Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Đoạn 3

05/07/201209:19(Xem: 7272)
Đoạn 3

TRUYỀN TÂM PHÁP YẾU GIẢNG GIẢI

HT Thích Thanh Từ

ĐOẠN 3

CHÁNH VĂN:

Có thức thực, có trí thực. Thân tứ đại là bệnh ghẻ đói, tùy thuận nuôi dưỡng không sanh tham đắm, gọi là trí thực. Buông lung ý, chấp mùi vị vọng sanh phân biệt, chỉ cầu món ngon không sanh nhàm chán, gọi là thức thực.

GIẢNG:

Thức thực là chạy theo vọng tình, thích món ngon vật lạ, thỏa mãn mong cầu của thân. Trí thực là nhận chân lẽ thật của cuộc sống, chẳng hạn như chúng ta ăn uống chẳng qua là mượn phương tiện, rồi phải trả. Nhờ mượn mới sống nên biết rõ ăn là vay mượn không thật. Đây gọi là trí thực.

Thân tứ đại là bệnh ghẻ đói, tùy thuận nuôi dưỡng không sanh tham đắm, gọi là trí thực. Chúng ta biết thân tứ đại luôn luôn đòi hỏi, thiếu nước nó đòi nước, thiếu cơm nó đòi cơm, thiếu cái gì nó đòi cái nấy. Nhiều khi nó đòi quá sức chứa của nó nữa. Nên người ta thường nói ăn bằng con mắt, thấy là thèm mà sức chứa không nổi. Người chạy theo đòi hỏi ngon dở của thức ăn, để thỏa mãn thân gọi là thức thực. Nếu biết thân hư giả tạm bợ, tùy thuận nuôi dưỡng nó qua ngày để sống tu hành, làm lợi ích chúng sanh gọi là trí thực.

Buông lung ý, chấp mùi vị vọng sanh phân biệt, chỉ cầu món ngon không sanh nhàm chán, gọi là thức thực.Tại sao cầu món ngon gọi là thức thực? Bởi vì tìm món ngon vật lạ để thưởng thức, thưởng thức là phân biệt chê khen ngon dở. Vì vậy người buông lung ý mình, đòi hỏi những món ngon gọi là thức thực.

CHÁNH VĂN:

Thanh văn là nhân tiếng được ngộ, nên gọi là Thanh văn. Bởi không rõ tự tâm, nên trên lời dạy sanh hiểu biết, hoặc nhân thần thông, hoặc nhân tướng tốt, ngôn ngữ vận động, nghe có Bồ-đề Niết-bàn tu hành trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật đạo, đều thuộc đạo Thanh văn, gọi đó là Thanh văn.

GIẢNG:

Sao gọi là Thanh văn? Chữ thanh hay thinh là tiếng, nhân nghe tiếng Phật dạy mà ngộ đạo, gọi là Thanh văn. Thời Phật còn tại thế, Ngài nói pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều-trần-như nghe, sau khi nghe xong năm vị liền ngộ đạo, chứng quả A-la-hán, gọi là Thanh văn. Không ngộ tự tâm, chỉ nhân lời nói của Phật mà hiểu, nhân hiểu rồi tu hành được thành đạo, gọi là Thanh văn.

CHÁNH VĂN:

Phật duy chỉ thẳng chóng rõ tự tâm xưa nay là Phật, không có một pháp có thể được, không có một hạnh có thể tu, đây là đạo vô thượng, đây là chân như Phật.

GIẢNG:

Tất cả pháp tu thứ bậc từ thấp lên cao, như từ Tu-đà-hoàn đến A-la-hán, hay Bồ-tát từ thập tín, thập trụ cho tới thập địa v.v… đều là pháp tùy thuận tâm của chúng sanh. Chỗ này Phật chỉ thẳng cho chúng ta nhận rõ tự tâm, tự tâm xưa nay là Phật, không có một pháp nào khác có thể được, không có một hạnh nào khác có thể tu, đây gọi là đạo vô thượng, là chân như Phật. Ở đây chúng ta đi thẳng một con đường Phật thừa, mê thì làm chúng sanh, giác thì trở về với Phật. Vậy Phật là chỉ cho tâm thể thanh tịnh sẵn có của mình. Gọi chân như Phật tức là Phật chân thật như như sẵn có nơi mình, đi thẳng con đường đó gọi là đạo vô thượng, không gì hơn.

CHÁNH VĂN:

Người học đạo chỉ sợ một niệm có, tức cùng đạo ngăn cách, niệm niệm không tướng, niệm niệm vô vi, tức là Phật.

GIẢNG:

Chỗ này Tổ nói đơn giản vô cùng: Người học đạo chỉ sợ một niệm có, tức cùng đạo ngăn cách.Một niệm nghĩ về pháp Tứ đế, về Thập nhị nhân duyên có cùng đạo xa cách không? Niệm nghĩ về Tứ đế, về Thập nhị nhân duyên có lỗi lầm gì? Vậy mà ở đây Ngài lại nói dứt khoát có một niệm thì cùng đạo ngăn cách.

Niệm niệm không tướng, niệm niệm vô vi, tức là Phật. Vì chúng ta lâu nay hầu hết lấy niệm để tu. Niệm thiện để tu pháp lành, niệm chánh pháp để tu giải thoát. Niệm chánh pháp như niệm gì? Niệm Tứ đế, Tứ niệm xứ v.v… Tứ niệm xứ có niệm không? Tứ niệm xứ hoặc Mười hai nhân duyên hoặc niệm Phật cũng là niệm. Còn có niệm để tu thì niệm đó có phải cứu kính không? Không, vì Phật như như của mình không động. Nếu động không phải như. Có niệm thì đã động rồi, nên không phải như, vì vậy có động là cách với Phật. Chỗ này khó nếu quí vị không nắm vững dễ bị lầm lắm.

Kinh nghiệm bản thân tôi thấy rất rõ. Như mình ngồi bình tĩnh sáng suốt không dấy một niệm nào, lúc đó mình đang sống với cái gì? Bình tĩnh sáng suốt mà không dấy nghĩ, lúc đó mình sống với tâm chân như. Vừa nhớ Phật, nhớ Bồ-tát, nhớ A-la-hán thì cái như động liền. Hoặc nhớ pháp này, pháp kia tâm vẫn động như thường, động thì mất như.

