Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật sở hành tán, viết về Phật Đản sinh

16/04/202506:14(Xem: 126)
Phật sở hành tán, viết về Phật Đản sinh
phat thanh dao


Phật sở hành tán
viết về Phật Đản sinh





"Phật sở hành tán" (Buddhacarita) được xem là tác phẩm "trường ca" đầu tiên, của Phật giáo Bắc truyền viết về cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tác giả Phật sở hành tán (PS HT) là Đại sĩ Mã Minh (As'vaghosa 100-160 TL), nhà luận thuyết đã có những đóng góp lớn lao vào quá trình hình thành hệ thống Phật giáo phát triển, Phật giáo Bắc truyền. Ngoài PSHT, những tác phẩm nổi tiếng khác của Đại sĩ Mã Minh còn có "Luận Đại Thừa Khởi Tín", "Đại Trang Nghiêm tinh luận"...

PSHT đã được Đại sư Đàm Vô Sấm (Dharmaraksa, 385-433) dịch ra Hán văn vào đời Bắc Lương, khoảng đầu thế kỷ V TL và được đưa vào Đại Tạng kinh, phần Bản Duyên bộ (Đại Tạng kinh Đại Chính Tân Tu - ĐTK/ ĐCTT, tập 4 No 192). Bắc Lương là một nước nhỏ trong 16 nước hùng cứ miền Bắc Trung Hoa thời Nam-Bắc triều, khoảng từ cuối đời Đông Tấn (Nam, 317-419) và đầu đời Lưu Tống (Nam, 420-479) gồm 2 đời vua, giữ ngôi 39 năm, (từ 401-439 TL) sau hàng nhà Hậu Ngụy.
Đại Sư Đàm Vô Sấm vốn người vùng trung Ấn Độ, năm 412 TL vào đất Bắc Lương, được vua Lương bấy giờ tiếp đón, hậu đãi. Đại sư bỏ ra 3 năm để học Hán văn, sau đấy bắt đầu cho sự nghiệp dịch thuật kinh điển, góp phần hoằng dương chánh pháp. Ngoài bản dịch PSHT, Đại sư Đàm Vô Sấm còn là dịch giả các bộ kinh điển tiêu biểu sau đây : kinh Bi Hoa, 10 quyển, No 157, T3, ĐTK/ĐCTT, Kinh Đại Bát Niết Bàn, 40 quyển, No 374, T12, ĐTK/ĐCTT, vẫn quen gọi là Bắc Bản.

Kinh Đại Phương Đăng Đại tập, 11 phẩm đầu và phẩm 13, gồm 29 quyển, No 397, T13, ĐTK/ĐCTT

Kinh Kim Quang Minh, 4 quyển, No 663, T16, ĐTK/ĐCTT...

Bản Hán dịch tác phẩm PSHT của Đại sư Đàm Vô Sấm (No 192, Tập 4, ĐTK/ĐCTT, trang 1 - 54C) được chia làm 5 quyển, với 28 phẩm, dùng thuần thể thơ 5 chữ, tổng cộng là 9.216 câu, là một nỗ lực tuyệt vời nhằm ghi nhận, mô tả, diễn dạt tán dương về cuộc đời của một bật vĩ nhân. Chúng ta đều biết câu thơ 5 chữ vẫn thường được sử dụng trong nhiều bộ kinh Hán dịch (kệ) mang tính chất trùng tụng những ý nghĩa đã được thuyết minh nơi phần văn xuôi trước đây. Ưu điểm của câu thơ 5 chữ là tính chất gọn ghẽ, cân đối, dễ tạo được sự hài hòa giữa tâm- cảnh trong cố gắng tiếp cận, mô tả đối tượng, cũng như thể hiện sự cảm nhận của chủ thể. Nhưng nhược điểm của nó là dể bị trùng lặp, nhất là khi phải sử dụng số lượng câu thơ qúa nhiều, đồng thời nếu không uyển chuyển trong lối gieo vần thì dễ trở thành đơn điệu, hay đá vè nhau. Trong một số trường hợp, dù người dịch không tạo vần nhưng đã chú trọng nhiều tới yếu tố nhạc điệu, chữ dùng và hình ảnh chọn lọc, sinh động, câu thơ 5 chữ vẫn đem lại những thành tựu xuất sắc. Đoạn kệ gồm 104 câu thơ 5 chữ nơi phẩm Phổ Môn trong kinh "Diệu Pháp Liên Hoa" do Tam Tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập (334-413) dịch, là một thí dụ điển hình.

Bản dịch PSHT gồm 9.216 câu, 28 phẩm, được phân bổ qua 5 quyển như sau :

Quyển 1 : Gồm 5 phẩm (phẩm 1-5) với 1.666 câu, phẩm dài nhất là phẩm 1 : "Ra đời" : 504 câu. Phẩm ngắn nhất là phẩm 2 : "Ở nơi vương cung" : 242 câu.

