Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

III. Niềm tin và sự hiểu biết

10/04/201111:20(Xem: 9276)
III. Niềm tin và sự hiểu biết

TÌM HIỂU PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

Thích Hạnh Bình

Phần 1

QUAN ÐIỂM TU TẬP TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

III. NIỀM TIN VÀ SỰ HIỂU BIẾT

Trong hầu hết các kinh điển của kinh A Hàm hay Nikàya, đức Phật luôn luôn nhấn mạnh vai trò trí tuệ trong trong việc đoạn trừ khổ đau của con người, nó như thanh bảo kiếm của kẻ kiếm sĩ, sẵn sàng hạ sát tất cả địch thủ; thiếu nó như người nông phu thiếu dụng cụ, phương tiện kỹ thuật làm nông, thửa ruộng dù có phì nhiêu bao nhiêu, lúa gạo hay hoa màu không thể có được năng suất tốt. Cũng vậy, người xuất gia muốn đoạn trừ phiền não, thiếu vai trò trí tuệ, vô minh không lấy gì để đoạn trừ, giác ngộ khó mà thành đạt. Có thể nói vai trò trí tuệ chiếm một vị trí quan trọng trọng trong sự nghiệp tu tập và độ sinh. Do vậy, lời giáo huấn đầu tiên trong kinh “Tất Cả Lậu Hoặc” này, đức Phật dạy:

“Này các Tỷ-kheo ! Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy.”[14]

Ở đây, khái niệm biếtthấychỉ cho sự hiểu biết của con người, có nghĩa là phải biết phân biệt và thấy rõ việc làm đúng và sai, thiện hay bất thiện. Việc làm đúng và thiện đức Phật khuyên Tỷ-kheo nên phát triển và tu tập, việc làm nào không đúng thuộc pháp bất thiện, đức Phật khuyên cần phải từ bỏ. Việc làm đúng là việc làm phù hợp với chân lý, là nguyên tắc sống của con người. Ví như nhu cầu sống của con người cần phải có 4 loại thức ăn[15]để nuôi dưỡng và duy trì sự sống. Trong đó, đoàn thực là những loại thức ăn hay uống để nuôi dưỡng cơ thể, cần phải có không thể thiếu, khi còn mang xác thân ngũ uẩn này. Nếu như con người thiếu thốn những loại vật chất này, tự nhiên xuất hiện những khổ đau. Thế thì chúng ta không thể nói bụng đói khát nước, niệm Phật sẽ hết đói và khát, vì đói khát là nỗi khổ đau xuất phát từ sự túng thiếu về vật chất, muốn chấm dứt nỗi khổ này, phải có cơm ăn nước uống mới hết khổ. Thế nhưng, có một số tôn giáo chủ trương, con người muốn chấm dứt khổ đau, cần phải thực hành “khổ hạnh”, là sự hành hạ thân xác, trong đó có cả hình thức nhịn ăn uống, cụ thể là giáo phái Kỳ-na giáo. Ngay cả trong đạo Phật cũng có một số người cường điệu hóa việc tu tập khổ hạnh. Kinh nghiệm của đức Phật cho thấy, tu tập khổ hạnh và lối sống hưởng lạc đều không có ích lợi gì cho sự phát triển tâm linh, thành đạt giải thoát giác ngộ. Dựa vào những kinh nghiệm thực tế cho thấy, một thân thể mập phì hay một cơ thể ốm yếu không thể có tinh thần minh mẫn. Do vậy, đạo Phật chủ trương một lối sống với tinh thần “thiểu dục tri túc”, là cách sống ưu tú nhất cho đời sống Phạm hạnh. Như vậy, sự hiểu biết (trí tuệ) chính là vai trò quyết định cho sự giải thoát khổ đau của con người

Một điểm nữa cần phải làm sáng tỏ ở đây là khái niệm “thiện” và “bất thiện”. Thế nào gọi là “thiện” và “bất thiện”? Theo kinh điển của Nikàya, khái niệm này được đức Phật định nghĩa như sau:

Những việc nào làm lợi mình lợi người, lợi cho cả hai là việc làm thiện; những việc làm nào không làm lợi cho mình, không làm lợi cho người, không làm lợi cho cả hai là việc làm bất thiện” [16].

Ở đây, khái niệm “lợi” mang ý nghĩa chỉ cho sự lợi ích về mặt tâm linh, lợi ích cho sự giác ngộ chân lý, nó không mang ý nghĩa lợi ích về vật chất, vì đức Phật cho rằng, nguồn gốc sâu xa khổ đau của con người là vô minh hay vô tri[17]. Ý nghĩa vô minh này, được đức Phật mô tả bằng một từ chuyên môn là “căn bản phiền não”, tức là lòng tham lam, sân hận và ngu si. Chúng là ba động cơ, là nguyên nhân để cho tất cả phiền não xuất hiện, cho nên chúng được gọi là “căn bản”. Nhưng xét cho cùng, 3 căn bản phiền não này, vô minh là quan trọng hơn cả, là gốc của tham và sân, vì động cơ thúc đẩy lòng tham lam và sân hận chính là vô minh, nếu trí tuệ được thắp sáng thì lòng tham lam và sân hận không thể thể hiện ra bên ngoài. Như vậy, tham và sân là cái được biểu hiện bên ngoài của vô minh, là cái bóng của vô minh hay nói cách khác, vô minh là cái chỉ đạo cho tham và sân thực hiện, diệt trừ vô minh cũng chính là diệt trừ tham và sân. Như vậy, diệt trừ khổ đau, nếu chỉ diệt trừ tham và sân mà không chú ý diệt trừ vô minh, việc làm ấy đồng nghĩa: “Nhổ cỏ không nhổ tận gốc”. Cách làm như vậy, trên mặt hình thức dường như cỏ đã được nhổ sạch, nhưng trên thực tế gốc của cỏ vẫn chưa nhổ, chắc chắn nó sẽ mọc lại sau đó.