Vừa có một niệm dấy lên, dù niệm đó quí cũng đã cách với Phật của mình rồi. Nếu niệm dấy lên, chúng ta biết nó ảo giả bỏ đi thì trở về ông Phật của mình. Dấy niệm nhớ về đức Phật ra đời làm sao, lúc đó gần Phật hay xa Phật? Gần đức Phật Thích-ca mà xa ông Phật của mình. Niệm chánh còn không thể được, huống là niệm tà. Vì vậy đến chỗ cuối cùng niệm niệm đều phải vô vi tức không sanh, không diệt. Nếu được niệm niệm vô vi, không một hình ảnh để mình dính mắc, đó là Phật. Nếu có một niệm nào dính mắc thì đã cách xa Phật rồi.

Ngồi yên tĩnh tâm trong sáng nghe thấy rõ ràng, ai cũng cho là quá tầm thường, nhưng không ngờ cái tầm thường ấy chính là phi thường. Chúng ta khéo tu thì biết rõ Phật không xa. Bởi vì Phật là tánh hằng giác hằng tri của mình. Hằng giác hằng tri chính là ông Phật gốc. Sống được với Phật gốc mới có diệu dụng, tam minh, lục thông v.v… Nếu mình quên gốc thì muôn đời không được tam minh, lục thông. Người tu thời nay muốn được tam minh, lục thông hơn là trở về ông Phật gốc của mình, phải vậy không? Nói tam minh, lục thông nghe oai quá, còn hằng tri hằng giác mà không nghĩ suy gì hết, nghe khờ quá.

Chính chỗ này, các Thiền sư khi đạt đạo rồi như ngây, như ngô, các ngài khờ khạo với cái thức phân biệt chia chẻ của thế gian, nhưng đang sống với thể thanh tịnh của mình. Sống với thể thanh tịnh thì có vẻ khờ khạo, sống với thức phân biệt thế gian thì lanh lắm. Cho nên lanh không phải là cái hay đối với đạo, mà cái thật mới gần với đạo. Chúng ta tu phải làm sao tâm yên tĩnh lặng lẽ, không chạy theo những lăng xăng lộn xộn bên ngoài, đó mới là tâm Phật, còn càng chạy thì càng xa.

CHÁNH VĂN:

Người học đạo nếu muốn thành Phật thì tất cả Phật pháp thảy đều không dụng học, chỉ học không cầu, không đắm trước.

GIẢNG:

Người học đạo muốn thành Phật, thì tất cả Phật pháp thảy đều không dụng học, không học Tam Tạng giáo lý mà chỉ học không cầu không đắm trước.Năm chữ “không cầu không đắm trước”, hết sức giản đơn. Còn học Tam Tạng cả đời chưa rồi. Nếu không cầu không đắm trước thì tâm chúng ta yên tịnh, không dính mắc gì hết. Đó là như, là trở về chân thật. Nhớ không cầu không đắm trước đủ rồi. Còn học Tam Tạng giáo điển Kinh, Luật, Luận v.v… nói thao thao bất tuyệt mà cầu danh cầu lợi thì cái học đó thật chưa, được thành Phật không?

Ở đây nói thẳng trọng tâm của sự tu. Tất cả kinh điển dạy đều hướng về chỗ chỉ cho chúng ta thấy rõ, không tham cầu không đắm trước tất cả pháp thế gian, tất cả hình tướng thế gian, đó là thật học đạo. Còn nếu đắm trước hình tướng thế gian, dính mắc các pháp, đó là chúng ta bị kẹt chớ không phải học đạo. Hiểu như vậy mới thấy gốc của sự tu.

CHÁNH VĂN:

Không cầu tức tâm không sanh, không đắm trước tức tâm không diệt, không sanh không diệt tức là Phật.

GIẢNG:

Tại sao không cầu? Không cầu để tâm không mong mỏi, không dấy động muốn cái này, cái kia. Tâm không dấy động là tâm không sanh. Do không sanh nên không diệt. Tâm không sanh không diệt là tâm Phật. Vậy chỉ có bốn chữ “không cầu, không đắm” đủ cho chúng ta tu rồi. Có cái gì chúng ta nắm giữ mà không bị vô thường đâu. Đắm danh mất danh thì khổ, đắm sắc mất sắc thì khổ. Do vậy tâm không cầu không đắm là tâm gần với Phật.

CHÁNH VĂN:

Tám muôn bốn ngàn pháp môn đối trị tám muôn bốn ngàn phiền não, chỉ là môn giáo hoá tiếp dẫn. Vốn không tất cả pháp, lìa tức là pháp, người biết lìa là Phật. Chỉ lìa tất cả phiền não là không pháp có thể được.

GIẢNG:

Ngài dẫn trong kinh Phật nói tới tám muôn bốn ngàn pháp môn. Tại sao Phật chia chẻ nhiều như vậy? Bởi vì để đối trị chúng sanh có bệnh nào thì Phật có pháp ấy. Như sân có mấy bệnh? Nóng là một, động tới nổi nóng là sân. Kế đó hận, hận là thù. Nếu nóng giận mà không thỏa mãn cái giận đó thì thành thù. Ngoài thù còn hờn nữa. Như vậy chỉ sân thôi đã có ba bốn pháp rồi.

Khi nóng giận Phật dạy phải tu pháp nhẫn, chận đừng cho nó nổi dậy. Khi hận thù Phật dạy tu pháp xả, bỏ đi. Mỗi một bệnh có mấy thứ pháp, vì bệnh quá tế nhị. Như trong tham cũng có nhiều pháp đối trị. Tham tài tu pháp gì, tham sắc tu pháp gì, tham danh tu pháp gì, tham lợi tu pháp gì, mỗi thứ tham có một pháp tu. Bệnh căn bản rồi tới chi ly nữa, bệnh nào cũng trăm ngàn thứ. Vì vậy Phật phải dạy nhiều pháp để đối trị.

Tám muôn bốn ngàn pháp môn là để trị tám muôn bốn ngàn phiền não. Sở dĩ Phật chia nhiều pháp để trị nhiều bệnh là vì muốn giáo hoá, tiếp dẫn chúng sanh. Ai có bệnh gì thì dùng thuốc đó trị cho lành từ từ, chớ chưa lành tận gốc. Đang sốt thì uống thuốc cảm cho hạ sốt, có các thứ thuốc là để trị các thứ bệnh, đến thuốc cuối trị hết tất cả bệnh. Ở đây Ngài nói pháp cuối cùng là gì?