Quyển 2 : Gồm 4 phẩm (phẩm 6-9) với 1.434 câu, phẩm dài nhất gồm 450 câu (phẩm 9 : "Tìm kiếm Thái tử"), phẩm ngắn nhất với 296 câu (phẩm 7 : "Vào rừng khổ hạnh").

Quyển 3 : Gờm 6 phẩm (phẩm 10-15) với 1.966 câu, trong đó 2 phẩm 10 ("Vua Bình Sa đến chỗ Thái tử", 202 câu) và phẩm 12 ("Học đạo nơi 2 vị tiên A La Lam, Uất Đầu Lam", 466 câu) là phẩm ngắn nhất và dài nhất.

Quyển 4 : Gồm 7 phẩm (phẩm 16-22) với 2.016 câu, phẩm có số câu thơ dài nhất là phẩm 16 : "Vua Bình Sa và các đệ tử", 412 câu, phẩm 22 "Nàng Am Ma La yết kiến Phật", 192 câu, là phẩm ngắn nhất.

Quyển 5 : Gồm 6 phẩm (phẩm 23-28) với 2.014 câu, trong đó phẩm 26 "Đại Bát Niết Bàn" gồm 524 câu là phẩm có số câu nhiều nhất nơi quyển 5, cũng là phẩm dài nhất của tác phẩm. Phẩm có số câu thơ ít nhất nơi quyển này là phẩm 24 "Từ biệt chư vị Ly Xa", 210 câu.

Nhìn chung, ngưòi dịch PSHT đã vận dụng mọi khả năng về văn học có thể có của mình để hạn chế những nhược điểm cùng phát huy mặt ưu điểm của câu thơ 5 chữ, tạo được một thành công đáng kể : dùng thi ca để diễn tả về cuộc đời Đức Phật.

Phẩm "Ra đời" gồm 504 câu thơ 5 chữ (câu 1.504) là phẩm có số câu nhiều nhất nơi quyển 1, cũng là phẩm dài thứ hai của tác phẩm PSHT. Tác giả lần lượt nói đến :

* Sơ lược về giòng họ Thich Ca.

* Một số điểm về chánh báo của vua cha Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da.

* Hoàng hậu Ma Da mang thai, những biểu hiện thiện của hoàng hậu trong thòi gian ấy.

* Gần đến ngày sinh, hoàng hậu xin vua Tịnh Phạn cho mình được đi dạo nơi hoa viên Lâm Tỳ Ni...

* Đoạn thơ mô tả về sự kiện Đản sinh của Dức Phật Thích Ca từ câu 27 đến câu 142, gồm 116 câu. Xin trích dịch một số câu tiêu biểu :

"Bồ tát cũng như thế
Từ hông phải ra đời
Dần dần theo thai hiện
Hào quang tỏa rạng ngời...
Chân chánh tâm không loạn
Ung dung bảy bước đi
Yên bình in rõ dấu
Bảy sao sáng khác gì.
Uyển chuyển bước sư tử
Ngắm nhìn khắp bốn phương
Thấu đạt nghĩa đệ nhất
Lời nói thật dịu dàng :
Đây là Phật thị hiện
Lần sinh ấy cuối cùng
Ta với một đời này
Muôn loài nguyền độ thảy!
Bấy giời từ hư không
Nước trong hai dòng tuôn
Một ấm một mát lành
Tắm rửa khiến thân vui
Ở yên cung điện báu
Nằm nơi giường lưu ly
Thiên vương tay mang hoa
Cung kính dâng cúng đầy...
Bồ tát hiện thế gian
Gió công đức thổi lộng
Thuyền, gió, sóng dạt dào
Đại địa cùng chấn động.
Bột chiên đàn thơm mịn
Muôn báu, ngàn đóa sen
Theo gió rơi nhè nhẹ
Lớp lớp, lớp lớp chen
Áo trời lại nối tiếp
Thân chạm an lạc hơn
Nhật nguyệt như khác thường
Ánh sáng càng thêm tỏ.
Nguồn lửa khắp mọi nơi
Không củi vẫn cháy bùng
Trước sau tự nhiên hiện
Vô vàn giếng nước trong...
Bao bệnh tật thế gian
Không chữa tự nhiên dứt
Tiếng thú dữ rống gầm
Bỗng dưng đều im bặt.
Muôn dòng chảy đều ngưng
Bao nguồn đục thảy trong
Trên không chẳng chút mây
Trống trời vang như sấm
Cõi đời khắp mọi loài
Thảy đều được an lạc..."

