Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 2. Nhiệt tình và từ tâm của nhân loại

13/05/201319:35(Xem: 7405)
Phần 2. Nhiệt tình và từ tâm của nhân loại

HẠNH PHÚC CHÂN THƯỜNG

THE ART OF HAPPINESS

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bác Sĩ Howard C. Cutler 

Nguyên Dực chuyển ngữ

---o0o---

PHẦN 2. NHIỆT TÌNH VÀ TỪ TÂM CỦA NHÂN LOẠI

Chương 5

MỘT KHUÔN MẪU MỚI CỦA TÌNH CẢM RIÊNG TƯ

CÔ ĐƠN VÀ KẾT NỐI

Tôi bước vào phòng khách riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma trong khách sạn và Ngài ra hiệu mời tôi ngồi. Khi trà được rót ra, đức Đạt Lai Lạt Ma bỏ dép ra và ngồi thoải mái trong chiếc ghế bành quá khổ.

"Sao?" Ngài hỏi tôi bằng một giọng không kiểu cách với ngụ ý rằng Ngài đang sẵn sàng về bất cứ chuyện gì. Đức Đạt Lai Lạt Ma cười nhưng yên lặng và chờ đợi.

Trước đó, khi ngồi trong phòng khánh tiết của khách sạn chờ đến giờ đàm thoại, tôi lơ đãng cầm tờ báo địa phương đã được lật ở mục tin riêng (personnals). Tôi lướt mắt qua những quảng cáo dày đặc từ trang này sang trang khác của những người tìm bạn bốn phương đang tha thiết muốn được làm quen với một người nào đó. Tôi ngồi xuống trước mặt đức Đạt Lai Lạt Ma mà tâm trí vẫn còn nghĩ đến những quảng cáo cá nhân này. Bỗng nhiên tôi quyết định dẹp qua một bên những câu hỏi mà tôi đã sửa soạn sẵn và hỏi :

"Có bao giờ Ngài cảm thấy cô đơn?"

"Không". Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời một cách đơn giản và tôi thì hết sức ngỡ ngàng. Tôi cứ tưởng là Ngài sẽ trả lời tôi một cách dài dòng như: "Dĩ nhiên.... Bất cứ ai vào một lúc nào đó trong đời cũng cảm thấy cô độc....".Và rồi tôi sẽ hỏi rằng Ngài đã ứng phó thế nào với nỗi cô đơn. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đối diện với một người chưa từng cảm thấy cô độc.

"Không?" Tôi hỏi lại đầy ngờ vực.

"Không".

"Ngài định nói về chuyện gì vậy?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghĩ ngợi một lúc rồi nói: "Có một điều là tôi thường nhìn mọi người từ một quan điểm tích cực - tôi cố tìm các phương diện tích cực của họ. Thái độ này có thể tạo nên một cảm tưởng thân thuộc, một mối dây liên kết. Và cũng có thể do ở tôi. Tôi không lo ngại rằng người ta sẽ bớt trọng nể hay cho tôi là kỳ cục nếu tôi hành xử theo một cách thế nào đó. Vì không lo ngại như vậy nên thái độ của tôi có vẻ cởi mở và đó là lý do chính".

Tôi cảm thấy hơi khó hiểu về thái độ này nên hỏi lại: "Nhưng xin Ngài cho biết làm thế nào để người ta có được cảm giác thoải mái đối với người khác và không sợ bị phán xét, chỉ trích? Có những phương thức đặc biệt nào để một người bình thường có thể phát triển thái độ này?"

"Niềm tin căn bản của tôi là trước hết, anh phải nhận thức được giá trị của lòng từ ái". Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp với giọng điệu đầy vẻ thuyết phục. "Đó là điểm mấu chốt. Khi anh đã chấp nhận sự kiện rằng từ ái không phải là trẻ thơ hay cảm tính, khi anh đã nhận thức được rằng từ ái là một cái gì quý giá vô biên thì anh sẽ bị quyến rũ và muốn vun bồi nó. "Khi lòng từ ái trở nên năng động vì được vun bồi và khuyến khích trong tâm thức, thái độ của chúng ta đối với tha nhân sẽ đổi khác. Đến với tha nhân bằng từ tâm, chúng ta sẽ có tâm trạng cởi mở thay vì lo ngại và điều đó tạo ra một không khí thân mật, bằng hữu. Với thái độ này, chúng ta có thể tạo ra một mối liên hệ mà trong đó, chính chúng ta đã làm cho đối tượng có được cảm giác ưu ái, tin tưởng. Ngay cả trong trường hợp đối tượng không đáp ứng một cách thích đáng, chúng ta cũng đã đến với họ bằng tấm lòng rộng mở, và đây là điều kiện cần phải có để tạo ra một cuộc đối thoại có ý nghĩa. Không có từ tâm, chúng ta sẽ có thái độ khép kín, lãnh đạm và ngay cả với bạn thân, chúng ta cũng không có được cảm giác thoải mái.

"Theo tôi nhận xét thì trong đa số trường hợp, người ta chờ đợi tha nhân tỏ thái độ tích cực trước chứ không tự mình khởi xướng thái độ này. Như vậy không đúng vì nó đưa đến tình trạng cô lập đối với người khác và vì mình đã tạo ra những ngăn cách, cản trở. Cho nên để giải tỏa cảm giác cô lập và đơn lẻ, phương cách hay nhất là hãy đến với tha nhân bằng từ tâm của mình".

Sự ngạc nhiên của tôi khi nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng Ngài chưa từng cảm thấy cô độc là do ở sự lan tràn khắp nơi của cảm giác cô đơn trong xã hội chúng ta. Căn bệnh này không phát sinh do ấn tượng cô độc của chính tôi và cũng không phải lý do nghề nghiệp. Trong vòng hai mươi năm qua, các tâm lý gia đã điều nghiên bệnh cô đơn bằng những phương pháp khoa học với rất nhiều những cuộc nghiên cứu và thăm dò. Những kết quả đã khiến người ta kinh ngạc: Tất cả mọi người đều cảm thấy cô độc một lúc nào đó trong cuộc đời. Trong một cuộc thăm dò được tổ chức rộng rãi trên toàn thể nước Mỹ, người ta ghi nhận rằng cứ 4 người thì có 1 bị cảm giác cô đơn ghê gớm trong vòng hai tuần trước cuộc thăm dò. Tuy chúng ta thường cho rằng cảm giác cô độc kinh niên đã có những tác hại đặc biệt đối với những người lớn tuổi sống cô đơn trong các nhà dưỡng lão hay các chung cư, các cuộc sưu tầm cho thấy giới trẻ và trung niên cũng bị ảnh hưởng không kém.

Do tình trạng quá phổ cập của bịnh cô đơn, người ta bắt đầu đi tìm nguyên nhân của căn bịnh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người cô độc thường không chịu thố lộ tâm tình, không thích truyền đạt với người khác, không chịu lắng nghe, không hiểu được các dấu hiệu thông thường lúc nói chuyện (như lúc nào nên gật đầu, lúc nào nên yên lặng...) và người ta đề nghị các bệnh nhân nên đi học cách cải thiện những kỹ năng này. Chiến lược của đức Đạt Lai Lạt Ma đã bỏ qua những kỹ năng xã hội, những ứng xử ngoại vi mà đi thẳng vào trọng tâm: Chứng nghiệm giá trị của từ tâm rồi vun bồi nó.

Mặc dù có cảm giác nghi ngờ ban đầu, tôi dần dà tin tưởng rằng đức Đạt Lai Lạt Ma chưa từng có cảm giác cô độc sau khi nghe Ngài nói chuyện. Sự tin tưởng của tôi có bằng chứng hẳn hòi - không biết bao nhiêu lần tôi đã nhìn thấy cách tiếp xúc với người lạ của đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi biết một cách chắc chắn rằng thái độ tích cực ấy không phải là một cá tính thân thiện tự nhiên. Thật ra Ngài đã suy ngẫm kỹ càng về sự quan trọng của lòng từ ái, đã dày công bồi dưỡng mối từ tâm để làm giàu thêm các kinh nghiệm sống và khiến người khác đặt trọn niềm tin vào Ngài. Đây là một phương pháp mà bất cứ ai bị cô đơn đều có thể ứng dụng được.

LỆ THUỘC VÀO NGƯỜI KHÁC VÀ TỰ LỰC

"Tất cả mọi chúng sinh đều có chủng tử của sự toàn thiện. Tuy nhiên để chủng tử này được phát khởi trong tâm và trí của mỗi cá nhân, chúng ta cần đến từ tâm".

Đó là những lời mở đầu của buổi nói chuyện trước một đám đông yên lặng gồm 1500 người kể cả một số sinh viên Phật giáo. Hôm đó đức Đạt Lai Lạt Ma nói về ý niệm phước điền.

Theo quan điểm Phật giáo, phước là những ấn chứng tích cực của tâm thức, do kết quả của việc hành thiện. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng phước điền hay ruộng phước là nơi chúng ta tích lũy công đức, và theo tín lý nhà Phật, đây là nơi quyết định cảnh giới mà chúng ta sẽ tái sinh. Ngài nói rằng giáo lý nhà Phật đề cập đến hai loại phước điền: Một của chư Phật và một của chúng sinh. Cách thứ nhất để được phước là giữ vững tín tâm và phụng thờ chư Phật tức là các bậc Giác Ngộ. Cách thứ hai là phát triển lòng yêu thương, rộng lượng, tha thứ, cũng như tránh các hành vi tiêu cực như Sát (giết hại), Đạo (trộm cắp), Vọng (dối trá)... Cách thứ nhì này đòi hỏi chúng ta phải liên hệ với tha nhân thay vì với chư Phật, và trên căn bản này, đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng tha nhân có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc tạo phước.

Khi nói rằng tha nhân là phước điền của chúng ta, đức Đạt Lai Lạt Ma có vẻ đã tạo được những ấn tượng đậm nét đối với thính giả. Những luận cứ rõ ràng cộng với giọng điệu đầy vẻ thuyết phục đã gây ra một tác động mạnh mẽ tại buổi nói chuyện chiều hôm đó. Khi nhìn quanh phòng, tôi thấy đa số thính giả đã không giữ được vẻ yên tĩnh thường có. Riêng tôi thì không bị mê hoặc lắm vì trong một buổi đàm đạo với đức Đạt Lai Lạt Ma trước đó, tôi đã ý thức được tầm quan trọng của từ tâm. Tôi vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những năm dài suy luận theo tinh thần duy lý cũng như những điều kiện khoa học cứ bảo tôi rằng những biện giải về thương yêu, từ ái chỉ toàn là cảm tính.

Tai nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện mà trí óc tôi thì phiêu diêu lãng đãng. Tôi lặng lẽ nhìn quanh phòng để tìm xem có ai quen, những nhân vật nổi tiếng. Tôi hơi buồn ngủ vì đã ăn trưa khá đầy bụng trước khi buổi nói chuyện bắt đầu. Nửa ngủ nửa thức, tôi nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói:

"....hôm đó tôi nói về những điều kiện cần thiết để có được một cuộc sống vui vẻ thoải mái. Các điều kiện như là sức khỏe tốt, bạn hiền, vật chất đầy đủ... Nếu tìm hiểu một cách cặn kẽ, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các điều kiện này đều tùy thuộc vào người khác. Muốn cho sức khỏe được bảo trọng, chúng ta phải nhờ đến thuốc men do người khác chế tạo ra, các dịch vụ y tế do người khác cung cấp. Tất cả các điều kiện vật chất cũng vậy, chúng đều có liên quan đến người khác một cách trực tiếp hay gián tiếp. Không nói thì ai cũng biết rằng khi đề cập đến bạn hữu, bạn đường hay bạn tình, tức là chúng ta đã nói đến một cá thể khác, một chúng sinh hữu tình khác.

"Do đó, quý vị có thể thấy rằng tất cả những điều kiện này nối kết một cách vô cùng mật thiết với những người khác. Tha nhân không thể thiếu được trong cuộc sống của chúng ta cho nên trong mối quan hệ với tha nhân có thể có những khó khăn, tranh cãi..., chúng ta cũng nên giữ một thái độ thân thiện, nồng ấm, để từ đó có thể tạo dựng được một cuộc sống hạnh phúc trong khi vẫn liên hệ đến người khác".

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói như vậy, tôi cảm thấy không mấy đồng ý. Dù vẫn thường đánh giá cao mối liên hệ với gia đình và bằng hữu, tôi cho rằng cá nhân tôi là một người tự lập và tự lực. Tôi vẫn tự hào như vậy, và trong thâm tâm, tôi cho những kẻ hay nhờ cậy người khác là yếu đuối.

Ngay buổi chiều hôm đó, trong lúc tiếp tục nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện, một điều khác thường đã xảy ra cho tôi. Vì không thích thú lắm với quan niệm lệ thuộc vào tha nhân, nên trí óc tôi lại bắt đầu phiêu du vô định và tay tôi mân mê một sợi chỉ ở tay áo một cách vô thức. Khi đức Đạt Lai Lạt Ma nói về mối tương quan của tha nhân với các điều kiện vật chất trong cuộc sống của chúng ta, tôi bỗng liên tưởng đến những người đã tham dự vào việc làm ra cái áo tôi đang mặc. Tôi nghĩ đến những người ở nông trại trồng bông vải, rồi đến những người bán máy cày để làm đất. Từ chiếc máy cày, tôi nghĩ đến hàng ngàn người liên hệ đến việc tạo ra chiếc máy cày, đến những công nhân ở các hầm mỏ, những họa viên vẽ kiểu chiếc máy cày. Rồi thì những người biến chế bông vải, những thợ dệt, thợ nhuộm, thợ may ... Cả đến những tài xế xe tải chở áo giao cho các tiệm quần áo và những người bán hàng đã bán chiếc áo cho tôi. Tôi bỗng nhiên nhận thức được rằng hầu như tất cả mọi phương diện trong đời sống của tôi đều có bàn tay của tha nhân góp sức vào. Niềm tự hào và tính tự lập của tôi hóa ra chỉ là một ảo giác, một hoang tưởng. Từ nhận thức này, tôi chứng ngộ một cách sâu xa mối liên hệ hỗ tương, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các sinh vật. Tâm tư tôi như chùng lại. Tôi hiểu được một cái gì đó mà tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi cảm thấy thổn thức trong lòng.

TÌNH CẢM RIÊNG TƯ

Sự cần thiết của tha nhân đối với chúng ta là một nghịch lý. Trong lúc nền văn hóa của chúng ta tôn vinh tính tự lập thì con người vẫn khao khát những tình cảm thầm kín cũng như mối liên hệ với những người thân yêu. Chúng ta tập trung tất cả ý lực để tìm cho được một người nào đó hầu chấm dứt nỗi cô đơn trong khi vẫn giữ chặt cái ảo giác rằng chúng ta tự lập. Thường thì chúng ta không dễ gì đặt tất cả tin tưởng vào một người trong khi đức Đạt Lai Lạt Ma lại khuyến cáo là hãy tin tưởng càng nhiều càng tốt nếu không nói là tin cậy tất cả mọi người.

