- 01. Mùa Hoa Năm Nào
- 02. Sống
- 03. Vườn Cải Hoa Vàng
- 04. Bệnh Nan Y
- 05. Sư Ông và Lãng Tử
- 06. Hữu Công, Hữu Tội
- 07. Bức Tranh Phù Thủy
- 08. Những Giọt Lệ Hồng
- 09. Hai Cha Con
- 10. Tiếng Gọi
- 11. Mẹ Tôi
- 12. Khai Bút
- 13. Xuân Tâm
- 14. Họa Phúc Trùng Trùng
- 15. Dốc Mơ Đồi Mộng
- 16. Phụ Trương - Phật Mẫu
- 17. Phụ Trương - Sống Tức Là Tương Quan
DỐC MƠ ĐỒI MỘNG
Tu Viện Trúc Lâm Canada Xuất Bản PL. 2547 DL. 2003
Tuổi trẻ thường hay chịu ảnh hưởng của bạn bè. Hồi còn nhỏ, tôi rất phục cách sống và lối xử sự của một người bạn thân ở trung học. Chị không làm mích lòng ai, cũng không gây gỗ với ai bao giờ. Chị thường nói với tôi: “Bạn bè, hễ hợp với mình thì mình chơi thân, không hợp thì xã giao bề ngoài, còn đối với người mình ghét thì coi như họ không có mặt trên thế gian này, như vậy khỏi bận tâm”. Tôi áp dụng phương thức đó một thời gian khá lâu nhưng về sau này, khi tuổi đời tăng trưởng và tầm suy nghĩ có chiều sâu hơn, tôi thấy trong phương cách đó có điều gì không ổn. Đối với những người mình ghét, dù mình coi họ như “không” đi nữa thì cũng vẫn phải bận tâm vì họ như thường, chứ nào được an tâm.
Sống là tương quan với tha nhân hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp. Không thể nào có một thái độ dửng dưng, biệt lập. Tôi ghét ông A nào đó thì hình ảnh của ông A đã gây tác động trong tâm tôi rồi, đó cũng là một hình thức tương quan. Hoặc có khi nào bạn lang thang một mình giữa phố xá đông người, tấp nập xe cộ lại qua mà thấy lòng trống vắng, cô đơn? Những khi ấy bạn có thật sự cách biệt với những người không quen biết đang hấp tấp ngược xuôi trên đường phố chăng?
Xin thưa: không! Bởi vì nếu bạn giữ đúng luật lưu thông, luật đi đường dành cho người đi bộ thì chính bạn đang là giọt nước đang cùng dòng nước chảy xiết một chiều. Trái lại, nếu bạn phạm luật giao thông, gây tai nạn, bạn tạo ra biết bao trở ngại cho những người đang di chuyển chung quanh bạn, đó là sự tương quan rất rõ ràng. Dù có tác động thuận hay nghịch, hoặc dù không thấy có tác động xảy ra đi chăng nữa, thì lúc nào sống cũng có nghĩa là tương quan. Hôm nay tôi muốn cùng quý đạo hữu chia xẻ ý nghĩa của tương quan trong khía cạnh thực tế nhất hầu rút ra một bài học thực tiễn về đời sống để thấy đạo và đời vốn chỉ là một thôi.
Lý tương quan trong đạo Phật, nếu nói đủ, phải là: luật tương quan – tương duyên – tương sinh của vạn hữu. Trên thế gian này, không có cái gì có thể sống riêng rẽ biệt lập mà không dính dáng, liên hệ tới vật khác. Chẳng những sự sự vật vật có liên hệ với nhau một cách mật thiết (tương quan) lại còn phải nương vào nhau để phát sinh (tương sinh) và nương vào nhau để tồn tại (tương duyên). Cái này có là nhờ cái kia, cái kia có là nhờ cái nọ. Sự vật liên hệ với nhau trùng trùng như lưới võng, đan kết chằng chịt với nhau khắn khít đến nỗi nếu chỉ bứt đi một mắt lưới thôi thì cả cái lưới đều rách rời ra cả. Vì vậy nên kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Một là tất cả, tất cả là một” nhằm hiển minh lý “Trùng trùng duyên khởi” hay “Vô tận duyên khởi”.
Đem
lý duyên khởi này xét nghiệm trong đời sống của con người,
chúng ta sẽ thấy rõ mối quan hệ giữa mình và người rất
sâu xa mật thiết và bất cứ điều gì mình gây ra cho người
khác đều trở lại tác động vào chính bản thân như tiếng
la hét của mình trong hang núi sẽ trở thành tiếng vang dội
ngược lại tai mình; như trái banh ném vào tường cũng
sẽ dội ngược lại chỗ người vừa ném nó.
