Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

30.04.75 giải phóng… ai?

30/04/201504:40(Xem: 6859)
30.04.75 giải phóng… ai?
30 thang 4 nam 1975
30.04.75 giải phóng… ai?
 
Trần Thị Nhật Hưng


 

   Sau 1975, ai cũng biết, đa số người miền Bắc ồ ạt vào Nam hơn là dân miền Nam ra Bắc, ngoại trừ những nhân vật đặc biệt với công tác đặc biệt có giấy phép, còn hầu hết bị cấm, nhất là đối với thành phần “ngụy quân, ngụy quyền„ như tôi.

 

   Cho đến khoảng năm 1979 – 1980 lịnh cấm ra Bắc vẫn còn hữu hiệu, rất khó khăn, nhưng tôi, do một nhân duyên đặc biệt, bà con phía chồng cũng như nhà mình đều ở ngoài Bắc; tôi có người anh họ bên chồng sau 75 vào Sài Gòn làm cơ quan nhà nước, anh lại là trưởng đoàn trong chuyến công tác ra Bắc năm đó, tôi xin quá giang xe anh (xe tải) ra Bắc thăm chồng cải tạo.

   Cũng….mánh mung thôi, anh làm cho tôi một giấy công nhân gõ rỉ của nhà máy theo đoàn công tác ra Bắc, còn tôi…mánh khoé giả ngây thơ…cụ, làm thêm giấy vớ vẩn mục đích vin vào đó để vào trại thăm nuôi chồng tại Nghệ Tĩnh.

   Để có bạn, tôi rủ thêm chị Nga, con dâu nhà văn Hoàng Đạo (Tự Lực Văn Đoàn), cùng đi. Chị có chồng cải tạo Hà Nam Ninh, và cũng mang giấy giả mạo như tôi do người nhà tôi giúp chị.

   Chuyến xe dong duổi cả tháng trời ngoài đường như du mục từ Sài Gòn ra tới Hà Nội…. gặp đâu tắp đó. Tôi và chị trải một cuộc sống…bụi đường lẫn…bụi đời, ngủ trên những tấm ván kê trên những thùng phuy, hay lủng lẳng đu đưa trên những chiếc võng máng trên móc các thành xe.

   Dọc đường, để tiết kiệm chi phí, và cũng để tỏ lòng cám ơn cho quá giang xe, tôi và chị tình nguyện bỏ công cùng mọi người góp của, làm…chị nuôi nấu ăn cho đoàn (7 người). Tôi làm sẵn một xô dưa cải muối mang theo, thỉnh thoảng, ngoài những lúc bất đắc dĩ vào quán ăn, xe tắp vào một thị trấn, ghé chợ mua tí thịt, cà chua, củi lửa…rồi tìm một sân, vườn nhà dân xin bắt bếp nấu ăn. Bếp chỉ là ba viên gạch hoặc kiềng sắt ba chân, thế là chúng tôi có bữa cơm ngon: Một nồi canh dưa cải chua  vàng vàng lẫn màu đỏ của cà chua, tí xanh xanh của hành ngò ăn kèm với rau sống được đánh giá vô cùng sang trọng trong thời buổi gạo châu củi quế. Nói tóm lại, chúng tôi phải thích nghi mọi hoàn cảnh, tới đâu hay đó, tùy cơ ứng biến.

 
30_4 (1)

   Ra tới địa danh miền Bắc, sau khi cả tôi và chị hoàn thành xong công việc thăm nuôi chồng, cả hai tự túc đi xe lửa ra Hà Nội hẹn với đoàn tại nhà một giáo sư đại học, bà con  chị Nga. Hai chúng tôi tạm thời ở đó. Trong khi chờ đoàn xe công tác Hải Phòng, Bắc Ninh xong trở lại đón, chúng tôi lại có công tác mới do đoàn giao phó.

