Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8: Nền kinh tế Phật giáo

28/04/201104:45(Xem: 5260)
Chương 8: Nền kinh tế Phật giáo

XÃ HỘI HỌC PHẬT GIÁO
Buddhist Sociology
Nandasena Ratnapala - Thích Huệ Pháp dịch
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn 2011

Chương 8: Nền kinh tế Phật giáo

Người ta thường cho rằng, Phật giáo hầu như không có một lý thuyết kinh tế đáng chú ý nào. Quan niệm này phát khởi bởi tư tưởng sai lầm khi cho rằng Phật giáo là một tôn giáo quan tâm nhiều đến kiếp sau hơn là những vấn đề thường ngày trong cuộc sống hiện tại. Tư tưởng Phật giáo cho rằng, nếu chúng ta có một đời sống chánh kiến thì hạnh phúc đến với chúng ta không những đời này mà còn đời sau. Phật giáo luôn nhấn mạnh về cuộc sống đạo đức và lương thiện trong đời hiện tại hơn là đợi đến kiếp sau. Thậm chí, ngay cả niết bàn, sự khát khao giải thoát cuối cùng của người phật tử cũng có thể đạt được ngay chính trong cuộc sống này.

Trong các kinh điển Phật giáo, không có một chương hay phần nào nói về kinh tế một cách độc lập, chúng ta phải tìm hiểu chúng trong rất nhiều bộ kinh khác nhau, tìm những gì liên quan có đề cập tới vấn đề kinh tế, sau đó kết nối chúng lại thành một hệ thống phù hợp với tinh thần giáo lý Phật giáo. Đức Phật luôn cung cấp cho chúng ta những bài thực hành để kiểm chứng những gì mà Ngài đã dạy.

Có một đoạn thơ ca đơn giản chứa đựng những yếu tố cần thiết của tư tưởng kinh tế Phật giáo được tìm thấy một cách tình cờ trong một quyển kinh(1). Đoạn thơ này nói về một anh nông dân chia số tiền mà mình kiếm được thành bốn phần bằng nhau. Phần đầu, anh ta sử dụng để chi tiêu vào những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống như thức ăn, quần áo v.v.. Hai phần kế tiếp dùng để tái sản xuất, nhằm sinh lợi bằng các hoạt động như chăn nuôi hay buôn bán. Và phần còn lại, anh ta để dành phòng khi gặp tai nạn hay ốm đau. “Phần thứ nhất để chi dùng, hai phần kế tiếp để buôn bán kinh doanh, phần thứ tư dự trữ để sử dụng khi cần…”(2).

Bài kệ đơn giản này cần được nghiên cứu kỹ càng những gì cần truyền đạt ẩn chứa đằng sau giá trị đã hiển lộ bên ngoài. Cũng trong đoạn thơ này, chúng ta cũng thấy rõ các phương tiện để phát triển kinh tế của một cá nhân, tập thể hay quốc gia. Chính sách kinh tế cơ bản của một đất nước cũng được phác thảo trong đoạn thơ này. Nếu không phân tích kỹ lưỡng, và không dựa trên tinh thần Phật giáo thì khó mà làm sáng tỏ nghĩa mà đoạn thơ trên cung cấp.

Trong xã hội Phật giáo, một cá nhân bất cứ làm công việc gì để kiếm sống cũng phải dự trữ một khoản thu nhập của mình. Phần tích lũy này sẽ được dùng đến khi cần thiết. Chỉ cần một phần tư số tiền kiếm được, chúng ta cũng có thể có một cuộc sống thuận lợi. Nếu điều này áp dụng cho một quốc gia, những người trong độ tuổi lao động, có việc làm chính đáng sẽ đảm bảo khả năng tài chính của mình, những người không có khả năng lao động thì được sự trợ giúp từ chính phủ.

Nhà nước phải đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Những người bị tật nguyền, mất khả năng lao động thì chính phủ phải chăm sóc và giúp đỡ nhưng không được gây tổn thương nhân cách của họ. Hai chỉ dấu để đo lường sự thịnh vượng của nền kinh tế một quốc gia được tư tưởng Phật giáo nêu ra như sau:

1. Người dân có thu nhập thường xuyên không? (do lao động sản xuất hay trợ cấp).

2. Người dân có thể thỏa mãn các nhu cầu cần thiết cho gia đình chỉ với một phần tư tổng thu nhập?

Thực phẩm, quần áo, nhà cửa, thuốc men, giáo dục (tức là sự phát triển về tinh thần) là những nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Thực phẩm thiết yếu phải được sản xuất ngay chính trong nước để tránh tình trạng thiếu hụt lương thực gây bất ổn xã hội. Thực tế cho thấy, với một nền kinh tế phát triển thì chỉ cần một phần tư tổng thu nhập hàng tháng là có thể thỏa mãn năm nhu cầu thiết yếu trên. Chính sách kinh tế cơ bản của một quốc gia được xây dựng để phù hợp với những mục tiêu đó.

Dòng thứ hai của bài thơ nói rằng một nửa thu nhập nên dùng vào việc kinh doanh sinh lời hay chi cho các hoạt động có ý nghĩa. Những hoạt động như thế sẽ làm cho tài chính gia tăng, không gây ra gánh nặng cho người khác. Những hoạt động ý nghĩa bao gồm đầu tư phát triển kỹ năng, giáo dục hay cung ứng các nhu cầu vật chất. Theo ngữ nghĩa này, đây là những lĩnh vực đầu tư cơ bản theo tư tưởng kinh tế Phật giáo.

Dòng thứ tư liên quan tới việc tiết kiệm. Phật giáo luôn khuyến khích việc tiết kiệm tiền của, vì nếu không biết tiết kiệm, chúng ta sẽ phải đối diện với sự khủng hoảng tài chánh; đặc biệt những lúc đau ốm đột xuất. Nếu không có sự tích trữ của cải, thì một cá nhân hay một quốc gia chắc chắn rơi vào nợ nần.

