Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quốc sư Thông Biện (? – 1134, đời thứ 8, Thiền Phái Vô Ngôn Thông) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀

26/08/202109:32(Xem: 15913)
Quốc sư Thông Biện (? – 1134, đời thứ 8, Thiền Phái Vô Ngôn Thông) 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀



Quốc sư Thông Biện (? – 1134, đời thứ 8, Thiền Phái Vô Ngôn Thông)
🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀
Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước





Nam Mô A Di Đà Phật


Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Quốc Sư Thông Biện. Ngài thuộc đời thứ 8, dòng Vô Ngôn Thông, là đệ tử nối pháp của Thiền Sư Viên Chiếu. Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 277 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh đại dịch covid 19 (đầu tháng 5-2020).

Sư có tên gốc là Thiền Sư Trí Không, khi vào cung đình Sư được Vua tấn phong là Quốc Sư Thông Biện, có nghĩa là vị Sư thông suốt và biện tài.
Sư họ Ngô, quê ở Đan Phượng, vốn con nhà họ Thích, tánh rất thông minh lại hiểu tột Tam học.
( Sư Phụ có nhắc Cụ Tâm Thái cũng họ Ngô cùng họ với Sư).

Ban đầu, Sư đến chùa Kiết Tường tham vấn với Thiền sư Viên Chiếu, thâu nhận được ý chỉ. Sau, Sư đến trụ tại Quốc Tự trong kinh đô Thăng Long, từ đó Sư lấy hiệu là Trí Không.

Từ nhỏ, Sư thông minh đọc kinh sách chú trọng vào Tam học đạt tới chỗ tột cùng và được thiền sư Viên Chiếu ấn chứng nối thừa trụ trì chùa Khai Quốc.

Năm 1096, năm thứ 5 niên hiệu Hội Phong, ngày rằm tháng hai, bà Hoàng Thái Hậu Phù Thánh Cảm Linh Nhân (Ỷ Lan), đến chùa thiết lễ trai tăng. Khi đó bà hỏi các vị kỳ túc:
- Nghĩa Phật, Tổ có gì hơn kém? Phật ở phương nào? Tổ ở thành nào? Đến nước này từ bao giờ? Truyền trao đạo cùng ai trước ai sau? Người niệm danh hiệu Phật, người đạt tâm ấn Tổ, chưa rõ ý chỉ thế nào?

Mọi người đều không đáp được, Sư Thông Biện bèn tâu:
- Thường trụ thế gian, không sanh không diệt gọi là Phật. Rõ biết tâm tông của Phật, hạnh và giải tương ưng gọi là Tổ. Phật và Tổ chỉ là một, bởi những kẻ lạm học dối nói có hơn có kém mà thôi. Vả lại, Phật là giác. Cái giác này xưa nay lặng lẽ thường trụ. Tất cả chúng sanh đều đồng có lý này, chỉ vì tình trần che lấp, theo nghiệp trôi lăn, chuyển thành các cõi.

Phật do lòng từ bi, cho nên thị hiện ở Ấn Độ, 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi thành đạo, ở đời nói pháp 49 năm, mở bày pháp phương tiện khiến người ngộ đạo, đây là một thời đại Hưng giáo vậy.
Sắp nhập Niết Bàn, Phật sợ người đời lầm mắc kẹt, nên bảo ngài Văn Thù rằng: “Ta 49 năm chưa từng nói một chữ sẽ bảo là có nói ư?”

Nhân Phật cầm cành hoa sen lên, trong hội chúng đều mờ mịt, chỉ có tôn giả Ca Diếp đã ngộ, bèn đem Chánh pháp nhãn tạng trao cho, đó là vị Tổ thứ nhất. Đây gọi là Tâm tông giáo ngoại biệt truyền vậy.

Sư Phụ giải thích: câu giải đáp của Thiền Sư Thông Biện rất quan trọng, làm nền tảng cho các nhà sử học thế hệ sau phăng tìm và viết thêm về lịch sử PG truyền vào đất nước VN, lời đáp của Sư được xem là những nét khai phá đầu tiên của con đường truyền bá PG nói chung và Thiền Tông nói riêng vào xứ Việt.

Câu trả lời của Sư rất tuyệt vời, bao hàm cả lý lẫn sự dù chỉ là đề tài khô khan về lịch sử, nhưng mỗi lời giải đáp của ngài là một bài học để giúp hành giả vừa học về lịch sử, vừa học về tâm linh.

Về sự: có lịch sử Đức Phật ở Ấn Độ có nói pháp trong 49 năm, rồi truyền xuống cho sơ Tổ Ca Diếp…
Về Lý: Thường trụ thế gian, không sanh không diệt gọi là Phật. Rõ biết tâm tông của Phật, hạnh và giải tương ưng gọi là Tổ.
Hạnh và giải tương ưng là lời nói đi đôi với việc làm đó là hành trạng của Chư Tổ.

Tổ biết rõ tâm tông của Phật, lấy tâm làm tông, lời nói đi đôi với việc làm, đời sống tu tập luôn tương ưng và song hành với những gì mà quý ngài diễn giảng, sự và lý lúc nào cũng dung thông với nhau.

