Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Không gian không phải là pháp vô vi

02/08/201407:31(Xem: 7357)
Không gian không phải là pháp vô vi

bau troi-2

Vào thời xa xưa các luận sư Phật học quan niệm rằng không gian (hư không) là một pháp vô vi. Quan điểm này còn lưu lại trong tác phẩm ĐẠI THỪA BÁCH PHÁP MINH MÔN LUẬN (Mahāyāna-śatadharmavidyā-dvāra-śāstra) do thầy Thế Thân (Vasubandhu) ở vào thế kỷ thứ IV (~316-396) biên soạn. Nhưng theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì Không gian không phải là một pháp vô vi bởi vì nó còn bị chi phối bởi thời gian, vật thể và tâm thức. Quan điểm này phù hợp với Thuyết tương đối rộng của ngành vật lý hiện đại. Theo giáo sư Phạm Xuân Yêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học CNRS của Phápthì các hạt cơ bản của vạn vật là quark và lepton tương tác, gắn kết để tạo thành vật chất, hơn nữa còn dựng nên cấu trúc cong xoắn của không – thời gian trong vũ trụ, vì theo thuyết tương đối rộng, vật chất và không – thời gian được thống nhất, cái trước tạo nên (và là) cái sau. Bác học gia Einstein cũng đã nói rằng : "Xưa kia người ta nghĩ rằng nếu mọi vật trên đời biến mất thì sẽ còn lại thời gian và không gian, nhưng theo thuyết tương đối rộng thì không – thời gian cũng biến mất theo vật chất mà thôi". (Xem bài: Vật lý học lượng tử và Phật giáo của giáo sư Phạm Xuân Yêm).

Không hẹn mà gặp, tuy hai phương tiện nghiên cứu hoàn toàn khác biệt : một bên là tuệ giác của thiền quán, một bên là khoa học thực nghiệm nhưng lại có chung một cái thấy và cùng cập nhựt với thời gian. Phải chăng đây là ứng nghiệm lý thú của tiên liệu cách đây khá lâu của nhà bác học lừng danh người Đức khi tuyên bố rằng : "Nếu có một tôn giáo phù hợp vơi khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo".

Bài Pháp thoại của Thiền Sư như dưới đây sẽ giúp những ai đang trên đường hành trì giáo pháp thâm diệu của Đức Thế Tôn có thể vượt thoát mọi buộc ràng của tư duy lưỡng nguyên và từ đó khám phá ra cái vô tận, vô thỉ, vô chung của cái Không trong Bát Nhã. Và nếu bạn là nhà khoa học bạn sẽ chạm được tánh Không trong Phật học nhờ cái Không của lượng tử mà các bạn đã quan sát được trong quá trình thí nghiệm. Và từ đó, nhà Khoa học có thể nắm tay nhà Phật học đi chung trên con đường nghiên cứu và phụng sự.

Phù Sa.



bau troi

Không gian không phải là một pháp vô vi. Không gian chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức. Chúng ta có thể bắt đầu bằng ý niệm về không gian (spaces) mà trong “Một trăm pháp” được liệt kê là một trong những Pháp vô vi. Hư không là vô vi.

Tại Làng Mai chúng ta không chủ trương Hư không là một pháp vô vi. Cho nên chúng ta nói rằng hư không, không gian không phải là một pháp vô vi. Không gian chỉ biểu hiện chung với thời gian, vật thể và tâm thức. Và quý vị có thể ghi lại câu đó như một trong những chủ trương của Làng Mai. Cố nhiên chủ trương này kéo theo nhiều chủ trương khác cùng một loại.

Ngày xưa khi các thầy nhìn và thấy rằng các vật thể như cái bàn, cái nhà, cái hoa, đám mây… đều thay đổi, đều vô thường, đều vô ngã, đều thay đổi hết. Cái gì cũng do những nhân duyên, những điều kiện tập hợp lại mà biểu hiện. Vì vậy cho nên chúng là hữu vi. Cái bông, con người, cái bàn hay là đám mây… tất cả đều bị điều kiện hóa. Và khi những điều kiện đó không còn đầy đủ nữa thì chúng tan rã. Những vật đó được gọi là những pháp hữu vi.

