Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển hai

31/05/201100:47(Xem: 3101)
Quyển hai

KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐÀ RA NI

* Bắc Lương, Sa-môn Pháp Chúng ở quận Cao Xương dịch từ Phạn ra Hán
* Sa-môn Thích Viên Đức dịch thành Việt văn

Quyển hai

– Thiện nam tử, nếu ông chưa rõ việc này, ta sẽ vì ông lược nói bổn sự nhơn duyên xưa.

Bấy giờ Thượng Thủ lại bảo Hằng-già rằng: “Thiện nam tử, quá khứ có Phật hiệu Chiên-đàn Hoa Chí Chơn Đẳng chánh giác, nước gọi là Chiên-đàn Hương. Đức Phật ấy thành Đẳng chánh giác trong nước đó. Vua nước đó gọi là Bảo Chiên-đàn, có một người em tên là Lâm Quả. Lúc đó đại vương có 999 người con, tất cả những vương tử ấy trị đời bạo ác, không thuận luật hành. Vị vua kia rất tốt, thường đem các việc lành thuận hóa chúng sanh, khiến họ đạt được an vui.

Thời ấy, đại vương và em Lâm Quả ngồi suy nghĩ “Đã từng từ 92 ức Hằng hà sa chư Phật thọ giới mầu này, nay ta lại nên trì giới mầu này để nhiếp các con ta khiến được chánh kiến”. Khi họ suy nghĩ như vậy, mười phương vô lượng ức thiên na-do-tha Hằng hà sa hết thảy chư Phật, khác miệng đồng lời mà khen ngợi đại vương: “Lành thay, lành thay! Vì muốn nhiếp thọ các con, đại vương và em Lâm Quả hay thọ trì giới mầu như vậy!”

Bấy giờ, đại vương và em Lâm Quả nghe tiếng chư Phật, liền từ tòa đứng dậy, đảnh lễ chân Phật rồi lui ngồi một bên, và cho gọi các con. Khi các con qua đến chỗ cha, thấy chư Phật rồi, đầu đảnh lễ chân Phật rồi lui ngồi một bên, sau đó thưa cha rằng: “Cha muốn sai bảo điều chi?”

Lúc đó đại vương cùng em Lâm Quả bảo các con rằng: “Các con biết chăng, ta có diệu giới từng được thọ từ vô lượng ức thiên chư Phật. Liệu các con nay có thể thọ giới ấy không?”

Khi ấy các con hớn hở vui mừng, đảnh lễ chân cha, xoa tay chắp lại, chiêm ngưỡng mắt cha mà thưa rằng: “Cúi mong từ phụ, chúng con xin được thọ diệu giới ấy.”

Bấy giờ đại vương và em Lâm Quả hiện sức thần thông khiến các con được thấy hết thảy mười phương vô lượng ức thiên na-do-tha Hằng hà sa chư Phật trụ nơi hư không. Lúc đó các con đều lễ chân Phật, cầu thọ diệu giới. Bấy giờ chư Phật lặng thinh hứa khả. Lúc ấy các con hai ba phen thưa thỉnh, rồi liền tự thiêu thân, trải tám vạn bốn ngàn kiếp cúng dường chư Phật xong, lại từ đất đứng dậy chiêm ngưỡng chư Phật, cầu thọ diệu giới. Lúc ấy chư Phật liền trao cho các con những giới mầu nhiệm như trên.

Thiện nam tử, khi ấy Thượng Thủ bảo Hằng-già rằng: “Ông có biết không, người tối thượng trong số các vương tử xưa kia nay chính là ta vậy. Ông có biết không, người thứ hai trong hàng vương tử ấy, đâu phải ai khác, nay chính là ông đấy!”

Thiện nam tử, khi Thượng Thủ nói pháp này, thời trong hư không có 92 ức chư Thiên đắc trụ Vô sanh pháp nhẫn.

Lại nữa Thiện nam tử, khi ấy Thượng Thủ rộng vì Hằng-già diễn nói Pháp đại lợi ích như thế. Bấy giờ Hằng-già hớn hở vui mừng vì đã thọ được diệu giới như vậy. Thiện nam tử, những người như thế là thiện tri thức của ông xưa kia đấy, nên ta sẽ vì ông mà nói. Thiện nam tử, Thượng Thủ khi ấy, hiện nay là Hoa Tụ Bồ-tát vậy. Ông có biết không, Hằng-già xưa kia đâu phải người nào khác, nay chính là thân ông đó. Chiên-đàn Vương xưa kia, nay là Đông phương Bảo Vương Phật. Ông có biết không, Lâm Quả xưa kia, nay chính là thân ta. Ông có biết không, các vương xưa kia, nay là ngàn Phật trong Hiền kiếp vậy. Chín mươi hai ức chư Thiên xưa kia đâu phải ai khác, nay chính là 92 ức ma vương vậy. Thiện nam tử, như vậy các ma vương muốn khiến ông nhớ lại sức tu hành nghiệp lành gốc xưa, lại muốn khiến ta nói nhơn duyên đã qua cho nên mới đến đây ngăn che ông, lại muốn khiến ta nói kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni để cứu nhiếp các chúng sanh khổ não trong đời đương lai, vì nhơn duyên đó họ mới đến khuấy nhiễu ông.”

Lúc đó 500 chúng đại đệ tử Bồ-tát ma-ha-tát, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cư sĩ, cư sĩ tử, Thiên nhơn, ma vương, Bà-tẩu đại sĩ và Dạ-xoa, những đại chúng như thế vui mừng nhảy nhót, đảnh đới phụng hành.

Bấy giờ đức Phật dạy A-nan: “Ông nghe thật pháp của chư Phật đó chăng?”

– Dạ vâng, thưa Thế tôn, ngày nay con mới nghe chương cú Pháp tạng thậm thâm như thế rất là hi hữu, hay khiến lìa tất cả địa ngục, ngạ quỷ, các Trời người …vv, tất cả chúng sanh đều được giải thoát, hay diệt tất cả các nghiệp báo.

Khi ấy đức Phật dạy A-nan: “Hay lắm, thiện nam tử, như lời ông nói là chân thật không hư dối. Nếu ta còn ở đời hay đã qua đời, kinh này ở tại Diêm Phù Đề cũng như mặt trời chiếu sáng thế gian. Chúng sanh nào ân may được gặp sẽ được thấy bốn phương. Lại như các núi, núi Tu-di là cao hơn hết, nếu ở trên đỉnh núi đó tức đều thấy việc ở bốn phương. Kinh đà-ra-ni này cũng lại như thế, cao hơn trong tất cả các pháp, thấy được tướng các pháp. Lại như biển lớn không có bờ mé, kinh đà-ra-ni này cũng lại như vậy, không có bờ mé, chỗ được công đức cũng không có ngằn mé. Thiện nam tử, ta nay lấy vô biên Pháp tạng như vậy mà giao phó cho ông, ông có thể hộ niệm tu hành thọ trì.”

