Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 1: Vua Lăng Già Thưa Hỏi

10/10/201015:32(Xem: 6497)
Chương 1: Vua Lăng Già Thưa Hỏi

QUYỂN MỘT

CHƯƠNG I

VUA LĂNG GIÀ THƯA HỎI

Như vậy tôi nghe, vào thời gian Phật cùng chúng đại tỳ kheo và đại Bồ Tát ở trong thành Lăng Già trên đỉnh núi Ma La Dà bên biển lớn. Các vị này đều đã thông đạt năm pháp, ba tự tánh, tám thức, hai vô ngã, hiểu rõ nghĩa cảnh giới do tự tâm hiện, dạo chơi trong vô số tam muội, tự tại, mười lực và sáu thần thông. Tuy hiện đủ loại hình và phương tiện để điều phục chúng sanh, kỳ thực các Ngài xuất thân từ các cõi Phật, được chư Phật lấy nước cam lộ rưới đầu. Bồ Tát Đại Huệ là bậc thượng thủ.

Bấy giờ đức Thế Tôn thuyết pháp trong cung vua rồng biển đã quá bảy ngày. Ngài từ trong biển lớn đi ra, có vô lượng trời rồng, Phạm Vương, Đế Thích – những vị hộ trì thế gian cung đón. Đức Như Lai đưa mắt nhìn thành Lăng Già trên đỉnh Ma La Dà sơn, mỉm cười nói : “ Các bậc Ứng chính đẳng giác ngày xưa cũng đều ở trong thành này diển nói pháp mà thánh trí đã chứng. Đó không phải cảnh giới ngoại đạo có thể suy lường, không phải cảnh giới của Thanh Văn Duyên Giác. Nay Như Lai cũng khai thị pháp này cho La Bà Vương (Ràvana).” Khi ấy La Bà Na, vua loài Dạ Xoa, nhờ thần lực Phật, nghe được âm thanh lời ngài, từ xa biết Như Lai đã ra khỏi cung vua Rồng biển, có các vị hộ thế trời, rồng, Phạm Vương, Đế Thích vây quanh. Nhìn sóng biển, Như Lai quán sát A Lại Gia thức của chúng sanh không khác gì biển lớn bị gió hoàn cảnh thổi động, làm cho sóng thức nổi dậy. La Bà Na lòng vui mừng nói : “ Ta hãy đến thỉnh đức Như Lai vào thành Lăng Già, để ta cùng các loài trời, người trong đêm tối dài được lợi ích lớn.” Nói xong cùng quyến thuộc đi xe hoa đến chổ Phật, đến nơi xuống xe nhiễu quanh Phật ba vòng, trỗi các thứ âm nhạc để cúng dường Như Lai. Các nhạc khí đều nạm ngọc nhân đà la màu xanh, ngọc lưu ly ..., được bọc trong các thượng y vô giá. Âm thanh vi diệu mỹ lệ, tiết điệu hòa nhịp theo lời kệ ca ngợi Phật :

Tâm Phật là kho tàng chân lý

Vô ngã, lìa kiến chấp nhiễm ô

Nguyện Phật vì chúng con diễn nói

Chỗ sở tri thánh trí đã tường

Báo thân do thiện pháp tích thành

Trí giác ngộ nên thường an lạc

Ngưỡng mong đấng Biến Hóa Tự Tại

Vào thành Lăng Già diễn pháp sâu

Chư Phật cùng Bồ Tát xưa lâu

Cũng từng ở thành này nói pháp

Chúng con loài dạ xoa hết thảy

Nguyện một lòng nghe Pháp cao sâu.

