Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Từ Bi Hỉ Xả đối trị tam độc (nhóm chủ đề 2)

21/06/201320:25(Xem: 6517)
Từ Bi Hỉ Xả đối trị tam độc (nhóm chủ đề 2)

Khai thị của Hòa thượng Tuyên Hóa - quyển 6, phần 2

Từ Bi Hỉ Xả đối trị tam độc (nhóm chủ đề 2)

Hòa thượng Tuyên Hóa

Nguồn: Hòa thượng Tuyên Hóa

ht_tuyenhoa

Từ Bi Hỉ Xả đối trị tam độc

Tâm độc con người là do ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo thành. Ðó là vì người ta không có tâm từ bi hỷ xả. Cho nên con người bị đọa lạc đời nầy sang đời khác và tạo nghiệp ác ngày càng nhiều thêm. Các nghiệp đó tích tập lại từ ít thành nhiều, vì thế độc tố trên thân thể người ta mỗi ngày một thêm sâu đậm. Loại độc nầy không có thuốc chữa trị, rồi lâu dần sẽ biến thành rắn, rết, bò cạp v.v... Những loài động vật nầy: miệng có độc, đuôi có độc, chân có độc, thân cũng có độc. Tóm lại, có các loại độc hại như vậy, hễ nhẹ thì làm người hôn mê, còn nặng sẽ khiến cho người ta mất mạng. Quả thật đáng sợ vô cùng.

Con người nên có lòng từ bi. Ðối với người hay đối với sự việc gì, chúng ta cũng nên chung sống trong cảnh hòa bình và đối đãi với nhau bằng tấm lòng chân thật. Tất cả đều là nghĩ đến người khác, chúng ta không được dùng thủ đoạn cay độc để áp bức người. Người học Phật không được bác bỏ nhân quả, mà phải hết sức chú ý đối với chuyện nhân quả báo ứng! Giả như có người công kích quý vị một cách vô lý, hoặc họ dùng lời lẽ phỉ báng, hoặc dùng hành động hãm hại quý vị, quý vị nên xử lý với họ bằng thái độ điềm tĩnh, không chống đối. Quý vị nên dùng tâm từ bi mà cảm hóa người, gọi là: “Lấy đức báo oán,” khiến họ hồi tâm chuyển ý, biết ăn năn sám hối. Chúng ta nên học theo tinh thần của Bồ Tát Di Lặc, tức là Nhẫn! Nhẫn! Nhẫn! Như vậy thì đao thương tự nhiên sẽ biến thành gấm vóc; mưa sẽ tạnh, trời lại trong, sóng cũng yên, gió cũng lặng. Bằng không, nếu mình không có đủ định lực, không có tánh điềm đạm, chuyện nhỏ thì chửi bới, chuyện lớn thì đánh nhau. Kết quả là hai bên đều bị tổn thương, để rồi cũng như con trai, con cò tranh nhau, rốt cuộc ông câu được lợi, và bọn chúng lại trở thành sản phẩm hy sinh.

Lúc xưa có vị Phật Sống của chùa Kim Sơn vì có định lực nên chẳng sợ bất cứ loại độc hại nào. Bởi Ngài dùng lòng đại bi cảm hóa tất cả những loài động vật có độc, cho nên chúng trở thành bạn thân và tuyệt đối không phá hại Ngài. Trong phẩm Phổ Môn có nói: “Phàm hễ ai niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể cảm hóa", khiến loài vật có độc cải ác hướng thiện và sẽ không nhiễu hại con người. Khi nghiên cứu Phật Pháp, chúng ta nên thông suốt các ý nghĩa và hiểu rõ lý lẽ bên trong, có vậy mới được xem là người chân chánh học tập Phật Pháp.

Nhiều người có tư tưởng ham thích những chuyện cao xa, những cái kỳ lạ, diệu huyền. Họ chuyên dụng công vào mấy thứ cảnh giới như thế. Ðó là có tư tưởng sai lầm! Chúng ta nên ở tại nơi Từ, Bi, Hỷ, Xả mà dụng công phu. Vậy dụng công phu như thế nào? Trước hết là chúng ta nên dụng công ở chỗ không tranh, không cầu, không tham, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Ðạo lý nầy tuy nông cạn, nhưng trước tiên chúng ta phải nắm chắc chỗ nông cạn đó, vì từ gần sẽ đến xa và từ cạn mới đến sâu. Chúng ta không nên bàn tán đến những chuyện huyền diệu xâu xa, hay lý luận tràng giang đại hải, để rồi không ai hiểu nỗi, vậy chẳng ích lợi chút nào.

Cho nên nói: “Nên quán tánh pháp giới, tất cả do tâm tạo.” Tâm có thể tạo thiên đường, tâm có thể tạo địa ngục. Mười Pháp Giới không ra ngoài một tâm niệm, do đây chúng ta có thể biết rằng: Tâm niệm nhất động, nghiệp ảnh tùy chi, tức là tâm niệm vừa khởi, bóng nghiệp liền theo. Người xưa có nói:

Ba chấm như chùm sao

Lưỡi câu như trăng khuyết

Mang lông từ đây ra

Thành Phật cũng từ đấy.

Ðó là diễn tả về cách cấu tạo của chữ TÂM , do vậy chúng ta có thể hiểu rõ được tâm tánh của mình. Nếu đã hiểu rõ được tâm mình rồi, thì giận hờn gì cũng không còn nữa. Tất cả những tranh giành, tham lam, tìm cầu, nhất nhất sẽ không có nữa. Lúc bấy giờ chúng ta mới tự tại thật sự, mới giải thoát thật sự, mới hiểu rõ thật sự về ý nghĩa làm người.

