Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Thần thông của ngài Mahà Moggallàna

13/01/201216:17(Xem: 6717)
07. Thần thông của ngài Mahà Moggallàna


Cuộc đời tôn giả Mục Kiền Liên

Tác giả: Hellmuth Hecker- Dịch giả: Nguyễn Điều

7- THẦN THÔNG CỦA MAHA MOGGALLANA

Trong bài pháp nói về những đệ tử có khả năng siêu phàm (Anguttara Nikàya I,13) Đức Phật đã đề cập đến Mahà Moggallàna như một bậc Thượng thừa trong những kẻ có thần thông trên thế gian.

Một hôm, Mahà Moggallàna cùng với các học trò đi kinh hành gần nơi Tăng hội (Samyutta Nikàya 14-15), Đức Phật đang có mặt và còn nói rõ: “Dĩ nhiên cũng có những đệ tử khác đã được thần thông quý báu, nhưng mỗi người chỉ tuyệt diệu trên một phương diện. Chẳng hạn như Sa-môn Anuruddha và Tỳ-kheo-ni Sakula đạt Thiên nhãn thông thấy rõ đủ loại chúng sanh trong tam giới. Tỳ-kheo Sobhita và Tỳ-kheo-ni Bhadda Kapilani thì có Túc mạng thông biết được hàng ngàn kiếp trong quá khứ. Tỳ-kheo Sagalo có thể đi trong lửa, không bao giờ bị cháy. Đệ tử Cula Panthaka có thể bay trên không gian, đi thăm các tầng trời. Và đệ tử Pilinda thì độc đáo trong việc nghe các hàng chư Thiên nói chuyện (Thiên nhĩ thông).

Nhưng Mahà Moggallàna thì xuất sắc nhất trên tất cả các phương diện. Ngài đã đạt được nhiều loại thần thông khác nhau, cao đẳng hơn các vị đệ tử khác! Ngay cả Tỳ-kheo-ni Uppallavanna là một bậc pháp thuật nổi tiếng cũng không vượt nổi thần thông của Mahà Moggallàna vậy!”.

Ai đã từng nghiên cứu về những sức mạnh “Siêu tâm lý” hay các bí mật Thần học (tuy trừu tượng nhưng rất thực dụng) sẽ khám phá ra được giá trị bản Kinh nói về thần thông của Mahà Moggallàna, và phải tin tưởng rằng ấy là một điều có thật!

Thế giới mà chúng ta gọi là vật chất, có thể tiếp nhận qua năm cảm quan (hay năm giác quan) được những nhà Vật lý học hiện nay cắt nghĩa như là “Sự biểu hiện của nhiên lực” v.v... vốn chỉ là một phần rất nhỏ trong cái “sự thật vô biên”. Sự thật ấy bao gồm tất cả mọi “Tĩnh động” từ cực tiểu đến cực đại mà con người chỉ thông thấu được môi trường rất hạn hẹp, khó có thể hiểu nổi những gì giới hạn của mình.

Nghi ngờ chớ không dám quả quyết xác nhận hay phủ nhận vì biết rằng nó nằm ngoài tầm tay tư tưởng của mình, rồi tạm dùng những từ ngữ như “Phản vật chất”, “Tâm lý lực” hay “Siêu nhiên” chính là con người đã bắt đầu cảm chứng những kỳ lạ mà khoa học không cắt nghĩa được. Vì chúng ta chỉ ý thức được một lãnh vực nhỏ hẹp, lãnh vực của thế giới “sinh động vật”, nên chúng ta luôn luôn có khuynh hướng lấy những “kiến thức” chuyển động giới hạn làm nguyên tắc tuyệt đối.

