Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

A. Ngài Long Thọ và tư tưởng Tịnh Độ

17/07/201200:58(Xem: 11110)
A. Ngài Long Thọ và tư tưởng Tịnh Độ
TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG

HT Thích Như Điển biên soạn

II- TỊNH ĐỘ TÔNG CỦA ẤN ĐỘ

Những người tu theo Đại Thừa không còn thắc mắc gì nữa là ba bộ kinh căn bản bên trên do ai nói và nói ra lúc nào, nói cho ai nghe v.v… Nhưng những giáo phái khác của Phật Giáo như Thiền Tông, Mật Tông v.v… cũng có thể đặt ra câu hỏi như vậy. Đó là chưa kể giáo pháp căn bản của Tiểu Thừa, ngay từ đầu đã không chấp nhận những kinh điển có vào thời sau khi Đức Phật nhập diệt; hoặc giả những kinh điển nào do các vị Tổ Sư nương theo giáo lý để san định thành. Đây là những điểm chính yếu khi nghiên cứu về tư tưởng Phật Giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa cần phải lưu tâm.

Dĩ nhiên là không ai có thể nói kinh và luật; ngoại trừ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy thế, có những bộ kinh xuất hiện tại Trung Quốc về những thế kỷ sau nầy, không phải do Đức Phật nói ra, nhưng chư Tổ vẫn gọi là Kinh. Ví dụ như Kinh: Lương Hoàng Sám, Kinh Thủy Sám, Kinh Vu Lan Bồn v.v… Sở dĩ các nhà nghiên cứu Đại Thừa vẫn đồng ý như vậy; nhưng nội dung của những kinh điển nầy không đi ngược lại những gì mà Đức Phật đã dạy cho hàng Đệ Tử tại gia cũng như xuất gia; nên họ đã chấp nhận một cách tự nhiên không cần biện hộ hay lý giải gì nữa. Bởi vì những loại kinh điển như vậy không đi ngược lại luân lý, đạo đức xã hội của con người; nên phái Đại Chúng bộ có thể chấp nhận được.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, có tất cả 4 kỳ kết tập kinh điển quan trọng, kể từ sau 100 ngày, cho đến sau 500 năm. Tiếp theo những kỳ kết tập thứ 5 và thứ 6 là những lần kết tập ở vào những thế kỷ gần đây sẽ được đề cập sau.

Chúng ta biết rằng thời cổ đại xa xưa ấy vấn đề chữ viết không được thịnh hành như ngày nay, cũng như nền văn minh của khoa học chưa tiến bộ; cho nên tất cả đều phải qua việc truyền miệng. Lời Phật dạy cũng được các vị Thánh Đệ Tử của Đức Phật tập hợp lại trong thanh tịnh để làm nhiệm vụ trùng tuyên nầy. Chúng ta cũng không nghi ngờ gì về khả năng ghi nhớ lời dạy của Đức Phật từ các Ngài. Vì lẽ đa phần những vị tham dự 4 kỳ kết tập đầu, đều là những vị chứng quả A La Hán, có trí tuệ siêu việt, thần thông diệu vợi; không như chúng ta ngày nay, mặc dầu có khoa học trợ giúp mọi phương tiện, nhưng sự hiểu biết của chúng ta cũng chỉ nằm trong giới hạn của việc nhận thức, không là trí tuệ.

“Chữ Kết Tập hay Kiết Tập tiếng Phạn và Pali gọi là: Samgiti. Cũng gọi là Tập Pháp, Tập Pháp Tạng, Kết Kinh, Kết Điển Kết Tập, Hợp Tụng. Tức là các vị Tỳ Kheo cùng tụ họp ở một nơi để đọc tụng, chỉnh lý và biên tập những lời dạy của Đức Phật sau khi Ngài nhập diệt, nhằm xác định giáo quyền và phòng ngừa giáo pháp lâu ngày bị tán thất; nên gọi là Kết Tập.

Nội dung các cuộc kết tập như sau:

I.-Kết tập lần thứ nhất.

Cũng gọi là ngũ bá kết tập (500 vị kết tập). Ngũ bách tập pháp, Ngũ bách xuất.

Vào năm Đức Phật nhập diệt (624 trước Tây lịch) dưới sự bảo trợ của vua A Xà Thế, 500 vị A La Hán tập hợp trong hang Thất Diệp ở vùng ngoại ô thành Vương Xá nước Ma Kiệt Đà, tôn Ngài Ma Ha Ca Diếp làm Thượng Thủ, cử hành kết tập kinh điển lần thứ nhất.