Con người vốn sẵn có Phật tánh, mỗi mỗi chúng ta đều có đầy đủ hết. Tuy nhiên, chúng ta lại vứt đi Phật tánh của mình, bỏ cái gần để tìm cái xa và bám níu vào cái bên ngoài. Chúng ta tìm kiếm những thứ rác rưởi, rồi cho là vật quý giá và xem như bảo bối. Ðó thật là vừa tức cười, lại vừa đáng thương hại thay! Tôi hy vọng mọi người đều biết nhận thức ra điều nầy mà hạ thủ công phu, giữ lòng trong sạch, bớt ham muốn và đừng cạnh tranh với đời.

Có người nói: “Tất cả những gì trên thế giới, từ sơn hà đại địa, phòng xá nhà cửa, cho đến cây gai cỏ độc và đất, cây, cát, đá đều là do tâm tạo thành.” Nếu đã biết tất cả đều do tâm tạo, vậy tại sao chúng ta không quét sạch hết rác rến trong tâm để trang nghiêm cho thế giới ở vị lai? Thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà được tạo thành, là do lúc xa xưa Ngài vì muốn cho chúng sanh thoát khổ được vui. Do Ngài đã siêng năng tu Lục Ðộ Vạn Hạnh, và hồi hướng công đức mà tạo ra thế giới Cực Lạc.

Chúng ta cũng nên tạo cho được một thế giới Cực Lạc. Vậy phải tạo như thế nào? Trước hết là chúng ta phải không có thất tình. Thất tình là gì? Ðó là hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục; tức là vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn. Khi chúng ta điều phục được bảy thứ tình cảm đó, thì chúng sẽ không thể nào tạo phản dấy loạn nữa. Lúc bấy giờ tâm chúng ta sẽ thái bình vô sự, chuyện khổ sở gì cũng không còn. Vì sao có khổ sở? Vì tâm không được bình yên. Và nếu không có những chuyện khổ, chỉ toàn thọ hưởng các điều vui, như vậy là thế giới Cực Lạc của nhân gian rồi.

Một khi chưa hàng phục được thất tình, đó có thể vì chúng mạnh mẽ thái quá hay là yếu ớt bất cập, không phù hợp với trung đạo, cho nên chúng ta mới điên điên, đảo đảo. Nếu chúng ta hiểu rõ thất tình và có thể hàng phục được chúng, khiến chúng đừng gây sóng gió, tức là chúng ta đã hàng phục được tâm. Bởi thất tình từ trong tâm sanh ra, cho nên khi trong lòng hoan hỷ hay bực tức, đó đều là vì tâm đang bị xoay chuyển theo cảnh giới. Bây giờ chúng ta đã tìm ra căn gốc, vậy chúng ta sẽ không còn mê hoặc và cũng sẽ làm cho bọn thiên ma ngoại đạo phải hàng phục. Tại sao thiên ma ngoại đạo đến quấy nhiễu tâm mình? Bởi chúng ta đã dùng tâm tình cảm của mình một cách quá độ. Một khi hướng cầu bên ngoài, tâm chúng ta sẽ không an tĩnh. Do đó chúng ta đã dẫn dắt ma mị vào trong tâm mình để làm chủ nhân ông. Nếu chúng ta nghe theo mệnh lệnh và chịu sự chỉ huy của nó, vậy là chúng ta không còn quyền tự chủ và sẽ làm nô lệ cho nó thôi.

Giảng ngày 29 tháng 11 năm 1985

Tu Ðạo Thì Không Cầu Bên Ngoài

Ai có thể hàng phục được mười tám giới: sáu căn, sáu trần, và sáu thức, khiến chúng đừng tạo phản thì người đó chính là Bồ Tát. Ai có thể dọn sạch tình cảm của mình để không còn lôi thôi nữa thì người đó chính là Bồ Tát. Bồ Tát thì không cười, cũng không khóc. Dù bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, Bồ Tát cũng đều tự tại, không câu thúc, không quái ngại, không phiền không não, không sanh không diệt, không cấu không tịnh, không tăng không giảm. Người học Phật nên phải dụng công phu ngay tại chỗ nầy.

Thiền Tông không lấy văn tự làm tông chỉ. Tại vì sao? Vì sợ rằng người sơ học chấp trước vào thể tướng của văn tự, rồi sanh ra pháp chấp. Phàm hễ có ngã chấp, pháp chấp thì đều không thể đạt đến tự tại. Con người vì bị phiền não, vọng tưởng áp bức thân tâm, cho nên phải nổi trôi trong dòng sanh tử, trồi lên hụp xuống trong bể khổ, vĩnh viễn không bao giờ ngưng dứt.

Quý vị nên tỉnh táo để hiểu rằng, đời người vô thường, quỷ vô thường sẽ đến tìm ta bất cứ lúc nào. Ðến lúc bấy giờ thì “Vạn bang đái bất khứ, chỉ hữu nghiệp tùy hình,” tất cả đem không được, chỉ có nghiệp theo mình. Chúng ta nên biết rằng đức Phật Thích Ca cũng phải nhập Niết Bàn, chớ đâu phải là Ngài ở đời vĩnh viễn. Huống chi phàm phu tục tử như chúng ta, lại càng phải đề cao cảnh giác! Thời gian không còn nhiều nữa, chúng ta nên mau mau nỗ lực tinh tấn, học tập Phật Pháp, như thế mới có thể thoát khỏi vòng sanh tử. Nếu như chúng ta không cố gắng dụng công, vậy chờ đến đại kiếp nào mới được thành tựu đây?