Nhưng vũ trụ đối với những bậc thanh tịnh Đại giác, đối với các bậc Thánh nhơn vượt khỏi mọi tầng lớp vật chất hóa hiện, là một vũ trụ to lớn khôn lường. Vũ trụ ấy vốn vừa độc lập với môi trường của chúng ta vừa có thể linh nghiệm nếu chúng ta đủ đem sức cái “ Tự nhiên” của mình rèn luyện thành cái “Siêu nhiên” của các bậc Thánh. Đây chính là chỗ gạch nối (hay còn gọi là mối liên hệ) giữa những huyền bí khác nhau mà người ta gọi là phép lạ! Điều đáng tiếc là một khi những trình độ siêu phàm ấy biểu hiện như một thần thông có thật, thì người ta vì quá bị cầm tù trong tư tưởng hẹp hòi, không thể ý thức rằng chính cái “sở năng hữu hạn” của mình không cho mình hiểu biết được các sự thật không thể chối cãi được.

Nhưng đối với các hàng siêu thế, như Đức Phật hay ngài Mục-kiền-liên chẳng hạn, khi đã tu luyện phát triển những khả năng thần nghiệm xuất thế, các ngài đã lọt vào trong những pháp hành vô cực, cao rộng hơn môi trường phàm tình rất nhiều và với những cảm quan đã hoàn toàn tinh diệu, nhất là đã đạt được “Tứ phần nhận thức” (Iddhipada), các ngài sẽ thấy rõ cái chơn lý Vô thượng, vô lượng, phi không gian lẫn phi thời gian.

Đối với các bậc này, viễn tượng hiểu biết thực nghiệm của họ sẽ nằm trong lẫn ngoài vũ trụ, không thể đo lường được, vượt khỏi mọi lằn mức và biên giới.

Kinh Majjhima Nikaya (Trung A Hàm) số 32 có ghi: Khi Sàriputta hỏi Mahà Moggallàna: “Loại Sa-môn nào mà Tăng chúng (đang) hội họp nơi đây nên tán dương nhiều nhất?”, Mahà Moggallàna trả lời rằng: “Theo quan điểm của bần đạo thì ấy là Sa-môn có trí tuệ luôn luôn tỏ sáng và có thể thảo luận và giảng giải một cách rành mạch mọi giáo lý của Đức Phật”

Nghĩa là Kinh đã xác nhận Moggallànaquả thật là người đủ khả năng nói pháp siêu hình.

Thật ra, những bài pháp giá trị cả bề rộng lẫn bề sâu là những bài pháp phải thoát ra từ cửa miệng của một người đã tu chứng đạt thần thông, vượt lên trên lãnh vực vật chất và cảm quan. Sa-môn nào càng mở rộng trí thức bằng những công phu siêu nhiên như thế, Sa-môn ấy càng có nhiều điều để nói. Nghĩa là hành giả khi tự mình đã chứng nghiệm trong diệu pháp giải thoát siêu phàm, họ sẽ có trí tuệ thông biện nhất để làm bộc lộ sức mạnh của Pháp bảo và kích thích người nghe. Những thí dụ về Mật pháp do Mahà Moggallàna thuyết ra như thế đã được ghi trong Majjhima Nikaya (Trung A Hàm số 15– 17), trong Anguttara Nikaya (Tăng Nhất A Hàm X, 84) và trong Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm 35, 202. 44,7-8)

Bây giờ chúng ta thử quay lại vấn đề “Thần thông” của Mahà Moggallàna (Mục-kiền-liên) ghi trong Kinh điển Phật giáo, dựa theo năng thức thể chất thì sẽ thấy những loại sau:

1- Tha tâm thông

Một lần nọ nhằm lễ Phát lồ (Uposatha)([1]), Đức Phật cùng Tăng chúng ngồi tĩnh tọa trọn cả đêm.

Khi bình minh ló dạng, Đức Phật chỉ tuyên bố: “Tăng hội đêm nay không trong sạch”. Đại đức Mahà Moggallàna lập tức dùng Tha tâm thông quan sát từ vị Tỳ-kheo này đến vị Tỳ-kheo khác, và tìm ra một tu sĩ hoàn toàn bị ô uế. Ngài liền đến trước mặt yêu cầu vị Tỳ-kheo ấy ra khỏi Tăng hội. Nhưng đương sự không chịu nhúc nhích. Sau khi cảnh cáo đủ ba lần, Mahà Moggallàna mới dùng “Đại thủ” (bàn tay lớn) nhấc bổng Tỳ-kheo ấy lên, rồi đem để ra ngoài phòng hội. Đoạn Mahà Moggallàna đóng cửa cẩn thận trước khi yêu cầu Đức Phật tuyên đọc Giới bổn (Patimokha Samvarasila) (Theo Anguttara Nikàya VIII, 20)

