Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 1 - Tôn kính Phật

21/06/201318:18(Xem: 6076)
Bài 1 - Tôn kính Phật

Học Phật Hành Nghi

Bài 1 - Tôn kính Phật

Thích Minh Thông

Nguồn: Tam-bảo đệ tử Thích Minh Thông kính đề

Phàm là sa-môn, cư sĩ,... khi thấy được Phật tượng, không luận là tượng đúc hoặc tượng tranh đều nên chỉnh đốn y phục lễ bái, tối thiểu cũng phải cúi đầu hoặc chắp tay. Còn như ở trong Chánh-điện thấy Phật tượng, tất phải nên lễ lạy. Lúc lễ lạy nên niệm thầm bài kệ rằng:
Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Thập phương thế giới diệc vô tỷ
Thế gian sở hữu ngã tận kiến
Nhất thiết vô hữu như Phật giả.
Án - phạ nhựt ra hộc (3x).
Tạm dịch:
Trên trời dưới trời, Phật tối tôn
Mười phương thế giới không gì sánh
Chỗ tôi thấy được khắp thế gian
Hết thảy không đâu bằng như Phật.
Lời phụ: - Bộ Tây Quốc Tự Đồ nói: trong khi ra vào đều day mặt ngó Phật. Bằng kính lạy Tam-bảo, thường tưởng Tam-bảo chỉ đồng một thể. Giác ngộ rồi thì tất cả pháp gọi là Phật-bảo. Các pháp được giác ngộ đó gọi là Pháp-bảo, những người học pháp của Phật đó gọi là Tăng-bảo. Thời đủ biết tất cả phàm, thánh đều là đồng thể không hai vậy. Chỉnh đốn y phục tức là ngoài thì chỉnh trang nghi biểu, trong thì dọn lòng thanh tịnh, cung kính trang nghiêm khi đối trước Phật tượng. Thói thường gặp người thì vòng tay, cúi đầu thưa hỏi, trong đạo thì mình chắp tay xá chào hay đảnh lễ. Bài kệ là tán dương Như-lai đức tướng thù thắng không gì sánh bằng.
Khi vào chánh-điện Phật, chẳng được nách mang những đồ dùng chi khác, ngoại trừ Kinh điển, tượng Phật hay vật dụng cúng Phật. Đã vào trong chánh điện rồi thì chẳng được cố dòm ngó bên này bên kia. Sau khi lễ bái xong thì nên yên lặng chiêm ngưỡng đức tướng của Phật, niệm thầm bài kệ rằng:
Nhược đắc kiến Phật
Đương nguyện chúng sanh
Đắc vô ngại nhãn
Kiến nhất thiết Phật.
Án - a mật lật đế hồng phấn tra (3x)
Tạm dịch:
Nếu được nhìn thấy Phật
Nên nguyện cho chúng sanh
Đắc được mắt vô ngại
Thấy tất cả chư Phật.
Lại nên niệm kệ khen ngợi rằng:
Pháp vương vô thượng tôn
Tam giới vô luân thất
Thiên nhân chi đạo sư
Tứ sanh chi từ-phụ
Ngã kim tạm quy-y
Năng diệt tam kỳ nghiệp
Xưng dương nhược tán thán
Ức kiếp mạc năng tận.
Tạm dịch:
Đấng pháp vương vô-thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy dạy khắp trời người
Cha lành chung bốn loại
Quy-Y tròn một niệm
Xưng dương và tán thán
Dứt sạch nghiệp ba kỳ
Ức kiếp không cùng tận.
Lời phụ: Chánh điện: điện là chỗ thờ. Chánh điện là nơi thờ phụng chính nhất của ngôi Tam-bảo, là nơi trang nghiêm nhất của đạo tràng. Vì lý do trên mà chúng ta không nên đem theo bất cứ vật gì khác ngoài những thứ cần thiết để thờ phụng như Kinh, tượng Phật và những thứ để cúng dường Phật. Chánh Điện là nơi tôn nghiêm, chẳng phải viện bảo tàng, chẳng phải nơi triển lãm để cho mình dòm ngó, đàm luận khen chê. Cho nên sau khi lễ Phật xong thì ngồi xuống yên lặng chiêm ngưỡng. Bài Kệ là mừng cho mình có được 6 căn đầy đủ, mắt còn thấy được Phật nên nguyện cho hết thảy chúng sanh cũng được cơ may như mình không khác. Tuy mình không đủ duyên lành để nhìn thấy Phật hiện tiền như Phật tại thế, nhưng còn nhìn thấy được Phật tượng, nghe được Phật danh, biết được Phật pháp để tu học, thực tập chuyển đổi đời sống của mình từ chỗ mê lầm đến chỗ giác ngộ, chuyển từ tâm phàm phu lên địa vị thánh nhân. Mắt vô ngại là không bị khuyết tật mù lòa, không bị phiền não vô minh che lấp. Mắt thường tuy thấy, nhưng mắt tâm lại không muốn thấy, nay ta có đủ cả hai nên phát lòng lành đồng nguyện cho hết thảy vậy.