Cứ theo luật ngũ phần quyển 30 và Luật Ma Ha Tăng Kỳ quyển 32, thì trong lần kết tập nầy Ngài A Nan tụng kinh (Tu Đa La hay Pháp Tạng), Ngài Ưu Ba Ly tụng luật (Tì Ni Tạng), sau đó, các bậc Trưởng Lão xem xét chỉnh lý rồi biên tập thành các kinh, luật. Thuyết nầy được các nhà sử học cho là tương đối đáng tin. Ngoài ra còn có các thuyết như sau:

1.- Kết tập 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Theo luật Tứ Phần quyển thứ 54, luật Thập Tụng quyển 60 và luận Đại Trí Độ quyển 2, thì Ngài A Nan tụng Kinh, Luận (A Tỳ Đàm tạng), Ngài Ưu Ba Ly tụng Luật. Còn Phó Pháp Tạng nhân duyên truyện quyển 1 thì cho rằng: Ngài A Nan tụng Kinh, Ngài Ưu Bà Ly tụng Luật, Ngài Ca Diếp tụng Luận. Nhưng theo các bộ Ca Diếp Đế Kinh, Soạn Tập Tam Tạng và Tập Tạng Truyện v.v… thì nói 3 Tạng đều do Ngài A Nan tụng ra.

2.- Kết tập 5 Tạng: Kinh, Luật, Luận, Tạp Tập và Cấm Chú.

Cứ theo Đại Đường Tây Vức Ký quyển 9 và bộ Chấp Di Luận Sớ thì khi Ngài Ca Diếp triệu tập 500 vị A La Hán cử hành kết tập lần thứ nhất, còn có vài trăm ngàn người suy tôn Ngài Bà Sư Ba làm Thượng Thủ, cử hành kết tập thành 5 Tạng, gọi là Quật ngoại kết tập (kết tập bên ngoài hang động), Đại chúng bộ kết tập để phân biệt với Quật nội kết tập (kết tập bên trong động). Thượng Tọa bộ kết tập của Ngài Ca Diếp. Nhưng đối với thuyết nầy, ý kiến giữa các học giả không giống nhau. Có người cho rằng thuyết nầy có lẽ đã do chúng Tăng Thượng Tọa bộ hư cấu ra sau khi các bộ phái phân hóa; cho nên không thừa nhận.

3.- Kết tập Kinh Đại Thừa.

Theo phẩm xuất kinh trong Kinh Bồ Tát xứ thai quyển 7, thì Tôn Giả Ca Diếp sai Ngài A Nan tụng các tạng Bồ Tát, Thanh Văn, Giới Luật v.v… gồm tất cả 8 tạng là: Thai hóa tạng, Trung ấm tạng, Ma Ha diễn phương đẳng tạng, Giới luật tạng, Thập trụ Bồ Tát tạng, Tạp tạng, Kim cương tạng và Phật tạng.

Ngoài ra, theo luận Đại Trí Độ quyển 100 và luận Kim cương tiên quyển 1, thì đồng thời với Ngài Ca Diếp kết tập 3 tạng Tiểu Thừa ở núi Kỳ Xà Quật, các Ngài Văn Thù, Di Lặc và A Nan cũng cùng nhau kết tập kinh điển Đại Thừa ở núi Thiết Vi, gọi là Thiết Vi Sơn Đại Thừa Kết Tập; nhưng đây có lẽ là truyền thuyết sau khi Phật Giáo Đại Thừa hưng khởi.

II.- Kết tập lần thứ hai.

Cũng gọi là thất bách kết tập (700 vị kết tập), Thất bách tập pháp, Đệ nhị tập pháp tạng, Đệ nhị tập. Lần kết tập nầy lấy luật tạng làm chính, xác định 10 việc mà các Tỳ Kheo thuộc chủng tộc Bạt Kỳ thực hành là trái phép. (Sau Phật nhập diệt độ 100 năm).

III.- Kết tập lần thứ ba.

Sau khi Đức Phật nhập diệt độ 236 năm, dưới sự hộ trì của Vua A Dục, 1.000 vị Tỳ Kheo nhóm họp ở thành Hoa Thị nước Ma Kiệt Đà, tôn Ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu làm Thượng Thủ, cử hành kết tập lần thứ ba. Lần kết tập nầy lấy 3 tạng kinh, luật, luận làm chính. Ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu tự soạn bộ “Luận Sư” để phê bình và bác bỏ những dị nghị tà thuyết của ngoại đạo đương thời. Sau khi kết tập, một số vị Tỳ Kheo đã được Đại Hội lựa chọn và phái đến những địa khu ngoài lưu vực sông Hằng và ngoài biên thùy Ấn Độ để truyền bá Phật Pháp.

Cuộc kết tập lần thứ nhất và thứ hai đều được lưu truyền ở các Phương Bắc và Phương Nam; nhưng cuộc kết tập lần thứ ba nầy chỉ được lưu truyền ở Phương Nam mà thôi.

IV.- Kết tập lần thứ tư.

Có hai thuyết: Bắc truyền và Nam truyền.

