính) mà bản thân các loài hữu tình có cái biết từ vô minh sinh tử gọi là tâm sinh diệt về phần lưu chuyển sinh tử, cho đến cái biết giác ngộ Niết Bàn gọi là tâm sinh diệt về phần hoàn tịnh (trở lại bản tính Niết Bàn). Thì thức A-Lại-Da là chủ tể của cái biết ở mọi hiện tượng tâm lý, sinh lý và vật lý được nhận thức từ sinh hoạt thường nghiệm của nó, không thể phủ nhận vì nó là bản ngã chủ thể của sự sống khi Như Lai Tạng bị vô minh bao phủ.

            Với con người có tu tập Phật pháp, tâm thường luôn khởi lên một bản ngã lớn và nhiều cái ám ảnh khác, nào là như có một định mệnh, có một túc tác nhân, có một vô nhân sinh hay có một đấng tạo hóa tự nhiên nó xâm chiếm tâm linh con người, nếu không nói là do lá chắn vô minh che lấp Như Lai Tạng bên trong, cho nên trên vận hành sinh hoạt cho đời sống vật chất và tinh thần tại bất cứ nơi chốn nào, địa vị nào đều thường hiển lộ ra lời nói và hành động bất thiện thật đa dạng, mà chủ tể chỉ đạo chính là thức A-Lại-Da. Thức A-Lai-Da ở trường hợp hiển lộ bất thiện này được gọi là “tùy nhiễm duyên”, tức là năm thức bên ngoài duyên với lục trần ô nhiễm, tức thì thức A-Lại-Da bị tác động, liền thực hiện sự tác dụng của nó là hiện hành ra vô số trạng thái bất thiện (bất giác mê) như ly nước đầy bị tràn ra do những giọt nước thêm vào, tức là thức A-Lại-Da vốn đã huân tập đầy các chủng tử bất thiện, nên sẵn sàng hiển lộ ra năm cái thấy sai lạc qua ngôn ngữ và hành động được gọi là sanh hiện hành.

            Tác dụng của thức A-Lại-Da được cắt nghĩa là năng tàng và sở tàng (khả năng chứa và những thứ chứa). Cho nên những thứ mà nó chứa là các chủng tử thiện và ác. Vô số lượng thiện, ác nó đều chứa hết không hạn lượng là bao nhiêu. Do vậy, nếu sở tàng của nó toàn là chủng tử thiện (trí tuệ thanh tịnh) gọi là “tùy tịnh duyên”, tức là năm thức bên ngoài thường duyên với những nhân duyên Phật pháp làm tác động vào thức A-Lại-Da hiện hành ra ngôn ngữ và hành động thanh tịnh trang nghiêm, gọi là “Giác”.

            Hai thứ “Tùy nhiễm duyên” và “Tùy tịnh duyên”, tức là vọng (mê, bất giác) và chơn (giác). Chơn là bản thể, vọng là hiện tượng. Bản thể và hiện tượng không rời nhau, nên nói không phải một, không phải khác, tức là mỗi thứ có tính chất riêng biệt của nó, nhưng vì hòa hợp nên sinh ra tướng trạng, như sữa với nước. Nước trong, sữa đục hòa nhau sinh ra hiện tượng trắng đục. Màu trắng đục đó do sữa chứ không do nước. Đem phân tích, gạn lọc, thì thứ nào ra thứ đó. Nói khác hơn, tâm chúng sinh là Như Lai Tạng (Phật tánh), vốn thường hằng tịch tĩnh, tính không, bất biến, vô ảnh tượng, vô phân biệt, bình đẳng vô ngã. Nhưng vì do vô minh bao phủ nên sinh ra hiện tượng sinh diệt như nước bị sữa làm cho trắng đục. Chứ tánh của nước muôn đời trắng trong.

            Cũng như vậy, tánh Phật trong chúng sinh thường trắng trong, không tánh, vô ngã, vắng lặng, tịch tĩnh không bao giờ mất. Nhưng không hiện ra được, chỉ hiện ra tướng sinh diệt là do vô minh phiền não bao phủ Như Lai Tạng (Phật tánh) như mây che mặt trăng, làm trăng không hiện, chứ trăng không bao giờ mất, vĩnh hằng muôn đời.

            Vì thế cho nên, tâm sinh diệt là thức A-Lại-Da. Thức A-Lại-Da là sản phẩm của Như Lai Tạng, vì Như Lai Tạng bị vô minh phiền não hòa nhập vào đó mà khởi lên nhân vọng động sinh diệt, chứ Như Lai Tạng là Chân Như không sinh ra thức A-Lại-Da (Tâm Sinh Diệt). Chính Thắng Man phu nhân cũng đã xác định Như Lai Tạng có tâm sinh diệt là thức A-Lại-Da trước Đức Phật; Thắng Man nói:

            “Bạch Thế Tôn, sinh và tử, hai pháp này tức là Như Lai Tạng. Do ngôn thuyết của thế gian nên nói là có sinh có tử. Tử là căn cũ hủy hoại. Sinh là căn mới khởi lên. Chứ không phải rằng Như Lai Tạng có sinh có tử” (Thắng Man Giảng Luận – Tuệ Sỹ, trang 195)

            A-Lại-Da là tiếng Phạn, Tàu dịch là Tạng Thức. Tạng là kho chứa. Thức là biết. Tạng thức là kho chứa đựng cái biết gọi là thức.

