Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295) Đời thứ 22 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 18 của Thiền Phái Lâm Tế. 🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

17/04/202112:14(Xem: 13217)
Thiền Sư Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295) Đời thứ 22 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 18 của Thiền Phái Lâm Tế. 🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

 

Nam Mô A Di Đà Phật

 

Kính bạch Sư Phụ

Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295), ngài thuộc đời thứ 22 sau Lục Tổ Huệ Năng và cũng là Tổ thứ 18 của Thiền Phái Lâm Tế.

 

Sư nguyên họ Từ, đạo hiệu là Cao Phong, sinh ngày 23 tháng 3 âm lịch năm Mậu Tuất 1238, nhằm niên hiệu Gia Hy thứ 2, đời vua Tống Lý Tông thuộc triều Nam Tống, nguyên quán huyện Ngô Giang, phủ Tô Châu (tỉnh Giang Tô ngày nay).

 

Năm 15 tuổi, Sư phát tâm xuất gia, đến năm 17 tuổi thọ Cụ túc (được đặc cách trước 3 năm), khi tròn 18 tuổi theo học với Đại sư Pháp Trụ ở chùa Mật Ấn về giáo pháp Thiên Thai và ngộ được ý chỉ.

 

Sư phụ giải thích: khởi đầu hành trình tu tập, Ngài có duyên với giáo lý phái Thiên Thai do đại  sư Trí Khải (538-597) sáng lập trên núi Thiên Thai,  tông này lấy tư tưởng kinh Pháp Hoa làm tông, phát xuất từ tổ sư Long Thọ ở Ấn Độ.

Tông Thiên Thai xiển dương 3 chân lý:

1/ Không: mọi pháp không có tự tánh, thật thể nhất định
2/ Giả: tuy thế, mọi pháp vẫn có một dạng tồn tại tạm thời với thời gian và giác quan con người có thể nắm bắt được;
3/Trung: tổng hợp hai chân lý đầu, cho rằng thể của sự vật lại không nằm ngoài tướng, không thể bỏ hiện tượng để tìm bản chất, thể và tướng là một.

 

Tiếp đó, Ngài Cao Phong đến cầu pháp với Hòa thượng Đoạn Kiều Diệu Luân, dạy tham cứu "Sanh từ đâu đến, chết trở về đâu?" Ý phân hai đường, tâm không quy nhất.

 

Sau cùng ngài yết kiến Thiền sư Tuyết Nham Tổ Khâm, dạy khán chữ Không. Lại dạy mỗi ngày đến trình một lần, như người đi đường, mỗi ngày cần thấy công trình, nhân thấy nói mới có thứ tự. Rốt sau đến ngài không hỏi chỗ công phu. Ngài tham thiền quán tưởng trong thời gian rất lâu nhưng không đạt rốt ráo.

 

Một hôm ngài vào phương trượng đường, thiền sư Tuyết Nham Tổ Khâm hỏi: “ai cùng ông kéo tử thi đến đây”.

 

Tiếng chưa dứt, ngài liền đi ra. Sau đến Kính Sơn, vừa vào thiền đường, tôi như trong mộng chợt nhớ câu "Muôn pháp về một, một về chỗ nào?" Từ đây nghi tình phát hiện, không còn phân biệt đông tây nam bắc. Ngày thứ sáu ở đây, theo chúng lên gác tụng kinh, vừa ngước đầu nhìn lên chợt thấy bài Chơn Tán của TS Ngũ Tổ Pháp Diễn, hai câu sau:

Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày,
Gắng công suy xét nguyên lai là gì.

 

 Sau đó ngài đến Cảnh Sơn tiếp tục tu tập. Vừa vào thiền đường, tự nhiên như trong mộng, ngài nhớ câu “muôn pháp về một, một về chỗ nào”, từ đây nghi tình phát hiện không còn phân biệt đông tây nam Bắc, ngài theo chúng lên gác tụng kinh.

Vừa ngước đầu nhìn lên ngài chợt thấy bài kệ của Ngũ Tổ Pháp Diễn:

“Trăm năm ba vạn sáu nghìn ngày, hành giả phải gắng tinh tấn tham quán tự tánh của mình”.

 

Câu “ai cùng ông kéo tử thi đến đây” công án của Sư Phụ Tuyết Nham Tổ Khâm ngày trước bổng nhiên thấu triệt, hồn phi phách tán, rúng động tâm can, hồi lâu mới tỉnh lại, tất cả đều thông suốt, lúc đó ngài 24 tuổi.

 

Một hôm Tổ hỏi “trời đất bao la, ông có thể làm chủ được không?”