Nhưng hư không nhìn thấy giống như là thường hằng, nó không bị dính tới những cái khác. Dầu có mây hay không có mây, dầu có mưa hay không có mưa, dầu có tâm thức hay không có tâm thức, dầu có mặt trăng hay không có mặt trăng, dầu có mặt trời hay không có mặt trời thì hư không vẫn là hư không. Hư không là một Pháp vô vi, không bị lệ thuộc vào các pháp khác. Đó là cái thấy của một số thầy trong quá khứ.

Học “Một Trăm Pháp”, chúng ta thấy rằng có nhiều Pháp vô vi. Chân như là một Pháp vô vi. Chân như không sinh không diệt, không tùy thuộc vào những điều kiện. Vì vậy Chân như là vô vi. Khi các thầy quan sát không gian thì các thầy thấy rằng không gian cũng không sinh không diệt. Không gian không có tùy thuộc vào những điều kiện. Và vì vậy cho nên không gian được gọi là một Pháp vô vi.

Nhưng Làng Mai không đồng ý. Tại Làng Mai chúng ta thấy rằng không gian là một ý niệm. Ý niệm về không gian được tạo ra bằng các ý niệm về thời gian, vật thể và tâm thức. Nhà bác học Einstein[1] có nói tới không gian bốn chiều. Không gian ba chiều có: chiều ngang, chiều dọc và chiều sâu. Nhưng không gian còn có chiều thứ tư là chiều thời gian. Nếu quán sát kỹ thì chúng ta thấy rằng: không gian được làm bằng thời gian và thời gian được làm bằng không gian. Không gian được làm bằng vật thể, vật thể làm bằng không gian. Và trong ánh sáng của khoa học hiện đại chúng ta có thể thấy rõ là không gian trước hết là một ý niệm. Ý niệm không gian không thể tách rời ra khỏi ý niệm thời gian. Ý niệm về không gian không thể tách rời ý niệm vật thể. Và nhất là không tách rời ra khỏi cái ý niệm về tâm thức. Vì vậy cho nên không gian không là một thực tại khách quan, mà không gian là một sáng tạo của tâm thức. Không gian chứa đựng thời gian, chứa đựng vật thể, chứa đựng tâm thức. Nếu lấy tâm thức ra, lấy vật thể ra, lấy thời gian ra thì không gian không còn là không gian nữa. Vì vậy cho nên không gian không phải là một Pháp vô vi.

Trong kinh Hoa Nghiêm chúng ta cũng thấy được điều này: cái một chứa đựng cái tất cả, một vi trần chứa đựng tam thiên đại thiên thế giới. Mà vi trần tức là vật thể, vật thể có liên hệ tới không gian. Khoa học cho biết là nơi nào có vật thể thì không gian ở đó, nơi nào có sự cô đọng nhiều của vật thể thì không gian ở đó nó cong lại. Vì vậy cho nên vật thể với không gian tương tức, chúng ảnh hưởng với nhau. Nói rằng không gian không bị ảnh hưởng bởi vật thể là nói sai, không gian là vật thể, vật thể là không gian. Sắc với Không rất gần nhau, chúng là nhau. Và cái một nó chứa đựng cái tất cả, đó là nói về không gian.

Đứng về phương diện thời gian cũng vậy. Thời gian được chia ra làm ba thời : quá khứ, hiện tại và tương lai. Tại Làng Mai chúng ta hay nói rằng sống trong giây phút hiện tại và không bị quá khứ và tương lai kéo đi. Nếu không khéo, chúng ta nghĩ rằng ba cái : quá khứ, hiện tại và tương lai chúng tồn tại độc lập. Chúng ta sẽ rơi vào chủ trương của Hữu bộ[2] là tất cả đều có: quá khứ, hiện tại và tương lai. Nhưng cái thấy của Làng Mai là ba thời tương tức. Quá khứ hiện tại và tương lai dung chứa nhau. Trong quá khứ có hiện tại có tương lai. Trong tương lai có quá khứ và hiện tại. Và trong hiện tại có quá khứ và có tương lai. Nếu chúng ta tiếp xúc được với hiện tại một cách sâu sắc, chúng ta có thể tiếp xúc được quá khứ và tương lai ngay trong giây phút hiện tại. Đó là cái thấy của Làng Mai. Nếu chúng ta hành xử, chăm sóc giây phút hiện tại với tất cả tấm lòng với tất cả năng lượng niệm định tuệ tức là chúng ta đang chăm sóc quá khứ, đang chăm sóc tương lai. Và vì vậy cho nên đứng về phương diện thời gian cũng là tương tức, một giây phút chứa đựng tất cả các giây phút khác, một giây phút chứa đựng thiên thu.