“Tất cả chúng sanh đều đồng có lý này, chỉ vì tình trần che lấp, theo nghiệp trôi lăn, chuyển thành các cõi”. Câu giải đáp này quá hay của TS Thông Biện. Tình trần che lấp là ý nói chúng sanh luôn bị những bụi bặm của vọng tưởng phân biệt làm che lấp tánh giác để rồi tạo nghiệp, do nghiệp đã tạo khiến họ bị dẫn dắt đến các cõi giới tối tăm, tham lam thì dẫn đến ngạ quỷ súc sanh, tức giận chuyển sanh Atula, nhẹ nhàng thì thác lên cõi trời hưởng phước…không phải sau khi chết mà ngay trong đời sống này vừa dấy khởi vọng niệm, thì lập tức chúng sanh đó đã chuyển sanh vào các cõi giới tương ứng rồi.

“Tâm tông giáo ngoại biệt truyền”. Sư phụ giải thích cụm từ “Giáo Ngoại Biệt Truyền” rất hay, con ghi nhớ mai, vì lâu nay con cũng hiểu sai 4 chữ này là “Truyền riêng ngoài giáo điển” tức là truyền thừa ấn chứng bên ngoài Kinh điển. Sp giải thích không phải như vậy, truyền ngoài kinh điển là ý nói sự thấy tánh thành Phật và sự ấn chứng truyền thừa của chư vị tổ sư hay thầy trò truyền trì cho nhau không mắc kẹt trong ngôn ngữ phương tiện của kinh điển, vì kinh điển chỉ là phương tiện để giáo hóa mà Đức Thế Tôn đã khẳng định điều này trong Kinh Kim Cang rằng “Nhữ đẳng Tỳ-kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”, có nghĩa là “Này các Tỳ kheo, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, chánh pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp”. Căn cứ trên lời này mà Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã tuyên bố dõng dạt rằng:

“ Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật”.

Có nghĩa là:

“Không bày đặt chữ nghĩa
Trao truyền ngoài giáo điển
Chỉ thẳng vào Tâm người
Thấy tánh mà thành Phật”

Người đời sau nghe qua hiểu sai nên hết lời chỉ trích và phản đối, một trong những người phản đối đó là Thiền Sư Đức Sơn Tuyên Giám, lúc chưa ngộ đạo ngài từng nói “..Những kẻ ma ở phương Nam dám nói trực chỉ nhân tâm kiến tánh thành Phật ?. Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết những giống ấy để đền ơn Phật.?”. Ngài Đức Sơn nói là làm, ngài lên đường tiến về phương Nam với bộ Thanh Long sớ sao, cho chính ngài sớ giải. Giữa đường ngài gặp một bà già bán bánh, ngài vào quán ăn sáng, cụ bà hỏi ngài gánh đồ gì mà nặng nề thế. Ngài bảo là “bộ Thanh Long Sớ Sao” (giải thích Kinh Kim Cang). Cụ bà xin phép hỏi ngài một câu nếu ngài trả lời được thì bà cúng dường thức ăn sáng, nếu không trả lời xin thỉnh ngài qua quán khác. Ngài hoan hỷ. Cụ bà hỏi “ Kinh Kim Cang Phật có nói “ quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, vậy xin hỏi Thầy điểm tâm nào? “ Ngài Đức Sơn im lặng không đáp được, ngài bèn lặng lẽ rời quán. Cụ bà chạy theo cho địa chỉ và khuyên ngài đến học pháp với Thiền Sư Long Đàm Sùng Tín. Ngài Đức Sơn liền đến đó, sau một thời gian đã ngộ đạo và ngài đã đem bộ Thanh Long Sớ Sao ra trước chùa đốt bỏ để sám hối nhưng lỗi lầm mà trước đây ngài mắc phải vì cố chấp dính kẹt vào ngôn ngữ của Kinh điển.

Giáo ngoại biệt truyền là thông điệp giúp cho hành giả sau khi học kinh điển rồi nhận ra bản tâm của rồi thì phải tự vượt thoát không dính mắc vào ngôn ngữ của kinh điển, kinh điển như chiếc bè đưa qua sông, qua sông rồi phải để lại chiếc bè chứ không được vác chiếc bè trên vai mà đi tiếp.

