Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9.Chuyến đi Bodhgaya

11/06/201316:44(Xem: 2541)
Chương 9.Chuyến đi Bodhgaya

TRÚ QUÁN QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ

[Bản điện tử lần thứ ba với tu chính]

Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn Quán dịch Việt

Chương 9

CHUYẾN ĐI BODHGAYA

Vậy mà tôi ở lại Kathmandu tới hai tuần. Tôi mướn một phòng trong nhà ngủ nhỏ và tiếp tục ngồi thiền mỗi ngày. Qua ngày thứ hai tôi cảm thấy cần vô quán cà phê của dân híp pi để hút hết chút thuốc mà tôi giữ bao lâu nay. Tôi thầm nói với chính mình không nên vì làm vậy sẽ không sao tránh khỏi bị lôi trở về thói quen cũ. Tuy nhiên, tôi lý luận, cũng nên vô quán nghe nhạc rock củ của một thời thử xem phản ứng tâm lý mình như thế nào. Và tôi cũng muốn biết mình có còn phê như lúc trước không hoặc có cảm giác mới nào khác hôn. Chút cần sa hash bắt đầu bốc cháy trong túi tôi, hay đúng ra là trong tâm tôi, vì tôi biết mình đã ra khỏi môi trường cấm đoán của khóa học rồi. Tôi chịu thua và chọn vô quán cà phê trên con đường nhỏ dưới đầu phố, nơi có nhạc quen thuộc nhưng không có dân Tây Mỹ. Tỉnh thức, tôi cảm thấy hơi tội lỗi và hy vọng không gặp bất cứ ai trong khóa học rồi. Tôi nhận thấy tâm tôi nhớ lại dễ­ dàng và tật cũ trở lại mau chóng khi tôi vấn điếu cần sa và bắt đầu mồi.

Thuốc hình như không còn mấy ma lực đối với tôi. Nó chỉ làm tâm tôi mờ và chán. Các điệu nhạc cũng không đem lại cho tôi hứng thú nào mà chỉ làm tôi chói tai, hai tai vừa mới được lên dây lại. Tôi nghĩ rằng đây là một thử nghiệm chứng tỏ tôi không còn cần các thứ ấy nữa và thiền đã có hiệu lực nơi tôi. Không vừa lòng với hiện tại, với trạng thái hoặc tình huống hiện hữu của tâm, người ta muốn thay đổi nên phê. Còn tâm tôi đang bận với Phật pháp và thiền đang giúp tôi thoải mái, tôi không muốn thay đổi cũng không muốn phê. Thật sự, tôi đang trong tâm trạng phê đây mà. Tôi bắt đầu biết rằng con đường Phật pháp là phương tiện hữu hiệu để thay thế cái phê thuốc. Lý thú!

Ngay trong tuần l­ễ đầu tôi viết thư liền về nhà. Lúc trước khi nhập khóa, tôi có viết về rồi nhưng chỉ nói qua loa ý định tôi theo học thiền. Lần này tôi cũng định không nói rõ những thay đổi sâu xa tôi đang chứng nghiệm mà chỉ nói tôi sẽ tiếp tục chu du Ấn Độ chừng một năm nữa. Tuy nhiên tôi nghĩ lại, nếu không nói thật cho ba má tôi biết cảm nghĩ tôi về cuộc sống mới và lý do chính mà tôi nán lại Ấn Độ--để tiếp tục hành thiền và học hỏi thêm--tôi bị xem như lẫn tránh vấn đề mà sớm muộn gì tôi cũng phải nói. Hơn thế nữa, tôi cho rằng không nói hết sự thật là một hình thức nói dối. Tôi không có thọ giới không nói láo nhưng tôi biết những gì sẽ xảy tới vì phản ứng dây chuyền, và tập quán có thể hình thành do các 'chuyện lặt vặt' như vậy, những tập quán mà tôi mong được tránh.

Vì sự tôn kính sâu xa dành cho cha mẹ mà tôi đã học được qua thiền quán về đề tài này, tôi mong được chia xẻ với ba má tôi cũng như gia đình về con đường mới mà tôi đang dấn bước. Tôi chỉ hơi lo ba má và gia đình tôi không hiểu tại sao tôi ngoảnh mặt với Chúa để lao theo Phật! Tín ngưỡng Thiên Chúa cộng với sự hiểu biết nông cạn và méo mó về Phật giáo có thể sẽ là những cản trở cho sự cảm thông giữa tôi và gia đình. Thêm vào, mấy lúc gần đây báo chí không mấy thuận lợi đối với các tín ngưỡng Đông phương cũng như nhiều đạo ở phương Tây. Nhiều tin tức không đúng sự thật được gán cho một số nhóm, như Hare Krishna ăn xin ở phi trường và nhảy múa ngoài đường; Mooni có Guru quá khích; Jesus Freaks bị tố giác bắt cóc và tẩy não đám con nít trung lưu. Đạo ngoài dòng và tín ngưởng mới như vừa nói thường bị đa số người Mỹ bảo thủ nghi ngờ và không thiện cảm. Vì các lý do đó, tôi lo không biết gia đình tôi sẽ phản ứng thế nào khi biết tôi đã quy y thành một Phật tử Đại Thừa Tây Tạng. Rất có thể họ sẽ điên tiết hay ít lắm là kinh ngạc. Dĩ nhiên tôi không muốn tình trạng này xảy ra bởi lẽ ba má và gia đình tôi vừa mới hoàn hồn sau tai họa Afghanistan của tôi. Thêm một vố nữa chẳng khác nào như 'thêm một giọt để làm tràn ly nước'.

Tôi quyết định bật mí nhưng bằng cách vòng vo và nhẹ nhàng hơn. Tôi viết tôi rất thích khóa thiền vì khóa này đã giúp tôi hồi tưởng thiền tiên nghiệm mà tôi có thực tập một thời gian ngắn lúc trước. Tôi nói thêm tôi sẽ trở lại Ấn Độ để tập thiền và học triết Đông phương trong lúc đi viếng một số thắng tích xưa của xứ bao la và cổ kính này. Sự thật gần như vậy và thư tôi viết có vẻ không sai ý định của tôi lắm.

Nói chuyện với một số Tây Mỹ vừa từ Ấn Độ về, tôi được biết thầy S.N. Goenka hiện đang hướng dẫn khóa tu thiền tại Bodhgaya. Thầy sẽ tổ chức một khóa nữa ở thị trấn có tên Prataphgarh, gần Lucknow vào giữa tháng giêng; tôi có ý muốn tham gia khóa kế tiếp này. Còn bây giờ tôi muốn đi hành hương ở Bodhgaya. Ngày tôi sắp đi, tôi nhận được thư của Larry. Nó nói nó đang làm cho tiệm rượu/thịt nguội của gia đình và công việc làm ăn đang khắm khá. Nó vui trở về quê cũ nhưng vẫn thèm được du lịch dã ngoại ở Nepal và lang thang ở Ấn Độ như tôi. Nó đang tính chuyện buôn bán lam ngọc với thị trường kim hoàng của thổ dân Mỹ và có thể sẽ làm một chuyến qua Á Châu để mua ngọc. Tôi hơi ngờ ngợ vì đọc thấy nó còn đam mê vật chất quá; tôi bây giờ ngày càng lánh xa các ham muốn đó. Tôi không biết Larry có hiểu nổi chăng nếu tôi cho nó hay tôi đã thay hình đổi dạng rồi.