            Thức A-Lại-Da được gọi là tâm thức cũng chỉ là cái tên tạm gọi để gần gũi với nó, vì không còn danh từ nào khác hơn trước cái biết rất là hạ cấp hạn hẹp của các loài chúng sinh nhỏ  bé như loài sâu bọ, ong, bướm, ruồi, muỗi, ếch, nhái, kiến, v,v... cho đến các loài vật lớn như voi, chó, cọp, dã nhân, chim chóc... có cái biết tinh khôn trong việc mưu sinh của chúng. Cũng như cái biết quá ư linh diệu, sinh động, nhạy bén của loài người qua vô số lượng trạng thái: yêu, thương, vui, buồn, khóc lóc, oán ghét, ganh tỵ, giận hờn (hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục) hận thù, hung hãn, tàn ác, hiền hòa, từ tốn, bao dung v.v... được hiển lộ ra thân, miệng, ở lời nói và hành động trong đời sống hằng ngày và vô số hình thái văn minh khoa học kỹ thuật vật chất, xẻ núi, lấp sông, chinh phục không gian, chúa tể muôn loài... đều do thức A-Lại-Da. Vì vậy, cái mà nhà Phật học gọi A-Lại-Da là THẦN THỨC. Còn các nhà tâm lý học gọi A-Lại-Da là tiềm năng, tiềm thức, vô thức, đà sống. Và con người trong xã hội thì gọi là linh hồn, thần hồn, giác hồn.

            Thức A-Lại-Da được gọi bằng nhiều tên khác nhau như vậy, chỉ là khái niệm về A-Lại-Da khi nói đến sự hoạt động tâm linh con người và các loài vật. Thật ra, sự hoạt động của A-Lại-Da rất là rộng lớn, vô bờ bến, không có dung tích, không có hình tướng, không có chỗ nhất định nào dung chứa, dù cho đem thân thể loài vật và con người ra mổ xẻ thành nhiều mảnh cũng không tìm thấy A-Lại-Da. Sự hoạt động của A-Lại-Da rất là thâm mật và sâu kín, trí óc phàm phu không thể thấu rõ được. Chỉ có chư Phật, Bồ Tát mới thấy, biết được tướng trạng của A-Lại-Da. Nhất hạng sau khi một xác thân của các loài chúng sanh nhỏ, lớn trong biển cả, sông ngòi, ao hồ và trên mặt đất, cũng như con người bị chết đi, đều được chư Phật, Bồ Tát thấy biết thức A-Lại-Da của các loài chúng sanh đi ra khỏi xác và đi về đâu. Từ chỗ này cho ta biết được vai trò của A-Lại-Da là phải đi tạo dựng một sinh mệnh mới (chánh báo) trong môi trường sống ở các cõi lục đạo trong tam giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới (y báo) sau khi thân xác cũ bị chết đi do tổng thể quả báo nghiệp của nó đúng như trong kinh Phật thường nói về các loài chúng sanh: Thai sanh, như loài trâu, bò, heo, v.v... và người ở trong thai mẹ thành thân thể rồi sau đó mới sinh ra. Noãn sinh, như chim, gà, vịt, rắn, rùa, ba ba,... ở trong trứng thành thân rồi mới sinh ra. Thấp sinh, như côn trùng, sâu bọ,... dựa vào chỗ ẩm thấp mà sinh ra thân thể. Sự thấp sinh này được kinh Thập Nhị Nhân Duyên gọi là do Hàn, Nhiệt (lạnh, nóng) hòa hợp mà sinh ra. Hóa sinh, không nương tựa vào đâu, chỉ dựa vào quả báo nghiệp lực mà sinh ra thân, như con sâu hóa bướm, con nhộng hóa tằm và tự biến ra các thứ địa ngục để tự chịu cực hình đau khổ ở bên kia cõi chết và kể cả hóa sinh vào cõi thiên đối với loài người có tu tập thập thiện.

Chúng sanh trong bốn loài: có thân bằng thai, có thân bằng trứng, có thân bằng ẩm thấp, có thân bằng tự hóa, tất cả bốn thứ trên là cái nhân làm duyên cho A-Lại-Da thức hòa nhập vào mà thành thân chúng sanh. Nhưng bốn nhân duyên trên được có, cũng phải nhờ các duyên khác mà thành. Chẳng hạn trong ẩm thấp nhờ có không khí nóng và lạnh mà sinh ra các tế bào sống, phân tử sống. Các phân tử sống, tế bào sống đó có đủ hai thứ âm dương, chính là môi trường của thức A-Lại-Da có chứa đựng nghiệp lực quả báo mà sa vào đó để thọ thân chúng sanh trong bốn loài từ cao như loài người... cho đến thấp như côn trùng, sâu bọ... Nói khác hơn, nơi nào có tế bào sống, phân tử sống trong thai, trong trứng, nơi ẩm thấp, trong ao tù nước đọng, mặt đất ẩm ướt là môi trường cho A-Lại-Da đi vào tạo thành sinh mệnh tồn tại theo nghiệp lực sẵn có của nó. Để chứng minh thức A-lại-Da đi thụ thai một sinh mệnh mới do quả báo nghiệp cũ của nó qua một vài câu chuyện được Phật trông thấy và nói lại sau đây:

 

1.- CON RẬN TRONG ÁO CÀ SA

Trong thời Phật còn tại thế, một vị Tỳ Kheo Tăng được Phật tử may cho một áo cà sa mới. Vị Tỳ Kheo mặc áo cà sa mới chỉ được vài hôm, thì viên tịch. Chiếc áo cà sa đó được cúng dường lại cho một vị Tỳ Kheo khác. Một hôm, cả đại chúng tăng ngồi trước Phật tại giảng đường trong tư thế để chuẩn bị lắng nghe Phật thuyết pháp. Trước khi Phật thuyết pháp, Phật gọi vị Tỳ Kheo được mặc chiếc áo cà sa của vị Tỳ Kheo đã viên tịch và nói rằng: “Trong bâu áo cà sa của thầy đang mặc ở phần vai, có con rận trong đó. Thầy hãy lật ra xem ngay bây giờ”.