Sau ngài Ma-đằng mang giáo pháp vào Lưu Hán, Tổ Đạt-ma đem ý chỉ này vào nước Ngụy, nước Lương. Người truyền giáo pháp đến ngài Trí Giả ở núi Thiên Thai là thạnh, gọi là Giáo tông. Người được tông chỉ thiền đến Tổ Huệ Năng ở Tào Khê là sáng tỏ, gọi là Thiền tông.
Hai tông truyền vào nước Việt chúng ta đã lâu. Về Giáo tông, lấy ngài Mâu Bác, Khương Tăng Hội làm đầu. Về Thiền tông lấy ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi làm trước, ngài Vô Ngôn Thông là sau. Đây gọi là Tổ của hai phái vậy.
Thái hậu lại hỏi:
- Phần Giáo tông thì gác lại, còn hai phái Thiền tông có hiệu nghiệm gì?
Sư tâu:
- Xét theo truyện Pháp sư Đàm Thuyên có nói, vua Tùy Cao Tổ bảo các Pháp sư rằng: “Trẫm nghĩ ơn từ bi dạy dỗ của đấng Điều Ngự, ân đức đó không biết lấy gì báo đền. Trẫm thẹn ở ngôi nhân vương, muốn hộ trì Tam Bảo rộng khắp, cho góp hết xá-lợi ở trong toàn quốc, xây dựng bốn mươi chín ngôi bảo tháp tôn thờ, để tiêu biểu cho đời và sửa sang xây cất một trăm năm mươi ngôi chùa. Những cõi ngoài như xứ Giao Châu, cũng muốn xây dựng các ngôi chùa tháp để cho đạo đức thấm nhuần khắp cõi đại thiên. Nhưng xứ Giao Châu tuy nội thuộc nước ta (Trung Quốc) vẫn là sự liên hệ ràng buộc. Pháp sư nên chọn những vị Sa-môn danh đức sang xứ ấy giáo hóa họ, khiến tất cả đều được đạo Bồ-đề.” Pháp sư tâu: “Cõi Giao Châu có đường thông Thiên Trúc gần hơn nước ta (Tàu), lúc Phật pháp mới du nhập Giang Đông chưa truyền khắp, mà xứ này đã xây dựng trên hai mươi ngôi bảo tháp, độ hơn năm trăm vị Tăng, phiên dịch được mười lăm quyển kinh, do đó ở bên ấy có Phật pháp trước ta vậy. Thuở ấy đã có các Tỳ-kheo Ma-ha Kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác đến đó truyền đạo. Hiện nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp nơi ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi, kế thừa truyền bá tông phái của Tam Tổ, là hàng Bồ-tát trong loài người, hiện trụ trì tại chùa Chúng Thiện, thu nhận môn đồ giáo hóa trong hội không dưới ba trăm người, cùng Trung Quốc không khác. Bệ hạ là cha lành khắp trời, muốn bình đẳng bố thí nên muốn phái chư Tăng đến đó giáo hóa, song họ đã có đủ người rồi, ta chẳng cần phải sang.”

Lại, Tướng quốc nhà Đường hiệu Quyền Đức Dư, làm bài tựa truyền pháp rằng: “Sau khi Tổ Tào Khê mất, pháp thiền được thạnh hành, mỗi nơi đều có dòng dõi: Thiền sư Chương Kỉnh Uẩn mang tâm yếu Mã Tổ giáo hóa thạnh hành ở xứ Ngô Việt. Đại sĩ Vô Ngôn Thông truyền tông chỉ của Tổ Bá Trượng khai ngộ ở đất Giao Châu.” Lấy đây để nghiệm xét biết vậy.

Sư Phụ giải thích:

Đây là đoạn lịch sử rất quan trọng của PGVN, chứng minh rằng PG được truyền vào Việt Nam trước Trung Hoa. Chúng con cảm ơn Thiền Sư Thông Biện đã cung cấp chi tiết lịch sử này.


Thái hậu lại hỏi:
- Sự truyền thừa của hai tông thứ tự thế nào?
Sư đáp:
- Người kế thừa phái Lưu-chi hiện nay chính là Thiền sư Huệ Sinh, Thiền sư Chân Không vậy. Người kế thừa phái Vô Ngôn Thông hiện là Thiền sư Viên Chiếu, Thiền sư Quảng Trí. Bên phái Khương Tăng Hội hiện nay có Lôi Hà Trạch ấy vậy. Ngoài ra những vị kế thừa phụ nhiều không thể kể hết.
Thái hậu rất hoan hỉ lễ bái phong Sư chức Tăng lục, ban tử y ca-sa và hiệu là Thông Biện đại sư cùng trọng thưởng rất hậu. Bởi kính trọng Sư, Thái hậu thường triệu thỉnh vào nội và lễ bái phong làm Quốc sư. Do sự giáo hóa của Sư, Thái hậu nhận được yếu chỉ. Chính bà làm kệ ngộ đạo rằng:

Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới được hợp chân tông.

(Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không câu bất quản,
Phương đắc khế chân tông.)

Sư Phụ giải thích: dù Thiền Sư Thông Biên không để lại bài kệ thị tịch nhưng qua bài kệ trình pháp này của bà Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, đệ tử của ngài, cho thấy sở đắc sở chứng của ngài rồi. Thầy rõ trong sắc có không, trong không có sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, sắc không đều không dung thông với nhau, không dính kẹt giữa sắc không nên mới thấy rõ chân tâm.

Lúc tuổi cao, Sư về trụ chùa Phổ Minh ở Từ Liêm, mở đàn thuyết pháp. Sư dạy người tu thường lấy kinh Pháp Hoa làm dụng. Thế nên thời nhân gọi Sư là Ngô Pháp Hoa.

Sư Phụ giải thích: Thiền Sư Thông Biện cũng là một hành giả thọ trì và giảng thuyết Kinh Pháp Hoa. Vì Kinh Pháp Hoa chỉ rõ Phật Tri Kiến trong mỗi chúng sanh.