Mình nên hiểu được chút nào thì làm chút đó, đừng ham làm những chuyện xa rời thực tế. Chúng ta phải biết rằng: bánh vẽ không thể làm cho đỡ đói. Chúng ta hãy trở về bổn địa để chăm sóc ngôi nhà, kho báu vốn có của mình. Hà tất gì phải tìm kiếm ở bên ngoài? Tất cả đều là ở trong tự tánh. Nếu không phải là mất nó, thì là được nó! Không được không mất tức là tự tại. Không tăng không giảm, không đến không đi, ngay đây chính là nó. Bởi vậy chúng ta không cần phải tìm cầu ở đâu xa. Như Ðại sư Vĩnh Gia đã nói trong Chứng Ðạo Ca:

Tổn pháp tài, diệt công đức

Mạc bất do tư tâm ý thức

Thị dĩ thiền môn liễu khước tâm

Ðốn nhập vô sanh tri kiến lực.

Nghĩa là:

Tốn pháp tài, dứt công đức

Không gì hơn chỉ vì vọng thức

Do vậy pháp thiền không dùng tâm

Thoắt chứng vô sanh sáng trí huệ.

Khi chúng ta không dùng tâm ý thức, tức là chúng ta đã hòa hợp với đạo thành một. Vậy còn cái gì để mà phiền phức, hãy còn vấn đề gì nữa đây!

Giảng ngày 1 tháng 12 năm 1985

Tốt hay Xấu - Không Ðộng Tâm

Người học Phật chớ nên vừa nghe người ta khen mình một câu thì liền vui sướng quá mức, còn hễ nghe ai nói một câu không tốt về mình thì bèn phiền não đến cực độ. Qua sự biểu hiện đó, chứng tỏ là mình không có định lực. Nếu có công phu về định lực, thời mình sẽ không bị các cảnh giới của bát phong làm lay động. Nói mình tốt thì cũng vậy, nói mình không tốt thì cũng thế thôi. Bất kể là tốt hay không tốt, tất cả cũng đều giống như nhau. Thế thì mình không phải là ngu ngốc hay sao? Không phải đâu! Chẳng qua là vì mình không phân biệt nó là tốt hay không tốt, cũng không phân biệt thị phi, phải trái. Có người nói: “Vậy đó không phải là hồ đồ hay sao?” Thế thì quý vị không có hồ đồ, vậy quý vị thật đã hiểu rõ chăng? Cũng chưa chắc đâu! Nếu quý vị có thể đem cái bất biến ứng phó với cái vạn biến, lấy cái bất động đối phó với cái muôn động, lúc nào hay ở đâu cũng đều ở trong định, như thế quý vị mới thật là đã hiểu rõ.

Người thật sự có công phu sẽ không sợ bất cứ gì. Thậm chí có người đến giết mình, mình cũng không sợ. Ta dùng cái tâm quang minh chánh đại để làm công việc chung, không sợ kẻ bàng quan phê phán là mình không đúng. Cho nên nói: “Vàng thật không sợ lửa, tâm chánh không sợ bóng nghiêng” là vậy. Hiện nay có số người thích xía vào chuyện của người khác, chứ chẳng chịu lo chuyện nhà mình. Những hành vi nầy thật không thể chấp nhận được. Quý vị hãy tự xét lại, coi mình có những thứ tư tưởng như thế không?

Giảng ngày 5 tháng 12 năm 1985

Thật Thà Niệm Phật

Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp,

Bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ.

Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,

Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa.

“Trong thời đại Mạt Pháp, ức người tu hành, hiếm lắm mới có một người đắc đạo, duy chỉ nhờ niệm Phật mà được độ.” Trong thời đại Mạt Pháp, dù có trăm triệu người tu hành cũng chưa chắc có được một người đắc đạo. May nhờ có pháp môn Niệm Phật, mà chúng ta có thể thoát khỏi vòng sanh tử, ly khổ đắc lạc và vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta bất hạnh sanh vào thời ma cường pháp nhược, nhằm vào thời Mạt Pháp xa cách Phật quá lâu. Tuy nhiên, trong cảnh bất hạnh, chúng ta lại may mắn gặp được pháp môn Niệm Phật. Pháp môn Niệm Phật là vừa tiết kiệm tiền, lại không tổn phí tinh thần, vừa dễ dàng, lại còn thuận tiện. Nhân vì niệm Phật, chúng ta sẽ thành Phật.

Vì sao niệm Phật sẽ thành Phật? Bởi từ vô lượng kiếp trước, đức Phật A Di Ðà đã phát bốn mươi tám đại nguyện. Và trong bốn mươi tám nguyện đó, có một nguyện bảo rằng: “Nếu có chúng sanh nào niệm danh hiệu ta, mà không sanh về cõi Cực Lạc, ta thề sẽ không thành Chánh Giác.” Ðức Phật A Di Ðà phát ra những nguyện lực nầy, nguyện nguyện đều là nhiếp thọ chúng sanh về cõi Tây Phương Cực Lạc, nhưng chỉ với điều kiện là chúng sanh phải có lòng tin. Tin là thật có đức Phật A Di Ðà đang ngự tại cõi Tây phương Cực Lạc, mà phát nguyện sẽ sanh về cõi Cực Lạc để làm đệ tử của Ngài, và thật lòng tha thiết xưng niệm danh hiệu A Di Ðà Phật. Chúng ta phải có tín, nguyện và hành, một khi đầy đủ ba thứ tư lương nầy, tất sẽ sanh về Tây Phương.

Thế giới Cực Lạc không có các sự khổ, chỉ hưởng những điều vui và không có ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Mặc dù nơi đó có bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, chim cộng mạng; nhưng những giống chim đó đều do đức A Di Ðà vì muốn làm cho tiếng pháp được tuyên lưu mà biến hóa ra. Ðây là do cảnh giới biến hóa ra, chứ không phải thật có súc sanh. Cực Lạc thế giới không có vạn khổ nung nấu, cùng muôn điều ác, ngập tràn phiền não như cõi Ta-bà.