Quả nhiên có một con rận duy nhất nằm im trong bâu áo. Sau khi vị Tỳ Kheo đó lật ra xem và báo cáo với Phật là có con rận. Sau đó đức Phật dạy: “Thầy hãy bảo vệ con rận đó được sống cho đến khi nào nó được thoát kiếp” và Phật nói pháp hóa độ cho con rận được siêu thoát.

Phật nói tiếp: “Con rận đó chính là vị Tỳ Kheo đã viên tịch cách nay vài tháng bị tái sanh làm thân con rận, do vì cái tâm còn luyến ái cái áo cà sa mới, nên làm thân rận để giữ áo cà sa”.

Loài rận, loài chí và rệp đều thuộc về thấp sanh do mồ hôi con người lâu ngày mà sanh ra các tế bào sống trong áo quần, tóc và giường nằm là môi trường cho các thức A-Lại-Da chứa đựng nghiệp quả ái, thủ, kiến chấp, đê tiện hạ cấp, v.v... mà tái sanh vào đó làm thân chúng sanh thuộc thấp sanh.

Để chứng minh thêm nơi nào có tế bào sống nơi đó có thức A Lại Da nhập vào, không cần phải ở trong tử cung người mẹ, chẳng hạn noãn châu người đàn bà, tinh trùng người đàn ông là hai tế bào sống được đựng trong ống nghiệm có đủ âm dương, chính là môi trường của thức A Lại Da thân trung ấm có chứa đựng nghiệp quả tái sinh làm người, liền nhập vào trong ống nghiệm mà thọ thân làm người. Tinh trùng và noãn châu trong ống nghiệm cũng giống như trong tử cung người đàn bà không khác gì nhau, nếu hai thứ noãn châu, tinh trùng được nuôi dưỡng đầy đủ chất liệu sinh trưởng, thì sẽ có một hài nhi ra đời. Vấn đề thụ thai nhân tạo trong ống nghiệm đã được các nhà khoa học vật lý hiện nay đang thí nghiệm thành công cho ra đời những hài nhi.

 

2.- CON SÂU TRONG ĐỐT MÍA

Theo lời chư tôn đức Phật giáo Việt Nam kể rằng: trong quá khứ có một vị cao tăng xuất gia từ lúc ấu niên, được học và tu tập Phật pháp với các bậc đạo sư danh tiếng, cho nên đã thông đạt khế lý Tam Tạng Giáo Điển rất thâm sâu và hành trì giới luật thật nghiêm minh, không xao lãng kinh kệ, đều tụng niệm đầy đủ trong sáu thời một ngày.

Về việc phụng trì chánh pháp, ngài đã dâng hiến bản thân mình cho Đạo pháp trên vận hành nói pháp hóa độ thế gian, phiên dịch tạng kinh, giảng luận Phật pháp để lưu truyền cho hậu lai. Sống cuộc đời thanh bạch nơi chốn thiền môn, lấy cỏ, cây, hoa, trái trong vườn chùa làm bạn đạo. Vì vậy mà ngài đã trồng trọt các thứ rau màu, hoa và cây ăn trái, trong đó có trồng một loại mía, loại mía mềm, thân vàng, đốt dài và mập.

Khi bụi mía trên đà phát triển thân cao cả thước đang cho chất ngọt, có thể ăn được, thì ngài ngã bệnh. Đang trên giường bệnh, tâm ý ngài cứ nghĩ đến bụi mía, sinh khởi ý niệm: “Bụi mía ta trồng, nó đã lên cao, nếu ta chết, chắc chắn ta không được ăn.”

Do vì khởi tâm luyến tiếc bụi mía, cho nên sau khi tắt thở, thức A Lại Da của ngài đã bị thác sinh làm con sâu trong đốt mía để ăn mía. Chính  ý nghĩ luyến tiếc bụi mía là cận tử nghiệp trong giờ phút lâm chung, là cái lực dắt dẫn thức A Lại Da đi thác sinh một sinh mệnh mới vào cõi mới. Từ đây cho thấy rằng, nơi đốt mía có những tế bào sống là môi trường cho thức A Lại Da hòa nhập vào mà thọ thân chúng sinh.

Và cũng cho ta hiểu thêm rằng đời con người hơn hay thua nhau là ở cận tử nghiệp ác hay thiện, thanh tịnh hay luyến ái trong giây phút hấp hối lìa đời. Chứ không phải do sự nghiệp bác sĩ, dược sĩ, giàu sang phú quý, chức tước, danh vị, v.v...

 

3.- CON KHỈ CÚNG TRÁI CÂY CHO PHẬT

Cũng tại một giảng đường, trước khi thuyết pháp, đức Phật kể câu chuyện cho đại chúng nghe. Phật kể rằng: khi Phật đang tu khổ hạnh dưới cội cây Bồ Đề, có một con khỉ, cứ vài hôm, nó đem dâng cúng cho Phật trái cây ăn được mà nó hái từ trong rừng, vì nó thấy thân Phật đang gầy còm. Mỗi lần nó nhìn thấy Phật ăn trái cây nó cúng, nó liền vui mừng trong trạng thái chuyền từ cành cây này qua cành cây khác với tiếng reo hò chí chóe.

Một hôm nọ, có lẽ vì quá vui mừng được cúng cho Phật một loại trái cây ngon ngọt, nên nó chuyền cành quá nhanh, do vậy, nó bị rơi xuống, đập đầu vào tảng đá, chết ngay. Sau khi chết, thức A-Lại-Da của nó được thác sanh làm thân ở một nước trời trong giai cấp cao, đó là Thiên Tử.

Thức A-Lại-Da con khỉ được thác sanh làm Thiên Tử ở nước trời (thiên quốc) thuộc về hóa sanh. Vì không nương tựa vào đâu cả, do nghiệp quả của nó là lực dắt dẫn thác sanh. Nghiệp quả của con khỉ là nghiệp quả thiện do tâm nó khởi ý niệm cúng trái cây cho Phật.

