Lời Tri Ân Pháp khi
nghe lại Pháp Thoại “Yếu Chỉ Kinh Hoa Nghiêm”
( được TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng online ngày 25/7/2020)
Lời tri ân đến TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng :
Kính bạch Thầy vào những năm 2012-2014 những bài giảng về kinh Hoa Nghiêm từ HT Tuyên Hóa đã được phổ biến khắp nơi và việc ấn tống kinh sách này cũng phổ biến rộng rãi và con đã có những tập sách nhỏ mỗi phẩm như Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Địa, Thập Hồi Hướng cùng Phẩm Tịnh Hạnh, Phẩm Hiền Thủ và Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện đồng thời các bài giảng của HT Thích Trí Quảng, Thích Thanh Từ, hoặc 2 bộ Bồ Tát Đạo hay Con Đường Lý Tưởng của cụ Minh Đức Thanh Lương về Nhập Pháp Giới của Thiện Tài Đồng Tử ....con cũng đã nghe đi nghe lại nhiều lần và biên chép thế nhưng chưa bao giờ con hiểu rõ như lúc này ...
Nhưng không hiểu tại sao chính lúc này con mới nhận ra rằng .... đây mới thật là đúng thời và đúng lúc cho trình độ học pháp của con sau khi đã nghe đi nghe lại chú giải của tất cả 26 phẩm trong Kinh Pháp Cú nhất là Phẩm Tự Ngã và Phẩm Ngàn để biết rằng giá trị cuộc sống ta muốn được tốt hơn mỗi ngày không gì bằng nghe pháp và ứng dụng lời dạy của Đức Phật với một tác ý khôn khéo để sửa Tâm và chữa Thân qua sự buông bỏ (không cố chấp và bám víu ).
Và phải chăng đợi đến hôm nay con mới có thể trình pháp một cách rất tự tin với những mình đã thọ nhận mà không vội vàng trình pháp vào năm 2020.
Âu cũng là một phước duyên để con có thể tập tánh nhẫn nại và kiên trì tu tập hơn nên đã tiến bộ thật nhiều so với trình độ sơ cơ lại đầy sở tri chướng của ngày ấy....nên khồng thể nào hiểu trọn vẹn những gì Thầy muốn truyền trao dù rằng vào thời điểm ấy Thầy đang dạy 108 câu đảnh lễ được biên soạn từ HT Thích Trí Thủ và bài pháp thoại nầy được bắt đầu với ... Nam Mô Đại Phương Đẳng Hoa Nghiêm Kinh
Nam Mô Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát
Nam Mô Hoa Nghiêm Vô Lượng Thánh Hiền .
Kính bạch Thầy, thật diệu kỳ hơn nữa khi nghe lại bài pháp thoại Yếu Chỉ Kinh Hoa Nghiêm lần này con mới chợt nhận ra những điều con muốn tìm hiểu trong vài tháng gần đây về Phật lịch thật sự được tính thế nào, thì ra đã được Giảng Sư nhắc đến trong bài pháp thoại này từ hơn năm trước thế mà thưở ấy con nào có lưu ý gì ( về Phật lịch thực sự đã bị mất đi 45 năm) và 10 pháp thân của một Đức Phật trong đó Quốc Độ thân ...phải đợi đến khi nghe được bài thơ “Tin Xuân “ của HT Giới Đức tuần qua trên YouTube con mới cảm nhận được:
Con bướm nhỏ qua vườn vui nắng sớm
Ngắm vô cùng đất nở nụ cười hoa
Ngày chợt đến xóa tan màn đêm lận đận
Cây trái lành phơi phới những tình ta
Hoa quá nhỏ mắt người không thấy được
Đã bao ngày mài miệt diệt tình thi
Đời một thoáng dâng vào lòng vĩnh cửu
Vẫn vô cùng, vĩnh cửu bóng mùa đi
Cọng cỏ mơn man xanh đùa vui sương nước
Lòng mênh mông chìm và lắng rất xa
Quên mai mốt chỉ bây giờ là thật
Hạnh phúc này rất nhỏ lại quá đỗi bao la
(MĐTTA)
Quả thật con đang thọ nhận ... một hạnh phúc rất bao la từ sự nghe pháp ....
