Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

IV. Ý nghĩa của sự “thấy” và “biết”

10/04/201111:20(Xem: 9797)
IV. Ý nghĩa của sự “thấy” và “biết”

TÌM HIỂU PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Thích Hạnh Bình

Phần 1

QUAN ÐIỂM TU TẬP TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

IV. Ý NGHĨA SỰ “THẤY” VÀ “BIẾT”

Ý nghĩa chữ “thấy” và “biết” được đức Phật nói trong kinh này, nó không mang ý nghĩa bình thường mà chúng ta thường dùng hằng ngày. Khái niệm “thấy” và “biết” ở đây tương đồng ý nghĩa của từ “Như thật tuệ tri”[24]được đức Phật thường dùng trong thánh điển Nikàya hay trong A-hàm, có nghĩa là cái thấyvà biết đúng như sự thật, không phải là sự tưởng tượng hay sự ảo tưởng của con người. Trong kinh “Tất Cả Lậu Hoặc”, được đức Phật giải thích, mô tả về khái niệm này bằng từ “Như lý tác ý”. Nó hàm chứa ý nghĩa khá sâu sắc, căn cứ vào đạo lý của một sự kiện để nhận thức về nó. Haynói một cách khác, chúng ta muốn tìm hiểu nghiên cứu một vấn đề gì, những dữ kiện mà chúng ta suy nghĩ cần gắn liền với sự kiện phát sinh và bối cảnh lịch sử của nó, nếu ta tách rời bối cảnh lịch sử của nó mà tìm hiểu là sự hiểu biết thuộc về thiên kiến, không đúng với thực tại. Ví dụ, cùng là một giống ớt, nhưng ta trồng ở vùng đất này thì ớt rất cay, nhưng trồng vùng đất khác thì giống ớt ấy không cay. Một người nghiên cứu nghiêm túc về trường hợp này, cần lưu ý đến tính đặc thù của mỗi vùng đất, khí hậu..., không đơn giản chỉ tìm hiểu giống ớt, vội vã đi đến kết luận, tuyên bố như thế này hay thế kia. Ý nghĩa lời giáo huấn này rất khoa học, phù hợp với phương pháp nghiên cứu khoa học ngày nay. Có thể nói đây là kim chỉ nam cho giới nghiên cứu, nhất là những vị làm công tác nghiên cứu Phật học, cần lưu ý đến quá trình hình thành và phát triển của mọi hiện tượng, cái sau phủ nhận cái trước, cái trước làm tiền đề cho cái sau xuất hiện và cứ thế. Xã hội không ngừng phát triển, nhận thức của con người cũng theo đó đổi thay. Do vậy, tư tưởng triết học không thể đứng yên, nó luôn luôn đổi thay theo quy luật diễn biến của xã hội. Vì thế trên thực tế nghiên cứu cho thấy, sự xuất hiện tư tưởng của đức Phật bắt nguồn từ bối cảnh tư tưởng rối ren, một chế độ không công bằng của xã hội Ấn Ðộ đương thời mà hình thành. Nói một cách khác, sự bất hợp lý của tư tưởng “Phạm ngã đồng nhất” của Upanisad, một chế độ phân chia đẳng cấp của Bà-la-môn và những chủ trương sa đoạ vô đạo đức của 6 phái ngoại đạo, là cơ sở để hình thành tư tưởng của đức Phật, là yếu tố để hình thành tư tưởng của Phật giáo Nguyên thủy; sau đó phát triển đến Bộ phái Phật giáo, rồi đến giai đoạn Sơ kỳ Ðại thừa Phật giáo, giai đoạn Trung kỳ Ðại thừa Phật giáo, Hậu kỳ Ðại thừa Phật giáo, Mật giáo[25]... Và cho đến Phật giáo ngày nay cũng có tư tưởng mới so với tư tưởng của những giai đoạn trước. Ðó là quá trình hình thành và phát triển của đạo Phật, do vậy người làm công tác nghiên cứu Phật học không thể tách rời bối cảnh lịch sử để phân tách tư tưởng của nó. Nếu không làm như vậy, chúng ta thật khó để lý giải và phân tích những điểm dị đồng trong nguồn tư liệu Phật học và bao giờ cũng thấy sự mâu thuẫn trong nguồn tư liệu Phật giáo.