Sau gần ba tháng ở trong giang sơn núi non quyến rũ này, tôi không muốn ra đi. Nhưng tôi nghĩ mục đích của tôi đến đây đã đạt, một chương của đời tôi sắp khép lại để nhường chỗ cho chương mới mở ra. Tôi biết đời chỉ là một dòng sự việc tuần tự đến rồi đi; mỗi tình huống, người và cảnh trí mà chúng ta gặp đều cho chúng ta cơ hội học hỏi và trưởng thành dầu chúng ta có biết hay không biết. Mỗi kinh nghiệm là một chỗ nghỉ tạm, 'chỗ tạm trú qua đêm' của cái tôi/tâm. Khi mục đích đã đạt, chúng ta chớ nên trì huỡn mà nên bước tới lúc thuận tiện để theo dòng. Biết vậy, tôi rời Kathmandu hôm Giáng Sinh để bắt đầu giai đoạn tới của chuyến đi vô định.

Chuyến xe đò dừng lại lúc đến nửa đường trên rạng núi phân ranh Kathmandu và Ấn Độ. Tại địa danh Daman này có trạm nghỉ chân và điểm vọng cảnh với chiếc kính vi­ễn vọng. Vào một ngày trời trong mây tạnh dãy Đông Hy Mã Lạp Sơn với ngọn Everest có thể thấy rõ mồn một. Tôi hy vọng được nhìn đỉnh Sargamartha[9] lần đầu tiên trong đời, nhưng thiên nhiên không chìu lòng. Sau khi vô đất Ấn tôi dừng lại ở thị trấn đầy cát bụi có tên Raxaul. Tại đây tôi ăn cơm tối với cà ri, sữa chua, chapattis và chuối. Sau đó, tôi rời phố ra ngoài tìm chỗ ngủ. Tôi trải poncho, jalaba và chiếc mền làm bồ đoàn ngồi tịnh tâm dưới gốc cây pipa, một loại cây mà Thái Tử Siddhartha Gautama ngồi tham thiền và giác ngộ ở Bodhgaya. Dầu thích Nepal, tôi cảm thấy vui sướng được trở lại Ấn Độ. Nhưng lần này tôi có cảm giác và hứng thú mới lạ hơn vì tôi đi hành hương. Với ý nghĩ ấy và trong đêm an lành, tôi rải ánh quang đến mọi chúng sanh trước khi vươn vai xả thiền. Tôi lâng lâng hạnh phúc.

Tôi thức giấc với tiếng chim hót và gà gáy lúc rạng đông. Tôi ngồi thiền và tập yoga dưới tàng cây thân thiết. Sau khi ăn sáng với bánh chapattis nguội và chuối mà tôi để dành hôm qua, tôi đi dọc xuống đường đón xe quá giang. Có chiếc xe tải đến, tôi ngoắc, xe ngừng. Tài xế biểu tôi ngồi bên trong phòng lái cùng với hai bạn đường khác. Nhưng tôi xin ngồi đằng sau để tránh khói thuốc trong ca bin chật. Anh nói đằng sau không có chỗ nào sạch ngồi được. Tôi nài nỉ và nói sẽ ngồi trên poncho, không sao đâu. Anh đành chìu để tôi leo lên phía sau ngồi dưới tấm bố đóng khói đen ngòm dùng trùm một mớ bao xi-măng bự. Cuốc xe đến Muzzaffapur dài ba tiếng, lắc lư và bụi bặm, nhưng tôi chịu được. Tôi xuống xe; anh tài xế chẳng những không lấy tiền mà còn mời tôi uống trà với hai bạn của anh nữa. Tôi cám ơn và nhận lời ngay vì đang khát sau chuyến đi dài. Có thể vì tôi là người ngoại quốc đơn độc trên xứ bao la như Ấn Độ nên anh thương hại tôi. Với những kinh nghiệm tuơng tự, tôi nhận thấy tính hiếu khách ngoại quốc bắt nguồn từ văn hóa cổ Hindu quý khách như quý thần thánh. Tôi cám ơn anh trong lúc anh chỉ hướng đến Patna mà tôi muốn tới.

Hãy còn sớm, tôi lửng thửng đi bộ giữa ánh nắng trưa, trên con đường làng rợp bóng cây. Cuối cùng tôi dừng lại một quán ở đầu làng ăn cái bánh samosa và uống ly trà sữa. Samosa làm bằng khoai tây chín bọc bột và chiên trong dầu--có khẩu vị na ná như khoai tây chiên bên Mỹ. Kế, tôi ra đứng nơi đầu làng xin quá giang tiếp tục. Nửa giờ qua nhưng không kết quả. Bấy giờ có một thanh niên, mặc áo tay dài và chiếc dhoti[10] cổ truyền, đến gạ chuyện. Anh nói rành tiếng Anh. Anh là bác sĩ có phòng mạch trong làng nhỏ này, đến đây làm việc vài hôm mỗi tuần rồi về nhà bên một làng khác cách đây vài cây số và đông dân hơn. Tại đó anh có bệnh viện chính. Anh rất dễ­ mến. Anh mời tôi vô văn phòng anh nghỉ chân.

Phòng khám bệnh của anh rất đơn sơ. Anh mời tôi ngồi xuống chiếc ghế cây và bảo cậu bé pha trà. Cùng lúc anh mời tôi ăn chuối. Trong câu chuyện, anh hỏi nhiều điều mà tôi thường gặp, như tôi có bao nhiêu anh chị em và tôi đến đây với nhiệm vụ gì. Lần này, tôi nghĩ, tôi có mục đích rõ ràng nên trả lời rằng tôi đi tìm hiểu Phật Giáo và hành hương ở Bodhgaya. Câu trả lời của tôi làm người có học như anh bác sĩ này rất vừa lòng. Hơn thế nữa, anh gốc Hindu nhưng rất quý trọng Đức Phật và giáo pháp của Ngài. Anh cho biết người Hindu tin Phật là vị Avitar thứ Chín hay là hiện thân của Thần Vishnu. Theo họ, Phật Thích Ca chỉ là một nhà cải cách của đạo Hindu vì Người chỉ có công đả phá tệ nạn kỳ thị cũng như nghi thức giết súc vật tế thần rất thịnh hành của thời bấy giờ. Người Hindu không nghĩ Phật có chơn lý nào khác ngoài chơn lý của đạo Hindu (trong kinh Vệ Đà hay Áo Nghĩa Thư[11]). Lần đầu tiên tôi nghe nói như vậy và tôi nghĩ không đúng với những gì tôi vừa học. Tuy nhiên, tôi không đủ kiến thức và kinh nghiệm trong vấn đề nên không dám có ý kiến. Về sau, tôi biết ra rằng tín ngưỡng nghĩ Đức Phật là một Avitar của Thần Vishnu bị các nhà Phật học chính tông xem như dị giáo và bác bỏ thẳng thừng.