Bài Kệ kế tiếp: 4 câu trước là khen ngợi công hạnh, đức năng của Phật, 4 câu sau là khen tặng sự thù thắng của người biết quay về nương tựa có được lợi ích vô tận tán dương.
Phàm ở trong chánh điện đi kinh hành thì nên đi vòng theo bên phải, chẳng được đi vòng theo phía bên trái, (trái phải là lấy theo hướng tượng Phật mà tính), 3 vòng hoặc 7 vòng, thảy đều nên nhìn bằng tới thẳng kinh hành niệm Phật. Chẳng được đàm luận chuyện thế tục mà phải nên nói về Phật-pháp, lại chẳng được lớn tiếng. Chẳng được cười, chẳng được ngồi, chẳng được hỷ nước mũi, nhổ nước miếng, chẳng được dựa vách tựa bàn. Nếu ho hen phải nên lấy tay áo che miệng. Phàm lễ bái phải nên thong thả, năm vóc gieo sát đất, tinh cần quán tưởng, chẳng được cúi mau dậy mau.
Lời phụ: Ở trong Chánh Điện đi kinh hành là bày tỏ lòng cung kính. Bởi để bày tỏ lòng kính mến nên trong lúc kinh hành tất phải đầy đủ oai nghi, tế hạnh, đoan chánh ngay thẳng mà đi, chẳng thể loạn. Thứ nữa ở trong Chánh điện quyết chẳng nên đàm thoại chuyện tạp nhạp thế gian, nên nói về Phật-pháp tự lợi, lợi tha, nhắc nhở tấn tu.
Kinh giáo liệt kê 7 cách lạy không thể không biết.
(1) Ngã mạn lễ: là nói y theo thứ lớp, chẳng có tâm cung kính, tâm duyên (rong ruổi) theo ngoại cảnh, năm vóc gieo chẳng sát đất, lạy giống như chày giã gạo vậy.
(2) Xướng hòa lễ: tâm không thuần tịnh tưởng, thấy người đến thì thân mau lễ lạy, người ta đi rồi thì thân lười tâm mỏi, ấy là tâm tán loạn mà chỉ có miệng hòa xướng thôi vậy.
(3) Thân tâm cung kính lễ: nghe xướng danh hiệu Phật liền nhớ tưởng niệm Phật, thân tâm cung kính, tinh cần không lười mỏi.
(4) Phát trí thanh tịnh lễ: đạt được cảnh giới Phật, tùy tâm hiện lượng. Lễ một vị Phật tức lễ hết thảy chư Phật. Lễ nhất bái tức lễ cả pháp giới, vì pháp thân chư Phật dung thông vậy.
(5) Biến nhập pháp giới lễ: tự quán thân tâm và tất cả các pháp, từ xưa đến nay chẳng rời pháp giới, Phật và ta bình đẳng. Nay lễ 1 vị Phật tức là đồng lúc lễ hết thảy 10 phương pháp giới chư Phật vậy.
(6) Chánh quán lễ: là lễ Phật của tự thân, chẳng duyên tưởng đến Phật ở bên ngoài, vì tất cả chúng sanh mỗi mỗi đều có bình đẳng Phật-tánh kia.
(7) Thật tướng bình đẳng lễ: sáu cách lạy trên là có lễ có quán, tự tha có hai thứ dị biệt. Duy chỉ có phép lạy này, không có phân biệt kia đây, phàm thánh nhất như, thể dụng chẳng hai. Cho nên Văn-thù Bồ-tát nói kệ: năng lễ sở lễ tánh không tịch ...v.v...
Bảy cách lạy đây: 3 cách trước là thuộc về sự lễ. 4 cách sau là thuộc về lý lễ.
Hàng học Phật nên y theo 5 phép lạy sau, chẳng nên theo 2 cách lạy trước.
Phàm lạy Phật, lạy tháp, lạy kinh, lạy đại sa-môn, đều nên theo phép trên, chẳng cần trùng tuyên lại.
Lời phụ: (1) Ngã mạn lễ là tâm phân biệt rơi vào giai cấp vị thứ, ta đây là thế này Phật là người thế kia. Trong tâm chẳng có chút lòng cung kính chỉ là lễ lạy theo cái dáng bên ngoài giống như chày giã gạo mà thôi, chẳng chút lợi ích.
(2) Xướng Hòa lễ: là lễ lạy theo hình thức, làm bộ làm tịch biểu diễn cho người xem chứ chẳng phải lễ lạy sám hối tu hành gì, tức là thân hành mà tâm chẳng hành, tâm ý chẳng nhất như
(3) Thân tâm cung kính lễ: đây là phép lạy đúng phép tắc oai nghi, như lý như pháp. Ba cách lạy trên đây là thuộc về sự tướng lễ lạy.
(4) Phát trí thanh tịnh lễ: từ đây trở về sau là thuộc về lý tánh lễ lạy. Tùy tâm hiện lượng là trong lúc mình lạy một đức Phật này cũng giống như mình đang lễ tất cả các đức Phật khác rồi, không cần phải lạy Phật A Di Đà, rồi sang lạy Phật Thích-ca, rồi Phật Dược Sư... tức lạy 1 vị Phật là đã lạy tất cả chư Phật khác rồi vậy, bởi Pháp-thân Phật là dung thông.
