Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phẩm X: Quán về Ðốt cháy, bị đốt cháy (gồm 16 bài kệ)

15/04/201317:45(Xem: 8674)
Phẩm X: Quán về Ðốt cháy, bị đốt cháy (gồm 16 bài kệ)

TRUNG LUẬN

(Madhyamaka Sastra)
Tác giả: Nagaruna
Dịch và chú giải:
HT Thích Thiện Siêu

---o0o---

PHẨM X: QUÁN VỀ ĐỐT CHÁY,

BỊ ĐỐT CHÁY.

(Gồm 16 bài kệ)

Hỏi:Phải có cảm thọ và người cảm thọ, như lửa đốt cháy và củi bị đốt cháy. Đốt cháy là người cảm thọ, bị đốt cháy là cảm thọ, tức là năm uẩn ?

Đáp:Việc ấy không đúng, vì sao ? Vì đốt cháy và bị đốt cháy đều không thành. Đốt cháy và bị đốt cháy hoặc do một pháp thành, hoặc do hai pháp thành, cả hai đều không thành. (Một pháp không thành là chỉ có một mình củi không có lửa, thời củi không thành, vì không có lửa đốt thì đâu gọi là củi; hoặc chỉ có một mình lửa không có củi, thời lửa không thành, vì có đốt được đâu mà gọi là lửa. Nếu có hai khác nhau thì lìa khỏi nhau nên không thành).

Hỏi:Hãy gác lại một pháp và hai pháp. Nếu nói không có đốt cháy và bị đốt cháy, thời làm sao nay lấy tướng một và tướng khác để phá, chứ như lông rùa sừng thỏ, không có thời làm sao phá. Thế gian hiện thấy việc thật có, rồi sau mới có thể suy nghĩ, như có vàng vậy sau mới có thể đốt, có thể dũa. Nếu không có đốt cháy và bị đốt cháy thời không thể lấy một pháp hay hai pháp để suy nghĩ. Nếu ông (luận chủ) chấp nhận có một pháp, hai pháp, thì nên biết có đốt cháy và bị đốt cháy. Nếu chấp nhận có thời là đã có rồi ?

Đáp:Tùy thuận theo ngôn thuyết của thế tục mà nói, nên không có lỗi; đối với đốt cháy và bị đốt cháy, hoặc nói một, hoặc nói khác cũng như vậy, không gọi là chấp thọ theo đó. Nếu lìa ngôn thuyết của thế tục thời không có bàn luận gì hết. Nếu không nói đốt cháy và bị đốt cháy thời làm sao mà phá được. Nếu không có nói gì, thời nghĩa không được sáng. Như có vị luận giả muốn phá có, không; thời phải nói có không, nhưng không phải vì nói có không mà tâm chấp thọ có không ấy. Đây chỉ là tùy thuận theo ngôn thuyết của thế gian mà nói, nên không có lỗi. Nếu miệng có nói ra tức là có tâm chấp thọ, vậy miệng ông nói phá tức là tự phá hay sao ? Nói đốt cháy bị đốt cháy cũng như vậy, tuy có ngôn thuyết nhưng không có chấp thọ. Thế nên do một pháp hai pháp mà suy nghĩ đốt cháy bị đốt cháy, cả hai đều không thành, vì sao ?

1. Nếu đốt cháy (nhiên) là bị đốt cháy (khả nhiên), thế là tác nghiệp và tác giả là một, nếu đốt cháy khác bị đốt cháy, thế là lìa ngoài bị đốt cháy có đốt cháy.

Đốt cháy là lửa, bị đốt cháy là củi. Tác giả là người, tác nghiệp là nghiệp, là pháp. Nếu đốt cháy bị đốt cháy là một, thời tác nghiệp và tác giả phải là một. Nếu tác nghiệp và tác giả là một, thời thợ gốm và cái bình là một, tác giả là thợ gốm, tác nghiệp là cái bình. Thợ gốm chẳng phải cái bình, cái bình chẳng phải thợ gốm, làm sao là một được. Do vì tác nghiệp và tác giả chẳng một, nên đốt cháy và bị đốt cháy cũng chẳng một.