Kính đa tạ Thầy đã giới thiệu 14 lời vàng của HT Thích Trí Tịnh (1916-2014 ) một Bồ Tát thị hiện đã mang kho tàng kinh các đến với Phật Tử VN trong và ngoài nước nhưng cuối cùng di chúc để lại cho đời chỉ vỏn vẹn 14 lời vàng này lại là Kim Chỉ Nam cho những ai muốn tu tập giải thoát ( LÀM LÀNH-LÁNH DỮ-THƯƠNG NGƯỜI- THƯƠNG VẬT-ĂN CHAY-NIỆM PHẬT -TỤNG KINH ) và Bộ Toàn tập Kinh Hoa Nghiêm 4 quyển cũng như Ngũ Kinh Tịnh Độ mà Ngài đã thọ trì hằng ngày từ A lại da thức khởi phát.
Nhờ có được những bộ kinh quý báu của Ngài mà sau khi nghe bài giảng của Thầy con đã nghiên cứu kỹ thật kỹ những tài liệu đã học từ trước và phối hợp với những gì đã được nghe rất tuyệt vời để có thể trình pháp như sau:
Kinh Hoa Nghiêm là một bộ kinh Đại Thừa nhấn mạnh với tánh Vô Ngại của mọi sự vật mà trong đó vạn pháp do tâm sinh, tâm là thực thể của vạn pháp.
Tâm vọng thì vạn pháp hiện hình hình sắc sắc , trùng trùng duyên khởi
Tâm chân thì pháp giới và Tâm là một vạn pháp đồng nhất
Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chân lý , thông suốt pháp giới thể nhập bất tử.
Chính vì Kinh Hoa Nghiêm thuộc lãnh vực xứng tánh bất tư nghì giải thoát, mỗi lời đều lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng nên còn có tên là ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG PHẬT HOA NGHIÊM KINH với tên tiếng Phạn là Avatamsaka Sutra có nghĩa là : Đây là đóa hoa thanh khiết đẹp nhất trần gian, tỏa hương ngát khắp mười phương cõi giới . Đây là bộ kinh có nội dung siêu việt, tuyệt luân, tráng lệ nguy nga thể hiện được pháp thân, tư tưởng cũng như tâm nguyện của Phật sau ngày thành đạo dưới cội bồ đề . Có thể nói toàn bộ Giáo- Lý- Hạnh – Quả nơi đây đèu dung thông vô ngại nên cũng gọi là Vô Ngại Pháp GIới .
Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật
A Hàm thập nhị phương đẳng bát
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm
Pháp Hoa Niết Bàn cộng bát niên
Con đã được biết rằng Đức Phật trong đêm thành đạo Ngài đã đi sâu vào Thiền Định , chứng đắc Tam Minh , Ngài biết được toàn bộ kiếp mình trong quá khứ, thấy sự tiến hóa của Pháp là bắt nguồn từ ngũ ấm, tiến tới quốc độ, tựu thành chúng sanh . Từ thân con người Ngài từng trải qua cách tu khổ hạnh, Thanh văn, rồi tu hành quán pháp nhân duyên theo Duyên Giác và sau cùng Ngài hành Bồ Tát Đạo cứu độ chúng sanh , chứng Như Lai thân viên mãn bừng sáng trí tuệ tức là Trí thân, Phật đã sử dụng Trí thân để quan sát muôn pháp, thấy chúng sanh đều chung gốc ngũ uẩn mà sinh ra trong đó có Ngài ( nhưng với trí tuệ thấu rõ cội nguồn của các Pháp)để rồi nhập vào Hư Không thân và Thanh Tịnh Thân gọi là Tỳ Lô Giá Na . Điều này đã được Giảng Sư giải thích rõ khi nhắc đến phẩm 39 Nhập Pháp Giới mà Thiện tài đồng tử đã đại diện cho tất cả chúng ta.
Theo đó con đã hiểu thêm rằng với Phật, Pháp giới chính là mình.., kinh là Pháp thân, là bao hàm muôn loài và điều khiển vạn vật theo tri giác viên mãn và thường gọi là Phổ Quang Minh Chiếu và Đức Phật đã thành đạo đạt đến quả Vô Thượng Đẳng Giác trang nghiêm bằng Trí Thân, Pháp thân nên với ngoại giới Ngài không bị thiên nhiên xã hội chi phối, và nội giới Ngài cũng không bị lệ thuộc bởi tham vọng tình cảm, Ngài hoàn toàn tự tại giải thoát trước mọi sự .