Tương
tợ như thế, trong gia đình nếu bậc làm cha mẹ biết thương
yêu, lo lắng, dạy dỗ cho con cái nên người, thì sự thành
công, thành nhân của con cái chẳng những là phần thưởng
tinh thần vô cùng quý báu khiến cho mẹ cha được nở mặt
nở mày mà các con còn biết hiếu đạo, biết phụng dưỡng
mẹ cha. Trái lại nếu cha mẹ vô trách nhiệm, thờ ơ
trong việc giáo dục thì con cái sẽ hoang đàng, bạc bẽo với
mẹ cha của chúng. Những gia đình có con nuôi, con ghẻ
(cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha) hay con riêng, nếu đứa
trẻ không được thương yêu và đối xử bình đẳng với
anh chị em của chúng thì không khí trong gia đình sẽ kém vui
vì những chuyện xích mích bất hòa. Cho dù đứa trẻ
tánh tình hiền lành, không có phản ứng mạnh mẽ gì khi bị
ức hiếp nhưng thái độ câm nín chịu đựng lặng lẽ của
nó cũng là áng mây mờ che phủ hạnh phúc trong gia đình và
làm mọi người cảm thấy buồn bã đến khó chịu.
Thậm chí đến những con vật chúng ta nuôi trong nhà như chó, mèo v.v… nếu chúng ta không thương yêu chăm sóc lại còn đánh đập bạc đãi thì hình vóc tiều tụy và dáng vẻ thiểu não của chúng cũng tạo ra sự ảm đạm trong nhà.
Bên
cạnh gia đình là môi trường bằng hữu. Bạn bè thì
có kẻ ghét người thương. Đối với người mình mến
thích thì dĩ nhiên không có vấn đề đặt ra vì mình sẵn
sàng chìu bạn dù phải chịu thua thiệt chút đỉnh. Nhưng
đối với kẻ mình không ưa mà cứ phải đối diện hoài
(oán tắng hội khổ!) thì quả nhiên mình khó có thể cư xử
đẹp với họ. Nhưng thử hỏi, nếu mình chơi xấu với
họ thì hậu quả sẽ ra sao? Để trả lời câu hỏi này,
tôi xin kể một câu chuyện cổ tích Tây Phương. “Ngày
xưa có một anh tiều phu kia lang thang trong rừng để đốn
củi. Trong lúc mệt mỏi, chàng ta nằm ngả lưng bên bờ
suối. Đang lúc mơ màng nửa thức nửa ngủ bỗng một
bà tiên hiện ra. Bà thấy cảnh cùng khổ của anh nên
động lòng từ, ban cho anh một điều ước với điều kiện
là nếu anh ước gì thì người cừu địch của anh sẻ được
gấp đôi cái mà anh có. Điều kiện kỳ lạ này làm
anh suy nghĩ, đắn đo. Nếu anh ước giàu có thì tên thợ
săn mà anh ghét cay ghét đáng ở cạnh nhà sẽ giàu có gấp
đôi; nếu anh ước vợ đẹp thì bà vợ xấu xí hiện
nay của hắn sẽ hóa ra xinh đẹp gấp đôi người đẹp của
anh; nếu anh ước danh vọng địa vị thì đương nhiên
hắn cũng hơn anh và dẫu anh ước tài năng tuyệt xảo đi
nữa, thì hắn cũng sẽ giỏi hơn anh… chỉ mới nghĩ
thế thôi mà anh đã thấy ức lòng. Thế rồi, trong tâm
trạng căm tức đó, anh ước được chột một mắt với hy
vọng rằng kẻ thù sẽ đui cả đôi mắt. Buổi chiều,
anh lững thững trở về với con mắt chột. Anh cố tình
đi ngang qua nhà tên thợ săn để xem hắn có bị mù không? Nhưng hỡi ôi! Đôi mắt hắn vẫn bình thường. Hắn đang giỡn với con chó săn của hắn ở trước sân nhà. Bây giờ anh vừa ngậm ngùi vừa xấu hổ vì ác tâm của mình”.
Tục
ngữ Việt Nam cũng có câu: “Ngậm máu phun người, dơ
miệng mình”. Khi ta muốn làm điều không phải với
ai, thì chính mình bị thiệt hại trước rồi. Vì sao? Vì ác tâm là con rắn độc, nó nằm ngay trong tâm thức của
mình làm cho mình phải khổ sở vì lòng sân hận, oán thù
và giết hại những chủng tử thiện vốn sẵn có. Nó
xúi giục mình làm những việc bất thiện, gieo nghiệp nhân
xấu để tự mình phải gánh chịu quả báo tai hại về sau. Cho nên, hại người tức là tự hại mình. Tốt hơn hết
là đừng làm những gì mà ta không thích người khác làm cho
mình.