Cũng vậy, trong lúc chúng ta đến chùa tu tập, học hỏi Phật Pháp, lòng tham và sân không có cơ hội thể hiện. Nhưng thời gian tu tập qua đi, chúng ta về nhà sinh hoạt, tiếp cận với thực tế cuộc sống, tham và sân liền trở lại, nguyên nhân của sự xuất hiện lòng tham và sân này chính là sự thiếu vắng vai trò trí tuệ. Do vậy, diệt trừ 3 căn bản phiền não hay còn gọi là 3 độc, chính là diệt trừ sự “ngu si” hay “vô minh”. Khi vô minh bị tiêu diệt, trí tuệ lập tức xuất hiện, lòng tham lam và sân hận do vậy cũng được đoạn trừ. Như khi ánh đèn thắp sáng, tất cả bóng tối đều phải biến mất.

Một điểm khác, chúng ta cần tìm hiểu ở đây là mối quan hệ giữa niềm tinvà sự hiểu biếtđã được đức Phật đề cập trong kinh điển Phật giáo, chúng quan hệ với nhau như thế nào. Ðứng về mặt khái niệm của từ mà xét, chúng ta thấy niềm tin và sự hiểu biếtlà hai khái niệm mang ý nghĩa hoàn toàn khác nhau, nếu không muốn nói chúng mâu thuẫn lẫn nhau. Xét cho cùng, niềm tin hay đức tin hàm chứa ý nghĩa mù mờ về đối tượng mà chúng ta đặt niềm tin, vì bản chất của niềm tin xuất phát từtình cảmcủa con người, không phải lý trí, trong khi đó sự hiểu biết xuất phát từlý trí, không phải tình cảm. Ở đây, chúng ta có thể vay mượn ví dụ của Walpola Rahula [18]để làm sáng tỏ về hai khái niệm này, “Tôi tin rằng trong tay bạn có viên ngọc” không đồng nghĩa với câu “Tôi thấy và biết trong tay bạn có viên ngọc”. Câu đầu mang ý nghĩa không rõ ràng, không xác định được đối tượng, cần phải dựa vào “niềm tin” hay sự “phán đoán” để biểu lộ thái độ của mình, thế nhưng ở câu hai không thể dựa vào niềm tin mà hoàn toàn sự “thấy” và “biết”, đòi hỏi sự xác định vấn đề một cách rõ ràng. Từ ý nghĩa của hai từ ngữ khác nhau như vậy, chúng ta có thể đi đến xác định “niềm tin” thuộc tình cảm, “hiểu biết” thuộc lãnh vực “lý trí”, hai khái niệm mang ý nghĩa tương phản lẫn nhau. Thế thì, tại sao đức Phật lại khuyên chúng ta nên tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và tin Giới[19] , đồng thời trong kinh “Tất Cả Lậu Hoặc”[20] ,đức Phật lại nói: “Giáo pháp của Phật dành cho người thấy và biết, không phải cho người không thấy không biết”. Ðể lý giải vấn đề này, chúng ta cần phải tìm hiểu đến hai lãnh vực: Thứ nhất là đối tượng mà đức Phật giảng dạy; thứ hai là đức Phật đề cập đến niềm tin là đề cập đến tiến trình của một người phàm phu đến giác ngộ. Ðối tượng mà đức Phật đề cập và nhấn mạnh “niềm tin” thường là những người cư sĩ tại gia, hay những vị tân Tỷ-kheo mới vừa xuất gia học Phật, chưa thông hiểu được giáo pháp của Ngài, cần có niềm tin để làm nền tảng cho việc học tập và thực hành Phật pháp, nếu không có niềm tin này các công đức không từ đâu mà có được (Tín là mẹ đẻ của các công đức). Ví như, người học cần tin tưởng vào khả năng và sự hiểu biết của người thầy, sau đó nỗ lực học tập kiến thức chuyên môn từ nơi lòng tin mà có. Nếu như cứ hoài nghi về khả năng của người thầy, dẫn đến thái độ không chịu học tập, do vậy kiến thức chuyên môn mà người ấy muốn học không từ đâu mà có. Thứ hai là, khi đức Phật đề cập “niềm tin” bao giờ Ngài cũng đề cập đếntiến trình tu tập là: 1- Tín, 2- Tấn, 3- Niệm, 4- Ðịnh và 5- Tuệ, là một quá trình phát triển tâm linh của đạo Phật. Nói một cách khác, nó là quá trình tu tập của hành giả, từ con người phàm phu đầy rẫy vô minh phiền não dẫn đến giải thoát giác ngộ. Chúng ta thấy tiến trình này, “tín” là giai đoạn đầu tiên và “tuệ” là giai đoạn cuối cùng, từtín đến tuệ còn phải trải qua 3 giai đoạn tấn, niệm định theo trật tự của nó. Tại sao phải xắp xếp theo một trật tự như vậy? Sự xắp xếp này mang ý nghĩa rất đặc biệt, căn cứ theo quá trình từ thấp đến cao, từ cạn đến sâu, vì niềm tin (ở đây chỉ cho sự tin Phật pháp) là điều kiện cơ bản để thúc đẩy sự “tinh tấn”, nếu không có niềm tin, thật khó cho một người sơ cơ, không hiểu Phật pháp, nỗ lực tu học. Tinh tấn là sự nỗ lực tu học Phật pháp, là điều kiện để cho thân không chạy theo ngoại trần, là những đối tượng không làm ích lợi cho sự giác ngộ giải thoát, và tâm luôn luôn nhớ nghĩ (niệm) đến Phật pháp. Niệm là tâm luôn luôn nghĩ nhớ đến Phật pháp, là điều kiện cơ bản để cho tâm được định tĩnh thâu nhiếp tâm tư lại một đối tượng, tức thiền định. Ðịnh là tập trung tư tưởng vào một đối tượng, đem hết tâm ý quán chiếu một vấn đề nào đó, là nền tảng cho trí tuệ phát sinh, vì đức Phật cho rằng một trong những nguyên nhân đưa đến sự khổ đau cho con người là tâm tán loạn, nghĩ một việc chưa xong, không thấu đáo lại suy nghĩ sang chuyện khác, việc gì suy nghĩ không chín chắn mà hành động là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Tuệ là sự thấy và biết đúng như sự thật, chúng ta có thể lấy ánh sáng để dụ cho trí tuệ, cái gì được thấy và biết rõ ràng thì cái ấy không mang lại khổ đau cho con người. Như vậy, tiến trình giác ngộ của người phàm phu không thể thiếu giai đoạn ban đầu là “niềm tin”, không có niềm tin, sự tinh tấn, niệm, định và tuệ không có cơ sở để xuất hiện. Nhưng ở đây, chúng ta cần hiểu rằng, mục đích của niềm tin là để dẫn đến tấn, niệm, định và cuối cùng là tuệ, không thể dừng lại ở niềm tin, giới thiệu niềm tin ngoài tiến trình này. Do vậy, chúng ta không thể nói mục đích giáo dục của đức Phật khuyên con người đến đạo Phật là để tin, mà phải nói rằng, mục đích của con người đến với Ngài là để tìm cầu sự giải thoát và giác ngộ, vì theo đức Phật, giải thoát và giác ngộ chỉ đến với chúng ta khi nào chúng ta có trí tuệ[21]. Do đó, khi chúng ta đề cập đến vai trò chữ “tín” trong đạo Phật, không thể tách rời tiến trình này mà giải thích, đơn độc giải thích chữ“tín”, nó sẽ đồng nghĩa với ý nghĩa đức tin của các tôn giáo khác.