1.- Phật Giáo Bắc truyền: Có 2 thuyết:

a) Cứ theo Bà Tẩu Bàn Đậu pháp sư truyện chép, thì sau khi Đức Phật nhập diệt 500 năm, Ngài Ca Chiên Diên thuộc Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ đến nước Kế Tân ở Tây Bắc Ấn Độ triệu tập 500 vị A La Hán và 500 vị Bồ Tát tiến hành kết tập, Bồ Tát Mã Minh ghi chép và soạn thành Thuyết Nhất Thiết hữu bộ A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa (tức luận Đại Tỳ Bà Sa) gồm 100 vạn bài tụng.

b) Theo Đại Đường Tây Vức Ký quyển 3, thì sau khi Đức Phật nhập diệt 400 năm dưới sự hộ trì của Vua Ca Nị Sắc Tra (Kaniska), 500 vị Tỳ Kheo nhóm họp ở nước Ca Thấp Di La (Kasmir = Kế Đàn) suy tôn các Ngài Hiếp Tôn Giả (Parsva) và Thế Hữu (Vasumitra) làm Thượng Thủ, tạo luận giải thích 3 tạng. Trước hết tạp luận Ô Ba Đệ Thước 10 vạn bài tụng, giải thích tạng Tố Đát Lấm (Tạng Kinh); kế đến, tạo luận Tỳ Nại Da Tỳ Bà Sa 10 vạn bài tụng giải thích Tỳ Nại Da (Tạng Luật), sau cùng tạo luận A Tỳ Đạt Ma Tỳ Bà Sa 10 vạn bài tụng, giải thích A Tỳ Đạt Ma (Tạng Luận). Tất cả gồm 30 vạn bài tụng, 960 vạn lời, Vua Ca Nị Sắc Ca cho đàn mỏng đồng đỏ thành từng lá để khắc các bộ luận nói trên, rồi cất trong hòm đá và xây tháp để thờ.

Trong hai thuyết trên đây, thuyết của Đại Đường Tây Vức Ký đáng tin hơn; tuy nhiên Phật Giáo Nam Truyền thì hoài nghi.

2.- Phật Giáo Thượng Tọa Bộ Nam Truyền.

Theo Đại Sử, v.v… thì cuộc kết tập lần thứ 4 được cử hành trong động A Lô Ca ở thôn Mạc Đặc Liệt tại nước Tích Lan vào thời vua Bà Tha Già Mã Ni (Vattagamani) do Đại Thượng Tọa La Hi Đa chủ trì có 500 vị Tỳ Kheo tham dự. Trong hội đã tụng 3 tạng của Phật Giáo Thượng Tọa Bộ, sửa chữa các sách chú thích về 3 tạng, sắp đặt lại thứ tự các kinh điển, viết thành bộ Tam Tạng đầu tiên bằng tiếng Pali và các bản chú thích bằng tiếng Tăng Già La (Singhalese = tiếng Tích Lan).

V.- Kết tập lần thứ năm.

Theo chương thứ 6 trong giáo sử tiếng Pali và lịch sử Miến Đìện… thì vào năm 1871, vua nước Miến Điện là Mẫn Đông (Mindon, ở ngôi 1853-1878) đã triệu tập 2.400 vị Cao Tăng, cử hành kết tập 3 tạng lần thứ 5 ở thủ đô Mạn Đức Lặc (Mandalay). Lần kết tập nầy lấy tạng Luật làm chủ yếu, hiệu đính đối chiếu chỗ đồng dị, trong nguyên văn Thánh Điển, cùng nhau hợp tụng suốt 5 tháng mới hoàn thành. Rồi đem toàn bộ văn tự của ba tạng đã kết tập khắc trên 729 phiến đá hoa đại lý hình vuông, dựng trong chùa tháp Câu Thu Đà (Kuthodaw) ở chân núi Mạn Đức Lặc; phía ngoài có 45 ngôi tháp Phật vây quanh, hiện nay vẫn còn ở cố đô Mạn Đức Lặc.

VI.- Kết tập lần thứ sáu.

Vào ngày 17 tháng 5 năm 1954, tức ngày Phật Đản (Vesak Day, ngày Phật Giáo Thế Giới) dưới sự giúp đỡ của nhà nước, Phật Giáo Miến Điện cử hành kết tập lần thứ sáu. Ý nghĩa của kỳ kết tập lần nầy là đoàn kết Phật Giáo đồ, đẩy mạnh sự phát triển Phật Giáo Thượng Tọa bộ, đề cao địa vị của nước Miến Điện độc lập. Địa điểm kết tập là trên sườn núi Nghệ Cố thuộc vùng ngoại ô phía Bắc thủ đô Ngưỡng Quang (Rangoon) của Miến Điện, được kiến trúc phỏng theo hang Thất Diệp nơi cử hành kết tập lần thứ nhất tại Ấn Độ. Lần kết tập nầy lấy văn bản được khắc trên 729 phiến đá hoa đại lý của lần kết tập thứ năm làm chỗ y cứ; đồng thời xử dụng tất cả các loại bản in tiếng Pali của “Hiệp Hội Thánh Điển Pali” ở Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Luân Đôn và Miến Điện để khảo đích một cách rõ ràng tỉ mỉ. Sau khi kết tập hoàn thành, toàn bộ văn bản được ấn hành để lưu thông. Lần kết tập nầy, ngoài các vị Tỳ Kheo thuộc các nước Phật Giáo Nam Truyền, các vị Tỳ Kheo của các nước Phật Giáo Bắc Truyền cũng được mời tham dự, ròng rã hơn 2 năm, đến ngày lễ Vesak năm 1956 (Phật lịch 2.500) mới hoàn thành.

