Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nghi Thức Lễ Phật Trong Gia Đình Phật Tử Yếu Giải

20/06/202216:58(Xem: 2064)
Nghi Thức Lễ Phật Trong Gia Đình Phật Tử Yếu Giải

Nghi Thuc Le Phat _Tam le Vuong Hoc

Nghi Thức Lễ Phật

Trong Gia Đình Phật Tử Yếu Giải

Tâm Lễ Vương Học


***



NGHI THỨC LỄ PHẬT

 

 

Nghi: Dáng, vẻ; Thức: Khuôn phép; Lễ: Ước lệ, quy củ, mẫu mực, phép tắc trong quan hệ xã hội, như cách nói năng, đi đứng, giao thiệp, ma chay, cưới hỏi, cúng tế…

 

Nghi thức lễ Phật: Những cách thức, quy củ, phép tắc, nội dung được lập ra để lễ Phật.

 

Lễ Phật, trước tiên cần phải học thuộc lòng nghi thức của trọn khóa lễ. Kế đó là cần phải hiểu cả chữ lẫn nghĩa của kinh văn, để khi miệng đọc tụng, tâm ý cũng dễ duyên theo đó mà quán tưởng. Nhờ vậy, tâm ý trở nên yên định, bớt đi những tạp niệm lăng xăng.

 

Trước khi tìm hiểu sâu vào phần ý nghĩa của Nghi thức lễ Phật, cần hiểu sơ qua các chữ:

 

Nguyện: Mong mỏi, cầu xin. Lời cầu nguyện là lời nói lên những điều mong muốn trong lòng mình.

 

Khấn: Lời cầu nguyện được nói nho nhỏ, nói thầm, lâm râm trong miệng, để dâng lên chư Phật và chư Đại Bồ-tát trong lúc lễ Phật (thường được gọi chung là khấn nguyện).

 

Vái (hay xá): Trong khi đứng hay ngồi, hai tay chắp trước ngực. Sau đó, đưa hai bàn tay đang chắp lên ngang trán, rồi kéo hai bàn tay xuống trước ngực như cũ, cùng lúc với lưng và đầu hơi cúi về phía trước. Sau mỗi lời khấn thường vái một cái (nên được gọi chung là khấn vái).

 

Lạy: Trong tư thế đứng thẳng, hai tay chắp trước ngực. Sau đó, đưa hai bàn tay đang chắp lên ngang trán, rồi vái dài thẳng xuống, cùng lúc quỳ cả hai đầu gối xuống đất, tiếp theo, đặt hai bàn tay úp xuống mặt đất, hai cùi chỏ chạm đất, sau đó, cúi đầu xuống cho trán chạm vào bàn tay. Khi muốn đứng dậy, chống hai bàn tay xuống đất để lấy thế đứng thẳng hai chân lên, rồi chắp tay lại trước ngực như cũ. Cách lạy như vậy rất dễ dàng, đơn giản, không cầu kỳ và không cần tốn nhiều sức, rất tiện cho các buổi lễ cần phải lạy nhiều lần như Sám Hối. Cách lạy như vậy được gọi là phủ phục, đảnh lễ, đầu diện tiếp túc quy mạng lễ, hay gieo năm vóc xuống đất (năm vóc là hai đầu gối, hai cùi chỏ và trán).

 

Xướng (hay Xướng tán): Cách đọc lớn và chậm rãi những bài kệ, đoạn kinh tán dương Tam Bảo bằng giọng trang nghiêm thành kính.

 

: Điệu ngâm lớn tiếng, mạnh mẽ đầy hùng lực, với mục đích thức tỉnh “chuyển mê khai ngộ”, đưa hành giả vào sự định tâm, như cách hô thiền hay hô canh được thực hiện trước các buổi tọa thiền vào lúc sáng sớm hay chiều tối.

 

Kệ (hay Kệ tán): Cũng là một điệu ngâm với âm điệu dịu dàng ngân nga thường dùng để tán dương Tam Bảo, như kệ thỉnh Đại hồng chung mỗi sáng và tối, hay như kệ trống vào lúc sáng tinh sương, để thức tỉnh người nghe.

 

Thán: Điệu ngâm sử dụng làn hơi dài và buồn (bi ai), như để diễn tả cảnh vô thường, sớm còn tối mất. Hơi “ai” ở đây có âm điệu hơi buồn một chút, nhưng  chừng mực chứ không quá bi lụy ai oán, để giúp người phản tỉnh và dễ đi vào nội quán, thường được dùng trong các cuộc cúng tế hay tang lễ.

 

Độc (hay Tuyên đọc): là cách đọc chậm rải, rõ ràng, ngân nga ở những chỗ cuối câu như cách đọc sớ, đọc văn tế...

 

Năm thể điệu: xướng, hô, kệ, tán, độc nói trên chỉ do một người thực hiện, còn ba thể điệu: tụng, trì, niệm dưới đây thì do Đại chúng cùng đọc.


Tam le vuong hoc-2
Htr Tâm Lễ Vương Học được trao cấp Dũng tại Chùa Trúc Lâm, Sydney, Úc Châu
ngày Chủ Nhật ngày 21.03.2021





 

Tụng: Cách đọc lớn tiếng, trang nghiêm, thành kính, âm điệu trầm bổng, nhịp nhàng đều đặn theo tiếng mõ.

 

Trì (hay Trì tụng): Cách đọc nhanh, có khi ra tiếng, có khi đọc thầm, một cách liên tục và đều đặn, dùng để trì tụng các câu chân ngôn hay các bài thần chú dài.