Vốn không tất cả pháp, lìa tức là pháp, người biết lìa là Phật. Chỉ một chữ lìa thôi. Tại sao chúng ta phải lìa? Bởi vì tất cả pháp đều không thật, pháp không thật theo giữ nó làm sao được, cho nên phải lìa. Người nào biết lìa, không chấp, người đó là Phật. Không pháp có thể được nghĩa là tất cả cảnh mình lìa thì không dính, tất cả phiền não dấy lên mình lìa thì không có. Bỏ tất cả chúng ta sẽ thấy ông Phật hiện tiền. Câu chuyện nhà thiền nói có vẻ thô một chút là ngài Hoàng Bá khen đệ tử của Mã Tổ: “Dưới Mã Tổ có tám mươi bốn thiện hữu tri thức, nhưng người ỉa chảy đầy đất chỉ có ngài Qui Tông.” Ỉa chảy đầy đất là xả hết tuôn sạch hết. Nói nghe thô nhưng lối khen đó rất chí lý. Người biết lìa biết xả hết là ngài Qui Tông, còn những vị khác tuy cũng lìa nhưng lìa chưa thật sạch.

Ở đây chỉ một chữ lìa là tất cả đều hết. Vì lìa thì không dính, không còn. Trong không dính phiền não, ngoài không dính các pháp, đó là Phật hiện tiền.

CHÁNH VĂN:

Người học đạo muốn được biết yếu quyết thì chớ ở trên tâm để một vật nói là Phật.

GIẢNG:

Người học đạo muốn được biết yếu quyết,tức chỗ quyết định trọng yếu,thì chớ ở trên tâm để một vật nói là Phật. Nghĩa là sao? Tức là trên tâm của mình, mình tưởng có ông Phật đang ngự, như vậy chưa phải thật. Tại sao? Tâm thanh tịnh là Phật, mình lại để ông Phật danh tự đè ông Phật thật của mình. Chỗ này thật rõ nhưng cũng thật khó. Ai không có gan, không dám nhận thì không thấy được.

CHÁNH VĂN:

Chân pháp thân ví như hư không. Đây là dụ pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân.

GIẢNG:

Chân pháp thân ví như hư không. Tại sao? Quí vị kiểm lại thử xem khi chúng ta ngồi bình an, không nghĩ suy thì cái biết có không? Gió thổi nghe mát, người đi thấy rõ, cái biết bàng bạc đó có hình tướng không? Nó không hình tướng nên như hư không. Pháp thân như hư không, không trụ chỗ nào, trùm khắp mọi nơi. Đây là dụ pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân.

CHÁNH VĂN:

Người thường bảo pháp thân đầy khắp hư không, trong hư không gồm chứa pháp thân. Họ không biết pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân.

GIẢNG:

Người thường bảo pháp thân đầy khắp hư không.Câu nói đó đúng hay sai? Pháp thân có dáng gì mà đầy? Hư không có chỗ chứa không? Không tướng mà nói đầy thì lấy đâu biết đầy. Cho nên từ “đầy” thuộc về hình tướng, Ngài không chấp nhận. Nếu nói đầy thành ra hư không giống như cái vựa, còn pháp thân đổ vào vựa. Đó là lối nói không rõ ràng. Ở đây Ngài bảo pháp thân không tướng nên đồng với hư không.

Họ không biết pháp thân tức hư không, hư không tức pháp thân. Bởi hai thứ ấy cùng không hình không tướng, không phân biệt, không tách rời, nên nói “tức”.

CHÁNH VĂN:

Nếu quyết định nói có hư không thì hư không chẳng phải pháp thân. Nếu quyết định nói có pháp thân thì pháp thân chẳng phải hư không.

GIẢNG:

Nếu nói có hai thứ riêng biệt thì pháp thân không phải là hư không, hư không không phải là pháp thân.

CHÁNH VĂN:

Chớ khởi hiểu hư không thì hư không tức pháp thân. Chớ khởi hiểu pháp thân thì pháp thân tức hư không. Hư không cùng pháp thân không có tướng khác.

GIẢNG:

Hai chỗ này chỉ khác bởi khởi hiểu và không khởi hiểu thôi. Không khởi hiểu thì pháp thân, hư không không tách rời. Vừa khởi hiểu thì đã có sai lầm.

Chớ khởi hiểu pháp thân thì pháp thân tức hư không. Chớ khởi hiểu hư không thì hư không tức pháp thân. Nếu khởi hiểu hư không, khởi hiểu pháp thân thì hư không và pháp thân đó bị cụ thể bằng niệm của mình, thành ra không đúng.

CHÁNH VĂN:

Phật cùng chúng sanh không có tướng khác. Sanh tử cùng Niết-bàn không có tướng khác. Phiền não cùng Bồ-đề không có tướng khác. Lìa tất cả tướng tức là Phật.

GIẢNG:

Tới chỗ cuối cùng Ngài bảo Phật cùng chúng sanh không có tướng khác. Nói như vậy có thực tế không? Bây giờ nhìn trong giảng đường này, xem chúng sanh với chúng sanh có tướng khác không? Có người gầy, có người béo, có người đen, có người trắng… đủ thứ hết, làm sao không có tướng khác. Vậy mà ở đây nói Phật cùng chúng sanh không có tướng khác, đó là căn cứ trên chỗ chân thật của mình, chớ không phải căn cứ trên giả tướng tạm bợ. Tướng giả tạm của chúng sanh thì có sai biệt, nhưng tâm chân thật như như thì ai cũng như nhau.

Bây giờ tôi chỉ ngọn đèn sáng, ai cũng thấy sáng. Khi chúng ta nhìn bức tranh thấy màu sắc không khác nhau. Như vậy cái thấy không khác, cái nghe không khác, nhưng khác cái phân biệt. Phân biệt người nhanh kẻ chậm, người so sánh khéo, người không biết so sánh v.v… sai biệt chỗ đó, chớ thật ra cái biết ban đầu không khác nhau. Vì vậy nói Phật, chúng sanh không có tướng khác.

Sanh tử cùng Niết-bàn không có tướng khác. Nếu ngay trong sanh tử mà mình nhận được cái thật, đó là Niết-bàn, đâu có gì khác.

Phiền não cùng Bồ-đề không có tướng khác. Phiền não Bồ-đề cũng đều là giả danh, làm gì có tướng khác.

Lìa tất cả tướng tức là Phật. Như vậy muốn làm Phật khó hay dễ? Giản đơn quá, có một chữ “lìa”. Lìa tất cả tướng tức là chư Phật. Chúng ta học đạo bao lâu rồi? Thuộc chữ thì mau mà làm được không mau. Thuộc chữ “ly” dễ quá, nhưng hành được chữ “ly” thật khó. Nếu nói ở miệng thì chưa thuộc, như mấy con sáo bắt chước người nói vậy thôi, chớ không có giá trị. Chừng nào nói ly thì tất cả đều ly, ai chửi cũng ly, khen cũng ly, lúc nào cũng ly hết. Đó là chuyện hết sức dễ mà cũng hết sức khó.