La Bà Na, chúa tể thành Lăng Già, sau khi đã ca bài tán Phật theo âm điệu Đô Ta Ka (Totaka), còn hát bài tụng như sau :

Thế Tôn trong bảy ngày

Ở trong biển Ma Kiệt

Sau ra khỏi Long cung

Ung dung lên bờ này

Con và các thể nữ

Cùng quyến thuộc dạ xoa

Thân dà, Xa Thích Na

Cùng các vị thông tuệ

Đều sẽ dùng thần lực

Mà đến chỗ Như Lai

Lần lượt xuống xe báu

Lễ kính đức Thế Tôn

Lại nhờ uy thần Phật

Trước Phật xưng tên mình:

Con là vua La Sát

La Bà Na mười đầu

Nay đi đến chỗ Phật

Xin Phật thâu nhận con

Và tất cả chúng sanh

Ở trong thành Lăng Già

Vô lượng Phật quá khứ

Đều lên đỉnh núi báu

Trong thành Lăng Già này

Mà nói pháp sở chứng

Thế Tôn cũng nên vậy

Ở núi báu trang nghiêm

Chúng Bồ Tát vây quanh

Xin nói pháp thanh tịnh

Chúng con nhân ngày nay

Cùng chúng ở Lăng Già

Một lòng cung kính nghe

Pháp tự chứng ly ngôn

Con nhớ đời quá khứ

Vô Lượng các đức Phật

Có Bồ Tát nhiễu quanh

Cũng nói kinh Lăng Già

Kinh nhập Lăng Già này

Phật xưa đều khen ngợi

Nguyện Phật nay cũng thế

Vì chúng sinh khai diễn

Xin Phật vì xót thương

Vô lượng chúng Dạ Xoa

Hãy vào thành nghiêm báu

Nói pháp môn vi diệu

Thành Lăng Già đẹp này

Trang hoàng bằng châu báu

Vách không bằng đất, đá

Lưới giăng bằng trân bảo

Các chúng Dạ Xoa đây

Xưa từng cúng dường Phật

Tu hành lìa các lỗi

Thường rõ chỗ chứng tri

Các dạ xoa nam nữ

Khao khát pháp đại thừa

Tự tin theo Pháp ấy

Và thích khiến người tin

Nguyện xin đấng Vô Thượng

Vì các chúng La Sát

Và quyến thuộc Lung Nhĩ

Mà đến nơi thành này

Con từ xưa đến nay

Siêng cúng dường chư Phật

Nguyện nghe pháp tự chứng

Đạo đại thừa cứu cánh

Xin Phật thương xót con

Và các chúng Dạ Xoa

Cùng các hàng con Phật

Mà vào trong thành này

Đây cung điện thể nữ

Và các chuỗi anh lạc

Vườn vô ưu khả ái

Xin Phật thương nạp thọ

Để phụng Phật, Bồ Tát

Không gì con không xả

Ngay cả đến thân này

Xin Phật thương nạp thọ.

Đức Thế Tôn nghe lời trên, liền dạy : “ Này Dạ Xoa vương, các đấng đại đạo sư đời quá khứ đều thương xót ngươi, nhận lời thỉnh cầu của ngươi mà đến núi báu này, nói pháp tự chứng. Chư Phật đời vị lai cũng thế. Đây là chỗ ở của những bậc tu thiền quán sâu xa đã biến hiện ra pháp lạc. Ta và các Bồ Tát vì thương xót sẽ nhận lời cầu thỉnh của ngươi.” Nói xong, Phật ngồi im lặng. Vua La Bà Na liền đem xe kết hoa đẹp của mình để cúng Phật. Phật ngồi lên xe, vua và các Bồ Tát tuần tự theo sau. Có vô lượng thể nữ ca hát tán thán để đón mừng Phật vào thành. Sau khi vào thành, vua La Bà Na cùng quyến thuộc lại dùng các thứ vi diệu để cúng dường. Đồng nam đồng nữ trong chúng Dạ Xoa lấy lưới báu cúng dường Phật, vua La Bà Na cúng Phật và Bồ Tát các chuỗi anh lạc đeo cổ. Sau khi nhận các phẩm vật cúng dường, chư vị Bồ Tát lần lượt nói cảnh giới cao thâm mà các ngài đã thân chứng. La Bà Na vương và quyến thuộc lại cúng dường Bồ Tát Đại Huệ và khuyến thỉnh như sau :

Tôi và các đại sĩ

Muốn hỏi đức Thế Tôn

Các cảnh giới tự chứng

Của tất cả Như Lai

Tôi cùng chúng Dạ Xoa

Và các Bồ Tát này

Một lòng nguyện xin nghe

Nên đồng thanh khuyến thỉnh

Ngài là bậc tối thắng

Trong các bậc tu hành

Và thuyết pháp lợi sinh

Tôi một lòng cung kỉnh

Xin ngài vì chúng tôi

Mà thỉnh vấn Như Lai

Pháp tự chứng thanh tịnh

Cứu cánh vào Phật địa

Lìa tất cả lầm lỗi

Của ngoại đạo, nhị thừa.