Ngày rằm tháng hai năm Giáp Dần, nhằm niên hiệu Thiên Chương Bảo Tự thứ hai (1134) đời Lý Thần Tông, Sư cho hay có bệnh rồi an nhiên viên tịch.

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Thông Biện do Thầy Chúc Hiền cúng dường.

Thông minh tam học thảy am tường
Viên Chiếu thiền sư tham vấn nương
Yếu chỉ thiền na thầm lãnh hội
Huyền tâm thể tánh khéo thừa đương
Đối cơ ứng vật thông nguồn diệu
Gặp cảnh hoà tâm mở suối lương
Thiền mạch tuôn trào ra mọi nẻo
Non sông cẩm tú đạo soi đường .

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng về Thiền Sư Thông Biện. Sứ mệnh của Sư như là ứng hoá diễn giảng Thông suốt cốt tủy pháp Phật rất Biện tài giúp cho Hoàng Thái Hậu liễu đạt tâm Phật, và bà Hoàng Thái Hậu cũng đã có căn lành nên đặt câu hỏi siêu việt giúp bà nhận được yếu chỉ Phật tâm qua bài kệ ngộ đạo “sắc không đều chẳng quán, mới được hợp chân tông”.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).



277_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Thong Bien



Quốc sư Thông Biện
(? – 1134, đời thứ 8, Thiền Phái Vô Ngôn Thông)

Kính dâng Thầy bài trình pháp về Quốc Sư Thông Biện sau khi được nghe bài pháp thoại hôm nay (lần thứ 277 ) thật tuyệt vời. Kính bạch Thầy, cũng như Đức Ngài Quốc Sư , Thầy cũng được biện tài vô ngại nên những mẫu chuyện của các vị Tổ Sư Thiền Trung Hoa và Tây Vức cũng hằng in trong trí nên khi bài giảng đến đâu lại tuôn chảy đến đó nhờ vậy đã ôn nhắc cho chúng đệ tử những điều thậm thâm vi diệu. Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc pháp thể Thày được khinh an, tịnh lạc , HH


Dựa vào câu hỏi của Hoàng Thái Hậu Phù Thánh Cảm Linh Nhân ( thời chưa có sách ghi lại lịch sử Phật Giáo ) nên lời giải đáp của Trí Không Thiền Sư  giúp người thời ấy nhớ lại cả đường  hướng Thiền  Tông lịch sử . 

Vì vậy Thông Biện Quốc Sư  có công rất lớn cho việc giới thiệu nền tảng Phật Pháp và lịch sử Đạo Phật có mặt tại Trung Hoa từ thời vua Hán Minh Đế với hai Ngài Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến từ Tây Vức và riêng VN ( đất Giao Châu ) thời ấy đã có Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương đến Lụy  Lâu  dịch Pháp Hoa tam muội và Mâu Bác ...

Hơn thế nữa, .......Chính nhờ Quốc sư Thông Biện đã trả lời ý nghĩa về Phật và Tổ cho Thái hậu Ỷ Lan đời Lý một cách  tận tường như sau : 

– " Thường trụ ở thế gian, không sinh không diệt thì gọi là Phật. Hiểu rõ tâm tông của Phật, giảng và làm đi đôi với nhau, gọi là Tổ. Chỉ vì những kẻ kém học nói bậy là có bên hơn bên kém mà thôi. Vả lại Phật có nghĩa là “Giác” (hiểu biết) vốn lặng lẽ, thường trụ, tất cả chúng sinh đều có cùng lẽ ấy. Chỉ vì tình trần che lấp, trôi nổi theo nghiệp báo mà phân ly ra các cõi. " 

Kính tạm mượn lời HT Thích Thái Hoà diễn giảng điều Quốc Sư Thông Biện đã giải thích " Như vậy, qua sự trả lời về ý nghĩa Phật và Tổ của Quốc sư Thông 

Biện cho Thái hậu Ỷ Lan được ghi lại trong Thiền uyển tập anh đời Trần đã cho ta thấy, Phật và Tổ đồng thể với nhau về mặt giác ngộ, nhưng khác nhau về mặt trao truyền. Nghĩa là Phật tự thân Ngài giác ngộ, Tổ cũng giác ngộ như Phật, nhưng sự giác ngộ của Tổ lại được Phật ấn chứng và trao truyền.Và nghĩa này giúp cho ta nhận ra rằng: “Những gì chư Tổ nói... là nói từ tâm tông, yếu chỉ của Phật”

Lại nữa, chư Tổ là Tăng. Phật Pháp Tăng ở trong ngôi Tam bảo, danh xưng thứ tự có trước sau, nhưng đồng một bản thể giác ngộ. Do đó, từ nơi bản thể giác ngộ mà Phật vận khởi tâm từ bi để nói kinh và cũng từ nơi bản thể giác ngộ ấy, mà chư Tổ vận khởi tâm từ bi để kết tập kinh điển. Ấy là ý nghĩa Phật và Tổ, mà những người đệ tử Phật cần phải hiểu, đừng để rơi vào tình trạng như Ngài Thông Biện nói: “Ấy bọn lạm xưng học giả tự dối, nói là có hơn thua”.