(Giới bổn là những điều răn cấm, gồm 227 điều dành cho phẩm hạnh Tỳ-kheo (Bhikkhu) Giới bổn này còn gọi là “Biệt biệt giải thoát giới” chỉ được tuyên đọc sau khi cộng đồng Tăng sự đã “sám hối” đầy đủ, đã được “ân xá” hay đã được “hành phạt” và trở nên trong sạch.

Lần khác, Đức Phật có mặt trong cộng đồng năm trăm vị Tỳ-kheo mà chỉ có Ngài mới biết tất cả là A-la-hán. Khi Mahà Moggallàna từ xa đến, ngài Mục-kiền-liên liền nhận ra các Thánh Tăng và lễ bái một cách kính cẩn.

Liền ấy, một trong số năm trăm vị A-la-hán đã đứng dậy ca ngợi Đại đức Mahà Moggallàna bằng những câu kệ (phỏng dịch thành thơ) như sau:

“Trong khe núi tâm người thanh tịnh,

Diệt tham, sân, phá tan chấp mê lầm.

Người xứng đáng cho Tăng đồ cung kính.

Vì thần thông, vì tuệ lực cao thâm.

Trong nháy mắt người nhận ra đạo hạnh.

Của Thánh nhơn, không còn chút bụi trần!

Tâm người sáng như kim đài óng ánh,

Vì người đây là Tôn túc tuyệt luân!”

(Samyutta Nikàya 8,10)

Ngoài ra, Kinh Tạp A Hàm (Samyutta Nikaya No 52, 1-2) cũng còn một đoạn ghi về Tha tâm thông của Mahà Moggallàna như sau:

“Khi ấy. Đại đức Anuruddha đang hành thiền tại một nơi vắng vẻ. Vì muốn biết rõ hiệu lực của diệu pháp Niệm xứ (Satipatthana) có khả năng tiêu trừ đau khổ, đánh tan phiền não, tiến tới giải thoát hoàn toàn như thế nào, mà Mahà Moggallàna đã dùng Tha tâm thông “bám sát” thiền cảnh của Anuruddha, rồi hiện ra trước mặt, yêu cầu Thiền tăng ấy mô tả chi tiết của phương pháp thực hành Niệm xứ”.

2- Thiên nhĩ thông

Một tối nọ, khi Đại đức Sàriputta đến thăm Đại đức Mahà Moggallàna, ông chợt thấy nét mặt của người đạo huynh này có một vẻ thanh tịnh lâng lâng, siêu thoát. Đại đức Sàriputta liền hỏi Mahà Moggallàna xem phải chăng người đang tịnh tâm trong một cõi thiền nào đó. Nhưng Mahà Moggallàna trả lời rằng: Tâm ông chỉ an trú ở cõi thiền thấp nhất. Còn nét mặt ông “trong suốt” là vì ông đang “lắng nghe” một bài pháp. Sàriputta liền hỏi: “Sư huynh nghe pháp của ai vậy?”, thì được trả lời: “Bần Tăng nghe pháp của Đức Thế Tôn!”.

Lúc ấy, Đức Phật đang ngụ tại thành Xá-vệ (Savatthi) rất xa kinh đô Vương Xá (Rajagaha), tức là nơi mà Sàriputta và Mahà Moggallàna đang có mặt. Đại đức Sàriputta liền hỏi:

“Phải chăng Mahà Moggallàna đã “xuất hồn” đi nghe Phật thuyết pháp hay Đức Thế Tôn dùng Phật lực đến bên cạnh Mahà Moggallàna để thuyết pháp?”. Mahà Moggallàna liền xác nhận rằng không phải ông xuất hồn đến gần Phật, cũng chẳng phải Phật lại gần ông, mà ấy chỉ là “sự vận dụng của Thiên nhãn thông và Thiên nhĩ thông” khi cả hai giác quan này của ông lẫn của Đức Phật đều đã tinh luyện. Nghĩa là với hai thần thông ấy, Đức Phật và Mahà Moggallàna tuy ở rất xa nhau, nhưng có thể nhìn thấy nhau, và đối đáp với nhau thật rõ ràng như ở gần vậy.