Cõi Cực Lạc ngày đêm sáu thời đều diễn thuyết diệu pháp, niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Nhưng nếu muốn sanh về cõi Cực Lạc thì chúng ta phải niệm Phật một cách thành thật. Chúng ta không thể không thật thà niệm. Thật thà niệm là mình nhất tâm niệm Phật, và không màng đến chuyện mình sẽ thành Phật hay không thành Phật, cũng không màng về việc mình sẽ vãng sanh hay không vãng sanh, mà chỉ dụng công niệm Phật ngay tại lúc nầy. Niệm Phật, niệm cho được chuyên nhất thành thục và nhất tâm bất loạn. Ðến lúc sắp lâm chung, Phật A Di Ðà nhất định sẽ tiếp dẫn chúng ta về cõi Ngài.

Tại sao đức Phật Di Ðà lại đến tiếp đón những người bình thường như chúng ta? Ðiều nầy rất là khó tin. Không sai! Ðây chính là pháp khó tin. Cho nên không người thưa hỏi mà đức Phật Thích Ca lại tự nói ra Kinh A Di Ðà. Bởi vì không ai biết, cũng không ai tin pháp nầy, cho nên đức Phật Thích Ca với tấm lòng từ bi, tha thiết đã nói cho chúng sanh thời Mạt pháp chúng ta biết tu hành theo con đường tắt ở thời Mạt pháp đây.

Thật thà niệm Phật là miệng niệm Phật, tâm cũng niệm Phật. Ði, đứng, nằm, ngồi chúng ta cũng đều niệm A Di Ðà Phật. Khẩu niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, thân hành trì theo hạnh của Phật A Di Ðà. Sao gọi là hạnh? Giống như hiện nay chúng ta đang dự Phật Thất. Bất luận là bận như thế nào, chúng ta cũng phải buông bỏ để tham gia Phật Thất, và phải niệm cho được nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn tức là niệm nầy tiếp theo niệm kia, niệm niệm tương tục. Không phải là mình niệm được một lúc rồi thấy mệt mỏi, lại muốn bỏ đi nghỉ. Người mà lười biếng như thế thì không thể nào đắc được Niệm Phật Tam Muội. Ðó gọi là không thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật tức là nhất tâm, nhất ý niệm Phật. Lúc niệm Phật, những chuyện như ăn uống, mặc áo, đi ngủ mình đều quên hết. Ăn cơm, mặc áo, ngủ nghỉ vốn là chuyện thường tình, đời sống con người không thể rời bỏ được; mỗi con người ngày ngày đều không thể thiếu những điều đó. Nhưng khi niệm Phật mà có thể quên được ba chuyện đó, thế thì chúng ta không biết là mình ăn uống, mặc áo hay ngủ nghỉ gì cả, đó mới chính là thật thà niệm Phật. Nếu chúng ta biết lúc nào mình phải đi ăn cơm, đó không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc biết là mình muốn mặc thêm áo khi trời lạnh, đó không phải là thật thà niệm Phật. Hoặc khi ngủ không đủ giấc thì mình muốn đi nghỉ, đó không phải là thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật là bất luận đi đứng nằm ngồi gì, mình cũng chỉ biết có sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Di Ðà Phật.” Quý vị niệm thành một chuỗi liên miên không đứt đoạn; cho đến tiếng nước chảy cũng là niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật,” tiếng gió thổi cũng là niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật”, tiếng chim kêu cũng là niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật.” Phải niệm cho đến khi Nam Mô A Di Ðà Phật và tự chính mình không thể tách rời nhau. Niệm cho đến ngoài “Nam Mô A Di Ðà Phật” không còn cái tôi, ngoài cái tôi lại cũng không còn “Nam Mô A Di Ðà Phật”. Tiếng niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật” của tôi và tôi hợp thành một. Bấy giờ, gió thổi cũng không thấu qua, mưa rơi cũng không lọt vào, thế là chúng ta đạt được Niệm Phật Tam Muội. Nước chảy, gió động đều là diễn thuyết diệu pháp, niệm “Nam Mô A Di Ðà Phật,” đó chính là Thật Thà Niệm Phật.

Giả như nước chảy biết là nước chảy, gió động biết là gió động, hoặc nhìn ngang ngó dọc, xem các nơi có động tĩnh gì, đó tức là mình không thật thà niệm Phật. Nếu vừa niệm Phật, vừa nhìn trước ngó sau như muốn ăn trộm đồ, đó chính là mình không thật thà niệm Phật.

Thật thà niệm Phật là niệm nào đều biết niệm đó, niệm tư tại tư, không có vọng tưởng gì, cũng không nghĩ ngợi gì đến ăn ngon hoặc uống trà, chuyện gì cũng quên hết. Ðây không có bí quyết gì, chỉ cần quản chế tâm mình trụ lại và đừng vọng tưởng thì đó là thật thà niệm Phật. Nếu quý vị không khống chế được tâm mà cứ lo vọng tưởng, thế thì không phải là thật thà niệm Phật. Khi quý vị đề khởi chánh niệm, đó tức là thật thà niệm Phật. Nếu quý vị cứ nghĩ ngợi lung tung và khởi tà niệm, thế là không thật thà niệm Phật.

Cho nên niệm Phật một cách thật thà là điều vi diệu không thể nói. Nếu quý vị thật biết niệm Phật thời sẽ đạt được đại Tự Tại, không người, không ta, không chúng sanh, không thọ giả, và chỉ có tiếng Nam Mô A Di Ðà Phật mà thôi!