Kính ngưỡng và tri ân Đức Ngài Quốc Sư Thông Biện ( 1) 

Tinh tường Tam Học, nghiên cứu lịch sử rõ ràng (2) 

Đạo hiệu được ban từ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan

Khi giải đáp  rành rẽ khúc chiết câu hỏi rất quan trọng ! (3) 



Kính đa tạ Giảng Sư ..ôn nhắc lại lịch sử truyền thống 

Đã chỉ ra Sự Lý, từ Tâm Tông Tổ Sư Thiền 

" Trực  chỉ nhân tâm, kiến tính , giáo ngoại biệt truyền "

Hậu thế mãi tranh cải về Bồ Đề Đạt Ma....

......quên Kim  Cang Phật từng dạy (4) 



Kính trộm nghĩ Giảng Sư ...

thừa hưởng Quốc Sư biện tài vô ngại ?(5) 

Địa ngục Vô Gián trong cuộc sống, mẫu chuyện Ngài Đức Sơn (6)

Chùa Bạch Mã, kinh Tứ thập nhị chương (7) 

Được Ngài Ma Đằng, Trúc Pháp Lan dịch vào thời nhà Hán ! 



Thiền sư Việt Nam đời Lý, còn chú trọng Ba bộ kinh diễn giảng

Kinh  Viên Giác, Kim Cang , Kinh Pháp Hoa (8) 

Thấy rõ địa ngục hay Niết-bàn là ở ngay chính tâm ta 

.....Khi thấu triệt được thực tướng của vạn pháp, (9) 



Bài kệ của Hoàng Thái Hậu...thấy ra Đạo Giải thoát (10) 

Trước khi ngộ tri kiến Phật phải trang bị kỹ càng 

Thấy biết theo vọng tưởng là thấy biết của Phàm 

Thấy biết thuần tịnh bất động là thấy biết như  Phật

Tri kiến Phật tức là cái thấy biết như  Phật. 

Lý sắc, không chẳng vướng mắc ....khế hợp như Thị ! 



Nam Mô Quốc Sư Thông Biện tác đại chứng minh .



Huệ Hương 

Melbourne 26/8/2021 



(1)  Quốc Sư Thông Biện là đạo hiệu được Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan ban tặng khi trả lời mọi câu hỏi về Lịch Sử Phật Pháp và Thiền Tông ( Thái hậu cả mừng, phong sư làm Tăng thống, ban áo ca sa màu tía, ban hiệu Thông Biện đại sư, hậu thường để tỏ rõ Vinh sủng. Sau Thái hậu lại thỉnh sư vào đại nội, phong làm quốc sư để tham vấn, nhờ đó hiểu sâu tôn chỉ của Thiền tông. ) 

Ngài là Trí Không thiền sư, là một thiền sư nổi danh trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

] Sư được xem là đời thứ 8 của dòng Vô Ngôn Thông và hành trạng được ghi chép lại trong bộ Thiền uyển tập anh (禪苑集英)

(2) 

Quốc sư người hương Đan Phương, họ Ngô, vốn dòng dõi Phật tử, bản tính thông tuệ, học thông tam giáo.( Giới - Định - Tuệ ) 

Lúc đầu sư tham vấn thiền học, đắc pháp với thiền sư Viên Chiếu ở chùa Cát Tường. Được Sư Phụ ấn chứng và nối pháp Sau đó có chiếu chỉ triệu về kinh đô Thăng Long trụ trì chùa Khai Quốc, sư tự xưng hiệu là Trí Không. 

(3) 

Mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1096), ngày rằm tháng hai, Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái Hậu đến chùa Khai Quốc thiết lễ trai tăng. 

Trong lúc đàm đạo với các bậc túc tăng kỳ lão, Thái hậu hỏi:

– Phật và Tổ nghĩa thế nào? Ai hơn ai kém? Phật trụ phương nào? Tổ ở thành nào? Đến nước ta từ bao giờ? Việc truyền đạo ai trước ai sau? Mà người niệm tên Phật đạt tâm ấn của Tổ chưa rõ là những ai?

Bấy giờ mọi người đều im lặng cả, sư thưa rằng:

– Thường trụ ở thế gian, không sinh không diệt thì gọi là Phật. 

Hiểu rõ tâm tông của Phật, giảng và làm đi đôi với nhau, gọi là Tổ. ( hành và giải đi đôi) 

Chỉ vì những kẻ kém học nói bậy là có bên hơn bên kém mà thôi. 

Vả lại Phật có nghĩa là “Giác” (hiểu biết) vốn lặng lẽ, thường trụ, tất cả chúng sinh đều có cùng lẽ ấy. Chỉ vì tình trần che lấp, trôi nổi theo nghiệp báo mà phân ly ra các cõi. 