   Số là khi ra Bắc, để kiếm tí lời trang trải ăn tiêu cũng như mưu sinh, anh em trong đoàn có mua dừa xanh giấu ở lòng xe tải, một số khá lớn rổ rá bằng nhựa mua từ miền Nam đem ra Bắc bán. Toàn là những tay nghề bất đắc dĩ không biết làm ăn, không rành thương mại, dừa xanh không hiểu sao ra tới Bắc đã hư gần hết phải đổ đi. Rổ rá đã kềnh càng, bán chả được bao nhiêu lời, số vốn thu được, anh em nhờ tôi và chị Nga ra chợ Đông Xuân mua sẵn khoai tây từng khối lượng lớn để khi về mang vào Nam bán. Nhờ, thì hai chị em chúng tôi thực hiện. Nhưng rồi khoai tây về đến nơi, lại thúi gần hết, lại đổ!

 

Chỉ có ở Miền Bắc

 

   Suốt thời gian ở Hà Nội, trong nhà bà con chị Nga, tôi có dịp chứng kiến cuộc sống dân miền Bắc dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa.

   Vợ chồng anh chị Vĩnh, người mà chúng tôi xin tá túc, được đánh giá là thành phần trí thức của Hà Nội. Anh là giáo sư đại học, chị là giáo viên tiểu học. Anh chị được cấp một căn phòng ở tầng trệt trong căn nhà tập thể có 2 tầng. Căn nhà không lớn lắm, cũ mèm, dành cho bốn hộ. Tầng trên hai hộ, tầng dưới hai hộ.

   Căn phòng anh chị chỉ kê được một chiếc sofa nhỏ, một bàn con, vài chiếc ghế đẩu vừa tiếp khách vừa dùng ăn cơm. Anh chị bắc ván gỗ làm thêm căn gác xép, thấp lè tè làm phòng ngủ. Lên đó chỉ có thể ngồi mà không đứng được. Có khách, anh chị trải chiếu gần chỗ anh chị nằm dành cho tôi và chị Nga. Chúng tôi vô tình trung làm kỳ đà cản mũi mọi sinh hoạt riêng tư của anh chị, nhưng hoàn cảnh “gặp thời thế, thế thời phải thế„ biết làm sao. Dù lòng rất áy náy nhưng chúng tôi vẫn tỉnh bơ như…người Hà Nội, ra tới Hà Nội thì phải “vô tư„ như người Hà Nội chứ, cứ đáp xuống tự nhiên như ruồi theo nhu cầu của cuộc sống.

30_4 (3)

   Sát vách phòng anh chị là mẹ con bà Huých, hàng xóm, được ngăn bởi liếp tre. Cứ ở trên căn gác nhìn xuống và qua cái liếp tre là nghe thấy hết mọi sinh hoạt của hai mẹ con bà. Bà không làm gác.

   Một buổi sớm tinh mơ, trời miền Bắc sắp vào Xuân se se lạnh. Nằm cuộn mình trong chiếc chăn ấm, lòng nhẹ thênh thang như bay bổng, tôi lắng nghe tiếng rao hàng lanh lảnh của người Hà Nội bán rong. Tôi cảm nhận được nét sinh hoạt sống thực mà bao lâu tôi chỉ mới đọc qua trong sách vở, trong Tự Lực Văn Đoàn đến bây giờ mới thực sự được thưởng thức: “Ai bánh khúc nào?„. “Ai xôi vò nào?„. “Ai bánh cuốn nào?„…“Ai…, tiếng rao ngọt ngào tha thiết, trầm bổng mời gọi như hót dễ thương làm sao. Chỉ nghe đã thấy ruột gan lăn tăn réo gọi, thôi thúc…