 

            4.- CON CHÓ CỦA ÔNG PHÚ GIA

Lúc Phật còn tại thế, một bữa nọ trong giờ đi khất thực vào buổi sáng, đức Phật đứng trước nhà ông phú gia, thì từ bên trong một con chó to vạm vỡ chạy ra sủa. Đức Phật liền khai tâm cho nó để cho nó biết về kiếp trước của nó và nói rằng: “Kiếp trước của ngươi là người giàu có không biết bố thí, luôn ôm chặt của báu vào lòng, nên bị tái sanh làm thân chó để giữ của”. Sau khi nghe lời đức Phật, con chó biết được kiếp trước của nó, nó liền nín sủa rồi đi vào nhà với trạng thái buồn tiu nghỉu.

Ông phú gia về đến nhà không thấy con chó ra mừng như mọi khi ông đi đâu về. Ông bèn đi khắp trong nhà ngoài ngõ không thấy, nên hỏi người hàng xóm. Có người hàng xóm gần nhà thấy, nên thuật lại với ông rằng: “Sáng nay tôi nghe thoang thoáng đức Cù Đàm nói gì đó với con chó ông khi ngài đứng trước nhà ông”.

Nghe xong lời kể của người hàng xóm, ông phú gia có vẻ bực tức, liền đến tịnh xá để gặp Phật mà hỏi cho ra chuyện. Ông phú gia được đức Phật nói cho biết: “Con chó chính là cha của ông. Sở dĩ cha của ông bị đầu thai làm thân súc sanh (thân chó) là do lúc còn sống trên đời không có lòng thương kẻ tàn tật, nghèo khó, luôn sanh tâm khinh rẻ và phân biệt giai cấp cao thấp, không biết làm việc phước thiện, tâm luôn ôm chặt giữ gìn của báu. Do cái nghiệp lực về “ngã” đó (ngã kiến, ngã sở kiến) là con đường dẫn đến tái sanh thân chó. Vậy ông hãy về hỏi cha ông cất giữ vàng bạc châu báu ở đâu, cha ông sẽ chỉ cho”.

Quả thật, ông phú gia về đến nhà sau khi tìm thấy con chó đang nằm buồn thiu trong góc vách dưới gầm giường. Ông phú gia hỏi con chó: “Này cha, cha có chôn vàng bạc ở đâu, cha chỉ cho con”. Sau khi nghe lời nói, con chó liền nhìn vào mặt ông phú gia, rồi hai chân trước cào cào vào mặt đất ngay chỗ nó nằm.       

Quả nhiên, sau đó ông phú gia đào chỗ ấy lên lấy được nhiều vàng bạc, châu báu.

 

Qua bốn câu chuyện “con rận”, “con sâu trong đốt mía, “con khỉ”, “con chó ông phú gia”, cho ta thấy rằng thức A-Lại-Da thuộc về siêu hình. Chỉ có trí tuệ Phật, Bồ Tát, từ địa thứ bảy đến địa thứ mười mới có thể thấu rõ được tướng trạng của A-Lại-Da. Tuy nhiên, với hàng phàm phu Phật tử đang trên bước đường tu tập Phật pháp chưa được có trí tuệ giác ngộ, cũng có thể thấy biết được tướng trạng thức A-Lại-Da của mình qua lời nói và hành động thiện, ác của mình trong đời sống hằng ngày. Bởi vì lời nói và hành động thiện ác đó do từ tâm mình khởi lên mà có. Cho nên thức A-Lại-Da cũng chính là TÂM, Ý, THỨC, MẠT NA, CHỦNG TỬ, TÂM VƯƠNG, CĂN BẢN THỨC. Sở dĩ thức A-Lại-Da được gọi nhiều tên như vậy, là vì thức A-Lại-Da có nhiều tác dụng riêng biệt của nó.

Thức A-Lại-Da có ba tác dụng sau đây:

a) Tác dụng chứa đựng. Thức A-Lại-Da, trong trường hợp này được gọi là ‘tàng thức’, vì tác dụng của nó ở đây chứa đựng (tàng), được miêu tả bằng ba đặc tính:

-Đặc tính thứ nhất, nó chính là khả năng chứa đựng (năng tàng).

-Đặc tính thứ hai, nó chính là nội dung chứa đựng (sở tàng).

-Đặc tính thứ ba, nó chính là đối tượng chấp ngã của thức mạt-na (ngã ái chấp tàng).

Những gì chứa đựng trong A-Lại-Da đều gồm trong ba lãnh vực: tâm lý (các thức và các tâm sở), sinh lý (cơ thể và các giác quan), và vật lý (thế giới vật chất); hay nói cách khác, đối tượng của thức A-Lại-Da, theo danh từ Phật học, gồm có danh (tinh thần) và sắc (vật chất); hoặc tổng quát hơn, đó là tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ – tất cả các pháp. Các pháp này luôn luôn ở một trong hai trạng thái: hoặc là trạng thái phát hiện (Duy Thức học gọi là hiện hành, tức là thế giới hiện tượng); hoặc là trạng thái tiềm ẩn (Duy Thức học gọi là chủng tử, tức là hạt giống).