(Xem. Kinh Phật Ban Mê Hoàn quyển hạ; kinh Phúc Cái chánh hạnh sở tập quyển 3; Cao tăng Pháp Hiển truyện; Đại Thừa Pháp Uyển nghĩa lâm chương quyển 2 phần đầu; Tứ phần luật hành sự sao tư trì ký quyển trung phần 1 đoạn 2; Nguyên Thủy Phật Giáo Thánh Điển chi tập thành (Ấn Thuận). A Tỳ Đạt Ma luận nghiên cứu). (Xem tiếp Thập Sự Phi Pháp). (Trích Phật Quang Đại Từ Điển do Hòa Thượng Thích Quảng Độ dịch từ trang 2409 đến 2411).

Như vậy 4 kỳ kết tập đầu, sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt trong thời gian từ 400 đến 500 năm là quan trọng nhất. Vì lẽ lúc ấy chưa có chữ viết rõ ràng. Mãi cho đến kỳ kết tập lần thứ 4 thì văn hệ Pali đã rõ nét cũng như Phạn văn. Kỳ kết tập thứ tư có hai thuyết chúng ta cũng có thể chấp nhận được. Đó là Phật Giáo Bắc Truyền cho rằng kỳ kết tập nầy được tổ chức tại xứ Kasmir, thuộc miền Bắc Ấn Độ ngày nay. Còn Phật Giáo Nam Truyền thì cho rằng kỳ kết tập lần thứ tư nầy xảy ra vào năm 85 trước Tây Lịch, văn tự tiếng Pali đã hình thành và nơi kết tập là xứ Tích Lan.

Cả hai truyền phái đều có lý cả. Vì lẽ tinh thần Đại Thừa được chuyển hướng qua phương Bắc Ấn Độ và từ đó mới tiếp tục được truyền sang Trung Hoa, Mông Cổ, Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản. Thuở ấy vào thế kỷ thứ 1 và thứ 2 Tây Lịch đã có các Đại Luận Sư nổi tiếng của Đại Thừa như Ngài Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Long Thọ v.v… và tinh thần Duy Thức cũng như Trung Quán Luận, Bát Nhã, Tánh Không đã được phát triển một cách mạnh mẽ. Do vậy kỳ kết tập lần thứ 4 nầy cũng có thể nằm ở ngoài xứ Ấn Độ; chứ không nhất thiết là nằm trong xứ Ấn Độ.

Sau khi Vua A Dục quy ngưỡng Phật Pháp, Ngài đã cho 2 người con là Công Chúa Sanghamitta và Hoàng Tử Mahinda xuất gia và chính hai vị nầy đã mang cây Bồ Đề cũng như giáo lý Nam Truyền đến đảo quốc Tích Lan vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch và Đảo Sử cũng như Đại Sử vẫn còn ghi rõ sự truyền bá nầy. Sau kỳ kết tập kinh điển lần thứ 3, chư Tăng theo sự yêu cầu của Vua A Dục, đã được gởi ra ngoài nước Ấn Độ 1000 vị đi về Trung Đông và Bắc Ấn cũng như các xứ Nam Phương khác để truyền đạo. Cho nên kỳ kết tập lần thứ tư theo sử bộ Nam Truyền cho rằng được hình thành tại Tích Lan, cũng là đìều có thể xảy ra. Vì Phật Giáo đã truyền vào Tích Lan lúc ấy đã hơn 100 năm rồi. Hoặc giả có 2 lần thứ tư được kết tập. Những vị nào thuộc Đại Chúng bộ thì đi về hướng Kasmir và những vị nào thuộc Thượng Tọa bộ thì đi về hướng Tích Lan. Đây là một giả thuyết mà tác giả sách nầy trộm nghĩ như vậy, đúng sai xin các bậc cao minh chỉ giáo.


A.- Ngài Long Thọ và Tư Tưởng Tịnh Độ

Các nhà sử học Phật Giáo Âu Mỹ, sau khi nghiên cứu kỹ càng về sự phát triển Phật Giáo thời Vua A Dục (trước Tây Lịch vào thế kỷ thứ 3) thì cho rằng: Thuở ấy Phật Giáo đã truyền đến cả Trung Âu như Iran (Ba Tư); xứ ngàn lẻ một đêm; xứ Irak và ngay cả các xứ Bắc Phi như Ai Cập, Alexandria v.v… Gần đây có nhà học giả Đức Holger Kersten, thuộc Đại Học Freiburg có viết quyển bằng tiếng Đức nhan đề là “Jesus lebte 6 Jahre in Indien” (Jesus đã sống 6 năm tại Ấn Độ). Đây là một quyển sách có hình ảnh rõ ràng và được nhiều học giả cũng như khảo cổ học người Đức tin tưởng qua chứng cứ hình ảnh và sử liệu mà ông ta đã nêu ra.