Đứng về phương diện không gian cái một chứa đựng cái tất cả. Đứng về phương diện thời gian thì giây phút chứa đựng thiên thu.

Đi xa thêm bước nữa, theo kinh Hoa Nghiêm, không những không gian chứa đựng không gian, thời gian chứa dựng thời gian mà không gian còn chứa đựng thời gian, và thời gian chứa đựng cả không gian. Chúng ta có những câu kinh trong kinh Hoa Nghiêm nói rất rõ ràng về chuyện này. Không những một hạt bụi chứa đựng cả vũ trụ mà hạt bụi đó chứa đựng cả thời gian. Thời gian chứa đựng không gian và không gian chứa đựng cả thời gian. Vì vậy cho nên không gian và thời gian không phải là những Pháp vô vi. Và nó cũng tương tức.

Chúng ta đã bắt đầu thấy được chủ trương cái thấy về không gian nó kéo theo cái thấy về thời gian. Cái thấy về không gian là cái thấy tương tức, là thấy cái một trong cái tất cả và chúng ta cũng đã bắt đầu thấy được cái thời gian nó cũng như vậy, cái giây phút nó chứa đựng cái thiên thu. Tính tương tức của không gian mình thấy được, tính tương tức của thời gian mình thấy được và mình thấy luôn được tính tương tức của không gian và thời gian. Ý niệm của mình về không gian có được là nhờ mình có ý niệm về thời gian. Ý niệm không gian và thời gian mình có được là cũng nhờ mình có ý niệm về vật thể. Vì vậy rõ ràng không gian không phải là một Pháp vô vi. Nếu chúng ta chia ra các Pháp làm hai loại, một là vô vi hai là hữu vi thì chúng ta không có thể nói không gian thuộc về Pháp vô vi.

Nếu mà nói có Pháp vô vi thì chỉ có một Pháp thôi, đó là Niết bàn, đó là Chân như, đó là tự tính không sinh không diệt, đó là nền tảng của tất cả các Pháp.

Vì vậy cho nên ở Làng Mai, nếu chúng ta cần phân biệt tất cả các Pháp thì chúng ta nói rằng tất cả các Pháp đều là hữu vi trừ một Pháp là không hữu vi thôi, Pháp đó là Niết Bàn. Cũng như là tất cả các đợt sóng ở trên biển đều có lên có xuống, chỉ có một cái không lên không xuống đó là nước. Niết Bàn là nền tảng của tất cả các Pháp. Nhưng tới đây chúng ta thấy rằng chia các Pháp ra làm hai loại, một loại là hữu vi, một loại là vô vi cũng là tạm bợ. Chúng ta không có thể để Niết Bàn ngang hàng với các Pháp hữu vi và gọi nó là một Pháp. Thật ra chúng ta không có thể nói Niết Bàn là một Pháp được. Dể hơn là chúng ta nói Niết Bàn là nền tảng của tất cả các Pháp. Cũng như chúng ta không có thể nói nước là một trong những đợt sóng. Chúng ta phân biệt ra nước và sóng thì chúng ta thấy rằng có hàng ngàn đợt sóng. Chúng ta gọi những đợt sóng đó là những Pháp hữu vi có lên có xuống, có sanh có diệt. Và chúng ta có một cái Pháp không sanh không diệt không lên không xuống, gọi là nước. Và chúng ta cho nước là một Pháp và chúng ta đặt nước lên ngang hàng với sóng, đó là một sự sai lầm. Sóng với nước không có thể đặt ngang hàng được. Không có thể coi nước là một đợt sóng.

Đứng về phương diện Niết Bàn và các Pháp hữu vi cũng như vậy. Chúng ta đã học đủ để có thể thấy rằng đứng về phương diện hiện tượng thì Niết Bàn và các Pháp hữu vi đều có sinh, có diệt, có có, có không, có còn, có mất. Đó là đứng về phương diện hiện tượng, đứng về phương diện tích môn mà nói. Còn đứng về phương diện bản môn thì các Pháp không sinh không diệt không tới không đi. Các Pháp đó đứng về phương diện hiện tượng ta nói là hữu vi. Như những cái bông cúc này, bông cúc là một Pháp hữu vi là tại vì mình thấy rằng bông cúc này nó tùy thuộc vào các điều kiện để nó biểu hiện và nó tùy thuộc vào những điều kiện để nó tan rã. Và vì vậy cho nên bông cúc là hữu vi.