Tôi hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma vào một buổi chiều, tại phòng khách riêng của Ngài trong khách sạn: "Trong buổi nói chuyện ngày hôm qua, Ngài có đề cập đến tầm quan trọng của tha nhân, coi tha nhân là phước điền của mọi người. Nhưng khi khảo sát mối liên hệ với tha nhân, người ta thấy có rất nhiều hình thức khác nhau..."

"Đúng vậy". Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu.

"Thí dụ ở Tây phương, người ta thường đánh giá cao mối liên hệ có tính cách riêng tư giữa hai người - tức là một ai đó mà mình có thể bộc bạch những cảm tưởng sâu kín nhất, có thể chia xẻ với họ nỗi lo sợ trong lòng... Người ta cho rằng nếu không có được mối liên hệ đó thì chúng ta đã sống không trọn vẹn. Thật ra, môn tâm lý trị liệu của Tây phương thường khuyến cáo người ta nên tìm cách phát triển mối liên hệ riêng tư này".

Đức Đạt Lai Lạt Ma tán đồng: "Đúng, tôi cũng nghĩ là loại tình cảm riêng tư như vậy có thể được xem là tích cực. Nếu một người nào đó bị tước đoạt mất mối liên hệ này, họ sẽ có vấn đề...."

Tôi nói tiếp: "Tôi không biết rằng.... khi lớn lên ở Tây Tạng, Ngài không những được coi như một ông vua mà còn được tôn vinh như một vị thần, cho nên tôi nghĩ rằng mọi người đều kính nể Ngài, hoặc hơn nữa, sợ hãi khúm núm khi đứng trước mặt Ngài. Điều đó có tạo ra một khoảng cách tâm lý giữa Ngài và mọi người? một cảm giác cô lập? Lại nữa, xa nhà từ khi còn nhỏ, được giáo dục để trở thành một tu sĩ suốt đời độc thân.... Tất cả những chuyện đó có làm cho Ngài cảm thấy xa cách với mọi người? Có bao giờ Ngài cảm thấy thiếu vắng những tâm tình thầm kín với một người nào đó, người phối ngẫu chẳng hạn?"

Không do dự, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời :

"Không, tôi không bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình cảm riêng tư. Dù thân phụ tôi qua đời đã lâu nhưng tôi rất gần gũi với mẹ, thầy, đạo sư cũng như những người khác. Với họ, tôi có thể chia xẻ những cảm tình thầm kín, những nỗi lo sợ, những mối quan tâm. Khi còn ở Tây Tạng, dĩ nhiên là tôi phải tham dự những lễ, hội của chính phủ; nhưng vào những lúc rảnh rỗi, tôi cũng thường loanh quanh ở nhà bếp để chuyện trò, đùa giỡn với ban trai soạn. Những lúc như vậy tôi rất thoải mái, và không có cảm tưởng xa cách hay nghi thức. Cho nên dù ở Tây Tạng hay sau khi trở thành người tỵ nạn, tôi không có cảm giác thiếu người để chia xẻ tình cảm. Có thể một phần do bản tính của tôi vì tôi rất dễ hòa đồng với người khác. Tôi rất dở trong việc giữ bí mật".

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và tiếp tục câu chuyện :

"Dĩ nhiên là cũng có những chuyện không hay xảy ra vì nhiều khi tôi không giữ kín được những bàn thảo bí mật trong nội các lưu vong. Nhưng trên bình diện cá nhân thì chia xẻ và cởi mở là những yếu tố rất hữu dụng. Cũng do bản tính này mà tôi kết bạn rất dễ, không phải chỉ để làm quen và chào hỏi qua loa mà ngay cả chia xẻ những vấn đề quan hệ hoặc những đau khổ trong lòng. Khi có được tin vui cũng vậy, tôi mau mắn cho mọi người biết, và tôi có cảm tưởng thân mật, liên hệ mật thiết với bạn bè. Dĩ nhiên tôi biết rằng sở dĩ tôi dễ dàng thiết lập mối quan hệ với người khác vì họ thường rất vui mừng được chia xẻ buồn vui với tôi, với 'đức Đạt Lai Lạt Ma' ". Ngài lại cười và châm biếm tước hiệu của Ngài: "Tuy nhiên, tôi thích chia xẻ với người khác. Trong quá khứ, khi không hài lòng với chính sách của chính phủ Tây Tạng hay bị ám ảnh bởi mối đe dọa xâm lăng của Trung Quốc, tôi quay về phòng riêng và tâm sự với người dọn phòng. Trên một quan điểm nào đó, điều này có vẻ lố bịch và dại dột khi một vị Lạt Ma, thủ lãnh của chính phủ Tây Tạng đang gặp những khó khăn quốc nội và quốc ngoại lại đi thố lộ với người quét dọn nhà cửa". Đức Đạt Lai Lạt Ma lại cười: "Nhưng cá nhân tôi lại thấy hữu dụng vì khi người này bày tỏ quan điểm thì chúng tôi đã cùng nhau đối phó với vấn đề".

NỚI RỘNG Ý NGHĨA CỦA TÌNH CẢM RIÊNG TƯ

Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu về mối liên hệ giữa người với người đều đồng ý rằng tình cảm riêng tư là trọng tâm của cuộc sống. Nhà phân tích tâm lý nổi tiếng người Anh là John Bowlby đã viết như sau: "Cuộc đời mỗi người quay quanh những liên hệ thầm kín với người khác. Cũng từ những quan hệ này, người ta tìm được động lực để vui hưởng đời sống, và qua những đóng góp của mình, người ta làm cho người khác có sức mạnh để vui hưởng cuộc đời. Đây cũng là điểm gặp gỡ của khoa học hiện đại và túi khôn muôn đời".

Rõ ràng là quan hệ riêng tư làm người ta khỏe mạnh hơn về thể lực lẫn tâm lý. Các nhà nghiên cứu y học nhận thấy rằng những người có bạn thân để thố lộ, chia xẻ tâm tình là những người chống chỏi được những thử thách về sức khỏe như chấn thương tim mạch, giải phẫu. Họ cũng ít bị những bịnh như ung thư và bệnh về hệ thống hô hấp. Một cuộc nghiên cứu với hơn 1,000 bệnh nhân tim mạch tại trung tâm y khoa thuộc đại học Duke cho thấy rằng những người không có vợ/chồng hay bạn thân có mức tử vong 3 lần cao hơn những người khác trong vòng 5 năm kể từ khi mắc bịnh. Một cuộc nghiên cứu khác ở Alameda County thuộc California với nhiều ngàn dân cư trong suốt chín năm liền cũng cho thấy những người có quan hệ riêng tư với người khác có tử xuất thấp hơn cũng như ít bị bịnh ung thư hơn. Trường y khoa thuộc đại học Nebraska đã theo dõi các bệnh nhân cao niên cũng thấy rằng những người có quan hệ riêng tư thường có hệ thống kháng bệnh mạnh hơn và mức Cholesterol trong máu thấp hơn. Trong những năm gần đây, ít nhất đã có 6 cuộc nghiên cứu sâu rộng được điều hành bởi nhiều nhà sưu tầm khác nhau để tìm hiểu mối tương quan giữa quan hệ riêng tư và sức khỏe. Sau khi phỏng vấn nhiều ngàn người, các nhà nghiên cứu có vẻ đã đồng ý rằng tình cảm riêng tư làm tăng cường sức khỏe.

Người ta cho rằng tình cảm riêng tư cũng quan trọng như giữ gìn những cảm xúc tốt đẹp. Nhà phân tích tâm lý kiêm triết gia Erich Fromm cho rằng nỗi lo âu căn để nhất của con người là bị tách rời khỏi tha nhân. Ông ta tin rằng kinh nghiệm về sự chia cách lúc thiếu thời đã là nguyên nhân của cảm giác lo sợ trong cuộc sống. John Bowlby cũng đồng ý như vậy khi đưa ra những bằng chứng để hỗ trợ cho ý tưởng nói rằng bị tách rời khỏi người bảo hộ -thường là mẹ hoặc cha- trong năm đầu tiên đã tạo ra cảm giác sợ hãi và buồn khổ một cách rất rõ rệt cho những đứa bé. Ông cho rằng sự cách ly hoặc mất người thân là căn nguyên của cảm giác lo âu, buồn bã và phiền muộn của con người.

Biết rằng tình cảm riêng tư rất quan trọng, nhưng làm sao để chúng ta tạo được loại tình cảm này trong cuộc sống? Theo quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma đã được đề cập ở trên thì chúng ta có thể học hỏi được bằng cách hiểu rõ thế nào là tình cảm riêng tư; đồng thời tìm kiếm một định nghĩa, một khuôn mẫu khả thi cho thứ tình cảm này trong cuộc sống. Nhưng nếu muốn tìm một câu trả lời có tính cách khoa học thì lại rất khó vì tuy các nghiên cứu gia đều đồng ý về địa vị quan trọng của tình cảm riêng tư, nhưng người ta lại hoàn toàn bất đồng quan điểm với nhau về những định nghĩa rất đa dạng của tình cảm này. Desmond Morris là một tác giả đã có những ý kiến rất đặc thù và rõ rệt, ông nhìn tình cảm riêng tư dưới quan điểm bản năng động vật của một nhà động vật học.

Trong cuốn Intimate Behaviour, tác giả Morris đã định nghĩa tình cảm riêng tư như sau: "Riêng tư có nghĩa là gần gũi. Tôi cho rằng hành động riêng tư xảy ra khi hai cá nhân đụng chạm thể xác". Sau khi định nghĩa tình cảm riêng tư thuần túy là các đụng chạm có tính cách vật lý như vậy, ông ta đề cập đến vô số phương pháp tiếp cận giữa người với người: từ một cái vỗ vai đơn giản đến những ôm ấp trong hoạt động tình dục. Đụng chạm là phương tiện để chúng ta truyền đạt sự an ủi đồng thời nhận sự an ủi từ người khác như ôm vai hay cầm tay. Ngay cả việc sơn móng tay của qúy bà, theo Morris, cũng là một hình thức đụng chạm vật lý. Ông còn đề cập đến những va chạm vật lý của chúng ta đối với các vật vô tri quanh mình: cầm thuốc lá, đeo nữ trang, nằm giường nước.... cũng là những dạng thức thay thế, những phó sản của tình cảm riêng tư.

Những nhà nghiên cứu khác không đưa ra những định nghĩa chắc chắn về tình cảm riêng tư, nhưng đồng ý với nhau rằng riêng tư không chỉ đơn thuần là đụng chạm. Trong tiếng La tinh, riêng tư có nguồn gốc từ chữ Intima có nghĩa là bên trong, sâu kín và thường có một phạm trù rộng lớn hơn. Bác sĩ Dan Mc Adam, tác giả một số sách nói về tình cảm riêng tư, cho rằng "ước muốn tình cảm riêng tư là ước muốn được chia xẻ với người khác về những cảm nghĩ thầm kín của mình".

Nhưng những định nghĩa của riêng tư chưa ngừng ở đây. Đối nghịch với quan điểm của Desmond Morris là nhóm tâm lý gia chuyên nghiệp gồm hai cha con Malone (Thomas Patrick và Patrick Thomas). Hai người này cùng viết cuốn The Art of Intimacy, trong đó họ định nghĩa tình cảm riêng tư là "kinh nghiệm của sự kết nối". Quan điểm của họ về tình cảm riêng tư dựa trên sự khảo sát rất kỹ lưỡng về sự nối kết giữa chúng ta và người khác. Tuy nhiên, ý tưởng của họ đã không bị giới hạn trong phạm vi liên hệ giữa người với người mà đề cập đến cả mối liên hệ của chúng ta đối với cây cối, trăng sao, và ngay cả không gian xa xôi vô tận.

Ý niệm về một dạng thức lý tưởng của riêng tư cũng thay đổi tùy theo hoàn cảnh địa dư và lịch sử. Quan niệm lãng mạn về 'một nhân vật lý tưởng', người mà chúng ta say mê, mong ước có được mối liên hệ riêng tư là sản phẩm của thời đại và nền văn hóa của chúng ta. Nhưng kiểu mẫu này không được chấp nhận trong tất cả các nền văn hóa. Thí dụ như người Nhật dựa vào tình bạn để xây dựng tình cảm riêng tư trong khi người Mỹ hướng nhiều đến mối liên hệ tình cảm với bạn gái/bạn trai hay người phối ngẫu. Dựa vào yếu tố này, vài nhà nghiên cứu cho rằng người Á châu ít chú trọng đến tình cảm cá nhân -như đam mê chẳng hạn- mà quan tâm nhiều đến những ràng buộc, những ước lệ của xã hội. Người ta nhận thấy rằng những ràng buộc, ước lệ này ít khi làm người ta "vỡ mộng", một nguyên nhân thường khiến các mối liên hệ tình cảm bị đổ vỡ.

Ngoài sự khác biệt giữa các nền văn hóa, ý niệm về riêng tư cũng thay đổi lớn lao theo thời gian. Lúc nước Mỹ còn là một thuộc địa, mức độ gần gũi và kín đáo của con người quan trọng hơn bây giờ nhiều, vì ngày nay, các thành viên trong gia đình và cả người lạ nữa (khách, bạn...) cũng có thể dùng chung những tiện nghi trong nhà như phòng tắm, phòng ăn và ngay cả phòng ngủ. Cách nói chuyện giữa vợ chồng cũng trở nên dễ dãi, ít nghi thức hơn, chẳng khác gì mấy ông hàng xóm nói chuyện với nhau. Chỉ mới trong thế kỷ này, tình yêu và hôn nhân mới bị lãng mạn hóa cao độ và người ta đòi hỏi người phối ngẫu phải ngay thật về các chuyện riêng tư.

Các ý niệm về riêng tư và thầm kín cũng thay đổi theo thời gian. Vào thế kỷ 16 tại Đức quốc chẳng hạn, tân lang và tân giai nhân phải hợp cẩn trên chiếc giường được mang đến bởi những chứng nhân của buổi tiệc cưới. Cách thức diễn đạt cảm xúc cũng thay đổi. Vào thời Trung cổ, bày tỏ cao độ những cảm xúc vui thích, thịnh nộ, sợ hãi, thương hại, và ngay cả sự thích thú trong việc hành hạ hay xử tử kẻ thù.... là một điều bình thường. Cười rộn ràng, khóc mùi mẫn, giận dữ hung bạo trước trước mặt đám đông được chấp nhận nhiều hơn so với xã hội ngày nay. Nhưng khi những cảm xúc đó được bày tỏ một cách thoải mái và tự nhiên trước công chúng, thì người ta không còn gì là riêng tư và thầm kín nữa.