Sau đó, Đại đức Sàriputta tự động tán dương rằng: “Khi đạt được những thần thông như thế Đức Phật hay Mahà Moggallàna có thể sống mãi đến trọn kiếp trái đất, nếu Phật hay Mahà Moggallàna muốn!” (Samyutta Nikàya 21,3)

Ngoài ra, với “Thiên nhĩ thông” Maha( Mog-galla(na còn có thể nghe được “ngôn ngữ của phi nhơn, chư thiên, ma quỷ v.v… và có thể nhận rõ những tư thức của họ”. Chẳng hạn như có một lần, một ngạ quỷ đã báo cho ngài biết để ngăn chặn Đề-bà-đạt-đa, vị ác Tăng này định làm hại Đức Phật (Theo Kinh Culla Vagga VIII,2).

3- Thiên nhãn thông

Như đoạn trên vừa nói, Màhà Moggallãna đã dùng Thiên nhãn thông để thấy được Đức Thế Tôn xa hàng một trăm dặm. (Samyutta Nikàya 21,3)

Nhưng cũng còn những thuật sự sau đây:

“Lần nọ, Đại đức Sàriputta đang ngồi tham thiền gần chân núi, một quỷ Dạ-xoa (Yakkha) hung bạo đã dùng toàn lực đánh lên đầu Đại đức một cái như trời giáng, và nhanh như chớp, Đại đức Mahà Moggallàna cũng bận hành thiền, chợt thấy không ngăn kịp, bèn hỏi:

– “Đạo huynh Sàriputta! Người bị quỷ Dạ-xoa đánh có đau không?”

Đại đức Sàriputta mỉm cười trả lời:

– “Tôi chỉ cảm thấy có cái gì chạm nhẹ lên đầu”. Sau đó, Mahà Moggallàna liền tán dương oai lực của tâm an trụ. Còn Sàriputta thì khen ngợi Thiên nhãn của Mahà Moggallàna, vì chính mình không tài nào trông thấy được hung thần vừa tấn công mình hình dáng như thế nào. (Theo Kinh Udàna IV,4)

Một hôm, nhờ Thiên nhãn thông mà Mahà Moggallàna tuy ở xa vẫn thấy được đức vua Pasenadi bị thảm bại trong một trận đánh với người Licchavi. Nhưng sau đó nhà vua đã tập hợp được tàn quân rồi phản công và chiến thắng kẻ thù.

Khi Mahà Moggallàna thuật lại chuyện này, một số Tỳ-kheo vội kết tội ngài nói điều không thật và khoe pháp “Bậc cao nhân”, tức phạm vào một trong bốn đại tội gọi là Bất cộng trụ, phải bị mất phẩm hạnh Tỳ-kheo và bị trục xuất khỏi Giáo hội.

Tuy nhiên, Đức Phật liền dùng Thánh tuệ phán xét và phân giải rằng: “Này chư Tỳ-kheo! Mahà Moggallàna chỉ nói đúng những điều ông đã thấy, vì những chuyện ấy đã xảy ra”.(Theo Pàrajika IV,17)

Hơn thế nữa, Mahà Moggallàna cũng nhìn thấy rất thường sự biểu hiện của luật nhân quả: Ông thấy nhân loại sanh tử ra sao. Do những hành động xấu xa (như làm hại đồng loại chẳng hạn) đã khiến họ tái sanh vào các ngạ quỷ, chịu đau khổ như thế nào. Trong khi đó một số người khác nhờ làm nên việc lành đã được sanh vào các cõi trời Dục giới hay các cõi trời cao hơn.