Anh bác sĩ mời tôi về nghỉ đêm trong làng. Anh cho tôi biết cách đây chừng vài dặm phía bên kia làng có điểm hành hương Vaishali. Nếu tôi muốn viếng, anh sẽ nghỉ một ngày để hướng dẫn. Tôi nghĩ đây là dịp đi hành hương và để biết thêm chút ít đồng quê cũng như văn hóa Ấn Độ. Thường anh đạp nhưng hôm nay anh dắt xe đi bộ để trò chuyện với tôi. Con đường làng quanh co qua nhiều thửa ruộng xếp như bàn cờ và nhiều đám mía ửng vàng trong nắng chiều. Nhìn bầy trâu và các nông phu đang cày sâu cuốc bẫm, tôi nghĩ đến luật nhân quả và thuyết luân hồi rồi thầm cám ơn tôi được 'sanh làm người toàn hảo.' Có ba bạn của anh bác sĩ đạp xe tới. Ba anh xuống xe dắt đi bộ với chúng tôi một đỗi để tìm hiểu tôi là ai trước khi lên xe đạp tiếp.

Ngay lúc đến làng của anh bác sĩ, tôi bất chợt trở thành mục tiêu tò mò của đám đông. Chắc từ lâu lắm rồi không có người ngoại quốc nào trừ tôi đặt chơn tới làng nghèo nàn này. Anh bác sĩ líu lo giải thích cho đám đông biết tôi là ai và đến đây làm gì. Có ít nhứt năm mươi người đến xem mắt 'ngài' râu đỏ quảy túi đeo vai. Anh bác sĩ thu xếp cho tôi ngủ trong phòng rộng nhứt của bệnh xá anh. Tôi xếp hai ghế dài làm giường và dùng cái bàn với ghế ngồi làm chỗ đọc sách trước khi ngủ. Tôi ngạc nhiên thấy làng hẻo lánh này có điện. Anh bác sĩ về nhà bên kia đồng lúa rồi bưng cơm tối đến cho tôi. Tôi không muốn làm phiền anh và tôi không cần ăn tối hôm đó. Tuy nhiên tôi cám ơn anh đã đem lại chapattis và cà ri khoai tây. Trước lúc ngủ tôi thiền về 'Mẹ của tất cả chúng sanh' và kết thúc bằng cách hồi huớng công đức đến người chủ tốt bụng và các nông dân nghèo, nguyện cầu tất cả được giác ngộ.

Sáng ra, anh bác sĩ đem lại chapatttis, dahl và một ly sữa tươi cho tôi điểm tâm. Anh còn đem theo ông hiệu trưởng trường trung học[12] để giới thiệu với tôi. Ông sẽ cùng đi Vaishali với hai chúng tôi. Ông cũng rất sùng kính Phật nên yêu cầu tôi nói về đạo Phật cho học sinh trường ông nghe vào ngày mai. Thiếu tự tin, không đủ kiến thức Phật học và chưa có kinh nghiệm nói trước đám đông, tôi xin từ chối. Ngoài ra, tôi thật tình trình bày tôi còn cần đi Patna trưa nay rồi tiếp tục đi Bodhgaya. Không dè bảy năm sau tôi trở lại và thuyết pháp như một nhà sư.

Di tích Vaishali nằm ngoài thành. Chúng tôi đạp xe đi thăm mỗi nơi trong khu cổ tích rộng lớn đó. Vừa đi, các bạn hướng dẫn vừa giải thích những bia ký Phật tích. Trong suốt bốn mươi lăm năm hoằng pháp trên lãnh thổ Bắc Ấn, Đức Phật dừng lại đây rất nhiều lần, nên có xây một tu viện để Ngài và tăng đoàn của Ngài trú ngụ. Sau 2500 năm, giờ đây tu viện chỉ còn là một gò đất thấp và những trũng với nhiều mảnh gạch ngói rải rác đó đây.

Ba chúng tôi cùng ăn picnic trưa dưới bóng cây bên cạnh nhà điều dưỡng. Sau đó, các bạn đưa tôi ra bến xe dưới phố để tôi đợi xe đò đi Patna cách đây chừng hai mươi dặm. Tôi cám ơn, nhứt là anh bác sĩ đã dành cho tôi sự đón tiếp chân tình và nồng hậu trong suốt thời gian qua. Tôi nói rằng tôi là người Mỹ có cái may duy nhứt được các anh đưa đi xem tận mắt đời sống thôn quê và nhiều chi tiết về sử ký, triết lý và tín ngưỡng của xứ Ấn. Nếu đi với các bạn đồng hành trên các tuyến du lịch chính, làm sao tôi có được các cuộc gặp gỡ với 'bà con chất phát' ở đây. Kinh nghiệm này cho tôi thấy giá trị của câu nói 'đi một ngày đàng học một sàng khôn.'

Xe đò đưa tôi đến Hajipur trên bờ Bắc sông Hằng. Từ đây tôi lấy đò ngang qua Patna, thủ đô của Bihar. Sông rất rộng nên đò phải mất trọn một tiếng đồng hồ mới qua tới bến bên kia. Đò đông khách hành hương Tây Tạng. Họ ngồi bẹp xuống sàn cạnh bên nhiều đống hành lý chất ngổn ngang. Tôi phải tìm mãi mới đuợc một chỗ gần đám người đông. Đò cặp bến lúc mờ tối. Hầu hết khách chất lên nhiều chiếc taxi 3-bánh và đi về hướng ga xe lửa. Sau phút lưỡng lự, tôi chọn thả bộ ngang thành phố ra ga. Có lẽ tôi sẽ ngủ lại đó đợi sáng mai mới lấy xe đi Gaya. Tôi lựa vài em có vẻ sáng sủa để hỏi đường rồi bắt đầu ra đi.

