Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 6

27/08/201114:10(Xem: 5211)
Phần 6

Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện của Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Lược Giảng

Đời Đường, Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu dịch

Tuyên Hóa Thượng Nhân giảng

Như vậy là tối hôm nay đã lược giảng xong bộ Kinh Công Đức Các Bổn Nguyện của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Quý vị có ý kiến gì không? Nếu có, chúng ta cứ mang ra đây để tất cả cùng nghiên cứu, cùng trao đổi ý kiến với nhau để mở rộng thêm trí huệ. Không phải quý vị chỉ biết ngồi nghe một mình tôi nói. Từ lúc bắt đầu nghe giảng cho đến bây giờ, ai thấy có điều gì gọi là nghi vấn, hoặc có ý kiến gì đặc biệt, thì xin nêu ra, để chúng ta cùng thảo luận.

Hai vị Phật, một vị ở phương đông là đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, một vị ở phương tây là đức A-di-đà Như Lai. Ở phương đông là Phật A-súc, cũng là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai; ở phương tây là đức Phật A-di-đà, giáo chủ của pháp môn Tịnh độ.

Hai vị Phật, một vị thuộc Kim Cang bộ, một vị thuộc Liên Hoa bộ; đặc điểm trong bộ Kim Cang là pháp “hàng phục”, còn trong bộ Liên Hoa là pháp “nhiếp thọ”.

Pháp hàng phục trong bộ Kim Cang, còn gọi là pháp “chiết phục” thì lấy lòng hỷ xảđể đưa chúng sanh đến chỗ quy thuận, trong khi đó, pháp nhiếp thọ của bộ Liên Hoa thì lấy lòng từ biđể thâu phục chúng sanh.

Tại sao Kim Cang bộ lại đặt trọng tâm vào hỷ và xả? Số là khi Phật hàng phục thiên ma và ngoại đạo, Ngài không có tâm sân hận. Ngài dùng tâm hỷ và xả, một phương cách đối trị để giáo hóa, khiến chúng bỏ đường tà để theo về chánh pháp. Mục đích của Phật là dẫn dắt chúng tới chỗ thoát vòng sanh tử.

Lấy từ bi để nhiếp thọ, lấy hỷ xả để hàng phục, trong công cuộc giáo hóa chúng sanh chứng tỏ rõ công năng của các pháp “tứ vô lượng tâm”.

Tinh thần của Kim Cang thường biểu lộ qua cặp mắt trợn lên một cách giận dữ. Thật ra cặp mắt tuy giận dữ mà lòng không giận dữ, chỉ thuần có hỷ và xả, hoan hỷ và bao dung. Còn như hình Bồ tát với cặp mắt nhìn xuống là hoàn toàn không có ý nghĩa giận dữ. Phật A-di-đà đối với chúng sanh không giận dữ, Ngài không dùng phương cách hàng phục mà dùng tâm từ bi để tiếp dẫn chúng sanh.

Trong nghi thức “Thiền môn nhật tụng”, có câu chú gọi là “Nhị Phật chú”, như sau:

Nhị Phật diễn hóa tại Ta-bà

Đông A-súc, Tây Di-đà

Thập tam điều đại giới phạm ba-la

Phạ Diêm-la

Cần sám hối

Tội tiêu ma.

(Tạm dịch: Hai vị Phật giáo hóa cõi Ta-bà. Phía đông là Phật A-súc, phía tây là Phật A-di-đà, Mười ba điều phạm giới Ba-la-di, nếu sợ vua Diêm-la thì phải sám hối. Tội sẽ tiêu tan)

Theo nguyên tắc, ai phạm giới Ba-la-di thì không sám hối được, tuy nhiên nếu có tâm sám hối chân thực thì tội cũng có thể tiêu tan. “Nhị Phật chú” thuộc về “câu triệu pháp môn”. Chữ “câu” là giữ lại, “triệu” là gọi đến. Giả dụ có người bị ma chướng hay bị quỷ ám, nếu đọc chú lên thì có thể gọi được quỷ tới. Chú này rất linh nghiệm, có điều rất ít người biết đến và cũng không biết cách niệm chú.

Trong Phật giáo còn có “Phổ Am chú” thuộc loại pháp hàng phục. Truyền thuyết kể lại rằng Tổ sư Phổ Am lúc xưa là một người giết heo. Sau người đi tu, không còn giết heo nữa, người bèn dùng mười hai con dao giết heo, luyện thành phi đao, tức là dao bay. Khi niệm chú Phổ Am lên thì những con dao giết heo kia sẽ bay lên không gian, khiến tà ma đều sợ hãi, bởi vậy chú Phổ Am thuộc loại pháp hàng phục.

“Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn”của kinh này cũng là một phần trong Nhị Phật chú. Chân ngôn có oai lực giải trừ hết thảy các chất độc, làm tiêu tan mọi thứ tội. Gặp ai trúng độc, quý vị niệm chú lên, chất độc sẽ được giải trừ. Có điều, quý vị phải thành tâm mới có hiệu nghiệm. Trong kinh Công Đức Các Bổn Nguyện Của Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, thì chú này rất quan trọng. Kinh thì dài, nhiều lúc gấp gáp không đủ thì giờ để đọc tụng toàn cả bộ kinh, nên người ta phải chọn phần nào ngắn gọn và chủ yếu. Người ta chọn chú “Dược Sư Quán Đảnh Chân Ngôn” là vì lý do đó. Bởi có duyên lành nên chúng ta mới gặp được Pháp môn này. Chúng ta phải thường thường trì tụng chú “Dược Sư”, giúp chúng ta tránh mọi thứ tai nạn, căn lành còn thêm tăng trưởng.

Chúng ta nên thay phiên nhau nói pháp, không lẽ cứ để cho một mình tôi nói pháp hoài. Tôi muốn được nghe quý vị lớn tuổi nói pháp. Tại nước Mỹ, điều này chưa từng xảy ra, nhưng nay chúng ta phải cố gắng dụng công để vươn lên, nghiên cứu sâu rộng Phật Pháp rồi thay thế tôi trên giảng tòa. Ai cũng có kinh nghiệm riêng của mình và đây là một dịp để trao đổi kinh nghiệm với nhau, bởi sự thể hội vào các cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn của Phật Pháp tùy thuộc căn duyên của từng người. Quý vị cần phải mạnh dạn lên, trước mặt đại chúng cứ việc công khai bộc bạch hết những điều mình tâm đắc. Điều đó quý lắm! Tựa như chúng ta nói những chuyện bình thường trong gia đình với nhau, không có điều gì câu thúc. Không bị câu thúc, không chướng ngại, có như vậy mới tiếp thâu được chỗ kỳ diệu trong Phật Pháp.

Thế giới này đầy khổ ải. Trong kinh A-di-đà có mấy chữ “ngũ trược ác thế”, đó là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược và mạng trược.

Kiếp trượclà sao? Đó là một thời đại không trong sạch, nhiều sự ô nhiễm. Thời gian thì như vậy, còn không gian cũng bị ô nhiễm nữa. Bây giờ không khí đương bị ô nhiễm. Chúng ta cũng là một loài chúng sanh mang khí huyết trong cơ thể, đều phải hít thở không khí đó, dù quý vị muốn hay không muốn. Không có biện pháp nào làm cho không khí trong sạch được. Khí độc đầy rẫy, mùi tử khí nặng nề. Không có một địa phương nào được sống trong cảnh an lạc, chỗ nào cũng thấy bạo lực, khủng bố, giết người, đốt nhà, cướp của, trộm cắp, có những độc tố như vậy thì con người tránh sao khỏi cảnh điên cuồng. Kẻ không bị điên thì cũng không thể sung sướng được. Sống trong thế giới đó thì có khác gì sống trong say mà chết trong mộng vậy! Có cách nào làm khác được đâu!