Như vậy, mối quan hệ giữa “niềm tin” và sự “hiểu biết” trong đạo Phật có mối quan hệ chặt chẽ, nó cho chúng ta ý nghĩa thật rõ ràng, không có niềm tin trí tuệ không thể dựa vào đâu mà hình thành, ngược lại, niềm tin mà tách rời trí tuệ, niềm tin ấy trở thành mê tín, không đúng nghĩa chữ tin trong đạo Phật, vì niềm tin ấy không giải quyết được vấn đề sanh tử luân hồi của chúng sinh, nó không thể giúp cho con người thành đạt giải thoát giác ngộ.

Tóm lại, trong kinh này, đức Phật nói:“Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết và thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy”, mang ý nghĩa nhấn mạnh vai trò hiểu biết của con người, vì đối tượng mà đức Phật nói kinh này là những vị Tỷ-kheo, là những vị xuất gia đã thấm nhuần Phật pháp, không phải là những vị tại gia cư sĩ, trình độ Phật pháp còn yếu kém, cho nên đức Phật không chú trọng đến niềm tinmà đức Phật đề cao vai trò củasự thấy và biết. Thấy và biết ở đây, mang ý nghĩa thấy được chân lý hay nắm bắt nguyên tắc sống, tức là những lời giáo huấn của đức Phật [22], không còn giới hạn ở niềm tin như người cư sĩ tại gia[23]. Mặt khác, giáo pháp mà đức Phật tuyên thuyết rất sâu xa vi diệu, nó là những nguyên tắc để sống; con người muốn sống đúng theo nguyên tắc này, điều kiện trước tiên là sự nhận thức đúng về nó, không phải thuộc lãnh vực của niềm tin, như vậy là đòi hỏi sự thấy và biết của con người.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567