Bấy giờ A-nan bạch Phật rằng: “Kính thưa đức Thế tôn, nếu như thế thì con không thể kham nổi việc tu hành thọ trì Kinh điển như vậy. Bởi vì sao? Vì Pháp này rất thâm sâu mầu nhiệm không có ngằn mé. Kinh này tối cao như núi Tu-di, hàng Thanh văn không thể thọ trì được. Tại sao vậy? Vì khó được ngằn mé ấy, chẳng phải chỗ biết của con, vì nhơn duyên đó, con không thể kham nổi việc thọ trì tu hành Kinh điển như vậy!”

Bấy giờ đức Phật dạy A-nan: “Ý ông nghĩ sao? Giả sử có Trời tên là Căn-hằng ở trên Phi tưởng phi phi tưởng, thân dài một do-tuần hoặc hai do-tuần, cho đến 90 do-tuần hoặc 800 do-tuần, cả thảy Trời như vậy mà không có một điều thiện, chỉ có các ác vây quanh nơi thân. Nếu lấy đầu, tóc, răng, niếu, móng, da, lông, lỗ chân lông, mỗi mỗi phát ra lửa hay thiêu đốt tất cả. Thiện nam tử, giả sử Trời này hạ xuống Diêm Phù Đề hay đến hang núi, rừng cây, cho đến chỗ suối nguồn, sông ao, thành ấp, tụ lạc. Ác lực trong thân Trời ấy phát ra lửa dữ có thể thiêu cháy hết thảy ba ngàn đại thiên thế giới. Thiện nam tử, giả sử những việc như vậy xảy ra thì có đáng sợ chăng?”

A-nan bạch rằng: “Rất là đáng sợ! Kính thưa Thế tôn, giả sử có khổ như vậy, phải làm thế nào mà diệt?”

– Thiện nam tử, nay nếu sợ khổ như vậy, ông phải tu hành thọ trì, đọc tụng kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni, giả sử lửa dữ như trên có xảy ra thì sẽ biến thành hoa sen bảy báu. Thiện nam tử, vì nhơn duyên đó, phải biết kinh này có sức công đức đại oai thần, hay diệt vô lượng ác cừu như vậy. Lại nữa Thiện nam tử, để ý việc này: nếu có con voi một thân mười đầu, đầu có hai nanh, thân có bốn chân, loại voi như vậy bạo ác ở thế gian, ngày ngày chúng ăn mà không lựa chỗ, cứ mỗi ngày ăn đủ bốn loài chúng sanh, lũ voi ác như vậy đều ăn hết thảy, nếu có chúng sanh nào biết đào tẩu thì mới mong thoát khỏi, còn không thì quyết định sẽ bị voi ác ăn thịt. Thiện nam tử, loài voi ác này có đáng sợ lắm không?

A-nan bạch đức Phật rằng: “Rất đáng sợ, thưa đức Thế tôn! Liệu có chúng sanh nào có khả năng hoại được loại voi ác tâm như thế không?”

– Có!
– Người nào thế?

– Thiện nam tử, ai tu hành đà-ra-ni này tức là người đó. Nếu có thọ trì đọc tụng tức là người đó vậy. Lại nữa, thiện nam tử, giả sử có con rắn, tánh nó rất ác, hễ bò đến chỗ nào, nếu gặp người thì tất cả mạng đều thuộc về nó. Nếu ngửi thấy mùi có thể bị hại mạng, nếu nhìn thấy nó cũng có thể bị hại mạng. Nếu nó bò đến suối nguồn, rừng núi, ao hồ, hơi của nó đến chỗ nào thì chỗ ấy đều khô cạn. Bất kỳ chúng sanh nào nghe đến tên của nó thì bị á khẩu, không thể nói được. Thiện nam tử, những việc như vậy có đáng sợ chăng?

– Rất đáng sợ, thưa Thế tôn! Liệu có chúng sanh nào trong tứ sanh có khả năng diệt được những khổ như vậy không?

Phật dạy A-nan: “Thiện nam tử, có!”
A-nan bạch rằng: “Đó là người nào?”

Phật dạy A-nan: “Nếu có kẻ trai lành, người gái tín tu hành, thọ trì đọc tụng đà-ra-ni này, thì tức là người đó vậy! Lại nữa thiện nam tử, nếu trong nhơn gian có con rồng, rồng này tánh càng đại bạo ác. Nếu trông thấy người hoặc súc sanh, cho đến loài cây cỏ, ngũ cốc, rừng núi, các loài thấp sanh, nỗn sanh …vv, nó liền sanh tâm giận dữ, lại hay phun lửa, phun nước, vậy liệu có người nào có thể diệt các ác như vậy không? Thiện nam tử, nếu trong quốc ấp, tụ lạc, chỉ cần có một người từng đã thọ trì đọc tụng, tu hành kinh điển đà-ra-ni, thì các việc như trên thảy đều tiêu diệt. Vô lượng chúng sanh gặp được người ơn này sẽ được yên ổn. Thiện nam tử, vì nhơn duyên đó, phải biết kinh này có vô lượng oai thần lực công đức. Bởi nhơn duyên ấy, ta nay bảo ông thọ trì kinh này. Sau khi ta đã qua đời, kinh này ở Diêm Phù Đề sẽ là đại trân bảo của chúng sanh. Nếu ai hay tu hành, thọ trì đọc tụng, phải biết người đó toàn dụng của báu vậy. Nếu lại có người chỉ hay đọc tụng, phải biết người ấy đắc trung phần báu. Nếu lấy các thứ hương thoa, hương bột, hoa tràng, phan cái mà cúng dường kinh, phải biết người đó được hạ phần báu.

Thiện nam tử, ta nay vì ông nói tướng nhơn duyên hạ phần báu ấy. Thiện nam tử, nếu có một người thần thông vô lượng như Văn-thù-sư-lợi, cũng dụ với ta, biện tài vô ngại, cùng với ta, hai người ở trong một kiếp thường hay biện tài, vì vô lượng vô biên chúng sanh mà nói pháp, khiến cho đại Bồ-tát trụ Nhứt sanh bổ xứ, lại đem hết thần thông dùng các món y phục, ngọa cụ, ẩm thực, thuốc thang cúng dường các Bồ-tát ấy. Liệu phước báo của người kia có nhiều không?”

