Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Hướng đến con đường giải thoát

15/01/201520:29(Xem: 11786)
Hướng đến con đường giải thoát

15.thewayfreedom

VIỆN TRIẾT LÝ VIỆT NAM VÀ TRIẾT HỌC THẾ GIỚI

Tái bản lần thứ nhất

2544-2000

HƯỚNG ĐẾN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

Nguyên Tác: THE WAY TO FREEDOM

Tác giả: HIS HOLINESS THE DALAILAMA

Dịch giả: NGUYỄN THÚY PHƯỢNG

CẢM TẠ

Con xin thành kính đảnh lễ và tri ân:

-Đức Đạt Lai Lạt Ma,và Hòa Thượng Lhakor cùng Thư Viện Tây Tạng đã hoan hỷ cho phép con được chuyển dịch nguyên tác “The Way to Freedom” từ Anh Ngữ sang Việt Ngữ.

-Hòa Thượng Thinlay Togpyal (Viện Trưởng),Hòa Thượng Lobsang Ngawang (Phó Viện Trưởng),Thượng Tọa Tashi (Giám Học) và tất cả quý thầy của Trường Trung và Đại Học Hiển Mật Tây Tạng Gyudmed đã tích cực cầu nguyện và hỗ trợ tinh thần cho con trong nhiều năm tháng qua.

-Hòa Thượng Thích Đức Nhuận,Cố vấn Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo-Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; một học giả uyên bác đồng thời cũng là tác và dịch giả của nhiều tác phẩm Phật pháp khảo cứu,lịch sử văn hóa giá trị đã bi mẫn đọc và viết lời giới thiệu cho quyển sách này mặc dù Phật sự đa đoan,tuổi già sức yếu.

-Hòa Thượng Thích Quảng Độ,Viện Trưởng Viện Hóa Đạo-Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất,một học giả uyên bác, đồng thời cũng là tác và dịch giả của rất nhiều tác phẩm Phật Học thâm áo đã từ bi, ân cần dạy bảo và khích lệ con trên bước đường tham cầu học hỏi và phụng sự Chánh pháp.

-Thượng Tọa Thích Thiện Trì, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật kiêm Vụ Trưỏng Vụ Tăng Sự, đồng thời cũng là dịch giả của nhiều kinh sách giá trị đã bi mẫn dìu dắt con quay về nương tựa Tam Bảo.Nguyện cầu Ngài chóng được bình phục,pháp thể khinh an, đạo quả viên thành.

-Thượng Tọa Thích Viên Lý Phụ Tá Phó Viện Trưởng Kiêm phó tổng thư Ký Viện Hóa Đạo,Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất,Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ-Văn Phòng II Viện Hóa Đạo; đã từ bi tạo nhiều thắng duyên để dịch phẩm này được hình thành.

Nguyễn Thúy Phượng

Nguyệt Tuệ Huy

2543-1999

LỜI GIỚI THIỆU

Tam tạng thánh điển của đạo Phật trong đó chứa đựng tám vạn bốn nghìn pháp môn vi diệu,tức 84.000 thần dược để chữa trị cho 84.000 căn bệnh “phiền não đau khổ”của chúng sinh và,do đó, đã đem lại niềm an vui,hạnh phúc cho những ai biết tin theo và áp dụng nguồn ánh sáng giáo lý Giác Ngộ Giải Thoát của đạo Phật trong thực tại cuộc sống hằng ngày.

Tác phẩm “HƯỚNG ĐẾN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT”[1]là một tác phẩm lớn của Đức Đạt Lai Lạt Ma có công năng đem sự an lành đến với cuộc đời nên hiện nay, được mọi lớp người trong thế giới đón nhận với tất cả tấm lòng hân hoan,ngưỡng mộ.