"Bồ tát diệc như thị
Dản tùng hữu hiệp sinh
Tiệm tiệm tùng thai xuất
Quang minh phổ chiếu diệu
Chánh chân tâm bất loạn
An tường hành thất bộ
Túc hạ an bình chỉ
Bính triệt du thất tinh.
Thú vương sư tử bộ
Quan sát ư tứ phương
Thông đạt chân thật nghĩa
Kham năng như thị thuyết
Thử sinh vi Phật sinh
Tắc vi hậu biên sinh
Ngã duy thử nhứt sinh
Đương độ ư nhứt thiết.
Ứng thời hư không trung
Tịnh thủy song lưu hạ
Nhất ôn, nhất thanh lương
Quán đỉnh linh thân lạc.
An xứ bảo cung điện
Ngọa ư lưu ly sàng
Thiên vương kim hoa thủ
Phụng trì sàng tứ túc...
Bồ tát xuất hưng thế
Công đức phong sở phiêu
Phổ giai đại chấn động
Như phong cổ lăng châu.
Chiên đàn tế mạt hương
Chúng bảo Liên hoa tạng
Phong xuy tùy không lưu
Tần phân nhi loạn trụy.
Thiên y tùng không hạ
Xúc thân sanh diệu lạc
Nhật nguyệt như thường độ
Quang diệu bội tăng minh.
Thế gian chư hỏa quang
Vô tận tự diệm xí.
Tịnh thủy thanh lương tĩnh.
Tiền hậu tự nhiên sinh...
Thế gian chư tật bệnh
Bất liệu tự nhiên trừ
Loạn minh chư cầm thú
Điểm mặc tịch vô thanh
Vạn xuyên giai đinh lưu
Trọc thủy tất trừng thanh
Không trung vô vân ế
Thiên cổ tự nhiên minh
Nhất thiết chư thế gian
Tất đắc an ẩn lạc...
(PSHT, câu 41-136; ĐTK/ĐCTT, tập 4, trang 1A-C.)

Xin nêu mấy ghi nhận :

* Cũng giống như một số kinh ngắn của PG Bắc truyền viết về cuộc đời Đức Phật, PSHT đã cho ngày Phật đản sinh là "Mồng Tám Tháng Tư" (thời tứ nguyệt bát nhật - PSHT, câu 31).

* Cũng như hầu hết các tài liệu khác, PSHT đã nhấn mạnh về tầm vĩ đại của ngày Phật đản sinh đối với thế giới loài người, rộng lớn là đối với chúng sinh nơi 6 đường trong 3 cõi. Minh họa cho tính chất lớn lao hết mực ấy là những hiện tượng kỳ lạ, kỳ diệu v.v... như chúng ta đã thấy qua đoạn thơ trên.

* Một số chi tiết gắn liền với sự kiện Đản sinh mang đậm khía cạnh linh diệu cũng được PSHT nói đến như : Bồ tát vừa Đản sinh đã đi được bảy bước, có 2 dòng nước ấm và mát từ không trung tuôn xuống, chư Thiên dâng hoa, tung hoa cúng dường v.v...

* PSHT không nói đến chi tiết "Bồ tát một tay chỉ trời, một tay chỉ xuống đất với câu nói : Thiên thưọng thiên hạ duy ngã độc tôn". Câu nói của Bồ tát khi mới sinh, theo PSHT là :

"Đây là Phật thị hiện
Lần sinh ấy cuối cùng
Ta với một đời nay
Muôn loại nguyện độ thảy."

Chúng tôi sẽ bàn thêm về chi tiết này trong một dịp khác.

Đào Nguyên


Phat Thanh Dao_10
SỐ 192
PHẬT SỞ HÀNH TÁN
Nguyên tác: Mã Minh Bồ-tát.
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm, người xứ Thiên trúc.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
 