Các pháp đều là vô vi.

Nhưng đứng về phương diện bản môn thì tự tánh của bông cúc là không sinh không diệt, không có không không, không còn không mất. Và vì vậy cho nên nhìn kỹ thì bông cúc nó cũng là vô vi. Đứng về phương diện hiện tượng ta nói nó là một Pháp hữu vi, đứng về phương diện bản thể ta gọi nó cũng là một Pháp vô vi. Điều này thấy rõ trong giáo lý đại thừa thị chư Pháp không tướng, bản tính của chư Pháp là không, không sinh không diệt không dơ không sạch không thêm không bớt. Và như vậy không có Pháp nào là hữu vi hết, tất cả các Pháp đều là vô vi hết. Ta thấy nó là hữu vi nhưng kỳ thực các Pháp vốn thật là vô vi, không sanh không diệt không lên không xuống không có không không. Và vì vậy cho nên ban đầu ta nói rằng là không gian không phải là một Pháp vô vi. Nhưng bây giờ chúng ta lại nói ngược lại không gian cũng là một Pháp vô vi. Thành ra câu này là một cơ hội, nó là một phương tiện để chúng ta đi vào chứ không phải là một giáo điều chúng ta mắc kẹt. Ban đầu chúng ta nói rằng hư không không phải là một Pháp vô vi, mà giống như chúng ta bị kẹt vào cái sự phân biệt giữa hữu vi và vô vi. Nhưng nhờ có quán chiếu, chúng ta có thể buông bỏ được danh từ, buông bỏ được ý niệm cho nên chúng ta có thể thấy được rằng là cái hư không nó cũng là vô vi. Trước hết nó là một ý niệm, cũng như là cái bông cúc. Và khi ta kẹt vào cái tướng của hư không cũng như cái tướng của bông cúc đó thì ta không có an lạc không có hạnh phúc. Chúng ta còn sợ hãi, còn luyến tiếc. Nhưng mà khi chúng ta tiếp xúc được cái tự tánh không sanh không diệt, tự tánh Niết Bàn của không gian và thời gian của bông cúc. Lúc đó chúng ta không còn luyến tiếc, chúng ta không còn sợ hãi nữa. Vì vậy cho nên cái định đề thứ nhất nó đưa tới cái định đề thứ hai. Đứng về tích môn tất cả các Pháp đều hữu vi, đứng về bản môn tất cả các pháp đều vô vi. Đó là chủ trương của Làng Mai.

Sinh tử chính là Niết bàn, cái Hữu vi chính là cái Vô vi

Vì vậy ta thấy được rằng vô vi không phải là một Pháp, mà vô vi là nền tảng của các Pháp. Nếu quý vị tới từ truyền thống của Cơ đốc giáo quý vị có thể có những khó khăn trong khi nghĩ tới Thượng đế. Tại vì trong thần học Cơ đốc giáo Thượng đế là tạo hóa, còn tất cả những gì mình thấy đây, mình cảm nhận, mình tiếp xúc đây là tạo vật. Và có những nhà thần học Cơ đốc giáo đã từng tuyên bố rằng Thượng đế là nền tảng của hiện hữu, quan niệm đó rất gần với vô vi Niết Bàn. Nếu nói rằng Thượng đế là nền tảng của hiện hữu thì cũng gần giống như nói rằng Niết Bàn là bản môn của tất cả các sinh diệt, của các cái mà mình gọi là sinh diệt. Đi tìm Niết Bàn không phải tìm trong cái sinh diệt, ở trong sinh diệt có Niết Bàn. Sinh diệt chẳng qua chỉ là những cái ảo giác của mình. Sự thật bản chất của bông cúc hay là của đám mây nó là Niết Bàn, nó là vô sinh bất diệt. Đạo Phật có cái thấy đó và có sự chấp nhận đó. Tất cả các Pháp hữu vi đều dựa trên một Pháp vô vi mà có, mà biểu hiện đó là Niết Bàn. Nhưng vô vi không phải là một Pháp riêng biệt, vô vi là chiều sâu của hữu vi. Phải tiếp xúc được với hữu vi tức là thấy được cái tính vô vi của tất cả các Pháp. Và vì vậy cho nên không rời tích môn mà vẫn tiếp xúc được với bản môn, bản môn nằm trong tích môn. Còn trong Cơ đốc giáo nó vẫn còn có sự khó khăn của một số nhà Thần học coi mình là tạo vật, mà tạo vật thì không thể nào được lẫn lộn với đấng Tạo hóa. Cái nhìn đó vẫn còn nặng nề tính chất lưỡng nguyên. Nói như vậy thì câu tuyên bố Thượng đế là nền tảng của thực hữu của nhà Thần học kia thì nên hiểu như thế nào? Trong đạo Phật thì rất rõ, cái không sinh diệt nằm ngay trong cái sinh diệt. Và mình không cần phải chối bỏ cái sinh diệt, mình không cần chạy trốn cái sinh diệt mà mình vẫn tìm ra được cái không sinh diệt, như đợt sóng nó không cần đi tìm nước, nó chính là nước. Sinh tử chính là Niết Bàn, cái hữu vi chính là cái vô vi. Cơ đốc giáo vẫn còn có sự lúng túng ở điểm này. Đã có những nhà thần học bước tới và nói rằng mình chính là Thượng đế, Thượng đế chính là mình, Thượng đế chính là gốc gác bản chất của mình. Bản chất của mình là thiêng liêng, là thần. Nhưng đứng về phương diện bản thể học thì nó vẫn còn có cái gì kẹt, tại vì nhận thức lưỡng nguyên vẫn còn đó.