CHÁNH VĂN:

Phàm phu chấp cảnh, đạo nhân chấp tâm. Tâm cảnh cả hai đều quên mới là chân pháp.

GIẢNG:

Phàm phu chấp cảnh, cứ chạy theo cảnh này đẹp, cảnh kia xấu, cảnh này bền chắc, cảnh kia tạm bợ v.v…

Đạo nhân chấp tâm. Chấp tâm là sao? Người tu phần nhiều hay chấp tâm. Biết cảnh ở ngoài hư giả, nhưng cho tâm nghĩ thiện, nghĩ ác, tâm đang trì chú, đang tụng kinh, đó là tâm chân thật. Một bên chấp cảnh, một bên chấp tâm, hai bên chấp có khác nhưng đều là chấp hết. Muốn trị chữ “chấp” thì dùng chữ “ly”. Ly thì không chấp cảnh, không chấp tâm nên không phải phàm phu, không phải đạo nhân. Không phải phàm phu, không phải đạo nhân thì là gì? Là Phật. Chỉ một chữ ly thôi, hết sức đơn giản. Bởi vậy nên Tâm cảnh cả hai đều quên mới là chân pháp.

CHÁNH VĂN:

Quên cảnh vẫn dễ, quên tâm rất khó.

GIẢNG:

Cảnh ở ngoài chúng ta bỏ dễ hơn là tâm. Cái tâm cho là sáng suốt, tâm hiểu đúng v.v… bỏ thật là khó.

CHÁNH VĂN:

Người không dám quên tâm, sợ rơi vào chỗ không, không sờ mó đến.

GIẢNG:

Có người tu sợ buông hết không còn gì nên không dám bỏ tâm. Lúc nào cũng giữ tâm của mình đang biết, đang thấy, đang nghe, đang nghĩ v.v… cho đó là tâm thật. Tổ bảo người này không biết quên tâm.

CHÁNH VĂN:

Không biết không vốn chẳng không, chỉ một chân pháp giới.

GIẢNG:

Chúng ta không biết rằng cái không ấy vốn chẳng phải không. Tại sao? Vì nó là chân pháp giới, tức pháp giới chân thật, là chỗ không chấp tâm không chấp cảnh.

CHÁNH VĂN:

Tánh linh giác này từ vô thủy đến nay tuổi đồng với hư không, chưa từng sanh, chưa từng diệt, chưa từng có, chưa từng không, chưa từng uế, chưa từng tịnh, chưa từng ồn náo, chưa từng vắng lặng, chưa từng bé, chưa từng già, không chỗ nơi, không trong ngoài, không số lượng, không hình tướng, không sắc tượng, không âm thanh, không thể tìm, không thể cầu, không thể dùng trí tuệ mà biết, không thể dùng ngôn ngữ mà nhận, không thể dùng cảnh vật mà hội, không thể dùng dụng công mà đến.

GIẢNG:

Chỗ này Ngài chỉ tâm chân thật của chính mình. Tâm chân thật chính là tánh linh giác của mình từ vô thủy tới giờ, tuổi nó đồng với tuổi hư không. Hư không bao nhiêu tuổi? Hư không không có tuổi. Tại sao? Hư không là hư không, nó không có ngày đêm, không năm tháng nên không có tuổi. Ngày đêm năm tháng, đặt thành thời gian là căn cứ trên vòng quay của trái đất, hư không có quay không? Hư không không quay, không quay làm sao có năm tháng, không có năm tháng làm sao có tuổi.

Tánh linh giác cũng không có tuổi. Tại sao? Vì tánh linh giác không phải là cái sanh cái diệt. Sanh diệt là nghiệp tướng của chúng sanh, chớ tánh giác không sanh không diệt. Quí vị tự nghiệm lại sẽ thấy rõ, cái hằng tri giác của mình chưa từng dấy niệm. Khi chúng ta dấy niệm tức là chạy theo niệm sanh diệt, tạo nghiệp lành dữ, tái sanh vào chỗ lành dữ. Nghiệp lôi kéo tánh linh giác cùng đi vào chỗ tốt, chỗ xấu. Khi sanh ra rồi, tùy nơi đặt thời gian không gian, chớ tánh linh giác chưa từng sanh chưa từng diệt, làm sao có tuổi, làm sao già chết, làm sao có sắc tượng. Tánh linh giác bất sanh bất diệt nên là Niết-bàn vô sanh.

Thân sanh diệt tạm bợ mấy chục năm, người đời quí trọng vui tươikhi nó còn khỏe, chớnó sắp hoại diệt thì khổ. Thân hoại đi nhưngtánh linh giác không hoại. Đức Phật chỉ cho chúng sanh nhận ra mình có tánh linh giác để thoát ly sanh tử. Nếu đứng trên tánh giác nhìn lại thân này, chẳng khác nào một con phù du trên mặt nước, mới chạy lăng xăng đó liền chết. Trong kinh Phật hay trong lời các Tổ thường ví dụ tánh giác có sẵn nơi chúng ta như hoa sen trong lò lửa. Lửa cháy hừng hực mà nó vẫn tươi, không vì lửa mà bị tàn hoại. Đó là chỉ cho ngay nơi thân tâm vô thường này, tánh giác vẫn sẵn đó không gì làm hoại, không gì chi phối được nó.

Thường chúng ta không nhận tánh giác, mà chỉ nhận thân tâm lăng xăng thiện ác, chạy theo nó để tạo nghiệp sanh tử. Chừng nào không chấp thân này là lìa ngã, không chạy theo niệm sanh diệt là lìa tâm vọng tưởng. Lìa hai thứ chấp đó là trở về tánh thật. Ngược lại cứ chạy đuổi theo hai thứ ấy thì bảo đảm chúng ta sẽ sanh tử liên miên. Thế nên đức Phật thương chúng sanh, nói pháp suốt bốn mươi chín năm không chán, Ngài thấy mình mê muội quá mới ráng nói cho biết, vậy mà cho tới bây giờ chúng ta vẫn chưa biết hết, chỉ biết chút chút thôi.

CHÁNH VĂN:

Chư Phật, Bồ-tát cùng tất cả hàm linh xuẩn động đồng tánh đại Niết-bàn này. Tánh tức là tâm, tâm tức là Phật, Phật tức là pháp.