Rõ ràng là những ý niệm về riêng tư cũng không có tính cách toàn cầu, nó thay đổi theo thời gian và bị ảnh hưởng bởi các điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội. Cho nên chúng ta rất dễ bị bối rối trước vô số các định nghĩa khác nhau về ý niệm riêng tư. Vậy thì tình cảm riêng tư là gì? Theo tất cả những điều vừa được trình bày ở trên thì: Riêng tư là một tình cảm có vô số chiều kích và người ta có thể cảm nhận nó bằng vô số hình thái khác nhau. Nhận thức được như vậy, chúng ta có một cơ hội to lớn: Ngay trong giây phút này, chúng ta đã có vô số mạch nguồn của riêng tư - Tình cảm riêng tư ở khắp mọi nơi.

Ngày nay, cảm giác thiếu thốn một cái gì đó trong cuộc đời thường làm chúng ta ngột ngạt, khó chịu và nếu sự thiếu thốn đó là tình cảm riêng tư thì con người rất khốn khổ. Điều này ai cũng từng trải qua một giai đoạn nào đó trong đời khi thiếu vắng những liên hệ tình cảm hay khi sự đam mê suy khuyết dần trong những liên hệ này. Trong nền văn hóa của chúng ta, người ta cũng thường nghĩ rằng tình cảm thầm kín nhất chỉ được bộc lộ ra trong quan hệ yêu đương, rằng CHÀNG hay NÀNG là người đặc biệt nhất trong thiên hạ. Điều này đóng khung quan điểm của chúng ta, khép kín lối vào những hình thái khác của riêng tư, cho nên khi CHÀNG hay NÀNG không còn nữa thì chúng ta đau khổ vô cùng vì chúng ta chẳng còn gì cả.

Nhưng thật ra, chúng ta có khả năng tránh được tình trạng này. Chỉ cần có can đảm để bành trướng quan niệm của chúng ta về riêng tư, chấp nhận những hình thái khác của riêng tư trong đời sống hàng ngày. Nới rộng định nghĩa của riêng tư, chúng ta sẽ mở ngõ tâm hồn để đón nhận những phương thức mới khác không kém thú vị trong cách thế liên hệ với tha nhân. Điều này khiến chúng ta nhớ lại cuộc bàn luận giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi về sự cô đơn, cuộc bàn luận đã bất ngờ diễn ra khi tôi đọc thấy hàng ngàn mục quảng cáo tìm bạn trên một tờ báo địa phương.

Tôi suy nghĩ khá nhiều về những mục quảng cáo này: Trong lúc tác giả của các mục tìm bạn này nặn óc để tìm cho ra những hình dung từ thích hợp để mong chấm dứt nỗi cô đơn của mình, thì biết bao nhiêu bạn bè, thân thuộc, gia đình đang vây quanh họ, nghĩa là họ đã có sẵn biết bao mối liên hệ có thể dễ dàng biến thành những tình cảm riêng tư? Nhiều lắm, tôi nghĩ vậy.

Nếu đời sống là một cuộc săn đuổi hạnh phúc và tình cảm riêng tư là một yếu tố quan trọng của cuộc sống hạnh phúc, thì rõ ràng là rất thuận lý nếu chúng ta chấp nhận quan điểm cho rằng tình cảm riêng tư bao gồm nhiều cách thế liên hệ với tha nhân, chứ không chỉ là quan hệ yêu đương. Và chấp nhận càng nhiều cách thế khác nhau của tình cảm riêng tư càng tốt cho chúng ta. Khuôn mẫu của đức Đạt Lai Lạt Ma về tình cảm riêng tư đặt cơ sở trên sự cởi mở của chúng ta đối với tha nhân, gia đình, bằng hữu và ngay cả người lạ. Đây là một khuôn mẫu chân chính, sâu sắc của tình cảm riêng tư dựa trên lòng nhân đạo của con người.

Chương 6

ĐÀO SÂU MỐI LIÊN HỆ VỚI THA NHÂN

Một buổi chiều, sau buổi nói chuyện trước công chúng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi đến phòng khách riêng của Ngài trong khách sạn. Tôi đến sớm mấy phút. Một người tùy tùng ra dấu bảo tôi rằng đức Đạt Lai Lạt Ma đang bận khách và Ngài sẽ trễ vài phút. Tôi trở ra ngoài, ngồi ở vị trí mà tôi thường ngồi và đọc lại những ghi chú mà tôi sẽ dùng vào buổi nói chuyện sắp tới, đồng thời tránh ánh mắt dò xét của nhân viên an ninh, rất giống với ánh mắt của những người bán hàng trông chừng mấy cậu học sinh trung học lượn lờ quanh các tạp chí. Chỉ mấy phút sau cửa mở và một cặp tuổi trung niên, ăn mặc chững chạc bước ra. Trông họ có vẻ quen và tôi nhớ rằng tôi đã được giới thiệu với họ trong một dịp nào đó vài ngày trước. Người ta cho tôi biết rằng người vợ được thừa hưởng một gia tài đồ sộ và người chồng cũng rất giàu có - ông ta là một vị chưởng lý có quyền thế ở Manhattan. Mặc dù chỉ trao đổi với nhau vài câu ngắn trong dịp giới thiệu, tôi hơi ngỡ ngàng vì cả hai đều có vẻ vô cùng cao ngạo.

Khi họ rời khỏi phòng khách riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi chợt nhận ra một sự thay đổi không thể ngờ nổi trên khuôn mặt hai người. Nét cao ngạo và tự mãn đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là hai khuôn mặt đầy vẻ dịu dàng và xúc động - trông họ như hai đứa trẻ với ngấn lệ đọng trên khóe mắt. Mặc dù tác động của đức Đạt Lai Lạt Ma với người đối thoại thường không quá lớn lao, tôi nhận thấy mọi người đều có một sự thay đổi cảm xúc nào đó sau khi nói chuyện với Ngài. Tôi rất ngạc nhiên về khả năng kết hợp để tạo nên một sự trao đổi cảm xúc rất sâu sắc và đầy ý nghĩa với người đối thoại của đức Đạt Lai Lạt Ma, bất luận người ấy thuộc thành phần nào trong xã hội.

TẠO LẬP SỰ CẢM THÔNG

Trong thời gian đức Đạt Lai Lạt Ma lưu ngụ tại Arizona, chúng tôi đã có dịp đề cập đến đề tài nhiệt tình và từ tâm của nhân loại, nhưng mãi cho đến mấy tháng sau tại nhà riêng của Ngài tại Dharamsala, tôi mới có cơ hội khám phá một cách chi tiết về phương cách liên hệ với tha nhân của Ngài. Vào thời điểm này, tôi đã rất nóng lòng muốn tìm xem những nguyên tắc căn bản nào được đức Đạt Lai Lạt Ma sử dụng khi giao kết với tha nhân - những nguyên tắc có thể ứng dụng để cải thiện mối giao hảo với người lạ, gia đình, bạn bè, người thân.... Tôi hỏi một cách nôn nóng :

"Nói về mối tương quan giữa người và người, xin Ngài cho biết những phương thức hay kỹ thuật nào hữu hiệu nhất để tạo một mối liên hệ có ý nghĩa, đồng thời giảm thiểu những bất đồng với tha nhân?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn tôi với ánh mắt soi mói. Tuy không phải là ánh mắt thiếu thân thiện nhưng Ngài làm tôi có cảm tưởng như tôi vừa hỏi Ngài phải đưa cho tôi cái công thức hóa học chính xác của bụi đất trên mặt trăng[1]. Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời sau một lúc yên lặng: "Đối xử với người khác là một vấn đề rất phức tạp. Không có cách nào đưa ra một công thức có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Cũng giống như nấu ăn vậy. Có nhiều lớp lang khác nhau khi anh muốn nấu một món ăn đặc biệt. Có thể anh phải luộc rau cải trước, sau đó đem chiên rồi trộn chung với nhau, sau nữa là thêm gia vị. Và kết quả là anh có được một món ăn thật ngon miệng. Cũng thế, chúng ta cần rất nhiều dữ kiện để có thể đối xử một cách khôn khéo với tha nhân, chứ không thể nói 'Đây là phương pháp tốt nhất', 'Đây là kỹ thuật tuyệt hảo' ".

Tôi không hài lòng lắm với lối trả lời này, tôi nghĩ là đức Đạt Lai Lạt Ma lảng tránh vấn đề vì tôi cho rằng Ngài phải có một giải đáp rõ rệt hơn. Vì vậy tôi hỏi dồn: "Nếu không có một giải pháp đơn thuần để cải thiện mối tương giao thì ít nhất, cũng xin Ngài cho biết những chỉ dẫn tổng quát có thể ứng dụng được".

Đức Đạt Lai Lạt Ma suy nghĩ một lúc rồi nói: "Trước đây, chúng ta có bàn luận về vai trò quan trọng của từ tâm khi đến với tha nhân. Chúng ta có thể dễ dàng bảo người khác phải yêu thương hơn, tha thiết hơn. Nhưng như vậy chưa đủ, vì một lời giải thích đơn giản ít khi mang lại kết quả. Muốn cho người ta nhiều từ tâm, nhiều nhiệt tình hơn khi giao tiếp với người khác, thì phải làm sao cho họ thấy được lợi ích thiết thực của những tình cảm này, chẳng hạn như cảm giác hân hoan của một người khi nhận được sự ưu ái từ kẻ khác.

"Bây giờ chúng ta hãy nói đến những phương thức khác nhau để nới rộng mối từ tâm. Cảm thông là một yếu tố quan hệ. Đó là khả năng thông hiểu được nỗi khổ đau của người khác. Trong Phật giáo, đồng cảm là phương thức hữu hiệu để tăng trưởng từ tâm, bằng cách đặt mình vào hoàn cảnh bi thảm của chúng sinh. Một con trừu sắp bị làm thịt chẳng hạn, và ta hãy tưởng tượng nỗi kinh hoàng mà nó đang trải qua, đang chịu đựng...". Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc, tay vô tình lần chuỗi hạt. Ngài nói tiếp: "Có thể khá tế nhị khi đề cập phương thức này với những người lạnh lùng và thờ ơ - cũng giống như đòi hỏi người đồ tể đặt mình vào trường hợp con cừu sắp bị họ làm thịt hay bắt những người quen với thú vui câu cá, săn bắn đặt họ vào địa vị những con thú bị họ giết hại một cách dửng dưng, vô tâm".

Tôi nói: "Nếu như vậy, không dễ gì đòi hỏi người thợ săn đặt mình vào địa vị con mồi của họ nhưng chúng ta có thể đánh thức lòng từ ái của họ bằng cách nói họ đặt mình vào địa vị con chó cùng đi săn với họ bị sập bẫy và đang quằn quại vì đau đớn".

Đức Đạt Lai Lạt Ma đồng ý: "Đúng, rất đúng. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên sửa đổi phương thức cho phù hợp với hoàn cảnh cá biệt. Có thể nhiều người không có mối đồng cảm với súc vật, nhưng lại nhạy bén với gia đình, bằng hữu. Trong trường hợp này, nên nghĩ đến nỗi khổ đau mà những người thân của mình đang chịu đựng, rồi xem mình sẽ cư xử ra sao nếu mình ở trong trường hợp ấy. Đó là cách thức làm tăng trưởng từ tâm bằng đồng cảm. Ngoài ra, đồng cảm còn giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày khi phải liên hệ với tha nhân. Khi ai đó cư xử với mình không được đẹp lắm, hãy cố gắng đặt mình vào địa vị của họ trong hoàn cảnh đó và xem mình sẽ xử sự như thế nào. Gặp những người không có kinh nghiệm tương đồng hay có một lối sống khác biệt, chúng ta cũng có thể sử dụng đồng cảm. Bằng một ít tưởng tượng, chúng ta có thể từ bỏ cảm quan và nhận thức của mình để nhìn cuộc đời bằng quan điểm của họ. Làm được như vậy, chúng ta sẽ dễ cảm thông, dễ chấp nhận những quan điểm khác biệt, và đây là điều kiện giúp giảm thiểu các mâu thuẫn, bất đồng".

Buổi nói chuyện hôm đó chấm dứt sớm vì đức Đạt Lai Lạt Ma quá bận rộn và tôi thường được Ngài tiếp vào cuối ngày. Bên ngoài mặt trời sắp lặn. Ánh tà dương làm cho màu vàng nhạt của căn phòng trở nên rực rỡ và hình ảnh đức Đạt Lai Lạt Ma như sáng ngời trong chiếc tràng màu đỏ thẫm. Một người phục vụ im lặng bước vào phòng, ra dấu cho tôi biết là buổi đàm luận đã kết thúc. Tôi cố vớt vát: "Tôi biết rằng đã hết giờ, Nhưng Ngài có điều gì nói thêm về những phương thức mà Ngài thường sử dụng để tạo mối đồng cảm với tha nhân?". Nhớ lại những điều đã được đề cập trong lần nói chuyện trước công chúng ở Arizona mấy tháng trước, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời với một giọng giản dị :

"Bao giờ cũng vậy, tôi luôn luôn đến với tha nhân bằng những điều căn bản và thông thường nhất. Tất cả chúng ta đều có được một xác thân vật lý, một tâm thức, một cảm xúc giống nhau. Tất cả chúng ta đều được sanh ra như nhau và đều phải chết. Tất cả chúng ta đều mong được hạnh phúc và không muốn khổ đau. Nhìn người khác từ quan điểm này (thay vì những khác biệt phụ thuộc như tôi là người Tây Tạng, hoặc sự khác biệt về màu da, tín ngưỡng, văn hóa ....) tôi có cảm giác rằng tôi đang đối diện với một con người giống y như tôi. Từ đó, tôi cảm thấy dễ dàng hơn rất nhiều trong việc trao đổi và truyền đạt với kẻ khác". Đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dậy, mỉm cười bắt tay tôi và chấm dứt một ngày dài làm việc.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục cuộc thảo luận tại nhà riêng của đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi nói: "Tại Arizona, chúng ta đã nói nhiều về tầm quan trọng của từ tâm trong mối tương giao của con người. và ngày hôm qua chúng ta bàn luận về vai trò của đồng cảm. Ngoài những điều đã đề cập, Ngài có thêm những cách thức hay kỹ năng nào giúp người ta giao tiếp hữu hiệu hơn với tha nhân?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Như tôi đã nói ngày hôm qua, không có cách nào để giải quyết mọi vấn đề bằng một hay hai công thức đơn giản. Tuy nhiên cũng có những yếu tố khác có thể phụ giúp vào việc đối xử với tha nhân một cách khôn khéo. Trước hết là phải hiểu rõ và tôn trọng bối cảnh riêng của người mà mình đang giao tiếp. Thứ đến, cởi mở và thành tâm cũng là những điều rất hữu dụng trong việc liên hệ với tha nhân".