 

Niệm: Cách đọc thành tiếng, cũng có khi niệm thầm, khi chậm khi nhanh, lúc trầm lúc bổng, danh hiệu của chư Phật và chư Đại Bồ-tát, dùng để đưa người đọc đến chỗ nhứt tâm quán tưởng, nhớ nghĩ đến công hạnh của chư Phật và chư Đại Bồ-tát.

 

Ở đây cũng cần nói thêm:

 

-       Khi lễ Phật, lạy 3 lạy. 3 lạy nầy mang ý nghĩa quy y Tam Bảo.

 

-       Trong các buổi lễ cúng, giỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ: Lễ đầu, lạy 4 lạy; lễ lần thứ hai, lạy 2 lạy; lễ lần thứ ba, lạy 2 lạy; lễ tạ (lần cuối), lạy 4 lạy.

 

-       Khi đi viếng đám tang, lúc chưa chôn hay chưa đưa đi thiêu: Nếu người mất là người xuất gia, lạy 3 lạy. Nếu là đạo hữu Cư sĩ, lạy 2 lạy (xem như còn tại thế). Nếu đã chôn hay hỏa thiêu, lạy 4 lạy. Còn nếu người mất là con cháu hay bạn bè, thì chỉ cần đứng nghiêng mình, hay xá một xá là đủ. Cần phải nhớ, là lễ ở bàn thờ Phật trước, rồi sau đó mới lạy ở bàn thờ linh.

 

-       Trong lễ chúc thọ ông bà, cha mẹ, là lễ mừng sinh nhật ông bà, cha mẹ trên 60 tuổi, lạy 2 lạy.

 

Đó là các hình thức lễ lạy. Về ý nghĩa lễ Phật, có 7 cách (Thất chủng lễ Phật), mang ý nghĩa như sau:

 

-       Ngã mạng lễ: Khi lễ lạy, trong tâm cống cao, ngã mạn, ỷ vào địa vị, tuổi tác hay kiến thức của mình. Cho nên khi lạy, bề ngoài chỉ làm bộ cho có hình thức, chứ thật ra trong lòng không thành thật và thiếu cung kính.

 

-       Cầu danh lễ (cũng gọi là Xướng họa lễ): Khi có mặt người khác thì làm ra vẻ hăng hái, để chứng tỏ mình là người tu hành siêng năng, tinh tấn, nhưng lúc chỉ có một mình thì ể oải, lười biếng, lễ lạy cho lấy có.

 

-       Thân tâm cung kính lễ: Khi lạy, ngoài thân thì ân cần, năm vóc chạm đất, trong tâm thì chỉ một lòng chí thành cung kính, tưởng nhớ đến Phật, thân tâm hợp nhất. Cách lạy như vậy được gọi là Thân tâm hiệp nhất cung kính lễ.

 

Ý nghĩa của 3 cách lạy nêu trên thuộc về Sự. Ngoài ra, còn có thêm 4 cách lạy thuộc về Lý:

 

-       Phát trí thanh tịnh lễ: Khi lễ Phật, người hành lễ thấu suốt rằng cảnh giới thanh tịnh của Phật ở ngay nơi tâm mình, nơi nào cũng là Phật địa, nơi nào cũng thanh tịnh như nhau.

 

-       Chánh quán tưởng lễ: Khi lễ Phật, người hành lễ quán tưởng đang đảnh lễ Tam Bảo nơi tự tánh của chính mình.

 

-       Biến nhập pháp giới tánh lễ: Khi đảnh lễ một vị Phật là đảnh lễ tất cả chư Phật trong mười phương. Tất cả các pháp đều không ngoài pháp giới tánh, không ngoài tâm của mình. Như câu “Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán pháp giới tánh, nhất thiết duy tâm tạo” (Nếu ai muốn hiểu được chư Phật trong ba đời, nên quán chiếu tánh của các pháp trong thế gian, tất cả đều do tâm tạo thành) – Kinh Hoa Nghiêm.

 

-       Thật tướng bình đẳng lễ: Bình đẳng nghĩa là ngang hàng, không còn phân biệt hơn kém, cao thấp. Phản nghĩa của chữ bình đẳng là sai biệt. Khi lễ Phật, người hành lễ thấy Phật nơi tự tâm (tự Phật) và vị Phật mà mình đang lạy (tha Phật) là một chứ không sai khác. Từ ý nghĩa của cách lạy nầy, mà Bồ-tát Văn Thù mới nói: “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch” (tánh lạy vốn vắng lặng, không còn phân biệt giữa người lạy, tức Năng lễ và đối tượng để lạy, tức Sở lễ).

 

Cần nói thêm: Khi xét một pháp có 10 phần cần chú ý: tánh, tướng, dụng, thể, tác, nhân, duyên, quả, báo, bản mạc cứu cánh đẳng (Thập như thị). Nhưng thường hay đề cập đến 3 phần đầu:

 

-       Lý: Tức xét về bản chất, hay còn gọi là Tánh, tức nội dung hay bản tánh bất biến ở bên trong. 

-       Sự: Tức xét về hình thể, hay còn gọi là Tướng, tức biểu hiện tướng trạng bên ngoài để thấy mà phân biệt. 

-       Lực: Tức xét về năng lực tác dụng, hay còn gọi là Dụng, tức nói đến công dụng của nó.




pdf
Nghi Thức Lễ Phật Trong Gia Đình Phật Tử Yếu Giải_Tâm Lễ Vương Học_2018


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567