GIẢNG:

Mấy chữ “tức” này thật là khó. Tánh tức là tâm,tại sao tánh tức là tâm? Tánh nói đủ là tánh giác. Giác tức là biết, biết tức là tâm. Cho nên tánh tức là tâm. Tâm tức là Phật. Cái biết giác đó là Phật nên tâm tức là Phật. Phật tức là pháp, tánh giác đó là pháp chân thật trùm khắp cả pháp giới, chớ không phải không ngơ, nên Phật tức là pháp.

CHÁNH VĂN:

Một niệm lìa chân đều là vọng tưởng.

GIẢNG:

Niệm lìa chân là niệm gì? Như chúng ta đang ngồi an tịnh, không nghĩ không suy lúc đó là chân. Vừa dấy niệm nghĩ cái gì đó là niệm lìa chân. Chúng ta tu để cầu chân, mà luôn luôn khởi niệm lìa chân. Vì chân là phẳng lặng mà dấy lên là động rồi, tức lìa cái chân thật. Cho nên Ngài nói “một niệm lìa chân đều là vọng tưởng”, người tu phải chiếu soi vọng tưởng cho nó lặng xuống, trở về thể chân thật.

CHÁNH VĂN:

Không thể đem tâm lại tìm tâm, không thể đem Phật lại cầu Phật, không thể đem pháp lại cầu pháp.

GIẢNG:

Chúng ta phải hiểu Phật là tánh giác sẵn của mình nên không thể khởi niệm hiểu biết, cũng không thể khởi đi cầu Phật vì chính tâm lặng lẽ hằng giác hằng tri là Phật. Không thể đem pháp cầu pháp. Như vậy tâm, Phật, pháp là cái không thể cầu.

CHÁNH VĂN:

Người học đạo thẳng đó vô tâm, thầm khế hội mà thôi.

GIẢNG:

Người học đạo khôn ngoan, thấu hiểu ngay đó đừng dấy niệm khởi nghĩ là vô tâm. Vô tâm thì khế hội được tánh linh giác. Nếu có tâm nghĩ suy, có tâm tìm kiếm là mất tánh linh giác, rõ ràng như vậy. Như chúng ta muốn nhìn thấy mặt nước hồ phẳng thì cứ yên lặng nhìn nó, chớ lấy cục đá dội xuống để tìm mặt hồ phẳng lặng thì mặt hồ phẳng mất ngay.

Chúng ta đang là Phật, khởi niệm cầu Phật thì mất Phật rồi. Tâm đang phẳng lặng sáng suốt là Phật, bây giờ chúng ta dấy niệm cầu Phật, chẳng khác nào ôm đá quăng xuống mặt hồ phẳng để thấy mặt hồ phẳng. Thấy được không? Đó là lầm lẫn của chúng sanh nhiều đời. Vì vậy Tổ nói: Người học đạo thẳng đó vô tâm, thầm khế hội mà thôi. Ngay đó buông tất cả niệm thì tự khế hội, chớ không có gì lạ.

CHÁNH VĂN:

Nghĩ tâm tức là sai, lấy tâm truyền tâm đây là chánh kiến.

GIẢNG:

Lấy tâm mà khởi nghĩ về tâm đã là sai. Lấy tâm truyền tâm là chánh kiến.Vì sao lấy tâm truyền tâm là chánh kiến? Vì tâm người truyền và tâm người được truyền đều thanh tịnh. Hai bên thông cảm nhau nên nói lấy tâm truyền tâm. Như Tổ Huệ Khả trình với Tổ Đạt-ma: “Bạch Hoà thượng, con dứt hết các duyên.” Tổ Đạt-ma bảo: “Coi chừng rơi vào không.” Tổ Huệ Khả thưa: “Rõ ràng thường biết, làm sao không được.” Tổ Đạt-ma bảo: “Ông như thế, ta như thế, chư Phật cũng như thế.” Đó là lấy tâm truyền tâm. “Ông như thế” là tâm ông không còn dính các duyên, rõ ràng thường biết. Ta cũng thế, tâm Phật cũng thế. Truyền như vậy mới là chánh kiến, chớ nói truyền tâm ấn bằng cách làm phép gì đó để truyền tâm là trật lất, xa lắm rồi, không phải lẽ thật.

CHÁNH VĂN:

Dè dặt chớ hướng ra ngoài, chạy theo cảnh, nhận cảnh làm tâm là nhận giặc làm con. Vì có tham, sân, si nên lập giới, định, tuệ. Vốn không có phiền não thì đâu có Bồ-đề. Cho nên Tổ sư nói:“Phật nói tất cả pháp vì trừ tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp.”

GIẢNG:

Ngài dạy chúng ta đừng chạy ra ngoài tìm cầu, nhận cảnh làm tâm là nhận giặc làm con. Nếu thấy cảnh rồi cho cảnh này đẹp, cảnh kia tốt v.v… để khen chê, là tâm đang duyên theo cảnh, đó là nhận giặc làm con.

Tại sao Phật nói giới, định, tuệ? Vì chúng sanh có tham sân si nên Phật nói giới định tuệ. Nếu chúng sanh hết tham sân si thì cần giữ giới, cần thiền định trí tuệ nữa không? Hết tham sân si thì khỏi gì cả. Người nào tham sân si nhiều giữ giới phải nhiều, người nào tham sân si ít giữ giới ít, người nào hết tham sân si thì khỏi giữ giới. Giới định tuệ là để kềm tâm, bây giờ tâm lặng rồi còn gì nữa mà kềm, thì giới định tuệ cũng không dùng. Cho nên ở đây Ngài dẫn lời vốn không có phiền não thì đâu có Bồ-đề. Phiền não là mê lầm khổ sở, còn Bồ-đề là giác ngộ thanh tịnh. Có giác ngộ thanh tịnh vì có mê lầm đau khổ, nếu hết mê lầm đau khổ thì cũng không nói đến giác ngộ thanh tịnh làm gì.

Lục Tổ nói: Phật nói tất cả pháp vì trừ tất cả tâm, ta không tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp. Mới nghe dường như Tổ không cần tới giáo lý, như vậy có ngã mạn không? Không. Vì như bác sĩ tới khám bệnh, những người bệnh thấy mừng vì họ cần xem bệnh xin thuốc. Còn người không bệnh, khi bác sĩ tới, nói “tôi không cần”. Nói không cần chẳng qua vì không bệnh chớ không phải xem thường bác sĩ, vì vậy không có lỗi. Bác sĩ có giá trị đối với người bệnh. Cũng vậy, pháp của Phật có giá trị đối với người còn phiền não. Nếu hết phiền não thì pháp của Phật cũng để dành đó, chớ đâu dùng làm gì. Người nào nhiều tâm vọng tưởng, Phật lấy pháp để trị, Tổkhông tất cả tâm đâu dùng tất cả pháp, điều này rõ ràng như vậy, chớ Tổ không có ngã mạn.