Nội dung tác phẩm gồm 10 chương-Trong chương IV,nói về “Cái Chết” chẳng hạn,Ngài dạy:

-Một người tu theo Phật pháp,hằng ngày đều nghĩ đến cái chết;tư duy về niềm đau khổ của nhân loại như về sinh khổ,về lão khổ,về bệnh khổ và về tử khổ.Mỗi một ngày, người tu Mật Tông, đều quán tưởng phải trải qua cả một quá trình chết chóc giống như trong nội tâm,mỗi ngày đều sẽ chết một lần[2]nên khi đối diện với tử thần họ đã chuẩn bị sẵn sàng nên không còn khiếp sợ nữa…

-Đối diện với cái chết,con người sẽ tạo cho mình một đời sống đầy ý nghĩa…

-Khác nào như (một người) sắp phải vượt qua một vùng đất hiểm nguy (cái chết)và đầy sợ hãi…

Vậy khi nói đến cái chết là Ngài có ý khuyến thỉnh con người ở kiếp này hãy chăm làm những việc tốt lành để lấy đó làm tư lương cho kiếp mai sau.

Là Phật tử,phát nguyện tu hành Bồ Tát Đạo thì tự bản thân phải biết quên mình đi…để phụng sự chính pháp, phục vụ chúng sinh; biết đau trước nỗi đau của đồng loại,và vui sau niềm vui của thiên hạ.

…Thẩm định từng ý, từng lời trong toàn bộ tác phẩm HƯỚNG ĐẾN CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT của vị Thánh tăng, ta thấy:mỗi ý,mỗi lời chan hòa tình Thương Yêu nhân loại,chúng sinh khác nào như những đóa sen tỏa hương thơm làm tươi mát những tâm hồn đau khổ,là vầng thái dương làm tan đi những đám mây mù che phủ thế gian.

Nay Phật tử, NGUYỄN THÚY PHƯỢNG Nguyệt Tuệ Huy,phát tâm dịch tác phẩm trên,từ Anh văn sang Việt ngữ, đây cũng là phần đóng góp tinh anh của mình trong sự nghiệp “hoằng pháp lợi sinh”,tôi xin nhất tâm tán dương công đức và trân trọng giới thiệu cùng toàn thể quý vị độc giả.

Viết tài chùa Giác Minh, Sàigòn, tháng trọng xuân, Phật lịch 2543-DL.1999

Thích Đức Nhuận

ĐẠO NGÔN

Tu học và hành trì giáo pháp của Phật dạy là dấn bước vào một cuộc chiến đối kháng giữa hai lực lượng tiêu cực của nội tâm.Hành giả cần truy cầu để khai trừ mặt tiêu cực và phát huy tiềm năng của mặt tích cực.Những giáo pháp trong quyển sách này nhằm mục đích chuyển hóa tâm thức; do vậy,chỉ cần duyệt đọc hay lắng nghe một đoạn nhỏ thôi cũng đủ mang đến một sự lợi lạc vô cùng to lớn.

Đã không có khắc độ cụ thể nào có thể dùng để đo lường tiến trình tranh chấp giữa lực lượng tích cực và tiêu cực trong tâm thức.Sự chuyển biến sẽ bắt đầu kể từ khi bạn tự tri nhận được những phiền não của chính mình,chẳng hạn như lòng sân hận và tị hiềm.Vì thế,con người cần phải có trình độ tri nhận và ý thức cách diệt trừ những phiền não; loại tri thức đó có được là do sự lắng nghe từ giáo pháp.Không có bất cứ một phương pháp đơn giản nào để diệt trừ phiền não cả. Không thể dùng thủ thuật ngoại khoa để cắt bỏ chúng.Chúng cần phải được tri nhận.Sau đó,xuyên qua sự dụng công thực tập và hành trì theo giáo pháp thì phiền não sẽ dần dần giảm thiểu và cuối cùng sẽ hoàn toàn bị đoạn diệt.