Xét
rộng hơn, trong môi trường xã hội, sự tương quan giữa mình
và người cũng rất dễ thấy, trong sở làm, nếu bạn ghét
ông chủ của bạn và sau lưng ông, bạn làm việc tắc trách,
tìm cách phá hại ông thì kết quả là sớm muộn gì họ cũng
khám phá ra và bạn sẽ bị đuổi việc, có khi còn bị truy
tố ra tòa. Hoặc là, nếu sự việc êm thắm hơn, sự
phá hoại của bạn không bị phát giác nhưng đã làm ông chủ
bị thua lỗ, ông phải đóng cửa xí nghiệp và bạn cũng lâm
vào cảnh thất nghiệp thôi. Chủ nhân có vai trò và quyền
hạn của chủ nhân, nhân viên có bổn phận và quyền lợi
của nhân viên. Nếu hai bên biết hợp tác nhau trên tinh
thần tương thân tương trợ thì mọi việc sẽ tốt đẹp
vô cùng. Kinh nghiệm này, người xưa cũng đã phải trải
qua nên đã dạy rằng: “Ăn cây nào, rào cây ấy” là
vì vậy.
Những
lúc đến siêu thị để mua thức ăn, có bao giờ bạn quan
sát cách lựa hàng của người đi mua không? Người đi
mua, ai cũng muốn chọn những trái cây, rau cải thật tươi
ngon, không bị bầm dập hư hại; nhưng tiếc thay, có
một số người đã xốc xáo tìm lựa một cách rất “phũ
phàng” đối với rau cải, trái cây là những thứ lẽ ra
mình phải rất nhẹ nhàng, tưng tiu khi cầm đến. Họ
làm hư hại như vậy chính là tự họ đã nâng cao giá hàng
lên mà họ không hay vì chủ tiệm buôn nào cũng phải tính
“tỉ lệ hư hao” của từng loại hàng để định giá bán. Mặt hàng nào bị hư hại nhiều thì giá bán phải cao hơn
để tránh sự lỗ lã.
Sống
trong xã hội, nếu mỗi người chỉ nghĩ đến chính mình mà
dửng dưng với kẻ chung quanh thì thái độ ích kỷ dửng dưng
ấy sẽ gây tác hại cho mình không ít.
Người
hàng xóm mà ta không có cảm tình vừa bị trộm. Tên
trộm ấy, trong đêm qua, vô tình ta đã nhìn thấy nhưng ta
cũng phớt lờ đi cho bõ ghét thay vì ta điện thoại cho cảnh
sát hay. Kết quả là vài tuần sau, ta cũng bị trộm trong
lúc ngủ say. Vì sao? Vì tên trộm thấy khu vực này
làm ăn quá dễ dàng, lối xóm láng giềng không có tinh thần
đoàn kết, tương thân.
Ở đâu không có sự mở rộng tương quan, ở đó có bế tắc vì tương quan là mạch điện của đời sống, của tình thương. Tương quan luôn luôn có hai chiều, trong đó chủ thể và đối tượng thể hiện lý Bất Nhị một cách rõ ràng. Bồ tát (chủ thể) là bậc hữu tình giác ngộ, phát khởi tâm Đại Bi, lăn lội vào chốn trần gian đầy khổ lụy để cứu giúp và hóa độ chúng sanh (đối tượng). Chúng sanh nhận chịu sự giúp đỡ, cứu độ nhưng đồng thời chúng sanh lại là ân nhân (đối tượng trở thành chủ thể), là ruộng phước giúp đỡ Bồ Tát (chủ thể trở thành đối tượng) có môi trường thích hợp để hoàn thành Bồ Tát đạo. Bởi vì nếu không có chúng sanh mê muội đang lặn ngụp trong bể khổ trầm luân thì Bồ Tát không thể thực hiện lòng từ bi. Nhờ thực hiện lòng từ bi, tìm phương giúp người mà tâm từ ngày càng mở rộng. Phương Tiện Trí ngày càng nảy nở khiến cho Phước Trí tròn đầy, trở thành bậc Lưỡng Túc Tôn.
Giúp người tức là giúp mình. Thấy rõ điều đó, hành giả phá được hàng rào ngăn cách giữa mình và người. Phá vỡ sự cách biệt giữa mình và người thì tâm hồn trở nên rộng rãi biết bao và đời sống vui vẻ biết bao vì bây giờ không còn có ai đáng để dành cho “tình cảm đặc biệt” nên không gieo trồng tham ái, si mê; không có ai để oán ghét nên lòng thảnh thơi không cừu hận.