Chúng ta bây giờ còn tâm lăng xăng nhiều quá nên phải học pháp nhiều, chừng nào tâm lặng hết thì khỏi học, khỏi ngồi thiền luôn. Nếu không được thế thì thôi chịu khó ngồi thiền, học pháp lâu ngày sẽ thấm. Bởi vì giáo lý là phương tiện trị tâm bệnh cho chúng sanh. Người ta chế thuốc là vì người bệnh chớ không vì người mạnh. Chúng ta còn bệnh buộc lòng phải uống thuốc. Lúc nào hết bệnh thì thuốc cũng bằng thừa. Chỉ có giáo lý Phật mới dám nói một cách quả quyết rằng giáo lý giống như ngón tay chỉ mặt trăng. Khi chưa thấy mặt trăng thì cần ngón tay, nương đó để thấy mặt trăng. Khi thấy mặt trăng rồi thì ngón tay thừa. Như muốn qua bên bờ kia chúng ta dùng chiếc bè đưa qua sông. Tới bờ kia rồi thì chiếc bè trôi đâu mặc nó, không quan trọng nữa. Nên hiểu pháp Phật là phương tiện, chớ không phải chân lý, không bao giờ bỏ được.

Người học đạo thấy được gốc rồi, sự tu không khó khăn, chỉ cần bền chí. Bền chí gánh đất, nhổ cỏ hay bền chí làm gì? Bền chí thường tỉnh đừng mê, đừng quên. Thường tỉnh đừng chạy theo các vọng niệm, đó là chúng ta thành công.

CHÁNH VĂN:

Trên bản nguyên thanh tịnh Phật lại không để một vật. Ví như hư không, dù lấy trân bảo vô lượng để trang nghiêm, trọn không thể được. Phật tánh đồng hư không, dù lấy công đức trí tuệ vô lượng để trang nghiêm, trọn không thể được. Chỉ mê bản tánh bèn không thấy vậy.

GIẢNG:

Bản nguyên thanh tịnh của chính mình là Phật, nên không để một thứ gì trên đó hết. Nói trang nghiêm tịnh độ hay trang nghiêm tự tâm là trang nghiêm tâm nào? Nếu trang nghiêm thì trang nghiêm tâm sanh diệt thôi, chớ tâm bản nguyên không có gì để trang nghiêm, vì nó không thiếu, không dư làm sao trang nghiêm? Chỉ trên tự tâm biết rõ, không thêm gì hết thì đúng, nếu còn để một vật gì là còn mê. Cho nên ở đây nói chỉ mê bản tánh bèn không thấy vậy.

Chỗ này có tu mới thấy vui. Khi nào chúng ta ngồi thiền tỉnh táo lặng lẽ, tâm không vướng bên này không mắc bên kia, gương mặt tươi tỉnh, tự mình cũng thấy vui. Còn vướng còn mắc thì có buồn vui lẫn lộn. Người sống không vướng mắc sẽ tự vui, bởi vì tâm thanh tịnh bản nhiên vốn an lạc tự tại, không kẹt chi cả. Cho nên càng đi sâu, chúng ta càng thấy cụ thể mình sẵn có tâm thanh tịnh, vậy mà cứ đi tìm hoài, tìm đáo để rốt cuộc nhận ra nó ngay dưới gót chân mình, chớ không đâu xa. Hiểu thế, chúng ta mới thấy tại sao Lục Tổ không chịu cho ngồi thiền nhiều. Vì với Ngài không có một niệm, không có một tâm, đi đứng ngồi nằm cũng vậy, cho nên ngồi thiền chi cho cực.

Chúng ta bây giờ thì sao? Chạy ngược, chạy xuôi quá nên phải ngồi. Ngồi ngó xuống cho đỡ một chút, ít nhất cũng giảm đi năm mươi phần trăm lộn xộn. Chừng nào thuần thục rồi thì đi đứng nằm ngồi đều là đạo, không có cách biệt. Tuy nhiên, nhìn lại đức Phật Thích-ca đã thành Phật rồi, Ngài cũng vẫn ngồi thiền như thường. Thọ trai xong Phật đi kinh hành, xế chiều tọa thiền. Các thầy Tỳ-kheo hỏi: “Đức Thế Tôn dạy chúng con ngồi thiền để định tâm, còn Ngài tâm đã thường định tại sao cũng ngồi thiền?” Thế Tôn đáp: “Ta ngồi thiền để điều hoà thân thể và răn nhắc đệ tử sau này không luời trễ tọa thiền.” Ngài ngồi quen, ngồi cho vui cho khỏe và cũng để răn dạy các thầy Tỳ-kheo, chớ không tìm kiếm gì nữa.

Chúng ta hiểu cho tới nơi, thấy thật tường tận thì sự tu hành sẽ đơn giản vô cùng. Sống đơn giản rồi mình thấy những bày biện lăng xăng của cuộc sống có chóa mắt không, mệt đầu không? Bởi vậy nhiều khi tôi lắc đầu hoài, tu Phật kiểu này thì không biết đời kiếp nào về cõi Phật. Như có ông Sư nói: “Ai muốn tụng kinh cho cha mẹ về Cực Lạc thì đặt tụng ba ngày ba đêm giá hai cây, ai sợ cha mẹ xuống địa ngục, muốn làm lễ phá địa ngục thì năm cây.” Vậy mà người ta ưa lắm, thành ra tôi cũng lắc đầu.

CHÁNH VĂN:

Nói rằng “Pháp môn tâm địa” là muôn pháp đều y tâm này dựng lập, gặp cảnh tức có, không cảnh tức không, không thể trên tánh tịnh lại khởi biết cảnh.

GIẢNG:

Nói rằng pháp môn của chư Phật chỉ dạy là “pháp môn tâm địa” nên gọi là tâm địa quán. Chính chỗ này ngài Vô Ngôn Thông tới Tổ Bá Trượng. Một hôm Tổ Bá Trượng dạy “tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu”, nghĩa là đất tâm nếu không thì mặt trời trí tuệ tự sáng. Nghe câu đó Ngài liền ngộ, sau sang Việt Nam truyền đạo. Tại sao nói pháp môn tâm địa? Vì tất cả pháp từ tâm sanh khởi, không có pháp nào ngoài tâm, vì vậy gọi là pháp môn tâm địa. Nếu chúng ta trở về được tâm địa, các pháp không còn sanh diệt nữa thì mặt trời trí tuệ tự sáng không nghi. Vì vậy tu là cốt trở về chỗ cứu kính ấy.