Một điểm khác nữa, chúng ta cần làm sáng tỏ ở đây là, chức năng của“như lý tác ý”có ích lợi gì cho việc tu tập của chúng ta không? Ðức Phật đưa ra phương pháp “như lý tác ý” với mục đích là để đoạn trừ khổ đau và phiền muộn. Có thể nói, nó là vấn đề trọng tâm của việc tu tập, là con đường trực tiếp đoạn tận khổ đau. Như trong kinh “Tất Cả Lậu Hoặc”[26], đức Phật giải thích:

“Này các Tỷ-kheo! Do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sinh khởi, các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo! Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt ”.

Ðoạn kinh trên đây là lời giải thích tóm tắt của đức Phật về chức năng của câu “như lý tác ý”. Ðể làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta căn cứ vào đoạn kinh vừa dẫn trên tiến hành phân tích ý nghĩa của nó. Câu: “Không như lý tác ý”nói lên thái độ nhận thức của con người, khi đánh giá vấn đề gì, không căn cứ vào bản chất thực tại của nó, mà nhận thức một cách tùy tiện, ảo tưởng, duy ý chí. Nhận thức như vậy là không đúng, hoàn toàn xa rời thực tại, rất chủ quan, là nguyên nhân của khổ đau. Ðây là cách nhận thức của người phàm phu, không phải bậc Thánh. Ngược lại, câu “Như lý tác ý” là thái độ nhận thức “như thật như chân”, có nghĩa là con người muốn đánh giá hay nhận thức một vấn đề gì, đều căn cứ vào bản chất của sự vật mà nhận thức, không chủ quan, không thành kiến, thực tại như thế nào thì suy nghĩ và đánh giá như thế ấy. Cách nhận thức như vậy là cách nhận thức của Bậc giác ngộ, nó không mang lại khổ đau. Ðể hình dung hai ý niệm này, chúng ta có thể vay mượn câu chuyện “sợi dây” để mô tả về hai trường hợp nhận thức này. Vào ban đêm có hai người bộ hành, một người thấy sợi dây lầm tưởng nó là con rắn, do vì lầm tưởng cho nên tâm lý người ấy phát sanh sự sợ hãi; người thứ hai, cũng thấy sợi dây này, nhưng người ấy thấy rõ đây là sợi dây, không phải là con rắn, do vì biết rõ ràng như vậy, nên tâm lý của người đó không sanh khởi sự sợ hãi. Ở đây, cái thấy của người thứ nhất gọi là không như lý tác yù hay khôngnhư thật tuệ tri; cái thấy của người thứ hai được gọi là như lý tác ýhay như thật tuệ tri. Một ví dụ khác. Ví như có hai người ở Sài Gòn muốn làm nghề kinh doanh buôn bán quần áo. Một hôm hai người này đến thành phố Ðà Lạt, là nơi có khí hậu lạnh ở Việt Nam, cả hai người thấy ở đây người ta buôn bán quần áo lạnh rất có lời. Với kiến thức như vậy, khi về Sài Gòn, một người bắt chước mở một tiệm buôn bán đồ lạnh. Kết quả việc buôn bán là ế ẩm, thua lỗ, không thành đạt như ý muốn, dẫn đến lo âu buồn khổ trong sự nghiệp kinh doanh của mình. Ngược lại, người thứ hai, dựa vào kiến thức này, quan sát giữa hai thành phố, biết được sự khác nhau về khí hậu của hai nơi, đồng thời cũng biết thị hiếu và nhu cầu con người của từng địa phương cũng khác nhau. Sau khi khảo sát thực tế, người ấy trở về Sài Gòn, chọn một địa điểm hợp lý, mở tiệm bán quần áo thích hợp với khí hậu ở đây, giá cả lại vừa phải... Do vậy, cửa tiệm càng ngày càng phát đạt, người ấy vui vẻ với nghề nghiệp của mình. Qua ví dụ này, chúng ta thấy nỗi khổ đau của người thứ nhất xuất phát từ suy nghĩ chủ quan, ảo tưởng và tùy tiện, không dựa vào thực tế. Cách suy nghĩ này, được đức Phật mô tả trong kinh là “không như lý tác ý” hay “không như thật tuệ tri”, do vậy dẫn đến hành động sai lầm, là nguyên nhân mang lại khổ đau cho người ấy, như trường hợp của Tỷ-kheo Arittha [27] và Diệm-ma-ca [28] là một điển hình cụ thể. Ngược lại, niềm vui vẻ trong công việc của người thứ hai là cách suy tư của người này thực tế, phù hợp với sự thật. Cách suy tư này được đức Phật gọi là “như lý tác ý” hay “như thật tuệ tri”. Suy tư đúng dẫn đến hành động đúng, hành động đúng là yếu tố đưa đến cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Ðây chính là sự sai khác giữa con người phàm phu và Bậc giác ngộ.