Nói là Pháp, hành là Ðạo. Chỉ nói mà không hành là như đếm tiền của người, mình không được lợi ích chút nào. Hôm nay tôi nói đạo lý nầy, nếu quý vị hiểu rõ rồi thì phải thật thà niệm Phật, thật thà dự Phật Thất. Ðây là thời gian quý báu nhất trong cuộc đời chúng ta, vậy đừng để nó trôi qua một cách luống uổng. Tôi hy vọng quý vị sẽ nỗ lực niệm Phật, đem cả ba tâm: kiên trì, chí thành, và thường hằng của mình ra để niệm Phật và dự Phật Thất.

Giảng ngày 16 tháng 12 năm 1985

Sanh Tử Như: Ngủ, Thức – Nhưng Vẫn Niệm A Di Ðà

Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta sanh ra rồi tử, tử rồi lại sanh, giống như con người thức rồi lại ngủ, ngủ rồi lại thức. Tối đến đi ngủ thì giống như người chết. Ðến sáng thức dậy, giống như người mới sanh ra. Chẳng qua chuyện sanh tử nầy thì ngắn ngủi, còn cuộc đời thọ mạng của chúng ta, so ra thì dài hơn một chút.

Song, sanh tử thì cũng giống như chuyện ngủ, thức mà thôi. Vì sao? Bởi chúng ta có lúc hồ đồ mê muội, có lúc minh bạch sáng suốt. Minh bạch tức là sanh, hồ đồ tức là tử. Cho nên, nếu chúng ta có một niệm sáng suốt, và với niệm đó là mình đang sống; hễ có một niệm mê muội, với niệm đó là mình như đã chết. Ðó là thời gian ngắn ngủi tạm bợ của cuộc sanh tử. Bất luận thời gian sanh tử dù ngắn thì cũng vậy, dài cũng vậy, cũng đều là luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, nổi trôi chìm hụp chẳng yên. Có lúc chúng ta được sanh vào nhà giàu sang phú quý, có lúc lại sanh vào nhà nghèo hèn bần tiện. Có lúc chúng ta sanh làm trâu, làm ngựa, làm súc sanh, có lúc làm ngạ quỷ, hoặc xuống địa ngục. Ðây đều là những kiếp luân hồi, nổi trôi bất định trong biển khổ sanh tử, vì sự sanh tử tuần hoàn nầy không chấm dứt, không khi nào hết được.

Ðức Phật Thích Ca vì quá tội nghiệp chúng sanh, cho nên Ngài chờ không nổi nữa mà “bất vấn tự thuyết,” không ai hỏi mà Ngài tự nói ra Pháp Môn Tịnh Ðộ nầy. Pháp Môn Tịnh Ðộ là pháp môn phương tiện rất dễ dụng công. Ðường đi rất ngay thẳng, chỉ cần chúng ta niệm Nam Mô A Di Ðà Phật với lòng tin, lòng phát nguyện và tâm thực hành là đủ rồi.

Cho nên tín, nguyện, hành là ba món tư lương, là ba thứ lộ phí cần thiết để chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Thứ nhất, chúng ta phải tin Ðức Phật A Di Ðà, tin Thế Giới Cực Lạc, tin pháp môn niệm Phật có thể đưa chúng ta đến cõi Cực Lạc để diện kiến đức Phật A Di Ðà. Chúng ta phải có lòng tin. Chớ nên nói: Tôi chưa thấy điều đó, mà cũng không có chứng cớ gì nên tôi không thể nào tin được. Chúng ta chỉ cần có lòng tin, còn ngoài ra không cần gì khác cả. Kế đến là sự phát nguyện gặp đức Phật A Di Ðà, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, nguyện tu pháp môn niệm Phật. Sau khi đã phát nguyện, chúng ta phải y chiếu theo pháp môn Tịnh độ, niệm Phật mà tu hành. Chúng ta phải lão thật niệm Phật, tức là phải niệm Phật một cách thật thà. Niệm thật nhiều rồi, chúng ta mới có thể trở thành một khối, nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật Tam Muội. Như thế chúng ta nhất định sẽ được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Ta Bà là cõi muôn cảnh khổ nung nấu vây quanh, đầy dẫy vạn điều dữ ác, cùng những mưu tính hãm hại lẫn nhau, không có lúc nào bình an. Ở cõi Tây Phương Cực Lạc thì chẳng hề xảy ra những chuyện phiền não hay có vấn đề gì. Bởi vậy chúng ta phải mong cầu được sanh về cõi Cực Lạc, được diện kiến đức Phật A Di Ðà, được hóa sanh từ liên hoa và đạt được quả vị bất thoái chuyển. Bất thoái chuyển là: vị bất thoái, niệm bất thoái và hành bất thoái. Vị bất thoái là chứng được quả vị không thoái đọa. Niệm bất thoái chuyển là tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thời khắc nào tâm cũng không thoái chuyển. Hành bất thoái tức tu hành theo pháp môn nầy mình cũng không thoái chuyển.

Khi quý vị chứng đắc được tam bất thối nầy, tương lai nhất định sẽ thành Phật. Một khi chúng ta có được ba món tư lương: tín, nguyện, hành rồi, thời rất dễ cho ta đi trên con đường diện kiến đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc, bởi vì đó là nguyện lực của đức Phật A Di Ðà. Trong mười phương thế giới, nếu có chúng sanh nào thành tâm niệm danh hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật, thời người đó lúc lâm chung sẽ được đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn về cõi Phật.