Sự thịnh vượng của một nền kinh tế, ngoài hai chỉ dấu trên, còn được đánh giá theo những thước đo sau:

1. Mức độ khoẻ mạnh về tâm lý cũng như sinh lý của người dân trong một quốc gia. Sức khoẻ được xem là tiêu chuẩn hàng đầu của một đất nước có nền kinh tế phát triển.

2. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên của quốc gia một cách sáng suốt bao gồm cả việc bảo vệ môi trường. Tài nguyên thiên nhiên không được khai thác bừa bãi và lãng phí. Môi trường cũng bao gồm những thảm thực vật phải được bảo vệ hết sức cẩn thận. Được sống trong một môi trường trong lành là một niềm hạnh phúc vô biên.

3. Không có sự bóc lột sức lao động của người cũng như loài vật. Sự bóc lột được định nghĩa là: Sử dụng sức lao động của người khác vào công việc của mình nhưng tiền công hay lợi nhuận mà người làm thuê được trả, ít hơn nhiền lần số tiền mà họ xứng đáng được nhận. Trong một quốc gia có nền kinh tế phát triển, vấn đề này hầu như không có hoặc nếu có; được giảm tới mức thấp nhất.

4. Mọi người dân đều được tiếp cận các nguồn lực vật chất và tinh thần (nghĩa là cơ hội giáo dục). Không một cá nhân hay một nhóm cá nhân có quyền lực hơn những người khác.

5. Những bất ổn xã hội phải được giảm thiểu đến mức thấp nhất trong một xã hội kinh tế phát triển. An lạc và thái bình là đặc điểm của một xã hội thịnh vượng. “Dân chúng có công ăn việc làm sẽ không bao giờ gây bất ổn cho đất nước; ngân khố của nhà vua ngày càng tăng lên; đất nước thái bình, an lạc; công chúng hân hoan múa hát; nhà cửa mở toang đón chào”(3).

Trong giáo lý Phật giáo có đưa ra năm loại hình kinh doanh mà nhà nước không nên khuyến khích sản xuất và buôn bán; không để cho tư nhân tham gia và phải công khai những hoạt động thương mại này:

1. Chế tạo và buôn bán vũ khí, các thiết bị dùng để chiến tranh.

2. Sản xuất các hóa chất độc hại.

3. Sản xuất, phổ biến và kinh doanh rượu, các chất gây nghiện nguy hiểm.

4. Nuôi động vật cho mục đích săn bắn.

5. Kinh doanh xác thịt (hoạt động mại dâm).

Tư tưởng kinh tế Phật giáo quan sát cuộc sống bằng cái nhìn của tổng thể. Quan sát một sản phẩm, chúng ta thấy nó được tạo thành từ những thành phần thuộc về vật chất và những thành phần không phải là vật chất. Hay nói cách khác, có mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần trong một sản phẩm. Sự phát triển của một cá nhân liên quan tới gia đình, sự phát triển của một gia đình có liên quan tới cộng đồng, và cộng đồng liên quan tới một quốc gia, lãnh thổ, và có mối liên hệ giữa quốc gia này tới quốc gia khác. Loài người là trung tâm của sự phát triển. Nhưng chúng ta không được quên các loài động vật, chim muông cũng như cây, cỏ v.v...(4). Chắc chắn một điều rằng, các loài động, thực vật rất gần gũi với con người, là một phần tất yếu của sự sống trên hành tinh. Vì thế, sản xuất kinh doanh mà phá hủy chúng thì kết quả mà con người nhận lãnh sẽ rất bất hạnh trong tương lai. Nói cách khác nếu bất chấp sản xuất kinh doanh mà phá hủy môi trường thì hậu quả khó lường.

Phật giáo cho rằng, khi tạo ra một sản phẩm nào đó để phục vụ con người thì nhất thiết phải lấy con người làm trung tâm. Một sản phẩm không thể tạo ra chỉ vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi sự ảnh hưởng của sản phẩm đó đến người tiêu dùng. Đạo đức kinh doanh phải được đặt lên hàng đầu và chỉ tham gia một hoạt động kinh tế nếu không vi phạm các điều sau:

1. Khai thác bóc lột sức lao động của người khác.

2. Gia tăng lợi nhuận của mình mà cướp đi nhu cầu cơ bản của người khác.

3. Không tham gia vào năm thứ kinh doanh như đã đề cập trên.

4. Không sử dụng lãng phí và làm mất cân bằng tài nguyên thiên nhiên hoặc phá hủy môi trường sinh thái.

Thực vậy, tư tưởng kinh tế của Phật giáo rất có giá trị. Nó đòi hỏi một hoạt động kinh doanh phải đem lại hạnh phúc, thỏa mãn vật chất, lợi ích cho đa số dân chúng. Một hoạt động kinh tế cũng là một hành động có ý chí (nghiệp) dẫn đến kết quả hạnh phúc hay đau khổ của chính người tạo ra nó. Vì thế, chỉ nên hoạt động kinh doanh để gặt hái kết quả hạnh phúc trong đời này và đời sau.

Nghiệp là một năng lực tác động đến sự hiện hữu của con người trong đời sống. “Con người chịu sự chi phối của tính di truyền, của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, ý thức hệ và của nghiệp lực quá khứ”(5). Nhưng cũng có thể không bị bất kỳ cái nào trong số đó tác động hay chi phối. Với lòng khát khao cộng với ý chí tự do, con người có thể thoát khỏi các yếu tố ràng buộc trên.

