Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. A Nan Đã Hiểu Được Chơn Tâm Nhưng Chưa Dám Nhận

02/04/201110:17(Xem: 7781)
5. A Nan Đã Hiểu Được Chơn Tâm Nhưng Chưa Dám Nhận

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI
SURAMGAMA SUTRA
Lê Sỹ Minh Tùng
Cuốn Một

Chương Thứ Ba

A Nan Đã Hiểu Được Chơn Tâm Nhưng Chưa Dám Nhận

Ông A Nan nghe lời dạy bảo thâm thiết của Phật, sung sướng rơi nước mắt, vòng tay mà bạch Phật rằng :


- Tuy con nghe được pháp âm vi diệu của Phật, ngộ được tâm vốn thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường trú. Nhưng con ngộ được pháp âm thường trụ của Phật vừa dạy thì con cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết điều mong ước. Con dù có được tâm này cũng chưa dám nhận là tâm tánh xưa nay hằng có. Cúi mong đức Phật thương xót, tuyên dạy viên âm, nhổ sạch gốc nghi ngờ trong con để con được quay về với đường vô thượng giác.


Ông A Nan đã dùng tâm phan duyên để nghe pháp cho nên tuy được Như Lai khai ngộ chơn tâm rộng lớn sáng suốt nhiệm mầu làm cho ông cảm động đến rơi nước mắt, nhưng đây chính là nhân nghe diệu âm của Phật để duyên vào tâm mà ngộ chớ không phải chính do A Nan thật chứng nên chính ông cũng chưa tin vào tâm mình để đạt đến chỗ không còn nghi mới là thật chứng. Bởi vì một phút nghi ngờ sinh ra biết bao mê muội cho nên ông A Nan mặc dù nghe pháp mà chỉ nghe bằng tâm phan duyên cho dù đó là pháp âm Phật thì chính ông cũng chưa lắng nghe được pháp tánh thanh tịnh bản nhiên của vạn pháp vốn đã có sẳn trong tâm của tất cả chúng sinh. Thí dụ như nghe có loại trà rất quý, nhưng phải tự mình uống qua thì mới biết trà ấy hương vị thơm ngon đến mức nào. Cũng như chúng sinh miệng thì nói ăn mà không ăn thì bao tử làm sao no được.


Đức Phật bảo A Nan :


- Các ông vẫn còn dùng tâm phan duyên để nghe pháp thì pháp đó chỉ là pháp tướng vương víu tạm thời, chứ không phải là pháp tánh.


- Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng, người trí nương ngón tay để tìm thấy trăng, nhưng nếu cho ngón tay là trăng thì không những bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất luôn cả ngón tay nữa. Vì ngón tay mà đã tưởng là trăng thì cũng không biết thế nào là sáng, thế nào là tối. Nay ông lấy sự phân biệt pháp âm của tôi mà cho là tâm, thì lúc không có pháp âm, lẽ ra ông phải còn phân biệt. Ví như người khách trọ ngủ trong lữ quán, tạm nghĩ rồi đi, không dừng lại mãi, còn người chủ quán thì chẳng đi đâu, nên gọi là chủ.


Sự phân biệt về âm thanh đã vậy thì sự phân biệt của sắc, hương, vị, xúc cho đến các phi sắc, phi không của pháp trần cũng vậy. Rời đối tượng phân biệt ra mà cái phân biệt của ông phải thường còn thì đó mới thật là tâm tánh của ông. Trái lại, hễ đối tượng không có, phân biệt cũng không còn, thế thì tâm tánh của ông có chỗ trả về, như khách đến rồi đi, không còn là địa vị chủ quán trọ nữa.


Nếu ông A Nan dùng tâm phân biệt mà tiếp nhận pháp âm Phật thì cái tâm đó chắc chắn không phải là chơn tâm. Vì sao? Bởi vì một khi pháp âm Phật không còn nữa thì cái tánh “thường trú’ cũng tan biến theo. Tiền trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc lúc có lúc không, nhưng cái tâm “vô phân biệt” của chúng sinh lúc nào cũng thường trụ không chạy theo tiền trần. Con người nương theo ngón tay để thấy ánh sáng huyền diệu của mặt trăng, cũng như ông A Nan dùng nhĩ căn để nghe pháp âm Phật mà thấy được chơn tâm của mình. Nhưng ngón tay không bao giờ là mặt trăng và tuy pháp âm Phật có huyền diệu sâu xa thì pháp âm Phật vẫn không bao giờ là chơn tâm của A Nan được.

Nếu dùng tâm phan duyên để nghe pháp thì pháp này cũng thuộc về tâm sinh diệt sở duyên chớ không đạt được pháp thể ly ngôn. Nếu lấy phân biệt pháp âm làm tâm của A Nan thì tâm này lẽ ra khi lìa âm thanh thì phải có thể cũng như lữ khách vào quán trọ nghĩ ngơi rồi ra đi còn người chủ thì ở lại. Nếu sự phân biệt này đúng là chơn tâm của ông A Nan thì nó phải thường trụ. Cớ sao khi âm thanh mất thì nó cũng biến theo? Như thế chẳng những tâm ông A Nan là vô thể mà ngay cả sự phân biệt về tướng mạo của ông A Nan nếu lìa sắc tướng cũng là vô thể. Tiền trần tuy có muôn hình vạn tướng, có phát sinh thì sẽ có chỗ trả về, nhưng tánh thấy, tánh nghe, tánh biết, tánh ngửi, tánh nếm của con người sẽ không trả về đâu hết vì nó chính là của chúng ta. Tiền trần đối tượng có sinh có diệt, có đến có đi ví như người khách trọ trong lữ quán nên gọi là “khách trần”. Bây giờ nếu tiền trần mất mà nhận thức chủ thể lúc nào cũng hiện hữu thì đó mới chính là chơn tâm thường trú vậy.


Mặc dù tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh biết, tánh nếm là hiện tượng biểu hiện của chơn tâm cũng ví như vành trăng chớ chưa phải là chơn tâm. Chỉ khi nào chúng sinh nhận thức và thể nhập vào bản thể bất biến của chơn tâm thì người ấy sẽ thấy được toàn vẹn mặt trăng. Từng, giây, từng phút, từng sát na trong tâm của chúng sinh hiện lên biết bao tâm niệm nào là vui, buồn, hờn, giận, thương yêu, ganh ghét, đố kỵ…, nhưng nếu chúng ta chịu tư duy quán chiếu một chút thì biết rằng tất cả những niệm thiện ác tốt xấu kia đến rồi lại đi. Vậy tất cả chúng nó đều là ý niệm phân biệt do tâm phan duyên với ngoại cảnh mà có. Còn cái tâm lẳng lặng thường trú lúc nào cũng ở với chúng ta không bị chi phối bởi sự thay đổi của thế giới bên ngoài thì đây mới là chơn tâm vĩnh hằng thanh tịnh có sẳn trong tất cả mọi chúng sinh.

Ông A Nan thưa :


- Bạch Thế Tôn! Nếu tâm tánh con có chỗ trả về, vậy cái chơn tâm minh diệu Như Lai nói, vì sao lại không có chỗ trả về? Xin Phật thương xót vì chúng con dạy bảo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567