   Giữa lúc, tôi và chị Nga còn nằm nướng, xeo xéo ở góc gác, vợ chồng anh chị Vĩnh đang ngủ vùi, tôi không rõ anh chị đã thức hay chưa, tôi vẫn thả hồn lắng nghe tiếng rao quà lúc gần, lúc xa văng vẳng đưa lại như nghe một điệu nhạc nhẹ nhàng, êm ái; bất chợt giọng bà Huých cất lên, cao vút phá tan giây phút êm đềm của buổi sáng: “Tiên sư bố nhà chúng nó. Cứ dòm…dòm… dòm…! Nhà bà chỉ có mỗi thằng bé, lâu lâu nó đưa bạn gái về nhà chơi. Chúng có “làm ăn„ gì thì cũng như chúng mày làm, có khác gì nào mà cứ rình mò dòm…dòm…dòm…thế?!„ Tôi giật mình đưa mắt nhìn quanh quất xem bà chửi ai. Vẫn không nghe động tịnh. Chỉ có tiếng của bà vẫn hung dữ cất lên, âm hưởng như những nốt nhạc mạnh phá tan sự yên lặng tĩnh mịch. Vẫn điệp khúc: “Tiên sư bố…„ và “dòm…dòm…dòm...„ bà lặp đi lặp lại nhiều lần dai dẳng; tuy chửi nhưng nhờ chất giọng tốt, âm điệu lên xuống trầm, bổng, có vần có điệu nghe rất ngọt ngào, nếu như người ngoại quốc không hiểu tiếng Việt có thể tưởng ai đó đang hát một bản nhạc kích động, rất lạ tai. Trong bóng tối lờ mờ, tôi chợt mỉm cười. Bỗng nhiên, có tiếng sột soạt chiếu kế bên, chị Vĩnh ngồi dậy, chĩa mặt nhìn xuống nhà hàng xóm: “Này, tôi nói cho mà biết nhá. Mới sáng sớm hãy để cho mọi người ngủ nhá. Nhà chúng tôi không rỗi hơi đi dòm con bà đâu nhá. Bà có câm mồm đi không nào?„. Lời nói của chị Vĩnh như dầu đổ thêm vào lửa, bà Huých nổi xung thiên lửa trong lòng bà ngùn ngụt bốc lên, bà chửi xối xả một hơi dài như không bao giờ dứt: “Tiên sư bố nhà chúng mày. Chúng mày hãy vễnh tai lên, cái tai dài và cao như tai lừa ấy mà nghe bà chửi đây này. Con mắt nhà chúng mày là mắt cú vọ. Cú vọ chỉ một tròng chứ mắt nhà chúng mày đến bốn tròng cơ. Các tròng ấy để mày liếc,  mày xéo, mày xiên, mày soi, mày rọi, mày chiếu vào nhà bà. Mày dòm từ hòn cát, mày liếc tới hòn than, mày rọi từng hòn sỏi, mày chiếu tới hòn gạch và soi tới cả hòn…thằng con bà… Đến lúc này tôi chưng hửng, mới biết từ nãy giờ bà chửi nhà anh chị Vĩnh khi anh chị qua nay không đụng chạm gì tới bà. Tôi chợt thở dài nghĩ tới viễn ảnh về cái “thế giới đại đồng„ được sống trong hòa bình mà nhà nước đang vẽ vời cho tương lai chúng tôi đến bao giờ mới thực hiện nổi khi hai nhà sát vách với nhau, chỉ ngăn bởi liếp tre mà không khống chửi nhau như mổ bò!

 

Nhà xí Xã Hội Chủ Nghĩa.

 

   Trước khi ra Hà Nội, tôi vô cùng háo hức, phần được thăm lang quân sau 3 năm không gặp kể từ khi chàng bị tống ra Bắc, phần nô nức thưởng thức nền văn minh XHCN như thế nào mà mỗi tối, sau giờ cơm, tôi cùng lối xóm lũ lượt “được“ nhà nước thúc hối mời đi học nếp sống văn minh mới của Xã Hội Chủ Nghĩa.

   Nhưng tới nơi, tôi chưng hửng khi chứng kiến cái nhà xí tập thể của thủ đô tại nhà anh chị Vĩnh.

   Nhà xí nhỏ như một cái chòi canh bằng gạch nằm một bên sát tường sân sau, cao tầm một chiếc bàn có hai ba tam cấp để bước lên. Một khoanh cửa nhỏ thấp lè tè phủ một tấm vải thô làm cửa vào nhà xí. Khi bước vào phải cúi gập người xuống. Mỗi khi tấm màn được vén lên để bước vào thì ruồi xanh, ruồi đen con nào con nấy to bằng móng tay cái bay tung lên tìm cách thoát ra ngoài. Bên trong, là một ụ tro lớn trải rộng chừa một cái lỗ vừa đủ để thả…bom! Hai bên có hai viên gạch để người hành sự đặt chân. Những con giòi mập ú, trắng hếu bò quanh miệng lỗ. Mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Tôi dội ngược lại, quay lưng. Nhưng rồi, không còn cách nào khác phải miễn cưỡng bước vào. Không có mục nước dành cho dội cầu. Mà nhà xí như vậy cũng không cần phải dội. Lại nữa, nước cũng không đủ cho bốn hộ tập thể sống với nhau. Phải tiết kiệm tối đa. Một cái vòi nước khiêm nhường đặt trước buồng tắm giữa lối đi song song với nhà xí, nhỏ xuống một cách yếu ớt xuống bốn cái thùng của bốn hộ xếp hàng chờ sẵn, cứ đầy thùng này thì đẩy sang thùng khác. Ai muốn tắm phải lo hứng nước trước.