Nói về kiến trượcthì hãy xem như không khí đã ô nhiễm, thời gian ô nhiễm, những gì mắt chúng ta thấy, tai chúng ta nghe đều chẳng có thứ nào được trong sạch cả. Chúng ta chứng kiến nào là cảnh giết người, đốt nhà, cướp của, trộm cắp, hút và buôn bán ma túy, cờ bạc, điện ảnh, những loại như vậy làm cho cái thấy cũng thành ô nhiễm, khiến cho chúng ta không còn khả năng phân biệt cái nào là trong sạch và cái nào là không trong sạch. Thiếu khả năng nhận thức rõ rệt, con người sẽ bị cuốn theo chiều hướng chung của thế giới, chiều hướng của sự ô nhiễm.

Tình trạng đó sẽ mang lại kết quả gì? Mang đến phiền não và từ đó mà có phiền não trược. Điều này không được xứng ý, điều kia chẳng được toại lòng, không suôn sẻ kiểu này, không thuận lợi kiểu khác, ở đâu cũng thấy phiền não. Lấy một thí dụ: quý vị vốn ham cờ bạc, quý vị chỉ thấy toàn là những người đến sòng bài rồi mang về nhà rất nhiều tiền bạc. Quý vị không thấy những trường hợp thua bạc. Quý vị không chịu hiểu rằng số người được bạc chẳng thấm gì so với số người thua. Sòng bạc là như vậy, có điều mắt quý vị chỉ nhìn thấy mấy người được bạc mà thôi. Người ta gọi đây là trường hợp cảnh giới chuyển, nên quý vị bị cuốn hút vào sòng bạc. Càng đánh quý vị càng thua, quý vị càng thua càng phải đánh tiếp để gỡ vốn lại, nhưng đâu có gỡ được. Kết quả thành khuynh gia bại sản. Đó là phiền não!

Lấy một thí dụ khác: thấy người ta làm ăn phấn chấn, quý vị thấy ham, cũng muốn bắt chước làm theo. Mắt quý vị không thấy những người đã từng bị thất bại, nên khi tới lúc việc làm ăn của quý vị bị thua lỗ quý vị liền trách trời: “Người ta buôn bán đều thành công cả, cớ sao ông trời chẳng chịu giúp tôi?” Bởi có phiền não nên quý vị đổ oán cho tất cả, chẳng kể ai, oán cả trời, cả đất và trách cứ mọi người. Càng sinh phiền não thì chính cái thân quý vị càng gặp trắc trở. Quý vị bảo vận mạng của quý vị không tốt. Quý vị chửi rủa trời đất, nhưng chửi mãi không có kết quả gì thì quý vị bèn đổ oán vào các chúng sanh. Quý vị cho cái này sai, cái kia quấy, bốn bên xóm giềng phiền phức, quý vị chẳng hợp với ai. Cái đó gọi là chúng sanh trược. Bởi vì chúng sanh trược nên quý vị không có giao tình với ai, mọi sự liên hệ với người đều không được thanh tịnh khiến thân phận của quý vị không suôn sẻ. Đây là mạng trược.

Trên đây là lấy pháp thế gian để giảng về thế giới ngũ trược. Năm món này phải giảng thật tường tận, bởi trong mỗi món còn chứa đựng vô số các trược, kể ra không hết được. Đức Phật Thích-ca trông thấy các chúng sanh trong thế giới Ta-bà sống với bao nhiêu thứ khổ, điên đảo, phiền não, tranh chấp, Ngài thấy sống như vậy chẳng hứng thú gì. Ngài là một vị thái tử, vốn sanh trưởng từ nơi quyền quý, luôn sống trong cung vua, chẳng đi đâu ra ngoài dân dã. Một hôm, Ngài cùng kẻ tùy tòng ra ngoài thành đi du ngoạn. Khi ra cửa thành phía đông, Ngài thấy một chuyện kỳ lạ. Đó là cảnh một người phụ nữ sanh ra một hài nhi. Vừa ra khỏi lòng mẹ đứa bé đã mở miệng kêu: “Khổ! Khổ! Khổ! Khổ! Khổ!”

Ngài lấy làm lạ, bèn hỏi: “Chuyện gì đây? Sao lại thế này?”

Kẻ tùy tòng đáp: “Đây là người ta sanh con”

Ngài nhác thấy máu chảy trên thân người mẹ, còn đứa con thì khóc. Ngài bèn quay về vì chẳng còn thấy hứng thú đi chơi nữa. Vậy là cuộc du ngọan ở cửa thành phía đông chấm dứt. Ngài nghĩ bụng: “Ở phía đông có con nít khóc, vậy ngày mai ta đi ra cửa phía nam”.

Ngày thứ hai, khi ra khỏi cửa thành phía nam, Ngài thấy một người già, da nhăn, đầu bạc, chân bước đi run rẩy, như muốn té lăn xuống đất. Răng thì rụng hết, tai điếc, mắt mờ, trông rất khổ sở.

Ngài hỏi kẻ tùy tòng: “Sao hình dung người này kỳ lạ quá?”. Thật ra trong hoàng cung Ngài chưa tùng thấy người nào như vậy.

Người hầu giải thích rằng: “Đây là một người già, đã sống quá lâu trong đời rồi, nên bây giờ cái cơ thể của ông ấy không chịu làm việc nữa. Con mắt, cái tai, cái mũi đều đình công cả rồi. Cái lưỡi chưa đình công, nhưng ông ấy có ăn được gì đâu: răng chẳng còn nữa, nhấm nháp chẳng biết ngon. Tóm lại, mọi bộ phận trong người đều nghỉ việc, cho nên trông ông ấy thiểu não như vậy đó! Tay thì cầm không vững, chân thì cất không nổi bước, tóc bạc hết. Lưng còn còng nữa!

Đức Phật nói: “Quả là khổ vô cùng!” Nguyên đức Phật muốn đi coi đá banh, hoặc coi mọi người luyện võ, nhưng trông thấy cảnh đó, đức Phật quay về không đi chơi nữa.

Ngày thứ ba, Ngài đi thẳng ra phía cửa tây. Lần này đức Phật gặp một bệnh viện, ở trong đó có những người đau ốm, nằm kêu la như: “Đau quá! Đau quá!”. Người thì nói:” Đau chịu không nổi! Cho tôi chết còn sướng hơn”. Trông thấy cảnh tượng người bệnh rên rỉ, đau đớn, Ngài chẳng còn thấy hứng thú đi chơi nữa.

Ngày hôm sau Ngài chọn cửa thành phía bắc và lần này Ngài trông thấy một nhà quàn. Ở đấy người ta bán các quan tài.

Ngài hỏi: “Quan tài này dùng để làm gì?”

Người ta trả lời: “Cái đó dùng để chôn người chết”.

Trong nhà quàn lúc đó có nhiều người nằm dài, hơi thở không còn, mắt thì nhắm lại. Đó là những thây người đã chết. Đức Phật lại một lần nữa cảm thấy mất hứng, Ngài bảo: “Làm người chẳng hay ho gì, ai cũng bị cái khổ sanh, già, bệnh, chết. Phải làm sao đây?”.