Trong ga, tôi thấy ngoài các khách hành hương Tây Tạng tôi gặp trên đò, vô số hành khách khác đang nằm ngồi la liệt trên sàn. Họ quây quần thành nhóm, cùng uống trà bơ và nấu ăn trên lò dầu đem theo. Trong lúc tôi đi tìm chỗ, có mấy người Tây Tạng nhận ra tôi bèn gọi tôi lại nhập bọn với họ. Tôi chen vô trải tấm nóp và vui vẻ nhận tách trà bơ họ mời. Tôi cám ơn họ đã đối đãi với tôi rất thân thiện. Trước khi nằm xuống tôi tính ngồi thiền, nhưng thôi vì sợ con mắt dòm ngó của bà con và cái tôi của tôi bị thổi phồng. Sàn xi măng cứng và tiếng ồn ào khiến tôi lăn trở nhiều lần mới chợp mắt được. Sáng sớm, tôi phải vất vả lắm mới chen nổi lên xe; xe chật ních nên mạnh ai nấy lấn vì không có hệ thống giữ chỗ trước. Bốn tiếng sau, xe ghé vô ga Gaya; tôi mừng hết lớn--trong đời tôi chưa có lần nào tôi mừng được xuống xe như lần này. Xe 3-bánh đi Bodhgaya đợi cho tới khi hết nhét nổi khách--thường là mười người--mới chuyển bánh. Chặng đường dài chừng mười cây số, hẹp, chạy sát theo lòng sông rộng. Dọc đường tôi chỉ thấy được chút ít phong cảnh vì ngồi đằng sau bị cái mui xe che khuất tầm nhìn rất nhiều.

Làng nhỏ và khu chùa kế cận rất tấp nập. Tôi ngồi lại trong một quán bên cổng vừa ăn bánh ngọt uống trà vừa ngắm cảnh tượng bận rộn. Dân chúng ra vô nườm nượp. Xe 3-bánh chất đầy nhóc khách Tây Tạng liên tục đỗ về. Nhiều đám người rách rưới lang thang trên đường đến trại Tây Tạng. Họ vác, họ gánh tất cả những gì họ có trên vai. Buýt du lịch nhìn thấy nhan nhản khắp mọi nơi và từng đoàn du khách ra vô không ngớt. Hành khất cũng rất nhiều; họ bu theo du khách lợi dụng lòng từ bi của con nhà Phật. Đền Sri Maha Bodhi, cao 50 m, xây từ thế kỷ thứ 7 trước dương lịch, uy nghi điềm nhiên tọa thị trước cảnh ồn ào náo nhiệt này.

Sau khi ngồi trong quán một đỗi, tôi nghĩ nên vô chùa chiêm bái gốc Bồ Đề nơi mà Thái Tử Siddhartha ngộ đạo. Chùa và cội Bồ Đề ở giữa một vùng rộng có tường và rào bao quanh. Từ cổng chánh xuống phải bước mấy bực thang; ở bực chót có treo một đại hồng chung để khách hành hương thỉnh theo lời cầu nguyền riêng của mỗi người. Thường khách thỉnh chuông để nói lên số lần đến đây hành hương. Noi gương Bồ Tát, tôi thỉnh ba tiếng, ba tiếng mà chư Vị gióng lên để hóa giải u minh của chúng sanh. Qua cổng và lớp cửa gỗ tôi bước vô chánh điện, nơi thờ tượng Đức Bổn Sư; tượng sơn son thếp vàng, rất to. Nhiều Phật tử Tây Tạng đang thành khẩn kính lạy trong lúc lâm râm đọc chú; họ cầm hai thanh gổ và lạy trườn mình theo nghi thức cổ truyền. Nhiều người khác đi nhiễ­u vòng quanh tháp cao theo chiều kim đồng hồ; Phật tử Tây Tạng vừa đi vừa quay ống cầu nguyện và đọc chú Án Ma Ni Bát Ni Hồng (Om Mani Padme Hum). Để dép ở ngoài, tôi mang túi xách bước theo đám đông và nhiếp tâm đi ba vòng.

Cây Bồ Đề đứng sau đền trong rào và được trang trí bằng nhiều cờ Phật giáo. Trong vòng rào, giữa gốc cây và chùa có khối xi-măng mang tên Vajrasana chỉ định chỗ mà Thái Tử Siddharta Gautama tham thiền trong đêm quyết định ấy. Hầu hết Phật tử dừng lại đây thắp nhang đèn hay chắp tay xá. Có người vói đưa đầu chạm vào thành của bệ để l­ễ vật đặt trước khối xi-măng. Sau ba vòng đi nhiễ­u quanh tháp, tôi để xách ở ngoài, vô giữa chánh điện, lạy ba lạy trước Đức Thế Tôn. Rất đông: người lạy, người ngồi thiền, người đọc chú. Tôi hân hoan chứng kiến và tham gia vào sanh hoạt thấm nhuần đạo hạnh đang di­ễn ra quanh đây. Có thêm một ít du khách Ấn, có lẽ là Hindu. Họ rảo quanh; có người vô ý đi ngược dòng, nói cười thiếu thận trọng, và trố mắt nhìn Phật tử Tây Tạng đang lạy theo lối trườn hay ngồi thiền đó đây. Nhìn chung, quang cảnh gồm một đám người xô bồ đến từ mọi nơi, kể cả một số Tây Mỹ như tôi.

Bodhgaya quan trọng vì là nơi tiêu biểu cho sự dò tìm Chân Lý hay ý nghĩa của sự sống. Tại đây, dưới gốc Bồ Đề này, Thái Tử Siddhartha dừng bước chân du tìm không hiệu quả để ngồi lại thiền. Ngài nhứt định không đứng lên nếu chưa tìm ra chánh quả. Trong một đêm trăng tròn Ngài vượt khỏi vòng vô minh và giác ngộ. Đó là đêm mà Ngài không còn phải đi lần tìm nữa, Ngài thành Phật.

Trong suốt cuộc đời, chúng ta luôn tìm cách thỏa mãn ước mơ và khát vọng. Chúng ta đổi bạn, thay nguời yêu, nghề nghiệp, nhà cửa, quê quán, và cả xứ sở nữa hy vọng tìm thấy một trạng huống tuyệt hảo và hạnh phúc. Nhưng cái đích tuyệt đối đó không bao giờ đạt được nếu chúng ta chỉ thay đổi ngoại cảnh. Trái lại, nếu một ngày nào đó chúng ta dừng lại và bắt đầu quán chiếu vào nội tâm để tìm nguồn gốc của bất mãn cũng như thỏa mãn thì chúng ta sẽ thấy sự thật. Đó là những gì Thái Tử Siddhartha đã làm dưới cội Bồ Đề này nên Bodhgaya mang một ý nghĩa đặc biệt; Bodhgaya là nơi mà Bồ Đề hay Trí Huệ Tối Thượng hay Chân Lý được tìm thấy. Tất cả chúng ta đều có Bodhgaya trong tâm, tức có nhân Giác Ngộ mà chúng ta cần phải vun trồng. Đó là cuộc hành hương tối hậu, chuyến trở về nguồn của sự tự do thiệt thọ và hạnh phúc lâu bền. Tôi miên man suy nghĩ như trên trong lúc ở lại đây thêm một tiếng đồng hồ nữa, ngồi dưới bóng của gốc bồ đề gần bên.