Sư thưa: “dạ được”.

Tổ lại hỏi: “lúc nằm mộng ông làm chủ được không?”

Sư thưa: “dạ được”.

Tồ hỏi tiếp: “lúc ông ngủ say, không mộng không thấy không nghe thì chủ nhân ông ở chỗ nào?”.

Sư không đáp được.

Sư vào núi Long Tu quán xét suốt 5 năm.

 
Đến năm Kỷ Tỵ 1269, nhân một người đồng tu bên cạnh làm rơi chiếc gối. Chợt nghe tiếng động Sư liền triệt ngộ và làm bài kệ:

Chốn cũ người xưa vẫn còn đây
Nào hay diện mục chẳng đổi thay.

 

Sư Phụ giải thích, diện mục là mặt mũi của mình, là Phật tánh, là chân tâm của mỗi người, làm chủ được lúc thức và ngay trong giấc ngủ, làm chủ tâm mình 24/7.

 

Sau 5 năm ngài mới triệt ngộ.

 

Năm 1279, Sư dựng một thảo am trên núi Thiên Mục, ghi ngoài cửa là Tử Quan, suốt 15 năm Sư không ra khỏi hang.

 

Lúc Sư triệt ngộ, sư phụ Tuyết Nham Tổ Khâm gởi tử y truyền tâm ấn phó chúc cho Ngài giữ gìn tông Lâm Tế, Sư bắt đầu ra truyền pháp, chúng đến thính pháp rất đông. Các bài giảng của Sư được đúc kết thành Ngữ Lục Cao Phong Đại Sư.

 

Sư thượng đường dạy chúng:

Cuộc sống quý, biết tích phước,
Tham thiền quý, tìm kế ngộ.
Trong cuộc sống ngộ được đạo,
Người người thành Phật, thành Tổ.


Sư phụ giải thích: lời dạy của Thiền Sư Cao Phong hiền hòa và gần gũi với hành giả chúng ta thời mạt pháp, lòng từ bi của Ngài bao la, nếu ta không giác ngộ giải thoát trong đời này thích nên tích phước, làm hành trang lộ trình còn lại của đời mình, tích phước là mạng lưới an toàn cho mọi hành giả trong vòng luân hồi. Sp cung cấp phương pháp “tích phước” qua “tịnh nghiệp tam phước” theo Kinh Vô Lượng Thọ:

1/Phước thứ nhất: Hiếu dưỡng phụ mẫu. Phụng sự sư trưởng. Từ tâm bất sát. Tu mười thiện nghiệp”.

2/Phước thứ hai:Thọ trì Tam Quy, Gìn giữ cấm giới, không phạm oai nghi

3/Phước thứ ba:Phát tâm Bồ Đề. Tin sâu nhân quả. Đọc tụng Đại thừa. Khuyến tấn hành giả tu tập.

Vào ngày mồng 1 tháng 12 âm lịch năm Ất Mùi 1295, nhằm niên hiệu Nguyên Trinh năm đầu, đời vua Nguyên Thành Tông, Sư thâu thần an nhiên thị tịch, trụ thế 58 tuổi và 43 hạ lạp. Bảy ngày sau, mở khám ra, Sư vẫn đoan nghiêm như lúc còn sống. Vâng lời di chúc của Sư phụ, ngày 21 tháng 12, chúng đệ tử cung thỉnh toàn thân xá lợi của ngài nhập tháp tôn thờ. Vua ban thụy hiệu cho Sư là Phổ Minh Quảng Tế Thiền sư. Đệ tử nối pháp là Thiền sư Trung Phong Minh Bổn.

Cuối bài giảng, Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295) của Hoà Thượng Hư Vân do Hoà Thượng Minh Cảnh dịch Việt.

 

Lễ cùng vô lễ đánh không tha,
Tiến thoái loanh quanh khó vượt qua
Chẳng bị cảnh xoay, tam-muội chứng
Chịu làm thây chết “tử quan” a
Đại hùng, đại trí, tâm buông xả
Chỉ hỉ, chí bi, cứu độ tà
Vững chắc tòa sen, Tây Thiên Mục
Kim cang, bảo sở sẵn danh tòa.

 

Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban cho bài pháp về Thiền Sư Cao Phong Nguyên Diệu, tuy Ngài xuất gia rất sớm năm 15 tuổi, được thọ giới cụ túc giới đặc cách năm 17 tuổi, nhưng Ngài đã phải kiên trì trên đường tu, trải qua đạo lộ, Tông Thiên Thai, tham thiền hai công án, cuối cùng Ngài mới triệt ngộ khi chợt nghe một tiếng động rơi của chiếc gối, chân như Phật tánh, bản lai diện mục bừng dậy: “chốn củ người xưa vẫn còn đây, nào hay diện mục chẳng đổi thay ».