Nghiệp lực cũng như các nhân tố kia có thể quyết định chúng ta sinh trong một gia đình giàu sang hay nghèo đói. Nhưng điều đó không có nghĩa là người nào đó sẽ luôn sinh ra trong sự giàu có hay nghèo đói mãi mãi. Chính hành động thiện hay bất thiện của mình trong hiện tại sẽ quyết định số phận trong tương lai. Phật giáo luôn nhấn mạnh đến điều này. Điểm mấu chốt của sự phát triển kinh tế nằm ở quy tắc sau: “Hãy lưu ý, sự siêng năng cần cù luôn gặt trái ngọt”.

Đức Phật nhận thấy rằng cần phải có biện pháp cấp bách để giải quyết sự đói nghèo. Bốn hay năm nhu cầu cơ bản không đáp ứng thì con người sẽ rơi vào cảnh khốn cùng. Trách nhiệm của nhà nước là phải giúp đỡ để người dân thoát khỏi cảnh nghèo đói. Một khi sự bần cùng xuất hiện tại quốc gia nào thì ắt hẳn nền kinh tế của quốc gia đó lạc hậu, chậm tiến. Sự tăng trưởng sản phẩm quốc nội hay thu nhập bình quân đầu người có thể không làm thay đổi nền kinh tế của một quốc gia nếu không ưu tiên đảm bảo cho người dân thoát khỏi đói nghèo, thoát khỏi tình trạng bất hạnh của họ như nền kinh tế phát triển mà Phật giáo đề cập.

Câu chuyện về một anh nông dân bụng đói đến gặp đức Phật để xin miếng ăn được mô tả trong kinh điển. Việc đầu tiên mà Ngài làm trước khi ban lời giáo huấn là yêu cầu thị giả mang thức ăn tới cho người đó. Chỉ cần nhu cầu cơ bản (trong trường hợp là thức ăn) không đáp ứng được thì sự phát triển về thể chất và tinh thần là điều không thể. Vì vậy, Phật giáo nhấn mạnh việc đề ra các chính sách để giúp đỡ tầng lớp khó khăn không đủ sống trong xã hội để họ có thể tự mình vươn lên.

Một dịp nọ, đức Phật hỏi các vị đệ tử về sự bần cùng, nghèo khổ và hậu quả của vấn đề này:

“Này, các tỷ kheo, những người thế tục lang thang không thích sự nghèo đói?

“Chắc chắn rồi, thưa Thế Tôn”.

“Và những người lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, cũng không mong muốn điều đó xảy ra?”

“Dạ vâng, thưa Thế Tôn”.

“Và những người mắc nợ, mượn tiền cũng không mong điều đó chứ?”

“Dạ đúng như thế, thưa Thế Tôn”.

“Và đến kỳ phải trả nợ, họ không đủ khả năng để trả; bị ép bức;

đánh đập; họ có mong muốn điều bất hạnh này xảy ra không?” “Chắc chắn là không rồi, thưa Thế Tôn”(6).

Phương pháp của Phật giáo trong việc giải quyết vấn đề này là phải tìm hiểu bần cùng là gì; sau đó xác định nguyên nhân đưa đến sự bần cùng đó; sự cần thiết để giảm sự bần cùng và triển khai các chính sách để chống lại sự bần cùng đó. “Vì thiếu hụt nhu cầu sống cơ bản, thực phẩm trống rỗng, sự nghèo đói đã lan tràn trong xã hội. Từ đó, nảy sinh trộm cướp, bạo lực, giết người, vu khống, mại dâm, lừa dối, tham lam, ác tâm, phóng đãng, trụy lạc cuối cùng dẫn tới sụp đổ đạo làm con hay lòng mến mộ đạo pháp. Những điều trái đạo đức như thế sẽ sinh sôi nảy nở trong chốn nhân gian”(7).

Không công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực vật chất và tinh thần là nguyên nhân dẫn tới nghèo đói. Sống dưới mức sống tối thiểu, chỉ có thể hưởng những nhu cầu tối thiểu nhất, ngoài ra chẳng có gì thêm thì đó chính là sự bần cùng. Tiêu chuẩn về sức khoẻ giảm sút, xã hội nổi loạn cũng là từ nguyên nhân nghèo khó mà ra. Dù cho những nhu cầu sống cơ bản có đáp ứng ở một mức độ nào đó, thì một số người cũng đã rơi vào cuộc sống khó khăn vì nghiện rượu, cờ bạc, ma túy hay đam mê những sản phẩm giải trí vô ích. “Những ai nghiện cờ bạc, rượu chè, sắc đẹp phung phí tiền của để thỏa mãn đam mê” chắc chắn lâm vào cảnh bần cùng cơ cực.

Con người bị dục vọng và lòng tham chế ngự, là nô lệ của tham ái, vì thế xã hội luôn có đói nghèo. Giáo lý Phật giáo đề cập tới Lý-duyên-khởi, mà theo đó, mỗi một chi trong mười hai chi đó luôn có mối quan hệ ràng buộc lẫn nhau, không thể tách rời nhau: Do vô minh che lấp nên sinh ra Hành, từ Hành sinh ra Thức, từ Thức sinh ra Danh sắc, từ Danh sắc sinh ra Lục nhập, từ Lục nhập sinh ra Xúc, từ Xúc sinh ra Thọ, từ thọ sinh ra Ái, từ Ái sinh ra Thủ, từ Thủ sinh ra Hữu, từ Hữu sinh ra Sanh, từ Sanh sinh ra Lão, Tử. Theo ngữ nghĩa này, thì nghèo đói phát sinh không chỉ do một nhân tố là vô minh mà cũng liên quan đến những nhân tố khác. Đó chính là mắc xích quan trọng trong việc tìm hiểu nguyên nhân của đói nghèo.