30_4 (4)

   Trở lại cái nhà xí. Bên dưới cái lỗ, có một thùng lớn hứng phân nằm trong hầm cầu có một cửa nhỏ để mở đón thùng phân. Khi thùng phân đầy sẽ có ban vệ sinh đến lấy đem làm phân bón. Phố Hà Nội thỉnh thoảng vẫn gặp những chiếc xe chở phân vung vãi phân dọc đường. Phân là một trong những sản phẩm quí giá nộp cho hợp tác xã tăng thêm điểm để nhận thóc, do vậy, khi một con bò hay trâu phóng uế, người có duyên gặp thì hốt ngay bằng tay, chứ chạy về nhà tìm cuốc xẻng, chạy ra là mất.

   Một ngày, tôi thưa cùng chủ nhà và chị Nga, tìm thăm người cô ruột, em út của ba, mà tôi chưa hề biết mặt. Cô tôi ở phố Khâm Thiên Hà Nội.

   Cùng huyết thống nên dù lần đầu mới gặp, hai cô cháu cảm thấy gần gũi thân thiết nhau, nhất là cả nhà vẫn luôn nói, tôi có khuôn mặt giống cô út.

   Chồng cô là cán bộ từng du học ở Liên Xô. Cả hai được cấp một căn nhà riêng diện tích độ 30 mét vuông nằm trong khu tập thể, tên gọi “Khu tập thể đường sắt Khâm Thiên Hà Nội„. Nhà cô tôi, không chung chạ một nhà như nhà anh chị Vĩnh, nhưng giếng nước nhà vệ sinh thì phải chung với nhiều nhà trong khu.

   Dãy nhà xí gồm 4 căn cho khu tập thể nằm chính giữa một khu đất rộng, gần đó có một giếng nước chung, cách nhà cô tôi khoảng 50 mét.Từ sáng sớm tôi đã nghe tiếng lào xào của mọi người rộn ràng quanh giếng, kẻ múc nước gánh về nhà, người giặt giũ, tắm rửa… ì xèo cả lên.

   Tôi bước về hướng nhà vệ sinh. Cũng như tại nhà anh chị Vĩnh, tôi dội ngược, quay lưng. Trước mắt tôi, trên hành lang nhỏ dẫn vào nhà xí, phân rải đầy trên lối đi. Mùi nồng nặc khai thối bốc lên. Tôi bỏ về nhà cô tôi. Nhưng rồi chẳng đặng đừng, tôi vẫn phải quay trở lại, rón rén bước vô. Nhà xí lần này văn minh hơn, đúc bằng xi măng, ngồi xổm, thông thường như những nhà xí ta thường thấy.Tôi mở cửa liếc mắt nhìn qua cả bốn nhà xí để lựa chọn.  Không cái nào khá hơn. Tôi bịt mũi, nhắm mắt lại. Chao ôi, không thể tả nổi, thế giới đại đồng là đây sao? Lối sống tập thể đồng nhất là đây sao? Đúng là cha chung không ai khóc, có giếng nước gần đó, nhưng không ai…khóc cho, nên…sự thể như vậy đó.

Nhà cô tôi diện tích không lớn, nhưng để thực thi chính sách “lao động là vinh quang„ và để thêm thu nhập, cô còn nuôi heo. Hai con heo trong chuồng gần sát giường tôi và cô nằm (khi tôi tới, chồng cô…di cư nơi khác, sáng mới về, nhường giường cho tôi và cô để hai cô cháu tha hồ tâm sự. Cũng như anh chị Vĩnh cũng gởi đứa con duy nhất của anh chị về nhà ông bà nội, ngoại).