Các giáo pháp này đã cung cấp những phương thức để con người tìm được giải thoát ngay từ trong phiền não-con đường đã thật sự đưa dẫn đến giải thoát mọi khổ đau và đạt được sự an lạc tự tại của quả vị cứu cánh giác ngộ (the bliss of enlightenment).Khi con người càng hiểu Phật pháp bao nhiêu thì sự ôm giữ tính kiêu căng,sân hận,gian tham và những tình cảm tiêu cực đã từng gây ra nhiều đau khổ trước kia cũng sẽ giảm thiểu bấy nhiêu.Nếu áp dụng sự hiểu biết này vào đời sống thường nhật thì nội tâm sẽ dần dần được chuyển biến trong khi mình tưởng chừng như trái ngược lại.Nếu bạn có thể so sánh giữa trạng thái tâm thức hiện tại và tâm thức sau khi đọc xong quyển sách này, có lẽ bạn sẽ tìm thấy một vài thay đổi tiến triển.Nếu quả đúng như vậy thì những lời dạy này đã đạt được mục đích của nó.

Tại đây,hơn 2500 năm trước,trong một kiếp, Đức Phật đã thị hiện thành Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn,một bậc trí giả của dòng tộc Thích Ca.Ngài đã xuất gia như một vị sa môn,trải qua một quá trình tu tập du già (yoga) một cách gian khổ.Ngài đã đạt được quả vị giác ngộ viên mãn khi thiền tọa dưới một cội cây ở một địa danh phía bắc Ấn Độ được gọi là Bodh Gaya.Từ đó về sau,Ngài đã khai thị vô số giáo pháp thích ứng với từng loại tham dục và căn tánh khác nhau của chúng ta.Có người,Ngài dạy làm thế nào có được sự chuyển sinh tốt đẹp hơn;người khác thì Ngài dạy cách để thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.Những điều dạy tinh thâm vi diệu chứa đựng trong những giáo pháp ấy, được gọi là Kinh (Sutra), đã vạch rõ những phương pháp và những con đường dẫn đến hạnh phúc an lạc cho tất cả chúng sanh, được thể nghiệm trực tiếp bởi Đức Phật và rất hợp với mọi lý luận, bất cứ ai cũng có thể thực hành và nghiệm chứng được.

Tại Tây Tạng,giáo nghĩa Phật giáo được biên soạn thành một bộ sách,trình bày cặn kẽ những giai đoạn của cả một hành trình tiến đến sự giác ngộ.Trong quá khứ,có rất nhiều người đã dựa vào những giáo pháp được chỉ dạy, giống nhau này để tựu thành quả vị chứng ngộ viên mãn; những giáo pháp này rất thích hợp với bất cứ ai tâm tánh vẫn còn chưa được thuần thục.Mặc dù tự thấu triệt nỗi nguy hại gây ra do chính những sai lầm của mình,ví dụ như một cơn thịnh nộ sẽ mang đến biết bao tổn thương cho mình và cho người,nhưng những lỗi lầm ấy vẫn còn đã và đang khiến chúng ta bị nghiêng ngả ảnh hưởng.Do vậy,một tâm hồn chưa được điều phục sẽ vẫn táo bạo thúc đẩy chúng ta nhảy xuống hố sâu thay vì dừng lại ngay bên bờ hố.

Phiền não và hành vi tạo tác khiến chúng ta bị cuốn hút trong vòng luân hồi tuần hoàn đau khổ; đó là “nghiệp lực” (karma).Do quan hệ giữa hành động và kinh nghiệm,chúng ta đã kéo dài đời sống với biết bao nỗi trầm bổng,nhiễu loạn và mê mờ.Cởi bỏ hoàn toàn những nghiệp lực trong quá khứ và thoát khỏi vòng nô lệ của tham,sân và si gọi là “giải thoát”hay “Niết Bàn”.Khi chúng ta thấu rõ được bản thể thanh tịnh tự nhiên của nội tâm mà có thể loại bỏ được những lầm lỗi và phiền não thì niềm an lạc tuyệt đích sẽ theo đó mà đến,và chúng ta sẽ tìm được cứu cánh giải thoát ngay chính trong vòng luân hồi đau khổ.