Phật vì lòng từ bi mà thị sinh ở đất Thiên Trúc, là vì xứ sở ấy ở vào khoảng chính giữa của trời đất. Phật mười chín tuổi xuất gia, ba mươi tuổi thành đạo. Ở đời thuyết pháp bốn mươi chín năm, mở ra các pháp môn để giác ngộ cho người đời. Đấy là thời đại hưng giáo vậy. Khi sắp nhập Niết Bàn, lại sợ người hiểu lầm ý mình, Phật bèn bảo Văn Thù3 “Ta bốn mươi chín năm chưa từng nói một lời, sao lại bảo là ta có thuyết giáo ư?” 

Nhân đó Phật cầm cành hoa giơ lên. Mọi người đều chưa hiểu Phật nói ý gì. Chỉ một mình Ca Diếp tôn giả mỉm cười. Phật biết Ca Diếp đã lĩnh ngộ, bèn đem chánh pháp nhãn tạng truyền cho. Đó là Tổ thứ nhất của dòng Tâm tông, được trao truyền bên ngoài giáo điển

Sau đó Ma Đằng đem pháp ấy đặt vào đất Hán. 

Rồi Đạt Ma đem tông chỉ sang các nước Lương, Ngụy. 

Việc truyền pháp đến Thiên Thai  Trí Giả là thịnh, gọi là Giáo tông. 

Về tôn chỉ của Đạt Ma thì đến Tào Khê Huệ Năng là sáng tỏ, gọi là Thiền tông. 

Hai tông này truyền vào nước Việt ta đã lâu năm. 

Về Giáo tông thì có Mâu Bác , Khương Tăng Hội

Thiền tông thì có phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci) vào trước, phái Vô Ngôn Thông vào sau. Đó là tổ của hai phái.

(4) 

Kinh Kim Cang trong đoạn 6 nói về Chánh tín 

Dữ  thị nghĩa cố, Như Lai thường thuyết: Nhữ đẳng Tỳ-kheo tri ngã thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp.

Bởi do nghĩa ấy, Như Lai thường nói: Tỳ-kheo các ông nên biết, ta nói pháp ví dụ như chiếc bè, pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp.

(5) 

Biện tài vô ngại về mọi chuyện trên thế gian ngay trong hiện tại 

Ngài Thông Biện đã trình bày lịch hoằng pháp của các Thiền Sư hai phái thời Ngài đang sống như sau :

Thái hậu hỏi:

– Về Giáo tông thì chưa nói tới, nhưng còn hai phái thiền tông thì có gì chứng thực không?

Sư đáp:

– Xét về truyện Đàm Thiên pháp sư thấy chép rằng: Vua Tùy Cao Tổ (581 – 604) gọi sư là pháp khí và bảo: “Trẫm nghĩ đến đạo từ bi của Điều Ngự10 mà không biết làm sao để báo đáp ân đức. Trộm ở ngôi vua, trẫm đã hỗ trợ Tam bảo (Phật, Pháp và Tăng) khắp nơi: trong nước thì thu xá lợi xây 49 bảo tháp, ngoài nước thì dựng 150 chùa tháp để tiêu biểu cho đời. 

Ở các xứ ngoài như Giao Châu cũng đã nhiều lần cho dựng chùa để ơn phúc nhuần thấm khắp cõi đại thiên. Nhưng xứ ấy tuy nội thuộc mà ràng buộc còn lỏng lẻo. Vậy pháp sư nên chọn những vị sa môn có danh đức đưa sang đó để giáo hóa, khiến cho tất cả đều được đạo Bồ Đề”. 

Pháp sư Đàm Thiên tâu: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có tới hai mươi ngôi bảo tháp, độ được hơn năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi.” Như vậy là Phật giáo đã truyền đến Giao Châu trước ta. 

Hồi ấy đã có các vị tăng như Ma Ha Kỳ Vực , Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương 255) đến Lụy  Lâu  dịch Pháp Hoa tam muội và Mâu Bác v.v… cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền bá tông phái của tổ thứ ba Tăng Xán. Pháp Hiền là vị bồ tát sống, hiện trụ trì ở chùa Chúng Thiện, giáo hóa không dưới ba trăm môn đồ, không thua kém gì ở Trung Quốc. 

Bệ hạ là bậc cha hiền của khắp thiên hạ, muốn bố thí bình đẳng nên định đưa chư tăng sang giáo hóa. Nhưng họ đã có người rồi, ta không phải cho người sang nữa. 

Lại có chứng cứ nữa: tướng quốc đời Đường là Quyền Đức Dư viết trong lời tựa sách Truyền Pháp rằng: “Lại sau khi Tào Khê (Huệ Năng) mất, thiền pháp thịnh hành, các dòng đều có kẻ nối, Thiền sư Chương Kính Huy đem những điều tâm pháp quan yếu của Mã Tổ đi thi hành giáo hóa ở miền Ngô, Việt. Vô Ngôn Thông đại sư đem tông chỉ của Bách Trượng Hoài Hải đi khai ngộ ở Giao Châu.” Đó là chứng cứ vậy.

Thái hậu lại hỏi:

– Sư truyền thừa của hai tông phái ấy thứ tự thế nào?

Sư đáp:

– Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì nay có Lâm Huệ Sinh, Vương Chân Không. 