QUYỂN 1
Phẩm 1: GIÁNG SINH
Rạng ngời dòng Cam Giá
Tối thắng họ Thích-ca
Đức và tài trọn vẹn
Tiếng lành Tịnh Phạn(3) vương
Vạn dân vui chiêm ngưỡng
Tợ vầng sáng trăng rằm.
Vương như trời Đế Thích
Hậu như nàng Xá-chi(4)
Chí bền an như đất
Lòng tịnh khác nào sen
Ma-gia(5), tên Hoàng hậu
Thắng vượt mọi luận bàn.
Chốn thanh lương Thiên hậu
Ngài giáng thần nhập thai
Hoàng hậu lìa ưu tưởng
Chẳng gợn niệm lụy trần
Rời xa vòng thế sự
An tĩnh chốn thanh lâm
Lâm-tỳ-ni viên cảnh
Suối reo, đầy hoa trái
Cảnh tịnh vui thiền vị
Nàng thỉnh vương nhàn du.
Lòng vua tường chí nguyện
Thuận ý tưởng lạ thường
Truyền nội thân ngoại quyến
Cùng hội họp Lâm viên.
Bấy giờ hoàng hậu tỏ
Nhụy nở sắp khai hoa
An tường trên nệm ấm
Vạn thị nữ kính hầu.
Tháng tư ngày mồng tám(6)
Thiên tiết tròn hòa cơ
Hoàng mẫu trì tịnh giới
Khai hông hữu Bồ-tát
Xuất thai Độ Thế Sư
Chẳng khiến mẹ khổ sầu.
Ưu-lưu(7) sinh từ đùi
Tý-thâu(8) xuất từ tay
Man-đà(9) hiện từ đầu
Già-xoa(10) khai từ nách
Cũng thế Đấng Thắng Uy
Đản sinh nơi hông hữu
Từ Thánh thai dần xuất
Hào quang chói thế gian
Như từ trời hóa hiện
Chẳng duyên với tục trần
Đức lành tu muôn kiếp
Chánh niệm xuất thai nhi
An định, không rung chuyển
Rạng ngời tướng đoan nghiêm
Từ thai vầng sáng hiện
Tợ ánh dương buổi hồng.
Thân chói lòa yến sáng
Nào hại đến nhãn căn
Cái nhìn không hoa đốm
Như ngắm trăng trên không
Từ thân bừng chói sáng
Như mặt trời che đèn.
Cũng thế thân kim tướng
Sáng soi khắp cõi trần
Trực tâm, lòng tỉnh giác
Nhẹ nhàng bảy bước chân
An lạc trong từng bước
Rõ ràng dấu Thánh nhân(11)
Bước hùng Sư tử chúa
Dõi mắt nhìn muôn phương
Thông đạt chân thật nghĩa
Tuyên bố giữa trần gian:
Đây là đời sau chót
Thị hiện chốn nhân gian
Tu hành thành Phật vị
Độ thoát khắp trần gian.
Đúng thời từ thiên xuất
Đôi dòng cùng tuôn chảy
Một ấm, mọt thanh lương
Thấm nhuần thân Bồ-tát.
Cung trời ngài an trú
Thân ngọa giữa ngọc sàng
Bốn góc giường vâng giữ
Tay vàng của Thiên vương
Khắp trời trùm bảo cái
Chư Thiên đồng tán dương
Khuyến đạt ngôi tối thượng
Long vương lòng vui sướng
Khát ngưỡng cam lộ dược
Từng hầu Phật quá khứ
Nay được gặp Bồ-tát
Tung hoa Mạn-đà-la (12)
Chí thành vui cúng dường.
Phật đản, trần hưng thạnh
Trời Tịnh cư hỷ hoan
Khô niềm vui ái dục
Vì pháp nên hân hoan
Chúng sinh trầm bể khổ
Do vậy được giải thoát
Như Tu-di núi báu
Giữ vững chốn quan san
Bồ-tát giáng trần lạc
Đức phong thổi khắp thế
Trời người đồng rung chuyển
Tợ sóng vỗ, trống vang.
Thơm ngát hương chiên-đàn
Rực rỡ đài sen báu
Theo gió tràn hư không
Nhẹ rơi đầy mặt đất
Thiên y từ không xuống
Vận y lạc muôn phần.
Thường nhiên vầng nhật nguyệt
Bỗng rực sáng muôn lần
Hỏa quang toàn thế giới
Không củi vụt bừng nhanh.
Giếng thanh lương dịu mát
Mạch nước tự tràn dâng
Thể nữ nơi cung cấm
Khâm khen chuyện lạ lùng
Vội nhuần thân trong nước
Đều khởi an lạc tưởng.
Thiên chúng nhiều vô lượng
Ưa pháp đồng vân tập
Chốn vườn Lâm u nhã
Khắp nơi bóng cây rừng
Diệu hoa khoe sắc thắm
Trái mùa cũng nảy nhanh.
Kẻ hung tàn trong chúng
Đồng khởi đại Từ tâm
Bệnh tật vòng nhân thế