A-nan thưa rằng: “Rất nhiều, bạch đức Thế tôn!”

– Thiện nam tử, nếu lại có người lấy hương thoa, hương bột, lọng tán, màn trướng mà cúng dường kinh này, thậm chí chỉ chừng một bài kệ bốn câu trong kinh. Nếu ai cúng dường người đó, thì sẽ thu hoạch được công đức còn hơn công đức của ta và kẻ biện tài kể trên, huống gì suốt đời tu hành, thọ trì đọc tụng kinh này. Công đức của người như vậy thật không thể nào kể hết. Nếu có thầy toán hoặc đệ tử của thầy toán đem hết khả năng để tính đếm thì trăm ngàn vạn phần không thể biết một. Thiện nam tử, để ý việc này: giả sử có các Bồ-tát chỉ cần một đời nữa là được thành Phật, hoặc trăm ngàn vạn ức Hằng hà sa số chư Bồ-tát ấy đem hết sức thần thông, đem hết sức biện tài, nếu họ đồng nhập thiền định từ một kiếp cho đến trăm ngàn vạn kiếp, vô lượng Bồ-tát như vậy, nếu đem so với người chỉ muốn tư duy tu hành thọ trì kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni, thì trăm ngàn vạn phần cũng không bì kịp một.

Thiện nam tử, phải biết kinh này có sức công đức đại oai thần, lại là Đại bảo tàng trong nước, là chỗ quy hướng của hết thảy chúng sanh. Vì nhơn duyên đó, ta nay nói với ông thọ trì kinh này ở tại Diêm Phù Đề, rộng tuyên lưu bố, vì chúng sanh mà nói, khiến các chúng sanh được vui cứu cánh.

Bấy giờ A-nan và 500 đại đệ tử, vô lượng đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối hữu sát đất, đảnh lễ chân Phật, hoan hỉ phụng hành.

Phần hai: Thọ ký

Lúc bấy giờ, Lôi Âm liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, chắp tay hướng Phật mà thưa rằng: “Hay thay! Đức Thế tôn khéo nói hạnh nghiệp nhơn duyên xa xưa đã làm, nay đã nói xong, đem Kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni này phó chúc cho A-nan lưu bố đời sau, vô lượng chúng sanh được Pháp này mà thu hoạch lợi lành lớn! Hay thay, đức Thế tôn, Đại từ bi vương!”

Phật dạy Lôi Âm: “Thiện nam tử, như lời ông nói, ta đã nói xong, những điều chưa nói, nay ta sẽ nói, chính ông sẽ được! Thiện nam tử, ông ở nơi đời Hiền kiếp sẽ thành Phật tên là Lôi Âm Bảo Vương Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn. Nước tên Phổ Oai thanh tịnh không chi sánh, thuần các Bồ-tát tập hội nơi ấy. Những Bồ-tát kia biện tài vô ngại, thần thông vô lượng, rõ đạt phương tiện, mỗi mỗi Bồ-tát có đại quang minh hay chiếu 80 vạn ức Hằng hà sa sát độ, ai thấy được hào quang kia liền đắc tổng trì, thần thông vô lượng như các Bồ-tát không khác. Cõi nước ấy được trang nghiêm không chi so được. Ông sẽ ở nơi thế giới đó mà làm Phật, thọ 620 vạn tuổi, chánh pháp và tượng pháp cũng lại như thế.”

Bấy giờ 500 đại đệ tử Thanh văn chúng liền từ tòa đứng dậy, sửa sang y phục, đảnh lễ chân Phật rồi lui ngồi một bên, đồng thanh khen rằng:

Thế tôn trí tuệ như hư không
Thảy biết chúng sanh tướng khứ lai
Mười phương tất cả đều thấy nghe
Con xin cúi đầu chúng bảo vương.

Bấy giờ Phật bảo 500 chúng đại đệ tử: “Các ông cũng sẽ mỗi mỗi đều làm Phật đồng một hiệu, hiệu là Bảo Nguyệt Vương Như Lai Vô Sở Trước Chí Chơn Đẳng chánh giác.”

Khi Phật thọ ký cho 500 đại đệ tử thì những ao hồ nguồn suối nào đã bị cạn kiệt, cây cối rừng lùm nào đã khô héo trong mười phương ba ngàn đại thiên thế giới đều hoàn sanh tươi tốt. Bấy giờ ba ngàn đại thiên thế giới có sáu cách biến động. Các Phạm Vương và Đế-thích thấy tướng như vậy liền cùng suy nghĩ “Có nhơn duyên gì mà các điềm như vậy hiện ra? Hay là Trời đại đức sanh ra, hay là chư đại Bồ-tát được thọ ký Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác?”

Bấy giờ hết thảy các Trời liền đến Ta-bà thế giới, thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni thọ ký các Thanh văn đại đệ tử rồi, liền đầu mặt lễ chân đức Thế tôn, lễ rồi lui ngồi một bên mà đồng thinh khen rằng:

Thế tôn trí huệ rất sâu mầu
Hay nhuần giống bại [2] , tươi hết thảy
Cũng như hoa sen chơn diệu sắc
Không đắm thế gian như hư không.

Khi chư Thiên nói kệ khen rồi, Phật dạy các Thiên tử: “Các ông không lâu cũng sẽ được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, thành Nhứt thiết trí.”

Lúc ấy Phật dạy Đông phương Thiên tử: “Ông nay lắng nghe, ta sẽ vì ông nói nhơn duyên thành Phật. Đông phương có thế giới tên là Ly Cấu, ông sẽ ở đó mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, được Nhứt thiết trí.”

Phật dạy Nam phương Thiên tử: “Có thế giới gọi là Nhiễm Sắc, ông sẽ ở đó mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, được Nhứt thiết trí.”

Phật dạy Tây phương Thiên tử: “Có thế giới gọi là Diệu Sắc, ông sẽ ở đó mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, được Nhứt thiết trí.”

Phật dạy Bắc phương Thiên tử: “Có thế giới gọi là Chúng Nan, ông sẽ ở đó mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, được Nhứt thiết trí.”

Thiên tử bạch Phật rằng: “Thế giới vì sao gọi là Chúng Nan?”