Phái Vô Ngôn Thông thì có Mai Viên Chiếu, Nhan Quảng Trí. 

Dòng của Khương Tăng Hội thì nay có Lôi Hà Trạch. 

Ngoài ra những phái phụ thì nhiều không kể xiết.

( 6) về sự Địa ngục vô gián là A Tỳ địa ngục, địa ngục cuối cùng trong tám địa ngục nơi những chúng sanh tội phạm chết và tái sanh không ngừng nghĩ 

Về lý ai hành động tối tăm ngu dốt (địa ngục), ai quá tham lam ích kỷ (ngạ quỉ), ai cư xử quá thấp hèn, để cho thú tánh sai sử (súc sanh), đều chịu những bức rức, nặng nề, đau khổ, nóng bức, như tự thân bị lửa đốt, đá đè, khí giới bằng đồng bằng sắt đâm chém. Đó là do nghiệp chẳng lành mà con người cảm thọ những khổ ấy.  Vậy địa ngục tự ta tạo và khổ não cũng tự ta dành cho ta.  Và tất cả đều bắt nguồn từ tâm.

Riêng Ngài Đức Sơn Tuyên Giám người đã đốt  Thanh Long sớ sao và giai thoại với bà già bán điểm tâm trên đường đến Long  Đàm 

Đức Sơn Tuyên Giám (zh. déshān xuānjiàn 德山宣鑒, ja. tokusan senkan), 782-865, là Thiền sư Trung Quốc, một trong những Thiền sư lỗi lạc nhất đời Đường. 

Sư có 9 môn đệ được ấn khả, trong đó hai vị Nham Đầu Toàn Hoát và Tuyết Phong Nghĩa Tồn đứng hàng đầu. Sư nối pháp Long Đàm Sùng Tín thuộc dòng Thanh Nguyên Hành Tư và Thạch Đầu Hi Thiên

Tương truyền 

Sư họ Chu, quê ở Kiến Nam, Giản Châu, xuất gia lúc 20 tuổi. Sư thông Luật tạng và các bộ kinh, luận. Vì thường giảng Kim cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh nên thời nhân gọi sư là Chu Kim Cương. Nghe Nam phương Thiền tông thịnh hành sư bất bình nói:

"Kẻ xuất gia muôn kiếp học uy nghi của Phật, vạn kiếp học tế hạnh của Phật. Những kẻ ma ở phương Nam dám nói ‘Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật.’ Ta phải ruồng tận hang ổ của chúng, diệt hết đống ma quái để đền ân Phật."

Sư bèn khăn gói lên đường, mang theo bộ Thanh Long sớ sao tới Lễ Châu. Trên đường, sư gặp một người đàn bà bán bánh rán, bảo bà lấy ít bánh ăn điểm tâm. Bà chỉ gánh của sư hỏi: 

"Gói này là gì."

Sư trả lời: "Thanh Long sớ sao."

Bà nói: "Tôi có một câu hỏi, nếu thầy đáp được, tôi xin cúng dường bánh điểm tâm. Bằng đáp không được, mời thầy đi nơi khác."

Sư ưng ý, bà liền hỏi: "Trong kinh Kim cương có nói ‘Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc.’ Vậy Thầy muốn điểm tâm nào?"

Sư lặng thinh, không đáp được. Người đàn bà liền chỉ sư đến tham vấn Thiền sư Long Đàm Sùng Tín. Vừa tới cửa Long Đàm, sư liền nói: 

"Nghe danh Long Đàm đã lâu, nay đến đây, đầm (đàm 潭) cũng chẳng thấy, rồng (long 龍) cũng chẳng hiện."

(7) 

Bạch Mã Tự hiện nay nằm cách thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, miền Đông Trung Quốc 9 km. Đó là nơi được các đệ tử Phật gia công nhận là nơi ở của các tổ sư Phật giáo và là nơi Phật Pháp được truyền dạy.

Theo truyền thuyết, vào thời Đông Hán, niên hiệu Vĩnh Bình, vua Hán Minh Đế (29-75 SCN) nằm mơ thấy một vị thần có sắc thân vàng bay từ phương Tây đến hoàng cung. Hôm sau nhà vua kể lại sự việc với các triều thần và được một vị đại thần tâu rằng ông nghe nói ở Tây Trúc có một người đắc đạo được xưng là Phật. Người này có thể bay trên không và thân thể phát ra ánh sáng vàng rực rỡ và tin rằng vị thần mà nhà vua gặp trong mơ có thể là Đức Phật đó. 

Tin lời vị đại thần, nhà vua phái một phái đoàn gồm 18 người đến Tây Trúc để thỉnh kinh Phật. Phái đoàn này đến Ấn Độ và ba năm sau, vào niên hiệu Vĩnh Bình thứ 10, cùng với hai Tăng sĩ Ấn Độ là Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, họ trở về và mang theo một tượng Phật, xá lợi cùng với nhiều kinh sách được chở bởi một con ngựa trắng. Khi hai ngài Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan đến Lạc Dương, họ được thỉnh đến cư ngụ tại Hồng Lô tự, một dinh thự dành để tiếp đón khách nước ngoài. Năm tiếp theo nhà vua cho xây dựng một ngôi chùa bên ngoài Tây Ung Môn của Lạc Dương để cho hai vị Tăng cư ngụ và dịch kinh. 