Không trị, tự nhiên lành.
Loạn âm, giống cầm thú
Bỗng nhiên vụt vô thanh
Vạn sông đều ngưng chảy
Lắng đục, dòng chảy trong.
Bầu trời xanh quang đãng
Trống trời tự trổi thanh
Muôn loài toàn cõi thế
Đồng an lạc thân tâm.
Như quốc gia ly loạn
Bỗng gặp đấng minh quân
Nhân duyên Bồ-tát hiện
Độ khổ cho chúng sinh
Chỉ Thiên, Ma, Quỷ chúa
Phiền não, động tâm thần.
Vương phụ vui hớn hở
Nhưng thấy việc lạ lùng
Trong lòng dù an lạc
Vẫn biến sắc kinh tâm
Tư lự, suy hai mối
Hoan hỷ cùng hãi kinh.
Mẫu thân nhìn con trẻ
Khác thường khi hạ sinh
Yếu mềm, tánh nữ giới
Lo sợ, lòng giá băng
Kiết hung chưa được rõ
Lại sinh niềm sầu kinh.
Vương triều các lão mẫu
Hoảng hốt cầu Thần minh
Mọi người đều thiết lễ
Cầu Thái tử an bình.
Chốn rừng sâu lúc ấy
Có Phạm chí đa văn
Đủ oai nghi tề chỉnh
Luận bàn vốn nổi danh
Xem tướng mạo vui mừng
Thân tâm đều rung động
Biết lòng vua kinh hãi
Thật ngữ kính tâu dâng:
“Nhân loại trên trần thế
Chỉ mong con Thánh nhân
Nay vua như nguyệt mãn
Phải vui sướng vô cùng
Nay sinh con bậc Thánh
Ắt tông tộc hiển vinh.
Nên an vui tự niệm
Chớ lo nghĩ, nghi tâm
Điềm vui cho toàn quốc
Từ nay đặng hưng bình
Sinh Thánh tử thù thắng
Hẳn vì đời đô sinh.
Ta nghĩ Thân Thượng sĩ
Sắc vàng diệu quang minh
Tướng hảo vượt nhân thế
Sẽ thành bậc Giác nhân
Nếu trụ cõi thế lạc
Chuyển luân vương ắt thành
Cai quản toàn mặt đất
Dùng chánh pháp an dân
Bốn châu đều nhiếp phục
Lãnh đạo mọi quốc quân.
Như quang minh cõi thế
Ánh dương là đứng đầu
Nếu Ngài trú non sâu
Chuyên tâm cầu giải thoát
Thật trí nhất định thành
Chiếu soi toàn thế giới
Như đỉnh núi Tu-di
Lớn nhất vùng sơn thổ
Báu vật, vàng tối thắng
Biển rộng vượt mọi dòng
Trăng đứng đầu tinh tú
Sáng nhất vầng thái dương
Như Lai hiện trần thế
Tối kính giữa thế nhân
Mắt thanh tú lại tròn
Hàng mi dài gợn cong
Sắc xanh thoáng ẩn hiện
Tợ như vầng bán nguyệt
Tướng này nào khác lạ
Bình đẳng, mắt Thánh nhân”.
Vua truyền hỏi Phạm chí:
“Như ngài vừa tuyên nói
Thái tử tướng lạ thường
Do nhân duyên nào thế
Chẳng hiện đời cựu vương
Sao đời ta ứng hợp?”
Phạm chí tâu vua rõ:
“Lời ấy thật chẳng nên
Đa văn và trí tuệ
Cùng sự nghiệp, tiếng tăm
Cả bốn việc như thế
Không thể luận trước sau.
Linh tánh vật ở đời
Mỗi mỗi theo duyên khởi.
Nay, vì vua dụ dẫn
Nên lắng nghe tỏ tường
Tỳ-cầu, Ương-kỳ-la
Vốn Tiên nhân dòng tộc
Trải thế đã lâu xa
Mỗi người sinh Thánh tử
Tỳ-lê-ha-bát-đê
Hợp với Du-ca-la
Cùng tạo Đế vương luận
Chẳng vì duyên họ tộc.
Tiên nhân Tát-la-tát
Sinh thời không kinh luận
Mà sinh Bà-la-ta
Kinh luận đều thông suốt
Hiện tại sinh tri kiến
Nào phải nối truyền tông.
Phạm chí Tỳ-gia-sa
Tạo luận kinh vô số
Truyền hậu học Bạt-di
Kết tập thành văn kệ.
Ẩn sĩ A-đê-lỵ
Y phương luận, chẳng tường
A-đê-lỵ kế nghiệp
Y thuật trị trăm căn.
Câu-thi trọn một đời
Ngoại luận không thông sáng.
Tiếp vua Già-đề-na
Thông giải ngoại đạo pháp
Cam Giá dòng vương tổ
Biển tràn chẳng thể ngăn
Vua Bà-già tiếp nối
Sinh dưỡng ngàn vương tôn
Sóng biển đều chế ngự
Chẳng vượt tràn đất sâu.
Xà-na-câu Tiên nhân
Tĩnh lự chẳng nhờ thầy.
Bậc Tối tôn danh vị