Nói đến kinh Hoa Nghiêm hẳn người học đã nghe đến 4 pháp giới mà Giảng Sư đã trình bày rõ ràng như sau :
-Sự pháp giới ( các pháp mà ta có thể sờ mó thuộc Sắc và Tâm mỗi mỗi sai biệt có giới hạn)
-Lý pháp giới ( các pháp sắc tâm của chúng sanh dù có sai biệt nhưng đồng một thể tánh ẩn tàng bên trong )
-Lý Sự vô ngại pháp giới (sự hiển bày lý ẩn tàng nhưng khi chúng ta thể nhập được lý tánh thì sẽ không còn ngăn che nữa)
-Sự vô ngại pháp Giới ( những giới hạn sai biệt với tự tánh được dung thông với nhau , không còn sự ngăn che ...Tất cả là một, một là tất cả , trùng trùng duyên khởi.
Tuy bài giảng chỉ kéo dài hơn 1:38 phút và với 141 kệ được Giảng Sư đọc từ phẩm Tịnh Hạnh trong Kinh Hoa Nghiêm mà sau này Ngài Vân Thể Châu Hoằng đã nương theo đấy để soạn Tỳ Ni Nhật Dụng dành cho các Sa di và Sa Di ni khi nhập môn được Thầy Bổn sư cho học thuộc nhằm ngụ ý trong mỗi sinh hoạt hằng ngày của chúng ta đều phải cầu nguyện cho chúng sinh tìm về nẻo giải thoát, đạo tối thượng và diệt trừ được ái dục ...người nghe pháp thoại thấy được hướng về.
Kính tán dương trí nhớ của Thầy về tên 40 phẩm đã được thuyết trong 9 hội và tại 7 nơi mà sau Pháp thoại con phải ghi chép từ kinh sách của HT Thích trí Tịnh như sau :
1/ Hội thứ nhất tại Bồ đề đạo tràng
2/ Hội thứ hai tại Phổ quang điện
3/ Hội thứ ba tại Đao lợi thiên
4/ Hội thứ tư tại Dạ ma thiên
5 / Hội thứ năm tại Đâu suất thiên
6/ Hội thứ sáu tại Tha hóa thiên
7/ Hội thứ bảy tại Tam thiền thiên ( thuộc Phổ Quang Minh Điện
8/ Hội thứ tám tại Phổ Quang Điện
9/ Hội thứ chín Phẩm Nhập Pháp Giới tại rừng Thệ Đà (khu mộ phần nơi an trí xương cốt người chết )
Rời cội Bồ Đề, cửu Thệ Đà
Ba, bốn Đao Lợi cùng Dạ Ma
Điện Phổ Quang Minh hai,bảy, tám
Tha hóa, Đau Suất sáu, năm được diễn ra
Kính đa tạ Giảng Sư trong phần Quốc Độ thân đã dẫn chứng hai đại đệ tử của Tổ Quy Sơn Linh Hựu là Thiền Sư Linh Vân đã ngộ đạo khi nhìn thấy hoa đào nở ....
Tam thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ hồi lạc diệp kỷ sưu chi
Tự tùng nhất kiến đao hoa hậu
Trực chỉ như kim bất cánh nghi
Nghĩa Việt:
Ba mươi năm qua tìm kiếm khách
Đã bao lần lá rụng với cành trơ
Một lần chợt thấy hoa đào nở
Cho đến rằng nay hết cả ngờ
Thiền Sư Hương Nghiêm từng tu học với Tổ Bách Trượng mà chưa ngộ sau khi Tổ viên tịch liền đến Ngài Quy Sơn mà vẫn chưa ngộ.... chán nản vào rừng.. bổng một hôm nghe tiếng hòn sỏi chạm vào bụi trúc :
Một tiếng quên sở tri
Chẳng cần phải tu trì
Đổi sắc bày đường xưa
Chẳng rơi cơ lặng yên
Nơi nơi không dấu vết
Oai nghi ngoài sắc thanh
Những người bậc đạt đạo
Đều gọi thượng thượng cơ
Lời Kết :
Thật là đại thượng duyên cho những ai tập được thói quen lắng nghe Phật Pháp với tất cả chú tâm và đam mê thích thú và lại được tiếp nhận những dòng pháp nhũ ban phát từ những giảng sư biện tài nhạo thuyết . Chắc hăn sau mỗi bài pháp thoại một niềm hạnh phúc sẽ lan tỏa khắp châu thân và có thế nói khó tìm thấy niềm hạnh phúc nào đến được từ bất cứ vật chất hay những giải trí bên ngoài .