Sau đó tôi đi xem các chùa chiền trong khu Bodhgaya. Hầu hết các quốc gia Phật giáo trên thế giới đều có xây chùa hay nhà nghỉ trong vòng nửa dặm của khu dân cư để đón du khách hành hương. Vào những lúc trái mùa, khách có thể ở lại đó một thời gian ngắn nếu nhà có dư chỗ chứa.

Trong khu chùa Tây Tạng, dân tháo vát của xứ này có dựng một thành phố dã chiến bằng lều nhà binh lớn để làm nhà nghỉ và tiệm ăn. Cạnh bên thành phố lều có cái nghĩa địa cổ với tường bao bọc, trong đó tôi thấy có một ông và hai cậu bé Tây Tạng căng lều ở dưới một gốc cây lớn. Tôi nghĩ đó là chỗ ngon lành cho tôi tạm dựng lều và tha hồ thiền hay luyện du già dầu ở giữa mồ mả. Tôi không biết địa phương có cho phép ngủ trong nghĩa địa chăng, nhưng tôi biết các nhà du già khổ hạnh thường khuyến khích làm như vậy để tập không sợ cái chết. Tôi bèn leo tường vô, tìm một điểm xa mả, khuất giữa bụi rậm, trải nóp ra. Tôi thầm cám ơn đã có chỗ ngủ nghỉ. Quang cảnh này yên tĩnh ngồ ngộ nhờ được tách rời khỏi không khí bon chen của khu du lịch chính. Tôi hy vọng tôi không bị tống ra hay bị lấn chiếm bởi những người có cùng ý nghĩ như tôi.

Còn một tuần nữa Đức Đại Lại Lạt Ma mới đến và hai ngày nữa là Tết Tây. Nhiệt độ trong vùng Bắc Ấn tương đối ôn hòa, ngày ấm và đêm mát. Áo jalaba của tôi rất tiện nhứt là về đêm khi tôi ngồi thiền. Mỗi ngày tôi thức dậy lúc hừng đông. Tôi ngồi thiền ngay trên nóp rồi tập yoga hay làm ngược lại. Xong, tôi dọn đồ vô xách quảy ra tiệm ăn sáng. Thường tôi ăn miếng bánh mì Tây Tạng, chén tàu hủ, chuối, và uống tách trà. Tôi gởi xách lại quán đoạn đi ra Đền Maha Bodhi. Tôi mang theo cái túi đeo vai đựng thông hành, chi phiếu du khách, tiền mặt, chiếc mền để ngồi, và chai nước--tất cả hành trang tôi dùng trong ngày. Tới chùa tôi thỉnh ba tiếng chuông trước khi vô chánh điện lạy Phật ba lạy; đôi khi tôi ngồi lại thiền. Sau đó tôi ra đi nhiễ­u vòng quanh Chùa/Bồ Đề ít nhứt ba vòng. Thỉnh thoảng tôi ngồi lại ngay dưới tàng cây linh thiêng để thiền hay chứng nghiệm làn sóng thiêng liêng.

Một số 'con Phật lang thang' Tây Mỹ sống trong Nhà Nghỉ Miến Điện (Burmese Vihar). Nhà có nhiều phòng cá nhơn dùng như cốc và một thiền đường trên lầu. Đó là nơi mà U.N. Goenka chủ trì các khóa thiền minh sát; khóa sau cùng mới bế giảng cách nay một tuần nên nhiều học viên còn tiếp tục hành thiền tại đây. Tôi có nghe nói tới ông Joseph, người gốc New York, từng hành thiền minh sát nhiều năm nay và rất có tiếng. Ông hiện ở Bodhgaya và đang thuyết giảng tại Burmese Vihar tối nay. Tôi theo vài người khách lên lầu nghe.

Ông Joseph ngồi kiết già trên sàn với cử tọa ngồi chung quanh. Ông ốm cao. Tóc ông màu nâu, hớt ngắn. Râu ông được cắt tỉa tươm tất. Bằng giọng nói chẫm rãi rõ ràng, ông thuyết đề tài tỉnh thức và nội thức. Ông giải thích sự cần phải quán chiếu từng phút từng giây hành động của thân và hoạt động của tâm để hiểu mình sâu xa hơn. Nếu ta sinh hoạt chậm lại và quan sát cử động của thân như ta xem phim quay thật chậm, ta sẽ thấy và hiểu rõ mối liên hệ giữa thân với tâm. Ông chứng minh bằng cách đưa tay lên xuống thật chậm và chỉ cho thấy thân tùy thuộc hoàn toàn vào tâm khi cử động. Đưa tay lên hay xuống vài phân đòi hỏi nhiều sự sai khiến hỗ tương giữa thân tâm và nhiều cử động tinh vi. Hướng ý thức đến tiến trình đó giúp ta trực tiếp nhận biết các khía cạnh của thân và tâm. Có một hình thức thiền tọa hoặc thiền hành đặc biệt khả dĩ giúp ta thực tập cách quan sát tinh tế đó. Mục đích của sự thực tập như vậy, ông Joseph nói, là để cho ta thấu hiểu chân lý tối thượng mà Đức Phật đã khám phá: vô thường, khổ và vô ngã. Thực tập như vậy cũng sẽ giúp ta hiểu ý nghĩa sâu xa của Tứ Diệu Đế. Nếu hành trì tinh tấn, ý thức duy trì đó sẽ tạo nên không gian và kỹ năng tâm linh khả dĩ hóa giải những tập quán xấu, những khó khăn tâm lý và những hạn chế tự đặt, để đạt đến kết quả tối hậu là giác ngộ.

Bài giảng làm tôi thêm thích thiền minh sát. Trong tiến trình phát huy trí tuệ, phương pháp thiền này đặc biệt huấn luyện tâm một cách trực tiếp, chớ không thần bí và không nghi thức như thiền Tây Tạng. Nói cách khác, không có đề cập đến chư Phật và chư Bồ Tát, không cần cứu rỗi chúng sanh, và cũng không trì chú hay gợi những tưởng tượng phức tạp. Đó là phương pháp Tiểu Thừa chỉ nhằm giải thoát mình mà tôi có dịp nghe nói như là ích kỷ và không cao thượng. Tôi không biết giữa hai lối thiền có khác biệt nào khi nhìn dưới khía cạnh từ bi và giải thoát khỏi khổ đau. Tôi có nghe nói Thầy Goenkaji rải tâm từ mỗi đêm trong lúc người thuyết giảng.

Có hai phương pháp thiền minh sát. Phương pháp của Thầy Joseph khác với phương pháp của Thầy Goenka, mỗi bên có gốc độ nhìn mỗi khác. Tôi định sẽ dự khóa thiền của Thầy Goenka, tôi muốn học phương pháp của ông trước. Còn bây giờ tôi tiếp tục hành thiền Tây Tạng bởi tôi đã hiểu và đang thích thú với pháp đó.