Người không như lý tác ý là kẻ phàm phu, là chúng sanh, người như lý tác ý là Bậc giác ngộ, là Phật. Như vậy, chúng sanh và Phật chỉ khác nhau chính là sự nhận thức đúng và nhận thức sai.

Dựa vào nguyên tắc ngày, chúng ta có thể suy ra, sở dĩ cuộc sống của con người luôn luôn xuất hiện khổ đau và phiền muộn, vì từng việc làm trong cuộc sống, chúng ta suy nghĩ về nó không chín chắn, dẫn đến cách giải quyết không hợp lý, do vậy từng nỗi buồn, từng nỗi khổ cứ tiếp nhau đến với chúng ta, như đại dương từng đợt sóng từng đợt sóng vỗ vào bờ. Muốn chấm dứt những trạng thái khổ đau này, không thể lẩn trốn ở trong nhà thờ hay trong tự viện, trong rừng hay bất cứ nơi đâu, cũng không phải chúng ta xa lánh bạn bè, bà con hay xã hội, mà cần phải bắt nguồn từ sự nhận thức đúng đắn, tức chánh kiến. Người có chánh kiến dù ở đâu cũng cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, cho nên đức Phật nói, “Ðến với đạo Phật là đến để thấy và biết”.

Mỗi một việc làm hằng ngày của chúng ta đều xuất phát từ nhận thức đúng và làm đúng, thì ngay trong cuộc sống này, chúng ta giảm đi một nỗi khổ, tăng thêm một niềm vui. Một ngày chúng ta nhận thức đúng, hành động đúng là một ngày chúng ta sống trong an vui và hạnh phúc; và cứ thế một tháng, một năm cho đến một đời, chúng ta suy nghĩ đúng, hành động đúng là một ngày, một tháng, một năm cho đến một đời chúng ta sống trong hạnh phúc và an vui.

Xuất phát từ ý nghĩa này, gợi cho chúng ta một phương pháp tìm hiểu nghiên cứu Phật pháp. Trên thực tế, cho đến hiện nay, số lượng Tam tạng kinh điển của Phật pháp vô cùng, quan điểm của mỗi bộ Kinh, Luật, Luận lại không giống nhau. Như vậy, chúng ta làm thế nào nắm bắt toàn bộ tư tưởng Tam tạng kinh điển một cách có hệ thống. Theo tôi, nếu như chúng ta không dùng phương pháp “như lý tác ý”, tức là tìm hiểu Phật pháp qua quá trình diễn biến của nó, cái trước và cái sau quan hệ như thế nào, và cái gì là “cái mới” phát sinh, thì khó mà hiểu được Phật pháp có hệ thống. Do vậy, khi đọc kinh điển của đạo Phật, chúng ta nên tìm hiểu bối cảnh và nhân duyên của mỗi một bộ Kinh, Luật và Luận. Chúng ta tìm được nhân duyên và bối cảnh xuất hiện của nó, có nghĩa là chúng ta đã nắm bắt, hiểu được tư tưởng của nó. Vì những vấn đề được đức Phật hay các vị luận sư trình bày trong đó, mang một ý nghĩa cá biệt và cụ thể, do vậy, người nghiên cứu muốn hiểu ý nghĩa của nó một cách đầy đủ, cần phải trả nó về bối cảnh nguyên thủy của nó, nếu không làm như vậy sẽ rơi vào sự nhận thức sai lầm, trường hợp này được đức Phật gọi là “không như lý tác ý”. Tại sao chúng ta phải làm như vậy, một lý do khá chính đáng là Tam tạng kinh điển của đạo Phật được kết tập, biên chép và luận bàn theo quan điểm của từng Bộ phái khác nhau[29], thời gian và không gian xuất hiện của chúng cũng không giống nhau. Sự khác biệt đó, đã dẫn đến việc thảo luận từng vấn đề mang tính Bộ phái và từng hoàn cảnh ý thức của xã hội khác nhau.

Ðây là ý nghĩa sâu xa của câu “như lý tác ý” trong kinh này, cũng là phương pháp tu tập trong Phật giáo nguyên thủy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567