Nguyên nhân nào gây ra nghèo đói? Vô minh là nguyên nhân chính, và từ vô minh các nguyên nhân khác phát sinh. Mỗi một nguyên nhân trong mười hai nguyên nhân đó đều có liên quan với nhau. Bản chất phức tạp của những nguyên nhân này phải được quán triệt, từ đó xem xét những nhân tố đó ảnh hưởng như thế nào đến một cá nhân và môi trường xung quanh của cá nhân đó. Trong kinh điển Phật giáo có nêu ra những ví dụ nói rằng chính những dục vọng của con người, cũng như những chính sách sai lầm của nhà nước tạo điều kiện cho nghèo đói phát triển. Con người bị tham ái chế ngự, ngày càng muốn thâu tóm nhiều ruộng đất dẫn tới tình trạng đất đai tập trung vào một số người. Sau đó, cho người khác thuê lại, không muốn phải ra đồng nhặt lúa hàng ngày. Không

muốn phải đụng tay chân cho công việc nhưng lại thích lúa gạo đầy kho. Một số người khác thì làm biếng chỉ tìm cách ăn trộm tài sản của người khác. Tất cả những điều này, tạo ra mất cân bằng trong việc phân phối tài nguyên vật chất trong xã hội. Chính quyền đã không đưa ra bất kỳ chính sách kinh tế hữu ích nào để chấm dứt tình trạng này trong nước(8). Chính sách kinh tế của quốc gia phải được can thiệp một cách tích cực nhằm đem lại sự cân bằng trong việc hưởng thụ vật chất và tinh thần cho dân chúng.

Những hành động chống lại xã hội phát sinh từ những nguyên nhân phức tạp mà trong đó lúc nào cũng liên quan tới nghèo khổ. Một khi chúng đã phát sinh thì tạo ra thêm những điều kiện khiến cho nghèo đói vốn hiện hữu thêm trầm trọng. Theo như Lý-duyên-khởi, thì những nguyên nhân và kết quả của nghèo đói đó chạy trong một vòng tròn không có lối thoát. Vì thế, đấu tranh chống lại đói nghèo thật sự không đơn giản như tư tưởng Phật giáo đã nói. Muốn vậy, nhà lãnh đạo hay chính quyền phải hiểu bản chất của nghèo đói một cách sâu sắc, sau đó, phát thảo những chính sách kinh tế để giải quyết vấn nạn này. Những chính sách như thế nên áp dụng khác nhau cho những vùng khác nhau trong một đất nước.

Triệt tiêu đói nghèo là một vấn đề nan giải. Có thể thực hiện được điều này khi vô minh bị tiêu diệt hoàn toàn. Đây là điều không tưởng trong xã hội loài người. Vì con người bị tham ái chế ngự, chỉ có một số ít có thể chiến thắng lòng tham. “Chỉ có một số ít chúng sanh có thể vượt qua bờ bên kia (giải thoát), số còn lại chỉ loanh quanh bờ bên này”. Khi chúng sanh không chọn con đường giải thoát thì việc loại trừ nghèo đói là chuyện không tưởng. Con người thường rơi vào nghèo cùng khốn khổ vì sự làm biếng của mình. Chúng ta phải làm gì để giảm thiểu nghèo đói đến mức thấp nhất trong xã hội?

Phương pháp nào có thể thực hiện trong trường hợp này? Xưa kia, vị vua của một nước đã nghĩ ra một phương pháp để giải quyết nạn đói nghèo đang hoàng hoành trong quốc độ mình bằng việc tổ chức một cuộc tế lễ vĩ đại. Các quan đại thần đã khuyên đức vua không nên sử dụng lãng phí tài nguyên đất nước để tổ chức một nghi lễ như thế, việc đó sẽ tiêu tốn tiền của và những nguồn lực khác một cách vô ích; giết hại muông thú vô tội; tạo ra gánh nặng thuế má cho dân chúng v.v...(9).

Một giải pháp nữa được đức vua đó thực hiện là triệu tập những người nghèo và những người có hành vi cướp bóc (vì nghèo đói) đến và hỏi rằng:

“Tại sao lại đi ăn trộm, cướp bóc lẫn nhau?” nhà vua hỏi. “Vì chúng tôi quá nghèo và đói” họ trả lời.

Thế là nhà vua ban cho họ ít tiền đủ để mua những thứ thiết yếu trong cuộc sống. Nhưng phương pháp này không thể giải quyết được vấn đề khó khăn đó.

Vị vua đó đã không nhận ra những nhân tố đóng vai trò then chốt trong cách hành xử của những người này. Một khi cá nhân hay nhóm nào đó mà hành vi của họ đã trở thành thói quen thì khó mà dứt bỏ được trong ngày một ngày hai. Và điều quan trọng nữa, chỉ với một ít tiền như thế làm sao có thể thay đổi cuộc đời họ, hành vi của họ, cơn nghèo đói của họ.

Thứ nữa, nhà vua và chính quyền đã quên đi việc người khác sẽ nghĩ gì về cách giải quyết này. Khi nhà vua ban tặng của cải cho những kẻ cướp như kể trên, thì tin tức đó sẽ lan truyền. Những cá nhân khác hay nhóm khác bắt đầu có xu hướng bắt chước những kẻ tội phạm nhưng được ban tặng tiền bạc. Nhà vua cũng đã cảnh báo: “Không được để cho người khác biết rằng là trẫm ban tặng vật chất cho các người!” nhưng điều đó là vô nghĩa. Những người khác biết rõ bọn xấu là ai, cách sống của họ như thế nào và đặt câu hỏi tại sao họ lại được nhà vua chiếu cố v.v... Những người được ban tặng của cải, khi trở về nhà, không ai có thể ngăn họ khoe khoang số của cải mới kiếm được. Và những người xung quanh liền nghĩ: “Họ như thế mà có được sự ban tặng, tại sao chúng ta lại không làm thế nhỉ”.