Bấy giờ trong núi ấy, đức Thế Tôn dùng thần lực hóa ra muôn ngàn núi báu, lại dùng trăm ngàn vạn ức báu vật của chư thiên mà trang hoàng. Trên đỉnh mỗi ngọn núi đều có thân Phật hiện, trước mỗi thân Phật đều có vua La Bà Na và hội chúng. Tất cả cõi nước trong mười phương đều xuất hiện, trong mỗi cõi nước đều có đức Như Lai, trước mỗi đức Phật đều có vua La Bà Na cùng quyến thuộc, vườn A Du Già, thành Lăng Già trang nghiêm... Mỗi nơi đều có Bồ Tát Đại Huệ thưa hỏi Phật. Phật khai thị cảnh giới tự chứng cho chúng hội. Sau khi dùng muôn ngàn âm thanh vi diệu đễ diễn nói kinh này, Phật cùng chúng Bồ Tát tan biến vào hư không. Khi chỉ thấy còn lại một mình mình trong cung điện, vua La Bà Na nghĩ: “vậy, người đang nhìn mọi sự đây là ai? Ai đã nghe thuyết pháp? Ai thấy? Thấy gì? Phật và rừng núi báu trong thành biến đi đâu? Đấy là mộng chăng? Hay là ảo giác? Hay cảnh biến hóa của loài càn thát bà? Hay vì ta nhặm mắt? Hay là nắng quán đèn lòa? Đây là ảo mộng, như con của thạch nữ? Như ảo giác vòng lửa quay?” Lại nghĩ: “Bản tính của vạn pháp đều như vậy, chỉ là cảnh giới do tự tâm phân biệt. Kẻ phàm phu mê hoặc không thể hiểu thấu. Kỳ thực, không có thấy và bị thấy, không người năng thuyết cũng không pháp sở thuyết. Thấy Phật nghe Pháp đều là phân biệt. Những người thấy các pháp như trên không thể thấy được Phật, không sinh phân biệt mới gọi là thấy Phật.” Khi ấy chúa tể thành Lăng Già bỗng nhiên khai ngộ, lìa ô nhiễm của tự tâm, chứng được vạn pháp chỉ do tâm biến hiện; an trú cảnh giới vô phân biệt. Nhờ những thiện căn đã trồng lâu xa về trước, ông được cái thấy “như thật” đối với hết thảy pháp. Ông không còn lệ thuộc người khác để giác ngộ, có thể dùng trí quán sát các pháp một cách sáng suốt, xa lìa hết thảy ức đoán, tà giải, trở thành một bậc thầy trong các bậc đại tu hành. Có năng lực một thân hiện ra nhiều thân, thấy suốt các phương tiện, biết rõ đặc điểm từng giai đoạn tu hành (địa), thường ưa xa lìa tâm, ý, ý thức, cắt đức bakiến “tương tục”, lìa chấp trước của ngoại đạo. Tự tâm ông biết mình đã vào kho tàng Như Lai, hướng đến Phật địa. La Bà Na bỗng nghe giữa hư không trong cung điện có tiếng nói: “Hay thay, đại vương ! Như chỗ ông đã học, các bậc tu hành cũng học như thế, thấy như thế. Tất cả các đức Như Lai cũng thấy như thế. Nếu thấy (các pháp) khác thế, là đoạn kiến. Ông phải xa lìa tâm, ý, ý thức, nên siêng quán sát hết thảy các pháp, nên tu nội hạnh, chớ đắm trước ngoại cảnh, chớ sa vào những pháp tu, những lối giải thích, những cảnh giới, những phép định của nhị thừa ngoại đạo. Chớ ham thích bàn chơi, đàm tiếu, chớ khởi các kiến chấp của phái Vi Đà (chấp tự ngã), chớ say đắm an nhàn của vương vị, chớ ở trong những định thuộc về lục định v.v.. Làm như thế là thực hành hạnh của bậc chân tu, có thể phá biện luận của người khác, có thể diệt trừ ác kiến, có thể xả bỏ hết thảy ngã kiến chấp trước, có thể dùng diệu tuệ để chuyển thức sở y, có thể tu đạo đại thừa của Bồ Tát, có thể thâm nhập cảnh giới tự chứng của Như Lai. Ông nên siêng tu học thêm như vậy, để các pháp sở đắc càng thêm thanh tịnh. Hãy khéo tu Tam Muội và Tam Ma Bát Để (samàpatti), chớ tham đắm cảnh giới mà nhị thừa, ngoại đạo cho là vui thù thắng, vì phân biệt theo phàm phu. Ngoại đạo chấp ngã kiến, có ngã tướng, vướng mắc Thật (dravya), Đức, (Cầu Na, Guna). Nhị thừa thấy thật có “vô minh duyên hành” nên từ “tính không” sinh loạn tưởng phân biệt. Lăng Già Vương, Pháp này là đạo đại thừa rất thù thắng, có thể khiến ông thành tựu “Thánh Trí Tự Chứng”, được thọ đời tốt đẹp trong ba cõi. Lăng Già Vương, các ngoại đạo chấp trước ngã, lập các dị luận, không thể diễn nói xa lìa chấp trước, chỉ thấy nghĩa “hai” của thức tính. Hay thay, Lăng Già Vương, hãy tư duy nghĩa này như ông tư duy, tư duy như thế chính là thấy Phật.”