Cuộc đời của Chúa có 12 năm không ghi rõ ràng trong Thánh Kinh. Theo ông Holger Kersten Đức Chúa thuở đó từ Israel đi sang xứ Alexandria để tỵ nạn và thuở ấy đoàn truyền giáo của Vua A Dục đã phát triển Phật Giáo tại đây; nên chư Tăng đã mang Đức Chúa về Ấn Độ và Đức Chúa Jesus đã học đạo tại Vanarasi 6 năm. Đây có thể cũng là một giả thuyết, mà cũng có thể là một sự thật mà người Thiên Chúa chưa sẵn sàng chấp nhận. Ông ta còn phân tích những câu chuyện như: Bà già và 2 quan tiền trong Thánh Kinh được sao chép lại từ Kinh Pháp Cú v.v… Chiếc áo mà Đức Chúa đang mặc cũng có liên hệ với Phật Giáo. Quả thật là một phát hiện mới lạ. Hãy cứ chờ xem từ nhiều phản ứng và nghiên cứu để chúng ta có được những sử liệu cần thiết về sau nầy.

Ba Tư là xứ theo Bái Hỏa Giáo (Đạo thờ Thần Lửa); cho nên khi Đạo Phật được truyền vào đây vào thế kỷ thứ 3, thứ 2 trước Tây Lịch cũng phải chấp nhận Tôn Giáo vốn đã có sẵn tại bản địa nầy. Đây là tinh thần tôn trọng các tư tưởng khác; ngoài giáo điều của Tôn Giáo mình.

Theo Pháp Sư Ấn Thuận (người Trung Hoa) thì Phật Giáo Tịnh Độ bị ảnh hưởng bởi Đạo Bái Hỏa Giáo nầy. Mới đây (2011) khi chúng tôi dịch tác phẩm bằng tiếng Đức nhan đề là: Quellentexte des Japanischen Amida Buddhismus” (Những bản văn căn bản của Phật Giáo Di Đà (Tịnh Độ) Nhật Bản) của học giả Christian Steineck cũng quan niệm giống như Ngài Ấn Thuận vậy. Nghĩa là ông ta cho rằng: “Quan niệm về một cõi Phương Tây và một vị giáo chủ có thần lực như vậy là có sự ảnh hưởng của Bái Hỏa Giáo của Ba Tư”.

Đây có thể là những quan niệm về cũ, mới, Đông, Tây đã được hình thành qua các hệ tư tưởng khác nhau, cũng như qua tam tạng Thánh Điển. Vì thế cho nên chúng ta thấy vòng hào quang của Đức Phật A Di Đà giống như là những vòng lửa bao bọc chung quanh Ngài.

Từ Ba Tư di chuyển trở lại Ấn Độ và mấy trăm năm sau, Ngài Long Thọ mới ra đời để chủ trương về Trung Quán Luận; nhưng theo Phật Giáo Tịnh Độ Tông Nhật Bản căn cứ vào “Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận” của Ngài Long Thọ; nên cho rằng Ngài là vị Sơ Tổ Tịnh Độ Tông của Nhật Bản và cả Trung Hoa nữa.

Long Thọ hay Long Thụ tiếng Phạn gọi là Nagarjuna. Hán âm: Na Già Ứ Lạt Thụi Na, Na Già A Chu Đà Na. Cũng gọi là Long Mãnh hay Long Thắng.

Tổ khai sáng của học phái Trung Quán thuộc Phật Giáo Đại Thừa ở Ấn Độ, sanh vào khoảng thế kỷ thứ 2, thứ 3, thuộc dòng dõi Bà La Môn, Nam Ấn Độ.

Từ nhỏ Ngài đã thông minh đĩnh ngộ, học 4 Phệ Đà, thiên văn, địa lý, sấm vĩ, bí tạng và các đạo thuật đều thông suốt. Ngài từng cùng với 3 người bạn thân học phép tàng hình, lén vào cung vua chơi bời. Việc bại lộ, 3 người bạn bị vua chém đầu, riêng Ngài thoát khỏi. Do việc nầy, Ngài cảm ngộ, ái dục là gốc của sự đau khổ, liền vào núi đến trước tháp Phật xuất gia thọ giới.

Sau khi xuất gia, Ngài nghiên cứu tam tạng; nhưng thấy chưa đủ, lại đến núi Hy Mã Lạp Sơn, gặp một lão Tỳ Kheo trao cho Kinh Điển Đại Thừa, mặc dầu biết thực nghĩa nhưng chưa thông suốt. Lại vì Ngài từng phá giáo nghĩa của luận sư ngoại đạo; nên sinh tâm tà mạng, tự đặt ra giáo mới, mặc áo mới, ở riêng trong căn phòng thủy tinh tĩnh mịch. Bấy giờ có Bồ Tát Đại Long, thấy vậy thương xót, bèn dẫn Ngài vào long cung trao cho vô lượng kinh điển Đại Thừa, Ngài thấu hiểu hết giáo lý.