Phật dạy: “Thế giới ấy từ xưa đến nay chưa có Phật nên gọi là Chúng Nan.”

Phật dạy Hạ phương Thiên tử: “Có thế giới gọi là Chúng Thinh, ông sẽ ở đó mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, được Nhứt thiết trí.”

Phật dạy Thuợng phương Thiên tử: “Có thế giới gọi là Chúng Diệu, ông sẽ ở đó mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, được Nhứt thiết trí.”

Phật dạy mười phương thế giới hết thảy chư Thiên tử: “Các ông cũng sẽ mỗi mỗi đều thành Phật.”

Khi Thế tôn thọ ký chư Thiên, thời phóng đại hào quang sáng chiếu khắp Đại Tiểu Thiết Vi Sơn trong mười phương thế giới. Bấy giờ trong Đại Tiểu Thiết Vi Sơn, có ngạ quỷ, A-tu-la …vv, vô lượng ức thiên thấy hào quang sáng này, mỗi mỗi đầu hào quang hiện các hóa Phật. Lúc ấy chư hóa Phật bảo những ngạ quỷ: “Bọn khổ các con có thể đến Diêm Phù Đề mà uống lương dược”. Bấy giờ ngạ quỷ trông thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi tòa sư tử thọ ký chư Thiên nhơn Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác.

Lúc đó trong chúng có một A-tu-la trên núi cao liền bảo các ngạ quỷ: “Bọn khổ các ngươi có thể qua Diêm Phù Đề để nghe Pháp vị cam lồ của chư Phật.”

Bấy giờ những ngạ quỷ liền theo vị đó đến Diêm Phù Đề, thấy đức Phật Thích-ca Mâu-ni cùng vô lượng đại chúng, trước sau đoanh vây mà vì đó nói Pháp. Lúc đó khi nhìn thấy chư đại chúng đồng sáng rực như vàng ròng, hết thảy đều có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, A-tu-la tự suy nghĩ rằng “Phật ấy là ai?”

Bấy giờ vì biết được tâm niệm kia, đức Thế tôn liền vọt bay lên hư không, cao 10 cây đa-la, ngồi hoa sen bảy báu. Lúc đó A-tu-la dùng kệ khen rằng:

Thế tôn mặt mắt như nguyệt vương
Hay phá hết thảy các tối tăm
Nay lại cứu vớt bọn chúng con
Chúng con quy mạng Thiên trung tôn.

Bấy giờ đức Thế tôn dạy các ngạ quỷ: “Các con ở đây trải qua bao nhiêu thời gian?”

A-tu-la bạch đức Phật rằng: “Chúng con đã thấy và nghe 92 ức đức Phật đã qua, ngày nay mới được gặp Thiên trung vương!”

Bấy giờ đức Thế tôn vì các ngạ quỷ mà nói 12 nhơn duyên, vì A-tu-la nói sáu món Ba-la-mật. Khi nói Pháp này, hết thảy A-tu-la phát tâm Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác. Lúc đó các ngạ quỷ liền cầu xin xuất gia khi được thoát thân. Bấy giờ đức Thế tôn dạy:

“Thiện nam tử, hay ở pháp của ta cầu xin xuất gia.” Khi ấy các thiện nam tử liền thành Sa-môn, giới hạnh đầy đủ. Bấy giờ đức Thế tôn vì các Tỳ-khưu nói Ma-ha Đản-trì đà-ra-ni Chương cú, thời các Tỳ-khưu đắc A-la-hán, Tam minh, Lục thông, đủ Bát giải thoát.

Lúc ấy Xá-lợi-phất bạch đức Phật rằng: “Thưa Thế tôn, Kinh này thần lực vô lượng như vậy, hay khiến Thiên nhơn, A-tu-la, địa ngục, ngạ quỷ vân tập đến tận đạo tràng. Sức Kinh như vậy hay cứu tất cả. Người thọ trì Kinh, công đức thế nào?”

Phật dạy Xá-lợi-phất: “Ta hướng đến lời ông hỏi ấy là dụng thế nào?”

Xá-lợi-phất bạch đức Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, người thọ trì Kinh này phải lấy gì để cúng dường?”

Phật dạy Xá-lợi-phất: “Nếu có người đem đầu mắt, thân thể, vợ con, voi ngựa, bảy báu má cúng dường ta, thì công đức sẽ không bằng người hay lễ lạy quyển kinh này một bái. Nếu lại có người đem của trân bảo trong tứ thiên hạ chứa đầy đến Phạm Thiên mà cúng dường ta, thì sẽ không bằng kẻ cùng với người thọ trì kinh này trong khoảng một bữa ăn. Nếu lại có người chất chứa trân bảo đầy hết ba ngàn đại thiên thế giới mà đem cúng dường ta, công đức sẽ không bằng người trì chương cú này một ngày một đêm, huống gì so với người suốt đời thọ trì đọc tụng thì quả là công đức vô lượng. Nếu lại có người chất chứa trân bảo đầy khắp hết thảy mười phương thế giới số lượng nhiều như bụi nhỏ, phía trên cao đến chiều đứng thế giới, rồi mang cúng dường hết cho ta, thì công đức cũng không bằng người chỉ trì một bài kệ bốn câu, chuyển dạy cho người khác, thật là công đức vô lượng vô biên.”

Phật dạy Xá-lợi-phất: “Tất cả Thanh văn, Bích-chi Phật …vv, trên đến hàng Thập trụ Bồ-tát tính đếm ví dụ cũng không thể hết một phần nhỏ công đức của người thọ trì kinh này.”

Bấy giờ Phật dạy A-nan: “Ông có nghe công đức chứa nhóm như vậy không?”

– Dạ vâng, kính thưa Thế tôn, con đã nghe xong!

– Hãy để ý việc này: Ta nay sẽ nói lại với ông. A-nan, ông nay lắng nghe, ta sẽ vì ông nói công đức của kinh này. Ý ông nghĩ sao? Tất cả các loại mòng muỗi trong mười phương, nếu có người hiểu được tiếng của chúng để mà giáo hóa hết, cho đến giáo hóa các loại cầm thú khiến chúng được thân người, lại khiến họ tin nơi ba đời, thì công đức của người giáo hóa ấy có nhiều chăng?

A-nan bạch Phật rằng: “Rất nhiều, thưa Thế tôn!”