Ngày đầu năm đến rồi đi, không có gì quan trọng và cũng không có lễ­ lạc gì bởi ở Ấn Độ người ta ăn Tết theo âm lịch và người Hindu mừng Tết vào tháng Tư. Chỉ có một buổi hội ngộ nhỏ nơi Chùa Nhựt Bổn với lễ­ thỉnh chuông và tiệc mì nửa đêm. Mọi người đều đuợc mời dự, nhưng tôi chọn ở lại chỗ của mình trong nghĩa địa để chiêm nghiệm 108 tiếng chuông được thỉnh. Tôi mừng năm mới theo tinh thần mới. Tôi nghĩ đến luân hồi (samsara) và luật tái sanh tuyệt hảo của con người. Tôi mừng năm mới với quyết tâm hành trì Phật pháp. Nhớ lại những điều ngu xuẩn mà tôi đã làm trong năm qua vì vô minh, tôi cương quyết tu tập để xa lánh các hành động tệ hại và phát huy tỉnh thức/trí tuệ.

Lúc bấy giờ Lạt Ma Yeshe và Lạt Ma Zopa vừa đến với đạo tràng Tây Mỹ của hai ngài. Đoàn dựng hai lều trong một góc của Khu Birla Dharmasala. Hằng trăm dân từ cao nguyên Nepal, Sikkhim và Bhutan lục tục kéo tới. Lều moc như nấm gặp mưa. Một thành phố lều nữa được dựng lên trên khoảng đất trống gần viện bảo tàng. Tinh thần đạo hạnh mỗi lúc mỗi dâng cao trong khi bà con ráo riết chuẩn bị l­ễ Kalachakra. Lễ­ sẽ được tổ chức ngoài trời trong sân rộng trước nhà nghỉ; lễ­ đài đang được dựng lên để nghinh đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mỗi ngày vào lúc 5:00 giờ chiều, khoảng một trăm tu sĩ Tây Tạng tập họp dưới cội Bồ Đề để làm l­ễ puja với chiên trống và nhiều linh khí khác. Hằng trăm ổ bánh mì được bày trên bàn cúng để rồi cúng dường chư tăng và phát cho đồng bào tham dự. Chiều tối, có vô số chiếc đèn dầu nhỏ thắp sáng một bãi đất vuông; đèn được canh chừng liên tục và châm dầu thường xuyên. Khách hành hương cắm nhang đèn thắp cùng trong khu chùa. Quang cảnh thật ngoạn mục với cả ngàn ánh sáng lung linh và mùi hương bay thơm khắp mọi nơi. Hằng trăm tín đồ đi nhi­ễu quanh khuông viên theo ba vòng khác nhau. Tăng ni và dân Tây Tạng nhiệt thành bái lạy từ giờ này sang giờ khác. Nhiều ông bà lạy trườn mình bằng cách nằm sấp xuống đất vói thẳng tay tới trước rồi đứng lên đến điểm tay đã vói tới bắt đầu lạy trườn mình tiếp. Họ vừa lạy vừa trì chú và từ từ lạy hết một trong ba vòng nhiễ­u quanh chùa. Họ thành tâm đến nỗi nhiều lúc nằm trườn trên nước, trên bùn. Mục đích của phương cách lạy này là để thuần hóa bản ngã và định tĩnh tâm. Thật hứng khởi khi chứng kiến các Phật tử biểu lộ công khai nhiệt tâm vì đạo pháp. Tuy nhiên tôi chọn cách khác ít ngoạn mục và kín đáo hơn. Mỗi tối tôi đi vô chùa vài giờ để dự lễ­ và thể nhập không khí thiêng liêng.

Vì có quá nhiều khách thập phương đến Bodhgaya nên các nhà nghỉ kể cả Burmese Vihar đều đầy nhóc; nghĩa địa không sao tránh khỏi bị chiếm đất. Tôi có khuynh hướng xem nơi này như 'của riêng mình' thành thử tôi có cảm giác bị xâm lấn mỗi khi có du khách đến cấm trại gần. Tôi biết tôi ích kỷ và để tránh tánh xấu này tôi vui vẻ mời hai nguời Tây đang đi tìm chỗ ở lại đây. Hai người cám ơn và nhận lời.

Trong những ngày lễ­ hội chính, nhiều hành khất trong làng kế cận cũng đến hành hương. Nhưng họ không hẳn tin nơi Đức Phật mà nhắm vào mục đích làm tiền nhanh. Biết rằng một trong những đức tính Phật dạy là lòng nhân, họ, những người thật sự què quặt hay chỉ là dân nghèo trong làng, đến đây đóng kịch để tạo sự xót thương của tín đồ giàu lòng bác ái. Họ xếp hàng dài ngoài cổng chìa lon xin tiền. Họ ăn mặc rách rưới bần cùng nhứt (có thể là bộ đồ duy nhứt của họ cũng không chừng) và làm ra vẻ thảm não nhứt. Nhiều dân Ấn làm ăn cũng tới. Họ đặt bàn đổi tiền lẻ để bố thí. Khách đổi giấy 1-, 5- và 10-rupee ra đồng 5-,10- và 25-paise để mỗi khi cho họ có cảm tưởng xài số lớn, vì mỗi rupee (bằng 10 xu US vào 1974) có thể cho mười người, mỗi người mười paise hoặc hai mươi người mỗi người năm paise.

Nhiều hành khất khác, bất lực có phung cùi có, len lỏi vô tiêm buôn vật kỹ niệm, quán trà/ăn, và nhà nghỉ để xin khách đang ăn hay đang mua sắm. Sự có mặt của họ làm khách tự cảm thấy có chút tội lỗi khi đang ăn sung mặc sướng hay đang bỏ tiền mua sắm. Nếu khách không cho, họ đứng lì ra đó khua lon hay bám theo van lơn thảm thiết. Có thể bực bội lắm, nhưng là dịp tốt để quan sát tâm lý phản ứng, chấp trước, xua bỏ, và dè xẻn của con người. Ai cũng biết chúng ta đang xài cho cá nhân mình gắp mười hay trăm lần nhiều hơn tiền của của các người bất hạnh ấy có, và nếu cho họ hai mươi lăm hay năm mươi paise thì có là bao. Nhưng chúng ta thường vẫn bị dằn co; thiệt là oái oăm. Nhiều lúc chúng ta cho không phải vì rộng lượng hay từ bi mà chỉ vì muốn xua người ăn xin đi khuất mắt cho rồi. Cũng có trường hợp ngược lại, tức cho rồi nhưng hành khất chưa vừa ý theo năn nỉ xin thêm. Dĩ nhiên người cho không sao không buồn lòng.