Tôi chờ đợi nhưng đức Đạt Lai Lạt Ma không nói gì thêm. Cuối cùng, tôi hỏi: "Ngài có thể đề nghị vài cách thức để con người có thể cải thiện mối tương với người khác?". Đức Đạt Lai Lạt Ma ngẫm nghĩ một lúc rồi mỉm cười: "Không". Tôi có cảm tưởng rằng những lời khuyên bảo của Ngài có vẻ đơn giản và tầm thường nhưng hình như Ngài không còn ý kiến gì khác nên chúng tôi quay sang những chủ đề mới.

Tối hôm ấy tôi được mời dùng cơm tại nhà một người bạn Tây Tạng ở Dharamsala và buổi tối hôm đó thật là vui vẻ, sống động. Thức ăn gồm nhiều món rất xuất sắc và bắt đầu bằng Mo Mos, một loại thịt hầm rất ngon. Càng lúc, người ta chuyện trò càng hứng thú và sôi động. Mọi người kể cho nhau nghe về những kinh nghiệm đáng xấu hổ khi say rượu. Tất cả thực khách đều tham gia kể cả một cặp rất nổi tiếng từ Đức quốc. Người vợ là một kiến trúc sư và chồng là một văn sĩ đã viết khoảng một tá tác phẩm. Vì thích đọc sách nên tôi tìm cách gợi chuyện với người chồng văn sĩ này. Tôi hỏi về viết sách và ông ta trả lời nhát gừng, chiếu lệ với một thái độ thiếu tế nhị và khá xa cách. Nghĩ rằng ông ta không thân thiện, kiêu kỳ nên tôi đâm ra không mấy có cảm tình. Tự nhủ rằng mình đã tỏ ra thân mật trước mà ông ta không muốn hòa đồng nên tôi quay sang tán gẫu với những thực khách khác.

Ngày hôm sau, tôi gặp một người bạn tại một hàng quán trong làng và trong lúc uống trà, tôi kể lại buổi ăn tối hôm trước: "Tôi cảm thấy thích thú với tất cả mọi người ngoại trừ Rolf, tay văn sĩ đó. Anh ta có vẻ phách lối và không thân thiện tí nào". Người bạn trả lời: "Tôi quen anh ấy khá lâu rồi. Tôi biết rằng ảnh không mấy tế nhị, nhưng có lẽ tại tánh ảnh dễ mắc cở và rụt rè lúc mới quen. Nhưng thật ra, nếu là bạn thân, anh sẽ thấy rằng ảnh là một người đáng khâm phục". Tôi không tin tưởng mấy nhưng vẫn lắng nghe người bạn nói tiếp: ".... mặc dù là một tác giả nổi tiếng, anh ấy đã trải qua một quãng đời rất khó khăn. Gia đình anh ta trong thế chiến thứ II đã bị điêu đứng vì đảng Quốc Xã Đức. Rolf có hai đứa con mà anh ta rất thương yêu, cả hai đều bị một chứng bịnh về di truyền rất hiếm có và trở thành khuyết tật về thể xác lẫn tinh thần. Nhưng thay vì sống một cuộc đời cay đắng trong đọa đày, anh ta lại tự phấn đấu bằng cách vươn ra để giúp đỡ người khác. Ảnh làm công tác thiện nguyện trong nhiều năm liền để giúp đỡ những nạn nhân tật nguyền. Nếu anh biết rõ, ảnh là một nhân vật khá đặc biệt".

Rồi tôi có dịp gặp lại vợ chồng Rolf vào cuối tuần tại giải đất trống dài và hẹp dùng làm phi trường địa phương. Chuyến bay mà chúng tôi dự định đi Delhi bị hủy bỏ và phải chờ mấy ngày sau mới có chuyến kế tiếp. Chúng tôi quyết định thuê xe để đi chung một khoảng đường khá mệt nhọc kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ. Những chi tiết do người bạn thố lộ về Rolf đã thay đổi thành kiến của tôi đối với anh ta, và do đó, tôi đã đối xử một cách cởi mở hơn với Rolf trong chuyến đi này. Tôi bắt đầu gợi chuyện và Rolf vẫn có vẻ rụt rè, e ngại. Tôi vẫn tiếp tục gợi chuyện bằng một thái độ thân thiện và chẳng bao lâu tôi nhận ra rằng, đúng như người bạn đã nói, thái độ xa cách của Rolf là do bản tính rụt rè chứ không phải kiêu kỳ của anh ta. Càng đi sâu vào miền bắc nóng bức và bụi bặm của Ấn Độ, chúng tôi càng trở nên tương đắc hơn khi Rolf tỏ ra là một con người nhiệt tình, chân thật, đồng thời là một người bạn đồng hành đáng tin cậy.

Mấy ngày sau, tôi vẫn còn lưu lại Delhi để chờ máy bay về Mỹ. Tôi cảm thấy bực bội vì khung cảnh êm đềm của Dharamsala bị thay thế bởi cái nóng oi bức cộng với sự náo nhiệt và ô nhiễm của Delhi. Tôi có cảm tưởng người ta nhìn mình như là một thằng khùng, một người ngoại, một mục tiêu trấn lột. Đấy là chưa kể đến hàng tá gái điếm lúc nào cũng có mặt để lôi kéo. Tôi cảm thấy rất nản chí.

Một buổi sáng, tôi trở thành nạn nhân của một hành động bất lương của hai đứa bé. Trong lúc tôi không để ý, một đứa đổ sơn lên giày tôi và cách đó không xa, một đứa khác có nét mặt thật ngây thơ với đồ nghề đánh giày chờ sẵn. Đứa bé xin đánh giày cho tôi với một giá phải chăng. Chỉ mấy phút sau là đôi giày của tôi trở nên bóng láng và thằng bé nhẹ nhàng đòi một số tiền khổng lồ: tương đương với hai tháng tiền lương trung bình. Tôi phản đối thì đứa bé nói đó là giá tiền mà tôi đã đồng ý trước. Tôi vẫn không chịu thì đứa bé bắt đầu la lớn lên rằng tôi cố tình không trả tiền công cho nó trước một đám đông hiếu kỳ vây quanh. Tối hôm ấy tôi mới biết ra đó là cách làm tiền du khách ngoại quốc của những đứa trẻ bất lương vì thường thì ai cũng muốn tránh khỏi bị đám đông xa lạ nhìn xoi mói càng sớm càng tốt.

Tôi ăn trưa với một chị bạn tại khách sạn. Tôi quên bẵng chuyện xảy ra ban sáng khi người bạn hỏi tôi về cuộc gặp gỡ với đức Đạt Lai Lạt Ma. Chúng tôi mải mê bàn luận những ý tưởng của Ngài về sự cảm thông với tha nhân, chấp nhận quan điểm của người khác.... Sau khi ăn trưa, chúng tôi gọi taxi đi thăm vài người quen. Khi chiếc taxi bắt đầu chạy, bỗng nhiên tôi nhớ đến hai đứa bé đánh giày ban sáng và tôi liếc mắt nhìn đồng hồ ghi giá tiền.

"Ngừng lại !". Tôi la lớn làm chị bạn giật nảy mình. Tay tài xế nhìn tôi trong kiến chiếu hậu nhưng vẫn tiếp tục chạy.

"Ngừng xe lại!". Tôi ra lệnh, giọng run lên vì giận dữ. Chiếc taxi ngừng lại trong khi chị bạn tôi hoàn toàn sững sốt. Tôi chỉ vào đồng hồ ghi tiền và la lên: "Anh không vặn lại đồng hồ tính tiền, còn hơn 20 rupee (đơn vị tiền tệ Ấn Độ) khi tụi tôi lên xe".

"Xin lỗi ông, tôi quên không điều chỉnh kim đồng hồ. Tôi sẽ bắt đầu lại". Tay tài xế trả lời tôi với một giọng lạnh nhạt, ù lì làm tôi càng thêm cáu tiết: "Tôi không cần anh vặn lại đồng hồ. Tôi chán mấy anh lắm rồi, lúc nào cũng tìm cách tính thêm tiền, chạy lòng vòng, làm đủ cách để moi tiền người ta. Tôi .... tôi chán lắắắm rồi".

Thái độ trừng phạt người tài xế một cách quá đáng của tôi làm chị bạn có vẻ ngượng ngập và xấu hổ. Tay tài xế nhìn tôi với vẻ mặt thách thức mà người ta thường thấy ở những chú bò thiêng thường ra đứng giữa đường phố đông nghẹt của Ấn Độ để chận xe cộ lưu thông. Hắn nhìn sự bực tức của tôi với một vẻ chán nản, nhạt nhẽo. Tôi thảy mấy rupee lên ghế trước, không nói gì thêm, mở cửa xe cho chị bạn, rồi ra khỏi xe. Sau đó, chúng tôi chận một chiếc taxi khác và tiếp tục cuộc viếng thăm nhưng tôi không hết bực bội. Trong khi chiếc taxi chạy từ đường này sang đường khác, tôi vẫn cằn nhằn về thói lường gạt du khách của 'mọi người' ở Delhi. Chị bạn yên lặng nghe tôi kể tội và trách cứ. Sau cùng, chị nói :

"20 rupee chỉ bằng 25 xu, có đáng gì mà ngậu xị lên thế?". Tôi nổi khùng vì cho rằng những giá trị đạo đức đã bị xúc phạm. "Nhưng đây là vấn đề nguyên tắc. Tôi không hiểu làm sao mà chị lại có vẻ thản nhiên đối với những chuyện như vậy. Nó xảy ra hàng ngày, bộ chúng không làm chị khó chịu sao?".

Chị bạn thong thả trả lời: "Có chứ. Nó có làm tôi khó chịu một lúc, nhưng tôi nghĩ tới những điều chúng ta bàn luận vào buổi trưa, những điều mà đức Đạt Lai Lạt Ma nói về tầm quan trọng của việc nhìn đời bằng cảm quan của người khác. Trong khi anh vẫn sừng sộ về tay tài xế thì tôi cố nghĩ đến những điểm tương đồng giữa tay tài xế và chúng ta - ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, sung sướng... Tôi tưởng tượng mình là người tài xế. Ngồi trong chiếc taxi nóng bức, oi ả ngày này qua ngày khác, có thể tôi cũng sẽ ganh tỵ với những du khách ngoại quốc giàu có, và có thể tôi cho rằng moi tiền của họ là chuyện không có gì quá đáng. Nhưng điều đáng buồn là dù moi thêm được ít rupee từ những du khách nhẹ dạ, tôi vẫn không thấy cuộc sống thoải mái hơn, hạnh phúc hơn. Càng nghĩ về cuộc sống của người tài xế, tôi càng cảm thông với cuộc sống buồn tẻ của anh ta hơn. Mặc dù tôi không đồng ý với hành động lường gạt của người tài xế, và việc chúng ta ra khỏi taxi là đúng nhưng quả thật, không đáng giận anh ta....".

Tôi cứng họng và ngạc nhiên khi thấy mình không thấm nhuần bao nhiêu những điều mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói. Tôi nhận ra được giá trị thực tế của những lời khuyên của Ngài về "thông cảm hoàn cảnh người khác", và tôi cũng hiểu tại sao người ta đã kính ngưỡng cung cách xử thế của Ngài. Hồi tưởng lại những buổi đàm luận của chúng tôi ở Arizona và bây giờ ở Ấn Độ, tôi nhận ra rằng ngay từ lúc đầu, những cuộc thảo luận này đã xoay quanh cấu trúc con người, thì bây giờ tôi hiểu ra, đó là cấu trúc về TÂM và THỨC của chúng ta. Cho đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng, tuy nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma rất nhiều, tôi chưa thực sự áp dụng những chỉ dẫn của Ngài vào cuộc sống của chính tôi. Tôi vẫn chưa đủ quyết tâm để sống đúng theo những ý tưởng của Ngài - có lẽ vào một thời điểm nào đó trong tương lai khi tôi có nhiều thời giờ hơn !

KHẢO SÁT NỀN TẢNG CỦA MỐI LIÊN HỆ?

Những cuộc thảo luận giữa tôi và đức Đạt Lai Lạt Ma ở Arizona bắt đầu với đề tài tìm kiếm nguồn gốc của hạnh phúc và những cuộc nghiên cứu cho thấy hôn nhân là một điều kiện quan trọng của hạnh phúc: Hôn nhân tạo ra tình cảm riêng tư và những yếu tố khác khiến cho sức khỏe gia tăng cũng như cảm giác thỏa mãn một cách tổng quát đối với cuộc sống. Hàng ngàn cuộc khảo sát ở Mỹ quốc cũng như Âu châu đều chứng tỏ rằng, một cách thông thường, những người có gia đình cảm thấy hạnh phúc hơn, thỏa mãn hơn với cuộc sống so với những người độc thân hay góa bụa; càng đặc biệt hơn nữa, so với những người đã ly dị hay ly thân. Trong một cuộc nghiên cứu, cứ 6 trong 10 người Mỹ có gia đình cho rằng cuộc sống vợ chồng cũng như cuộc đời nói chung của họ "rất hạnh phúc". Khi thảo luận về mối tương quan giữa người và người, tôi nghĩ là tôi sẽ đề cập với đức Đạt Lai Lạt Ma về vai trò quan trọng của hôn nhân đối với hạnh phúc mặc dù Ngài đã chọn cuộc đời độc thân của một tu sĩ Phật giáo.

Trước một buổi thảo luận với đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi ngồi giải khát với một người bạn tại khoảng sân lộ thiên của khách sạn vùng Tucson. Đề cập đến hôn nhân và tình cảm mà tôi dự định sẽ thảo luận với Ngài, tôi và người bạn cảm thấy tội nghiệp cho những người độc thân. Đang lúc chúng tôi nói chuyện, một cặp còn trẻ trông rất tráng kiện -có lẽ là dân chơi golf đi nghỉ mát vào dịp nghỉ hè- đến ngồi vào bàn bên cạnh. Họ có vẻ đã qua thời kỳ trăng mật nhưng trông vẫn còn nồng nàn và trẻ trung. Tôi nghĩ: Thật đẹp đôi. Ngồi chưa nóng chỗ, chúng tôi đã nghe họ càu nhàu :

"Tôi đã nói với anh rằng mình sẽ trễ..." Người đàn bà bắt đầu đổ lỗi cho ông chồng một cách gay gắt với giọng nói khàn khàn, có lẽ do thuốc lá và rượu đã lâu năm. "Bây giờ không còn đủ thì giờ để ăn nữa, nuốt hết nổi !"

"Nếu cô sửa soạn nhanh hơn một chút..." Người đàn ông trả đũa ngay tức thì, giọng nói tuy dịu hơn nhưng người ta có thể nhận thấy vẻ hằn học và bực tức trong từng lời nói.