Khuynh hướng cho rằng Thượng đế là nguyên nhân của mọi vật, Nguyên nhân là một cái gì đó tách rời với kết quả, cái nhân không phải là cái quả, điều đó không phù hợp với cách quán chiếu, cách nhận thức của đạo Phật. Trong đạo Phật cái nhân với cái quả nó không phải là hai, quả là sự tiếp nối của nhân, nhìn vào trong quả mình thấy nhân được. Và trong đạo Phật chúng ta nói tới cái chân như duyên khởi, chân như là một điều kiện làm phát sinh ra tất cả mọi sự vật. Và chân như nó giống như là nhân và vạn hữu tức là quả.

Về điểm này trong đạo Phật rất là thông suốt, chân như không phải là một cái gì có mặt ngoài vạn hữu. Nếu tiếp xúc vạn hữu sâu sắc thì mình tiếp xúc được chân như, cái tánh và cái tướng không phải là hai. Tướng tức là hiện tượng còn tánh tức là bản thể. Và vì vậy cho nên để Niết Bàn ngang hàng với các Pháp khác là một sai lầm. Chia các Pháp ra làm hai loại, những Pháp hữu vi là khác, những Pháp vô vi là khác cũng là sự sai lầm. Cho nên câu thứ hai này nói rõ được lập trường của Làng Mai là đứng về phương diện hiện tượng, đứng về phương diện tích môn thì các Pháp là hữu vi có sinh có diệt, có có có không, có còn có mất. Nhưng đứng về phương diện bản môn, đứng về phương diện bản thể thì tự thân của các Pháp là không sinh không diệt, không có không không, không đi không tới. Và đó là điều chúng ta thấy ở trong Tâm Kinh Bát Nhã : “Thị chư Pháp không tướng bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh”…

Cửa vô sinh mở rồi

Sự thực tập ở Làng Mai căn cứ trên những nhận thức như vậy về giáo lý. Chúng ta sẽ tiếp tục khám phá những chủ trương giáo lý của Làng Mai. Đây không phải là triết lý, không phải là siêu hình học. Ví dụ khi chúng ta đi thiền hành, nếu niệmđịnh của chúng ta hùng hậu thì không những ta tiếp xúc được với tích môn, tiếp xúc được với những mầu nhiệm của vạn hữu. Những mầu nhiệm đó có tính cách vô thường vô ngã, nhưng chúng rất đẹp, rất là nuôi dưỡng. Phải có niệm, có định mới tiếp xúc được với cái đẹp, cái mầu nhiệm của cuộc sống có khả năng nuôi dưỡng trị liệu. Nhưng nếu cái niệm cái định đó hùng hậu hơn nữa thì ta tiếp xúc luôn được cái bản môn và thấy được những cái mầu nhiệm đó cũng không sinh không diệt, không có không không. Và đó là ý nghĩa câu chót của bài hát “Đã về đã tới bây giờ ở đây”.