Bởi vậy không thể trên tánh tịnh mà khởi biết cảnh, nghĩa là cảnh đến thì đến, cảnh đi thì đi. Cảnh đến tạm có, cảnh đi tạm không, chớ không phải tánh mình có hay không.

CHÁNH VĂN:

Nói định tuệ là quán dụng thì rõ ràng vắng lặng tỉnh táo, thấy nghe hiểu biết đều phải.

GIẢNG:

Nói định tuệ là quán dụng. Trong khi chúng ta dụng công tu quán thì rõ ràng vắng lặng tỉnh táo, quán tất cả pháp tánh là không, không thấy có pháp thật, mình vẫn thấy nghe hiểu biết. Cho nên trong cái thấy nghe hiểu biết vẫn biết các pháp tự tánh là không, không có gì sai.

CHÁNH VĂN:

Trên cảnh khởi hiểu, tạm vì người trung hạ căn nói thì được. Nếu muốn thân chứng đều không thể khởi thấy hiểu như thế, toàn là cảnh pháp, có chỗ lặn mất thì lặn mất ắt có nơi. Chỉ đối tất cả pháp không khởi thấy có không, tức là thấy pháp.

GIẢNG:

Ở đây Ngài nói rõ: Trên cảnh khởi hiểu, tạm vì người trung hạ căn nói thì được. Ví dụ đối với cái bàn, quán nó duyên hợp hư giả, hiểu như vậy không có gì sai, nhưng đó là chỉ cho người trung căn và hạ căn.

Nếu muốn thân chứng,đều không thể khởi thấy hiểu như thế, toàn là cảnh pháp, có chỗ lặn mất thì lặn mất ắt có nơi. Thân chứng là chứng đến tận nơi. Nếu cái thấy hiểu mất thì phải có chỗ để cho nó mất.

Chỉ đối tất cả pháp không khởi thấy có không, tức là thấy pháp, quán các pháp như huyễn, không thật thì cũng có cái “có không” đối đãi. Vì vậy nên biết rõ rằng các pháp không phải có, không phải không, đừng cố chấp bên nào, như vậy mới là chỗ chân thật.

Thế nào là người trung căn, người thượng căn? Ví như chúng ta thấy cành hoa, phân biệt đẹp xấu rồi ưa ghét, đó là đang loạn tưởng đắm nhiễm. Bây giờ nếu quán cành hoa đó duyên hợp, không thật, phân tích ra từng cánh tìm cái hoa không có. Như vậy tu quán để trừ chấp hoa thật, hoa đẹp v.v… từ từ tâm yên. Người quán thế ấy thuộc hạng trung căn. Nếu người thượng căn thấy cành hoa là cành hoa, không phân biệt đẹp xấu, thấy người là người, không phân biệt trắng đen, không cần khởi quán. Vì vừa khởi quán là trật rồi. Đối cảnh đẹp xấu không động tâm, đó là thật. Còn khởi quán để đừng dính mắc, đó là gỡ, là tu. Như vậy người tu trên phương tiện thuộc hàng trung căn, người nhìn thẳng tất cả các pháp bằng tâm chân thật, không khởi quán thuộc về thượng căn.

Chúng ta bây giờ thấy hoa có quán hư giả hay thấy hoa trầm trồ đẹp xấu? Nếu thấy hoa trầm trồ đẹp xấu, đó là tâm của ai? Của phàm phu. Còn nếu thấy hoa biết là duyên hợp hư giả, không thật đó là trí quán của hàng trung căn. Vì để phá chấp phàm phu cho nên dạy quán. Còn nếu người thấy hoa là hoa, không cần dạy quán gì nữa. Dạy là thêm bệnh, tức thịt lành khoét thành thương tích. Hiểu rõ chỗ này mới thấy ý nghĩa đạo lý thâm trầm, không hiểu chúng ta tu dễ bị lầm lẫn.

CHÁNH VĂN:

Từ Đại sư Đạt-ma đến Trung Quốc chỉ nói một tâm, chỉ truyền một pháp. Lấy Phật truyền Phật chẳng nói Phật khác, lấy pháp truyền pháp chẳng nói pháp khác. Pháp tức là pháp không thể nói, Phật tức là Phật không thể thủ, mới là tâm bản nguyên thanh tịnh vậy.

GIẢNG:

Tổ Đạt-ma sang Trung Quốc truyền đạo, chỉ lấy một tâm chỉ truyền một pháp. Tại sao nói một tâm? Tại sao nói một pháp? Vì Tổ chỉ cho chúng ta nhận ra bản tâm, đó là một tâm. Phương tiện chỉ tâm cho mình nhận ra, đó là một pháp. Chỉ một tâm chỉ một pháp, vì tâm đó là thể của muôn pháp nên cũng là một pháp, chớ không khác. Nên nói truyền một tâm một pháp, không nói gì khác.

Khi tới vua Lương Võ Đế, Vua hỏi: “Trẫm làm tất cả việc như cất chùa nuôi tăng v.v… như vậy có công đức không?” Tổ đáp: “Không.” Nếu bây giờ chúng ta gặp Vua hỏi thì đáp thế nào, có ai dám nói như Tổ không? Chắc là không, mà còn tán thán bệ hạ làm như vậy phước đức vô lượng vô biên, vì sợ mất lòng Vua. Tổ nói thẳng “không công đức”, đó là tạt một gáo nước lạnh vô mặt Vua, không sợ mất lòng gì cả, đó là vì Tổ muốn truyền một pháp thôi, ngoài ra không muốn gì khác. Khi Vua hỏi: “Thánh đế đệ nhất nghĩa thế nào?” Ngài đáp: “Rỗng thênh không Thánh.” Thế là làm phật ý vua Lương hoàn toàn, nên không thể truyền đạo được ở đây. Đối với Tổ còn Thánh phàm là hai, nên Ngài nói chỗ tột “rỗng thênh không Thánh”, không có cái thứ hai. Biết cơ duyên truyền đạo tại đây không được, Tổ đi nơi khác.

Như vậy để hiểu người xưa truyền đạo rất trung thành với pháp của mình được, chỉ thẳng pháp đó, không nói pháp khác. Ngày nay chúng ta phương tiện nhiều quá, riết rồi xin xăm bói quẻ cũng phương tiện luôn. Tại sao? Vì có tiền, rốt cuộc không còn đạo nữa.

Pháp tức là pháp không thể nói, Phật tức là Phật không thể thủ, mới là tâm bản nguyên thanh tịnh vậy.Tâm bản nguyên là pháp không thể nói, Phật không thể thủ.