   Con heo thì ụt ịt tối ngày. Được điểm cô tôi tắm rửa heo và chuồng sạch sẽ nên không nghe mùi hôi lắm. Và tiếng ụt ịt của heo lại là “tiếng hát ru„ ru tôi vào giấc ngủ…hãi hùng khi nghĩ về  cái “thế  giới đại đồng„ mà tôi cũng như người miền Nam sắp sửa đón nhận!

 

Phố xá Hà Nội

 

   Niềm háo hức nữa khi ra Hà Nội để được ngắm “36 phố phường„ của Thạch Lam với những quán ăn Hà Nội từng được mệnh danh “đệ nhất Bắc Hà„ mà Thạch Lam còn khẳng định... xém là đệ nhất Đông Dương; và những cô gái Hà thành thanh lịch trong tưởng tượng qua sách vở. Nhưng trước mắt tôi, quán ăn đâu không thấy, chỉ toàn là những căn nhà nhỏ hẹp, tối tăm dường như đã nhiều năm không sơn phết. Vài tiệm bán tạp hoá lèo tèo vài thứ gia dụng. Nếu qui bởi chiến tranh, không hẳn, mà bởi chính sách khắc nghiệt kìm hãm sức sống và bước tiến của con người đã để lại lối sống u buồn hẩm hiu như thế. Những người đẹp Hà thành cũng chẳng thấy đâu. Không có cảnh “dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước áo quần như nêm„. Trên đường toàn xe đạp, lâu lâu mới thấy bóng dáng vài chiếc honda mang từ Nam ra Bắc lướt qua. Họ đâu rồi? Sao vắng bóng? Không phải họ không đẹp, vì với thời tiết mát lạnh của xứ Bắc, các cô, các bà đều có làn da tươi hồng mịn màng tự nhiên, dù không chau chuốt không son phấn, chỉ tiếc là, như thành ngữ Việt Nam có câu “Người đẹp vì lụa. Lúa tốt vì phân„. Còn họ, hàng loạt với những chiếc áo cộc (tập thể mà!) màu trắng hay xanh lơ, cổ bẻ với chiếc quần vải đen, tóc hầu hết thắt bín, không một ai mặc áo dài (áo dài như trong Nam, với hai tà áo dư thừa bị kết  án là phí phạm là tư sản) thì làm sao bắt mắt được. Đã thế sự dinh dưỡng không đầy đủ, còn phải “lao động để có vinh quang„ nên chiều cao đa số rất khiêm nhường.

   Một ngày, có dịp cả đoàn đi dạo phố, gặp một người ngoại quốc, anh họ tôi nhắc nhở: “Đừng đến gần họ, sẽ bị qui là CIA, công an đến còng tay„. Anh còn nói thêm: “Ra đây, muốn yên thân, nên câm mồm là thượng sách„.“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi! „Tôi nói thầm vậy, vì trong Nam sau 75,  tôi đã được gia đình căn dặn: “Có tai như điếc, có mắt như mù, có miệng như câm.

   Trên đường trở về Nam, chị Nga thủ thỉ với tôi: “Thiên đường Cộng Sản là vậy sao? Đời sống như thế mà “giải phóng„ miền Nam trù phú  nghe sao nghịch lý quá! Đúng là một cuộc chiến chén kiểu đụng chén sành! Thà ở trong Nam như mình bị “Mỹ Ngụy kềm kẹp” vẫn sướng hơn!

   Ngày nay, sau 40 năm, thực tế trước mắt đã chứng minh, với nếp sống đổi mới y chang như tư bản, như miền Nam là câu trả lời hùng hồn nhất: 30.04.75 không thể dùng danh xưng là ngày giải phóng miền Nam - vì rõ ràng bây giờ ai ai cũng thích vào Nam cũng chạy theo Mỹ, hãnh diện khi đưa con và gia đình qua Mỹ hay các nước tư bản. Nói nom na là thích “Mỹ Ngụy kềm kẹp„ hơn là bị cộng sản kìm hãm - thì 30.04.75 mới chính là đã giải phóng…miền Bắc ra khỏi cuộc sống tối tăm hay rõ hơn  cả dân tộc ra khỏi ách nô lệ kềm kẹp của chủ nghĩa Cộng Sản. Có trải nghiệm được cuộc sống của hai miền nhất là chứng kiến đời sống ở miền Bắc như tôi vừa kể mới “sáng mắt sáng lòng„ để nhận ra điều đó.