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 Cung kính và tri ơn Sư Phụ,

Đệ  tử Quảng Tịnh Tâm

(Montréal, Canada).  




225_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Nguyen Dieu



Bậc Long Tượng, nơi cửa Tử  Quan phía Tây núi Thiên Mục: 
Ý chí cao cường lầm liệt, nhưng lời dạy dung dị lại rất cao sâu ! 


Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp về Tổ thứ 18 thiền phái Lâm Tế, ( Thiền Sư Cao Phong Nguyên Diệu) Kính đa tạ và tri ân Thầy bài pháp thoại đã giải đáp rất nhiều chỗ con vướng mắc vì nhiều năm về trước con đã được học " Dù cho mình có trí tuệ thật bén nhạy và có hoan hỷ khi tự nhận rằng mình Thấy rồi ...Nhưng dù cho có Thấy 100 lần mà không tiếp tục để cho cái Tuệ nó tự nhiên đi vào thì cũng chưa đi đến dâu ! " Và hôm nay một lần nữa con được học từ Sư Cao Phong Nguyên Diệu đã hạ thủ công phu thật nghiêm túc, kèm theo lời chỉ dạy rất từ bi mà Thầy đã tâm đắc về Tích Phước , tất cả đã cho con tư lương quý báu khôn cùng . Kính đảnh lễ Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH




Nghe pháp thoại hành trạng Ngài Cao Phong Nguyên Diệu ! 

Tổ thứ 18 thiền phái Lâm Tế ....bậc Đạo sư mẫn tuệ ,  từ bi 

Xuất gia 15 tuổi, 17 thọ cụ túc, dõng mãnh ...giải quyết NGHI ! 

Từ Thiên Thai giáo, chuyển chí nguyện “học Thiền đến chết “

Nhìn bài kệ Chân Tán[ 1] của Tổ Pháp Diễn ... liền đúc kết ! 

Đại ngộ  “Ai cùng ông kéo cái tử thi?" 

Công án Sư Phụ Tuyết Nham  đã vỡ... mối nghi !  

Nhưng “Hoắc nhiên  triệt ngộ”  phải chờ 5 năm sau nữa [2]! 

Vì một câu “  khi ngủ mê không mộng Ông Chủ ở  mô rứa ? 

Chín năm ...cửa Tử Quan,[ 3] ....

Sư Phụ gửi Y, Phất Tử ... khai đường ! 

Ngữ lục Cao Phong ....lẫm liệt cao cường 

Nhưng ngưỡng phục nhất : lòng đại bi tiêu biểu trong 3 kệ [4]

Kính đa tạ Giảng Sư ....chúng đệ tử quyết tư duy tinh tế ! 

Thế kỷ hiện đại vẫn phải tích Phước làm tư lương 

Tu tập Tam tịnh nghiệp Phước, Phật dạy rất tỏ tường [5] 

Sẽ có một ngày ... tìm thấy một người ...rất tự tại !![6]

Kính nguyện hứa sẽ  thực hành 3 giới điều Ngài răn dạy [7]

Và  Chấp tay kính ngưỡng...  

Bậc  Long Tượng nhục thân  7 ngày không hoại ! [8] 

NAM MÔ CAO PHONG NGUYÊN DIỆU THIỀN SƯ TÁC ĐẠI CHỨNG MINH .

Huệ Hương 
Melbourne 17/4/2021 





[1] 

Bài kệ Chân Tán 

        Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày,
        Gắng công suy xét nguyên lai là gì.
Âm:
        Bách niên tam vạn lục thiên triêu,
        Phản phúc nguyên lai thị giá hán.

[2]

Ngài Tuyết Nham hỏi Sư: "Lúc đang ngủ không mộng tưởng, không thấy, nghe, thì ông chủ ở đâu? " Sư không đáp được. Sư quyết chí vào ở Long Tu, lập nguyện: Thà một đời làm kẻ ngu khờ, quyết phải sáng tỏ việc này. Trải qua năm năm, đêm nọ nghe tiếng gối rơi xuống đất của người bạn đồng phòng, Sư hoát nhiên đại ngộ

[3] 

Chín năm ở Long Tu, vì thiền hữu khắp nơi vân tụ về, họ vào Tây Thiên thấy động Sư Tử, thất của Sư ở phía Tây động, nhỏ  như chiếc thuyền con, trước thất có đề bảng: “Tử Quan”.