Rất tốt cho tôi được ở trong hoàn cảnh như vậy để tôi quan sát phản ứng của mình. Tôi hay thử xét xem người xin có đáng được cho hay không, và nếu cho thì sẽ cho bao nhiêu. Đôi khi tôi thấy tôi keo kiệt và chỉ biết nhớ tới mình, nghĩ rằng với số tiền cho tôi có thể sắm cho mình món gì đó. Vài lúc khác tôi không cho, lý luận rằng làm vậy tạo cho họ thêm tùy thuộc vào du khách. Có thể đúng, tuy nhiên có người thật sự không có nguồn thu nhập nào khác ngoài số tiền nhỏ họ ăn xin. Có lúc tôi muốn mua cho họ thức ăn bồi dưỡng hơn là cho tiền vì tôi có thấy hành khất lấy tiền mua bậy bạ hay thuốc lá; điều làm tôi rất khó chịu. Tình huống như vậy khiến tâm phải bất ngờ đối đầu trực tiếp với những khía cạnh mà bình thường tâm không nhìn thấy. Nhiều khi không phải d­ễ chấp nhận. Nếu ý tưởng tiêu cực không được nhìn là tiêu cực thì sẽ không thấy có tội lỗi và được phản ứng bình thường tức không chú ý đến hậu quả lâu dài. Trong trường hợp ngược lại, sẽ có phản ứng phải giải quyết và trận chiến nội tâm bắt đầu để phân biệt phải trái, tốt xấu dựa theo nghiệp quả. Đó cũng là khởi điểm của ý thức lành mạnh hóa tâm hay con đường tâm linh theo quan điểm Phật giáo. Nhiều người dừng ở thời điểm này và không muốn suy tư sâu hơn; tâm họ khéo léo nại ra nhiều lý do để khỏa lấp sự không muốn thay đổi của họ.

Ngày 5 tháng Giêng, Đức Đạt Lai Lạt Ma đến với nhiều nghi thức trịnh trọng. Hai hôm sau lễ­ Kalachakra khai mạc. Ngài nói pháp nhiều lần trong suốt hai ngày đầu. Bài pháp của ngài luôn luôn rất dài và bằng thứ tiếng tôi không hiểu được nên tôi d­ễ chán và thường bỏ qua. May cho tôi là l­ễ đài được dựng ngay trước nghĩa địa mà chỗ tôi nhìn thấy rất rõ, tôi có thể nằm ngồi tùy ý, thành thử cũng đở. Nhưng đến phần quan trọng--lễ­ thọ giáo và truyền thừa--tôi nhiếp tâm và thể nhập với những gì Ngài tụng. Tôi tụng chú theo Ngài nhờ bài được in ra giấy và phát không cho mọi người trước. Tụng để người tu Bồ Tát giới thể nhập thần lực của bài chú đặc biệt này, thần lực khả dĩ trừ tà ma trong nội tâm và ngoài cõi Ta Bà. Tôi chưa thật lòng tin nhưng tôi làm theo và cảm thấy rất hân hoan. Vài hôm tiếp theo được dành riêng để Đức Đạt Lai Lạt Ma ban hồng ân cho cá nhân. Rất nhiều người, nhứt là người Tây Tạng, xếp từ ngai Ngài ngự trong Gompa ra ngoài, dài hằng cây số ngàn. Hàng nhích như rùa bò nên phải đợi nhiều giờ dưới nắng nóng. Tôi cũng muốn vào kính l­ễ Ngài nhưng đợi qua hôm sau lúc hàng ngắn bớt. Chiều ngày thứ hai, hàng xếp không dài quá cổng nhà nghỉ tức chỉ chừng mươi phút đợi, tôi vào hàng. Theo thông lệ, mỗi người được trịnh trọng đưa tới trước ngai của Ngài đặt cao trên tầm vai, dưng lên Ngài dải khăn trắng truyền thống và thành kính nghiêng mình xá. Ngài có thể để tay lên đầu tín đồ hay nói vài câu ngắn. Đến lượt tôi, tôi dâng khăn và kính cẩn xá với ước nguyện được Ngài rờ đầu để tôi hân hạnh được nhận nhân điện của Ngài. Ngài có đặt tay lên đầu tôi nhưng tôi không thấy gì khác lạ. Tôi cảm thấy vui sướng vì tôi đã làm xong một bổn phận tâm linh.

Tôi bắt đầu nghĩ tới việc sẽ làm gì sau khi xong khóa học của Thầy Goenka vì khóa chỉ có mười hôm. Một trong những tưởng tượng đầu tiên của tôi là sống lõa thể trên bãi biển Goa. Đó là động cơ quan trọng nhứt thúc đẩy tôi đến Ấn Độ. Nhưng động cơ này bị khỏa lấp bởi những cảm hứng và bận rộn muốn làm con Phật lúc tôi tới Nepal và Bodhgaya.

Nay trở lại bình thường, ý tưởng đi Goa hóa thành hấp dẫn. Một mái chòi tranh trên bờ biển Goa rất có thể là nơi lý tưởng để tôi sống giản dị mà hành thiền và luyện yoga. Tuy nhiên tôi băn khoăn không biết mình có thể sống thuận với đạo pháp không, bởi ở đó tôi có thể sẽ lao theo nhiều cái vui dục thú. Tôi còn biết ở đó sẽ không thiếu cần sa ma túy và tôi có thể bị cám dỗ d­ễ dàng. Nhưng, nếu tôi không bị sa ngã, tôi sẽ thành công trên đường tu học vậy.

Tôi còn có nhiều lý do khác để đi xuống phía Nam ngang qua Goa. Tôi nghe nói ở Tích Lan có nhiều trung tâm thiền minh sát rất thuận tiện cho việc học hỏi thâm sâu. Một trong những trung tâm này còn có thầy nói tiếng Anh và dạy phương pháp như ông Joseph mô tả trước đây. Ngoài ra, việc xin chiếu khán 6-tháng vô Tích Lan không khó nếu là để học Phật. Người Tích Lan (còn gọi là Sinhalese) rất sùng đạo Phật và chánh quyền có chánh sách nâng đở người ngoại quốc tìm học đạo. Thêm vào, đời sống ở Tích Lan rất rẻ. Chiếu khán ở Ấn của tôi sẽ mãn hạn vào cuối tháng Ba, tôi phải ra đi một nơi nào đó. Goa là điểm đến xem ra thuận lợi nhứt. Đi Goa tôi sẽ có dịp ghé viếng các động ở Ajanta mà tôi từng nghe nói tới rất nhiều. Các động này nằm trên đường đi Bombay, thành phố mà tôi sẽ đi thăm. Trong hiện tại tôi tạm quyết định như vậy. Tôi nói tạm vì tôi còn tùy thuộc vào khóa học của Thầy Goenka. Lúc viếng Burmese Vihar ở Bodhgaya, theo sự chỉ vẽ, tôi có gởi bưu thiếp đi Pratagarth để xin ghi danh trước vì nghe nói khóa chỉ nhận tối đa bảy mươi học viên. Tới nay tôi chưa nhận được thư trả lời; các bạn khác cũng vậy. Nhưng chúng tôi quyết định cứ đi Pratapgarth, hy vọng sẽ có người bỏ chỗ vào giờ chót.