Khi niệm Phật cũng như là mình đánh điện tín đến Thế Giới Cực Lạc vậy. Chúng ta niệm Phật một câu là đánh một cái điện tín, niệm Phật hai câu là đánh hai cái điện tín. Mỗi ngày chúng ta đều đánh điện đến đức Phật A Di Ðà, đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc cũng có ra-đa, cũng có máy nhận điện tín. Vậy máy ra-đa, máy nhận điện tín là cái gì? Thì là ao sen thất bảo đó. Quý vị niệm Phật một câu, hoa sen lớn lên một chút. Nếu quý vị niệm niệm đều là A Di Ðà Phật, như vậy hoa sen sẽ to lớn dần như bánh xe. Chờ đến lúc quý vị sanh về cõi Cực Lạc, nhất linh Phật tánh của quý vị và nhất linh chân tánh của quý vị sẽ đến hoa sen nầy mà hóa sanh. Khi hoa sen nở, Phật tánh của quý vị cũng sẽ xuất hiện. Cho nên nói:

Nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ trung,

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,

Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,

Bất thoái Bồ Tát vi bạn lữ.

Chúng ta mong muốn sẽ được hoa sen thượng phẩm thượng sanh làm cha mẹ. Khi hoa sen nở là chúng ta thấy được đức Phật A Di Ðà và ngộ nhập được vô sanh pháp nhẫn. Lúc bấy giờ chúng ta chứng được bất sanh bất diệt, thoát khỏi sanh tử, được cùng làm bạn với chư vị Bồ Tát bất thoái. Khi chúng ta đến Thế Giới Cực Lạc, bằng hữu và quyến thuộc của chúng ta đều là bạn với các vị Ðại Bồ Tát. Cho nên chúng ta ngày ngày cùng nhau giảng kinh thuyết pháp, đều cùng hướng về phía trước mà tiến tới.

Giảng ngày 17 tháng 12 năm 1985

Thất Tình Lục Dục và Ðộng Ðất

Kinh Phật thường giảng đến các trận đại địa chấn động, tức là động đất. Vậy động đất là từ đâu đến? Ðộng đất cũng có thể nói là động người, bởi vì nhân và địa chấn có sự tương thông. Người động thì đất cũng động, người không động thời đất cũng không động. Khi Phật nhập Niết Bàn, vì sao có sáu loại chấn động? Vì lòng người khủng hoảng quá ư sợ hãi, nên thất tình lục dục đều phun ra, đó là động đất. Cho nên, quý vị hoan hỷ là động đất, quý vị nổi nóng, bực dọc cũng là động đất. Quý vị buồn rầu bi ai, sợ sệt cũng là động đất. Quý vị sanh lòng yêu thương cũng là động đất. Quý vị sanh tâm chán ghét thì cũng vẫn là động đất. Quý vị sanh dục niệm ham muốn, thì lại càng gây ra trận động đất lớn.

Bởi vì thất tình lục dục trong tâm sôi động, cho nên đất sẽ chấn động. Tại sao thế giới có động đất? Bởi hằng ngày người người đều tạo ra động đất, chỉ là tự mình không biết mà thôi. Ðặc biệt là tình tình ái ái, thời lại càng tạo ra động đất lớn hơn. Khi ai nấy, mỗi mỗi đều không được bình an, đấy chính là đang phát động trận động đất lớn. Núi rừng, cây cối, sông biển là bản thân của chúng ta. Ðầu tóc là núi rừng; mắt, lông mày, râu ria là cây cối; sông biển là các dục niệm mà ta không thể khống chế được. Bởi vậy mà gây ra động đất lớn.

Lúc Phật sắp nhập Niết Bàn, mọi người đều chấn động. Lúc bình thời không khóc, giờ cũng phải khóc. Ðất hữu hình chấn động, đất vô hình cũng chấn động. Vì bên trong chấn nên bên ngoài mới chấn và bên trong động nên bên ngoài mới động. Bên trong có cái gì, thì bên ngoài có cái ấy. Cho nên trong ngoài gắn bó tương thông, liên quan mật thiết với nhau.

Con người chúng ta ngày ngày tình tình ái ái, cho nên ngày ngày tạo ra động đất. Ðây là điều rất nguy hiểm, là vấn đề của sự sanh tử, nhưng người ta vẫn cứ tạo ra động đất mà nào có biết. Phải chờ đến khi thật sự có trận động đất hữu hình xảy ra, lúc đó họ mới biết sợ. Trong giai đoạn vô hình, đang chế tạo động đất thì họ chẳng sợ. Một khi đã gieo nhân động đất tức sẽ có quả động đất. Người ta lúc gieo nhân không biết sợ, nhưng đến lúc kết thành quả rồi mới sợ điếng người.

Hôm nay tôi nói điều nầy, chắc quý vị không ai tin đâu!

Giảng ngày 3 tháng 6 năm 1986

Vạn Sóng Nổi Lên Muốn Ðoạt Hồn

Lúc trẻ tôi chuyên môn trị bệnh cho người ta. Hễ có người bệnh là tôi nhất định phải trị cho lành mạnh, hầu giải quyết nổi đau đớn của họ. Bởi vậy tôi đã đắc tội với rất nhiều thiên ma ngoại đạo và ngưu quỷ xà thần. Bọn chúng đều có đại thần thông và đợi chờ cơ hội tấn công, hễ quý vị mở cửa là chúng xông vào công kích ngay, gọi là: “Khai môn” tức là tự mở cửa để yêu ma hay phi tinh nhập vào người mình – (Kinh Lăng Nghiêm, đoạn nói về Ngũ Ấm Ma). Hoặc giả là chúng xông vào đoạt khiếu, đuổi linh hồn quý vị đi mất, rồi bám trụ vào thân thể quý vị để nói những chuyện lếu láo, xằng bậy. Lúc bấy giờ, tôi đã đắc tội với rất nhiều yêu ma quỷ quái, vì tôi đã thâu nhận một chú đệ tử nhỏ. Pháp danh của chú là Quả Quốc, ý nói quả vị của chú nhất định là sẽ sanh về Cực Lạc Quốc. Chú bé nầy theo tôi xuất gia là cũng có nhân duyên.