[4]

Tâm này thanh tịnh vốn nguyên sơ,

Vì chỉ tham cầu sáng hóa mờ.

Chớp mắt sáng ra toàn thể hiện,

Non, sông, đại địa vẫn là mơ.

  • Sư thượng đường:

Công phu chưa đến chưa thành tựu,

Trình lộ còn xa chớ hững hờ.

Đạt được tâm này luôn tỉnh sáng,

Biển cả thành nương đã sẳn chờ.

  • Sư thượng đường:

Cuộc sống quý, biết tích phước,

Tham thiền quý, tìm kế ngộ.

Trong cuộc sống ngộ được đạo,

Người nguời thành Phật, thành Tổ.

[5]

1-  Phước thứ nhất : " Hiếu dưỡng phụ mẫu. Phụng sự sư trưởng. Từ tâm bất sát. Tu thập thiện nghiệp "

2- Phước  thứ hai : "Thọ trì tam quy. Cụ túc chúng giới. Bất phạm oai nghi. " 

3- Phước thứ ba là nền tảng của Bồ Tát Đại Thừa. “Phát tâm Bồ Đề. Tin sâu nhân quả. Đọc tụng Đại thừa. Khuyến tấn hành giả”.

“Phát tâm Bồ Đề” chính là phát tứ hoằng thệ nguyện .

[6]

Từ trước Phật, Tổ, xưa nay các bậc Thiện Tri Thức, cho đến chư vị Hòa Thượng trong đời đều có khế ngộ, có chứng đắc, có người mau, kẻ chậm, có khó, có dễ, như vậy là tại sao?”

Như quý vị ở đây, mỗi người đều có gia nghiệp, chợt một ngày nào đó nhìn lại và nhớ ra cội nguồn. Hoặc có người trải qua một năm đạt được, hoặc là một tháng, một ngày, hoặc là trong khoảnh khắc, hoặc có người đã chết cũng chưa đạt được. Sở dĩ khác nhau là vì rời ngôi nhà mình có người gần, người xa, thế nên có sự sai biệt chậm, mau, khó, dễ!

Tuy như vậy, nhưng ở đó có một người, không có gia nghiệp để về, không có thiền đạo để học, không có sanh tử để thoát, không có Niết Bàn để chứng; cả ngày tự tại vô vi, mặc tình tự nhiên. Nếu nhận ra được, thì đức Thích Ca, ngài Di Lặc bưng bình bát với ông, không còn là việc bên ngoài ! 

[7]

Sư nghiêm giữ giới luật, tế hạnh, dung mạo thanh cao, thường ngồi cúi đầu, không hỏi thì làm thinh, nghe nói lỗi người thì cúi đâù càng thấp hơn. Mười mấy năm thành lập được hai đạo tràng, nhưng chưa từng đến đó xem. Sư thường dạy đồ chúng ba giới:

1.  Mở miệng động lưỡi, không ích cho người, chế ngự không nên nói.

2.  Khởi tâm động niệm, không ích cho người, dừng niệm không nên khởi.

3.  Dở chân cất bước, không ích cho người, điều phục đừng nên đi

[8]

Ngày 27 tháng 11 năm Ất mùi (1295), hóa duyên của Sư đã hết, Sư viết hai điều chính, mọi việc sau này đều di chúc cho Tổ Ung, Minh Sơ. Ngày 1 tháng 12 hôm sau, 

Sư từ biệt chúng nói: “30 năm, ở Tây Phong vọng đàm Bát Nhã, phạm tội ngập trời. Câu sau cùng không dám phiền người, tự lãnh hội đi! Đại chúng biết rơi vào đâu không?” Sư im lặng giây lâu nói: “Còn sai mảy may, trời, đất cách xa!” Kệ từ biệt:

Đến không vào tử quan,

Đi không ra tử quan.

Rắn sắt chui vào biển,

Nghiêng ngã núi tu di.

Sư an nhiên thị tịch vào ngày mồng 1 tháng 12(âl) năm Ất Mùi 1295, nhằm niên hiệu Nguyên Trinh năm đầu, đời vua Nguyên Thành Tông Sư thọ 58 tuổi, 43 hạ lạp

Bảy ngày sau, mở khám ra, Sư vẫn đoan nghiêm như còn sống. Vâng lời di chúc của Sư, ngày 21 tháng 12  Môn đồ lập tháp  nhập tháp thờ Sư ở Tử Quan tại núi Thiên Mục.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567