Ngay lúc đó có một vị sa môn đi qua. Vị sa môn hiện rõ tướng Tỳ-kheo.

Đức Phật mới hỏi: “Người này là thế nào?”

Vị sa môn thì ăn bận theo kiểu người xuất gia.

Người hầu bèn đáp: “Sao không hỏi ngay người đó?”

Đức Phật hỏi:

- Ông là ai?

- Tôi là một tỳ-kheo.

- Tỳ-kheo thì làm những gì?

- Tỳ-kheo là người muốn chấm dứt sanh tử, muốn thoát khỏi cái khổ của sanh, già, bệnh, chết.

- Hay lắm! Thoát được cái khổ của sanh, già bệnh, chết, thì tôi cũng muốn thử lắm!

Từ lúc đó đức Phật Thích-ca lập chí, quyết trở thành một Tỳ-kheo.

Đó là các nhân duyên khiến cho đức Phật từ bỏ mọi phú quý trên đời, từ bỏ ngai vàng để xuất gia tu hành. Sáu năm trên núi Tuyết, đức Phật tu khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt mè và một hạt thóc. Mục đích của Ngài là tu thành Phật. Ngài ráng chịu đựng những gì mà thế gian không chịu đựng nổi, Ngài nhịn đói như vậy, nhẫn nại như vậy, hành động như vậy, những điều đó thế gian không ai làm được. Ngôi vua quý báu đâu có dễ bỏ qua, nhưng Ngài xả bỏ được; đói mà chỉ ăn một hạt mè, một hạt thóc, thì đói vẫn hoàn đói, vậy mà Ngài vẫn chịu đựng được. Đó là căn bản để Ngài thành Phật.

Chúng ta thử kiểm điểm xem. Trong chúng ta có người nào được làm một thái tử như đức Phật chưa? Chẳng ai có tư cách đó. Vậy mà Ngài đã bỏ ngôi vị đó để đi tu. Còn như chúng ta, thử hỏi có thứ gì quý báu để chúng ta chẳng thể xả bỏ được? Cái này chẳng thể bỏ được, cái kia chẳng thể bỏ được, cho đến lúc chết liệu có mang các thứ đó đi theo mình chăng? Đức Phật bỏ nước, bỏ lại thành trì - thành Xá-vệ - bỏ cả vợ con, tất cả những thứ ngoài thân mình, để vào núi tuyết tu.

Lúc đầu có năm người đi theo chăm sóc. Thân phận của Ngài là thái tử, nên vua cha sai hai người tin cẩn đi theo, hoàng hậu cũng sai ba người nữa, tất cả đều có phận sự trông nom và hộ trì đức Phật phòng có điều gì bất trắc, chớ không phải có ý ngăn trở đức Phật tu hành.

Trong núi tuyết, đức Phật ăn mỗi ngày một hạt mè và một hạt lúa mì. Trong số đi theo có hai người không chịu đựng nổi lối sống khổ hạnh này, nên họ bỏ đi. Ba người kia thì dốc một lòng theo Phật, cùng tu khổ với Phật. Vì cố nhịn đói nên hồi đó đức Phật gầy ốm, thân hình như que củi, da bọc xương, nhưng chưa bị chết vì đói. Lúc đó, có một thiên nữ trông thấy tình trạng này, nàng dâng lên Phật một bát cháo sữa bò. Đức Phật Thích-ca, một mặt muốn đáp ứng sự cúng dường của thiên nữ, mặt khác nhận thấy đói thêm nữa sẽ đi đến chỗ nguy kịch, Ngài bèn thọ dụng bát cháo cúng dường. Lúc bấy giờ ba người đi theo cùng tu với Phật, trông thấy đức Phật ăn cháo nên sửng sốt hỏi: “Như vậy thì thành Phật làm sao được. Muốn thành Phật là phải khổ hạnh. Bây giờ lại ăn cháo như vậy thì không được rồi!” Thôi! Chúng tôi đi đây!”

Vậy là cả năm người trở về vườn nai (Lộc uyển), bỏ lại đức Phật một mình, không nhòm ngó đến nữa.

Quý vị thử nghĩ lại coi. Đức Phật công đức sâu dày như vậy mà Ngài vẫn đưa mình vào những hoàn cảnh khó khăn, tự mình đương đầu với thử thách, chịu đựng những gì mà người khác không chịu đựng nổi, quả là Ngài đã phát nguyện Bồ-đề rộng lớn, ý chí kiên cường. Ở trên núi tuyết, hồi đó có thể đức Phật ngồi thiền, có lúc đi kinh hành, tản bộ, có lúc Ngài leo lên núi, đứng trên cao ngắm cảnh trời xa, đại khái là như vậy. Tới lúc năm người kia bỏ đi, thì chỉ còn một mình đức Phật ở lại trong cảnh bơ vơ lạc lõng. Nếu là người khác, chắc hẳn trong lòng không khỏi nghĩ rằng: “Ta hãy trở về hoàng cung, rồi lên ngôi vua thôi! Ở đây chịu khổ để làm gì?”

Đức Phật không về. Ngài đi tới gốc cây Bồ-đề và phát nguyện rằng: “Ta sẽ ngồi ở đây. Chừng nào ta chưa thành Phật, ta thề sẽ không bao giờ đứng dậy, và ta sẽ ngồi cho đến chết”. Phát nguyện xong, đức Phật ngồi thiền, thiền luôn trong bốn mươi chín ngày.

Chúng ta chỉ mới ngồi cỡ 5 chữ đồng hồ (35 phút) đã kêu đau chân: “Ối! Đau! Đau! Đau chết được!” Hôm qua có một vị cũng như vậy. Y phải quán đề tài: “Hãy coi như đã chết!” Vậy mà vị đó cũng không vượt được. Bây giờ lại ngồi thiền tới bốn mươi chín ngày, không đứng dậy, và lẽ tự nhiên là không ăn, không uống, ở chỗ đó mà chịu đói chịu khát, thiệt không thể tưởng tượng nổi! Nghĩ lại đức Phật dụng công với tinh thần đó, liệu chúng ta có thể phát tâm Bồ-đề như vậy được chăng?

Rồi tới một đêm, khi ngước nhìn lên trời, thấy ngôi sao sáng, hốt nhiên Ngài bừng ngộ! Ngài khám phá ra tận cùng của chân lý về vũ trụ, nhân sinh. Ngài hoàn toàn khai ngộ thành Phật. Lúc vừa thành đạo, Ngài thốt ra câu: “Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay! Kỳ lạ thay! Hết thảy các chúng sanh, ai cũng có sẵn trí huệ và đức tướng của Như Lai, tất cả đều có thể thành Phật”. Đức Phật có ý nói rằng tất cả các chúng sanh đều có Phật tánh, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đủ cả vạn đức trang nghiêm, không khác gì Phật. Tuy nhiên, “bởi vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng được vậy!”. Chúng ta học Phật Pháp, khỏi cần học nhiều, chỉ cần nhớ câu này là đủ: “Bởi vì vọng tưởng chấp trước, nên không chứng được”.