– A-nan, nếu có người chép trì kinh này, dù chỉ một bài kệ bốn câu, thì công đức của họ lại còn hơn người kể trên trăm ngàn vạn phần, dù muốn tính đếm thí dụ cũng không thể đến ngằn mé. A-nan, để ý việc này: Nếu lại có người nghe được chừng một bài kệ của kinh này mà không khiếp, không sợ, không sanh phỉ báng thì công đức của người này lại còn hơn cả hai người kể trên, và cũng thí dụ không thể tính đếm cho đến ngằn mé.

A-nan, để ý việc này: Nếu có người nghe kinh này mà lòng vui mừng hoặc tự chép viết hay bảo người khác chép viết, hoặc thấy người khác chép viết, hay nghe biết người khác chép viết mà sanh tâm vui mừng, thì công đức của người vui mừng kia lại còn hơn ba người kể trên.

A-nan, để ý việc này: Nếu lại có người biện tài vô ngại như Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử hóa độ chúng sanh nơi một thế giới Phật, khiến họ xuất gia và đều chứng đắc Tứ quả Sa-môn; lại có người như Văn-thù-sư-lợi hóa độ chúng sanh trong 60 thế giới được xuất gia và đắc A-la-hán, hoặc đắc Bích-chi Phật, hoặc phát tâm Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác. Ý ông nghĩ sao? Công đức của hai người vừa kể có nhiều không?

A-nan bạch Phật: “Rất nhiều, thưa Thế tôn! Không thể xưng kể, không thể so lường!”

– A-nan, nếu lại có người nghe được kinh này mà vui mừng hớn hở, đến nơi đạo tràng tu hành bảy ngày, thì công đức của người này lại còn vượt hơn những gì mà tất cả các người kể trên đã làm, tất cả ma Ba-tuần bị khuất phục.

A-nan bạch đức Phật rằng: “Con cùng đại chúng hoan hỉ phụng hành.”

Bấy giờ Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử Bồ-tát ma-ha-tát ở đại chúng khởi tâm niệm rằng: “Đức Thích-ca Như Lai cùng vô lượng đại chúng trước sau đoanh vây nói Kinh Đại Phương Đẳng đà-ra-ni này. Ta không biết nghĩa thú ấy như thế nào, nay ta sẽ thỉnh hỏi. Vì sao? Trong Thiên trung tôn vương, chỉ có đức Như lai mới hay vì ta giải nói nghĩa đó.”

Nghĩ như vậy rồi, liền từ tòa đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối hữu sát đất, cung kính chắp tay, mắt không tạm rời, bạch đức Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, như trước đã nói, trước ở nơi đại thành Vương Xá thọ ký cho hàng Thanh văn. Nay lại ở nước Xá-vệ trong rừng Kỳ-đà mà thọ ký cho hàng Thanh văn. Xưa ở Ba-la-nại thọ ký cho hàng Thanh văn đại đệ tử. Bạch đức Thế tôn, con nay có chút nghi hoặc, muốn thưa hỏi đức Như lai, xin Phật cho phép.”

Bấy giờ Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử rằng: “Đức Thế tôn mở rộng lòng từ vô lượng, đã thọ ký cho hàng đại đệ tử Thanh văn chúng con rằng không lâu sẽ được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác thành Nhứt thiết trí, mỗi nơi thế giới như nay đức Thế tôn nhiếp các chúng sanh thường tại đạo tràng. Lời nói của đức Thế tôn là chân thật, không hư dối, có thể đến lần thứ hai, thứ ba thọ ký cho hàng đại đệ tử Thanh văn chúng con. Chúng con quyết sẽ như đức Thích-ca Mâu-ni Như Lai, quyết định không hư dối, không có nghi ngờ vậy. Văn-thù-sư-lợi, ý ông nghĩ sao? Chúng ta sẽ được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác phải không?”

Văn-thù-sư-lợi nói với Xá-lợi-phất: “Ý ông nghĩ sao? Cũng như cây khô trở lại sanh cành lá phải không? Cũng như nước núi trở về bổn xứ phải không? Cũng như đá vỡ hiệp trở lại phải không? Cũng như giống lúa rang khô mà sanh mầm trở lại phải không? Như trong ruộng muối mà đi gieo giống phải không? Các việc như thế có được hay không?”

Xá-lợi-phất nói: “Không vậy. Văn-thù-sư-lợi, các việc như trên thật không thể được!”

Văn-thù-sư-lợi nói: “Nếu không thể được, tại sao ông lại hỏi tôi thọ ký sẽ được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác, tâm sanh vui mừng? Vậy pháp thọ ký không có hình tướng, không có ngôn ngữ, không có khứ lai, không có vui mừng, không có tướng đắc nên không có ngôn ngữ, không có vọng tưởng, phân biệt chư Pháp mà thọ ký Pháp. Nên khởi tác tướng như vậy có thể được như tánh. Vả chăng, pháp thọ ký như hư không không sắc, cũng như hư không không hình, như mây bay không thật, như gió thổi không hình thể, như hư không nghe âm thanh không thấy hình kia, như nước nhóm bọt không có thật xứ, như ngựa chạy đồng trống đuổi theo ánh lửa của thành Càn-thát-bà. Phải biết Pháp như vậy không có thật xứ. Luận rằng đại Bồ-tát được pháp thọ ký nên quán sát các pháp tướng như vậy. Nếu có thể như vậy mà quán sát, ấy mới gọi là thọ ký Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác.

Xá-lợi-phất hỏi Văn-thù-sư-lợi: “Nếu tất cả pháp tánh vốn không ấy, đức Như lai lấy pháp gì thọ ký Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác cho chúng tôi vậy?”

Văn-thù-sư-lợi đáp Xá-lợi-phất rằng: “Như Lai lấy như-như-tánh mà thọ ký các ông.”

Xá-lợi-phất nói: “Như Văn-thù-sư-lợi đã nói, ở trong không có như tánh, nay ông lại bảo với tôi là Như Lai lấy tánh như-như mà thọ ký cho các ông.”

Văn-thù-sư-lợi đáp Xá-lợi-phất rằng: “Đức Như Lai thọ ký, Không tức là Như, Không ly là Như.”

Xá-lợi-phất nói: “Như trên đã nói không có hình tướng, mà nay Pháp này có hình tướng hay không?”