Như vậy, tự thân của thức A-Lại-Da luôn luôn gồm đủ hai phần chủ thể (năng tàng) và đối tượng (sở tàng). Hai phần này không ngừng biến chuyển linh động: các chủng tử từ A-Lại-Da phát hiện thành hiện hành, các hiện hành rơi trở lại vào A-Lại-Da thành chủng tử... Sự hoạt động đó hoàn toàn vô thức, ý thức của chúng ta không thể nào biết được.

 b) Tác dụng gìn giữ. Đã có khả năng hàm chứa, thức A-Lại-Da lại còn có khả năng duy trì và bảo tồn tất cả những gì được chứa trong nó. Duy Thức học gọi tác dụng này là trì chủng – tức là gìn giữ mọi hạt giống. Với tác dụng này, A-Lại-Da còn được gọi là ‘trì chủng thức’. Nhờ có khả năng này mà các pháp không bao giờ bị tiêu mất, mà vẫn luôn luôn tồn tại, hoặc ở trạng thái chủng tử, hoặc ở trạng thái hiện hành. Cũng vậy, những nghiệp nhân do ta tạo ra không bao giờ mất đi, mà chúng sẽ tồn tại và chờ điều kiện thuận tiện để phát hiện thành quả báo. Quả báo đó như thế nào là do tổng thể những giá trị của các nghiệp nhân. Rốt cuộc, A-Lại-Da là tổng thể của nghiệp; hay nói khác đi, A-Lại-Da là chính bản thân của nghiệp – bởi vậy, nó cũng được gọi là ‘nghiệp quả thức’.

 c) Tác dụng biến hiện. Biến hiện là một tác dụng vô cùng quan trọng của thức A-Lại-Da. Đó là khả năng làm biến chuyển các chủng tử của các pháp, làm cho chúng chín muồi, chờ có điều kiện thuận tiện là phát hiện thành hiện tượng. Duy Thức học gọi đó là tác dụng ‘dị thục’, và do đó, thức A-Lại-Da cũng còn được gọi là ‘dị thục thức’.

Chủng tử của vạn pháp được chứa đựng và gìn giữ ở A-Lại-Da bằng cách ‘huân tập’ (hun đúc và chồng chất). Theo cách này, đối tượng của sáu thức trước, sau khi xuất hiện trên mặt ý thức, liền rơi xuống kho chứa A-Lại-Da và tồn tại ở đó trong trạng thái chủng tử. Các hành động tạo nghiệp của thân, khẩu, ý cũng y như vậy. Trong khi huân tập, chứa đựng và gìn giữ, A-Lại-Da gồm thâu vào tự thân nó tất cả mọi pháp thiện và ác, do đó, theo Duy Thức học, tính chất của nó là vô phú vô ký (vô phú: không bị ngăn che; vô ký: không thiện cũng không ác). Mặt khác, trong diễn trình nhận thức, tác dụng của A-Lại-Da là thuần túy trực giác, cho nên hình thái nhận thức của nó là hiện lượng, (nhưng rất thâm mật, ý thức phàm tục không thể biết được), và chỉ liên hệ với 5 tâm sở biến hành trong 51 tâm sở.

Trong thời gian chứa đựng và duy trì (tức là ở trạng thái tiềm ẩn) ở thức A-Lại-Da, các chủng tử vẫn không ngừng chuyển biến dưới định luật nghiệp báo. Nếu chúng không được tiếp tục nuôi dưỡng thì sẽ bị yếu dần đi, khó phát hiện thành hiện hành, hoặc có thể bị đồng hóa bởi các chủng tử khác mạnh hơn, để cuối cùng bị tiêu mất, không còn hiện hành nữa. Nhưng nếu cứ được nuôi dưỡng, tăng cường và phát triển (nghĩa là cái quá trình chủng tử sinh hiện hành – hiện hành sinh chủng tử... được lặp đi lặp lại thường xuyên), thì một lúc nào đó chúng sẽ chín muồi để có thể phát hiện thành các hiện tượng. Các tác dụng huân tập, cất chứa, duy trì và làm chín muồi các chủng tử của thức A-Lại-Da được thực hiện vô cùng sâu kín, cái thấy của ý thức không thể nào soi thấu được.

Tính chất của chủng tử là chuyển biến không ngừng, và vì A-Lại-Da chính là tổng thể của các chủng tử, nên A-Lại-Da cũng không ngừng chuyển biến. Tuy biến chuyển như vậy, A-Lại-Da vẫn luôn luôn là một dòng liên tục, hoạt động không bao giờ gián đoạn. Vì vậy, Duy Thức học nói bản chất của A-Lại-Da là hằng chuyển (vừa liên tục vừa thay đổi). Đó là tính chất căn bản và vô cùng quan trọng của thức A-Lại-Da, bởi vì, nếu không có tính chất này thì sẽ không có gì cả, không có vạn pháp, không có vũ trụ, không có sự sống...

Vì A-Lại-Da – cũng tức là chủng tử – là hằng và chuyển, cho nên vạn pháp cũng là một dòng liên tục, không có gì mất đi. Sự sinh diệt của một đời sống (hữu tình hoặc vô tình) chẳng qua chỉ là một lần thay đổi trong quá trình biến chuyển của cả dòng sống. Khi một cá nhân chết đi, những nghiệp nhân (chủng tử) hàm chứa trong A-Lại-Da vẫn tiếp tục chuyển biến, và sẽ chín muồi vào một lúc nào đó, rồi từ A-Lại-Da chúng sẽ hiện hành thành một sinh mạng (chánh báo) mới, trong một môi trường sống (y báo) mới. Tùy theo bản chất và giá trị của tổng thể nghiệp lực, sinh mạng có thể được sinh ra ở một trong ba cõi (tam giới), hoặc ở vào một trong mười địa (thập địa) của Bồ Tát hạnh. Khi có một đoạn sinh diệt như vậy xảy ra – nghĩa là khi có sự chuyển đổi từ một sinh mạng này sang một sinh mạng khác, thức A-Lại-Da lúc nào cũng bỏ đi sau cùng (sau khi các thức khác bỏ đi), và tới trước tiên (để an lập và phát hiện các thức khác; vì theo Duy Thức học, A-Lại-Da là thức nền tảng, là “chủ nhân ông” của mọi thức khác.” (Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản – Hạnh Cơ trang 163-166)

Trong  bài có danh từ huân tập, được cắt nghĩa là tiếp nhận, thu góp vào, cho nên tất cả lời nói và hành động thiện, ác trong đời sống hiện tại đều do tâm khởi lên mà có, gọi là chủng tử nghiệp (Hữu), đều được A-Lại-Da thức huân tập vào kho tàng của nó một cách vô tư, rồi cất giữ. Cất giữ rất tinh vi riêng lẻ từng thứ một không lộn xộn, vì vậy mới gọi A-Lại-Da là Tàng Thức (cái biết của kho tàng).