"Tôi xong cả nửa tiếng đồng hồ rồi, Anh cứ ham đọc báo ..."

Cứ thế mà hai vợ chồng cằn nhằn nhau. Như Euripides, một kịch tác gia Hy Lạp đã nói: "Hôn nhân có thể tốt đấy, nhưng khi cơm không lành, canh không ngọt nữa thì gia đình sẽ trở thành địa ngục". Cuộc khẩu chiến giữa cặp vợ chồng trẻ làm chúng tôi ngưng ngay cảm giác tội nghiệp đối với những người độc thân. Bạn tôi trợn mắt, nhái lại một câu nói trong hài kịch Seinfeld trên truyền hình: "Đúng vậy, tôi sẽ lập gia đình rất sớm".

Mặc dù dự định sẽ hỏi ý kiến đức Đạt Lai Lạt Ma về những điều tốt đẹp do yêu đương và hôn nhân tạo nên, khi bước vào phòng khách riêng của Ngài và chưa kịp ngồi xuống, tôi lại hỏi: "Vì sao mà Ngài cho rằng những xung đột lại thường xảy ra trong cuộc sống hôn nhân?". Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: "Dĩ nhiên, xung đột là một vấn đề rất phức tạp vì bị ảnh hưởng bởi nhiều dữ kiện. Vì thế, khi muốn tìm hiểu những rắc rối trong các mối tương quan, bước đầu tiên là phải soi rọi kỹ lưỡng những căn bản của các mối tương quan này."

"Vì vậy, trước tiên người ta nên biết rằng có nhiều loại liên hệ và cần hiểu rõ sự khác nhau của chúng. Hãy để riêng vấn đề hôn nhân sang một bên, chỉ riêng tình bạn thôi cũng có nhiều loại khác nhau. Tình bạn có khi dựa trên điều kiện sức khỏe, quyền hạn, chức vị.... Loại tình bạn này chỉ tồn tại khi anh còn mạnh khỏe, còn địa vị và quyền lực. Khi những yếu tố này mất đi thì những "người bạn" cũng dần dần xa lánh anh. Mặc khác, có những tình bạn không dựa trên các yếu tố sức khỏe, chức vụ, quyền lực; mà xây dựng trên tình cảm chân thật của con người, thứ tình cảm gần gũi, chia xẻ, kết nối ... Đấy là loại tình bạn chân thật, vì nó không bị ảnh hưởng bởi các ràng buộc vật chất bên ngoài không kể các ràng buộc này tăng thêm hay giảm bớt. Loại tình bạn này sống nhờ cảm giác yêu thương, cho nên nếu anh không yêu thương, loại tình bạn này sẽ không tồn tại được. Trước đây, chúng ta cũng đã có dịp đề cập đến chuyện này rồi, nhưng nên nhớ là khi mối liên hệ có những rạn nứt, chúng ta hãy lùi lại một chút, và tìm hiểu cái căn bản mà trên đó, mối liên hệ đã được xây dựng.

"Trở lại chuyện hôn nhân khi có những xáo trộn, hiểu được do đâu mà hai người lấy nhau là điều rất hữu ích... Anh có thể dễ dàng nhận thấy là trong rất nhiều trường hợp, người ta lấy nhau vì những quyến rũ thể chất. Hai cô cậu mới quen nhau, có dịp gặp nhau vài lần, yêu nhau đắm đuối và cảm thấy vô vàn hạnh phúc. Nhưng quyết định lấy nhau trong trường hợp này thường không vững bền. Người ta thường có những hành động điên rồ khi tức giận hay thù hận quá đáng và người ta cũng điên rồ không kém đối với sức mạnh của đam mê, khát vọng... Nhiều khi, anh nghe một người nào đó thố lộ: "Ồ, bạn gái/ bạn trai của tôi không hẳn là một người tốt nhưng tôi vẫn mê cô ấy/anh ấy lắm". Mối liên hệ dựa trên sự quyến rũ thể xác thường ít vững bền, không xác tín vì yếu tố quyến rũ chỉ có tính cách tạm thời. Không bao lâu, cảm tình này sẽ phai nhạt. Cho nên người ta không lấy làm lạ khi thấy loại liên hệ này thường đưa tới rối rắm, và hôn nhân dựa trên loại cảm xúc này cũng không đi đến đâu... Anh thấy thế nào?"

Tôi đáp: "Vâng, tôi phải đồng ý với Ngài về chuyện này.

Hình như trong tất cả các mối liên hệ, kể cả những liên hệ sôi nổi nhất, cảm giác đam mê ban đầu sẽ dần dần lắng xuống. Những cuộc khảo sát cho thấy những người đặt đam mê và lãng mạn lên hàng đầu thường kết thúc bằng tan vỡ ảo mộng, và rồi ly hôn. Ellen Berscheid là một tâm lý gia xã hội tại đại học Minnesota thì phải, đã nghiên cứu về vấn đề này và kết luận rằng, nếu không nhận thức được đam mê chỉ là một phần của tình yêu thì người ta có thể làm cho tình yêu bị hủy diệt. Bà và các cộng sự viên đã cho rằng sự gia tăng các vụ ly dị trong vòng vài chục năm qua một phần vì người ta ngày càng coi trọng vai trò của cảm xúc - cảm xúc về sự lãng mạn trong tình yêu chẳng hạn. Và cái khó cho chúng ta là không duy trì nổi các cảm xúc này theo với thời gian".

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Đúng như vậy. Cho nên khi đối diện với những rắc rối của các mối tương quan, điều quan hệ cơ bản là phải tìm hiểu cái căn nguyên của các mối tương quan này.

"Bên cạnh loại liên hệ dựa trên sự quyến rũ thể chất, chúng ta còn có một loại liên hệ dựa trên các yếu tố khác. Anh cũng có thể nghe một người nào đó thố lộ rằng bạn trai/bạn gái của họ không đẹp lắm, nhưng lại là một người rất tốt, rất khả ái.... Mối quan hệ dựa trên loại tình cảm này thường bền chặt và lâu dài hơn vì sự trao đổi rất chân thật, đầy nhân tính giữa hai cá nhân với nhau.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc như để suy nghiệm rồi nói tiếp:

"Tôi muốn nói thêm cho rõ là dĩ nhiên, người ta có thể có một mối liên hệ tốt đẹp trong đó bao gồm cả yếu tố quyến rũ của thể xác. Như vậy có hai loại liên hệ cùng dựa trên yếu tố quyến rũ: Loại thứ nhất thuần túy dựa trên các ham muốn tình dục và trong trường hợp này, sự kết nối giữa hai người chỉ là để thỏa mãn những đòi hỏi thể xác. Người ta đối xử với nhau như là những đối tác chứ không có sự tương kính giữa người với người. Tệ hơn nữa, mối tương quan chỉ là phương tiện trao đổi. Giống như căn nhà làm trên băng tuyết, khi băng tan thì căn nhà sẽ sụp đổ.

"Loại thứ hai cũng có yếu tố quyến rũ, nhưng yếu tố này không giữ vai trò áp đảo. Trong loại liên hệ này, người này coi trọng phẩm cách của người kia. Những phẩm cách làm người ta kính mến và trọng nể lẫn nhau như sự tử tế, thân thiện, hòa nhã. Mối liên hệ thiết lập trên các yếu tố này thường rất vững bền và xác tín. Để thiết lập một mối liên hệ như vậy, điều kiện căn bản là phải có nhiều thời gian để tìm hiểu lẫn nhau, biết rõ những cá tính của nhau. Cho nên khi người ta hỏi ý kiến tôi về việc cưới hỏi, tôi thường hỏi lại là họ đã quen nhau bao lâu rồi. Nếu mới quen nhau năm bảy tháng, tôi thường bảo là 'ít quá, chưa đủ'. Nếu họ nói đã quen nhau vài ba năm thì khá hơn nhiều vì đến bây giờ, họ không chỉ biết nhau ở ngoại hình mà đã hiểu nhau khá sâu đậm về bản chất bên trong của nhau. Đó cũng là lý do mà Mark Twain đã nhận định rằng 'Không ai có thể nói đã hiểu thế nào là tình yêu tuyệt vời nếu họ chưa cưới nhau qua 1/4 thế kỷ'.

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu nói tiếp: "Vì thế, tôi cho rằng đa số những rối rắm xảy ra trong hôn nhân là vì người ta không đủ thời gian tìm hiểu nhau, và rằng nếu muốn tạo dựng một mối liên hệ thật thỏa đáng, cách tốt nhất là tìm hiểu những đặc tính riêng của đối tượng, rồi quan hệ với họ dựa trên những đặc tính này, thay vì chỉ nhìn qua những tình cảm giả tạo. Loại liên hệ này cần đến lòng từ ái mới tồn tại được.

"Tôi cũng nghe nhiều người nói rằng hôn nhân của họ có nhiều ý nghĩa sâu xa hơn chứ không chỉ là những liên hệ vật chất. Rằng hôn nhân là để hai người cùng chung sống với nhau, chia xẻ những thăng trầm cùng những riêng tư thầm kín. Nếu đây là những ý tưởng chân tình thì quả thật họ đã có được một nền tảng thích đáng để tạo dựng một mối liên hệ tốt đẹp. Một mối liên hệ được kể là tốt đẹp nếu hai nhân vật cùng chia xẻ với nhau và cam kết cho nhau. Thông thường thì quan hệ thể xác giữa vợ chồng tạo ra sự thỏa mãn về thể chất, cũng như giúp trí óc đỡ căng thẳng; nhưng đừng quên rằng theo quan điểm sinh học, truyền giống là mục đích chính của quan hệ thể xác. Và để đạt được yêu cầu đó, người ta cần phải quan tâm đến con cháu: Nuôi chúng khôn lớn, giúp chúng phát triển. Do vậy, chia xẻ và cam kết là những nhân tố quan trọng của tương quan tình cảm, vì không có chúng, mối liên hệ chỉ cung ứng những thỏa mãn tạm bợ, chỉ để mua vui".

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười, như cười cho thế sự sao mà quá nhiêu khê, rối rắm.

LIÊN HỆ DỰA TRÊN TÌNH CẢM LÃNG MẠN

Kể ra thì cũng khá kỳ cục khi bàn chuyện tình dục và hôn nhân với một nhân vật đã trên 60 tuổi và suốt đời độc thân. Tuy đức Đạt Lai Lạt Ma không có vẻ phản đối khi phải thảo luận về những đề tài này, nhưng quan điểm của Ngài có vẻ độc lập và riêng biệt. Tối hôm ấy, khi nhớ lại buổi đàm thoại, tôi nhận ra một số chi tiết quan trọng trong liên hệ tình cảm mà chúng tôi chưa đề cập đến, và tôi đã hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma trong buổi gặp mặt ngày hôm sau:

"Hôm qua, chúng ta đã bàn luận về những nền tảng cần thiết của liên hệ tình cảm và hôn nhân. Nhưng theo nếp sống Tây phương thì không chỉ có liên hệ thể xác mà là toàn thể cái ý niệm lãng mạn - phải lòng một người nào đó, say đắm trong trường tình... - tức là những ý niệm rất được hâm mộ. Trong điện ảnh, văn chương và ngay trong quảng đại quần chúng, tình cảm lãng mạn lúc nào cũng được tán tụng, đề cao. Xin Ngài cho biết ý kiến."

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp không một chút do dự: "Hãy khoan nói đến kỳ vọng vô cùng của tình cảm lãng mạn có thể ảnh hưởng đến sự trưởng thành của đời sống tâm linh, chỉ riêng trong cuộc sống thông tục, ý niệm về tình cảm lãng mạn cũng đã có vẻ thái quá. Nó không giống với những liên hệ dựa trên lòng yêu thương và quan tâm chân thực cho nên không thể coi là tích cực. Ngược lại, tình cảm này có tính cách hoang tưởng, không thể đạt được, và do vậy, nó là nguồn gốc của thất vọng, không thỏa mãn."

Giọng nói của đức Đạt Lai Lạt Ma có vẻ muốn chấm dứt câu chuyện tuy tôi có cảm giác rằng Ngài đã không đánh giá đúng đắn sự quan hệ của ý niệm lãng mạn trong nếp sống Tây phương. Và nếu cố tình đòi hỏi Ngài phải nói thêm về chuyện này cũng chẳng khác gì nhờ Ngài coi dùm hộp số xe bị trục trặc (nghĩa là chẳng đi đến đâu!). Hơi thất vọng, tôi nhìn vào sổ tay một lúc rồi chuyển hướng câu chuyện về những chủ đề khác.

Làm sao mà tình cảm lãng mạn lại hấp dẫn đến thế? Khi tìm hiểu vấn đề này, người ta thấy rằng lãng mạn, mê đắm, dục tình đã hòa lẫn với nhau thành một hợp chất dựa trên bối cảnh văn hóa, sinh học và tâm lý. Ở Tây phương, chủ nghĩa lãng mạn đã phát triển mạnh mẽ trong suốt hai trăm năm qua và đã điều hướng sự cảm nhận của con người đối với thế giới. Sự lớn mạnh của chủ nghĩa lãng mạn thể hiện sự chống đối lại Thời Đại Khai Sáng,[2]trong đó, sự suy luận được đề cao. Theo chủ nghĩa này, những ý niệm như trực giác, cảm xúc, đam mê ... được tôn vinh. Thế giới của cảm tính cũng như kinh nghiệm chủ quan của từng cá nhân được nhấn mạnh. Người ta như hướng đến một thế giới hoang tưởng, một cõi không thực với một quá khứ lý tưởng và một tương lai toàn thiện. Tại Tây phương, không chỉ trong văn chương nghệ thuật, mà cả chính trị và hầu hết mọi phương diện của đời sống đều bị ảnh hưởng sâu đậm bởi khuynh hướng này. 

Điều thú vị nhất của chủ nghĩa lãng mạn là YÊU ĐƯƠNG. Yêu đương thúc đẩy chúng ta một cách mãnh liệt trong đời sống chứ không chỉ là những ý tưởng suông về vẻ huy hoàng của lãng mạn trong đời sống. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sức mạnh này được lập trình sẵn trong nhiễm thể của chúng ta từ lúc sơ sinh. Cảm tính về yêu đương cộng với sự hấp dẫn của tình dục có thể là căn nguyên của hành động kết đôi. Xét theo quan điểm tiến hóa cấu trúc vật lý của chúng ta trước hết là để sống còn và tái tạo để trường tồn, do vậy, căn tính về yêu đương thúc đẩy chúng ta giao phối và sinh sản. Cấu trúc này khi bị kích thích sẽ khiến não bộ sản xuất một số hóa chất mà khi hòa lẫn với nhau, chúng làm cho ta cảm thấy hưng phấn, kích thích đến độ mọi chuyện khác chẳng còn gì là quan trọng.

