Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1.1 Nguồn Gốc Tên Kinh

21/01/201109:51(Xem: 7599)
1.1 Nguồn Gốc Tên Kinh

Hạnh Phúc Mộng Và Thực

Nhất Hạnh

CHƯƠNG 1

TÊN VÀ NGUỒN GỐC KINH TAM DI ĐỀ

1.1 Nguồn Gốc Tên Kinh

Kinh Tam Di Đề hiện giờ ta có ba bản, một bản tiếng Pali và hai bản chữ Hán (Tạp A Hàm và Biệt Dịch Ta A Hàm). Kinh Tam Di Đề mà ta đang đọc được dịch từ Hán Tạng, đó là kinh số 1078 trong Tạp A Hàm.

Tam Di Đề tiếng Phạn là Samiddhi, Samiddhi là tên của một thầy còn trẻ, khoảng 22, 23 tuổi. Thầy Samiddhi được sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt, sống tại thủ đô Vương Xá (Ràjagaha).

Ngày xưa trước khi thành đạo, Bụt có hứa với vua Tần Bà Xa La (Bimbisara) là sau khi thành đạo thế nào Ngài cũng về để giúp vua. Lúc đó Bụt còn là một vị sa môn đang đi tìm đạo và hai người đã gặp nhau trên một khu đồi ở gần Thành Vương Xá. Vua Tần Ba Xa La rất cảm phục Bụt và đã khẩn khoản mời Ngài về làm Quốc Sư, nhưng Bụt đã nói: “Bần đạo xin cảm tạ tấm lòng chiếu cố của Đại Vương, nhưng quả thật giờ đây bần đạo chỉ có một ước vọng mà thôi, đó là ước vọng tìm cho ra chánh đạo để cứu giúp muôn loài. Cuộc sống rất vô thường, cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử luôn luôn rình rập ta, những ngọn lửa phiền não từ nội tâm như tham vọng, giận dữ, oán thù, si mê, ganh ghét và kiêu mạn đang nung nấu tâm hồn ta, và ta chỉ có thể đạt tới an lạc thật sự nếu ta tìm được con đường tu tập. Chỉ khi nào Đạo Lớn được tìm ra thì mọi loài mới có con đường giải thoát. Nếu Bệ Hạ có lòng yêu mến bần đạo, xin Bệ Hạ để cho bần đạo được theo đuổi con đường mà kẻ tu hành này đã hướng đến từ lâu. Bần đạo xin hứa là khi nào tìm ra được đạo, bần đạo sẽ trở về chia xẻ với Đại Vương”.

Vì vậy sau khi thành đạo, lập được tăng thân ở Vườn Nai, trở về thăm cây bồ đề, điều phục ba anh em ông Ca Diếp thờ Thần Lửa, và thu nhận gần một ngàn môn đồ của ba vị này làm đệ tử xuất gia, Bụt đã đưa cả giáo đoàn đó về thủ đô Vương Xá, cư trú tại Rừng Kè mới trồng ở ngoại ô, cách thủ đô hai dặm về phía Nam. Buổi sáng giáo đoàn được phép vào thành để khất thực. Các vị khất sĩ tổ chức thành từng chúng hai mươi lăm người, bước từng bước khoan thai và có ý thức, tay ôm bình bát, mắt nhìn thẳng về phía trước, dáng điệu rất uy nghi. Dân chúng trong thành rất ngạc nhiên khi thấy có một giáo đòan khất sĩ mới, đông đảo nhưng rất trang nghiêm. Bụt cũng đã đi khất thực chung với các thầy. Cgỉ trong vòng nửa tháng, phần lớn dân chúng thủ đô đã biết tới sự có mặt của giáo đoàn khất sĩ do Bụt lãnh đạo. Tiếng đồn tới tai vua và vua biết là Người xưa đã trở về, Bụt chưa kịp đi thăm vua thì một buổi chiều, vua cùng hoàng hậu và thái tử đã ngồi xe tứ mã tìm về Rừng Kè để thăm Bụt. Tháp tùng vua có nhiều nhân sĩ, trí thức và lãnh đạo cao cấp trong giới Bà la môn, trong đó có thân phụ của Samiddhi. Lúc đó Samiddhi là một người trẻ, cũng được đi theo phái đoàn. Cố nhiên chàng không phải là một thanh niên tầm thường. Nếu không có tài, không có ưu thế trong xã hội thì đâu dễ gì chàng được tham dự vào phái đoàn để đi thăm Bụt.