Bấy giờ Lăng Già Vương lại nghĩ: “Xin cho con lại được chiêm ngưỡng Như Lai. Như Lai Thế Tôn vốn tự tại trong các phép quán, lìa pháp ngoại đạo, có thể diễn nói cảnh giới của Thánh trí tự chứng, vượt ngoài ứng thân hóa thân, an trú trong chính định của Như Lai, chứng nhập được pháp lạc tam muội. Ngài là đấng “Đại Quán Hạnh Sư”, là đấng Đại Ai Mẫn, đã đốt hết lửa phiền não và phân biệt, được các chúng Phật tư vây quanh, đấng hiểu thấu tâm chúng sinh, đấng Biến khắp các cõi, đấng Nhất Thiết Trí, xa lìa hết thảy sự tướng phân biệt. Con nay xin được thấy lại năng lực đại thần thông của Như Lai. Khi được thấy Như Lai, nguyện cho con đạt được pháp chưa đạt, không thối chuyển pháp đã đạt, lìa các phân biệt, an trú trong pháp lạc tam muội, tăng trưởng đầy đủ Như Lai trí.” Đức Phật biết Lăng Già Vương sẽ chứng Vô Sinh Pháp Nhẫn, vì thương xót nên lại thị hiện sắc thân, biến mọi vật trở lại như trước. Vua mười đầu thấy lại những gì đã từng thấy: rất nhiều sơn thành trang hoàng bằng đủ thứ châu báu, trong mỗi thành đều có đức Phật 32 tướng nghiêm thân, lại tự thấy thân mình và Đại Huệ ở trước mỗi đức Phật, có chúng Dạ Xoa vây quanh, đang nói các pháp sở hành của bậc Tự Chứng Trí, lại thấy cõi nước của mười phương Phật. Tất cả các sự vật đều hiện như trước không sai khác.