“Đã về đã tới bây giờ ở đây” là những Pháp môn hữu vi. “Vững chãi thảnh thơi, quay về nương tựa, nay tôi đã về, nay tôi đã tới, an trú bây giờ, an trú ở đây” là mình an trú trong tích môn và nhờ an trú đó cho nên mình có vững chãi và thảnh thơi. “Vững chãi như núi xanh, thảnh thơi dường mây trắng”. Nếu mình thực tập sâu sắc thì khi mình tiếp xúc với tích môn, với cái hiện tượng, mình tiếp xúc luôn được với bản môn tức là bản thể. Mình tiếp xúc được với cái tướng và mình tiếp xúc luôn được với cái tánh. Mình tiếp xúc được với đợt sóng nhưng mình tiếp xúc được luôn với nước ở trong đợt sóng, cái đó gọi là cửa vô sinh mở rồi. Cửa vô sinh mở rồi nghĩa là con đang đi trong tích môn nhưng mà con dẫm được vào bản môn, cửa vô sinh mở rồi là như vậy. Vô sinh tức là không sinh không diệt, không có không không, đó là Niết bàn, đó là Pháp vô vi. Mà Pháp vô vi không phải là một Pháp riêng biệt nằm ngoài Pháp hữu vi. Pháp vô vi là nền tảng của tất cả các Pháp gọi là hữu vi nhưng mà thật sự không phải là hữu vi; tất cả đều vô vi. Trong kinh Pháp Hoa cũng nói vậy, bản chất của các Pháp từ xưa nay vẫn là tịch diệt, Chư Pháp tùng bản lai thường từ tịch diệt, các Pháp từ xưa đến nay nó an trú trong cái tự tánh Niết Bàn của nó, nó không có sanh không có diệt như là mình tưởng đâu.

Vì vậy cái thấy của Làng Mai căn cứ trên cái thấy của Phật giáo nguyên thủy và nó thừa hưởng được những cái thấy sâu sắc của Phật giáo đại thừa trong khi mình tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, của thế giới tích môn. Nó rất đơn giản nhưng lại có tính cách nuôi dưỡng và trị liệu. Hơn thế nữa, nếu chúng ta tu tập khá hơn thì niệm định của mình giúp mình tiếp xúc luôn với bản môn để mình vượt thoát sinh tử. Mình đang đi trong thế giới sinh diệt, tự nhiên mình dẫm được vào thế giới chân như, đó là cửa vô sinh mở rồi. Cửa vô sinh chưa bao giờ đóng, chỉ vì niệm và định của mình không đủ sâu sắc cho nên mình không dẫm lên được cái vô sinh. Và vì vậy cho nên đi thiền hành cũng có thể đạt tới sự vượt thoát sinh tử, khi mình dẫm được vào cái chỗ vô sinh./.

Trích trong Pháp thoại Thầy Nhất Hạnh giảng ngày 17/11/2005 tại Xóm Mới - Làng Mai trong mùa An cư kiết Đông 2005. Bài này cũng đã được chọn làm định đề đầu tiên trong 40 định đề giáo lý Làng Mai đã được in thành sách dưới tựa đề LÀNG MAI NHÌN VỀ NÚI THỨU xuất bản lần đầu vào mùa Xuân năm 2014. Để có sách này, bạn có thể hỏi Văn phòng Xóm Mới tại địa chỉ : nh-office@plumvillage.org hoặc điện thoại : +33 (0) 5 56 61 66 88.


[1] Albert Einstein (1879-1955). Nhà Khoa học vật lý người Đức,Giải Nobel (1922). Theo Einstein : Nếu có một tôn giáo phù hợp vơi khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo.