Sử sách ghi chép rằng: địa điểm xây dựng ngôi chùa vốn là nơi Hán Minh Đế sử dụng như một nơi nghỉ mùa hè. Ngôi chùa được đặt tên là “Bạch Mã” để tưởng nhớ công việc khó khăn mà con bạch mã đã đảm nhiệm: mang kinh Phật từ Ấn Độ đến Trung Quốc.Hai vị cao tăng Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan sau đó đã giảng Pháp tại Bạch Mã Tự và thay nhau hoàn tất việc dịch thuật “Tứ Thập Nhị Chương Kinh”, bản dịch kinh Phật đầu tiên bằng tiếng Hán văn vào năm 67 sau Tây lịch (st1), tại ddaay Có thể nói kinh Tứ Thập Nhị Chương là một trong những kinh văn có mặt đầu tiên, sớm nhất tại Trung Hoa. 

(8) Về già, sư trụ trì ở chùa Phổ Ninh, mở đàn thuyết pháp. Phàm việc dạy người, sửa mình sư thường dẫn dụng đến kinh Pháp Hoa, vì vậy người đương thời gọi sư là Ngô Pháp Hoa

Ngày mười hai tháng hai năm Giáp Dần niên hiệu Thiên Chương Báo Tự thứ hai (1134) sư lâm bệnh rồi qua đời

(9) Vì mục tiêu Phật dạy chúng ta phải phấn đấu thực tập viên mãn Bát Chánh đạo thì cánh cửa Pháp hoa mới mở ra, mới đạt được trí tuệ đúng đắn mà hiểu biết bình thường không thể vói tới được.

Theo HT Thích Thiện Siêu 

Những pháp môn Phật dạy trước đây tuy diệu nhưng chưa tuyệt đối, như khi phân thành Thanh văn, Duyên giác thừa và Đại thừa, thì Đại thừa là diệu, nhưng chỉ diệu tương đối với Thanh văn, Duyên giác, chưa phải diệu thật sự tuyệt đối. Đến hội Pháp Hoa thì không còn đối đãi với Thanh văn, Duyên giác mà gồm chung tam thừa vào nhất thừa, nên mới thật là diệu pháp. Pháp Hoa nói thật tướng các pháp, thật tướng đó là: Tất cả pháp đều là Phật Pháp, tướng tánh bất nhị. ‘Thế gian tướng thường trụ’. Tất cả pháp, bởi thế, đều là diệu pháp (nhứt sắc nhứt hương vô phi trung đạo).

Diệu pháp đó ví như hoa sen với những điểm:
1. Sinh ra trong bùn mà không nhiễm bùn.
2. Khi hoa nở thì tỏa hương thanh khiết nhẹ nhàng.

Nghĩa là những pháp mà Phật nói ở trong Diệu pháp Liên hoa cũng phát xuất từ tam thừa pháp, ví như hoa sen vẫn sinh từ bùn. Cái hoa diệu pháp từ trước bị vùi lấp trong bùn kiến chấp của tam thừa, đến hội Pháp Hoa thì hoa sen từ bùn nở ra mà không dính bùn, lại tỏa hương vi diệu. 

Kinh Pháp hoa là đạo đức và trí tuệ cao nhất của con người cùng với việc làm lợi lạc cho mọi người. Không phải kinh Pháp hoa là bộ kinh giấy trắng mực đen.

Thật vậy, thân giới đức theo Pháp hoa được ví như hoa sen ở trong bùn nhưng không nhiễm bùn mà tỏa hương sen là hương đạo đức. Tỳ-kheo tu Pháp hoa đã thành tựu giới đức và giới đức lan tỏa lực thuyết phục, cảm hóa người khác. Như vậy, kinh Pháp hoa và giới đức là một, hay kinh Pháp Hoa là  bộ kinh của Thiền Tông

Ngoài ra, thực chất tu Pháp hoa, chẳng những thân tâm phải tinh khiết ví như hoa sen, nghĩa là phải trì giới thanh tịnh, Tỳ-kheo còn có Chánh định và có trí tuệ (Diệu pháp), không phải chỉ tụng kinh Pháp hoa suông. Phải chuyên tinh tu Thiền quán, tâm bừng sáng thì có Pháp hoa. Nghĩa là những gì mình thấy được khi Thiền quán là chứng được trí tuệ thì đó là Pháp hoa. Không chứng trí tuệ thì chỉ là đọc tụng văn tự Pháp hoa, không phải Pháp hoa thực sự.

(10) 

Thái hậu có làm kệ Ngộ Đạo như sau

Sắc thị không, không tức sắc.

Không thị sắc, sắc tức không

Sắc, không câu bất quản

Phương đắc khế chân tông.

Dịch:

Sắc là không, không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không

Sắc, không đều chẳng quản

Mới khế hợp chân tông

youtube

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567