Sau khi thực hiện phương pháp chiêu dụ trên thất bại, nhà vua bắt đầu dùng biện pháp mạnh để trừng trị kẻ phạm pháp, kẻ gây rối trật tự xã hội - đều khởi nguồn từ nghèo đói. Họ bị bắt và chịu nhục hình. Dân chúng thấy thế bắt đầu theo gót chính quyền, hãy để chúng tôi bắt những kẻ vô lại này; luật pháp rơi vào tay dân chúng. Và kết quả là tình trạng bạo loạn trong nước gia tăng. Phật giáo luôn nhấn mạnh rằng chính quyền hay nhà nước không nên ban hành những chính sách hay luật có lợi hay tạo điều kiện cho những hành vi xấu trong xã hội phát triển.

Một chính sách thích hợp để giải quyết vấn đề này là từng bước đảm bảo sự tiếp cận một cách công bằng các nguồn lực vật chất và tinh thần cho mọi người dân. Nhà nước nên có chính sách để thực hiện được điều này, đảm bảo không ai có quyền hay vị trí thuận lợi để được nhận tài nguyên hơn những người khác.

Nhà vua hay chính quyền phải có những chính sách bảo hộ cho những cá nhân thuộc nhóm yếu trong xã hội để chắc chắn họ có được công bằng trong việc tiếp cận các nguồn lực vật chất và tinh thần. Để xác định các vấn đề khó khăn của đất nước hay tìm hiểu cuộc sống của người dân, những vị vua phật tử trong quá khứ thường cải trang thành thường dân để vi hành trong nhân gian(10).

Theo Phật giáo, chính sách để phát triển kinh tế dựa trên bốn nguyên tắc quan trọng sau:

1. Những thứ có liên quan tới sản xuất kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp phải được cung cấp cho người dân như: Hạt giống, gia súc, phân bón, đất canh tác, nước, kênh tưới tiêu, dụng cụ v.v.. Nói tóm lại, những hoạt động hỗ trợ như vậy của chính phủ rất đáng trân trọng. Trong chính sách kinh tế, nhà nước phải lấy nông nghiệp làm đầu, song song với nó là khuyến khích ngành công nghiệp sinh học và các ngành công nghiệp khác để tạo ra sản phẩm phục vụ nhu cầu sống của người dân.

2. Khuyến khích giao thương buôn bán vì chúng mang lại lợi nhuận cho đất nước. Chính phủ phải giám sát sự giao thương buôn bán này để có thể bảo vệ lợi ích của người lao động và người tiêu dùng. Cho vay nặng lãi ở các ngân hàng cũng phải xem là vi phạm pháp luật.

3. Những quan chức cũng như các chuyên gia phục vụ đất nước phải có những chế độ đãi ngộ thích đáng như lương bổng, thăng chức, nghỉ phép, khích lệ hay những đặc quyền khác để họ phấn đấu cống hiến hết sức mình cho công việc. Không được tạo điều kiện để họ tham nhũng, hối lộ cũng như bỏ bê công việc của mình.

4. Nhà nước nên ủng hộ và khuyến khích những cá nhân tham gia vào các lĩnh vực phát triển tinh thần(11).

Thuế thì cần thiết. Nhờ thu thế, nhà nước mới có đủ tài chánh để giúp đỡ người nghèo trong xã hội. Thuế không được dùng vào những mục đích chi tiêu phung phí. Ở phần trên có nhắc tới việc các vị đại thần khuyên đức vua không nên bắt dân nộp thêm thuế để tổ chức đại tế đàn. Việc thu thuế có thể so sánh như con ong lấy mật mà không làm tổn hại đến hoa vậy.

Ngoài những chính sách hợp pháp luật để thực hiện chính sách phát triển kinh tế, có những phương pháp khác mà nhà nước có thể dùng để tạo sự công bằng và phát triển kinh tế trong xã hội đó là bố thí hay chia sẻ của cải vật chất. Đó là cách mà thời quá khứ các đức vua hay các đại phú hào thường áp dụng. Tại các cổng thành ra vào, họ thiết lập nơi phát chẩn để bố thí thực phẩm, quần áo và những thứ cần thiết khác cho người nghèo. Kinh điển Phật giáo có nói tới năm việc bố thí hợp thời đó là: Bố thí cho khách thập phương; cho những người lang thang không nhà cửa; cho những người bệnh tật; cho những người từ những vùng đói kém mất mùa; và những tu sĩ hành khất(12).

Muốn kinh tế phát triển, cần phải lập kế hoạch kinh doanh một cách cẩn thận. Tư tưởng kinh tế Phật giáo đề nghị một kế hoạch như vậy cho từng cấp độ hay quy mô như cá nhân- gia đình; quốc gia-lãnh thổ. Việc lập một kế hoạch kinh doanh muốn chắc chắn thành công phải có bốn đặc điểm sau(13):

1. Có năng lực và nghị lực.

2. Có sự thận trọng.

3. Hợp tác với những người có tài, người có tinh thần xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt.

4. Cuộc sống được cân bằng.

Bốn điểm này được đức Phật dạy cho ông đại phú hào, ông thỉnh cầu đức Phật thuyết bài pháp này cho những người trong giới thương gia giống như ông. Ngài đã dạy rằng, nếu thực hành theo bốn điểm này thì sẽ có hạnh phúc trong đời.