Nếu cho rằng một không được thời có thể khác, khác cũng không đúng, vì sao ? Vì nếu đốt cháy và bị đốt cháy là khác nhau, thời có thể lìa ngoài bị đốt cháy, có sự đốt cháy riêng. Phân biệt đây là bị đốt cháy, đây là đốt cháy, chẳng kể nơi nào lìa ngoài bị đốt cháy đều có đốt cháy. Nhưng thật tế không phải. Thế nên, nên biết đốt cháy bị đốt cháy khác nhau là không thể được.

Lại nữa,

2. Ngoài vật bị đốt cháy có đốt cháy, như vậy, thời thường đốt cháy luôn, vì không cần nhân nơi vật bị đốt cháy mới có đốt cháy. Như vậy, thời không có công người đốt lửa, và lửa cũng thành không có tác dụng.

Nếu đốt cháy bị đốt cháy khác nhau, thời đốt cháy không cần đợi có vật bị đốt cháy mà nó vẫn thường đốt cháy luôn. Nếu thường đốt cháy luôn thời nó tự an trú trong tự thể nó, không cần đợi có nhân duyên, thời nhân công bị vô dụng, nhân công là người bảo vệ lửa làm cho nó cháy đỏ. Song nhân công ấy hiện vẫn có, thế nên biết lửa không khác vật bị đốt cháy.

Lại nữa, nếu đốt cháy khác với vật bị đốt cháy, thời đốt cháy không có tác dụng, và lìa ngoài vật bị đốt cháy, thì lửa đốt cháy được gì. Nếu như vậy, thời lửa không có tác dụng, lửa không có tác dụng, việc ấy không thể có.

Hỏi:Tại sao lửa không từ nhân duyên sinh, mà nhân công cũng trống không ?

Đáp:

3. Đốt cháy không đợi vật bị đốt cháy, thế thời không từ nhân duyên sinh, nếu lửa thường đốt cháy, thời nhân công trở nên trống rỗng.

Đốt cháy và vật bị đốt cháy khác nhau, thời không đợi phải có vật bị đốt cháy, vẫn có đốt cháy. Nếu không đợi vật bị đốt cháy thời không có pháp làm nhân với nhau, thế nên không từ nhân duyên sinh.

Lại nữa, nếu đốt cháy khác vật bị đốt cháy, thời có thể thường đốt cháy luôn, nếu thường đốt cháy luôn, thời có thể xa lìa vật bị đốt cháy, riêng thấy có sự đốt cháy, chứ không cần nhân công nhen lửa, vì sao ?

4. Nếu ông cho rằng khi đốt cháy gọi đó là bị đốt cháy, nhưng khi bấy giờ chỉ có củi. Vậy vật gì đốt cháy vật bị đốt cháy ấy.

Nếu cho rằng trước có củi, khi cháy thời gọi nó là vật bị đốt cháy. Nói vậy không đúng. Nếu xa lìa đốt cháy, riêng có vật bị đốt cháy thời cớ sao nói khi cháy thì gọi là bị đốt cháy.

Lại nữa,

5. Nếu đốt cháy và bị đốt cháy khác nhau, thời không đi đến nhau, không đi đến nhau, thời không đốt cháy, không đốt cháy thời không diệt tắt, không diệt tắt thời là thường trụ.

Nếu vật đốt cháy khác với vật bị đốt cháy, thời vật đốt cháy không thể đi đến vật bị đốt cháy, vì sao ? Vì không cần phải đợi nhau để thành. Nếu vật đốt cháy không cần phải đợi nhau để thành, thời nó tự an trụ trong tự thể của nó, chứ đâu cần vật bị đốt cháy. Thế nên không đi đến. Nếu không đi đến thời không đốt cháy vật bị đốt cháy, vì sao ? Vì không có thể không đi đến vật bị đốt cháy mà có thể đốt cháy. Nếu nói không đốt cháy thời không diệt tắt, nên thường trụ trong tự tướng. Việc ấy không đúng.

Hỏi:

6. Vật đốt cháy đối với vật bị đốt cháy khác nhau, mà có thể đi đến vật bị đốt cháy, như người này đi đến người kia, người kia đi đến người này.

Đốt cháy và bị đốt cháy tuy khác nhau, mà đốt cháy có thể đi đến bị đốt cháy, như nam đến với nữ, như nữ đến với nam ?