Văn-thù-sư-lợi nói: “Không tức là hình tướng, không ly hình tướng là 32 tướng.”
Xá-lợi-phất nói: “Đức Như lai thọ ký tam-bồ-đề cho chúng ta ấy là hư vọng ư?”
Văn-thù-sư-lợi nói: “Không tức là hư vọng, không ly là hư vọng.”
Xá-lợi-phất nói: “Phải cầu cái gì?”
Văn-thù-sư-lợi nói: “Trong cái tánh như như mà cầu.”
Xá-lợi-phất nói: “Như này là như tánh thì phải cầu cái gì?”
Văn-thù-sư-lợi nói: “Nơi trong Như Lai chơn đế mà cầu.”
Xá-lợi-phất nói: “Như Lai chơn đế phải cầu cái gì?”
Văn-thù-sư-lợi nói: “Nơi trong cái như như tánh mà cầu.”
Xá-lợi-phất nói: “Tức là như? Hay không tức là như?”
Văn-thù-sư-lợi nói: “Không tức không như tức là như tánh.”
Xá-lợi-phất nói: “Tức là như? Hay không tức là như?”

Văn-thù-sư-lợi nói: “Tức cũng là như, không tức cũng là như. Không tức không ly ấy gọi là như tánh.”

Bấy giờ Xá-lợi-phất không biết là nói gì, không biết lấy gì đáp, làm thinh rồi trở về bổn tòa mà ngồi.

Lúc ấy đức Phật bảo Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử rằng: “Lành thay, lành thay Phật tử! Lời nói hay lắm! Như pháp thọ ký ấy, sự thọ ký nên như thế mà quán sát pháp tánh mới gọi là thọ ký.”

Bấy giờ Xá-lợi-phất ở trước đức Phật mà tự than, nói xả bỏ tâm Thanh văn, Bích-chi Phật trở về lại nơi bổn nghiệp. Phật dạy Xá-lợi-phất: “Lành thay, lành thay thiện nam tử, mới hay từ bỏ tâm Thanh văn, Bích-chi Phật trở về bổn nghiệp mà không chấp trước tánh tướng của các pháp, không lâu sẽ được Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác.”

Khi nói Pháp này, vô lượng ức thiên na-do-tha đại chúng đều phát tâm Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác.

Bấy giờ 500 đại đệ tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đầu mặt lễ chân mà bạch Phật rằng: “Kính thưa đức Thế tôn, như Phật đã nói, khi hành pháp này sẽ có ma Ba-tuần đến phá hoại thiện căn nhơn duyên của người đó, vậy làm thế nào để biết?”

Khi ấy Phật dạy 500 chúng đại đệ tử: “Khi ma này đến, gồm có 40 vạn ức đến chỗ người đó, phát lên tiếng hung dữ, cột kèo nhà cửa đều rung động phóng đại ác phong, hoặc khi phóng hỏa, hoặc khi phóng thủy muốn giết hại người ấy. Hoặc khi trong mộng đứng trước người ấy, kéo cắt lưỡi người ấy, hoặc khi phun lửa trên mặt người, hoặc bưng núi muốn đè người ấy. Người ấy nên đáp ‘Ngươi đến rất lành’. Lúc nói lời này, người ấy nên im lặng mà niệm trong tâm Ma-ha Đản-trì-la đà-ra-ni Chương cú. Lại nên xưng rằng: “Nam mô Thích-ca Mâu-ni Phật, Nam mô Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử, Hư Không Tạng Pháp Vương Tử, Quán Thế Âm Pháp Vương Tử, Tỳ-sa-môn Pháp Vương Tử, Hư Không Pháp Vương Tử, Phá Ám Pháp Vương Tử, Phổ Văn Pháp Vương Tử, Diệu Hình Pháp Vương Tử, Đại Không Pháp Vương Tử, Chơn Như Pháp Vương Tử”, nên niệm danh hiệu các đại Bồ-tát như thế. Những pháp vương tử ấy quyết sẽ đến chỗ người tu hành mà ủng hộ, khiến cho được an vui, không bị khổ não. Vậy các Tỳ-khưu khi gặp nạn nên niệm danh tự những vương tử vừa kể.”

Bấy giờ A-nan bạch đức Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, khi người tu hành bị ma Ba-tuần khủng bố, phải cầu các vương đại từ đến cứu giúp, thì phải lấy gì để cúng dường những vương tử ấy?”

Lúc ấy Phật dạy A-nan: “Khi Ba-tuần đi rồi, nên dùng các thứ hương thoa, hương bột cúng dường những vương tử ấy, dùng các thứ hương nê mà thoa trong tịnh thất, dùng màu ngũ sắc họa vẽ, khác miệng đồng lời mà tán khen chư Pháp vương. Bấy giờ đức Quán Thế Âm liền vào tịnh thất ấy, hoặc làm đạo nhơn, hoặc làm Sa-di, Thức-xoa Sa-di-ni, hoặc làm Ưu-bà-tắc hoặc làm khất sĩ, hoặc làm chó đói vào thất, hoặc làm kiều khách đến xin ngủ nhờ trong thất, hoặc làm quốc vương, vương tử, hoặc làm người thường mà đến thất của người tu hành.”

Khi ấy A-nan bạch đức Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, khi tu hành pháp này, có được nhiều chúng không?”

Phật dạy A-nan: “Có mười người trở lại.”

Khi ấy A-nan bạch đức Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, khi tu pháp này, có được kinh doanh và cười nói không?”

Phật dạy A-nan: “Chỉ được nhứt tâm niệm Ma-ha Đản-trì-la đà-ra-ni Chương cú, còn không được tiếp khách, nói cười các ác uế niệm, huống nữa là những vụ kinh doanh buôn bán đó ư!”

Phật dạy A-nan: “Khi tu trì kinh này, nếu thiện nam tử thiện nữ nhơn nhìn thấy Phật Vô Lượng Thọ, Phật Thích-ca Mâu-ni, Phật Duy-vệ, Phật Thi-khí, Phật Tùy-diếp, Phật Câu-lâu-tần, Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, Phật Ca-diếp, quá khứ Phật Lôi Âm Vương, Phật Bí Pháp Tạng, thì nên trước chư Phật mà chí tâm sám hối, sẽ diệt được 92 ức tội sanh tử. Hành giả này vĩnh viễn hết lậu tam đồ, không còn sanh tử nữa, thì lúc đó mới nhìn thấy chư Phật hiện tiền. Khi sám hối nên dùng các thứ hương hoa, tràng phan, bảo cái mà cúng dường, lại cũng dùng hương thoa, hương bột mà cúng dường. Cúng dường như vậy xong sẽ thấy mười phương Diệu Lạc thế giới. Khi được thấy rồi thì phải dè dặt, đừng mang ra mà nói với người khác. Nếu nói, thì sẽ không được phước, chứ đừng nói chi ra khỏi sanh tử, phải trở lại tam đồ trải qua trăm ngàn vạn kiếp chịu khổ thống ở nơi có nạn. Người đó còn mắc bịnh bạch lại (lác trắng), đui điếc câm ngọng, không biết mặn lạt, không phân biệt tốt xấu. Hễ muốn cầu thông minh, thì trái lại phải mắc quả báo ngu si.”