Chủng tử nào mới được huân tập vào chưa nhiều (huân sinh) thì chưa hiện hành ra, ví dụ mới nghe Phật pháp một lần thì tâm ý chưa thấu hiểu khế lý. Sau khi huân tập nhiều lần (nghe hay học) gọi là huân trưởng, tâm liền hiểu rõ ngay, hiện hành ra lời nói và hành động.

Mọi chủng tử thiện, ác được A-Lại-Da thức huân tập nhiều lần, nên nó được hiển lộ ra thân, miệng ở lời nói và hành động. Ở trường hợp này, A-Lại-Da thức được gọi tên Dị Thục Thức (chín muồi).

Riêng về những chủng tử ác, nếu không tu tập để tận diệt chúng, thì chúng cứ tiếp tục hiện hành ra mãi ở lời nói và hành động ác, tức là tạo thêm nghiệp ác mới do nghiệp ác cũ hoành hành khởi lên. Cứ như thế nghiệp ác mới chồng lên nghiệp ác cũ. Gọi sự chồng chất các nghiệp ác lên nhau là vô minh lậu hoặc sâu dày. Khối vô minh lậu hoặc sâu dày là chất liệu kiến tạo sinh mệnh con người ở thân mới kiếp sau. Cho nên một sinh mệnh con người trong hiện tại như thế nào: giàu, nghèo, ngu si,... là do quả báo của quá khứ đúng với câu “Muốn biết cái nhân của quá khứ, thì hãy nhìn cái quả hiện tại. Muốn biết cái quả ở vị lai (kiếp sau) thì hãy nhìn cái nhân hiện tại”.

 

Là hành giả đi tìm con đường giải thoát sinh tử bằng trí tuệ giác ngộ trong đạo Phật, người Phật tử chúng ta không thể không tự hỏi về mình, tại sao:

-Tâm ta không có ý nghĩ thiện ác, để rồi có ra lời nói và hành động thiện ác như giận hờn, thương yêu, muốn nhiều tiền tài danh vọng, tự ái oán ghét trước lời chê, vui sướng trước lời khen, tư duy về cái khổ của tha nhân rồi đi cứu khổ, tỏ tấm lòng thương kẻ tàn tật rồi bố thí, ngã mạn về con người của mình có sở học hơn người, v.v... lẫn lộn như vậy?

-Trước đây ta đã học về bác sĩ, kỷ sư, dược sĩ, văn chương, thợ thuyền, v.v..., nhưng nay những thứ học đó đã qua, mà vẫn còn ở hành động, lời nói trong mọi việc làm một cách rành rẽ, không quên?

-Trong giấc ngủ hằng đêm, ta thường nằm chiêm bao thấy nhiều hiện tượng thanh tao, hãi hùng, vui buồn, cảnh lạ, ma quái, cọp beo, v.v... ?

Một số hiện tượng tâm sinh vật lý được điển hình trên là tác dụng của thức A-Lại-Da về huân tập và hằng chuyển. Từ đó cho ta thấy rằng thức A-Lại-Da chính là bản thể, bản chất hiện hữu của sinh mạng chúng sinh và cả môi trường cho một sinh mạng được tồn tại trong đó.

Ta thấy được tâm ta khởi lên ý niệm bất thiện, nhiễm ác trược, ta liền bắt tâm ta quay về thanh tịnh, an trú trong chánh niệm, thực hành các việc lành, tránh xa các đường ác, chính là ta đã thấy rõ hình tướng thức A-Lại-Da của ta rồi. Bởi vì tướng trạng sống ở bản thân hiện hữu thực tại của con người hôm nay, cũng là tướng trạng thân trung ấm con người bên kia cõi chết không khác. Tức là A-Lại-Da ra khỏi xác chết, nó ra đi mang theo tất cả quả báo nghiệp thiện, ác mà con người lúc còn sống trên đời đã tạo ra đều có đầy đủ trong thức A-Lại-Da. Cho nên kết quả một sinh mệnh mới của ta (chánh báo) tại cõi nào (y báo); Niết Bàn, Cực Lac, Thiên Đàng, tái sinh lại cõi người, Atula, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh đủ loại lớn nhỏ là do cái nhân quả báo nghiệp ở kiếp trước mà có. Do vậy thân TRUNG ẤM của các loài hữu tình chúng sinh bên kia cõi chết có vô số lượng hình tướng vô vi (bóng) dày đặc, nhưng không hề cọ sát nhau được theo từng thứ lớp từ thượng, trung và hạ do nghiệp quả của chúng sanh mà có một cách tự nhiên (automatic) theo quy luật thử hữu cố bỉ hữu.

Nói về giai tầng tên cao, không phải dành riêng cho thân trung ấm của con người sau khi chết được ngự trên cao. Giai tầng hạ cấp, không phải dành riêng cho các loài súc sanh, trâu, bò, gà vịt, con sâu, cái kiến... sau khi chết. Các giai tầng cao, trung và hạ là do nghiệp lực của mỗi chúng sanh mà có. Nếu lúc còn sống trên đời, con người không tu niệm, chuyên tạo ra nghiệp dữ, thì thân trung ấm của họ phải ở hạ cấp là đà trên mặt đất, bờ đê, vách núi để đi vào các tế bào, phân tử sống mà thác sinh thân các loài côn trùng, ếch, nhái... không thọ thân các loài hạ cấp, thì cũng thọ thân vào các loài chúng sanh bằng thai, bằng trứng, trong đó có loài người, hay thọ thân vào Atula, địa ngục, ngạ quỷ.