 30_4 (2)

   Cuối cùng, một câu hỏi đặt ra, chủ thuyết ngoại lai cộng sản đem về áp đặt cho VN tạo cuộc nội chiến dai dẵng “nồi da, xáo thịt„ anh em tương tàn với biết bao đau thương đoạn trường được kết thúc với ngày 30.04.75 hy sinh hằng triệu người của hai miền Nam - Bắc có cần thiết không cho nhân dân Việt Nam?

   Riêng tôi, nếu tôi ví, miền Bắc là bố, miền Nam là mẹ, nhân dân hai miền là con. Khi cha mẹ bất đồng ý kiến chửi nhau, đánh nhau, chém giết nhau, tranh nhau từng đứa con cho mình. Ai khổ? Chúng con (nhân dân) khổ, thưa các bố, các mẹ ạ!!! Xin hãy thương chúng con!!! Xin hãy nghĩ đến và chăm lo mái ấm gia đình của chúng ta (dân tộc), đừng nghe lời xúi dại của người ngoài rồi “cõng rắn cắn gà nhà„ tội nghiệp chúng con lắm huhuhuhuhu….!

Xin chào các bạn. Chúc các bạn một ngày vui.

 

Trần thị Nhật Hưng

2015

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/08/2010(Xem: 6848)
Không giống những tôn giáo khác và những lý thuyết hiện đại về kinh tế học, đạo Phật cho rằng kinh tế học gắn liền với đạo đức học và lý thuyết về hành vi (kamma). Mặc dù nhiều nhà kinh tế xem kinh tế học là một khoa học “tích cực” của một loại hiện tượng xã hội, nhưng dưới cái nhìn của đạo Phật, kinh tế học có quan hệ đặc biệt với đạo đức học. Lý thuyết kinh tế học của đạo Phật nhấn mạnh quan điểm về sự chủ tâm (cetan(, tác ý) trong việc giải thích tư cách đạo đức con người. Trong bài này, tác giả cố gắng giải thích vài khái niệm quan trọng trong kinh tế học như đã được mô tả trong kinh điển đạo Phật để cho thấy rằng đạo đức học đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế học và do đó có một tầm quan trọng lớn đối với kinh tế học và ngược lại.
28/08/2010(Xem: 4022)
Để đánh dấu sự hoàn thành Trung Tâm Giáo Dục Phật Giáo Thế Giới của Pháp Cổ Sơn, Hoà thượng Thích Thánh Nghiêm, 76 tuổi, bạn học đồng trường sau khoá với HT. Thích Trí Quảng tại đại học Rissho, Nhật Bản, đã có sáng kiến tổ chức ba toạ đàm quốc tế vào ngày 20 và 22-10-05, với chủ đề: “Từ Nội Tâm đến Nhãn Quan Toàn Cầu.”
28/08/2010(Xem: 4886)
Tình cờ tôi thấy trong thư viện đại học Wisconsin-Madison bài "The Buddhist Approach to Education", đăng trong tờ Vạn Hạnh cách đây hơn hai mươi năm của Giáo Sư Đoàn Viét Hoạt. Nhận thấy đây là một bài viết đặc sắc nói lên trung thực phần nào thực chất Phật Giáo và quan niệm giáo dục của Phật Giáo cho nên tôi dịch ra tiếng Việt để cống hién quý độc giả; và cũng để ghi nhận sự đóng góp cho Phật Giáo của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt trong vấn đề giải hoặc một số ngộ nhận về Phật Giáo mà vì lẽ nào đó đã kéo dài trong tâm cảnh ngay cả những lãnh tụ "tôn giáo bạn" cho tới tận ngày nay.
27/08/2010(Xem: 6195)
Đạo Phật, đạo của từ bi và trí tuệ, luôn luôn tôn trọng và đề cao cuộc sống của tất cả chúng hữu tình. Đức Phật xuất hiện trên thế gian này vì muốn mang hoà bình và hạnh phúc đến cho chư thiên và loài người. Thực vậy, từ xưa đến nay, Đạo Phật đã không bao giờ đem khổ đau cho bất cứ ai. Đạo Phật chỉ đưa ra con đường chuyển hoá đau khổ cho những ai có tâm tìm hiểu và mong muốn để đạt đến con đường đó. Đó là lời mở đầu của Sư cô Thích nữ Giới Hương trong buổi hội thảo về Quan điểm của Phật giáo về án tử hình tại chùa Phước Hậu Milwaukee ngày 28-10-2006.