Vọng tưởng của chúng ta thì chao ôi! Lúc trên trời, lúc dưới đất, hốt nhiên ở nam, hốt nhiên ở bắc, khi thì nhớ bạn trai, khi nhớ bạn gái, nào cha, nào mẹ, con trai, con gái, đến quý vị chị em. Ôi! Cả một ngày tư tưởng bận rộn, cho đến tối trong giấc mơ cũng chỉ là vọng tưởng, thấy chị, thấy em, thấy cái này, thấy cái kia, đủ thứ chuyện, chẳng ra chuyện gì, vậy mà không sao xả bỏ cái chấp trước đó được. Nói đến giấc mơ thì câu chuyện trong mơ ở đâu mà sanh ra vậy? Nó sanh ra từ sự chấp trước. Có chấp trước mới có chất liệu tạo thành giấc mơ. Nếu quý vị không chấp trước, không có gì điên đảo, thì đâu có mộng tưởng. Quý vị muốn xa lìa mộng tưởng và điên đảo thì quý vị bắt buộc phải phá chấp trước. Cho nên người ta nói “chí nhân vô mộng”, nghĩa là bậc đại trí huệ không có mộng mơ, bởi vị đó không có vọng tưởng. Vị đó là bậc chân nhân, là một vị thánh, không phải như người thường.

Đức Phật không còn chấp trước, không còn vọng tưởng nên Ngài chứng quả vị Phật. Chúng ta nên nhớ câu: “bởi vọng tưởng chấp trước nên không thể chứng được”, mà cố gắng diệt trừ vọng tưởng chấp trước, như vậy mới xa lìa mọi điên đảo mộng tưởng, và đạt được Niết-bàn rốt ráo.

Sau khi khai ngộ, đức Phật xét qua nhân duyên, Ngài tự hỏi: “Ta đã thành Phật, vậy trước tiên ta phải độ cho chúng sanh nào?” Có người bảo: “Ồ! Phật mà cũng có vọng tưởng. Khởi lên ý nghĩ độ người, đó chẳng phải là vọng tưởng sao?”. Người nào nói câu đó là lấy lòng dạ phàm phu để đo lường tâm lượng của bậc thánh. Nói như vậy là sai. Đấy không phải là vọng tưởng. Phật dùng Diệu Quan Sát Tríxem xét các nhân duyên, coi chúng sanh nào có cơ duyên đầy đủ thì Ngài sẽ độ người ấy trước.

Với Diệu Quan Sát Trí, đức Phật xét tới năm người đi theo Ngài lúc trước, bấy giờ đương ở trong vườn nai và thấy rằng họ dụng công đã tới mức. Ngài nghĩ chỉ cần tới đó, thuyết giảng mấy câu, hoặc có khi nhác trông thấy Phật, chẳng cần nói năng gì họ cũng có thể khai ngộ được. Chúng ta nên nhớ rằng năm vị Tỳ kheo đó tuy đã bỏ đi nơi khác, nhưng ảnh hưởng của đức Phật đối với họ vẫn còn sâu đậm. Họ cũng tha thiết với mục đích tu hành để mong dứt bỏ đường sanh tử, họ cũng không màng tới cảnh phú quý nơi thế gian. Khi họ bỏ đức Phật, có lẽ tâm trạng của mỗi người mang một ý nghĩ rằng: “Ta cứ tu, khi nào đắc đạo ta sẽ giúp cho thái tử khai ngộ”. Tuy nhiên, các chi tiết này không có ghi lại trong kinh điển. Chẳng qua đó chỉ là những điều ức đoán ngu độn của tôi mà thôi. Có thể họ nghĩ bụng rằng: “Ít lâu nay ta đã dành nhiều thời gian để trong nom cho thái tử, chẳng lo cho việc của riêng ta. Nay ta hãy rời khỏi nơi này, ráng dụng công tu, ngày sau ngộ rồi ta sẽ quay lại độ cho thái tử”. Trong lòng họ đã gieo những nhân duyên đó, nên chi, đức Phật khai ngộ trước, đã đến kiếm họ để độ cho họ. Họ muốn giúp Phật khai ngộ, thì Phật lại giúp họ khai ngộ. Chính là gieo nhân nào thì gặp quả ấy.

Với đủ cả bốn trí, Diệu Quan Sát Trí, Thành Sở Tác Trí, Bình Đẳng Tánh Trí và Đại Viên Kính Trí, đức Phật quan sát các cơ duyên, thì thấy người đầu tiên Ngài nên độ là Tôn giả Kiều Trần Như. Do đó Phật khai ngộ cho Tôn giả, và cũng là một dịp để đáp ứng lại lời nguyện xưa của Ngài.

Trong thời quá khứ xa xưa đó, Tôn giả Kiều Trần Như là quốc vương Ca-lợi, còn đức Phật là một tiên nhẫn nhục, ở trong núi tu hành. Một hôm vua Ca-lợi vào rừng đi săn, mang theo cả cung nga thể nữ. Trong lúc nhà vua mải mê săn bắn, các cung nga đi lang thang tới chỗ của tiên nhẫn nhục. Cũng từ một nhân duyên sẵn có khiến họ có lòng cảm mến, nên họ xúm lại vây quanh tiên nhẫn nhục. Lần đó cuộc đi săn thất bại nên nhà vua mất hứng thú. Vua gom tùy tùng lại để ra về thì thấy các cung nga thể nữ đương xúm xít bên cạnh một người lạ mặt, râu và tóc để dài, móng tay cũng mọc dài. Nhà vua tỏ ý ghen tức mới hỏi kẻ lạ mặt: “Ngươi ở đây làm gì?”. Tiên nhẫn nhục trả lời: “Tôi ở đây tu hạnh nhẫn nhục”.

Vua Ca-lợi nói: “Hạnh nhẫn nhục ngươi tu ra sao mà ngươi lại quyến rũ các cung nữ của ta như vậy? Ngươi không phải là người tốt”.

Nói xong nhà vua rút gươm chặt luôn chân và tay của tiên nhẫn nhục và hỏi tiên có tâm sân hận không.

Tiên nhẫn nhục trả lời: “Tâm không sân hận”.

Vua Ca-lợi nói: “Ta không tin. Ngươi bị chặt tay chặt chân mà còn nói không sân hận. Trên thế gian này làm gì có chuyện đó. Ngươi nói láo. Ngươi có cái gì để chứng tỏ rằng ngươi không hề sân hận chăng?”

Tiên nhẫn nhục đáp: “Nếu tôi không có lòng sân hận thì tay và chân của tôi sẽ mọc ra như cũ. Nếu có sân hận thì tay và chân sẽ không mọc được”.

Vừa nói xong quả nhiên chân và tay của tiên lại mọc trở lại. Vua Ca-lợi nhất định bảo tiên là loài yêu quái, rồi ra lệnh đốt núi. Lúc bấy giờ các vị thần hộ pháp lấy làm phẫn nộ bèn làm một trận mưa đá đổ xuống đầu vua Ca-lợi.

Tiên nhẫn nhục khởi lòng từ bi và nói rằng: “Trong tương lai khi nào thành Phật, thì trước tiên ta sẽ độ cho người đã chặt tay và chặt chân ta”. Bởi có lời nguyện đó nên khi đức Thích-ca Mâu-ni thành đạo xong, và sau khi quan sát các quan hệ nhân duyên từ thuở xa xưa cho đến hiện tại, Ngài đã đi tới chỗ vườn nai kiếm năm tìm năm anh em Kiều Trần Như để độ cho họ.