Ngược lại người (giàu, nghèo, ngu, trí) có quá trình tu niệm, tạo nhiều nghiệp thiện là chất liệu siêu thoát, thì thân trung ấm của họ được sống trong bầu ánh sáng thanh nhẹ đi lên thượng tầng để đi vào các cõi trên.

Qua ba câu chuyện con rận, con khỉ, con chó của ông phú gia, cho ta thấy rõ thức A-Lại-Da đều có trong tất cả các loài chúng sanh, nó là kho tàng chứa đựng tất cả nghiệp thiện, ác là cái lực dẫn đường tái sinh vào sáu cõi luân hồi sinh tử hay các cõi Phật.

Thức A-Lại-Da là biểu thị cho Như Lai tạng (Phật tính) là nền tảng của mọi tác dụng nhận thức, tức là có biết về mọi hiện tượng tâm, sinh và vật lý. Cho nên các loài súc vật từ lớn đến nhỏ và con người có cái biết lúc bản thân còn đang sống và sau khi chết.

1.- Biết lúc còn sống

Với các loài súc sinh nhỏ bé, như các loài kiến biết trước trời sẽ bão lụt, nên chi chúng vội vàng giã từ chỗ cũ trên cây hay mỏm đá cheo leo, lũ lượt toàn bộ họ kiến tha trứng di chuyển đến chỗ thấp sâu kín và an toàn về tánh mạng. Đó là cái biết về thời tiết. Cái biết về mưu sinh như: chúng đến những nơi có chất đường, chất tanh để ăn sau khi đánh hơi biết được. Và biết chỗ có lửa nóng liền tránh xa. Có lần tôi lấy một nhúm muối trắng và nhúm đường cát trắng đem bỏ ở đất sát vách nhà, thì chừng vài phút, các chú kiến đen lũ lượt kéo đến bu chung quanh nhúm đường cát, không bu nhúm muối. Như vậy loài kiến biết nhúm nào là đường ngọt, nhúm nào là muối mặn.

Cái biết của loài chim.- Một lần tôi nhìn thấy con bồ câu mẹ đi quanh xác con bồ câu con nằm chết dưới hiên nhà với tấm lòng thương tiếc qua trạng thái đứng im nhìn xác con, gật gù cái đầu mổ vào xác con, rồi bay lên hiên nhà đứng nhìn xuống khi thấy bóng người đi qua, hết bóng người nó lại bay xuống đứng gần xác con. Cứ như thế suốt thời gian mấy ngày mới bay đi kiếm ăn vì xác bồ câu con đã được người ta hốt bỏ vào thùng rác.

Nói chung các loài vật lớn như voi, trâu, bò, ngựa, chó, dã nhân... các giống chim, các loài vật nhỏ: sâu bọ, côn trùng, ruồi muỗi (bò, bay, máy, cựa) đều có tính biết theo bản năng sinh tồn, nên chúng biết cách về cư trú, mưu sinh và cả hành động làm tình với nhau. Nhất hạng là loài dã nhân, chúng có cái biết rất tinh khôn; chẳng hạn chúng muốn ăn cành lá non đang nổi ở giữa ao nước mà chúng sợ nước không lội xuống. Thì, một con trong chúng bèn chạy đi một nơi gần đó để tìm phương tiện lấy cho được cành cây có lá non ở giữa ao. Quả thật, khi nó quay lui, nó cầm một cái que dài, rồi đập mạnh trên mặt nước, làm cho mặt nước nổi sóng bồng bềnh để cho cành lá non được di chuyển lần lần vào bờ, rồi vớt lên ăn với trạng thái vui mừng.

Một lần khác, những con dã nhân đứng dưới gốc cây nhìn lên một cành cây đang có trái ở vị trí không cao, không thấp và dù có leo lên cũng không vói tay hái được, vì chênh vênh ngoài tầm tay. Chúng bèn tìm cách hái, thì một con tự động đứng gần gốc cây, chống hai tay vào gốc cây, tức khắc một con khác nhảy lên đứng trên vai con đang chống tay vào gốc, rồi vói tay lên hái trái cây.

2.- Biết bên kia cõi chết

Đừng nghĩ rằng súc vật và con người sau khi chết là hết, không còn biết gì. Tất cả đều biết hết. Biết rất là rõ ràng y như lúc còn sống. Từ thân tử ấm, trung ấm cho đến cô hồn, âm hồn chưa đi đầu thai còn vất vưởng lưu lạc đó đây bên kia cõi chết đều biết. Biết đói, lạnh, khổ, đau, buồn, vui, nhớ đến nhà cũ về thăm, luyến ái người thân nên đưa tay rờ mó như rờ hư không, nói lời thăm hỏi những người thân, không ai trả lời, biết oán hận kẻ thù, trình báo sự việc cũ với người sống, khiếu nại với quan tòa về cái chết oan ức, theo đuổi để báo thù, v.v...