Bấy giờ, vua Nam Thiên Trúc tin theo Bà La Môn giáo, công kích Phật Giáo, Ngài đến đó giáo hóa, khiến vua bỏ tín ngưỡng Bà La Môn giáo mà quy y Phật Giáo. Từ đó về sau, Ngài tận lực hoằng pháp, soạn các sách để chú thích kinh điển Đại Thừa, thiết lập hệ thống giáo điển Đại Thừa, khiến cho học thuyết “Bát Nhã tánh không” được truyền bá rộng khắp trên toàn cõi Ấn Độ. Về già, Ngài trụ ở núi Hắc Phong thuộc miền Nam Ấn Độ, Ngài có người đệ tử tên Đề Bà.

Sự tích về Ngài Long Thọ theo Tây Tạng truyền có nhiều chỗ khác nhau với những điều được trình bày ở trên. Chẳng hạn như trong quyển “Thất Cao Tăng” (7 vị Cao Tăng) tiếng Tây Tạng, tác giả Đa La Na Tha nói rằng: Ngài Long Thọ từng tu tập các loại Thành Tựu (Tất Địa) như: Vô Lượng Thọ Đà La Ni, Thành Tựu Đại Không Tước Nữ, Cửu Dạ Xoa v.v… khiến cho con gái của Long Vương Đức Xoa Ca và quyến thuộc xây dựng chùa, tháp… Về sau, Ngài và các Nữ Dạ Xoa ở núi Cát Tường cùng tu Đát Đặc La v.v… Còn có thuyết cho rằng Ngài từng dùng 7 hạt cải trắng mở tháp sắt ở Nam Ấn Độ, lấy được Kinh Kim Cương Đính. Đại khái những truyện trên đây đều là truyền thuyết của đời sau mang nặng sắc thái Mật Giáo.

Về niên đại xuất thế của Ngài cũng có các thuyết khác nhau:

1.- Theo bài tựa của Luận Đại Trí Độ của Ngài Tăng Duệ và các bài tựa Đại Trí Luận sao của Ngài Lô Sơn Tuệ Viễn (chép trong Xuất Tam Tạng ký tập quyển 10) thì Ngài ra đời khoảng 900 năm sau khi Đức Phật nhập diệt (khoảng năm 276 sau Tây lịch).

2.- Theo Bách Luận Sớ quyển thượng, Ngài sinh vào khoảng 530 năm sau khi Đức Phật nhập diệt (năm 94 trước Tây lịch).

3.- Theo Tam Luận Du ý nghĩa, Nhị Giáo luận của Ngài Đạo An, Long Thọ Bồ Tát truyện v.v… thì Ngài ra đời vào khoảng 880 năm (256 sau Tây lịch) sau khi Đức Phật nhập diệt, tức là vào giữa thế kỷ thứ 3 Tây lịch. Các học giả hiện đại như Pháp Sư Ấn Thuận, v.v… phần nhiều theo giả thuyết thứ 3.

Còn về việc nhập diệt của Ngài, theo Long Thọ Bồ Tát truyện, có một Pháp Sư Tiểu Thừa, vì ganh ghét, không muốn thấy Ngài sống lâu, Ngài biết được điều ấy liền vào tịnh thất thoát xác mà đi.

Theo điều Kiều Tát La Quốc trong Đại Đường Tây Vức Ký quyển 10, thì vua nước nầy là Sa Đa Bà Ha quy y với Ngài, Ngài đem diệu dược tặng cho, 2 người cùng sống lâu không suy yếu. Con vua muốn lên ngôi sớm; nên thỉnh Ngài tự tận, Ngài dùng lá cỏ tranh khô tự cắt cổ chết, vua quá buồn rầu thương tiếc, nên không bao lâu cũng chết theo.

Về tuổi thọ của Ngài, theo Thập Nhị Môn Luận Tông Trí Nghĩa Ký quyển thượng và Pháp Uyển Châu Lâm quyển 53, thì Ngài thọ đến 100 tuổi, thuyết nầy khó tin. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào điều Triêu Trước Xỉ Mộc trong Nam Hải Ký quy nội pháp truyện quyển 1 và các sách khác nói về việc Ngài chuyên về thuật trường sinh mà suy đoán, thì tuổi thọ của Ngài cũng có thể ở mức 100 tuổi trở lên.

Về tên tiếng Phạn và tên dịch của Ngài, theo Long Thọ Bồ Tát truyện, Đại Đường Tây Vức Ký quyển 8, Thập Nhị Môn Luận Tông Trí Nghĩa Ký quyển thượng, kinh Bồ Đề Hạnh, Trung Luận thích của Ngài Nguyệt Xứng, Bát Nhã thích của Ngài Sư Tử Hiền, v.v… đều ghi tên Phạn của Ngài là Nagarjuna. Nhưng kinh Nhập Lăng Già bằng tiếng Phạn thì ghi tên Phạn của Ngài là Nagahvaya, phải dịch là Long Khiếu, Long Mãnh, Long Danh. Nhưng trong chương 17 trong Ấn Độ Phật Giáo sử của Đa La Na Tha thì cho rằng Long Thọ và Long Khiếu là hai người khác. Long Khiếu và Đề Bà (Đệ tử của Ngài Long Thọ) là người đồng thời đại, trụ ở chùa Na Lan Đà.