Trước khi rời Bodhgaya, tôi thi lễ­ trước cây Bồ Đề và bái lạy cũng như ngồi thiền trong chánh điện. Tôi muốn đem 'tinh thần Bodhgaya' theo với tôi bất kỳ ở nơi nào, dầu tôi biết tôi sẽ trở lại đây trong tương lai. Bodhgaya rất có duyên và luôn lan tỏa sự an lành mặc dầu đông đúc và bon chen theo kiểu thương mại. Lần đầu tiên tôi đến trên chiếc xe 3-bánh, tôi chưa kịp chuẩn bị tư tưởng; tôi đến vội và như người mù nên tôi không thể tự tạo được thái độ kính cẩn cần có trong chuyến hành hương. Hôm nay, để bù lại, tôi muốn ra đi với tinh thần thanh tịnh bằng cách đi bộ mười cây số trở lại Gaya trong không khí mát dịu của ban mai, dọc con suối đang cạn khô. Tôi có dịp thuởng lãm cảnh đồng quê hoang dã và tưởng tượng lúc Phật tại thế, cách nay 2.500 năm.



[9] Tên của đỉnh cao nhứt thế giới mà người Nepal thường gọi.

[10] Xà rong cổ truyền dài tới đầu gối (nd).

[11] Vedas or Upanishads (tg).

[12] Trường trung học ở đây được gọi là college (tg).

---o0o---

Nguồn: BuddhaSasana

Trình bày: Vĩnh Thoại

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/09/2010(Xem: 2464)
Tha phương sinh sống xứ người, tuy thâm tâm lúc nào cũng hướng về quê hương mến yêu, thế nhưng phải chờ đợi đến hơn hai mươi năm trời, sau bao ngày khắc khoải suy tư Thanh mới đột ngột quyết định về nước nghỉ hè hai tháng. Chàng về Saigon viếng thăm họ hàng vài ngày, rồi lang thang du ngoạn khắp các vùng biển từ Sầm Sơn đến Vũng Tàu, sau cùng quay lại Nha Trang, chiều chiều thơ thẩn đi dài dài trên bãi, mắt lơ láo nhìn biển khơi xa xăm với nỗi buồn vời vợi.
02/09/2010(Xem: 2217)
“Khác hơn thường lệ, đôi bạn thân Hiển và Phước, đối ẩm trong lặng lẽ, chẳng ai chịu mở lời. Hiển nâng chung trà hớp từng ngụm, rồi dường như đang bâng khuâng thả hồn theo những chiếc lá phong đỏ thẩm từng chiếc, từng chiếc rụt rè buông rời cành theo làn gió chiều mơn man. Còn Phước thì cầm chung trà, đi tới lui đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần định lên tiếng mà cố đè nén chưa chịu hở môi.
02/09/2010(Xem: 2184)
Nghĩa háo hức theo mẹ về Việt Nam thăm viếng quê hương. Sau mấy ngày vui nhộn làm sống lại những kỹ niệm ấu thơ tại Thủ Đức với bà con họ nội xa gần, chàng theo mẹ về quê ngoại, tạm trú tại nhà cậu Út ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận. Vì thuở nhỏ chàng không có cơ hội liên lạc với họ ngoại, nên dù được cậu tiếp đón rình rang, nhưng chàng muốn thân thiết với hai đứa em cô cậu thật khó.
01/09/2010(Xem: 4300)
Dù dòng thời gian đã xoá nhòa những hình ảnh quý gíá xa xưa, dù dấu chân của các Ngài đã rêu phong phủ kín. Nhưng những dấu chân ấy đã đi vào lịch sử nhân gian, dù tiếng nói các Ngài đã hòa vào không gian tĩnh lặng. Nhưng đâu đây vẫn còn vang vọng pháp âm của các Ngài, làm chấn động tâm tư huyết mạch của bao người con Phật. Trong quyển “Những Vị Phật ở Miền Tây Nam Việt Nam” này. Chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và ghi chép trung thực theo lời thuật của các vị Trưởng Lão uy tín; hay các vị trí thức trung hậu; hoặc trích trong các tài liệu giá tri được mọi người tin tưởng.
28/08/2010(Xem: 50593)
Quyển 6 • Buổi Pháp Thoại Trên Đỉnh Cao Linh Thứu (Gijjhakūṭa) • Ruộng Phước • Tuệ Phân Tích Của Tôn Giả Sāriputta • MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI CHÍN (Năm 569 trước TL)- Mỹ Nhân Giá Mấy Xu? • Chuyện Cô Sirimā • Móc Cho Con Mắt Đẹp • Ngạ Quỷ Mình Trăn • Cùng Một Nguyên Lý • “Hớt” Phước Của Người Nghèo! • Ghi chú đặc biệt về hạ thứ 19: • MÙA AN CƯ THỨ HAI MƯƠI (Năm 568 trước TL)-Phước Cho Quả Hiện Tại • Bảy Thánh Sản • Chuyện Kể Về Cõi Trời • Hóa Độ Gia Đình Thợ Săn • Nhân Duyên Quá Khứ
28/08/2010(Xem: 3423)
Tết Mậu Thân 1968, một cái Tết mà Việt Cộng tràn về quá bất ngờ, tôi không thể tin rằng đó là sự thật. Mồng Một Tết vẫn ăn Tết sắm sửa bình thường. Nhà tôi ở lầu 2 trường Đồng Khánh vì tôi làm Giám Học tại trường này, bên hông là Tòa Hành Chánh và Lao xá Thừa Thiên - nơi giam giữ nhiều tù binh Việt Cộng. Cả ngày vẫn tấp nập bà con tới lui thắm viếng, chiều lại còn có con của các nhân viên trong trường đến thăm chuyện trò hàn huyên vui như ngày hội. Tối đến cả nhà còn bàn nhau nên đi ngủ sớm để ngày mai xuống phi trường đón gia đình người anh chồng về Huế ăn Tết.
28/08/2010(Xem: 50806)
Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm,
19/08/2010(Xem: 6892)
Tại Keelung, Đài Loan có một cửa hàng với cái tên là “Ngộ Duyên Hào”. Ông chủ Lâm vốn là một người rất tử tế, xung quanh khu vực ông sống có rất nhiều những cư dân đánh cá hay kiếm sống quanh đó.
04/08/2010(Xem: 3413)
Tác-giả Thiện Xuân Malkhanova là một con người thật đặc-biệt. Còn nhớ năm 2000 khi chị Trương Anh Thụy và tôi đi sang họp Đại-hội Văn-bút Thế-giới ở Mạc-tư-khoa, chúng tôi đã để ý đến chuyện đi đường, gặp con sâu róm ở dưới đất, chị đã ân cần lấy một cái lá nâng nó lên rồi đặt nó lên một cành cây gần đó. Một con người từ-bi đến với cả cỏ cây, đất đá! Chị bảo đó là điều chị đã học được từ đạo Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567