Có năng lực nghĩa là bất cứ một nghề nghiệp gì nông dân, công nhân, chuyên gia, thương gia, nhà tư bản công nghiệp v.v.. nên có chuyên môn về nghề ấy và phải cần cù lao động, không được lười biếng. Những kẻ biếng nhác luôn đưa ra lý do khách quan để trì hoãn công việc như thời tiết nóng quá hay lạnh quá hoặc chọn thời gian để làm công việc như buổi sáng hay tối hoặc nhiều lý do khác để trì hoãn như: “Đói bụng quá”, “Bây giờ no quá” v.v.. Như vậy, chúng ta sẽ không thể hoàn thành công việc của mình và năng suất lao động sẽ giảm(14).

Người có nghị lực và người có tính thận trọng luôn được đức Phật ca ngợi và tán dương. Một dịp nọ, vua Pasenadi hỏi đức Phật: Bạch Thế Tôn có lợi ích nào đạt được trong đời hiện tại mà cũng có giá trị trong đời sau không? Đức Phật trả lời: “Tính thận trọng”(15).

Tính thận trọng là đặc điểm thứ hai: Bảo vệ tài sản của mình không để tổn hao một cách không cần thiết. Của cải mà chúng ta kiếm được từ “Sự siêng năng cần cù; vượt qua khó khăn; đổ mồ hôi nước mắt; quan hệ buôn bán với các thương nhân khác” phải bảo vệ và tiết kiệm, luôn đề phòng trộm cướp, hỏa hoạn, lũ lụt v.v...

Của cải dành dụm được có thể tiêu tan vì những thú vui đam mê sau: (1) Quan hệ bất chính với phụ nữ; (2) nghiện rượu chè, ma túy; (3) đam mê cờ bạc; (4) kết thân với những kẻ bất chính, không đạo đức. “Như một hồ nước bốn bề có đê chắn bảo vệ, có bốn cửa cho nước vào và bốn cửa thoát nước ra; nếu bốn cửa cho nước vào bị cản trở, trong khi bốn lối thoát nước ra lại được thông suốt, không có vật gì bịt kín thì nước trong hồ sẽ thoát ra, và hồ nước sẽ trống rỗng. Tương tự như vậy, tiền bạc của người đam mê bốn thứ bất chánh trên sẽ dần hao mòn và trống rỗng”. Trong một quốc gia, những hoạt động phi pháp đó phổ biến cũng sẽ khiến cho quốc gia đó dần bị tiêu diệt; xã hội chắc chắn đi đến chỗ tan rã.

Đặc điểm thứ ba của việc kinh doanh là hợp tác với những người có tài, có tinh thần xây dựng và phẩm chất tốt. Những người như thế có học vấn, có tri thức, có khả năng phân biệt đúng sai và cho chúng ta những lời khuyên bổ ích. Họ không phải là loại người xúi giục hay khích chúng ta làm những việc sai trái.

Cuối cùng là có một cuộc sống thăng bằng. Sau khi vất vả kiếm tiền, chúng ta phải tiêu xài một cách cẩn thận, tiết kiệm không hoang phí. Phải tránh xa lối sống khoe khoang gây sự chú ý. Một phong cách sống giản dị chứa đựng sự an lạc về tinh thần cũng như thể xác chính là một cuộc sống thăng bằng. Phật giáo khuyến khích lối sống không có áp lực hay đè nặng lên chính mình cũng như người khác. Những khoản thu nhập và chi tiêu phải được tính toán kỹ lưỡng tránh tạo ra các khoản nợ nần không cần thiết.

Người nào chạy đua theo lối sống của người khác một cách mù quáng, không hạn chế thỏa mãn ham muốn của mình, những người như thế chắc chắn sẽ tổn hao tài sản. Trường hợp này có thể so sánh với câu chuyện dưới đây: “Một người muốn ăn táo rừng, bèn trèo lên cây rung nhánh cây cho mấy trái táo rơi xuống. Táo còn xanh và táo chín đều rớt xuống đất, anh ta nhặt lấy mấy trái táo chín ăn, quẳng đi mấy trái táo còn sống”. Sự lãng phí như thế chính là nguyên nhân gây nên sự sụp đổ tài chánh của một cá nhân cũng như một đất nước. Đức Phật dạy rằng: (1) Tài sản nên được tích cóp một cách chính đáng, không dùng những phương tiện bạo lực hay xấu xa để làm giàu; (2) tài sản tích lũy đó nên được sử dụng phục vụ nhu cầu bản thân; (3) tài sản tích lũy chính đáng đó cũng được dùng để hỗ trợ những người khác; (4) của cải tạo ra được dùng để phục vụ cuộc sống, không nên dính chặc vào nó, không nên si mê vì nó, không nên vì nó mà làm điều tội lỗi, phải tỉnh táo đối với mối nguy hiểm tiềm tàng cũng như hậu quả mà chúng sẽ mang lại.

Của cải nên được chi tiêu một cách khôn khéo cho mục đích cá nhân cũng như giúp đỡ tha nhân. Không nên tích cóp như người keo kiệt. Trong kinh Tăng Chi Bộ(16) đức Phật dạy về cách chi tiêu tài sản cá nhân một cách hợp lý, đúng pháp như sau:

1. Chi tiêu cho những nhu cầu sống cơ bản, đầu tiên là thực phẩm.

2. Dùng để nuôi vợ con và tôi tớ.

3. Làm việc từ thiện.

4. Làm các việc hữu ích: Giúp đỡ họ hàng thân thích và bạn bè; lo việc ma chay, cúng giỗ; cúng dường cho những bậc thánh hiền; đóng thuế cho nhà nước.

Như đã đề cập phần trước, nên tránh việc chi tiêu quá mức cho các thú vui chơi giải trí vô ích. Cá nhân hay nhà nước khi phải gánh chịu nợ nần thường phải chịu những kết quả phiền phức. Một cá nhân hay thậm chí một quốc gia sẽ có được niềm hoan hỷ khả lạc khi không có một đồng nợ nào phải trả.