(5) Biến nhập pháp giới lễ: tới đây thì sâu hơn một tầng nữa, dùng tâm tưởng quán chiếu trong lúc mình đang lạy xuống 1 lạy là cùng lúc đồng phân biến nhập khắp pháp giới lạy hết thảy chư Phật, muốn như vậy ắt phải nương theo nguyện lực của đức Phổ Hiền Bồ-tát, đồng lúc trong 1 cái lạy xuống là lạy khắp 10 phương hằng hà sa số chư Phật vậy.
(6) Chánh Quán Lễ: phần 4 & 5 là quán tưởng lễ lạy chư Phật ở 10 phương thế giới, đến đây là quay về quán chiếu lạy Phật tự thân, nghĩa là trong lúc lạy thấy tánh mình cùng Phật không khác.
(7) Thật tướng bình đẳng lễ: so với phần 6 là thấy tánh mình và Phật chẳng hai rồi, thì tới đây quán thông chẳng còn thấy phân chia nữa, chẳng còn trụ trước, đương thể giai không. Chẳng còn thấy mình lạy và Phật để lạy nữa, nên gọi là thật tướng bình đẳng, tức tự tánh tại định tâm mà lễ Phật vậy.
Còn như đi đến đâu, gặp thấy có tượng Phật, kinh Phật, hoặc có viết chữ Phật để nơi chỗ bất tịnh, phải mau dùng hai tay bưng lên an trí ở nơi chỗ sạch sẽ. Nếu có thấy người khác đối Phật, kinh, tượng chẳng có lòng cung kính, thì mỗi khi có dịp ngồi chung nên đem lời chánh nghĩa mà khuyên bảo họ. Phàm tượng Phật, chẳng nên an trí trong phòng ngủ, nếu phải đặt ở trong phòng ngủ thì nên thường ngồi chẳng nằm, còn như phải nằm thì chẳng được nằm lâu. Lại chẳng được để các đồ chứa phẩn tiểu trong phòng ngủ, phải biết Phật tượng tại tiền như Phật tại thế, an trí không theo phép tức là bất kính vậy.
Lời phụ: phần này nói đến việc thờ phượng cũng như đặt để kinh, tượng Phật như thế nào cho đúng phép. Kinh A-nan Vấn Sự Phật Kiết Hung nói: “có người phụng sự Phật được phú quý, xứng tâm như ý, lại có người không những chẳng được xứng tâm như ý mà còn bị suy hao.” Đây là bởi do nơi sự lý chẳng thông, phép tắc chẳng biết, nên tạo nhiều lỗi lầm dẫn đến tai hại, cho nên người học Phật chẳng được xem thường những lễ tiết.
Thường thấy người đời, với nghĩa thú của kinh Phật thì cực kỳ hâm mộ khen ngợi sâu xa, mà đối với Kinh, tượng thì đa phần lại coi tầm thường, bởi cho rằng Phật-pháp chẳng phải ở nơi kinh, tượng. Mà chẳng biết được cung kính Phật, kinh, tượng là nguyên vì thành tựu phẩm hạnh, đức hạnh của tự mình vậy. Nếu đối với kinh tượng mà chẳng cung kính, thì diệu lý của Phật-pháp do đâu mà lại !? Vì vậy, bất luận là hạng người nào, cũng đều nên cung kính Kinh điển và tượng Phật vậy.
Lời phụ: phàm là người chỉ biết cầu danh rút lợi, chỉ biết việc này mà chẳng biết việc khác. Nên khi học kinh giáo đối với nghĩa lý thâm sâu của kinh điển thì đem lòng hâm mộ khen ngợi, nhưng đối với Kinh điển, Phật tượng lại xem thường, cho rằng nghĩa thú của Phật-pháp chẳng phải ở trong đó. Thật là sai lầm, chẳng biết được nếu chẳng có kinh điển cùng Phật-tượng thì do đâu thấy được nghĩa lý ảo diệu của Phật-pháp. Người xưa nói: văn dĩ tải đạo là nghĩa này vậy. Thứ nữa, thường khởi lòng cung kính thì tự tạo đức hạnh phẩm chất cho mình. Ấn Quang đại sư nói: có được 1 phần cung kính tất được 1 phần lợi ích, có được 10 phần cung kính ắt được 10 phần lợi ích. Thế thì lòng cung kính mình càng thâm sâu thì đối với nghĩa lý của Phật-pháp mình đạt được càng thêm thâm diệu, bủa rộng trải khắp xuyên suốt sinh hoạt đời sống hằng ngày cho riêng mình và luôn cả những người chung quanh.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567