Đáp:

7. Nếu ông cho rằng vật đốt cháy và vật bị đốt cháy, hai bên cách lìa nhau, như vậy, thời vật đốt cháy mới có thể đi đến vật bị đốt cháy.

Hoặc lìa ngoài đốt cháy mà có bị đốt cháy, hoặc lìa ngoài bị đốt cháy mà có đốt cháy, cả hai đều tự thành. Như vậy, thời có thể đốt cháy đi đến bị đốt cháy, nhưng thật sự không đúng, vì sao ? Vì thật sự lìa ngoài đốt cháy không có bị đốt cháy, lìa ngoài bị đốt cháy không có đốt cháy, nên ông ví dụ lìa ngoài nam có nữ, lìa ngoài nữ có nam là không đúng, ví dụ không thành nên đốt cháy không đi đến bị đốt cháy.

Hỏi:Đốt cháy và bị đốt cháy đối đãi nhau mà có, nhân bị đốt cháy mà có đốt cháy, nhân đốt cháy mà có bị đốt cháy, hai pháp đối đãi nhau mà thành ?

Đáp:

8. Nếu nhân bị đốt cháy mà có đốt cháy, nhân đốt cháy mà có bị đốt cháy. Vậy trong hai pháp ấy, pháp nào có trước, mà sau mới có đốt cháy và bị đốt cháy.

Nếu nhân bị đốt cháy mà đốt cháy được thành, cũng có thể nhân đốt cháy mà bị đốt cháy được thành, như vậy trong ấy hoặc trước tiên nhất định đã có bị đốt cháy, mới nhân nơi bị đốt cháy mà thành đốt cháy, hoặc trước tiên nhất định đã có đốt cháy, mới nhân nơi đốt cháy mà thành bị đốt cháy. Nếu nhân nơi bị đốt cháy mà thành đốt cháy, thời trước phải có cái bị đốt cháy rồi sau mới có đốt cháy, chứ không thể đợi đốt cháy rồi mới có bị đốt cháy, vì sao? Vì bị đốt cháy có trước, đốt cháy có sau. Nếu đốt cháy không đốt cháy cái bị đốt cháy, thời cái bị đốt cháy không thành.

Lại cái bị đốt cháy không ở chỗ nào khác ngoài đốt cháy; nếu cái bị đốt cháy không thành, thời đốt cháy cũng không thành. Nếu trước có đốt cháy, sau có cái bị đốt cháy mới đốt cháy, cũng có lỗi như trên. Thế nên đốt cháy và bị đốt cháy, cả hai nhân nhau đợi nhau đều không thành.

Lại nữa,

9. Nếu nhân bị đốt cháy mà có đốt cháy. Như vậy, thời có lỗi là đã đốt cháy rồi lại đốt cháy, và thế là trong bị đốt cháy không có đốt cháy.

Nếu muốn nói nhân cái bị đốt cháy mà thành đốt cháy, thời đốt cháy đã thành rồi lại thành đốt cháy nữa, vì sao ? Vì đốt cháy tự ở trong tự thể đốt cháy của nó, nếu đốt cháy không tự ở trong tự thể của nó, mà phải do có bị đốt cháy mới thành, là không có việc ấy. Thế nên nói có đốt cháy là do cái bị đốt cháy mà thành, thời đốt cháy đã thành rồi lại thành đốt cháy nữa, như vậy là có lỗi. (Ý nói nhân bị đốt cháy mà có đốt cháy. Như vậy là đã đốt cháy rồi mới gọi là bị; đó là đốt cháy lần thứ nhất. Lại nhân bị đốt cháy mà có đốt cháy; đó là đốt cháy lần thứ hai, nên có lỗi. Và như vậy là trong bị đốt cháy không hề có đốt cháy, nên mới nhân nơi nó mà có đốt cháy, không đúng).

Lại có cái lỗi là cái bị đốt cháy không có đốt cháy, vì sao ? Vì bị đốt cháy lìa ngoài đốt cháy mà tự ở trong tự thể của nó, không dính gì đốt cháy. Thế nên biết không có việc đốt cháy và bị đốt cháy nhân nhau, chờ đợi nhau.