A-nan bạch đức Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, khi muốn từ bỏ gia đình, người tu hành phải nói như thế nào?”

Phật dạy A-nan: “Khi muốn ra khỏi gia đình, người tu phải nói như vầy:’Tôi muốn tu hành kinh điển đà-ra-ni, cha mẹ có cho phép không? Nếu có cho thì con mới ra đi.’ Nói như vậy rồi, trong tâm lặng lẽ suy nghĩ rằng ‘Ta cũng muốn xả bỏ vợ con, gia đình quyến thuộc, tu hành Kinh điển đà-ra-ni thẳng đến đạo tràng, nên như Pháp Tỳ-khưu tu hành tịnh hạnh, đủ ba y, tích trượng, tháo thủy, thực khí, tọa cụ [3] .Người tu hành chỉ nên giữ chừng ấy. Sống nơi đạo tràng như Pháp Tỳ-khưu, lại cũng nên thọ sáu trọng giới như Ưu-bà-tắc xả ác luật nghi. Khi thọ, chớ nên nhìn nữ sắc, chỉ tự nghĩ rằng ‘Tâm ta như bị ghim mũi tên độc, làm sao nhổ ra? Không nên nhìn nữ sắc, là vì bản thân ta từ hồi nào đến giờ, chính vì nhìn ngó nữ sắc mà đọa rớt nơi tam đồ, không có kỳ hạn nào ra được,’ phải khởi niệm như vậy, quán sát sáu trần cũng lại như vậy. Các đệ tử của ta không nên đắm trước chỗ đấy, những loại giặc như vậy phá tan công đức lành của người. A-nan, ta nay nói với ông bảo đệ tử của ta chớ cùng với lục tặc mà kết làm bạn hữu, nó sẽ phá tan công đức kia đó!”

A-nan bạch Phật rằng: “Kính thưa Thế tôn, đó là nói đến những kẻ được cha mẹ cho phép. Còn nếu cha mẹ, vợ con không cho phép người tu, thì phải dùng phương tiện gì để họ đến đạo tràng?”

Phật dạy A-nan: “Người này nên đối trước cha mẹ mà thiêu các thứ hương thơm, quỳ dài chắp tay, nên nói lên rằng ‘Con nay muốn đến đạo tràng, xin thương xót cho phép,’ cũng nên trình bày cho được hiểu rõ, cũng nên tùy nghi thuyết pháp, cũng nên ba phen nài xin. Nếu không được cho phép, người tu nên ở lại nhà mình mà lặng lẽ tự suy tư tụng Kinh điển này.”

A-nan bạch Phật rằng: “Phải làm thế nào mà tu hành?”

Phật dạy A-nan: “Khi tu hành, người này phải thanh tịnh trong nhà mình, thiêu hương cúng dường.”

A-nan bạch Phật: “Nữ nhơn có được đến chỗ tu hành ấy không?”

Phật dạy A-nan: “Có đến cũng không sao.”

A-nan bạch Phật: “Lại được giữ y này không?”

Phật dạy A-nan: “Giữ y cũng không sao. Chỉ nói ta là đệ tử chớ đắm trước nữ sắc, phải buộc tâm không cho buông lung, cũng như đạo tràng nhơn và pháp, nếu hay như vậy mà thanh tịnh tu hành thì trong bảy ngày, đức Quán Thế Âm Bồ-tát hiện ra trước người ấy mà nói Pháp, hoặc khi nằm mộng hoặc lúc thức ngủ, đạo tràng hiện trước người ấy không khác. Nếu được như vậy, nên nhứt tâm nhớ niệm đà-ra-ni Kinh điển. Nếu đem tâm tán loạn mà cầu nhơn Thiên sẽ bị quả báo địa ngục, thọ muôn mối khổ không có ngày ra. Giả sử ra được thì cũng làm thân tôi tớ bị người ghét mắng, áo cơm không đủ, thường chịu nghèo cùng đói khát. Vậy chớ nên suy nghĩ tạp loạn, phải chí thành tâm, nếu không chí tâm thì sau này ăn năn không kịp.”

A-nan bạch Phật: “Người này từ biệt gia đình xuất gia cạo bỏ râu tóc được không?”

Phật dạy: “Không vậy!”

A-nan bạch Phật: “Nếu không cạo bỏ thì sao nói đủ ba y?”

Phật dạy A-nan: “Nói ba y, thì một gọi là đơn phùng, hai là tục phục .

A-nan bạch Phật rằng: “Thưa Thế tôn, trước giờ nói một là xuất gia y, hai là tại gia phục. Nếu tại gia thì có dụng ba thứ ấy không?”

Phật dạy A-nan: “Một là xuất gia y, ấy là làm theo pháp thức của ba đời chư Phật; hai là tục phục, ấy là muốn khiến cho đệ tử của ta, khi đến đạo tràng, thì mặc riêng biệt một bộ phục, thường đem theo tùy thân, thước tấc không rời, nếu rời y này tức đắc tội chướng đạo. Còn y thứ ba, ấy là để đủ cho tục phục đem đến đạo tràng, thường dùng trong việc đi đứng nằm ngồi. Như vậy đó, ông nên thọ trì.”

A-nan bạch Phật rằng: “Nếu có kẻ trai lành, người gái tín mà không thọ sáu trọng giới kể trên, thì có được đến đạo tràng không?”

Phật dạy A-nan: “Tùy ý có thể kham đến nơi đạo tràng.”

A-nan bạch Phật: “Nếu có thọ, thì thọ suốt đời chăng?”

Phật dạy A-nan: “Cũng như pháp trên, tùy ý có thể kham thọ các giới luật.”

A-nan bạch Phật: “Như trước giờ đã nói, thẩm xét là phải hay không?”

Bấy giờ, bảy đức Phật liền hiện thân trụ trước A-nan, mà nói với A-nan rằng: “Chớ đem ý tiểu trí của Thanh văn Tiểu thừa mà tùy thuận các chúng sanh khởi đoạn diệt kiến. Quá khứ chư Phật đều do môn này mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác. Pháp này là pháp môn của tất cả chư Phật vậy. Ba đời chư Phật đều do môn này mà thành Vô thượng Bồ-đề Chánh đẳng chánh giác.”

