Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

04 Người Xin Giúp Người Cho

28/11/201017:11(Xem: 8412)
04 Người Xin Giúp Người Cho

 

PHẬT LỊCH 2513
Phật Học Tùng Thư Mục C cuốn thứ 15
LUẬN ĐẠI TRƯỢNG PHU

TÁC GIẢ: ĐỀ BÀ LA BỒ TÁT
DỊCH GIẢ: TỲ KHEO TRÍ QUANG
CHỨNG MINH: HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT.

IV. NGƯỜI XIN GIÚP NGƯỜI CHO

Có tâm đại bi mới ở được trong sinh tử, bố thí đủ cách, cứu khổ chúng sinh. Được như thế mới gọi là khéo ở trong sinh tử.

Bực Đại trượng phu phước trí đem tâm đại bi, đưa tay bố thí, cứu vớt những kẻ trầm đắm trong bùn lầy nghèo nàn mà tự họ không thoát ra được.

Tâm đại bi có thể thực hành bố thí vĩ đại, dập tắt lửa đau khổ vĩ đại của chúng sinh, cũng như mây lớn mưa xuống mưa lớn, trừ diệt nắng lớn mùa hè. Sấm đại bi nổ sét bố-thí, đánh tan núi bần cùng, cứu giúp tầng lớp nghèo khổ ra khỏi sự nghèo nàn tối tăm. Dùng nước mưa bố thí vĩ đại mưa xuống lợi ích tất cả, thì sự bần cùng không còn tồn tại ở đâu được nữa. Cho nên khi Bồ tát vì cứu giúp chúng sinh mà bố thí thì ma và bè đảng của ma đều ganh ghét, lo lắng, khổ não và tức giận. Khi Bồ tát thực hành tài thí pháp thí vô tận thì tham lam và tật đố đều kinh hãi, kêu gào, khiếp sợ tất cả.

Từ bi che thân thể, trí tuệ làm mắt sáng, bố thí làm khí giới, Bồ tát như một thủ lãnh quốc-gia hàng phục kẻ xâm lăng tàn bạo. Tâm đại bi như cung, sự bố thí như tên, trừ diệt giặc bần cùng không còn tồn-tại chỗ nào được nữa. Từ bi như rễ chắc, ái ngữ như thân cây, nhẫn nhục như nhánh lá, bố thí như hoa trái, trí-tuệ như gió mạnh, thổi rụng hoa quả bố thí no đủ cho người nghèo khổ. Từ-bi như trăng rằm, bố-thí như ánh-sáng, người xin như hoa quỳnh; trong đêm trường sinh-tử, sự xuất hiện của Bồ tát như trăng rằm đưa ánh-sáng làm nở quỳnh hoa.

Người xin đã thỏa mãn rồi lại bố-thí như Bồ-tát đã bố thí, bố-thí cho những người nghe tiếng đến xin. Sự bố thí của Bồ tát vang khắp tất cả, những người nghèo khổ đều đến quy tụ như khách bộ hành quy tụ dưới bóng cây đại thọ giữa đồng trống. Bấy giờ Bồ-tát tự thấy mình được sự thù-thắng, tại sao như vậy, vì đã làm cho người xin đến làm cho mình thực hành được sự bố-thí nên gọi là được sự thù thắng. Do đó tất cả chúng sinh càng đến quy tụ. Và vị Bồ tát đại-sĩ như thế chúng ta nên kính lễ.