Lại nữa,

10. Nếu pháp gì nhân nơi pháp đối đãi mà thành, thì pháp ấy trở lại thành pháp đối đãi, nay thời không có nhân đối đãi, nên cũng không thành pháp gì. (.)

Nếu nhân đối đãi nhau mà thành, thì pháp ấy trở lại thành pháp bổn nhân đối đãi nhau. Quyết chắc như vậy thời không có hai việc nhân gốc, như nhân bị đốt cháy mà thành đốt cháy, trở lại nhânđốt cháy mà thành bị đốt cháy. Như thế thời cả hai đều vô định, vô định nên không thể có được, vì sao ?

11. Nếu pháp do đối đãi mà thành, nhưng khi pháp chưa thành thì làm sao đối đãi. Nếu pháp đã thành rồi mà còn đối đãi, đã thành rồi thì còn cần gì đối đãi.

Nếu pháp nhân đối đãi mà thành, thế thời pháp ấy trước chưa thành, chưa thành thời không có, không có thời làm sao nói có là nhân đối đãi. Nếu pháp trước đã thành rồi, đã thành rồi thì cần gì nhân đối đãi. Như vậy cả hai đều không nhân đối đãi nhau. Thế nên trước ông nói nhân đốt cháy và bị đốt cháy đối đãi nhau mà thành, không thể có việc ấy.

Thế nên,

12. Nhân nơi bị đốt cháy không có đốt cháy, không nhân nơi bị đốt cũng không có đốt cháy; nhân nơi đốt cháy không có bị đốt cháy, không nhân nơi đốt cháy cũng không bị đốt cháy.

Nhân đối đãi với bị đốt cháy, đốt cháy không thành; không nhân đối đãi với bị đốt cháy, đốt cháy cũng không thành. Bị đốt cháy cũng như vậy, nhân nơi đốt cháy hay không nhân nơi đốt cháy, thì bị đốt cháy đều không thành. Lỗi này trước đây đã nói rồi.

Lại nữa,

13. Lửa đốt cháy không từ chỗ khác đến, nơi chỗ đốt cháy cũng không có đốt cháy; bị đốt cháy cũng như vậy, ngoài ra như đã nói trong phẩm Đi lại.

Đốt cháy không ở phương khác đi đến vào trong cái bị đốt cháy; trong cái bị đốt cháy cũng không có đốt cháy, vì chẻ củi tìm lửa đốt cháy không thể có được. Cái bị đốt cháy cũng như vậy, không từ phương khác đi đến vào trong đốt cháy, trong đốt cháy cũng không có cái bị đốt cháy. Như đốt cháy rồi không đốt cháy, chưa đốt cháy cũng không đốt cháy, đang đốt cháy cũng không đốt cháy. Ý nghĩa giống như đã nói trong phẩm Đi Đến.

Thế nên,

14. Nếu nơi bị đốt cháy không có đốt cháy, lìa ngoài bị đốt cháy không có đốt cháy, đốt cháy cũng không có bị đốt cháy, trong đốt cháy không có bị đốt cháy, trong bị đốt cháy không có đốt cháy.

1. Cái bị đốt cháy tức chẳng phải đốt cháy, vì sao ? Vì bị lỗi cho đốt cháy và bị đốt cháy là một như trước đã nói tác nghiệp và tác giả là một; 2. Lìa ngoài cái bị đốt cháy không có đốt cháy, vì bị lỗi là thường đốt cháy luôn; 3. Đốt cháy không có bị đốt cháy; 4. Trong đốt cháy không có bị đốt cháy. 5. Trong đốt cháy không có đốt cháy, vì có cái lỗi đốt cháy và bị đốt cháy khác nhau. Nên cả ba cách đều không thành.

Hỏi:Vì sao nói đốt cháy và bị đốt cháy ?

Đáp:Vì như nhân nơi bị đốt cháy mà có đốt cháy, như vậy là nhân nơi pháp cảm thọ mà có người cảm thọ. Pháp cảm thọ là năm uẩn, người cảm thọ là người. Đốt cháy và bị đốt cháy không thành, nên pháp cảm thọ và người cảm thọ cũng không thành, vì sao ?