Đều tự lực thành danh
Trước thắng, sau thất bại
Hoặc bại trước, thắng sau
Đế vương hay Thánh sĩ
Không nương tựa tổ tông
Do vậy tại thế gian
Không luận đời sau trước.
Đại vương nay được thế
Nên sinh hoan hỷ tâm
Niệm niệm vì hoan hỷ
Vĩnh viễn thoát nghi tâm”.
Nghe xong lời hiền sĩ
Thêm vui, vương hiến cúng:
“Thánh tử nay ta sinh
Sẽ nối ngôi Chuyển luân
Ta tuổi cao già lão
Quyết chẳng để con hiền
Xuất gia, tu phạm hạnh
Rời thế, trụ sơn lâm”.
Lúc ấy, gần lâm viên
Có nhà tu khổ hạnh
Tên gọi A-tư-đà
Tướng thuật thật tinh thông
Thẳng đến cửa cung vua
Vua ngỡ Phạm thiên hình
Khổ hạnh vui chánh pháp
Hai tướng đều hiện bày
Tướng đầy đủ phạm hạnh
Thoáng trông vua hoan hỷ
Liền thỉnh vào nội cung
Kính cẩn dâng hiến cúng.
Chốn nội cung vừa bước
Chỉ vui ngắm Thánh nhân
Thái tử ngự cung cấm
An tịnh giữa phàm nhân
Ngự pháp tòa tĩnh niệm
Tư-đà thêm tôn kính
Như vua An-đê-điệp
Tôn phụng Ba-thi-tra.
Tịnh Phạn vương thưa bạch:
“Trẫm nay thật phúc báo
Được hiền giả khổ công
Tìm đến đây giúp đỡ
Thái tử ứng điềm gì
Cúi mong trên chỉ giáo”.
Vua thành tâm khuyến thỉnh
Tiên Tư-đà hỷ tâm:
“Lành thay! Vua Thường Thắng
Đức hạnh đều kiêm ưu
Tìm cầu nguồn thọ lạc
Ưa trí tuệ, mộ pháp
Nhân trí thật thắng tông
Khiêm hạ khéo tùy thuận
Quả thật do hảo nhân
Nay quả lành tự hiện.
Đại vương nghe ta nói
Nhân duyên, ta đến đây
Trên đường ta du hóa
Bỗng nghe tiếng hư không
Bảo: “Vua sinh Thái tử
Chánh giác nhân sẽ thành”
Diện kiến thân nghiêm tướng
Ao ước ta lên đường
Chỉ mong nhìn Thái tử
Kiến lập chánh pháp tràng
Vừa nghe Tư-đà nói
Ly trần, vua ngại nghi
Truyền đưa Thái tử tới
Để Tiên nhân ngắm định.
Tư-đà ngắm Thái tử
Tướng luân xa dưới gót
Chân tay chỉ xoáy hoa
Giữa đôi mày mi trắng
Âm tàng tướng Phật gia
Rực rỡ dung nhan hiện
Xem xong lòng cảm khái
Lệ chảy buồn bả than.
Vua thấy Tiên sầu muộn
Tâm niệm chợt run run
Nỗi lo vì con trẻ
Nghi sợ lòng chẳng an
Từ tòa vua bật dậy
Cúi đầu trước Tiên nhân
Lễ xong vua thưa hỏi:
“Con trẻ sinh lạ thường
Dung mạo rất nghiêm chánh
Tợ như đấng Thiên vương
Bảo: Thái tử tối thượng
Vì sao lại khổ sầu?
Nếu là con thọ yểu
Trẫm hẳn sinh khổ sầu
Như khát được cam lộ
Cầm lòng chịu mất sao
Đâu như mất tài bảo
Đó là quốc bất an.
Thái tử nếu trường thọ
Kế nghiệp nước nhà yên
Trẫm băng hà hoan hi
An lạc sinh cõi khác.
Ví như đôi long nhãn
Một nhắm, một mắt mở
Chẳng thể như hoa thu
Có không như huyễn mông.
Tất cả dòng hoàng tộc
Yêu Thái tử trọn lòng
Nên mau mau bày tỏ
Cho ta vơi tưởng sầu”.
Tư-đà tiên hiểu rõ
Lòng vua đầy ưu tư
Cất lời hiền giả thưa:
“Đại vương chớ lo sợ
Việc trước tôi đã bày
Cẩn trọng đừng sinh nghi
Trước sau đều một lý
Chớ nên khởi ý lạ.
Tôi tuổi già xế bóng
Tủi phận mình lão suy
Nay gần khi khuất núi
Thái tử nay đản sinh
Hiện thế đời sau chót
Bậc ấy thật khó gặp
Sẽ xa lìa vương vị
Năm dục chẳng đoái suy
Tinh cần tu khổ hạnh
Giác ngộ, thông chân lý
Vì chúng sinh thế gian
Diệt trừ màn si ám
Đuốc sáng mãi trần đời
Trí tuệ như nhật nguyệt
Chúng sinh đang khổ bệnh
Như bọt nổi biển khơi
Già suy là cơn sóng
Chết tợ biển sóng cồn
