Bấy giờ, Bồ Tát Hiền Hộ bạch rằng:
-Bạch đức Thế Tôn! Làm sao suy tư được tam muội như thế?
Phật dạy Hiền Hộ:
-Nếu có trai hiền gái thảo nào nghĩ muốn suy tư tam muội này, thì khi quán sắc tướng người khác không nên chấp giữ, ngay trong âm thanh không nên chấp giữ, ngay trong mùi hương không nên chấp giữ, ngay trong mùi vị không nên chấp giữ, ngay trong cảm xúc không nên chấp giữ, ngay trong các pháp không nên chấp giữ, ngay trong các loài không nên chấp giữ, nơi tất cả chỗ không nên đắm trước. Đó gọi là khởi hạnh đại bi chân thật trong Phật pháp. Trong đó sao gọi là tam muội? Tức là ngay trong tất cả pháp, y theo chánh pháp mà hành trì. Lúc chư Bồ Tát quán Bốn Niệm Xứ thì phải nên biết như vầy: “Quán sát thân hạnh quyết không có kiến chấp phân biệt nơi thân hạnh. Quán sát thọ hạnh cũng không có kiến chấp phân biệt nơi thọ hạnh. Quán sát tâm hạnh cũng không có kiến chấp phân biệt nơi tâm hạnh. Quán sát pháp hạnh cũng không có kiến chấp phân biệt nơi pháp hạnh”.
Bồ Tát nên quán sát suy tư tam muội như thế. Vì sao? Này Hiền Hộ! Lúc Bồ Tát đó quán thân hạnh thì đối với thân không khởi tâm suy tư phân biệt. Lúc quán thọ hạnh thì nơi thọ không khởi tâm suy tư phân biệt. Lúc quán tâm hạnh thì nơi tâm không khởi tâm suy tư phân biệt. Lúc quán pháp hạnh thì nơi pháp không khởi tâm suy tư phân biệt. Vì sao? Vì không thể nắm bắt tất cả pháp. Không thể nắm bắt được hết thảy pháp này thì làm sao có sự phân biệt suy tư? Này Hiền Hộ! Do đó, tất cả pháp không có sự phân biệt. Do không có phân biệt nên không có suy tư. Do không có suy tư, trong đó nên biết không có pháp có thể thấy biết. Này Hiền Hộ! Do không thể thấy biết nên là vô ngại, tức là trong tất cả pháp không có chướng ngại. Đó là tam muội Bồ Tát Hiện Tiền. Bồ Tát thành tựu tam muội này thì sẽ thấy vô lượng vô số a tăng kỳ chư Phật, đều được nghe chư Phật thuyết pháp; nghe rồi hay thọ trì tất cả pháp của chư Phật Như Lai, có được tất cả tri kiến vô ngại giải thoát, cũng hay đắc được trí huệ vô ngại của chư Phật.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Lúc Bồ Tát quán sát Bốn Niệm Xứ, không có pháp để thấy, không có âm thanh để nghe. Không có thấy nghe nên không có pháp nào để có thể phân biệt, cũng không có pháp nào có thể suy tư. Không phải do đui mù câm điếc, mà vì các pháp không thể thấy được. Vì vậy, lúc quán sát chớ khởi tâm trụ vào mà nhìn đạo, suy tư đạo, tức là với các pháp không có nghi ngờ; do không nghi ngờ nên thấy Phật Như Lai; do thấy Phật Như Lai nên mãi mãi xa lìa si mê lầm lạc; do không có si mê lầm lạc nên biết tất cả pháp không có thể thấy. Vì sao? Bồ Tát nếu có tri kiến như thế, tức giữ tri kiến đó; do giữ tri kiến đó nên giữ pháp tướng; do giữ pháp tướng nên giữ sự nghiệp; do giữ sự nghiệp nên thấy chúng sanh; do thấy chúng sanh nên thấy thọ mạng; do thấy thọ mạng nên thấy Phú Già La; do thấy Phú Già La nên thấy các ấm; do thấy các ấm nên thấy các nhập; do thấy các nhập nên thấy các giới; do thấy các giới nên thấy các tướng; do thấy các tướng nên thấy các vật; do thấy các vật nên thấy nhân kia; do thấy nhân kia nên thấy duyên; do thấy duyên nên có cầu mong chấp giữ; do có cầu mong chấp giữ nên có sanh. Vì sao? Này Hiền Hộ! Nơi tất cả pháp quyết không thể nắm bắt. Do không thể nắm bắt nên đối với tất cả pháp đó Bồ Tát không suy tư, không niệm nhớ, không thấy, không nghe.