Chư Phật nói rồi thoạt nhiên biến mất.

A-nan nghĩ thầm “Lúc nãy có bảy đức Phật, nay lại ở đâu?”

Phật biết ý, liền đáp rằng: “Nay ở tại phương Đông. A-nan, vì ông khởi lên đoạn diệt kiến cho nên các ngài mới đến để chứng cho ông đó.”

A-nan bạch Phật: “Thẩm định đã trừ mà không còn nghi ngờ nữa.”

Phật dạy A-nan: “Như lời ông đã nói, quyết định không còn nghi ngờ.”

A-nan bạch Phật: “Như vậy đồng kẻ tu hành, có không thấy …vv, có chí tâm thì mới trừ vô lượng hết thảy các tội ấy, còn nếu không chí tâm thì gọi là người gì?”

Phật dạy A-nan: “Người ấy gọi là thiểu phần đắc.”

A-nan bạch Phật rằng: “Người này khi mạng chung sẽ sanh về chỗ nào?”

Phật dạy A-nan: “Tùy ý mà sanh.”

A-nan bạch Phật: “Tùy ý mà sanh vì oai lực của Đại Phương Đẳng đà-ra-ni hay vì oai lực của đức Thế tôn trong ba cõi?”

Phật dạy A-nan: “Không phải đức của ta, mà đó chính là sức thần công đức của Ma-ha Đản-trì-la đà-ra-ni, có công năng đem chúng sanh đến cõi nước An Lạc.”

A-nan bạch Phật rằng: “Nếu cho vậy là phải, con không dám hỏi đáp như thế.”

Phật dạy A-nan: “Khi ta còn ở đời hoặc đã qua đời, có ai phỉ báng kinh Đại Phương Đẳng này, ông nay hãy lắng nghe suy nghĩ, ta sẽ vì ông phân biệt giải nói nhơn duyên phỉ báng kinh.

A-nan, giả sử tất cả mười phương thế giới đều bị phá nát thành bụi nhỏ, thì số bụi ấy còn có thể đếm biết, chứ không thể biết hết tội báo của kẻ phỉ báng kia. Nếu Tỳ-khưu, Tỳ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tu hành Phật Pháp, vào trong Pháp của ta, muốn cầu các món quả báo nhơn Thiên, muốn cầu Diệu Lạc thế giới ở phương khác, thì ngược lại còn bị các thứ khổ hoạn. Vì sao vậy? Vì phỉ báng Phương Đẳng đà-ra-ni vậy. Muốn cầu chủng trí, ngược lại bị quả báo ngu si. Muốn cầu nhơn Thiên thượng diệu khoái lạc, trái lại đọa địa ngục rốt ráo chịu khổ. Muốn cầu tôn vương, trái lại bị hạ tiện. Muốn cầu thông minh, trái lại ám độn. Muốn cầu thiên nhãn, ngược lại bị manh báo (mù lòa). Muốn cầu con cái, ngược lại bị cô độc báo. Muốn cầu thân có mùi thơm, ngược lại bị hết sức hôi thúi dơ xấu. Thân muốn cầu 32 tướng đoan chánh, ngược lại bị 32 điều xấu xí. Muốn cầu tha phương Diệu Lạc thế giới, ngược lại bị tha phương địa ngục cực khổ. Muốn cầu đại giàu có, ngược lại bị quả báo nghèo cùng.

A-nan, vì nhơn duyên (phỉ báng) ấy, cho nên ta nói với ông: chớ nên phỉ báng kinh này. Ta nay chỉ lược nói tội báo như trên. Ông nay lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.

Lại có tội báo: Nếu có kẻ thiện nam, người thiện nữ không hiểu Như Lai đã nói nghĩa Phương Đẳng, ở trong Pháp này mà hoành sanh phỉ báng, đem vọng tưởng phân biệt các Pháp, hoặc sanh tâm sân giận, người này đến khi mạng chung sẽ đọa vào Đông phương A-tỳ địa ngục, chịu khổ trải qua tám vạn bốn ngàn kiếp, lần lượt như thế vì tội báo đã phỉ báng kinh. Chung quanh A-tỳ địa ngục có tám vạn bốn ngàn cái ngăn, và khi từ địa ngục ra, người phỉ báng kia lại lần lượt vào từng ngăn ấy trải qua tám vạn bốn ngàn kiếp. Mỗi ngăn như vậy lại có 16 ngăn khác bao quanh, và tuần tự như vậy mà lọt vào Đông-Nam phương, Nam phương, Tây-Nam phương, Tây phương, Tây-Bắc phương, Bắc phương, Đông-Bắc phương, từng địa ngục như vậy, mỗi mỗi từng kiếp số, lần lượt mà chịu khổ. Trên đến chư Phật, bậc trung có thiểu phần túc nhơn, dưới đến Bích-chi Phật và Thanh văn nhơn, những bậc đại sĩ như thế cũng không thể cứu được.

Từ những địa ngục ấy ra rồi, (kẻ phỉ báng kia) phải sanh trong thế gian, ngạ quỷ, súc sanh, sâu kiến, ruồi rận, thủy trùng nòng nọc, cá hoặc ba ba, thuộc những loài không bao giờ có một lần thay đổi. Giả sử bị làm người hủi lác ung thư, bần cùng đê tiện, thường sanh những chỗ thấp hèn, mù cả hai mắt hoặc chột một mắt, thân thể hôi thúi, các căn không đầy đủ, ai thấy cũng ghét mắng. Giả sử có sanh vào dòng giàu có, thì lại bị ngọng liệu, thọ mạng ngắn ngủi, mọi người quở trách rằng hình mạo còn tệ hơn là kẻ ác, ác kiến, thường bị trù rủa khiến phải chết sớm, hoặc khi sanh ra đời thì ngũ căn không đầy đủ.

A-nan, là vì do đời trước phỉ báng kinh Phương Đẳng cho nên thọ nghiệp như vậy. Tuy được thân người, các căn không được hoàn toàn. Giả sử không gặp được thiện tri thức như đã kể trên, (kẻ phỉ báng) lại lần lượt trở vào các địa ngục. Loại địa ngục đó là nhà cửa của họ, quả báo xấu như vậy là y phục của họ.

A-nan, phải biết nghiệp đó không thể lấy tướng lòng dối gạt, khiến cho tinh thần phải chịu các khổ báo. A-nan, ta nay nói với ông, đối với hạng người không tin, chớ nên nói kinh này.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567