[2] Phái Hữu bộ hay Nhứt thiết hữu bộ, (Thời vua A Dục- Thế kỷ thứ 3 trước Thiên chúa); cho rằng mọi sự vật đều tôn tại. Tác phẩm nổi tiếng của phái này là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/11/2010(Xem: 17507)
Toàn bộ giáo lý đức Phật đều nhằm mục đích ''chuyển mê khai ngộ'' cho chúng sanh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui.
09/11/2010(Xem: 6879)
Stephen William Hawking, sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1942 là một nhà Vật lý Lý thuyết người Anh, đồng thời cũng là một nhà Vũ trụ học nỗi tiếng nhờ các tác phẩm khoa học và các lần ông xuất hiện trước quần chúng.. Ông là Hội viên Danh dự của Hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh (Royal Society of Arts), Hội viên vĩnh viễn của Viện Khoa học Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences) và vào năm 2009, được trao tặng Huy chương Tổng thống về Tự Do là huy chương dân sự cao quý nhất của Mỹ.
02/11/2010(Xem: 9040)
Không gian nhận thức bị giới hạn, vì thế nó hữu hạn. Khi bạn ngồi trong lớp học, không gian nhận thức bị bao bọc bởi các bức vách, nền nhà và trần nhà.
27/10/2010(Xem: 7748)
Tên gọi của Đức Phật là «Thích-ca Mâu-ni» có nghĩa là «Bậc Tịch tĩnh trong họ Thích-ca», «Trí giả trầm lặng trong họ Thích-ca», chữ Phạn mauni có nghĩa là yên lặng. Phật còn có tên là «Mahamuni» : Maha là lớn, «Mahamuni» là «Bậc yên lặng Lớn lao» hay vị «Đại Thánh nhân của Yên lặng».
26/10/2010(Xem: 3992)
Bồ tát hành đạo bắt đầu từ giữa lòng xã hội nên sự tiếp cận với mọi thống khổ nhân sinh là lẽ tất nhiên. Tu bốn vô lượng là y trên a-thế-da, trên tăng thượng ý lạc, nghĩa là y trên thâm tâm, trên tâm nguyện nhiệt thành và luôn luôn hướng thượng, ước mong xóa sạch mọi thống khổ của thế gian.
23/10/2010(Xem: 10151)
Trước hết, có lẽ tôi cần phải thú nhận là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ về thuyết Tiến Hóa. Lý do chính là: Tiến Hóa là một quy luật thiên nhiên trong vũ trụ, và trong gần 150 năm nay đã được kiểm chứng, phát triển, từ đó giải thích được nhiều điều trong vũ trụ, thiên nhiên. Ngày nay, thuyết Tiến Hóa bao trùm rất nhiều bộ môn khoa học. Do đó, không ai có thể tự cho là mình biết hết về thuyết Tiến Hóa. Một khó khăn khác tôi vấp phải khi viết về thuyết Tiến Hóa là những danh từ chuyên môn mà tôi không đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt hoặc không biết là đã được dịch ra tiếng Việt. Vì những lý do trên, trong bài khảo luận này, tôi chỉ tự hạn trong chủ đề
19/10/2010(Xem: 3922)
Chỉ trong vòng 50 năm qua, ngành sinh học và y học thế giới đã phát triển nhanh chóng hơn là trong khoảng thời gian 50 thế kỷ trước, về hiểu biết cũng như khả năng tác động của con người trên sự sống. Sự phát triển này cũng làm nẩy sinh lên một số vấn đề đạo đức mới, được gom lại dưới danh từ "sinh đạo đức" (bioéthique). Những vấn đề này trở thành mỗi ngày một thêm phức tạp, chúng đã vô hình chung vượt khỏi khuôn khổ chuyên môn và đặt ra một cách rộng lớn cho toàn thể xã hội."
18/10/2010(Xem: 3245)
Sau Lục Tổ Huệ Năng (638-713), Thiền Tông phương Nam của ngài chia làm hai hệ phái do hai đệ tử của ngài đứng đầu là Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744) và Thanh Nguyên Hành Tư (?- 740). Về sau, hệ phái Thanh Nguyên gồm ba dòng là Tào Động, Pháp Nhãn và Vân Môn, còn hệ phái, còn hệ phái Nam Nhạc truyền ra hai dòng là Lâm Tế và Quy Ngưỡng. Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) đã mở ra một dòng thiền lớn kéo dài cho đến ngày nay, có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam, Cao Ly và Nhật bản. Riêng tại Việt Nam, Thiền Lâm Tế có mặt và phát triển liên tục đến nay kể cũng đã hơn bảy thế kỷ.
18/10/2010(Xem: 16252)
Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề. Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp. Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng Sư” và cũng là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.
18/10/2010(Xem: 3402)
Tuy đức Phật không đề cập nhiều về chính trị, Ngài chỉ thuần chỉ dạy cho hàng đệ tử tu tập con đường giải thoát nhưng tất cả lời dạy của ngài đều vì lợi ích cho chư thiên và loài người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567