Khi thấy vị Bồ-tát ấy tỏ vẻ hoan hỷ là biết thế nào cũng có người đến xin. Khi có người đến tin cho Bồ-tát có người đến xin, Bồ tát liền hoan hỷ đem của cải thưởng cho người tin và cho người xin. Thấy người xin, Bồ-tát vô cùng hoan hỷ kính mến. Người xin mở miệng xin là điều Bồ tát rất đau lòng, Để cho người xin phải mở miệng xin là điều Bồ tát rất tự trách. Nếu người xin không biết Bồ tát tánh thích bố thí thì Bồ tát hoan hỷ, cúi đầu, cầm tay, nói với người ấy như nói với bạn thân để cho họ biết. Bởi vậy người xin thỏa mãn rồi vô cùng hoan hỷ, người khác xem thấy cũng rất hoan hỷ, chân thành thốt ra lời nói: Đây mới là người chân chính cứu giúp tôi, tôi cầu nguyện người cứu giúp tôi tồn tại mãi ở đời. Riêng Bồ tát thấy người hoan hỷ lòng mình cũng tươi sáng, làm cho người xin càng như được cam lộ thấm lòng. Bồ tát ngó người xin với mắt từ bi, biết ơn: ví như nỗi sung sướng của người được của và đem bán đắt giá, tâm trạng của Bồ tát khi được người đến xin cũng y như thế. Một người giàu thương con cho con, lòng thương và sự cho ấy không làm sao như Bồ tát. Bồ tát thấy người xin hơn người thường thấy cha mẹ. Thấy người xin thỏa mãn rồi tự hào, Bồ tát càng hoan hỷ hơn. Khi người đến nói tôi cần thứ này cần thứ kia thì, vì tâm khao khát bố thí quá nặng, Bồ tát tai nghe như uống nước cam lộ. Càng nghe xin càng mến trọng. Luôn luôn mến trọng người xin, đó là tâm lý của Bồ tát. Bồ tát tự nghĩ chúng sinh là ruộng phước của mình. Và suy nghĩ mình phải như họ. Tại sao? Lòng ham muốn của người không chán, lòng bố thí của ta cũng vậy; lòng họ mến trọng người cho, lòng ta mến trọng người xin cũng thế; họ tìm người cho để xin, cũng vậy, ta tìm người xin để cho; ta với họ xin nhau: ta xin họ sự bố thí, họ xin ta những tiền của; người xin nghe người cho hết của thì buồn bực, lòng ta cũng vậy, rất bực khi không tìm được người xin hoặc người đến xin mà không làm cho họ được vừa lòng. Người xin xin không được, Bồ tát tìm tìm không ra, những trường hợp ấy, Bồ tát nghĩ, Phật dạy “cầu không được: khổ”, thực đúng như thế.

Với người xin, Bồ tát bao giờ cũng nghĩ rất ít có, rất khó gặp, vì sao, vì nếu không có họ thì bố-thí ba-la-mật khó đầy đủ, và do đó trí-giác vô thượng (đại giác ngộ) khó mà toàn vẹn. Thế nên với người cầu xin, bao giờ Bồ tát cũng biết ơn. Nếu có họ thì trí-giác vô thượng nắm chắc trong tay. Khi nghe người xin nói cho tôi, thì Bồ tát nghĩ rằng thế là họ cho tôi trí-giác vô thượng. Có những người kém nghĩ nghe người xin thì khinh khi; Bồ tát nghĩ rằng gọi là người xin, là cái tên những kẻ kém nghĩ ấy mê mờ đặt ra. Chứ chính người xin ấy mới là người cho, vì họ cho ta sự bố-thí ba-la-mật. Dù có của cải mà không có tâm cho, dù có tâm cho mà không có người xin, thì bố thí làm sao thành được; nên, phải đủ ba điều mới thành bố thí, thì người xin đối với người cho, quả là người đại phước đức vậy. Một người nghèo được kho báu quá sự tưởng tượng, lòng vừa mừng được vừa lo mất, đồng thời lại bị vua quan, giặc giã, kẻ trộm, kẻ cướp đe dọa, trong lúc đó một người bạn thân đến khéo léo bày cách cho cất giữ, làm cho người nghèo ấy vui mừng và biết ơn vô kể. Bồ tát khi gặp được người xin cũng y như trường hợp ấy, người xin là bạn thân của Bồ tát vậy.

Tâm đại bi của Bồ tát biến khắp tất cả, nhưng với người xin Bồ tát đặc biệt mến trọng. Thấy họ Bồ tát vui vẻ liền, để họ biết chắc chắn mình sẽ được vừa lòng. Thấy họ, Bồ tát cúi mình dịu dàng bảo người cần gì xin tùy ý. Và an ủi họ: Hay thay hiền giả! Tôi tự nguyện làm kẻ cung phụng người. Bồ tát làm cho lòng người xin hoan hỷ, thanh lương, bằng lời nói ái ngữ. Lòng tham người xin như lửa, Bồ tát đem sữa bố thí dập tắt. Bố thí được như thế mới gọi là người biết sống. Không thì chỉ là một người chết.