Sở dĩ gọi là “lộc dã uyển” hay vườn nai là bởi thời xưa có rất nhiều hươu nai sống ở đây. Trong một kiếp xa xưa đức Phật là một vua nai, đã từng chăn dắt tất cả đàn nai. Bây giờ thành Phật, Ngài giáo hóa nhân gian. Ngài đi tới vườn nai, gặp lại năm người bạn tu. Họ vốn chẳng phải là Tỳ-kheo, vì đi theo Phật họ mới thành Tỳ-kheo. Gặp mấy người đó, đức Phật lần đầu tiên chuyển bánh xe pháp. Ngài nói pháp Tứ đế.

Tứ đế gồm bốn đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế.

Chuyển bánh xe pháp thứ nhất, đức Phật nói: “Đây là khổ, nó có tính cách bức bách”. Ngài bảo đời sống con người là khổ. Khổ có ba thứ khổ, có tám thứ khổ, vô lượng thứ khổ, chúng đều bức bách thân tâm của chúng sanh, khiến chúng sanh không có an lạc, không được tự tại, chúng giống như những người khách đến nhà bức bách gia chủ, đuổi gia chủ đi.

Ba khổ gồm khổ khổ, hoại khổ, và hành khổ. Khổ khổ là thế nào? Là trong cái khổ lại còn có khổ. Không có cơm ăn đã là khổ lắm rồi, lại còn không có áo mặc nữa, tức là trong cái khổ còn thêm khổ nữa. Không những thiếu cơm ăn, thiếu áo mặc, luôn cả nhà ở cũng không có, quý vị nghĩ thử coi vậy là có khổ hay không? Đó là nghĩa của khổ khổ, trong cái khổ còn có khổ nữa, khổ nọ chồng lên khổ kia, biết ngày nào cho hết khổ.

Nếu không bị cái khổ khổ do bần cùng mang lại thì lại gặp cảnh hoại khổ của trường hợp phú quý. Tỷ dụ quý vị có nhiều tiền, nhiều của, rồi bỗng chốc một ngày nào tiền của quý vị bị mất sạch, hoặc bị mất trộm, hoặc bị nạn cháy nhà, hoặc bị cơn lũ lụt cuốn trôi, tiền của tan rã, phú quý bị hủy hoại. Đây là trường hợp hoại khổ.

Có người bảo rằng: “Tôi ấy à! Chẳng có cái khổ vì cảnh bần cùng, cũng chẳng có gì là giầu sang cho lắm. Bởi vậy, tôi chẳng có khổ khổ mà cũng chẳng gặp hoại khổ”. Nói như vậy là không đúng, bởi quý vị có hành khổ. Từ tuổi thơ đến tuổi thanh niên, từ thanh niên đến tuổi già, từ già đến chết, mỗi khắc, mỗi giây biến đổi không ngừng suốt hành trạng trong một đời, đó cũng là một cái khổ gọi là hành khổ.

Nhóm tám khổ thì kể ra như sau: sanh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, hợp lại thành tứ khổ; ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm xí thịnh khổ, đó là bốn khổ nữa, cộng lại thành bát khổ.

Sanh ra là khổ vì kinh nghiệm sanh không phải là một cảm giác thoải mái. Sanh ra cũng tương tự như trường hợp bị ép giữa hai trái núi, như một con rùa khi nó thoát ra khỏi cái mai của nó một cách khó khăn. Sanh ra đời rồi thì giai đoạn tuổi già sẽ từ từ đi tới và tuổi già là khổ. Lúc đó các bộ phận trong cơ thể sẽ dần dần ngưng nghỉ không làm việc nữa. Khổ là vì lẽ đó.

Ngoài sanh khổ, già khổ còn có bệnh khổ. Cái khổ của bệnh tật rất là khó chịu đựng. Đau bệnh đến nỗi phải rên rỉ, kêu la, có khi như điên như dại, những loại khổ này không ai chịu thế cho mình được. Tuy nhiên, ở đây, chúng ta thấy có một sự bình đẳng. Chẳng kể quý vị là ai, dù là vương, công, hầu, bá, hay chỉ là kẻ đi ăn xin; dù là vua, giầu sang trùm bốn biển, nhưng đến khi mắc phải bệnh khổ thì ai cũng như ai. Ai không gặp cảnh này thì không có vấn đề, nhưng một khi quý vị gặp cảnh ngộ đó thì đau khổ vẫn không tránh được.

Ba cái khổ vừa nói cũng chưa ghê gớm bằng cái thứ tư là chết khổ. Con người đến lúc chết là giẫy dụa, hòng níu lấy mạng sống, nhưng thần chết không chịu nghe, cứ nhất định lôi đi. Cái đau khổ đó có khác gì hoàn cảnh của một con bò đương sống mà bị người ta lột da vậy.

Bây giờ nói đến bốn khổ sau. Đối với số đông thì điều chấp nặng nề là tình yêu nam nữ. Thương ai muốn cho người đó sống, ghét ai thì muốn cho người đó chết. Khi đã thương yêu rồi thì mọi thứ khác đều quên lãng, lý trí cũng bị suy yếu. Tình yêu giống như một thứ keo bền chắc cơ hồ không có sức mạnh nào có thể phân tán ra được. Tôi nói như vậy có thể có vị không tin. Vậy quý vị hãy lưu ý tới những trường hợp mà báo chí gọi là các vụ song sinh Xiêm (Siamese twins), thỉnh thoảng xảy ra ở các nơi trên thế giới. Khi sanh ra, thân thể chúng dính liền với nhau, phải dùng giải phẫu mới tách chúng ra được. Hãy tưởng tượng xem chúng bị đau đớn biết chừng nào, đó là ái biệt ly khổ, cái khổ do yêu thương mà bị tách ra. Nguyên do là vì yêu thương quá sâu xa, đại khái như câu người ta nói: “Trên trời thì nguyện làm chim liền cánh, dưới đất thì nguyện làm cây liền cành”, yêu nhau bền chắc như vậy, cho nên kiếp sau mới thành trẻ song sinh Xiêm.

Cũng có một lối giải thích khác về các trường hợp vừa kể, tuy không mấy tốt đẹp. Nguyên trong các kiếp trước, các trẻ song sinh Xiêm là những người có đồng tính luyến ái với nhau. Kiếp này chúng là những người thuyết pháp cho số đồng tính luyến ái này. Luyến ái kẻ đồng phái với mình, phải chăng đó là một thứ tình yêu điên đảo? Yêu nhau mà chẳng muốn lìa nhau thì khi chết đi sẽ trở lại đầu thai thành trẻ song sinh Xiêm, để rồi bị giải phẫu mới tách lìa ra được. Con người kể ra cũng tàn nhẫn. Trông thấy chúng như vậy, họ sanh lòng đố kỵ nên muốn tách chúng ra làm hai. Họ bảo rằng: “Không thể để như thế này được! Chúng mày không thể sống nổi!” Đó là lý do họ làm cuộc giải phẫu. Cũng có một lý do khác là do lòng từ bi, bởi khi trông thấy các đứa trẻ khó thể sống nổi, các thầy thuốc mới tìm cách ra tay phẫu thuật, mà không quản gì tới công trình rất khó nhọc của họ. Thực vậy, họ phải cẩn thận lắm để tách ra từng phần nhỏ một trên thân thể của những hài nhi đó.

Thế gian này lắm chuyện phiền hà! Mấy chục năm về trước, ít có những vụ song sinh Xiêm. Ngày nay đồng tính luyến ái gia tăng nên các vụ này xảy ra luôn, nước nào cũng có.