SƯ CHÚ SAMIDDHI VÀ MA VƯƠNG

Ngay lần đầu được gặp Bụt và chứng kiến cuộc nói chuyện giữa Bụt và vua Tần Bà Xa La, Samiddhi đã có ý định muốn xuất gia, và người trai trẻ này là một trong những thanh niên đầu tiên ở thành Vương Xá được chấp nhận vào giáo đoàn của Bụt và thầy sống rất an lạc. Sau vài ba năm tu học, trong một đêm thiền tọa thầy Samiddhi quán chiếu thấy mình thật may mắn đã được chấp nhận vào trong giáo đoàn mầu nhiệm này và thầy cảm thấy rất hạnh phúc. Bỗng nhiên thầy nghe một tiếng nổ kinh hoàng giống như là trái đất vỡ tung, làm thầy rất hoảng sợ.

Ngày hôm sau tìm tới Bụt thầy kể lại câu chuyện đã xảy ra: “Bạch Đức Thế Tôn, con đang thiền tọa rất an lạc, đang ý thức được sự may mắn của con vì được xuất gia từ lúc còn trẻ tuổi, thì tự nhiên có một tiếng nổ giống như quả đất này đang vỡ tung. Con đã rất sợ nên đến với Đức Thế Tôn để hỏi Ngài là con phải đối trị với cái sợ ở trong con như thế nào?” Bụt nói: “Này Samiddhi Đó là ma phiền não trong tâm quấy nhiễu con. Con chỉ cần biết đó là ma phiền não thôi thì tự nhiên con sẽ bình an, hết sợ. Con đừng đi trốn ở một nơi khác, cứ ở ngay chỗ đó để tu học”.

Vài ngày sau khi trở về trung tâm đó, cũng vào nửa đêm, trong khi thiền tọa, thầy Samiddhi lại nghe một tiếng nổ kinh hoàng giống như kỳ trước. Thầy mỉm cười, thở vào, thở ra, và nói: “Đây là ma phiền não, ta nhận biết cái hạt giống sợ hãi ở trong ta rồi”. Và mầu nhiệm thay tất cả những sợ hãi đó đều biến mất và tiếng nổ kia không bao giờ còn được nghe nữa. Từ đó trở đi thầy Samiddhi sống rất an lạc và tu học rất tinh chuyên trong giáo đoàn mầu nhiệm này.

Câu chuyện trên đây có nghĩa là trong thời gian tu học, có thể sự nghi ngờ và sợ hãi xảy ra trong tâm ta. Đôi khi sự nghi ngờ hoặc sợ hãi đó rất lớn, giống như một tiếng nổ kinh hoàng, giống như trái đất sắp nổ tung. Nhưng ta không nên lo lắng, tại vì tất cả những sợ hãi và nghi ngờ đó đã từ tâm ta phát sinh. Ta chỉ cần nhận diện sự có mặt của chúng thì chúng sẽ không làm gì được ta. Trong khi tu hành, nếu ta sinh ra tâm niệm chán nản, thì tâm niệm chán nản đó cũng là ma phiền não. Đó là một hạt giống trong tâm địa đã nảy mầm. Ta không cần phải chạy trốn, ta chỉ cần mỉm cười, thở vào, thở ra, và nói rằng: Hạt giống của chán nản ơi! Người vừa xuất hiện, ta biết sự có mặt của ngươi, thì hạt giống đó không làm gì được ta.

Một lần khác, thầy Samiddhi đã gặp và đàm luận với một vị ngoại đạo khá nổi tiếng, vị này là một nhà triết học. Lúc đó Đức Thế Tôn đã được vua Tần Bà Xa La (Bimbisara) cúng dường cho một khu rừng tre rất đẹp ở cạnh thành Vương Xá, gọi là Tu Viện Trúc Lâm. Trong rừng có rất nhiều con sóc hiền lành. Hôm ấy thầy Samiddhi đang ngồi trong một cái thất ở rừng tre thì có một vị du sĩ ngoại đạo tên là Totali Budtha đến gặp thầy và hỏi về giáo lý đạo Bụt. Ông ta hỏi về thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp và về cảm thọ. thầy Samiddhi đã giảng, đã giải thích cho vị du sĩ đó, Kiến thức của thầy lúc bấy giờ chưa vững, cho nên khi biết chuyện, Bụt có hỏi lại Samiddhi. Samiddhi đã nói vài điều không đúng lắm với chánh pháp nên bị Bụt quở. Hôm đó Samiddhi hơi có nội kết, tự giận mình mới tu nên còn non yếu. Nhưng nội kết đó đã rất tốt cho quá trình tu học của thầy.

Đây là những điều quí vị nên biết trước khi đọc Kinh Tam Di Đề, nếu không mình sẽ không hiểu một vài chi tiết ở trong kinh. Câu chuyện thầy Samiddhi bị Bụt rầy được ghi lại trong Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, tức là Kinh 136 ở trong Trung bộ Kinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567