Bấy giờ đức Thế Tôn từ xa dùng tuệ nhãn quan sát khắp hội chúng rồi bỗng vui mừng cười lớn như sư tử vương. Từ giữa đôi lông mày, đùi vế, hông, lưng, cổ cho đến từ vai, cánh tay, dấu chữ vạn, từ mỗi lỗ lông trên thân ngài, đều phóng muôn vàn hào quang đẹp, như ráng cầu vồng, như tia mặt trời, lại như ngọn lửa mạnh nổi lên vào thời kiếp tận. Lúc ấy trong hư không, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương từ xa cũng thấy Như Lai ngồi như núi Tu Di trên đỉnh Lăng Già sơn vui mừng cười lớn. Chư Bồ Tát và các chúng loài trời đều nghĩ: “Như Lai Thế Tôn vốn tự tại trước mọi pháp, nay bởi nhân duyên gì bỗng lại vui mừng cười lớn, thân tỏa hào quang, lặng im không động, an trú trong cảnh tự chứng, nhập pháp lạc tam muội, như sư tử vương nhìn quanh bốn hướng, nhìn La Bà Na, nghĩ đến các pháp như thật?” Khi ấy Bồ Tát Đại Huệ trước vì lời thỉnh của La Bà Na, sau vì biết rõ tâm các Bồ Tát trong hội chúng, lại biết chúng sinh đời sau những kẻ bám vào ngữ ngôn văn tự, ôm giữ hạnh nhị thừa ngoại đạo sẽ mê lầm nghĩ: “Thế Tôn đã xa lìa cảnh giới của thức phân biệt, thế thì vì cớ gì mà vui mừng cười lớn?” Chính vì muốn trừ nghi hoặc cho hạng này, nên Bồ Tát hỏi Phật. Phật đáp:

“Hay thay, Đại Huệ! Hay thay, Đại Huệ ! Ông quán sát thế gian, vì thương xót chúng sinh bị trói buộc trong các quan niệm sai lầm về ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, muốn cho chúng sinh được khai ngộ mà hỏi ta. Những người trí thường đặt câu hỏi vì lợi mình lợi người như vậy. Này Đại Huệ, Lăng Già Vương đây đã từng hỏi tất cả các đức Như Lai trong quá khứ hai nghĩa Ứng Cúng và Chính Đẳng Giác (A La Hán và Phật), nay cũng muốn hỏi, và trong đời vị lai cũng thế. Các chỗ khác nhau giữa hai nghĩa ấy, hết thảy nhị thừa, ngoại đạo đều không thể suy lường.” Đức Như Lai biết Lăng Già Vương muốn hỏi nghĩa này nên dạy:

Này Lăng Già Vương, ông muốn hỏi gì cứ hỏi. Ta sẽ phân biệt giải thích cho ông, thỏa mãn mong cầu của ông, khiến ông hoan hỷ, có thể dùng trí tuệ tư duy quán sát để lìa phân biệt, biết rõ các giai đoạn tu hành. Ông sẽ tu tập đối trị các pháp, chứng nghĩa chân thật, nhập pháp lạc tam muội, được chư Phật nhiếp thọ, an trú trong pháp lạc xa ma địa (samapatthi), xa lìa lỗi lầm của định nhị thừa, an trú các cấp bực Bồ Tát: Bất Động, Thiện Huệ, Pháp Vân. Ông sẽ như thật rõ biết các pháp vô ngã, sẽ được ngồi trong hoa sen báu, được chư Phật lấy nước tam muội rưới đầu, được vô số Bồ Tát ở trong sen báu vây quanh, cùng chúng hội đều hướng nhìn ông. Các cảnh giới như thế không thể nghĩ bàn. Ông sẽ sinh khởi các hạnh Nhất hạnh và Nhất phương tiện. Ông quyết định sẽ đạt những điều bất tư nghì như thế trong quả vị Như Lai, sẽ tùy cơ cảm chúng sinh mà ứng hiện thân tướng. Những gì ông sẽ đạt, hàng nhị thừa, ngoại đạo, Phạm Vương, Đế Thích, Tứ Thiên Vương đều chưa từng thấy.