Trộm nghĩ với 5 lợi ích của người nghe pháp thường xuyên như ( 1- Nghe những điều chưa từng nghe, 2-Bổ sung , củng cố thêm cho những điều đã nghe, 3-Chấm dứt hoang mang, nghi hoặc, ngờ vực, 4-Hỗ trợ cho chánh kiến , 5- Có được niềm vui trong chánh pháp ) thì bài pháp thoại hôm nay phải được rating với 5 ***** vi sao vậy ?
Xin thưa vì Giáo Pháp Kinh Hoa Nghiêm được trình bày dưới dạng Pháp Thân ( Tam Thân ) rất khó hiểu chỉ những vị Bồ Tát mới lĩnh hội được . Trong kinh này Đức Phật chỉ cho chúng sinh thấu rõ cội nguồn của mọi sự vật hiện tượng đều do vọng tưởng nghiệp duyên mà thành, chúng đến từ trùng trùng duyên khởi và tất cả các pháp nhất thiết duy tâm tạo
Tâm trùm khắp pháp giới, một trong tất cả tất cả là một. Đó là thể tính vô ngại của Tâm, riêng Chân tâm thâu suốt vạn pháp hữu tình và vô tình lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng, xứng tánh bất khả tư nghì giải thoát làm Thể và phải hành như Thiện tài đồng tử để rồi rốt ráo phải tu tập theo 10 hạnh nguyện của Phổ Hiền Bồ Tát ....thì đã đạt được phần nào yếu nghĩa Kinh Hoa Nghiêm mà Giảng Sư đã truyền trao hôm nay .
Kính đa tạ Giảng Sư với vài dòng thơ tri ân khi lãnh hội bài pháp thoại quá tuyệt vời này,
Hạnh phúc thay ....nhiều lần nghe Hoa Nghiêm Kinh yếu chỉ.
Nội dung bài pháp thoại siêu tuyệt thấm nhuần
Hình ảnh Đức Phật qua mười loại thân
Được tổng hợp tuần tự thành Tỳ Lô Giá Na Phật!
Thật tuyệt vời ...khám phá Pháp phương tiện và Chân Thật!
Như Lai không từ đâu đến và chẳng về đâu
Kính đa tạ Giảng Sư ...bao ý niệm huyền diệu cao sâu
Kết hợp lý bất nhị từ Trí để vào Hư Không Tạng!
Sự sự vô ngại Pháp giới dung thông còn chi sai biệt giới hạn,
Thâm nhập lời truyền trao niềm vui nhỏ hân hoan
Tự mình nhủ thầm tri ấn Pháp ...phải thế nào
Nguyện chia sẻ những gì thọ nhận khi trình pháp !
Nam Mô Hoa Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát Ma Ha Tát .
Melbourne 6 /2/2022
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ
Bạch Sư Phụ, hôm nay con được nghe lại bài Sư Phụ giảng, Yếu chỉ kính Hoa Nghiêm.
Dạ bạch Sư Phụ, tựa đề bài giảng khiến con không thể không nghe lại, vì kinh Hoa Nghiêm là kinh tương đối khó hiểu, và được nghe Sư Phụ giảng (ngày 25/7/2020) con còn rất sơ cơ về Phật pháp và đến nay sau hơn 12 tháng được Sư Phụ hết lòng giảng dạy trao truyền Phật pháp, con đã được thâm hiểu chút ít giáo lý nên con xin phép Sư Phụ cho con nghe lại và kính trình Sư Phụ.
Bạch Sư Phụ, kinh Hoa Nghiêm là một trong những kinh pháp quan trọng được Đức Thế Tôn giảng thuyết đầu tiên sau khi Ngài chứng ngộ.
Nam Mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh.
Kinh Hoa Nghiêm được Đức Phật giảng trong 21 ngày sau khi thành đạo vào năm 589 trước Tây lịch qua bài kệ:
"Hoa Nghiêm tối sơ tam thất nhật
A Hàm thập nhị, Phương Đẳng bát,
Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm,
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng bát niên".