Trong tác phẩm “Không Chí Thám Cứu” chương 4, phần 1, Pháp Sư Ấn Thuận căn cứ vào thuyết trên, cho rằng Long Khiếu (hoặc Long Mãnh) không phải là Long Thọ; niên đại muộn hơn so với niên đại Ngài Long Thọ, có thể vào thời đại vua Chiên Đà La Cấp Đa (từ 320 sau Tây Lịch).

Ngoài ra, Ngài còn là Tổ Phó Pháp Tạng thứ 13 của Thiền Tông Ấn Độ, đồng thời, tại Trung Quốc và Nhật Bản xưa nay Ngài cũng được suy tôn làm Tổ của 8 Tông (Chú thích: trong đó có Tịnh Độ Tông, theo chủ trương Tông Tịnh Độ của Nhật).

Ngài có các tác phẩm: Trung Luận tụng, Thập Nhị Môn luận, Không Thất Thập luận, Lục Thập tụng như lý luận, Đại Thừa phó hữu luận, Đại Trí Độ luận, Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận, Đại Thừa Nhị Thập tụng luận; Bồ Đề Tư Lương luận (Chú thích: Tác phẩm nầy tác giả đã dịch ra Việt Ngữ), Bảo Hành Vương chánh luận, Nhân Duyên Tâm luận tụng, Bồ Đề Tâm Ly Tướng luận (đã dịch ra Việt ngữ), Phước Cái Chánh Hạnh Sở Tập kinh (đã dịch ra Việt ngữ), Tán Pháp giới tụng, Quảng Đại Phát Nguyện tụng (Chú thích của tác giả: Đa phần những luận nầy nằm trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh quyển thứ 32, đã được chính tác giả dịch từ Hán văn và Việt ngữ có đăng trên Website của viengiac.de phần dịch thuật).

(Xem kinh Nhập Lăng Già quyển 9; Đại Thừa huyền luận quyển 5; Hoa Nghiêm kinh truyện ký quyển 5; Phó Pháp Tạng nhân duyên truyện quyển 5; Truyền Pháp Chánh Tông ký quyển 3; Phật Tổ thống ký quyển 5; Pháp Uyển châu lâm quyển 38; The life of Nagajuna from Tibetan and Chinese Sources (M. Walleser).

(Trích từ Phật Quang Đại Tự Điển trang 2837 đến trang 2839).

Xem qua tiểu sử của Ngài Long Thọ, mặc dầu niên đại vãng sanh của Ngài có đôi điều sai khác về năm sanh; nhưng Ngài là một vị Tổ Sư của Đại Thừa gồm 8 Tông Phái khác nhau. Từ Mật Tông cho đến Thiền Tông, Trung Quán, Hoa Nghiêm và cho đến Tịnh Độ nữa. Quả Ngài là bậc xuất trần thượng sĩ, ra đời nhằm cứu độ chúng sanh và giúp cho chúng sanh tỏ ngộ; đồng thời Ngài cũng đã tuyên dương giáo nghĩa Đại Thừa để bát bỏ những giáo nghĩa khác của Bà La Môn giáo và những tà thuật khác.

Như vậy kể từ thời kỳ sau Đức Phật nhập diệt gần 800 năm ấy (624 trước Tây lịch + 256 hoặc 276 năm sau Tây lịch thành 800 năm) không có một vị Tổ Sư nào chấn hưng pháp môn Tịnh Độ; trong khi đó Thiền Tông thì được truyền liên tục từ Sơ Tổ Ca Diếp đến Ngài Long Thọ là 13 đời. Trong 800 năm ấy biết bao nhiêu là phế hưng của lịch sử và bộ phái chia cắt trong nội bộ của Tăng Đoàn, từ Ấn Độ đến Kasmir và Ba Tư. Có lẽ trong thời gian nầy phải nói là thời gian tranh chấp của Bộ Phái. Cho đến sau thời của Ngài Long Thọ vào thế kỷ thứ 3 thì tính cách bộ phái mới được rõ rệt và Tịnh Độ Tông của Nhật Bản, bắt đầu từ thế kỷ thứ 13 cũng đã căn cứ vào Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận của Ngài Long Thọ trước tác mà tôn vinh Ngài là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Nhật Bản. Ở đây cũng xin mở dấu ngoặc để cho các Phật Tử Việt Nam chúng ta được tường rằng: Nếu Nhật Bản chấp nhận như vậy được thì Việt Nam chúng ta cũng có thể chấp nhận Ngài là Sơ Tổ Tịnh Độ Tông của Việt Nam một cách dễ dàng. Từ đó chúng ta sẽ nối kết việc truyền thừa về sau nầy ở quê hương Đại Việt cũng không khó mấy.

“Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận tiếng Phạn gọi là Dasabhamika–Vibhàsa–sastra. Gọi tắt là: Thập Trụ Luận. Luận nầy có 17 quyển, do Bồ Tát Long Thọ soạn, Ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Hậu Tần, được thu vào Đại Chánh tạng tập 26.

Nội dung luận nầy giải thích đại ý phẩm Thập Địa (Kinh Thập Địa) trong Kinh Hoa Nghiêm. Trong bản Hán dịch, Ngài La Thập gọi Thập Địa là Thập Trụ. Thập Địa là chỉ cho 19 giai đoạn tu đạo của hàng Bồ Tát Đại Thừa. Nhưng Ngài Long Thọ chưa chú thích hoàn chỉnh kinh Thập Địa, mà chỉ mới chú thích Sơ Địa (Hoan Hỷ Địa) và một nửa địa thứ 2 (Ly cấu địa), đây vì nguyên điển không đủ, hay vì phiên dịch chưa hoàn thành?

“Phẩm tựa của luận nầy trước nói về Bồ Tát, sau đó trình bày ý nghĩa của Thập Địa và phân biệt Tam Thừa. Toàn văn chia làm 35 chương (phẩm); từ chương 1 đến chương 27 lược hành là chú thích Sơ Địa; từ chương 28 trở đi mới nói về Địa thứ 2. Phần Sơ Địa thì trước thuyết minh về nội dung Hoan Hỷ Địa, kế đó nói về lý tưởng (nguyện), thực tiễn (hành) và quả báo (quả) của Bồ Tát. Đến Địa thứ hai thì tận lực trình bày về tính chất quan trọng của 10 tâm phương tiện, đồng thời nói rõ về Thập Thiện nghiệp đạo của Bồ Tát Đại Thừa, Phẩm dị hành trong thiên thứ 9 thuộc 35 chương của luận nầy là phần trọng yếu của pháp môn Tịnh Độ”. (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 5573).

Đây là một đại tác phẩm của Ngài Long Thọ mà tiếc rằng ngày nay chúng ta chỉ mới tham cứu được có 2 Địa trong 10 Địa trong kinh Hoa Nghiêm. Tuy nhiên đến nửa Địa thứ 2, Ngài Long Thọ đã giúp cho hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ về việc dị hành (dễ thực hiện) và nan hành (khó thực hiện); để từ đó hành giả tu theo Pháp Môn Tịnh Độ có cơ sở mà thực hành.

“Dị hành nghĩa là dễ làm; đối lại với nan hành (khó làm). Nghĩa là trong 2 pháp tu Nan hành và Dị hành để đạt đến giai vị không trở lui, thì Dị hành là pháp tu mau được mà dễ thực hiện.

Ngài Long Thọ cho rằng pháp tu xưng niệm danh hiệu Phật là không trở lui, mau thành mà dễ làm; nhưng tu pháp nầy, điều kiện tiên quyết là phải có lòng tin vững mạnh.

Vãng Sanh luận chú quyển thượng của Đàm Loan (Đại 40, 826 trung) nói: Dị hành đạo, nghĩa là chỉ có nhân duyên tin Phật, phát nguyện vãng sanh, nương nhờ nguyện lực của Phật, được sanh về cõi thanh tịnh”.

Tông Tịnh Độ nhật Bản cho rằng xưng niệm danh hiệu Phật với đầy đủ 3 tâm (trực tâm, thâm tâm và hồi hướng phát nguyện tâm) là Dị hành; Chân Ngôn Tông thì không những cho niệm danh hiệu Phật là Dị hành mà còn cho niệm danh hiệu với niềm tin sâu xa vào tha lực hồi hướng của Phật A Di Đà cũng là Dị hành”. (Xem Luận Thập Trụ Tỳ Bà Sa quyển 5 phẩm Dị hành). (Trích Phật Quang Đại Từ Điển trang 1247).

Như vậy, chúng ta thấy rằng: Pháp môn xưng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật đã có sẵn trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà và nhờ chính bổn nguyện lực của Ngài mà chúng sanh có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc một cách đương nhiên và dễ hơn các pháp môn khác. Nơi đây trong Thập Trụ Tỳ Bà Sa luận, Ngài Long Thọ muốn nhắc nhở lại cho chúng sanh đời sau y cứ vào kinh Hoa Nghiêm cũng như 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà để được dễ dàng vãng sanh về thế giới Tịnh Độ.

Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Phổ Hiền thứ 81 qua 10 Đại Nguyện của Ngài Phổ Hiền, chúng ta cũng thấy rằng ở Đại Nguyện thứ 10 sau khi Ngài hồi hướng đến tất cả pháp giới chúng sanh thì Ngài cũng đã phát đại nguyện rằng: Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhứt thiết chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A Di Đà; tức đắc vãng sanh an lạc sát (Nghĩa: Nguyện con khi đến lúc lâm chung, dứt sạch tất cả những chướng ngại, đối mặt Đức Phật A Di Đà; liền được vãng sanh cõi Cực Lạc).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567