Nếu chúng ta có thể làm được những điều thiện,chẳng hạn như cứu lấy sanh mạng của những con vật sắp chết;chúng ta cũng có thể tích tập được những điều kiện cần thiết để được thác sanh làm người trở lại.Cuộc sống tâm linh của chúng ta sẽ tiến triển tốt đẹp trong đời vị lai nếu chúng ta chịu thực hành nghiêm chỉnh “Phật Pháp” Điều quan trọng là chúng ta nên dụng công tu hành ngay khi đang còn có nhiều cơ hội vì cuộc sống vốn dĩ rất quý giá nhưng lại khó lường trước được.Chúng ta sẽ không bao giờ biết được cơ hội như thế sẽ kéo dài đến bao lâu.

Thể theo luật nhân quả và nghiệp lực thì những gì chúng ta làm hôm nay sẽ đưa đến những kết quả trong tương lai.Tương lai chúng ta được định đoạt từ trạng thái nội tâm trước mắt,mà trạng thái nội tâm trước mắt thường là sự tràn lan của chuỗi dài phiền não.Trên hết chúng ta cần nên cầu nguyện để chứng đắc được quả vị giác ngộ giải thoát.Nếu không,cũng nên tầm cầu để thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử.Nếu không nữa,thì ít ra cũng nên gieo những hạt giống để được thác sanh vào một cảnh giới tốt đẹp hơn,tránh khỏi đọa vào cảnh giới thấp kém hơn cảnh giới mà chúng ta đang sống hiện nay.Trong hoàn cảnh may mắn được thuận duyên nghe thấy và tu hành theo Phật pháp thì chúng ta cũng chớ đánh mất cơ hội hy hữu này.

Tuy nhiên,tự giải thoát ra mọi khổ đau không thôi chỉ mới là một phần của mục tiêu truy cầu của chúng ta.Vì ai cũng giống như chúng ta đều mong mỏi hạnh phúc, đều mong mỏi tránh được khổ đau dù là khổ đau nhỏ nhất.Tất cả chúng sanh đều bình đẳng trong khuynh hướng mưu cầu hạnh phúc và giải thoát khỏi mọi khổ đau.Một khi đã biết được đạo lý này rồi mà chúng ta vẫn chỉ mưu cầu giải thoát cho riêng mình thì sẽ làm cho sự cố gắng thành tựu giải thoát của mình biến thành nhỏ nhiệm lắm.Nhưng nếu động cơ căn bản là để giúp cho tha nhân thì chúng ta sẽ đạt được cảnh giới Nhất Thiết Trí (Omniscience); với cảnh giới này chúng ta sẽ có năng lực giúp ích lợi lạc mọi loài chúng sanh.Và tự thân chúng ta đã có thể thành PHẬT rồi vậy.

Nếu nội tâm nghèo nàn và năng lực hạn hẹp,thì làm sao chúng ta có thể đáp ứng được nguyện vọng của mọi người?Chỉ mong giúp đỡ tha nhân không thôi vẫn chưa đủ.Trước tiên chúng ta cần có khả năng cảm biết được những nguyện vọng khác nhau của mọi người. Để có được một sự nhận thức rõ ràng sáng suốt,chúng ta phải loại bỏ tất cả mọi kiến chấp đã chướng ngại và như thế chúng ta sẽ nhìn thấy mọi sự mọi vật như nó đang hiện hữu.Những chướng ngại vật của Nhất Thiết Trí chính là những dấu vết để lại từ những loại phiền não như tham dục,phẫn nộ,kiêu mạn và vô minh.Cho dù sau khi loại bỏ được những phiền não rồi thì tâm thức vẫn còn in đậm những dấu vết của nó.Nhưng vì bản thể của tâm thức vốn là trong sáng,thuần khiết nên chúng ta có thể thanh tịnh hóa triệt để nội tâm của mình.Và khi đã đạt được thể tánh sáng suốt tỉnh giác như thế,tức là đã đạt được Nhất Thiết Trí.