Tương quan là một định luật của đời sống, xã hội cũng như những định luật khoa học thiên nhiên. Nếu hiểu rõ và diệu dụng được cái định luật này, chúng ta sẽ tạo ra muôn vàn lợi ích, còn như đi ngược lại với định luật, chúng ta chẳng những tự chuốc lấy khổ đau mà còn tác hại đến bao nhiêu người khác. Diệu dụng lý tương quan ở mức độ cao tức là thể hiện tinh thần bình đẳng và lòng thương yêu. Không còn có thái độ chấp ngã để tự thấy mình đáng quý, đáng trọng hơn hết; “cái tôi” bây giờ đã được hòa dung với tất cả chúng sanh nên Bồ Tát mới “bịnh vì chúng sanh bịnh” và dám xả thân cứu khổ muôn loài chỉ vì một lý do đơn giản: “thương người như thể thương thân”. Vì thương người như thể thương thân nên cứu độ mà không thấy có chúng sanh mình đang độ, làm trăm công ngàn việc mà không thấy mình có làm; không có người thi ân cũng không có kẻ thọ ân. Hành động cứu giúp của Bồ Tát tự nhiên như mặt trời thường chiếu sáng, như hoa nở điểm tô cho đời, như gió mát trăng thanh. Dù người đón nhận hay hững hờ, bản tính và hành động của Bồ Tát vẫn là như vậy.
Chỉ
khi nào sống với tinh thần tương quan rộng rãi và sâu sắc
như thế, chúng ta mới thực hiện được tam tự qui y:
-
Tự qui y Phật vì đã trở về với tự tánh Giác Ngộ, không
còn mê chấp, vô minh.
-
Tự qui y Pháp vì đã thấu rõ chân lý vi diệu của pháp giới
trùng trùng duyên khởi, trong đó mình và người vốn không
hai, không khác.
-
Tự qui y Tăng vì đã hòa hợp được với tất cả chúng sanh
nên tất cả đều trở thành vô ngại.
Khi
ấy thì tuy sống trong cảnh đời đầy phiền não mà tâm đã
được giải thoát. Bước đi trong cõi Ta Bà uế trược
mà như dạo chốn vườn hoa, thấy đất đai bằng phẳng không
có núi cao chắn chở, không có hầm hố ngăn ngại. Với
phong cách thong dong tự tại và đầy an lạc như thế, hành
giả trở thành một đóa hoa vô ưu thơm ngát hương vị giải
thoát đem đến cho người muôn vàn lợi ích an vui.
Như
thế, khi thấu rõ chân lý của vũ trụ nhân sinh và thể hiện
chân lý ấy vào cuộc sống tức là đem đạo vào đời, biến
cõi trần ai đầy khổ lụy này thành xứ sở An Lạc.
Đạo không phải là cái gì huyền bí xa vời tách rời khỏi cuộc sống. Đạo phát xuất từ cuộc đời. Ngày xưa, sau 49 ngày thiền định dưới cội Bồ Đề, đức Phật tỏ ngộ chân lý chứ không phải ngài phát minh ra chân lý. Chân lý vốn tự nó là như vậy, xưa nay vẫn thế, không phải do ai bày vẽ hay sắp đặt ra nó. Những gì đức Phật thuyết giảng trong hơn 49 năm hoằng pháp độ sanh, có lúc cao có lúc thấp, khi thuyết hữu vi, khi nói vô vi, khi giảng về nhân quả, rồi khổ, không, vô thường, vô ngã, lúc thuyết Tứ Đế, nhân duyên, khi lập hội Bát Nhã, hội Hoa Nghiêm v.v… nhưng tất cả những điều ngài nói đều phát xuất từ một nguồn gốc duy nhất: Như Thị (nói thật, đúng y như thật). Cũng vì lẽ đó mà ngài đã bảo rằng: “Trong bốn mươi chín năm thuyết pháp, ta chưa từng động đôi môi”. Những điều ngài nói ra nào có chi mới lạ, nào phải là triết thuyết của riêng ngài. Nó có đấy từ bao giờ, từ vô thủy đến vô chung cho nên nói mà như không nói vì “đạo khả đạo phi thường đạo” (đạo mà có thể nói ra thì không phải là đạo vậy).
Đạo ở nơi thân tâm, ở trong đời sống, ở khắp cả các pháp nhưng tiếc thay chúng ta cứ mãi hiệp trần bội giác (chạy theo trần cảnh, quên điều giác ngộ) nên sự suy nghĩ và hành động thường sái quấy đến nỗi phải lưu lạc trôi nổi mãi trong biển sinh tử luân hồi. Bởi thế cho nên nhân loại rất cần những bậc người giác ngộ có lòng Đại Bi làm bậc đạo sư dẫn dắt cho người biết đường đi nẻo về nơi trụ xứ Thường An Lạc.