Ngày trước chỉ có những trường hợp song sanh thường, hai đứa trẻ chung một bào thai, nhưng sự luyến ái của chúng không đi đến chỗ hồ đồ để thành một chất keo dính chặt chúng vào nhau. Còn như luyến ái đến cùng cực để không chịu chia lìa nhau thì kết cục sẽ trở thành những trẻ song sanh Xiêm. Tới lúc đó, dầu quý vị không muốn rời nhau cũng không được, bác sĩ sẽ chia cắt phân đôi ra, lúc đó đau đớn biết là chừng nào! Vả lại giải phẫu cũng có nhiều phần rủi ro, có khi không cứu sống được. Chắc hẳn lúc đó, chúng nghĩ rằng: “Nếu chẳng được chung một thân với nhau, thì thà chẳng làm người nữa”. Bởi chúng không muốn lìa nhau, nay hoàn cảnh bắt phải chia lìa thì thà chết còn hơn. Luyến ái nhau mà phải chia lìa nhau, đó là ái biệt ly khổ.

Thứ đến là oán tắng hội khổ. Đây là ghét, ghét ai thì cứ trông thấy mặt người đó đã thấy mất vui rồi và chỉ muốn tránh xa đi nơi khác. Tuy nhiên, điều kỳ cục là muốn tránh mà tránh không được, đi tới đâu cũng gặp lại, có khi làm việc chung vớí nhau nữa. Quý vị ghét người ta ư? Vậy mà quý vị vẫn phải gần gũi với họ. Oán ghét mà ở một chỗ với nhau, đó là một cái khổ, gọi là oán tắng hội khổ.

Còn cầu bất đắc khổ là nói khi chúng ta cầu mong một chuyện gì nhưng chuyện đó không tới, trong lòng nẩy sinh phiền não, đêm ngủ không an giấc, ngày ăn không biết ngon, cho đến đứng ngồi cũng không yên nữa, trong lòng lúc nào cũng như dầu sôi lửa bỏng vậy. Đó cầu bất đắc khổ.

Cuối cùng, ghê gớm nhất lã ngũ ấm xí thịnh khổ. Ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, mấy thứ này kiên cố lắm, chẳng ai dứt bỏ được chúng. Ảnh hưởng của chúng rất lớn, chúng che khuất Phật tánh của mọi người. Tuy nhiên, nếu hiểu biết ngũ ấm một cách rốt ráo thì chúng chẳng còn gì gọi là thực thể, mà chỉ là một đám mây nổi bồng bềnh trên hư không. Ngược lại, nếu không hiểu rõ ngũ ấm thì chúng vẫn còn là một thứ áp lực nặng nề. Hiểu rõ minh bạch thời quý vị sẽ “quán thấy năm uẩn đều là không” (Bát Nhã Tâm Kinh), và “bổn lai chẳng có vật nào, chỗ nào còn bám bụi nữa? (Pháp Bảo Đàn Kinh)”.

Bây giờ chúng ta hãy tự mình kiểm tra lại coi, liệu có ai có thể nói rằng mình không có tám loại khổ đó chăng? Quý vị bảo: “Tôi không khổ, tôi chẳng có ba khổ, tôi chẳng có tám khổ, một khổ cũng chẳng có”. Quý vị nói như vậy chính là đã tự dối mình. Tôi xin nói thêm một điều nữa. Cái khổ do cầu mà chẳng được, cùng với hai thứ khổ kia là oán hận mà hội ngộ, yêu thương mà chia lìa, các loại này cũng na ná giống nhau. Thí dụ như ai đó cầu mong được một chức vụ nào mà không đạt được: khổ tâm lắm! Làm ăn mong cho được phát tài, kết quả lại chẳng được; cầu danh, danh chẳng có, cũng đều khổ cả. Lại nói rõ hơn: cầu gặp bạn trai hoặc cầu gặp bạn gái mà chẳng được toại nguyện, càng khổ biết chừng nào! Khổ đến nỗi đêm ngủ thao thức, ngày ăn không biết ngon. Từ đời xưa đã có những loại thực là ngu si như mang chứng bệnh tương tư, thậm chí đi đến chỗ cùng nhau tự kết liễu tính mạng. Quý vị thấy như vậy là khổ hay không khổ? Chẳng qua là vì tại thế gian này căn bệnh chấp trước quá nặng, nó là một thứ điên đảo, nhận giặc làm con, lấy điều khổ làm điều vui. Càng cầu bao nhiêu thì cái điều cầu mong càng có giá, vậy mà khi đạt được nó rồi người ta cảm thấy nó cũng vậy mà thôi.

Trong giới thanh niên, người ta thường nói có một loại thuốc có thể làm cho người ta khai ngộ. Hai mươi năm trước đây, loại LSD (mê ảo dược) rất thông dụng tại nước Mỹ, còn ngày nay thì marijuana (cần sa) lại rất thịnh hành. Giới trẻ hiếu kỳ, chẳng biết ất giáp ra sao, mong có cơ hội dùng thử. Thử được rồi liền mắc bệnh ghiền, còn ai chưa thử thì vẫn còn mơ hồ chưa hiểu thuốc đó ra sao. Có thực các loại thuốc độc đó mang lại sự khai ngộ chăng? Hút marijuana vào là biến thành thần tiên ư? Đại khái là những ý nghĩ đó xuất hiện trong đầu óc những kẻ hiếu kỳ. Bởi tính hiếu kỳ, tính ưa cái mới chuộng cái lạ, mà giới trẻ gặp phải những thứ độc hại đó. Từ đó về sau, ma túy sẽ là cái mồi ngon ngọt để họ thưởng thức. Mỗi lần hút vào là một lần họ thấy như bay bổng, như đê mê, chẳng còn thiết tha việc gì khác, đến làm vua cũng chẳng ham. Quý vị thấy như vậy có phải là điên đảo không, có phải là khổ không?

Tám khổ nói ở trên chỉ là đại cương, còn đi vào chi tiết thì còn nhiều thứ khổ lắm, vô lượng vô biên thứ khổ, kể ra không hết được, mà kể ra cho ai nghe? Nói ra người ta cũng không tin. Đức Phật nhận ra cái khổ, cho nên điều chân lý thứ nhất Ngài nói là Khổ đế. Ngài bảo: “Đây là khổ, đặc tính của nó là bức bách”. Chúng ta cần phải biết tới cái sức mạnh bức bách của nó.

Chân lý thứ hai là “Tập”: “Đây là tập, đặc tính của nó là chiêu cảm”. Tập nghĩa là tích tụ, tụ tập. Tụ tập cái gì? Tụ tập phiền não. Bởi nhận thấy các chúng sanh khổ nên đức Phật phát nguyện cứu độ chúng sanh; nhận thấy rằng phiền não do tụ tập lại mà thành, nên đức Phật phát nguyện đoạn trừ phiền não. Nguyện rằng:

“Chúng sanh vô biên thề nguyện độ

Phiền não vô lượng thề nguyện đoạn”

“Đây là tập, đặc tính của nó là chiêu cảm”. Tự mình gieo nhân, nên gặp quả báo, tự mình chuốc lấy và tự mình có cảm ứng, cho nên gọi là chiêu cảm. Những phiền não ấy nhiều không kể được, nói một cách tổng quát thì là tám vạn bốn ngàn phiền não, nhưng thực ra phiền não là vô lượng vô biên.