Có nghĩa là:
“Trước nói Hoa Nghiêm hăm mốt ngày
A-Hàm mười hai, Phương Đẳng tám
Hai mươi hai năm nói Kinh Bát Nhã
Pháp Hoa Niết Bàn cộng tám năm”.
Năm 29 tuổi, Ngài vượt Thành Ca Tỳ La Vệ, qua sông Anoma đi tìm chân lý. Sau sáu năm khổ hạnh trong chốn rừng già, Ngài từ bỏ năm anh em Kiều Trần Như, Ngài đến ngồi tham thiền dưới cây Tất Đát La và thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề năm 589 trước Tây lịch và Ngài tuyên thuyết Kinh Hoa Nghiêm, bài kinh đầu tiên.
Ngay sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, Ngài giảng kinh Hoa Nghiêm trong thiền định cho chư vị Bồ Tát trong 21 ngày tại 9 nơi, Bồ Đề Đạo Tràng, Quang Minh Điện, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Xuất, trời Tha Hoá tự tại, trời Phổ Quang, trời Minh Điện và rừng Thệ Đa.
Những nơi khác Ngài phân thân nói pháp và những bản kinh được kết tập bằng tiếng Phạn xuất hiện trong thời tổ sư Long Thọ.
Sau 600 năm Phật nhập Niết Bàn, những bản kinh được truyền đến Trung Hoa và Việt Nam.
Hoà Thượng Trí Tịnh Việt dịch kinh Pháp Hoa năm 1957, kinh Hoa Nghiêm 1964, lúc Phật giáo gặp khó khăn, Hoà Thượng phải tuyệt thực.
Lúc Hoà Thượng còn sanh tiền, Sư Phụ có được Trí Tịnh toàn tập, năm 2010, gồm 4 quyển, 1000 trang. Hoà Thượng sanh năm 1917 tại Sa Đéc, mất năm 2014, trụ thế 98 năm, Ngài tu tập theo pháp môn Tịnh Độ, để lại tàng kinh các ở Việt Nam.
Cốt tủy của kinh Hoa Nghiêm là bốn pháp giới tánh. Phẩm Nhập Pháp Giới nói về Thiện Tài Đồng Tử đi học pháp với 53 vị Thầy trong đó có Bồ Tát Văn Thù, Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Di Lặc, cuối cùng theo Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền và đạt được giải thoát và giác ngộ.
Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện được Hoà Thượng Trí Tịnh khuyên phải thọ trì đọc tụng và áp dụng.
Hoà Thượng tụng thuộc lòng mỗi ngày. Đây là một bản trong ngũ kinh Tịnh Độ mà chính bản thân Hòa Thượng tụng thuộc lòng mỗi ngày, Sư phụ cũng cho biết Tu Viện Quảng Đức đã ấn tống Ngũ Kinh Tịnh Độ này rồi:
1/Kinh A Di Đà
2/Phẩm Phương Tiện (Kinh Pháp Hoa)
3/Phẩm Phổ Môn (Kinh Pháp Hoa)
4/Kinh Kim Cang Bát Nhã
5/Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện (Kinh Hoa Nghiêm)
Hoà Thượng đã đưa Ngũ Kinh Tịnh Độ này vào trong A lại da thức, và khi ngồi xuống thì từ trong A lại Dạ thức tuôn ra thôi trong suốt 2 giờ. Tụng kinh là đọc thuộc lòng, còn cầm quyển kinh mà tụng thì không phải là tụng kinh mà chỉ là đọc kinh mà thôi. Con nghĩ Hoà Thượng là Bồ Tát xuất hiện ở VN để giáo hóa chúng sanh. Sư phụ luôn cảm động khi nhắc đến Hòa Thượng Trí Tịnh và 14 chữ vàng của Ngài để lại cho đời trước khi Ngài viên tịch: “ Làm Lành, Lánh Dữ, Thương người, Thương vật, Ăn Chay, Niệm Phật, Tụng Kinh”. Con xin khắc cốt ghi tâm lời dạy này của Hòa Thượng.
Bốn pháp giới tánh cốt tủy của kinh Hoa Nghiêm gồm:
1- sự pháp giới, là các pháp thấy và xúc chạm được.
2- lý pháp giới là các pháp của chúng sanh
3- lý sự vô ngại
4- sự thể vô ngại, sự là hiển lộ ra ngoài, lý là ẩn bên trong, không có ngăn che chướng ngại, dung thông với nhau.