Vì vậy cứ mỗi lần thuyết pháp, Mahà Moggallàna thường dùng những trường hợp như thế làm thí dụ chứng minh cho luật nhân quả. Thuật sự về Thiên nhãn thông này tìm thấy rải rác trong Kinh điển rất nhiều, không thể kể hết ra được.

Trong hai cuốn thuộc Tam tạng Pa(li nói về cảnh ngạ quỷ (Petavatthu) và các cõi trời Dục giới A-tu-la (Vimanavatthu), có chín trong số năm mươi mốt bài Kinh do Mahà Moggallàna thuyết về những sự sanh diệt do chính mắt ông trông thấy. Đây chính là lý do mà hầu hết học giả Phật giáo đều kết luận rằng Mahà Moggallàna là một vị Thánh Tăng duy nhứt biết được nhiều thế giới khác ngoài cõi người và thấu rõ mọi “Biến hành” của Nghiệp (Kamma).

Tuy thuật sự về Thiên nhãn thông của Mahà Moggallàna có quá nhiều, không thể kê khai hết được. Nhưng ít nhứt xin kể vài chuyện trong Kinh Samyutta Nikaya (Tạp A Hàm) số 19, 1-21 và trong Parajika 9,15 như sau:

Lần nọ, Mahà Moggallàna ẩn tu trên đỉnh Linh Thứu Sơn, gần thành Vương Xá (Rajagaha) cùng một Sa-môn tên Lakkhana (tức một trong số một ngàn đạo sĩ Bà-la-môn đã quy y Phật giáo cùng với Uruvela Kassapa).

Một buổi sáng nọ, khi hai vị Sa-môn xuống núi khất thực trong thành phố, Maha Moggallàna chợt mỉm cười khi đi qua một đoạn đường. Sa-môn Lakkhana thấy lạ bèn hỏi lý do thì Mahà Moggallàna trả lời vỏn vẹn rằng: “Bây giờ chưa phải là lúc bần đạo có thể nói cho Sư huynh nghe! Khi gặp Đức Bổn Sư, bần Tăng sẽ nói cho Sư huynh nghe cũng không muộn!”.

Sau đó, khi gặp Đức Phật, Sa-môn Lakkhana liền nhắc lại câu hỏi này thì được Maha Moggallàna trả lời: “Lúc ấy, bần Tăng thấy những ngạ quỷ đói rách chạy loạn trên không, sau lưng chúng có những “luồng ác khí” như phiền não, hối hận, đau đớn đuổi bắt!”.

Đức Phật cũng xác nhận “Ấy là một sự thật”. Ngài còn nói thêm: “Sở dĩ Như Lai ít khi đề cập đến chuyện ngạ quỷ khốn khổ là vì phàm nhân không thể nào tin được!”. Rồi Đức Thế Tôn còn dùng “Thông thiên tuệ” phân tích: “Loài ngạ quỷ vốn kiếp trước xem thường từ hạnh, chế giễu những kẻ chăm lo tu hành nên kiếp này thèm khát phúc đức. Mỗi khi chúng thấy một bậc chơn tu đi ngang là chúng lại gần để tinh thần bớt khổ não”. Phật kết luận: “Bọn ngạ quỷ ấy biết Mahà Moggallàna có nhiều thần thông muốn cầu ông ta giải cứu, nhưng vì nghiệp ác của chúng dày, không mở miệng ra được nên chúng cứ chạy quanh để kích thích lòng từ bi của Mục-kiền-liên đấy!”

4- Di hành thông (hay còn gọi là Di thân pháp)

Đây chính là loại thần thông mà những chúng sanh nào mang sự sống bằng vật chất phải cần dùng nhất.

Kinh chép: “Chỉ dễ dàng như một người muốn co cánh tay vào hay duỗi cánh tay ra, và nhanh chóng như thế, thì Mahà Moggallàna cũng có thể “khởi hành” (với xác thân của mình) từ cõi người, rồi xuất hiện trên cõi trời trong khoảnh khắc”.