27/08/2010(Xem: 3889)
Tôi được biết hiện nay có ít nhất là hai đoàn thể cư sĩ Phật giáo tại Hoa Kỳ người Việt và người bản xứ, tự xưng là Tăng đoàn Phật giáo mặc dầu không có một vị Tăng hay Ni nào trong tổ chức. Họ tự gọi là “Tăng thân” gì đó (không liên hệ gì đến giáo hội Làng Mai), hoạt động độc lập, tự tổ chức các khoá tu học, giảng đạo lý, hành thiền. Họ không thuộc bất kỳ một tổ chức giáo hội hay tự viện nào. Vậy xin hỏi quý ban biên tập tăng đoàn là gì và một tập hợp cư sĩ có thể là một tăng đoàn không?
27/08/2010(Xem: 3620)
Tôi là một Ni sinh, hiện đang học Trường TCPH TP.HCM. Trước đây, khi học xong chương trình phổ thông, huynh đệ và bạn bè đều khuyên thi đại học (các trường đại học bên ngoài) nhưng tôi nghĩ học đạo ở các trường Phật học là đủ rồi nên vẫn giữ quyết định của mình. Đến nay, được tin sư chị thi đậu đại học thì vừa mừng cho chị ấy, vừa cảm thấy tủi cho bản thân mình. Đôi khi, trong lòng cũng gợn buồn vì huynh đệ và gia đình có phần xem tôi là người thất bại trong chuyện học hành. Trong bối cảnh các Tăng Ni trẻ hiện nay học hành tất bật ở cả trường đạo lẫn trường đời, cả trong nước lẫn ngoài nước khiến tôi phân vân không biết quyết định trước đây của mình là đúng hay sai?
27/08/2010(Xem: 4832)
Bạn tôi là Phật tử và đã trót lỡ lầm mang thai với người yêu. Sau khi sự việc xảy ra, người yêu của bạn ấy đã chối bỏ trách nhiệm, còn gia đình thì giận dữ xua đuổi. Quá đau khổ và không biết chia sẻ cùng ai nên bạn ấy đã quyết định trút bỏ giọt máu của mình (thai nhi đã trên 1 tháng tuổi). Giờ đây, bạn ấy rất đau khổ, bị dằn vặt về việc làm của mình, bạn ấy mong muốn được sám hối. Xin quý Báo cho biết quan điểm của Phật giáo về tội lỗi phá thai và chỉ cho bạn ấy phương cách sám hối cùng những lời sẻ chia.
27/08/2010(Xem: 4630)
Tôi là Phật tử thường tham gia tu tập Bát quan trai. Tôi được biết trong giới luật nhà Phật có giới cấm không được ca hát và xem nghe. Tuy nhiên, tôi nhận thấy các chùa vẫn thường tổ chức văn nghệ, các Phật tử và chư Tăng cũng hay ca hát đạo ca trong các khóa tu và những dịp lễ. Vậy điều đó có mâu thuẫn không? Nếu không thì nên phát huy vì đạo ca làm cho người nghe nhớ mãi lời Phật dạy.
27/08/2010(Xem: 4221)
An tử, hay “cái chết êm đềm” được thực hiện bằng “máy tự tử” do bác sĩ Jack Kevorkian, chuyên nghiên cứu bệnh học tại nhiều bệnh viện khác nhau ở California và Michigan, thiết kế năm 1989 dưới tên gọi “mercitron”. Máy này nhằm giúp những người mắc bệnh nan y không còn cơ hội chạy chữa, chỉ còn sống lại những ngày tháng “chờ chết” trong đau đớn tột cùng được chết theo ý nguyện của họ, một cái chết “nhanh chóng, nhẹ nhàng” hơn là phải sống trong nỗi khổ đau giày vò triền miên.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567