Bốn pháp giới phải có mười thân Như Lai:
1- ngũ uẩn thân , đất nước gió lửa, thọ tưởng hành thức. Đức Phật nơi Bồ Đề Đạo Tràng, trên núi Linh Thứu để nói pháp, thân ngũ uẩn của Ngài không bị đói khát nóng lạnh, chỉ là thị hiện.
Sự thị hiện này được giải thích cùng sự thị hiện của Thiển Sư Khuy Cơ ngồi 1000 năm trên núi chờ Phật ra đời, thân Ngài không tan rả, không đói khát, không bị ngũ uẩn chi phối nhờ vào đại định. Pháp hỷ thực và thiền duyệt thực giúp duy trì thân ngũ uẩn của Ngài Khuy Cơ.
2- quốc độ thân là cỏ cây hoa lá, chim nói pháp, lá cây phát ra pháp âm vi diệu, sự thị hiện này được biểu lộ trong trường hợp thiền sư Linh Vân ngộ đạo khi thấy hoa đào nở, hoa đào là quốc độ thân của Phật.
Thiền sư Quy Sơn có hai đệ tử, Hương Nghiêm và Linh Vân ngộ đạo qua pháp thân Như Lai. Thiền sư Hương Nghiêm nghe tiếng sáo trúc trong lúc Ngài cuốc đất trúng viên sõi văng vào bụi trúc làm phát ra âm thanh, Ngài hoát nhiên đại ngộ. Sơn kim đại địa, cỏ cây hoa lá là quốc độ thân Như Lai đang nói pháp, chúng sanh vì bị nghiệp chướng che mờ nên không nghe được pháp thân vì diệu của Như Lai.
3- chúng sanh thân, con ve con kiến bụi gai hầm hố, tất cả sự đau khổ của hữu tình và vô tình đều là pháp thân Như Lai, vì tất cả xấu tốt khổ vui đối với Như Lai đều bình đẳng sự sự vô ngại.
4- thanh văn thân, chư tôn Đức, Tăng Ni đại diện cho Như Lai để hoá độ quần sanh.
5- Duyên Giác thân.
6- Bồ Tát thân, ẩn cư trên núi, Bồ tát tại gia đi vào đời đem pháp Phật để hoá độ.
7- Như Lai thân
8- Trí thân
9- hư không thân
10-thanh tịnh thân
Tất cả thân, về sự là thân của Như Lai, về lý là thân của chúng sanh hàm tàng cả đầy đủ 10 thân trên. Kinh Hoa Nghiêm là nói cho tất cả chúng sanh vạn loài, ai có đủ duyên thì sẽ thấm nhập và áp dụng nghĩa lý của kinh, phát Bồ Đề Tâm để loại bỏ phiền não khổ đau.
Bồ Đề Tâm gồm có:
1- trực tâm, mở tâm trực chỉ giải thoát và giác ngộ.
2-thâm tâm, dùng trí tuệ, Chánh kiến, áp dụng đào luyện nội tâm đi vào thể tánh tam bảo.
3- đại bi tâm, tứ vô lượng tâm, từ bi hỷ xã.
Đức Thế Tôn giao Thiện Tài đồng tử cho ngài Phổ Hiền để tu tập đạt tới giác ngộ và giải thoát.
Phẩm Nhập Pháp Giới, là cảnh giới Phổ Hiền hạnh nguyện gồm mười hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.
Phẩm Tịnh Hạnh thứ 11 trong kinh Hoa Nghiêm đưa vào luật Sa Di, là tuỳ nghi Nhật dụng thiết yếu. Sư Phụ đọc 141 bài kệ nói về công việc sinh hoạt, nghi thức ăn mặc hằng ngày trong thiền viện.
Kính bạch Sư Phụ, con kính cảm ơn Sư Phụ cho con cơ hội được nghe Sư Phụ giảng pháp và viết bài trình pháp, con đã thâu nhập được một gia tài pháp bảo con, nhất là pháp thân Như Lai, lần đầu tiên trong hơn hai trăm bài giảng pháp của Sư Phụ, con được hiểu thêm pháp thân Như Lai trong hoa đào vừa hé nở, trong tiếng viên sỏi phát ra khi chạm vào thân trúc, tất cả sơn kim đại địa, cỏ cây hoa lá…là hiện thân của pháp thân Như Lai.
Cung kính và tri ơn Sư Phụ
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm.
(Montreal, Canada)