Từ xưa đến nay có rất nhiều câu chuyện thật về súc vật và con người bên kia cõi chết hiện thân lên cõi dương trần bằng nhiều hiện tượng vô hình, nhưng người sống thấy được, nghe được trong giấc mơ hay lúc thức. Mỗi người trong chúng ta ắt hẳn ai cũng đã được nghe người khác kể hay tự mình nghe thấy được. Để bổ túc thêm, tác giả xin viết lại một số câu chuyện sau đây:

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
13/07/2011(Xem: 3763)
Cổ thi nói: "Ta thấy người khác chết. Trong lòng nóng xót xa! Chẳng phải xót kẻ mất. Vì sẽ đến phiên ta!" Giữa đời, việc buồn thảm lớn lao không chi hơn tử biệt. Nhưng sự chết, người đời lại chẳng ai tránh khỏi. Cho nên những kẻ có lòng muốn lợi mình lợi người, không thể không sớm dự bị lo toan. Thật ra, chữ chết nguyên là giả danh, vì đó chẳng qua là sự kết liễu của một thời quả báo, do nghiệp cảm liên chuyền giữa mỗi đời, khi xả thân này, lại thọ thân khác mà thôi. Kẻ không biết Phật pháp vẫn đành để cho tùy nghiệp xoay vần. Người đã nghe pháp môn Tịnh Độ của Như Lai, phải tín nguyện niệm Phật dự bị tư lương, để khi lâm chung được vãng sanh an thuận.
13/07/2011(Xem: 4722)
Người tu Tịnh Độ, khi bịnh chưa nặng cũng nên uống thuốc, nhưng vẫn tinh tấn niệm Phật, chớ tưởng nghĩ rằng: uống thuốc rồi sẽ lành bịnh. Lúc bịnh đã nặng, có thể không cần dùng thuốc. Hoằng Nhứt đại sư khi đau nặng, có kẻ thưa để xin rước thầy hốt thuốc. Ngài liền từ tạ và nói kệ rằng...
13/07/2011(Xem: 3348)
Tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu “ sanh ký tử quy, nghĩa là ; Sống gởi trần gian, chết lại về”. Vậy khi chết chúng ta đi về đâu? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, chỉ có bậc Đại giác ngộ mới thấy rõ con đường đi này và chỉ dạy cho chúng ta biết mà thôi. Đó là sáu con đường mà chúng sanh qua lại mãi: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, cõi Trời, Người, A-tu-la, còn gọi là sáu nẻo luân hồi. Khi con người còn sống, gây tạo nhân gì thì kết quả sẽ theo họ như thế ấy. Kết quả đó là động cơ thúc đẩy con người sau khi chết, đi vào các cảnh giới tương ưng trong sáu đường .
13/07/2011(Xem: 3994)
“Trợ giúp thành tựu cho một chúng sanh được vãng sanh, tức là thành tựu cho một chúng sanh tương lai thành Phật. Công đức này thật không thể nghĩ bàn”. Hộ niệm là trợ giúp cho một người được vãng sanh. Người hộ niệm cần phải biết rõ phương pháp cũng như đạo lý về vãng sanh thì mới đem lại lợi ích cho người được hộ niệm. Người không tu hành, không hiểu Phật pháp, không được hướng dẫn vãng sanh, không có hộ niệm, giờ lâm chung đa phần thần thức của họ thường bị dìm trong ác mộng, bị rơi vào những cạm bẫy dữ ác, rơi vào những cảnh hung hiểm. Bị lôi vào đó rồi thì rất khó thoát thân, thần thức sẽ theo nghiệp đi thọ báo.
09/07/2011(Xem: 6390)
Lúc này tôi nghĩ có ba vấn đề chúng ta phải thấu triệt nếu chúng ta muốn hiểu rõ toàn chuyển động của sống. Chúng là thời gian, đau khổ và chết.
01/07/2011(Xem: 8611)
Số đông quần chúng cần một thời gian dài mới quen thuộc với ý niệm về tái sinh. Tôi cũng đã trải qua nhiều giai đoạn trong tiến trình đưa đến sự xác tín vào tái sinh.
24/06/2011(Xem: 4418)
Đó là câu hỏi của một hãng Thông tấn ở phương Tây đưa ra trong một cuộc thăm dò ý kiến với đông đảo người dân ở nước Anh. Câu hỏi với tình huống giả định là một thiên thạch sắp đâm vào trái đất và bạn chỉ còn 60 phút nữa sống trên cõi đời, bạn sẽ làm gì trong 60 phút ngắn ngủi ấy…
19/06/2011(Xem: 8198)
Luật nhân quả không phải là luật riêng có tính cách tôn giáo. Trong vũ trụ, thiên nhiên, mọi sự vật đều chịu luật nhân quả, đó là luật chung của tự nhiên.
11/06/2011(Xem: 4229)
Chúng ta chết là chết như thế nào? Và sau khi chết, chúng ta đi về đâu? Đấy là những câu hỏi, những thắc mắc, những hoài nghi đeo bám tâm thức nhân loại từ xưa đến nay và dường như chúng vẫn đang còn treo lơ lửng ở đấy với những vấn nạn siêu hình nhức nhối và đầy bí ẩn. Đức Phật là bậc thầy của chư thiên và loài người (Thiên Nhân Sư), là bậc thông suốt thế gian, thông suốt tam giới (Thế Gian Giải), là bậc đã thấy biết toàn diện và chơn chánh (Chánh Biến Tri)... đã giảng giải cho những người học Phật và tu Phật như thế nào về “hiện tượng chết và tái sanh”? Bây giờ muốn đi vào nội dung ấy, chúng ta sẽ phải lần lượt nghiên cứu qua những tương quan liên hệ sau đây:
06/05/2011(Xem: 9016)
Khi truyền bá rộng rãi sang châu Á, Phật giáo thành công khi vượt qua một số vấn đề nổi bật từ những giới hạn về ngôn ngữ trong một số trường hợp phải phiên chuyển thành một ngôn ngữ rất khác với ngôn ngữ nói của Ấn Độ. Giáo lý đạo Phật được truyền đạt bằng lời nói qua vô số ngôn ngữ và tiếng nói địa phương. Còn Kinh tạng, khi đã được viết ra, lại được phiên dịch thành hàng tá ngôn ngữ ngay cả trước thời kỳ hiện đại. Do vì nguồn gốc lịch sử không cho phép các học giả dùng ngôn ngữ nói trong việc giảng dạy, bài viết này sẽ tập trung vào những ý tưởng được viết ra, nhằm khảo sát việc truyền dạy qua lời nói chỉ trong thời kỳ Phật giáo Ấn Độ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567