Đại đức Mahà Moggallàna đã sử dụng thần thông ấy nhiều lần để vừa đi thuyết pháp cho những Thiên chúng ở các cõi trời nghe vừa quay về trần gian lo việc Giáo hội. Một trong những kỳ công ấy là Mahà Moggallàna đã giảng đạo đến chư Thiên ở tầng trời thứ ba mươi ba (Tava-timsa: Tha Hóa Tự Tại thiên) giúp họ phần lớn nhập vào Thánh lưu, và nhắc nhở luôn cả vua trời Đế Thích (Sakka) xem vua còn tin tưởng vào giáo lý giải thoát của chư Phật hay không. (Theo Majjhima Nikàya: Trung A Hàm số 37)

Theo thuật sự Jakata số 483E thì khi Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp ròng rã trong vòng ba tháng để độ “Phật mẫu”. Mahà Moggallàna đã là vị môn đệ duy nhất lên thông báo mọi tin tức Giáo hội ở thế gian đến Đức Phật và xin chỉ thị của Ngài.

Trong khi “du hành” làm Phật sự như thế Mahà Moggallàna không phải chỉ “ghé thăm” các chư Thiên ở cõi trời Dục giới, mà ngài còn lên cả đến các cung trời Sắc giới lẫn Vô sắc giới. Khi Mahà Moggallàna xuất hiện, các Phạm Thiên vốn không tin có một đạo sĩ nào đủ khả năng lên tới cảnh trời của họ bèn chất vấn, mới hay đó là thần thông của Sa-môn Moggallàna, đại đệ tử Phật. Từ đó, các Đại Phạm Thiên không dám dễ duôi cho rằng “họ là những vị trời bất diệt” nữa. (Theo Kinh Samyutta Nikàya 6,5)

Đặc biệt nhứt là Mahà Moggallàna đã tìm ra được một vị Phạm thiên tên là Tissa, kẻ trước đó không bao lâu chính là một Tỳ-kheo đệ tử Phật, đã viên tịch và sanh vào cõi trời này. Nhờ nghe được Pháp bảo của Mahà Moggallàna mà Phạm thiên Tissa đã chứng quả giải thoát ngay sau đó. (Theo Anguttara Nikàya: Tăng Nhất A Hàm IV, 34-VII 530)

5- Phổ lực thông

Đối với những vật chất (hữu hình) hay vật tính (vô hình) dù có trọng lượng và cấu lực vững chắc đến đâu, Mahà Moggallàna cũng có thể lay chuyển dễ dàng.

Lần nọ, nhân lúc một nhóm Tỳ-kheo ngụ tại một tu viện, xem thường các bậc Thánh Tăng và dễ duôi phận sự tu hành, cứ bận tâm tập luyện thân thể cho được cường tráng. Đức Thế Tôn hay chuyện này, hiểu rõ lòng tin sức mạnh vật chất thái quá của họ, bèn bảo Mahà Moggallàna nên sử dụng thần thông để cảnh cáo. Mahà Moggallàna vâng lời Phật dạy, chỉ dùng một ngón chân ấn nhẹ, làm rung chuyển nhiều tòa nhà khiến cho toàn thể tu viện mệnh danh là “Lãnh vực thiên đường Miga(ra” như trải qua một cơn đông đất. Nhìn thấy thần lực phi thường của Mahà Moggallàna toàn thể Tỳ-kheo từ đó không dám dễ duôi, bắt đầu kính sợ Đức Phật và các hàng Thánh Tăng. Nhân đó, Đức Thế Tôn đã giảng giải về bốn yếu tố tạo nên thần lực (Iddhipada) và chỉ có Mahà Moggallàna mới hội đủ bốn yếu tố này. (Theo Kinh Samyutta Nikàya số 51, 14 và Kinh Jàtaka 299E)