Các hoạt động kinh tế theo tư tưởng của Phật giáo có thể hiểu rõ hơn thông qua học thuyết về công đức. Cốt lõi của học thuyết này là tích lũy công đức qua việc tham gia các hoạt động kinh tế có lợi ích cho chính bản thân cũng như tha nhân, không những cho con người, mà còn cho các loài sinh vật và môi trường sống xung quanh(17). Những gì có lợi ích về kinh tế sẽ đem lại sự thịnh vượng và hạnh phúc cho quần chúng. Những việc có lợi ích cho xã hội dưới đây xứng đáng được tuyên dương và ca ngợi:

“Trồng cây gây rừng, cây ăn quả, đấp đường, làm kênh dẫn nước, đào giếng, xây lèo, dựng trại cho kẻ không nhà v.v..” công đức của những người này tăng trưởng theo thời gian. Đức hạnh và chánh tâm sẽ dẫn họ từ thế gian này đến cõi thiện thú, thiên giới(18).

Học thuyết này còn nêu ra một quan điểm mới về lao động. Lao động không chỉ là sử dụng chân tay mà còn là lao động trí óc. Một dịp nọ, đức Phật gặp ông Bà-la-môn, ông ta chất vấn đức Phật tại sao không chịu lao động để ăn. Đức Phật nói với ông Bà-la-môn rằng sự lao động của Ngài còn quan trọng hơn là lao động chân tay: “Này Bà- la-môn, ta cũng cày và gieo hạt, sau khi cày và gieo hạt, ta ăn”. Ông Bà-la-môn yêu cầu giải thích vì ông ta không thấy cái cày, cái ách, lưỡi cày… Đức Phật dạy rằng: “Lòng tin là hạt giống, hạnh đầu đà là cơn mưa, trí tuệ là cái ách và cây cày, tính khiêm tốn là cán cày, tâm là dây cương, chánh niệm là lưỡi cày và gậy thúc,… tinh tấn là cỗ xe… mục đích của việc lao động này là đem lại lợi ích cho chúng hữu tình”(19).

Theo giáo lý Phật giáo, tâm dẫn đầu các pháp, vì thế, khi một hoạt động nào đó được thực hiện thì đã có tâm ngay trước đó rồi: “Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ các pháp và tâm tạo ra các pháp”(20). Theo ngữ nghĩa này, chúng ta sẽ thỏa mãn bất cứ việc gì chúng ta chọn, sự nhàm chán, xa lánh sẽ không hiện hữu.

Nguyên tắc của sự xa lánh (nhàm chán) này chỉ hiện hữu khi con người sợ hãi, tìm kiếm sự quy ngưỡng nơi cây cối, nơi rừng núi, nơi các tha lực bên ngoài. Những cấu thành đơn giản (ngụ ý chỉ cho những suy nghĩ đơn sơ ban đầu như tin vào cây cối, núi rừng, các thế lực siêu nhiên để quên đi hay trốn chạy sự nhàm chán - người dịch giải thích thêm) của con người tiếp tục ảnh hưởng lấy họ theo thời gian trôi qua. Không thấy niềm vui nào từ trong lao động cả. Không nhận thức rõ đâu là thực tại là nguồn gốc sinh ra những sự nhàm chán này. Vấn đề quan trọng ở đây là cần một sự giáo dục đúng mực và phương thức tiếp cận một nguồn thông tin chính xác để con người có thể vượt qua sự nhàm chán này.

Trong kinh cũng nói đến bổn phận của người chủ đối với công nhân hay người làm thuê cho mình với mục đích căn bản là thu hẹp hay tiêu diệt bất kỳ mầm móng phát sinh ra sự ghét bỏ hay xa lánh. Người làm thuê phải được giao việc phù hợp với năng lực của mình. Được trả lương theo thâm niên nghề nghiệp và sự đóng góp của họ. Khi bệnh, người chủ phải cung cấp thuốc men cần thiết và cho họ nghỉ phép. Người chủ phải xử sự nhã nhặn và lịch thiệp đối với người làm thuê của mình. Bố trí thời gian nghỉ ngơi và giải trí phù hợp. Ngược lại, người làm thuê phải cần cù, siêng năng trong công việc của mình, chú tâm vào công việc để hoàn thành tốt trách nhiệm được giao. Người làm thuê phải luôn nâng cao tay nghề, kiến thức để đáp ứng nhu cầu công việc một cách tốt nhất(21).

Sự bằng lòng với những gì mình có là điểm cốt yếu trong cuộc sống của người phật tử. Nó được xem như là tài sản quý nhất của con người. Tuy nhiên, sự bằng lòng cuộc sống hiện tại luôn bị giải thích một cách lệch lạc và sai lầm rằng đó là sự chấp nhận số phận an bài, không cần phải phấn đấu, một ý nghĩa tiêu cực. Theo sự giải thích này thì sự vận động, sự phát triển của con người bị triệt tiêu, không tồn tại. Ý nghĩa của sự bằng lòng theo tư tưởng Phật giáo rộng hơn thế, không có nghĩa là chỉ biết chấp nhận và thỏa mãn những gì mình đang có và không bao giờ nỗ lực để cải thiện chính mình tốt hơn.

Đức Phật luôn nhấn mạnh đến hai đức tính mà người tu sĩ lẫn cư sĩ Phật giáo phải có đó là: “Tính tinh cần” và “Sự tỉnh giác”. Vì chính những đặc tính này mà đức Phật quyết không rời gốc Bồ Đề đến khi nào Ngài đắc quả giải thoát. “Ta rất lấy làm hạnh phúc khi thấy da của ta, gân của ta, xương của ta giảm sút, máu của ta khô lại… để những gì chưa đạt được phải làm cho đạt được bằng sức mạnh của chính mình, bằng nghị lực của chính mình, bằng sự tinh cần của chính mình”(22).