Vào một ngày kia, trong lúc ngồi thiền, tôi biết sẽ có một đứa bé muốn đến xuất gia. Ðứa bé nầy bụ bẫm, mập mạp, trông có vẻ rất kháu khỉnh. Sáng sớm hôm sau, tôi bảo chú đệ tử lớn: “Con hãy để ý, hôm nay sẽ có một chú bé đến xin xuất gia đấy. Khi nó đến, con phải báo cho ta biết ngay!” Ðến khoảng một giờ trưa, chú đệ tử lớn của tôi vừa thở hổn hển, vừa nói với giọng Sơn Ðông rằng; “Thưa Sư Phụ, hồi sáng Sư Phụ nói là có chú bé đến xin xuất gia, quả thật là bây giờ nó đã tới.”

- Thật đã đến rồi à! Ở đâu?

- Nó đang ở phía trước nhà bếp.

Tôi bước ra xem. Ðó là đứa bé ăn mặc rách rưới, đang thụt cổ, trố mắt nhìn tôi. Về sau nó xuất gia với tôi, thường ngày nó cầm cây quạt trông giống như Hòa Thượng Tế Công vậy. Chú bé nầy lúc lên năm tuổi đã có thể trị bệnh cho người. Ai giúp nó làm được như thế? Thì là hồ ly tinh và xà tinh. Kiếp trước thằng bé là thầy đồng cốt trị bệnh (ở miền bắc Trung Hoa gọi là Khiêu Thần, Ðài Loan gọi là Chiêm Ðồng). Các loại ngưu quỷ xà thần nầy đã tìm đến lúc thằng bé năm tuổi, chúng khiến cho nó có được bản lãnh trị bệnh. Có những bệnh thằng bé trị lành, song có những bệnh, nó trị không khỏi. Có một số người gọi nó là “Tiểu Ma Chướng,” bởi vì trong người nó có khí ma, chứ chẳng có một chút phép tắc chữa bệnh gì.

Khi lên mười hai, mười ba tuổi, chính nó cũng bị bệnh. Bệnh gì vậy? Bệnh bao tử, nhưng tự nó cũng không trị được bệnh nầy. Một ngày kia, nó nằm mộng thấy một vị Hòa Thượng mập đến nhà và nói với nó: “Nếu con muốn hết bệnh thì phải đến chùa Tam Duyên, ở Hợp Nhĩ Tân, xin xuất gia và bái Pháp sư An Từ làm thầy. Như vậy con sẽ hết bệnh ngay.” Nằm mộng liên tiếp ba lần đều giống y như thế, thành thử chú bé mới tin. Chú bé ở cách xa chùa tôi hơn cả ngàn dặm. Lúc bấy giờ, Nhật Bản vừa mới đầu hàng, vậy mà một mình chú đi đến Hợp Nhĩ Tân. Trên đường đi, chú thấy có một số vũ khí của quân Nhật sau khi đầu hàng vẫn còn bỏ lại trong kho nhà binh. Chú bèn đến đó nhặt lấy hai quả lựu đạn, rồi vừa đi vừa nghịch ngợm lựu đạn. Ðến tối, chú ngủ ngoài trời. Lúc đó có cả chục con chó sói đến bao vây chú và tấn công bốn phía. Chú bé chẳng hề sợ hải mà bảo chúng: “Các bạn thân! Các bạn đã đến rồi, vậy để ta cho các bạn ăn đỡ vài quả trứng nhé!” Ðám chó sói đâu có muốn ăn trứng (lựu đạn), thế là chúng bỏ chạy mất.

Thấy chú bé như thế, tôi bèn hỏi: “Tại sao con đến đây?”

Nó đáp: “Con đến để xin xuất gia.”

- Tại sao?

- Có một ông Hòa Thượng mập, tức là vị ngồi trong đền thờ tại cổng tam quan, ông ta báo mộng bảo con đến đây tìm Pháp sư An Từ để xin xuất gia, như vậy con mới lành bệnh.

- Con không có cơm ăn, không áo mặc, không nhà ở mới đến đây xin xuất gia, phải không?

- Không phải vậy! Bởi vì ông Hòa Thượng mập đã ba lần chỉ dạy con, cho nên con mới đến đây.

Lúc bấy giờ trong tay tôi có cái bánh bao. Tôi bèn cắn một miếng và nhai nhừ rồi phun ra cả bánh lẫn nước miếng xuống đất nói:

- Muốn xuất gia, trước là con phải ăn hết những đồ nầy đi!

Nó ngóng cổ nhìn tôi, rồi nằm sấp xuống đất mà lượm lên ăn. Tôi thấy thằng bé còn có thể đào tạo được, cho nên cho nó ở lại. Quả nhiên, sau khi xuất gia, nó cũng hết bệnh.