Trong tình yêu, sức mạnh tâm lý cũng thú vị không kém gì sức mạnh sinh học (thể chất). Trong Plato's Symposium, Socrates đã đề cập đến huyền thoại Aristophanes liên quan đến cội nguồn của tình dục. Theo huyền thoại này, sinh vật đầu tiên trên trái đất có hình tròn với bốn tay bốn chân. Sinh vật này không có phái tính, có thể tự sinh sản và luôn luôn chống đối thần linh. Để trừng phạt, thần Zeus dùng sấm sét đánh sinh vật bể ra làm hai. Từ đấy, sinh vật này gồm hai phần và lúc nào cũng khao khát được nhập vào với nhau như trước. Eros (Vị thần tình ái theo truyền thuyết Hy Lạp) có thể được coi là biểu tượng về khát vọng muốn hội nhập với người mình yêu. Nó có tính cách toàn cầu và vô thức. Nó phá tan mọi rào cản, mọi biên giới. Các nhà tâm lý gọi đây là sự sụp đổ của biên cương ích kỷ. Nhiều tác giả cho rằng hiện tượng này có gốc rễ sâu xa trong vô thức nhằm tái tạo lại kinh nghiệm thời ấu thơ, lúc đứa bé còn hoàn toàn nằm trong sự bảo bọc của cha mẹ hay người bảo hộ.

Có những chứng cớ cụ thể về việc một đứa bé sơ sinh không nhận biết được sự khác biệt giữa cá nhân chúng và thế giới bên ngoài. Chúng không biết được chúng là một tự thể, hoặc ít nhất, chúng cho rằng cha mẹ cũng như mọi vật chung quanh là một phần của chính chúng. Chúng không biết TA chấm dứt ở đâu và NGƯỜI bắt đầu từ chỗ nào, nghĩa là đứa bé không biết rằng mình hiện hữu riêng biệt. Chúng cho rằng chúng là một phần trong toàn cảnh mà chúng nhìn thấy: nếu không có ngoại cảnh này, đứa bé sẽ không hiện hữu. Thí dụ như khi đứa bé cầm cái lục lạc, nó nghĩ rằng cái lục lạc là một phần của chính nó, và khi cái lục lạc bị lấy hay dấu đi thì sự hiện hữu của cái lục lạc cũng mất luôn.

Lúc mới sinh ra, bộ óc của chúng ta chưa được hoàn bị. Bộ óc trở nên hữu hiệu hơn theo với sự khôn lớn của đứa bé. Sự tương tác của đứa bé với thế giới bên ngoài ngày càng trở nên phức tạp và đứa bé dần dà ý thức được tự thể của nó: TÔI đối lại với NGƯỜI KHÁC (ta <--> người). Song song với diễn tiến này, ý thức về sự cô lập cũng thành hình và đứa bé dần dần hiểu được những giới hạn (thể chất cũng như tinh thần) của chúng. Tiến trình thành hình của tự thể kéo dài đến tuổi thành niên khi các thanh thiếu niên đụng chạm rất nhiều với thế giới chung quanh, và đến lúc trưởng thành, người ta dần dà nhận biết là chúng ta sẽ trở thành loại người nào đó trong xã hội tùy theo những xu hướng nội tại của từng người. Công tác này bị ảnh hưởng khá mạnh mẽ bởi mối tương tác giữa chúng ta và những nhân vật quan hệ thuở thiếu thời. Tự thể và cấu trúc tâm lý của từng cá nhân cứ thế mà phát triển ngày một phức tạp hơn.

Nhưng con người cũng có khi muốn trở về với thời thơ ấu cũ, thuở chưa biết chia xa, cô độc. Nhiều tâm lý gia đương thời cho rằng cái kinh nghiệm chỉ một lần trong đời này ở mãi với tiềm thức, và đến khi chúng ta trưởng thành, nó thẩm thấu vào vô thức giống như các ảo tưởng riêng tư. Họ cho rằng ước muốn được hội nhập với người mình yêu là âm vang của kinh nghiệm ấu thơ lúc đứa bé còn hòa nhập với người mẹ. Nó tái tạo cái cảm giác kỳ diệu, cái quyền năng tuyệt đối mà không có gì có thể thay thế được. Cho nên, chúng ta không lạ gì về năng lực mạnh mẽ của yêu đương lãng mạn.

Vậy thì tại sao đức Đạt Lai Lạt Ma lại cho rằng yêu đương lãng mạn là một cảm tính tiêu cực? Tôi cho rằng vấn đề là ở chỗ người ta đã xây dựng sự liên hệ giữa hai cá nhân trên căn bản yêu đương lãng mạn, đã coi yêu đương lãng mạn là nguồn gốc của hạnh phúc. Tôi nhớ lại một thân chủ trước đây. David là một chuyên viên kiến tạo vườn cảnh 34 tuổi được đưa đến phòng mạch của tôi với những triệu chứng rất điển hình của bịnh trầm cảm.

Anh ta nói với tôi rằng căn bịnh của anh phần nào do công việc hàng ngày gây ra, nhưng quan trọng hơn cả là hình như nó tự nhiên đến. Chúng tôi trao đổi ý kiến và tôi đề nghị David nên dùng một ít thuốc chống suy nhược. David vui vẻ nghe theo và chỉ trong mấy tuần, thuốc tỏ ra rất công hiệu: David đã có thể trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng khi xem xét quá khứ của bịnh nhân, tôi còn nhận ra rằng anh ta đã bị một loại suy nhược tinh thần hạng nhẹ trong nhiều năm qua (dysthymia). Vì vậy, sau khi David khỏi bịnh, chúng tôi bắt đầu tìm tòi những nguyên do tiềm ẩn đã khiến anh ta bị suy nhược triền miên.

Sau mấy buổi trị liệu, một hôm David bước vào phòng mạch với một trạng thái hân hoan.

Anh ta nói: "Tôi rất khoan khoái. Đã lâu lắm rồi tôi không có được cảm giác này ." Khi nghe David la lên như vậy, tôi cho rằng anh ta đang ở trong tình trạng thay đổi tình cảm bất thường. Nhưng sự thật không phải vậy.

"Tôi đang yêu" David nói: "Tôi gặp nàng ở một chỗ đấu giá. Tôi chưa bao giờ gặp ai đẹp hơn nàng .... Chúng tôi hẹn nhau gần như mỗi đêm. Tôi không biết, nhưng làm như chúng tôi hợp nhau không tưởng được. Tôi đã không hẹn hò từ hai ba năm qua, tôi tưởng là tôi sẽ không còn gặp ai nữa thì bỗng nhiên nàng xuất hiện..." Suốt buổi trị liệu hôm đó, David đã nói tất cả những điều tốt đẹp của cô bạn gái : "Tôi nghĩ rằng chúng tôi toàn hảo đối với nhau về mọi phương diện. Không phải chỉ có vấn đề thể xác, chúng tôi có cùng sở thích, cùng cách thế suy nghĩ. Tôi cũng nghĩ là không ai hoàn toàn, dĩ nhiên.... Như một buổi tối nọ, tại một câu lạc bộ, tôi hơi mất vui khi thấy cô ấy ra vẻ khiêu gợi đối với mấy anh chàng khác, nhưng cả hai chúng tôi đều đã uống khá nhiều và cô ấy chỉ ham vui mà thôi. Chúng tôi đã nói chuyện sau đó và mọi chuyện đã êm xuôi rồi."

David trở lại phòng mạch tuần sau và cho tôi biết là anh ta định chấm dứt trị liệu: "Mọi chuyện đều tốt đẹp quá sức, tôi không biết phải nói gì nữa trong các buổi trị liệu. Chứng trầm cảm đã hết, tôi ngủ ngon như trẻ nít, làm việc không biết mệt và mối quan hệ với cô ấy cứ mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Tôi biết rằng bác sĩ đã giúp tôi nhưng hiện thời, tôi thật không còn gì phải lo lắng nữa ".

Tôi nói với David rằng tôi rất mừng cho anh khi thấy anh khỏi bịnh nhưng cũng nhắc lại vài vấn đề trong gia đình (mà chúng tôi đã nhận diện) đã đưa đến chứng suy nhược dài hạn của David. Trong khi nói chuyện với David, những ý tưởng "kháng cự", "tự vệ" cứ lởn vởn trong trí tôi. Nhưng David không tin như vậy: "Có thể đó chỉ là những cảm giác về sự cô đơn, về sự vắng mặt của một người nào đó, một người đặc biệt có thể chia xẻ mọi chuyện với tôi, và bây giờ tôi đã tìm được nàng rồi" .

David cương quyết chấm dứt công tác trị liệu ngày hôm đó.

Chúng tôi dàn xếp để bác sĩ gia đình của anh ta có thể tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của David. Tôi tiễn David ra về và nói rằng cửa phòng mạch lúc nào cũng mở.

Chỉ mấy tháng sau, David trở lại.

"Tôi khổ sở quá sức" David nói với một giọng chán nản: "Lần cuối gặp bác sĩ, mọi chuyện thật tốt đẹp. Tôi tưởng đã gặp được người trong mộng. Tôi đã đề cập đến chuyện cưới hỏi. Nhưng làm như tôi càng tiến tới thì nàng lại thối lui và cuối cùng thì chúng tôi phải chia tay. Tôi đau khổ hết sức sau chuyện đó. Nhiều lần tôi gọi nàng rồi gát máy chỉ để nghe được giọng nàng nói hoặc lái xe đến chỗ nàng làm để chỉ thấy chiếc xe của nàng đậu ở đó. Nhưng sau một tháng thì tôi không thể tiếp tục được nữa vì kỳ cục quá sức. Cũng may là triệu chứng trầm cảm không tái phát. Tôi vẫn ăn ngủ điều độ, sinh hoạt bình thường, nhưng cuộc sống như thiếu vắng một cái gì. Tôi có cảm tưởng như trở lại bình trạng ban đầu, cảm tưởng của những năm trước ..." Chúng tôi tiếp tục công tác trị liệu.

Yêu đương lãng mạn tạo cho người ta nhiều ước vọng nếu coi nó là cội nguồn của hạnh phúc. Và có lẽ đức Đạt Lai Lạt Ma đã không quá đáng khi chối bỏ ý tưởng cho rằng lãng mạn là căn bản của liên hệ tình cảm. Ngài cũng có lý khi diễn tả lãng mạn chỉ là một thứ "ảo tưởng", "không thể đạt được", một thứ không đáng với cố gắng của chúng ta. Phân tích kỹ càng hơn, có lẽ đức Đạt Lai Lạt Ma đã cố diễn tả cái bản chất thực sự của lãng mạn hơn là đề cập đến những giá trị tiêu cực của loại tình cảm này dưới nhãn quan của một tu sĩ. Ngay cả hàng tá định nghĩa khách quan của lãng mạn trong các cuốn tự điển khác nhau cũng luôn luôn đề cập đến những ý tưởng như: tưởng tượng, hư cấu, thêu dệt, tô vẽ, không thực, tiểu thuyết hóa. Trong diễn trình tiến hóa, nền văn minh phương Tây có một sự thay đổi - Ý niệm về Eros, biểu tượng của yêu đương, đã có một sắc thái khác: Phẩm chất nhân tạo với mùi vị của lừa dối và gạt gẫm, cái phẩm chất mà Oscar Wilde đã diễn tả một cách khá ủ dột: "Khi yêu nhau, người ta bắt đầu bằng sự lừa dối chính mình rồi từ đó, lừa dối đối tượng. Đó là cái mà người ta gọi là yêu đương lãng mạn."

Trong các chương trước, chúng ta đã đề cập đến vai trò của sự gần gũi, riêng tư như là những nhân tố quan trọng của hạnh phúc. Không có gì đáng nghi ngờ cả. Nhưng muốn tạo lập một mối liên hệ tình cảm vững bền thì phải có một căn bản vững chắc. Đó chính là lý do mà đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhấn mạnh đến việc tìm hiểu những nguyên nhân chính yếu của mối quan hệ khi chúng ta bắt đầu cảm thấy cơm không lành, canh không ngọt nữa. Sự hấp dẫn thể xác, cảm giác bị tiếng sét ái tình giáng trúng có thể là điều kiện ban đầu kéo hai người lại với nhau. Nhưng cũng như những loại keo tốt, các nhân tố đầu tiên ấy cần phải được hòa hợp với những chất xúc tác khác mới có thể tạo thành một sự nối kết lâu bền.

Những chất xúc tác này đã được đức Đạt Lai Lạt Ma đề cập đến khi nói về những điểm cốt lõi phải có để tạo nên một mối quan hệ mạnh mẽ, vững bền: thương yêu, từ ái, tôn trọng lẫn nhau. Những yếu tố này không chỉ cần thiết trong tình yêu, mà đối với tình bạn, người quen biết, ngay cả người lạ ... nghĩa là đối với tất cả tha nhân, cũng quan trọng không kém.

Chương 7

GIÁ TRỊ VÀ LỢI ÍCH CỦA TỪ TÂM

ĐỊNH NGHĨA TỪ TÂM

Theo với những buổi đàm luận, tôi khám phá ra rằng sự phát triển mối từ tâm đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của đức Đạt Lai Lạt Ma chứ không chỉ đơn thuần là những cảm tình như nồng nhiệt, thương yêu hay cải thiện mối tương quan với người khác. Phát triển từ tâm rõ ràng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống tâm linh của một hành giả Phật giáo như đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi hỏi: "Theo nhà Phật, từ tâm đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc phát huy tâm thức, xin Ngài vui lòng định nghĩa rõ rệt thế nào là từ tâm?" Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:

"Tâm từ, nói một cách giản dị là tâm thức bất bạo động, không làm tổn hại, không hung dữ. Tâm từ bắt nguồn bởi ước vọng không muốn chúng sinh bị khổ ải và nó đi đôi với ý nguyện cam kết, trách nhiệm và tôn trọng đối với tha nhân.

"Định nghĩa của tâm từ theo ngôn ngữ Tây Tạng (Tse-wa) còn bao gồm ý niệm muốn cho chính mình thoát khỏi cảnh khổ. Phát triển tâm từ có thể trước hết là làm sao cho mình thoát khổ rồi từ đó vun bồi, phát huy, và trải rộng ra cho tất cả chúng sinh.