CHÁNH VĂN:

Chỉ một việc này thật, có hai cái khác thì chẳng phải chân.

GIẢNG:

Chỉ một là thật, còn hai không phải chân. Kinh Pháp Hoa nói chỉ một Phật thừa, hai chẳng phải chân. Như vậy tâm chân thật ấy không hai.

CHÁNH VĂN:

Bát-nhã là tuệ, tuệ này tức là bản tâm vô tướng. Phàm phu không đến đạo, chỉ buông lung sáu tình là đi trong sáu đạo. Người học đạo một niệm chấp sanh tử liền rơi vào ma đạo; một niệm khởi các kiến (các thứ thấy biết khác) liền rơi vào ngoại đạo; thấy có sanh tiến đến diệt liền rơi vào Thanh văn đạo; chẳng thấy có sanh, chỉ thấy có diệt, liền rơi vào Duyên giác đạo; không khởi cái thấy có hai, chẳng chán chẳng ưa, tất cả các pháp chỉ là một tâm, nhiên hậu mới là Phật thừa.

GIẢNG:

Thấy có hai thì còn mắc kẹt hai bên, người học đạo còn chấp sanh tử thì rơi vào ma đạo. Người học đạo buông lung sáu tình thì đi trong sáu đạo. Sáu tình là sáu căn. Buông lung sáu căn chạy theo sáu trần thì đi trong sáu đường sanh tử. Nếu học đạo mà một niệm chấp sanh tử thật liền rơi vào đường ma. Một niệm khởi các kiến rơi vào ngoại đạo, kiến chấp thế này thế kia. Thấy có sanh tiến tới diệt là rơi vào Thanh văn, nghĩa là thấy cái này sanh lần lần diệt, nó vô thường. Chẳng thấy có sanh chỉ thấy có diệt là rơi vào Duyên giác đạo, tức là thấy các pháp do duyên hợp, sanh không thật sanh, chỉ đủ duyên nó tụ, hết duyên nó tan, đó là Duyên giác đạo.

Không khởi cái thấy có hai, chẳng chán chẳng ưa, tất cả các pháp chỉ là một tâm, nhiên hậu mới là Phật thừa.Chỉ tất cả pháp là một tâm, đó mới là Phật thừa. Học đạo chỉ biết đến chỗ cứu kính là một tâm, không có gì khác thì thật đơn giản. Còn học phân biệt Thanh văn bao nhiêu hạng, Bồ-tát bao nhiêu hạng, cực quá. Ở đây nói thẳng chỉ đi tới chỗ cứu kính là Phật thôi. Muốn cứu kính là Phật thì không hai, không ưa, không ghét. Đó là chỗ chân thật, cứu kính.

Chúng ta thấy lời chỉ dạy của Tổ Hoàng Bá rất thâm thiết, rất sâu kín. Thấy tường tận như vậy thì trên đường tu không khó.

CHÁNH VĂN:

Phàm phu đều theo cảnh sanh tâm, tâm bèn ưa chán. Nếu muốn không cảnh phải quên tâm ấy. Tâm quên tức là cảnh không, cảnh không tức là tâm diệt. Nếu không quên tâm mà chỉ trừ cảnh thì cảnh không thể trừ, càng thêm lăng xăng. Cho nên muôn pháp chỉ là tâm, tâm cũng không thể được, lại cầu cái gì? Người học Bát-nhã không thấy một pháp có thể được, dứt ý nơi tam thừa, chỉ một chân thật không thể chứng được. Bảo là ta hay chứng hay đắc đều là người tăng thượng mạn. Trên hội Pháp Hoa phủi áo ra đi, đều là bọn người này. Phật nói: “Ta đối với Bồ-đề thật không sở đắc”, thầm khế hội mà thôi.

GIẢNG:

Phàm phu đều theo cảnh sanh tâm, sanh tâm bèn ưa chán. Nếu muốn không cảnh thì phải quên tâm ấy, nghĩa là quên tâm đuổi theo cảnh, tâm quên tức cảnh không. Nếu quên tâm không dấy chạy theo cảnh thì cảnh tự không, cảnh tự không thì tâm cũng diệt. Nếu không quên tâm mà chỉ trừ cảnh, cảnh không thể trừ, càng thêm lăng xăng. Bệnh người tu bây giờ là vậy, không muốn quên tâm mà muốn dẹp cảnh. Muốn vô hang núi tu một mình để đừng thấy ai hết, đó là quên tâm hay dẹp cảnh? Chắc gì ngồi trong hang núi mà không suy nghĩ. Nhiều khi ngồi hang núi lại muốn chạy ra ngoài, cho nên cái đó không phải gốc, gốc là phải quên tâm, quên tâm tự nhiên cảnh diệt. Như vậy mới là người biết tu.

Cho nên muôn pháp chỉ là tâm, muôn pháp sanh vì tâm dấy niệm chạy theo. Tâm chạy theo cảnh không có thật. Pháp không thật, tâm không thật thì cầu cái gì? Thế nên người học Bát-nhã không thấy một pháp có thể được, vì không một pháp thật.

Dứt ý nơi tam thừa, chỉ một chân thật không thể chứng được,cái chân thật đó sẵn có, không nói chứng nói đắc.

Bảo là ta hay chứng hay đắc đều là người tăng thượng mạn,bây giờ lắm người tu hay khoe, tôi chứng cái này đắc cái kia. Tổ dạy thật rõ không có cái để chứng, không có cái để đắc. Tại sao? Vì cái sẵn của mình thì làm sao nói chứng, nói đắc được. Cho nên đến chỗ chân thật này Phật dạy: “Ta đối với Bồ-đề thật không sở đắc.”Ngài đối với Bồ-đề thật không sở đắc mà người ta nói Ngài đắc Bồ-đề. Đọc kinh nhiều khi chúng ta thấy mâu thuẫn, như kinh Bát-nhã nói “dĩ vô sở đắc cố” nghĩa là không có sở đắc. Từ Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã ba-la-mật-đa… chư Phật y Bát-nhã ba-la-mật-đa… đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghĩa là đắc hết. Đoạn trước thì không sở đắc, đoạn sau lại đắc. Như vậy là sao? Vô sở đắc vì tất cả pháp đều hư dối, do biết tất cả pháp hư dối nên chúng ta đầy đủ Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy, đó là đắc; không đắc mà đắc. Còn nếu thấy tất cả pháp thật, thì không đạt được gì hết. Hiểu như vậy mới thấy kinh nói dường như mâu thuẫn mà không mâu thuẫn. Phật không được Bồ-đề mà thật tình Ngài đã thành Chánh đẳng Chánh giác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567