Trải qua hơn nửa năm, chú bé thật đắc được ngũ nhãn lục thông, thật là cái gì nó cũng thấy được. Thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông, thần túc thông chú đều có cả. Tôi đưa chú đi khắp nơi để chữa bệnh cho người. Lúc trị bệnh, người ta dựa vào chú bé nầy để tìm hiểu nguồn gốc tôi. Họ hỏi: Bây giờ Thầy có được đại bản lãnh như vầy, chúng tôi đã nghe qua khá lâu, nhưng không biết Sư Phụ của Thầy có thần thông hay không? Mọi người đều biết là ổng tu hành, nhưng không biết là ổng có được thần thông như Thầy không? Chú chớp chớp mắt, rồi nói trong không trung: Ðại khái là không có! Lạ quá, khi nói xong câu đó, thần thông của chú cũng không còn. Không còn thần thông nữa thì cũng chẳng sao, nhưng bọn quyến thuộc của ngưu quỷ xà thần lại nhập vào, khiến chú trở thành ma dựa ma khí như trước. Thấy thế nên tôi nghĩ: “Há có chuyện như vậy à! Chú bé đã theo tôi xuất gia, bọn quỷ bây còn dám đến đây quấy rầy ư!” Thế là tôi và chúng nó đấu pháp. Ðấu đến hai mươi mốt ngày, trong thời gian nầy, tôi không ăn, cũng không ngủ. Ðấu đến cuối cùng, tôi hàng phục được bọn yêu ma đó. Hàng phục chúng rồi, tôi nghĩ là sẽ không có chuyện gì xảy ra nữa.

Sau đó tôi đến Ðông Tỉnh, làng nầy bốn bề là núi, trong làng chỉ có một cái giếng duy nhất. Căn nhà mà tôi dừng chân tạm trú, bên ngoài chỉ là bờ rào bằng cây rừng, thành thử nó không cản nổi gió, cũng không ngăn được nước mưa, cái gì nó cũng không ngăn cản nổi. Ngày nọ, tôi dắt theo bốn chú đệ tử nhỏ đến đó trú ngụ, mọi người trong nhà đó đều quy y tôi. Bởi vì khi ở Ðông Bắc, tức Mãn Châu, tôi thường lo công việc chùa chiền nên phải bôn ba đây đó. Khi trú ngụ ở đấy, các quái vật dưới nước bèn tìm cơ hội nhận chìm tôi. Trên trời thì mưa xuống, dưới thì nước giếng tự dâng cao lên ba trượng. Như thế tức là thượng hạ đánh giáp công. Ở phương bắc, Mãn Châu, người ta ngủ trên giường lò gạch, tức là nằm trên nắp lò sưởi. Khi nước dâng lên quá nhanh, người ta không cách nào chạy thoát; có người đứng trên giường lò gạch cũng bị dìm chết. Lần đó có hơn ba mươi người chết chìm, và hơn tám trăm căn nhà bị cuốn trôi. Nhưng ngôi nhà bằng bờ rào, phên tre mà tôi đang trú ngụ, tuy nó không ngăn nổi gió mưa, nhưng trong sân nước chỉ cao một hai trượng, trong khi bên ngoài thì nước cao mười trượng, Tôi cũng nói thật với quý vị là bốn chú đệ tử nhỏ của tôi đều có ngũ nhãn lục thông, cho nên khi thấy mưa lớn như thế, chúng tôi bèn “kiết giới,” vì vậy nước lũ không vào được. Tình trạng đó so với cảnh nước ngập ở chùa Kim Sơn cũng không khác nhau mấy. Ðó là lần đầu tôi bị ngập nước qua, nhưng không có cảnh chết chìm. Lần thứ hai kinh nghiệm về nước ngập, là khi tôi từ Thiên Tân đáp thuyền đến Thượng Hải. Thời gian cho chuyến hải trình bình thường thì khoảng bốn hay năm ngày, nhưng lần đó, chiếc thuyền cứ quay vòng vòng một chỗ trên vùng biển đen kịnh, không lui tới gì được. Bởi vậy thuyền phải dừng lại ở đó hơn mười ngày.

Trên thuyền có mười bốn vị xuất gia mà gạo, mì đều bị ăn hết sạch nên mọi người gần như chết đói. Lúc ấy tôi cũng không niệm chú gì. Những gì trong bụng, thậm chí đến nước mật vàng, tôi cũng mửa ra hết. Tôi nằm dài trên boong tàu thầm nghĩ: “Con sanh ra là muốn hiến thân cho Phật giáo, nếu như Phật giáo không cần con, vậy một mình con sẽ nhảy xuống biển, chứ đừng liên lụy đến những người nầy. Nếu như Phật giáo hãy còn cần dùng đến con, con hy vọng đức Bồ Tát Quán Âm hiển linh, khiến thuyền nầy bình yên đến Thượng Hải.” Tôi nghĩ nếu sau năm phút, như quả gió không dừng thì tôi sẽ nhảy xuống biển. Tôi vừa nói xong, gió liền lặng, mưa cũng dừng, cuối cùng thuyền đến Thượng Hải bình an.

Mười mấy người trên thuyền cũng khỏi làm mồi cho cá mập, khỏi biến thành ma da. Ðó là tai họa mà tôi đã gây ra, cho nên sau khi đến Hồng Kông, tôi cũng không dám xen vào những chuyện của người khác. Nhưng nếu tình cờ ngẫu nhiên gặp phải, tôi cũng còn xen vào chút chút.

Ðến Hoa Kỳ thì tôi treo bảng miễn chiến. Thiên ma ngoại đạo mà có đến khiêu chiến, tôi cũng khấu đầu đảnh lễ và sám hối. Chúng thấy bây giờ tôi đã không còn chút bản lãnh gì và tôi cũng chuẩn bị cho chúng đến lấy mạng mình bất cứ lúc nào. Tôi ở Vạn Phật Thánh Thành đã mười năm, nay thoái vị về hưu, nếu chúng lại muốn đến tìm tôi thì cũng không sao. Hơn nữa tôi cũng chẳng có chuyện gì để làm!

Giảng ngày 1 tháng 7 năm 1986



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567