Thuyền trí tuệ nhẹ lướt
Vớt người khỏi bến mê
Nương theo dòng nước tuệ
Tịnh giới là bờ đê
Thanh lương ao Tam-muội
Chánh định như chim bằng
Rộng, sâu thật vi diệu
Dòng chánh pháp tràn dâng
Quần sinh đang khát ái
Uống vào nhẹ hồi sinh.
Chìm ngập trong năm dục
Chúng sinh bị bức bách
Chốn sinh tử mênh mông
Đường về không thông tỏ
Bồ-tát hiện trần thế
Vì mở đường giải thoát
Thế gian tràn lửa dục
Ngát trời thêm cháy đỏ
Đại bi, mây trùm khắp
Mưa pháp tuôn tắt nhanh.
Cửa si mê nặng khép
Ải tham dục kín ngăn
Chúng sinh đời tù ngục
Giải thoát đang ngưỡng trông
Kẹp kim cang trí tuệ
Dùi phá vòng ái ân
Lưới vô minh tự trói
Lạc lõng nơi khổ cùng
Nay pháp vương xuất thế
Giải triền phược chúng sinh.
Cúi xin đừng lo sợ
Vì Thái tử sầu ưu
Nên xót thương quần chúng
Nghịch chánh pháp, theo dục.
Tôi già ắt sẽ chết
Phải lìa xa Thánh nhân
Dẫu tôi được thiền định
Nhưng chẳng được lợi phần
Cùng Bồ-tát thân gần
Trọn không nghe chánh pháp
Vóc hình khi tan hoại
Thác sinh Bát nạn Thiên”.
Vua cùng các hàng tộc
Nghe hiền sĩ tỏ thông
Biết mình tự lo lắng
Ưu sầu tan biến nhanh
Nghĩ: “Thái tử đản sinh
Lòng ta thật an ổn
Nhưng lìa thế xuất gia
Tu tập tìm đạo Thánh
Ngôi vương vị vắng không
Bởi thế vui chưa trọn”.
A-tu-đà hiền sĩ
Nhìn vua thành thật phân:
“Sẽ như thế, Thái tử
Xuất trần đắc đạo chân”.
Hiền sĩ nhẹ khuyên bảo
Vua và cả hoàng thân
Rồi vận sức thần biến
Lướt gió rời vương cung.
Bấy giờ vua Bạch Tịnh
Nhìn con tướng lạ thường
Lại nghe A-tư dạy
Quyết định, chẳng còn nghi
Đối với con kính trọng
Thường giữ như bảo châu
Kỳ đặc trên cõi thế
Liền thả mọi tội nhân
Pháp lễ cho Thái tử
Tùy tục vương giữ, bỏ
Theo luận kinh ban bố
Dân chúng đều thuận quy.
Sau mười ngày con sinh
Vua an tâm định trí
Lập đàn lễ Thiên thần
Rộng thí bậc Đạo nhân
Bà-la-môn, Sa-môn
Nguyện cầu con phước báo
Thân tộc lẫn quần thần
Và bần dân khắp nước
Thể nữ toàn phố thị
Ngựa, trâu, voi, tiền của
Mỗi người đều hưởng ân
Tất cả đều nhận thí.
Giờ lành thật an ổn
Rước Thái tử về cung
Gia đình dòng nội, ngoại
Kiệu trang nghiêm bảy báu
Lấp lánh muôn sắc màu
Chói chang thật sáng rực.
Hoàng mẫu nâng Thái tử
Nhiễu quanh lễ Thiên thần
Rồi nhẹ nhàng lên kiệu
Thể nữ cùng tùy hành
Quốc vương và thần dân
Đều theo sau kiệu báu
Thật như trời Đế Thích
Được Thiên chúng vây quanh
Như Ma-hê-thủ-la
Bỗng sinh con sáu mặt
Sắp đầy đủ trân lễ
Cầu phước nên hiến dâng
Nay Thái tử đản sinh
Cũng thế, vua thiết lễ.
Tỳ-sa-môn Thiên vương
Sinh Na-la-cưu-bà
Tất cả chúng Thiên giới
Đều khởi đại hoan hỷ
Thái tử nay giáng sinh
Nước Ca-tỳ náo nhiệt
Nhân dân từ khắp chốn
Cũng vậy đều hỷ hoan.
(1). Ba bản Tống, Nguyên, Minh đều có thêm chữ “Kinh”, Pàli: Buddha-carita. Còn gọi là Phật Bổn Hạnh Kinh.
(2). Sanskrit: Azaghosa.
(3). Pàli và Sanskrit: Suddhodana.
(4). Xá-chi (Sanskrit: Zazì): tên của Đế Thích phu nhân có nghĩa là đáng yêu.
(5). Pàli và Sanskrit: Màyà.
(6). Vào ngày Phật ra đời ở Ấn độ trăng tròn.
(7). Sanskrit: Aurva.
(8). Sanskrit: Pfthu.
(9). Sanskrit: Màndhatf.
(10). Sanskrit: Kakwìvat.