Sự quyết tâm này không chỉ được xem như là điều kiện cần thiết để đạt được chân lý tối hậu mà còn đem lại sự thành công trong cuộc sống. Trong một câu chuyện Tiền thân có nói rằng: “Bằng sự tích lũy một số tiền nho nhỏ, một người trí cộng với sự chuyên tâm, tài giỏi có thể tạo ra một gia tài lớn cho mình cũng giống như một đóm lửa nhỏ được thổi bùng thành đám lửa lớn”(23). Hay chuyện Tiền thân khác cũng cho rằng: Mọi thứ dường như tan ho- ang, chẳng còn gì nhưng với sự nỗ lực chuyên tâm của một thương gia hàng đầu, người không bao giờ từ bỏ hy vọng khi đối diện với sự tuyệt vọng cùng cực nhất để cuối cùng làm nên sự nghiệp lớn(24).

Trong cả hai việc kinh doanh và bảo vệ tài sản thì tính tinh cần và sự tỉnh giác luôn được coi trọng. Trong việc kinh doanh, sản xuất đòi hỏi chúng ta phải có “Tính hiệu quả và tính liên tục trong nỗ lực cố gắng của mình”. Nói cách khác, một sự nỗ lực kiên trì và một nghị lực bền bỉ là tuyệt đối cần thiết trong việc đầu tư của cải vật chất để sản sinh lợi nhuận. Còn việc bảo vệ tài sản cũng cần có sự cần cù liên tục, nếu không như thế thì không thể thành công.

Trong một xã hội Phật giáo, sản xuất hàng hóa phải có sự chi phối của thị trường, theo quy mô của thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hay dư thừa. Trong phạm vi này, một câu hỏi được đặt ra liệu rằng hàng hóa được tạo ra chỉ nhằm mục đích mang lại lợi nhuận cho chính người sản xuất? Sự phân tích quan hệ vốn – lãi không chỉ là tiêu chuẩn duy nhất trong tư tưởng kinh tế Phật giáo. Mọi sản phẩm vật chất được tạo ra phải thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người. Mọi nỗ lực để tạo ra hàng hóa không thể thành công nếu không thỏa mãn nhu cầu sống cơ bản của con người.

Việc đưa một sản phẩm nào đó ra thị trường và việc sản xuất một sản phẩm luôn có tầm quan trọng ngang nhau. Có những sản phẩm gây hại cho người tiêu dùng về mặt sinh lý cũng như tâm lý thậm chí cho loài vật và cây cỏ. Sự bóc lột sức lao động của người làm thuê (công nhân) là điều mà Phật giáo không chấp nhận. Người công nhân, bất cứ họ là ai phải được nhận lợi ích trong việc tham gia quá trình sản xuất, điều kiện làm việc phải đầy đủ và không bao giờ để chính họ có cảm giác bị bỏ rơi.

Người tiêu dùng phải được giám sát quá trình sản xuất hàng hóa cũng như một sản phẩm được bán ra thị thường. Cả sản phẩm kém chất lượng lẫn việc quảng cáo rằng sản phẩm này là chất lượng tốt nhất cũng phải bị vạch trần để bảo vệ người tiêu dùng. Trong chuyện Tiền thân Serivānija có nói tới việc gã buôn bán lưu động đã cố đánh lừa một phụ nữ lớn tuổi và một trẻ em để bán chiếc đĩa ăn bằng vàng. Việc kinh doanh phải có tính đạo đức. Việc kinh doanh phải hợp pháp, hợp đạo đức không chỉ gia tăng về lợi nhuận cho chính mình mà còn đem lại lợi ích cho xã hội.

Trong cộng đồng tu sĩ Phật giáo, nhu cầu cá nhân được hạn chế chỉ còn lại tám vật dụng thiết yếu tạo thuận lợi cho việc thực hành hạnh giải thoát trong đời sống. Thậm chí, trong cuộc sống của cộng đồng tu sĩ, khi một cá nhân có sự đền đáp hay tiền thưởng cao, thì quyền sở hữu cá nhân đối với tài sản đó cũng giới hạn trong một hạn mức nhất định. Trong xã hội bình thường, con người bị chế ngự bởi lòng tham, luôn tích cóp tài sản cá nhân. Chuyện từ bỏ các khái niệm tài sản cá nhân như trong đời sống của người tu sĩ Phật giáo, là việc không tưởng trong xã hội đời sống thế tục. Vậy cái gì để hạn chế lòng tham của con người trong xã hội đời thường, cái gì là kim chỉ nam để kiềm chế một người nào đó vì lòng tham quá mức của mình mà đi ngược lại lợi ích chung? Đó chính là giáo dục và những chính sách điều tiết kinh tế của nhà nước. Một chính sách công nhận sự tự do cá nhân về quyền tư hữu nhưng ngăn cấm việc bóc lột, làm tổn hại đến lợi ích của người khác, đó cũng chính là nền tảng thực dụng có trong tư tưởng kinh tế Phật giáo.


1. D. III.180-193
2. SBB IV. Part 2.180
3. SBB vol. II, Part 1. 175-176
4. D.III.61
5. Jayatilleke K.N., The Massage of the Buddha, London, 1974, 146
6. GSIII, 249
7. D.III, 70-76
8. D.III.68
9. D. III. 65
10. J.320
11. D. I, 135
12. A. III, 41
13. A IV, 281- 285
14. D. III, 181-93
15. Appamada, S. I, 87
16. A II, 65
17. Ratnapala, Nandasena, New Horizon in Research Methodology, Colombo, 1983, 66-70
18. S.I.33; KS, I.46
19. S.13.14
20. DhP.I
21. D. III, 180-193
22. M.I. 262-263; A.I.180
23. J.I.122
24. J.I


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567