Này Hiền Hộ! Quyết không thể giống như ngoại đạo hay đệ tử của họ, thường chấp giữ Phú Già La và ngã kiến.
Này Hiền Hộ! Bồ Tát quyết không thể khởi kiến chấp như thế. Tri kiến của Bồ Tát phải như thế nào? Tri kiến của Bồ Tát phải giống như tri kiến của Như Lai, quyết không thối chuyển. Tri kiến của Bồ Tát phải như tri kiến của hàng Bích Chi Phật, A La Hán. Bồ Tát phải khởi những tri kiến đó. Nhờ vậy mà Bồ Tát chẳng nhớ, chẳng nghĩ, chẳng thấy, chẳng nghe; nhờ vậy mà Bồ Tát diệt hết các vọng tưởng, tức suy tư đắc được tam muội này.
Lại nữa, này Hiền Hộ! Giống như hư không vốn chẳng có hình sắc, không thể quán thấy, không có ngăn ngại, không chỗ nơi nương tựa, không có nơi trụ vào, thanh tịnh, không nhiễm ô, cũng không dơ bẩn, chư Bồ Tát thấy tất cả pháp cũng như thế. Đó gọi là trong tất cả pháp hữu vi hay vô vi không có chướng ngại, cho đến cũng không có xứ sở. Do dùng mắt thanh tịnh không chướng ngại, thấy tất cả pháp tự nhiên hiện ra. Lúc chư Bồ Tát niệm nhớ như thế thì thấy chư Phật, tướng hảo trang nghiêm thân như vàng ròng, đầy đủ oai nghi với trăm ngàn hào quang, chiếu sáng rực rỡ như trăng tròn mùa thu, đại chúng vây nhiễu xung quanh như các vì sao lấp lánh, như vua Chuyển Luân có binh chúng đông đầy, như trời Đế Thích tôn quý nhất trong bốn bộ chúng, như Đại Phạm Vương, tòa ngồi của chư thiên như sư tử chúa oai dũng hàng phục các loài cầm thú, như tiên bạch hạt bay trong hư không, như núi chúa Tu Di an trụ trong biển lớn, như núi tuyết lớn sản sanh các thang thuốc hay, như núi Thiết Vi nhiếp trì gió bão, như thủy giới gìn giữ cõi đất, như vòng gió lốc lớn thanh tịnh cõi hư không, như cung trời tráng lệ trên đảnh núi Tu Di.
Như thế, này Hiền Hộ! Chư Như Lai dùng hào quang trí đức chiếu sáng tất cả ba ngàn đại thiên cõi nước chư Phật đều như thế.
Này Hiền Hộ! Chư Bồ Tát đó ngay trong chánh quán cũng phải niệm nhớ như vầy: “Đối với tất cả pháp do chư Phật tuyên thuyết, tôi xưa đã nghe, đã nghe rồi đọc tụng, thọ trì tu hành”. Niệm nghĩ như thế rồi từ tam muội khởi dậy; y theo những pháp đã được nghe trong thiền định mà suy tư nghĩa lý, vì người tuyên thuyết.
Hiền Hộ, ông nên biết rằng đó là vua tam muội, làm lợi ích cho chư Bồ Tát, hay tích tụ các công đức, nên gọi là tất cả pháp ở thế gian và xuất thế gian.
Do đó, này Hiền Hộ! Nếu người trai hiền gái thảo muốn chứng đạo Bồ Đề vô thượng thì phải nghe tam muội này; nghe rồi viết chép đọc tụng thọ trì, tu tập suy tư, vì người khác diễn nói rộng, khiến cho diệu pháp này được lưu hành ở thế gian.
Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:
“Chư Phật thanh tịnh rời bụi dơ