Chân lý thứ ba là “Đạo”; “Đây là Đạo, đặc tính của nó là có thể tu”. Đây là đạo Bồ-đề, đạo của trí huệ, đạo thành Phật, đạo đưa tới dứt đường sanh tử. Tính cách của đạo này là có thể tu. Nếu như quý vị tu hành thì quý vị có thể đạt được Đạo, không tu thì không đạt được. Cho nên có câu:

“Pháp môn vô lượng thề nguyện học

Phật đạo vô thượng thề nguyện thành”

Chân lý thứ ba là “Diệt”: “Đây là diệt, đặc tính của nó là có thể chứng”. Diệt đây có nghĩa là niềm vui của tịch diệt. Có câu nói:

“Các hành là vô thường

Thuộc về pháp sanh diệt

Sanh và diệt đều diệt

Tịch diệt là niềm vui”

Chư hành vô thường

Thị sanh diệt pháp

Sanh diệt diệt dĩ

Tịch diệt vi lạc.

Trong một kiếp quá khứ, đức Thích-ca đã từng hy sinh thân mạng để đổi lấy một nửa bài kệ trên. Số là, trong thời kỳ tu khổ hạnh, có lần Ngài gặp một vị trời thuộc Tịnh Cư thiên, lúc ấy giả trang làm quỷ dạ xoa. Vị trời này muốn khảo nghiệm trình độ tu của vị lão tu hành (vị tu hành kỳ cựu) này, muốn thử xem tâm thành cũng như sự hy sinh của vị ấy tới mức nào. Dạ xoa bèn tiến lại và khi đi ngang trước mặt ông ta, dạ xoa tự ngâm nga một mình hai câu: “các hành là vô thường, thuộc về pháp sanh diệt”.

Vị lão tu hành nghĩ thầm: “Ủa! Quỷ này ca hát gì đây? Đây chẳng phải là một bài hát mà là hai câu của một bài kệ. Hai câu này có ý nghĩa lắm!”

Ngài bèn hỏi: “Ngươi nói cái gì đấy?”

Quỷ dạ xoa đáp: “Ta nói rằng ở các hành là vô thường, thuộc về pháp sanh diệt”.

Vị lão tu hành: “Bài ngươi đọc đó còn thiếu hai câu nữa phải không?”

Quỷ: “Đúng lắm! Còn thiếu hai câu nữa”.

Vị lão tu hành: “Vậy ngươi hãy đọc ra cho ta nghe với”.

Quỷ: “Đọc ra cho ngươi ư? Ta đương đói không còn hơi sức để đọc tiếp hai câu kia. Ngươi phải cho ta thứ gì để ta ăn. No bụng rồi ta mới đọc được”.

Vị lão tu hành: “Được! Ngươi muốn ăn thứ gì ta sẽ kiếm cho ngươi đặng ngươi được no bụng rồi đọc hai câu kệ cho ta nghe”.

Quỷ dạ xoa nói: “Ta phải ăn thịt người sống, uống máu người sống thì ta mới no bụng được. Liệu ngươi có dám xả thân ngươi, để ta ăn thịt và uống máu ngươi không?”

Đức Phật thầm nghĩ: “Sớm nghe được đạo, tối chết cũng cam; pháp này đổi lấy cái chết cũng đáng. Ta được nghe xong rồi có chết cũng không tiếc, vả lại chừng nào ta chưa được nghe hai câu kệ đó lòng ta vẫn còn đeo đuổi, vĩnh viễn khôn nguôi”. Bởi vậy đức Phật bảo: “Được lắm! Ngươi cứ đọc ra cho ta nghe. Ta bằng lòng hiến trọn thân ta cho ngươi”.

Dạ xoa bèn đọc hai câu kệ như sau: “Sanh và diệt đều diệt, tịch diệt là niềm vui”.

“Các hành là vô thường” có nghĩa là trên thế gian hết thảy mọi thứ đều vô thường; “thuộc về pháp sanh diệt”, tức là hết sanh thì đến diệt, hết diệt lại đến sanh, cho nên gọi là pháp sanh diệt; “sanh và diệt đều diệt”: khi nào sanh và diệt đều không còn nữa, tới trạng thái tịch diệt, một trạng thái không sanh không diệt; lúc đó “tịch diệt là niềm vui”, một niềm hoan lạc chân chánh và vĩnh viễn.

Nói xong câu kệ, quỷ bèn đòi ăn thịt vị lão tu hành.

Vi lão tu hành nói: “Khoan đã! Đừng ăn thịt ta vội!”

Quỷ dạ xoa: “Sao? Ngươi muốn nuốt lời ư? Không được đâu!”

Lão tu: “Ta không nuốt lời. Ngươi hãy để cho ta lấy dao khắc bài kệ đó trên thân cây, cho người thế gian đời đời được trông thấy, đặng họ phát tâm Bồ-đề tu thành đạo quả”.

Quỷ dạ xoa: “Ý kiến của ngươi được lắm! Ta để cho ngươi khắc đó!”

Lão tu lấy dao lột vỏ cây ra rồi khắc kệ lên thân cây. Trong khi đó quỷ dạ xoa đứng bên hối thúc: “Ngươi khắc lẹ tay lên một chút! Ta đói lắm rồi, chịu không nổi nữa!”

Vị lão tu hành ráng sức làm mau hơn, và khi bài kệ đã khắc xong, quỷ dạ xoa nói: “Bây giờ thì chẳng khách khí gì nữa, ta phải ăn thịt và uống máu của ngươi đây!”

Lão tu: “Chờ thêm một chút nữa!”

Quỷ dạ xoa: “Lại còn chờ nữa ư? Ta đã chờ cho ngươi khắc kệ lên cây rồi. Ngươi cứ tìm cách trì hoãn mãi, ngươi muốn cái gì nữa?”

Lão tu: “Ta nghĩ rằng bài kệ mà ta vừa khắc trên cây, sau một thời gian sẽ bị mưa gió phá hủy, khó có thể tồn tại được. Hiện nay, ta sẵn có con dao đục đá, ta muốn khắc bài kệ đó trên đá, như vậy nó sẽ vĩnh viễn không bị xóa mờ. Ngươi hãy ráng chờ ta thêm chút nữa, đàng nào ta cũng phải ghi lại bài kệ trên đá mới xong”.

Quỷ dạ xoa: “Cũng được! Cho ngươi được toại nguyện. Ngươi khắc đi!”

Khi vị lão tu hành khắc xong, quỷ đòi ăn thịt. Ngài bằng lòng nói: “Bây giờ ngươi ăn thịt ta đi!”. Nói xong, ngài nhắm mắt lại chờ quỷ dạ xoa tới để ăn thịt mình.

Bỗng nhiên lúc đó ở trên không trung có tiếng nói vọng xuống: “Hay lắm! Hay lắm! Lão tu hành thực có lòng hy sinh to lớn, vì pháp quên thân mình, trong tương lai nhất định sẽ thành Phật”. Ngài bèn mở mắt ra thì chẳng thấy quỷ dạ xoa đâu. Trước mặt ngài là một vị trời của Tịnh Cư thiên.

Bởi vậy đây gọi là câu chuyện “xả thân mạng vì nửa bài kệ”. Bỏ cả sanh mạng mà chẳng sợ mảy may. Là những người học Phật, chúng ta liệu có được tấm lòng chí thành và khẩn thiết như vậy chăng? Chúng ta có dám đổi sanh mạng mình để lấy nửa bài kệ, hay một bộ kinh không?

Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới cũng không thiếu những người dốc lòng tu hành. Vạn Phật Thành của chúng ta vẫn thường khuyến khích mọi người đọc tụng và thuộc lòng bộ kinh Lăng Nghiêm. Có người thuộc hai quyển, có người thuộc ba quyển, nhưng chưa thấy ai thuộc cả bộ kinh. Trước ngày vía đức Phật A-di-đà khoảng một tháng, có một nữ Phật tử phát nguyện đóng cửa học thuộc kinh Địa Tạng và kinh Phạm Võng, hẹn trong vòng một tháng đọc tụng thuộc lòng hai bộ kinh trên. Lúc đó tôi đồng ý rồi cho người đi theo để trông nom, cung cấp đồ ăn và nước uống đặng giúp vị này thành tựu lời phát nguyện. Quả nhiên, trong hạn kỳ một tháng, người đó đọc thuộc cả kinh Địa Tạng và kinh Phạm Võng. Đó là người đầu tiên tại Vạn Phật Thành thuộc hai kinh này. Quý vị muốn biết danh tính của người đó chăng? Tên gì? Họ gì? Điều này tôi không thể nói cho quý vị hay, bởi tôi không muốn quảng cáo cho ai cả. Người đó là một phần tử tu hành tại Vạn Phật Thành, và ở đây ai ai cũng như vậy.

Gần đây, có một vị cư sĩ ở Los Angeles tên là Hà Quả Lâm - Hà Diệu Lâm, làm nghề châm cứu. Ông đến Vạn Phật Thành, bế quan trong mười ngày thì đọc thuộc lòng được bộ kinh Kim Cang. Tại sao tôi nói tên của ông ta là Hà Quả Lâm - Hà Diệu Lâm cho quý vị biết? Bởi đó là một thầy châm cứu, tôi quảng cáo không công cho ông, điều đó chẳng quan hệ gì.

“Đặc tính của Đạo là có thể tu”, “đặc tính của diệt là có thể chứng”, chứng được niềm vui của sự tịch diệt. Vậy ai có thể chứng được? Người nào tu hành một cách chân thực thì có thể chứng. Bởi vậy cho nên, biết Khổ, hiểu khổ, thì đoạn Tập, nghĩa là đoạn trừ phiền não; mộ Diệt, hâm mộ niềm vui tịch diệt, nên mới tu Đạo. Do đó mới nói: “Biết khổ, đoạn tập, mộ diệt, tu đạo”.

Lần đầu chuyển pháp luân, Phật nói:

Đây là khổ; tính bức bách

Đây là tập; tính chiêu cảm

Đây là đạo; có thể tu

Đây là diệt; có thể chứng.

Thực ra phải nói theo thứ tự là: khổ, tập, đạo, diệt, nhưng vì người Trung quốc đã đổi lại để đọc cho thuận miệng nên mới nói là: khổ, tập, diệt, đạo.

Lần thứ nhì, chuyển pháp luân, Phật nói:

“Đây là khổ, ta đã biết, không cần biết thêm nữa”. Câu này có nghĩa là ta đã biết khổ, ta không muốn chịu cái khổ đó nữa, và ta cũng không muốn biết thêm về khổ.

“ Đây là tập, ta đã đoạn trừ, ta không phải đoạn trừ thêm”, có nghĩa là ta đã đoạn trừ tập rồi, không còn cái gì để đoạn trừ nữa, ta đã hết phiền não rồi.

“ Đây là Đạo, ta đã tu”, nghĩa là ta đã tu xong Đạo Bồ-đề, đã thành Phật rồi.

“ Đây là diệt, ta đã chứng”, nghĩa là ta đã hiểu trọn vẹn các pháp khổ, tập, diệt, đạo.

Lần thứ ba chuyển pháp luân, Phật nói:

“Đây là khổ, người phải biết; đây là tập, người phải đoạn trừ; đây là Đạo, người phải tu; đây là diệt, người phải chứng”.

Sau ba lần Phật chuyển pháp luân về pháp Tứ đế thì Tôn giả A-nhã Kiều Trần Như chứng ngay được quả A-la-hán. Nay, chúng ta cũng nghe xong Pháp này rồi, có vị nào chứng được quả A-la-hán chưa, tôi cũng không rõ!

**************************


[1] Như Lai: Phạm, Pali: Tathagata.

Cũng gọi Như khứ.

Tiếng Phạm Tathagatacó thể được chia làm 2 là: Tatha-gata(Như khứ)Tatha-agata(Như lai). Nếu theo cách thứ nhất thì có nghĩa là noi theo đạo Chân như mà đến quả Phật Niết bàn, cho nên gọi là Như khứ; còn nếu theo cách thứ hai thì có nghĩa là từ chân lý mà đến (như thực mà đến)và thành Chánh giác, cho nên gọi Như lai. Vì đức Phật theo Chân lý mà đến và từ Chân như mà hiện thân, nên tôn xưng Ngài là Như Lai.

(Phật Quang Đại Từ Điển)

[1] namo bhagavate bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabhā-rājāya tathāgatāya arhate samyak-saṃbuddhāya tadyathā oṃ bhaiṣajye bhaiṣajye bhaiṣajya-samudgate svāhā.

[1] Hoạnh tửcòn gọi là Phi thời tử, Bất lự tử, Sự cố tử. Chết oan, do gặp phải tai họa ngoài ý muốn mà chết. Hoạnh tử gồm có 9 thứ:

1. Bệnh mà không có thầy thuốc rồi chết.

2. Bị Luật Vua tru lục mà chết.
3. Phi nhân đoạt tinh khí mà chết.
4. Lửa cháy mà chết.
5. Nước nhận chìm mà chết.
6. Ác thú ăn thịt mà chết.
7. Té xuống sườn núi mà chết.
8. Bị thuốc độc, bùa chú mà chết.
9. Đói khát ép ngặt mà chết.

[1] Sơ Xuân Tiểu Vũ

Nguyên tác: Hàn Dũ


初 春 小 雨


天 街 小 雨 潤 如 酥

草 色 遙 看 近 卻 無
最 是 一 年 春 好 處
絕 勝 煙 柳 滿 皇 都

韓 愈



Sơ Xuân Tiểu Vũ


Thiên nhai tiểu vũ nhuận như tô

Thảo sắc dao khán cận khước vô
Tối thị nhất niên xuân hảo xứ
Tuyệt thăng yên liễu mãn hoàng đô


Hàn Dũ

--
Dịch nghĩa--

(mưa phùn đầu xuân)


(mưa phùn làm đường đi bóng loáng)

(từ xa nhìn như có màu cỏ, lại gần chẳng có gì)
(đây là lúc đẹp nhất của mùa xuân trong một năm)
(vì khắp kinh đô các hàng liễu như mờ trong sương khói)

--
Bản dịch của SongNguyễn HànTú--

Mưa Phùn Đầu Xuân


Thấm mưa đường bóng như thoa mỡ

Nhìn ngỡ xa xa cỏ xanh mờ
Trong năm đẹp nhất nàng Xuân thắm
Khói ôm bóng liễu khắp hoàng đô


--
Bản dịch của Nguyễn Minh --

Mưa phùn đường láng như bơ

Xa trông sắc cỏ mơ hồ lung lay
Mùa xuân đẹp nhất lúc này
Liễu trong sương khói phủ đầy thành đô

-- Vô Danh --

Mưa nhỏ bên trời óng ánh tơ
Xa gần sắc cỏ gợn hững hờ
Trong năm Xuân đẹp nơi đây nhất
Phủ khắp thành vua rạng liễu mờ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567