15. Do đốt cháy và bị đốt cháy, mà nói đến cảm thọ và người cảm thọ, và nói đến tất cả các pháp như bình, áo v.v…

Như bị đốt cháy chẳng phải đốt cháy, như vậy pháp cảm thọ chẳng phải là người cảm thọ, vì cái lỗi việc làm và người làm là một. Lại lìa ngoài pháp cảm thọ không có người cảm thọ, vì khác nhau thì không thành, vì cái lỗi hai thứ khác nhau; cả ba đều không thành, như ngoài pháp cảm thọ và người cảm thọ ra, tất cả pháp khác như áo, bình v.v… đều đồng như trước nói, đều là vô sinh, rốt ráo không.

Thế nên,

16. Nếu người nào nói có tướng ngã và tướng các pháp mỗi mỗi tướng khác nhau, nên biết người như vậy, chưa nếm được mùi vị Phật pháp.

Các pháp từ xưa lại đây vốn vô sinh, rốt ráo vắng lặng. Thế nên cuối phẩm nói bài kệ như trên. Người nói về tướng ngã như chúng Độc-tử-bộ, chủ trương không được nói sắc tức là ngã, không được nói lìa sắc là ngã, mà ngã thuộc trong tạng Bất Khả Thuyết thứ năm. Còn Nhất-thế-hữu-bộ nói tướng của mỗi mỗi pháp, là thiện là bất thiện, là vô ký, là hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, mỗi mỗi sai khác nhau, những hạng người như vậy không hiểu được tướng vắng lặng của các pháp, dùng lời Phật tạo nên đủ thứ hý luận.

*

Tóm tắt phẩm X:Quán về đốt cháy,

bị đốt cháy.

Đốt cháy là lửa, bị đốt cháy là củi, lửa đốt cháy ví dụ cho thần ngã, củi bị đốt cháy ví dụ cho năm uẩn. Ngoại đạo và Phật giáo Độc-tử-bộ chấp có thần ngã, có ngã thật hữu, chẳng tức năm uẩn chẳng lìa năm uẩn, và lấy ví dụ như lửa đốt cháy và củi bị đốt cháy, không phải là một, không phải là khác, hai thứ nương nhau mà có, và có thật, chủ yếu để họ bênh vực cho chủ trương thật có ngã thể làm và ngã thể cảm thọ như hai phẩm Tác tác giả, thọ thọ giả vừa nói trên. Mặc dầu Đại thừa Phật giáo cũng nói do năm uẩn hòa hợp có ngã nhưng chỉ là ngã giả danh, chứ không phải chấp ngã thật có như họ. Nên phẩm này phá ví dụ đốt cháy và bị đốt cháy, thì kiến chấp cho thật có nhiễm và người nhiễm, làm và người làm, cảm thọ và người cảm thọ ở ba phẩm trên cũng đổ.

Phẩm này gồm có: 1. Xét về đốt cháy bị đốt cháy một hay khác không thành (kệ1 đến kệ 7). 2. Xét về đốt cháy bị đốt cháy nhân nhau, đợi nhau không thành (kệ 8 đến kệ 12). 3. Xét về trong ngoài không thành (kệ 13). 4. Năm cách suy tìm không thành (kệ 14). 5. Hiển bày tính không (kệ 15, 16).

(.) Ý nói nếu đốt cháy đợi có bị đốt cháy mới thành, thời đốt cháy ấy trở lại thành bị đốt cháy. Nếu bị đốt cháy có tự thể chứ không nhân nơi đốt cháy mà thành, thời mới làm nhân cho đốt cháy được, còn nay bị đốt cháy không có tự thể, phải nhân đốt cháy mới thành, thời làm sao mà làm nhân cho đốt cháy được, thế là không có nhân, không có bị đốt cháy thời đốt cháy cũng không thành. Như lửa nhân nơi củi mà có, như vậy lửa ấy lại trở thành củi vì quả phải giống nhân, nhưng nếu củi có tự thể thì mới làm nhân cho lửa được, còn nay củi không có tự thể, phải nhân nơi lửa mới thành, thời làm sao củi làm nhân cho lửa được, như vậy là không có nhân, thời lửa cũng không thành, vì có đốt cháy mới gọi là lửa.

---o0o---

Trình bày : Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567