Được Phật cho phép, Lăng Già Vương rời chỗ ngồi trên đỉnh núi báu thanh tịnh trang nghiêm như hoa sen lớn đứng dậy, với chúng thể nữ vây quanh, hóa ra vô lượng hoa đủ màu, các loại hương như hương bột, hương thoa, tràng phan, dù lọng, quang bôi (?), anh lạc cùng các đồ trang sức thắng diệu khác thế gian chưa từng nghe. Lại biến hóa ra rất nhiều nhạc khí mà dục giới có, các nhạc khí vượt hơn nhạc khí cõi trời, rồng, nhạc thần, cùng hết thảy thế gian, các nhạc khí mà chư Phật mười phương đều thấy. Lại hóa các lưới báu che khắp chư Phật, Bồ Tát. Lại hiện các thứ y phục mỹ lệ, dựng tràng phan để cúng dường Như Lai. Xong La Bà Na liền bay lên hư không cách bảy cây đa la, rưới xuống các lễ vật cúng dường, trỗi nhạc, rồi từ trên không xuống, ngồi ở đỉnh núi sen báu tỏa ánh sáng như mặt trời, vui mừng cung kính bạch: “Con nay muốn hỏi Như Lai hai nghĩa. Hai nghĩa này con đã từng hỏi các đức Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác trong quá khứ. Chư Phật xưa cũng đã nhận lời cầu thỉnh của con mà trình bày. Nay con muốn hỏi lại nghĩa ấy, Xin đức Như Lai nói rõ cho con. Bạch Thế Tôn, hai nghĩa ấy được các đức Như Lai biến hóa chứ không phải Phật căn bản (Phật Pháp Thân) tuyên thuyết. Phật căn bản thì chỉ nói cảnh giới của pháp lạc tam muội chứ không nói những cảnh giới do hư vọng phân biệt. Hay thay đức Thế Tôn tự tại đối với các pháp, xin ngài rũ lòng thương xót nói hai nghĩa này, hết thảy hàng con Phật đều có lòng muốn nghe.” Khi ấy đức Thế Tôn bảo vua:

Ông cứ hỏi, ta sẽ nói cho.

Vua Dạ Xoa liền mang thêm các thứ mũ báu và anh lạc, các đồ trang sức để trang nghiêm thân rồi nói:

Như Lai thường dạy: “Pháp còn phải xả, huống hồ phi pháp.” Bạch Thế Tôn, làm sao xả hai thứ pháp ấy? Pháp là gì, phi pháp là gì? Làm sao có hai pháp để xả? Có hai pháp tức đã sa vào tướng phân biệt giữa hữu thể và vô thể (svabhà và bhàva), giữa thị và phi (abhautibhautika). Tất cả đấy đều là phân biệt, không thể biết được tướng vô sai biệt của A Lại Da thức. Như khi thấy vòng lông (mao luân) trong hư không mà cho có thật, (sự phân biệt) đó không phải là cảnh giới của tịnh trí. Pháp tính vốn như vậy, làm sao có thể xả (pháp hay phi pháp) ?

Phật dạy:

Lăng Già Vương, ông không thấy sự tán hoại vô thường của các vật như bình, v.v.. hay sao ? Phàm phu thấy những pháp ấy liền sinh phân biệt. Ông không biết sự khác nhau giữa pháp và phi pháp sao ? Đấy là do phàm phu phân biệt, không phải là cái thấy của bậc chứng trí. Phàm phu sa vào sự phân biệt tướng, các bậc đã chứng thì không thế. Này Lăng Già Vương, như khi thiêu đốt cung điện, vườn rừng, thấy các ngọn lửa, tính lửa vẫn là một, nhưng do sức cháy của các nơi phát ra ngọn lửa mà lửa có dài ngắn to nhỏ khác nhau. Sao ông không biết tướng sai biệt giữa pháp và phi pháp ? Này Lăng Già Vương, như một hạt giống sinh mộng, thân nhỏ, cành lá cho đến hoa quả, sai biệt vô cùng; ngoại pháp như thế, nội pháp cũng vậy. Do vô minh làm duyên sinh uẩn, giới, xứ cùng hết thảy pháp trong ba cõi, thọ sinh vào các đường, có khổ, lạc, tốt, xấu, nói, im, đi, nghỉ đều khác nhau. Lại như tướng của các thứ chỉ là một, song theo cảnh giới mà có trên, giữa, dưới, uế, sạch, thiện, ác v.v.. không đồng. Này Lăng Già Vương, không những các pháp như trên có sai biệt, mà các bậc tu hành khi tu quán hạnh cũng thấy trong các hạnh nội chứng của mình có các tướng sai biệt, huống chi pháp với phi pháp mà không phân biệt hay sao ? Này Lăng Già Vương, pháp cùng phi pháp khác nhau, nên biết đấy là do phân biệt các tướng mà ra. Lăng Già Vương ! Pháp là gì ? Ấy là những pháp mà nhị thừa ngoại đạo do hư vọng phân biệt cho là có, thật, làm nhân cho các pháp. Những pháp như vậy cần phải xa lìa, chớ nắm giữ tướng để sinh phân biệt, thấy các pháp do tự tâm biến mà cho là thật. Thấy được pháp tính của tự tâm, ấy gọi là không chấp trước. Các vật như cái bình v.v.. mà phàm phu chấp vốn không tự tính, những người tu quán hạnh lấy tỳ bát xá na (vipassana – quán) như thật quán sát, gọi là xả các pháp. Này Lăng Già Vương, phi pháp là sao ? Ấy là các pháp không có tự tính, không tướng, lìa phân biệt; người thấy như thật thì cảnh giới dù có dù không đều không khởi quan niệm, ấy gọi là xả phi pháp. Lại nữa, phi pháp ấy là như sừng thỏ, con của thạch nữ v.v.. đều không tính không tướng, không thể phân biệt, cần phải xa lìa. Phi pháp này tuy không tính không tướng, mà thế gian vẫn có danh từ, không phải như cái bình v.v.. có thể cầm nắm. Các pháp có tướng phân biệt như bình, và không tướng như lông rùa, đều phải xả bỏ, ấy gọi là xả pháp cùng xả phi pháp. Lăng Già Vương, những chỗ ông hỏi trước ta đã nói xong. Này Lăng Già Vương, cái quá khứ ông nói đó chỉ là phân biệt, vị lai cũng là phân biệt, vì Ta (hiện tại) cũng như các đức Như Lai kia. Lăng Già Vương, pháp của chư Phật nói đều xa lìa phân biệt, đã ra khỏi hết thảy hí luận, không như sắc tướng có thể phân biệt, chỉ có trí mới chứng nhập được mà thôi. Chính vì muốn cho chúng sinh an vui mà chư Như Lai mới diễn nói pháp, dùng trí vô tướng mà nói, gọi là Như Lai. Bởi đức Như Lai lấy trí làm thể, lấy trí làm thân, nên Như Lai không phân biệt cũng không thể bị phân biệt. Không thể lấy tướng ngã, nhân, chúng sinh... mà phân biệt Như Lai. Vì sao ? Bởi vì ý thức do cảnh mà khởi rồi bám lấy sắc, hình, tướng. Cho nên (Như Lai) xa lìa năng phân biệt cũng như sở phân biệt. Này Lăng Già Vương, thí như chúng sinh trong bức tranh màu trên vách không có giác tri, chúng sinh ở thế gian cũng vậy, không có nghiệp, báo. Pháp Phật cũng thế, không có nghe, không có nói. Này Lăng Già Vương, chúng sinh ở thế gian cũng như cảnh biến hóa, phàm phu ngoại đạo không thấu đạt nghĩa này. Lăng Già Vương, thấy được như thế gọi là chính kiến, thấy khác gọi là phân biệt kiến, vì phân biệt nên bám giữ nhị nghĩa. Lăng Già Vương này, ví như có người tự thấybóng mình trong gương nước, dưới ánh trăng, nghe tiếng mình âm hưởng trong hang núi, bèn sinh phân biệt mà khởi sự bám víu. Đây cũng vậy, pháp, phi pháp chỉ là phân biệt, vì phân biệt nên không thể xa lìa; chỉ tăng trưởng hư vọng, không được an tĩnh. An tĩnh ấy nghĩa là nhất duyên (ekàgra), nhất duyên ấy là tam muội tối thắng, từ đó có thể phát sinh Thánh Trí Tự Chứng, lấy Như Lai tạng làm cảnh giới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567