Kinh Majjhima Nikaya (Trung A Hàm số 37) cũng kể rằng: “Khi Moggallàna đến thăm vua trời Đế Thích (Sakka) tại thiên giới, rồi nhận ra rằng vị vua trời này đang bắt đầu khởi niệm “dục mạng”, ngã chấp tâm tự hào và khoái lạc trong những hạnh phúc tiên cảnh, quên hết chơn lý giải thoát. Mahà Moggallàna liền sử dụng Phổ lực công làm lay động nhẹ ngôi đền của Đế Thích ở, có tên là “Bất Diệt cung”, khiến cho Đế Thích giật mình hoảng sợ. Sau đó, Đế Thích mới từ bỏ ngã mạn và lắng nghe vị Thánh Tăng nhắc lại pháp tiêu trừ tham ái, mà ông đã được Phật dạy trong một thiên niên kiếp trước. Pháp ấy cũng là pháp Phật đã dạy đến Mahà Moggallàna để tiến lên quả vị giải thoát.

Lần khác, khi Đức Phật còn tại tiền, có một nạn đói đã xảy ra ở vùng Đức Phật cùng Tăng chúng đang ngụ. Chư Tăng đi trì bình chẳng đủ thực phẩm. Vì vậy, Mahà Moggallàna liền yêu cầu Đức Thế Tôn cho phép ông đảo ngược lớp mặt đất vì có những chất nằm trong lòng đất có thể trồi lên và con người có thể ăn được,

Nhưng Đức Phật đã bảo Mahà Moggallàna không nên làm vì sẽ gây sự hủy hoại sanh mạng của một số lớn sinh vật sống trong lòng đất. Hơn nữa, nạn đói cũng là một ác quả phải trả của một số người không thể tránh được.

Đại đức Mahà Moggallàna liền nêu lên một giải pháp khác: Đệ tử có thể dùng thần thông để mở ra một con đường rất ngắn đến xứ Utta-rakuru (khá sung túc và cách đó rất xa) để chư Tăng có thể đi khất thực.

Lần thứ hai, Đức Phật cũng bác bỏ và dạy rằng: “Nạn đói không thể làm hại những Sa-môn đầy đủ đạo hạnh! Dù cho các Sa-môn ấy không có một chút thần thông!”. (Theo Kinh Pàràjika I,2). Đây là trường hợp duy nhất mà Đức Phật đã từ chối lời đề nghị của Maha Moggallàna.

Ngoài ra, Mahà Moggallàna cũng có thần thông đem được bất cứ vật gì ở bất cứ nơi nào trên thế giới, đến chỗ mình muốn. Chẳng hạn như trong Kinh ghi: “Khi Sàriputta bị bệnh, Mục-kiền-liên (Mahà Moggallàna) đã dùng thần thông lấy cuống sen trên đỉnh núi Hy-ma-lạp-sơn về làm thuốc cho vị đạo huynh này”. (Theo Mahà Vagga VI, 20 và Culla Vagga V, 34)

Chỗ khác, Kinh Jataka số 78E còn nói: “Đại đức Mahà Moggallàna, trong chốc lát đã lấy về một chồi cây Bồ-đề cách xa hàng trăm dặm cho ông Bá hộ Cấp Cô Độc (Anathapindika) trồng trong khuôn viên Kỳ Viên Tự”.

Nhưng theo một thuật sự khác về vấn đề tranh tài thì Mahà Moggallàna đã từ chối:

Số là thuở ấy, những tín đồ ngoại đạo và một số những Trưởng giả trong thành phố đã tổ chức một cuộc biểu dương thần thông. Họ treo giải thưởng là một bình bát bằng vàng, cột ở đỉnh trụ rất cao, mà đạo sĩ hay Sa-môn nào lấy được tức là người vô địch.

Khi Tỳ-kheo Pindola yêu cầu Maha Moggallàna “sử dụng thần thông để cho quần chúng khâm phục oai lực của Tăng bảo” thì Mahà Moggallàna đã từ chối. Ngài nói rằng:

– “Sư đệ có thể làm việc đó!”.

Và khi Pindola lấy được bát quý, khiến cho quần chúng kính nể các đệ tử của Đức Cồ Đàm thì Đức Thế Tôn đã khiển trách ông ấy. Phật dạy: “Này Pindola! Từ nay về sau, ông chớ biểu diễn thần thông vì mục đích ham danh như thế!” (Theo Culla Vagga V,8)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567