"Khi nói về từ tâm, tôi cho rằng người ta thường nhầm lẫn với ý niệm ràng buộc. Cho nên trước hết, chúng ta phải phân biệt rõ rệt hai ý niệm này. Một dạng của từ tâm có đượm màu ràng buộc: Ý muốn kiểm soát một ai đó, hoặc thương một ngườì nào đó để họ thương lại mình. Loại từ tâm hay tình thương khá thông dụng này có tính cách không toàn vẹn và khá thiên vị. Liên hệ đặt trên căn bản này không được vững bền và thường kèm theo những ràng buộc tình cảm hay cảm tưởng thân cận. Nhưng khi có những thay đổi, một sự bất đồng ý kiến hay bị phật lòng vì đối tượng chẳng hạn, thì bỗng nhiên mọi sự thay đổi và địa vị của đối tượng cũng thay đổi luôn. Rồi do sự tan biến của những ràng buộc tình cảm này, chúng ta có thể thù ghét thay vì thương yêu đối tượng. Cho nên tình thương đặt trên căn bản ràng buộc không cách xa sự thù ghét là mấy. 

Loại tình thương thứ hai không bị ảnh hưởng bởi các ràng buộc tình cảm này, đó là từ tâm thật sự. Loại từ tâm này không tùy thuộc vào việc một cá nhân nào đó có thân thiết với mình hay không, nhưng dựa trên căn bản hợp lý rằng tất cả chúng sinh từ bẩm tính đều muốn được hạnh phúc và khắc phục được khổ não như chính chúng ta vậy. Và cũng như chính tôi, tất cả mọi người đều có quyền được thỏa mãn cái ước vọng căn bản đó. Khi xác nhận tính cách bình đẳng và phổ dụng này, chúng ta sẽ có được cái cảm giác tương đồng và gần gũi với tha nhân. Từ căn bản đó, tâm từ của chúng ta sẽ trải ra không phân biệt bạn hay thù vì rằng ai cũng có quyền được hưởng chứ không phải được phóng chiếu từ cảm quan của riêng anh, và đó là từ tâm chân chính.

"Sau khi đã phân biệt được hai loại từ tâm như trên, chúng ta cần bồi đắp loại từ tâm chân chính vì nó rất quan trọng đối với đời sống hàng ngày của chúng ta. Trong hôn nhân chẳng hạn, những ràng buộc tình cảm rất thông dụng nhưng nếu được hỗ trợ bởi loại từ tâm chân chính thì cuộc hôn nhân sẽ rất bền vững. Ngược laị, nếu chỉ có những ràng buộc tình cảm, cuộc hôn nhân sẽ không ổn định và dễ tan rã."

Đòi hỏi con người phải phân biệt hai loại từ tâm rồi phải vun bồi loại từ tâm không có tính cách phân biệt, tách khỏi tình cảm cá nhân.... xem ra có vẻ quá tầm đối với mọi người, cho nên tôi hỏi lại: "Nhưng tình thương hay từ tâm là một cảm tính lệ thuộc vào chủ thể, cho nên nó vẫn giống nhau dù là có hay không có những ràng buộc tình cảm. Nghĩa là trong cả hai trường hợp, người ta đều có những xúc động, những cảm giác giống nhau, vậy thì cần gì phải phân biệt ra như vậy?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời với một giọng điệu quả quyết: "Trước hết, tôi cho rằng có một sự khác biệt trong cảm tính đối với hai loại từ tâm này. Cảm giác của chúng ta đối với loại từ tâm chân chính mạnh mẽ hơn, bao la hơn và có một phẩm chất sâu đậm hơn. Hơn nữa, loại từ tâm này vững bền và xác tín hơn. Giả thử khi anh thấy con cá mắc câu đang vùng vẫy trong đau đớn tột độ, anh cũng có cảm giác rằng chính anh sẽ không chịu đựng nổi sự khốn khổ đó. Cái cảm giác không phát xuất vì con vật ấy là bạn thân của anh, mà vì sự kiện là con vật ấy cũng có tri giác, cũng biết đau đớn và cũng có quyền không bị hành hạ như vậy. Cho nên, từ tâm chân chính bao quát hơn và bền vững hơn trong trường kỳ.

Tôi đi sâu hơn vào chủ đề từ tâm: "Trong thí dụ của Ngài nói về con cá đang bị đau đớn cao độ vì bị mắc câu, Ngài đã đề cập đến một điểm hệ trọng, đó là cảm giác không chịu đựng nổi của sự thống khổ".

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói: "Đúng thế, trong một ý nghĩa nào đó, người ta có thể định nghĩa từ tâm là cảm giác không chịu đựng nổi khi chứng kiến sự khổ não của người đời, của tất cả chúng sinh. Để có được cảm giác như vậy, người ta phải thông cảm hoàn toàn tính chất nghiêm trọng và cường độ của nỗi thống khổ đó. Cho nên, càng thông hiểu và chứng kiến càng nhiều cảnh ngộ khốn cùng của chúng sinh, từ tâm của người ta càng phát triển sâu rộng.

Tôi hỏi: "Tôi đồng ý rằng từ tâm của chúng ta càng tăng trưởng khi chứng kiến càng nhiều nỗi đau thương của nhân thế. Theo định nghĩa, từ tâm bao hàm sự mở lòng ra, chia xẻ nỗi khổ đau với người khác. Nhưng có một vấn nạn căn bản là tại sao chúng ta muốn gánh vác nỗi khổ đau của người khác trong khi đang tìm cách xa lánh các khổ nạn của chính mình? Ý tôi muốn nói là tất cả chúng ta ai cũng muốn xa lìa khổ não đến độ phải sử dụng thuốc men hay các phương tiện khác thì tại sao lại đi cưu mang nỗi thống khổ của tha nhân?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời không một chút do dự: "Có một sự khác biệt lớn lao giữa nỗi khổ của chính mình và nỗi khổ mà mình dự tính cưu mang, chia xẻ với người khác do từ tâm - một sự khác biệt về phẩm cách". Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc như để dò xét cảm tưởng của tôi, rồi Ngài nói tiếp: "Khi suy nghĩ về các khổ nạn của chính mình, người ta thường có cảm tưởng bị bủa vây, bị đè nén, cảm tưởng của tình trạng vô năng. Người ta cùn nhụt, mờ ám như thể các chức năng đều bị tê liệt.

"Khi khai triển từ tâm, đầu tiên, anh có thể cũng có cảm giác khổ sở, không chịu đựng nổi ... khi gánh vác khổ nạn của người khác. Nhưng sự khác biệt ở đây là anh tự nguyện và cố ý chấp nhận cảnh khổ với một mục đích cao cả hơn. Nó bao gồm những ý tưởng liên đới, cam kết, vươn ra để giúp đỡ tha nhân - những ý hướng tươi mới, sảng khoái chứ không phải mờ ám, cùn nhụt. Giống như trường hợp của các vận động viên điền kinh chịu đựng những nỗi cực khổ lúc luyện tập. Trong những năm dài rèn luyện đầy gian lao, các vận động viên đã chịu đựng với một cảm giác vui vẻ, thích thú do quyết tâm dũng mãnh của mình. Cũng người đó, nếu phải trải qua những gian khổ tương tự mà không phải để huấn luyện thì có thể họ đã nghĩ 'Ồ, việc gì mà ta phải chịu đựng ghê gớm như vậy?'. Do vậy, ý chí làm cho tình trạng thay đổi hoàn toàn".

Với một giọng điệu thuyết phục, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa tôi từ cảm giác nặng trĩu áp bức của khổ nạn đến ý tưởng rằng chúng ta có thể có khả năng phân giải và vượt qua các khổ nạn. Tôi hỏi: "Ngài vừa trình bày rằng để khai triển từ tâm, người ta phải bắt đầu bằng việc thông hiểu tường tận các khổ nạn. Vậy, theo Phật giáo, còn có cách nào để phát huy tâm từ?" Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Có, thí dụ như theo Phật giáo đại thừa, người ta nói đến hai phương pháp thường được sử dụng để tăng trưởng từ tâm, đó là 'Nhân quả 7 điểm' và 'Sự hoán vị và bình đẳng giữa Tha và Ngã'. Về kỹ thuật hoán vị và bình đẳng, anh có thể tìm đọc chương 8 trong sách Hướng Dẫn Cách Thực Hành Bồ Tát Đạo - Guide To The Bodhisattva 's way of Life của Shantideva." Đức Đạt Lai Lạt Ma liếc nhìn đồng hồ và nói: "Chúng ta sẽ thực tập vài phương pháp thiền quán về từ tâm trong các buổi nói chuyện công cộng sắp tới". Với nụ cười thân ái, đức Đạt Lai Lạt Ma đứng dậy và buổi đàm luận chấm dứt ở đây.

CHÂN GIÁ TRỊ CỦA ĐỜI NGƯỜI

Trong buổi đàm luận kế tiếp, chúng tôi vẫn trao đổi về từ tâm. Tôi nói: "Chúng ta đã nói về vai trò quan trọng của từ tâm, chúng ta cũng đã đề cập đến thương yêu, nồng nhiệt, bằng hữu ... tức là những yếu tố cần thiết của hạnh phúc. Nhưng tôi không dám chắc rằng ... Giả sử có một thương gia giàu có đến nói với Ngài thế này: "Thưa Ngài, Ngài vẫn bảo rằng nồng nhiệt và từ ái là rất cần thiết để người ta có được hạnh phúc. Nhưng tôi tự bản chất không phải là một người như vậy. Nói thẳng ra, tôi không nhiều từ tâm, tôi ích kỷ là khác. Tôi là loại người theo lý trí, thực tiễn và khôn ngoan. Mặc dù không nồng nhiệt, không từ ái, tôi vẫn rất hài lòng với cuộc sống của tôi. Doanh nghiệp của tôi rất phát đạt, nhiều bạn bè, tôi chu cấp đầy đủ cho vợ con và gia đình rất hạnh phúc. Xem ra, tôi không thiếu thứ gì. Khai triển từ tâm, vị tha, nồng nhiệt ... nghe có vẻ hay đấy, nhưng để làm gì? Hay chỉ là những cảm tình ủy mị?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời: "Trước hết, nếu có người nói như vậy, tôi vẫn không nghĩ ông ta tận đáy lòng được hoàn toàn hạnh phúc. Tôi cho rằng từ ái là cái căn để của kiếp nhân sinh, là chân giá trị mà nếu không có, con người đã thiếu mất một phần đời quan trọng. Sự nhạy cảm sâu xa đối với tình cảm của người khác là mấu chốt của thương yêu và từ ái. Không có nó, ông ta sẽ có trục trặc trong mối liên hệ với vợ con. Nếu một người thật sự thờ ơ, hờ hững với nổi thống khổ và tình cảm của kẻ khác thì dù người ấy có là triệu phú, học giỏi, bạn bè toàn là những người có máu mặt như thương gia, chính khách, lãnh tụ ... những chuyện ấy chỉ là cái bề ngoài hời hợt. Nhưng nếu ông ta vẫn nhất quyết rằng dù không có từ tâm mà vẫn không thấy thiếu thốn gì thì có lẽ sẽ khó mà làm cho ông ta hiểu thế nào là tầm quan trọng của lòng từ ái."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng một lúc như để suy ngẫm. Những dịp ngưng lại như vậy thỉnh thoảng vẫn xảy ra trong các buổi đàm luận, nhưng chúng không tạo nên những khoảng trống khó chịu, mà ngược lại, như một dẫn lực, chúng làm cho lời nói của Ngài tác động hơn, nhiều ý nghĩa hơn khi tiếp tục. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp:

"Dù trong trường hợp tệ hại như vậy, tôi cũng muốn nói lên vài điều... Thứ nhất, ông ta nói theo kinh nghiệm cá nhân. Ông ta từng hiểu rằng nếu được người khác đối xử với lòng thương mến, từ tâm thì ông ta sẽ cảm thấy sung sướng. Từ kinh nghiệm đó, ông ta suy ra rằng người khác cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc nếu được ông ta đối xử một cách nồng nhiệt, mến yêu. Do vậy, ông ta sẽ tôn trọng sự nhạy bén trong tình cảm của người khác. Và từ đó, ông ta sẽ đối xử với người khác một cách thân mật, ưu ái hơn. Đồng thời ông ta cũng sẽ nhận ra rằng cho nhiều thì sẽ nhận nhiều - chuyện này ai cũng biết - và kết quả là ông ta sẽ tạo được một mối liên hệ bằng hữu, xác tín.

"Giả sử rằng ông ấy có nhiều của cải, thành công, được bạn bè vây quanh, tài chánh đảm bảo, vợ con hài lòng ... trong một giới hạn nào đó, ông ta thấy cuộc đời quá tốt đẹp, chẳng thiếu thứ gì dù ông ta không có từ tâm. Nhưng nếu cho rằng vì không thiếu thứ gì nên không cần phát triển từ tâm thì tôi cho đấy là một quan niệm hẹp hòi và thiếu hiểu biết. Làm sao để biết chắc rằng những người chung quanh đối xử hết lòng với ông ta chẳng qua vì sự giàu có của ông ấy? Nói khác đi, người ta trọng nể sự giàu sang và quyền lực của ông ta chứ người ta không trọng nể chính ông ấy. Và trong một ý nghĩa nào đó, dù ông ta không tỏ ra nồng nhiệt và từ ái, người ta cũng không đòi hỏi gì hơn. Nhưng khi quyền lực và giàu sang bị suy khuyết, người ta sẽ không cư xử với ông ta như xưa nữa, và đây là lúc ông ta bắt đầu nhận ra hậu quả, bắt đầu bị đau khổ.

"Ngược lại, nếu ta có từ tâm, thì dù hoàn cảnh vật chất có đổi thay, ta vẫn duy trì được lòng cảm mến của người chung quanh. Của cải thế gian rất mong manh, và trong kiếp sống, chúng ta bị mất rất nhiều thứ. Nhưng từ tâm, trái lại, lúc nào chúng ta cũng có thể mang theo bên mình."

Một người phụ việc mặc áo tràng tiến vào phòng, im lặng pha thêm trà. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp: "Dĩ nhiên là không dễ gì để giảng giải về tầm quan trọng của từ tâm với những người khó tính, cá nhân chủ nghĩa, những người chỉ nghĩ đến mình. Và chúng ta cũng có thể gặp hạng người không có khả năng cảm thông ngay với người thân của họ. Trong những trường hợp như vậy, chúng ta có thể nói với họ về từ tâm bằng chính những sở thích của họ: Họ vẫn thích được sức khỏe, sống lâu, tâm trí thanh thản, vui vẻ, hạnh phúc ... Và nếu đây là những điều họ thực sự mong muốn thì tôi đã nghe người ta nói đến những chứng cớ khoa học rằng từ tâm và yêu thương có thể giúp thăng tiến những nhu cầu này. Anh là một bác sĩ, một tâm lý gia, tôi chắc anh biết rõ những chứng cớ này?"

"Vâng" Tôi đáp: "Tôi biết rằng có những bằng chứng khoa học rõ rệt về sự gia tăng điều kiện vật chất lẫn tinh thần nếu tâm chúng ta có nhiều từ ái."

Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp tục: "Tôi nghĩ rằng giải thích cho người ta về những chứng cớ khoa học này sẽ khiến họ phát huy từ tâm. Hơn nữa, bên cạnh những chứng cớ khoa học, người ta cũng có thể hiểu và biết từ tâm qua kinh nghiệm sống hàng ngày. Anh cũng biết rằng thiếu từ tâm là nguyên nhân của sự tàn nhẫn. Có nhiều chứng cớ xác minh rằng những người độc ác, trong sâu thẳm của tâm hồn, bị dày vò bởi những nỗi bất mãn, những điều bất hạnh như Hitler hay Stalin chẳng hạn. Họ không ngừng bị các cảm giác lo sợ, bất an khuấy động cuộc sống, và ngay cả lúc ngủ, họ cũng không được yên thân. Những điều này có thể khó hiểu đối với nhiều người nhưng có một điều chắc chắn là loại người độc ác không có được cảm giác tự tại, xả bỏ như những người có nhiều lòng thương yêu, từ ái. Đó là những cảm giác khiến anh coi nhẹ, xem thường mọi sự và do đó, anh ngủ rất ngon. Luôn luôn bị vây bủa bởi ý tưởng bám víu, giữ chặt nên những người độc ác không hiểu thế nào là buông xả, rời bỏ, tự tại."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc, xoa đầu, rồi nói tiếp: "Nếu anh có dịp hỏi một người tàn độc nào đó: 'Giai đoạn nào trong đời ông cảm thấy sung sướng - thuở thiếu thời với sự bảo dưỡng của mẹ, sự yên ấm trong gia đình; hay ngày nay với quyền hạn, chức vụ, ảnh hưởng?' Tôi đoán rằng họ sẽ trả lời anh là họ muốn cái cảm giác dịu dàng của thời thơ ấu - Ngay cả Stalin thuở nhỏ cũng được mẹ yêu thương".

Tôi phụ họa: "Nói đến Stalin, tôi nghĩ Ngài đã đưa ra một thí dụ toàn hảo về những hậu quả của một đời sống thiếu từ tâm. Ai cũng biết Stalin có hai đặc tính nổi bật: sự tàn ác và lòng đa nghi. Ông ta tôn sùng sự tàn độc như là một đặc tính ưu việt đến nỗi đổi tên mình từ Djugashvili thành Stalin (con người sắt thép). Trong cuộc sống, tính đa nghi cứ tăng trưởng theo những hành động tàn độc của ông ta đến nỗi trở thành huyền thoại. Sự nghi ngờ những người chung quanh cộng với tâm trạng lo lắng đã là nguyên do của những cuộc thanh trừng vĩ đại nhằm tiêu diệt những nhóm khác chính kiến trong nước và hậu quả là nhiều triệu người bị hành quyết và tù đày. Tuy vậy, Stalin vẫn thấy chung quanh đầy dẫy kẻ thù. Không lâu trước khi chết, ông ta đã nói với Nikita Khrushchev như sau: "Tôi không tin bất cứ một người nào, ngay cả chính tôi". Sau cùng, ông ta thanh trừng cả những thuộc hạ thân tín nhất. Nhưng càng có nhiều quyền lực do những hành động sắt máu tạo nên, Stalin càng trở nên phiền muộn. Một người bạn của ông ta nói rằng dấu vết nhân tính duy nhất còn sót lại trong con người Stalin là sự sầu muộn. Svetlana, con gái của Stalin, mô tả rằng nỗi cô đơn và trống trải đã tàn phá tâm hồn của cha cô đến độ ông ta không còn tin được rằng con người lại có thể có tâm huyết và chân thật.

"Tuy nhiên, tôi biết rằng thật khó mà cảm thông được với những người như Stalin và tại sao họ lại làm những việc khủng khiếp như vậy. Nhưng có điều là ngay cả với những trường hợp quá độ như vậy, người ta cũng có thể quay về với quá khứ để tìm lại những dấu vết dịu dàng của thời thơ ấu, tình mẫu tử thiêng liêng chẳng hạn. Thế còn những người bất hạnh không có một thuở ấu thời yêu quý hay một bà mẹ đầy thương yêu thì làm sao? Những người bị sỉ nhục chẳng hạn? Chúng ta đang luận giải về từ tâm - Để phát triển lòng từ ái, Ngài có nghĩ rằng con người cần phải có cha mẹ hay người bảo hộ đầy tình thương yêu, ấm áp?"

"Đúng vậy, tôi nghĩ là cần". Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại, tay lần tràng hạt một cách vô thức: "Có nhiều người, ngay từ lúc đầu, đã bị đày ải và thiếu vắng tình thương cho nên về sau trong cuộc sống, họ làm như không có nhân tính, không có khả năng để thương yêu, trìu mến - Những người đã chai đá, man rợ....". Đức Đạt Lai Lạt Ma lại ngừng nói như để suy nghĩ kỹ càng về câu hỏi. Ngài nghiêng người về phía tách trà với vẻ suy tư trang trọng tuy không tỏ vẻ gì muốn tiếp tục câu chuyện ngay lập tức, và chúng tôi yên lặng uống trà. Sau cùng, Đức Đạt Lai Lạt Ma nhún vai như không tìm được lời giải đáp thỏa đáng.

Tôi tiếp tục buổi thảo luận: "Như vậy Ngài có nghĩ rằng những phương thức làm tăng trưởng lòng yêu thương và khai triển lòng từ ái có thể không có hiệu quả đối với những người có một quá khứ đau thương?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích: "Tùy vào hoàn cảnh cá biệt, mỗi người tiếp thu hiệu năng của những phương thức và kỹ thuật này bằng những mức độ khác nhau. Cũng có thể, trong vài trường hợp, chẳng mang lại lợi ích gì ..."

Muốn làm sáng tỏ vấn đề, tôi ngắt lời: "Và những kỹ thuật đặc biệt để phát huy tâm từ mà Ngài đề cập là ...?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp: "Tức là những điều chúng ta đã nói trước đây. Thứ nhất là hiểu được giá trị của từ tâm (điều này sẽ làm cho anh có nhiều tin tưởng và quyết tâm). Kế đó là sử dụng những phương pháp làm tăng trưởng lòng thương yêu như óc tưởng tượng, sáng tạo để đặt mình vào hoàn cảnh người khác. Trong các buổi nói chuyện với công chúng trong tuần này, chúng ta sẽ đề cập đến vài phương pháp thực tập mà anh có thể áp dụng như Tong-lenchẳng hạn (một phương cách thực tập để gia tăng tâm từ). Có điều nên nhớ rằng Tong-lenhay các phương pháp khác được đề ra để giúp ích nhân loại nhưng không phải lúc nào chúng cũng có hiệu năng 100% hoặc thích hợp với tất cả mọi người. Điều quan hệ là người ta thực lòng muốn phát triển từ tâm. Mức độ phát triển còn tùy thuộc vào nhiều sự kiện khác mà chúng ta không biết trước được. Nhưng nếu họ đã cố gắng hết sức mình với ước nguyện biến cõi đời này thành một nơi tốt đẹp hơn thì sau một ngày làm việc, họ có thể tự nghĩ: 'ít ra, tôi cũng đã hết lòng'.

NHỮNG LỢI ÍCH CỦA TỪ TÂM

Các cuộc khảo cứu trong những năm vừa qua đã chứng minh rằng phát triển tâm từ ái và lòng vị tha làm người ta khoẻ mạnh về thể lực cũng như tâm trí. Trong một cuộc thí nghiệm rất nổi tiếng do David McClelland (một tâm lý gia của đại học Harvard) chủ trương, người ta chiếu một cuốn phim cho các sinh viên xem về các hoạt động giúp đỡ những người bịnh hoạn và nghèo khổ tại Calcutta của Mẹ Teresa. Các sinh viên sau đó cho biết rằng cuốn phim đã khởi động mối từ tâm của họ. Sau đó, người ta giảo nghiệm nước miếng của các sinh viên này và thấy chất immunoglobulin-A (một kháng thể được dùng để chống lại tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp) tăng lên rõ rệt.

Một thí nghiệm khác do James House thực hiện tại đại học Michigan cho thấy những người thường làm công tác thiện nguyện giao tiếp với người khác bằng tình thương yêu, nồng nhiệt thường có tuổi thọ cao hơn và sống mạnh khoẻ hơn. Các nghiên cứu gia trong một lãnh vực rất mới mẻ của y học là phương pháp trị liệu phối hợp thể chất và tinh thần cũng tìm thấy những dấu hiệu tương tự. Họ xác nhận rằng một tâm hồn tích cực có thể làm cho thể xác cường tráng hơn.

Từ ái và thương yêu không chỉ giúp cho thể lực mà còn làm cho tâm trí người ta được thoải mái hơn. Các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người hay giúp đỡ tha nhân thường vui vẻ hơn, tâm hồn yên tĩnh hơn và ít bị cảm giác buồn chán. George Vaillant đã theo dõi một nhóm sinh viên tốt nghiệp của đại học Harvard suốt 30 năm dài đã kết luận rằng chấp nhận cuộc sống vị tha, xả kỷ là yếu tố căn bản để có một tâm hồn minh mẫn. Allan Luks đã theo dõi mấy ngàn người thường làm các công tác thiện nguyện cũng cho thấy có đến 90% những người này rất năng động trong công việc, năng lực cao và tinh thần rất phấn chấn. Đồng thời họ cũng tỏ ra rất trầm tĩnh và hài lòng sau khi hoàn tất công việc. Ngoài ra, trầm tĩnh cũng giúp giảm bớt các xáo trộn thể chất do căng thẳng gây ra.

Mặc dù những chứng tích khoa học đã hỗ trợ rõ rệt cho quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về những giá trị thực dụng của từ tâm, chúng ta cũng có thể tự chứng nghiệm lấy trong đời sống thường ngày đối với xã hội chứ không phải chỉ tin suông vào những chứng tích này. Joseph là một người thợ xây cất 60 tuổi mà tôi đã gặp cách đây vài năm là một bằng chứng khá hùng hồn. Trong khoảng 30 năm, Joseph đã trở thành tỷ phú nhờ vào hoạt động xây cất bùng nổ mạnh mẽ tại tiểu bang Arizona. Nhưng đến những năm cuối của thập niên 80, nghành xây cất lại xuống dốc thê thảm nhất trong lịch sử của tiểu bang này. Joseph bị ảnh hưởng nặng nề và tiêu tan sự nghiệp đến nỗi phải tuyên bố phá sản. Sự gãy đổ tài chánh kéo theo cuộc sống gia đình và Joseph phải ly dị vợ sau 25 năm chung sống. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy Joseph không chịu đựng nổi trong hoàn cảnh đó và anh ta uống rượu li bì. May mắn thay, Joseph sau đó cai được rượu và trở thành người đỡ đầu của chương trình giúp người ta bỏ rượu. Joseph bỗng khám phá ra rằng anh ta rất vui thích trong công việc này. Anh ta dùng những hiểu biết về kinh doanh của mình để giúp những người kém may mắn. Joseph nói về cuộc sống hiện tại của anh ta như sau: "Tôi đang làm chủ một công ty tái tạo mô hình nhỏ. Lợi tức thu hoạch rất khiêm nhường nhưng tôi lại thấy mình rất giàu có. Điều buồn cười là tôi không còn ham muốn tiền bạc như trước nữa. Tôi thích dùng thì giờ của mình để giúp đỡ những nhóm khác nhau, giúp đỡ mọi người, làm việc trực tiếp với họ. Một ngày làm việc bây giờ mang lại cho tôi niềm vui thích hơn cả tháng lúc còn là triệu phú. Chưa bao giờ trong đời tôi được hạnh phúc hơn lúc này".

TỪ BI QUÁN

Như đã hứa trong một buổi đàm luận trước đây, một hôm, đức Đạt Lai Lạt Ma đã kết thúc buổi nói chuyện trước công chúng ở Arizona bằng mấy phút thiền quán về từ tâm. Với một phong cách quyết liệt nhưng trang nhã, đức Đạt Lai Lạt Ma đã kết thúc tất cả những điều vừa trình bày trong buổi nói chuyện vào 5 phút thực tập thiền quán:

"Để phát huy từ tâm, quý vị bắt đầu bằng nhận thức rằng chúng ta không muốn đau khổ, rằng chúng ta có quyền được hạnh phúc. Điều này được kiểm chứng và chuẩn nhận bởi chính kinh nghiệm của chúng ta. Rồi quý vị nhận thức rằng những người khác, giống hệt như chúng ta vậy, cũng không muốn bị khổ não và họ cũng có quyền được hạnh phúc. Đây là điểm căn bản đầu tiên để phát triển tâm từ.

"Vậy chúng ta hãy quan sát từ tâm. Bắt đầu bằng cách tưởng tượng một người nào đó đang bị đau đớn cùng cực hay đang sống trong một hoàn cảnh thật bất hạnh. Trong ba phút đầu tiên của buổi thiền quán, hãy suy ngẫm đến nỗi khốn cùng của người này một cách chi tiết: Những đau đớn mà anh ta đang chịu đựng cũng như hoàn cảnh bi đát mà trong đó anh ta đang sống. Sau ba phút suy ngẫm như vậy, chúng ta hãy liên tưởng đến chính mình, nghĩ rằng người ấy cũng có cảm giác về đau đớn, vui sướng, hạnh phúc, khổ não như chính mình vậy. Tiếp đến, hãy để lòng thương cảm của mình tự nhiên dâng lên đối với người này; và sau nữa, cố đạt đến tình trạng mình thật lòng muốn cho người ấy thoát khỏi khổ nạn. Để đạt được ước muốn đó, chúng ta sẽ đích thân giúp đỡ nạn nhân thoát khỏi cảnh khổ. Sau cùng, tập trung vào ý chí muốn giúp đỡ nạn nhân và hãy để tâm mình hoàn toàn chìm đắm trong cảm giác thương yêu và từ ái ..."

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi theo tư thế kiết già, hoàn toàn bất động trong thời gian thiền quán. Im lặng hoàn toàn. Buổi ngồi thiền hôm đó, tuy vậy, cũng bị khuấy động bởi một ít người không quen với sinh hoạt thiền quán. Họ không ngồi yên được dù cả ngàn người chung quanh đang cố tập trung vào trạng thái từ ái trong tâm hồn.

Sau mấy phút, đức Đạt Lai Lạt Ma chấm dứt buổi thiền quán với mấy câu kinh Tạng ngữ bằng một giọng trầm hùng và đầy âm hưởng khiến cho tất cả mọi người hôm đó cảm thấy thật an bình, êm dịu. 


[1]Hỏi những điều rất khó trả lời, làm khó người khác (dịch giả)

[2]Age of Enlightenment được thành hình tại Âu châu vào thế kỷ thứ 18, theo đó, người ta tin tưởng rằng sự tiến bộ của nhân loại là do lý trí và khoa học chứ không phải tôn giáo. (chú thích của người dịch)

---o0o---

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567