Khi người nhận được sự bố thí, lòng rất hoan hỷ, người xung quanh thấy cũng hoan hỷ như thế, thì chính lúc ấy quả trí-giác vô thượng đã nắm trong tay Bồ tát.

Tâm đại bi thanh tịnh thì sự bố thí thanh tịnh. Không đại bi, bố thí sẽ biểu lộ sự tự hào, sự khinh khi, sự cầu biết ơn, sự cầu trả ơn. Bồ tát suy nghĩ: điêu luyện tâm đại bi thì kính người thương người, phát động sự bố thí thanh tịnh. Bồ tát thấy người nghèo thì lòng thương cực nặng, người nghèo được Bồ tát thì của cải sẽ giàu. Được ngọc như ý thỏa mãn ý muốn thế nào, thì gặp Bồ tát cũng y nghư thế: nghèo khổ hết cả.

Sự bố thí của Bồ tát là hy sinh tất cả: hy sinh tài sản, hy sinh thân thuộc, hy sinh tay chân, hy sinh tánh mạng, cho đến tư tưởng, năng lực, học thức, kỹ năng, không thứ gì không hy sinh cho người và vì người. Thấy người cần tánh mạng, Bồ tát tự đem đến cho họ, huống chi họ đến xin. Tánh mạng còn thế huống chi tài sản.

Bồ tát chỉ lấy đại bi làm bản thân. Vì vậy, tự nhiên thân thể không còn là mình nữa mà là vật của người. Cho nên Bồ tát rất bực, khi thấy người xin cho thân mình không phải vật của họ. Bồ tát nói cho người ấy biết: tất cả những gì của tôi là của người, sao người còn xin, còn tưởng của người khác. Bồ tát nói cho họ rõ nguyên do: tôi đã đối trước đấng Vô-thượng-tôn trong hết thảy muôn loài là Đức Phật, phát nguyện rằng tất cả những gì của tôi, tôi nguyện cho chúng sinh cả, thế của tôi là của người rồi.

Bồ tát tự nguyện tất cả của mình muôn loài hãy xem là của họ. Nguyện vọng ấy rộng lớn trong mát như nước sông Hằng, vật thú gì uống cũng tùy ý, không bao giờ sông Hằng có ý niệm chống trái, bảo là của mình. Vì nguyện vọng của Bồ tát như vậy nên với tài sản tánh mạng bao giờ cũng đã xả ly rồi. Chỉ có điều đã đưa hay chưa đưa cho người xin mà thôi, chứ không nói rằng cho hay sinh lòng tự mãn. Tại sao? Vì Bồ tát đã nguyện cho họ rồi, và cho chỉ vì lòng thương muốn hy sinh để người khỏi khổ.

Bồ tát là tay sai của chúng sinh, chúng sinh là người cho của Bồ tát. Khi lòng người nghèo thỏa mãn là Bồ tát đầy đủ bố-thí ba la mật, bố thí đầy đủ thì công-đức viên mãn, công đức viên mãn thì đại-giác-ngộ hiện thành. Kẻ tham lẫn thấy người xin thì quay mặt đi, người bố thí thấy người xin thì ngó thân mến. Bồ tát thấy người xin được sự bố thí rồi biết triển chuyển bố thí người khác thì lòng rất hoan lạc: thấy tất cả mọi người biết và thích bố thì, tán thán sự bố thí, lòng càng hoan lạc hơn, sự hoan lạc ấy còn hơn sự an lạc của giải thoát.

Khi đem tâm đại bi bố thí, Bồ tát thấy chúng sinh được tài sản nên thỏa mãn, vì thỏa mãn nên chúng sinh tự lập chí nguyện ở mãi trong sinh tử hành động những điều lợi ích chứ không cầu giải thoát, thấy chúng sinh phát đại nguyện như vậy Bồ tát nghĩ rằng thế là ta đã được kết quả, dù chưa được đại giác ngộ cũng đã đầy đủ lắm rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567