(11). Nguyên văn: Bỉnh triệt do thất tinh. Theo quan niệm Trung Hoa cổ đại, tướng thất tinh (Bảy nốt ruồi dưới lòng bàn chân) là dấu hiệu của bậc Thánh vương.
(12). Pàli: Mandàrava. Tên một loại hoa báu.
 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/04/2025(Xem: 69)
Bài này sẽ phân tích một số quan điểm trong sách Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh, một tác phẩm về Thiền Tông Việt Nam xuất bản lần đầu vào năm 1796. Tác phẩm này được in trong Ngô Thì Nhậm Toàn Tập - Tập V, ấn hành năm 2006 tại Hà Nội, do nhiều tác giả trong Viện Nghiên Cứu Hán Nôm biên dịch.
12/04/2025(Xem: 281)
Cảm tạ thâm ân dưới Phật đài Thầy Tổ, Tam Bảo tạo duyên may Cuối đời duyên đến mang xuân lại Cho con sanh lại được lần này
03/04/2025(Xem: 1085)
Nhớ hôm bác ghé đến thăm Ánh mắt mừng vui tha thiết Bác cười khi nghe kinh Phật Tay lần tràng hạt liên mien Nhưng nay nhẹ gót về Tây Chắc rằng Bác gặp Di Đà Ngài đang tiếp dẫn giang tay Thanh Nghiêm! Sen nở nơi này
02/04/2025(Xem: 1105)
Hình hài , tâm thức, sức khỏe ngày nay có được gọi là Chánh báo! Đấy là những hạt giống từ quá khứ ta đã gieo trồng Sẽ gặt hái quả trái èo uột, chua, ngọt, ấm lòng Hoàn cảnh sống hiện tại ( y báo) lại tuỳ thuộc vào Chánh báo !
02/04/2025(Xem: 1333)
Thật sự đúng với ý nghĩa khoảnh khắc, thời gian gặp gỡ quý thầy rất ngắn ngủi, đã vậy buổi tiệc quá đông đảo và ồn ào nên thầy trò chẳng nói được gì nhiều. Thầy Như Điển, thầy Nguyên Tạng, thầy Đạo Tỉnh…Trông quý thầy từ hòa, an định và rất tự tại giữa dòng đời đầy động loạn. Nhìn quý thầy mà lòng cứ nhớ đến ôn Tuệ Sỹ. Tôi thật sự “thấy” thấp thoáng tinh thần ôn Tuệ Sỹ ở nơi thần thái quý thầy. Ngay cả những giây phút viết những dòng chữ này vẫn còn rung động, tay gõ chữ không kịp theo dòng tâm ý tuôn trào, chữ cứ tự nhiên tuôn chảy mà không có tâm niệm dụng công viết.
24/03/2025(Xem: 871)
Lắng … lắng tai nghe tiếng nước mình Mỗi thanh âm …mỗi hóa uy linh Sớm mai thức dậy : ơi ba má. Sẩm tối thì nghe mạ gọi mình … Tự quy thầy dạy về nương tựa Ghềnh thác mê mờ há lãng quên Thầy nhắc nhủ mình về chỗ tựa : Đức Phật trong tâm thật rõ bền…
24/03/2025(Xem: 1291)
Thật sâu sắc : “Vầng trăng đó, ai ban cho và ai tiếp nhận” (1) Cũng là lời khẳng định về lý duyên sinh Nhấn mạnh tầm quan trọng của mọi quá trình Không bền chắc và không đáng bám víu
19/03/2025(Xem: 769)
Tiết thanh minh lập đàn thí thực Cháo cam lồ gạo muối bông hoa Trái cây, bánh, nước, chung trà Đèn hương hiến cúng thiết tha khấn nguyền Thỉnh tăng bảo, thiện nam tín nữ Chí tâm thành tụng niệm kinh thiêng Nguyện cầu chư Phật Thánh Hiền Độ hồn thoát khỏi triền miên ngục tù Về miền Cực Lạc ngao du Lắng nghe pháp nhũ công phu sớm chiều
13/03/2025(Xem: 1036)
Kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Khi Ngài nhập Đại Niết Bàn hơn hai ngàn năm trước Đã nhắc nhở người người : Sự vô thường của kiếp nhân sinh Chỉ cần đoạn trừ dục vọng, mới chấm dứt được nghiệp báo mình Ôi, cao cả quá ! Ngài đã giải mê, khai ngộ giúp chúng sinh giải thoát!
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com