Đức Phật có được tất cả những đặc chất vĩ đại của Thân,Ngữ, Ý chủ yếu là do động lực của “Đại Bi Tâm”.Chủ yếu của sự tu hành của chúng ta cũng phải do tâm nguyện lợi tha.Do tri nhận được rằng mọi người đều giống như chúng ta,mong cầu vui sướng và diệt trừ đau khổ nên lòng vị tha sẽ tự nhiên hiện ứng trong tâm chúng ta. Đó là một hạt giống gieo xuống,và xuyên qua quá trình tu tập,chúng ta có thể bảo vệ và chăm bón cho nó được trưởng thành.

Tất cả mọi giáo pháp của Đức Phật đều chủ yếu giúp chúng ta phát triển lòng Đại Bi và tâm Lợi Tha.Con đường để thành Phật đã được kiến lập trên lòng Đại Bi:mong người khác có thể xa lìa đau khổ.Và điều này đã khiến chúng ta thấu triệt được rằng niềm an vui hạnh phúc của người khác chung cuộc còn tối thượng,quan yếu hơn cả hạnh phúc của chính mình; bởi vì,nếu không có người khác thì chúng ta sẽ không có cơ hội tu hành và chứng đắc quả vị giác ngộ.Tôi không dám tự xưng mình là người có kiến thức quảng bác hoặc liễu ngộ cao thâm.Tôi chỉ nhớ đến các vị sư trưởng của tôi, đã vì lòng từ ái mà truyền dạy cho tôi những giáo pháp này,vì vậy với ý nguyện tha thiết quan tâm đến sự lợi ích của muôn loài,tôi xin mang ra để hiến dâng cho quý vị những giáo pháp vi diệu đó.



[1]Nguyên tác:The WAY TO FREEDOM

[2]Một phen chết lớn, tức có nghĩa nói rằng con người hãy tự chết đi những thói hư tất xấu như lam tham,sân hận,ngu si để tái sinh một con người mới:Con người thánh thiện-sống bằng tâm hồn phật-một cuộc sống đẹp như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm bùn-chú thích của người viết giới thiệu.


---o0o---

Ví tính: Kim Thư - Kim Chi
Trình bày: Anna

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/11/2010(Xem: 17817)
Toàn bộ giáo lý đức Phật đều nhằm mục đích ''chuyển mê khai ngộ'' cho chúng sanh. Vì mê ngộ là gốc của khổ vui. Mê thì khổ, ngộ thì vui.
09/11/2010(Xem: 6991)
Stephen William Hawking, sinh ngày 8 tháng Giêng năm 1942 là một nhà Vật lý Lý thuyết người Anh, đồng thời cũng là một nhà Vũ trụ học nỗi tiếng nhờ các tác phẩm khoa học và các lần ông xuất hiện trước quần chúng.. Ông là Hội viên Danh dự của Hội Nghệ thuật Hoàng gia Anh (Royal Society of Arts), Hội viên vĩnh viễn của Viện Khoa học Giáo hoàng (Pontifical Academy of Sciences) và vào năm 2009, được trao tặng Huy chương Tổng thống về Tự Do là huy chương dân sự cao quý nhất của Mỹ.
02/11/2010(Xem: 9149)
Không gian nhận thức bị giới hạn, vì thế nó hữu hạn. Khi bạn ngồi trong lớp học, không gian nhận thức bị bao bọc bởi các bức vách, nền nhà và trần nhà.
27/10/2010(Xem: 7826)
Tên gọi của Đức Phật là «Thích-ca Mâu-ni» có nghĩa là «Bậc Tịch tĩnh trong họ Thích-ca», «Trí giả trầm lặng trong họ Thích-ca», chữ Phạn mauni có nghĩa là yên lặng. Phật còn có tên là «Mahamuni» : Maha là lớn, «Mahamuni» là «Bậc yên lặng Lớn lao» hay vị «Đại Thánh nhân của Yên lặng».
26/10/2010(Xem: 4012)
Bồ tát hành đạo bắt đầu từ giữa lòng xã hội nên sự tiếp cận với mọi thống khổ nhân sinh là lẽ tất nhiên. Tu bốn vô lượng là y trên a-thế-da, trên tăng thượng ý lạc, nghĩa là y trên thâm tâm, trên tâm nguyện nhiệt thành và luôn luôn hướng thượng, ước mong xóa sạch mọi thống khổ của thế gian.
23/10/2010(Xem: 10321)
Trước hết, có lẽ tôi cần phải thú nhận là không có cách nào tôi có thể trình bày đầy đủ về thuyết Tiến Hóa. Lý do chính là: Tiến Hóa là một quy luật thiên nhiên trong vũ trụ, và trong gần 150 năm nay đã được kiểm chứng, phát triển, từ đó giải thích được nhiều điều trong vũ trụ, thiên nhiên. Ngày nay, thuyết Tiến Hóa bao trùm rất nhiều bộ môn khoa học. Do đó, không ai có thể tự cho là mình biết hết về thuyết Tiến Hóa. Một khó khăn khác tôi vấp phải khi viết về thuyết Tiến Hóa là những danh từ chuyên môn mà tôi không đủ khả năng để dịch ra tiếng Việt hoặc không biết là đã được dịch ra tiếng Việt. Vì những lý do trên, trong bài khảo luận này, tôi chỉ tự hạn trong chủ đề
19/10/2010(Xem: 3974)
Chỉ trong vòng 50 năm qua, ngành sinh học và y học thế giới đã phát triển nhanh chóng hơn là trong khoảng thời gian 50 thế kỷ trước, về hiểu biết cũng như khả năng tác động của con người trên sự sống. Sự phát triển này cũng làm nẩy sinh lên một số vấn đề đạo đức mới, được gom lại dưới danh từ "sinh đạo đức" (bioéthique). Những vấn đề này trở thành mỗi ngày một thêm phức tạp, chúng đã vô hình chung vượt khỏi khuôn khổ chuyên môn và đặt ra một cách rộng lớn cho toàn thể xã hội."
18/10/2010(Xem: 3291)
Sau Lục Tổ Huệ Năng (638-713), Thiền Tông phương Nam của ngài chia làm hai hệ phái do hai đệ tử của ngài đứng đầu là Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744) và Thanh Nguyên Hành Tư (?- 740). Về sau, hệ phái Thanh Nguyên gồm ba dòng là Tào Động, Pháp Nhãn và Vân Môn, còn hệ phái, còn hệ phái Nam Nhạc truyền ra hai dòng là Lâm Tế và Quy Ngưỡng. Lâm Tế Nghĩa Huyền (?-867) đã mở ra một dòng thiền lớn kéo dài cho đến ngày nay, có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo Trung Quốc, Việt Nam, Cao Ly và Nhật bản. Riêng tại Việt Nam, Thiền Lâm Tế có mặt và phát triển liên tục đến nay kể cũng đã hơn bảy thế kỷ.
18/10/2010(Xem: 16398)
Đây không phải là một sáng tác. Tài liệu nhỏ này chỉ trích soạn những lời hay ý đẹp trong các bài giảng của chư Tôn Đức, sách báo của Phật giáo đã xuất bản từ trước đến nay, hệ thống lại thành một bài giảng chuyên đề. Công việc của chúng tôi là lượm lặt những bông hoa thơm đẹp để kết thành một tràng hoa đẹp. Phổ biến tập tài liệu này, ước mong nó sẽ cung cấp một vài kiến thức cần thiết cho quý vị “Tân Giảng Sư” và cũng là tài liệu nghiên cứu cho những người học Phật sơ cơ.
18/10/2010(Xem: 3446)
Tuy đức Phật không đề cập nhiều về chính trị, Ngài chỉ thuần chỉ dạy cho hàng đệ tử tu tập con đường giải thoát nhưng tất cả lời dạy của ngài đều vì lợi ích cho chư thiên và loài người.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567