Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

12. Lão, Bịnh và Tử

26/01/201108:28(Xem: 7828)
12. Lão, Bịnh và Tử

VÒNG LUÂN HỒI
(THE WHEEL OF LIFE)
Thích Nữ Giới Hương

CHƯƠNG V
VÒNG 12 NHÂN DUYÊN

12. LÃO, BỊNH VÀ TỬ

Chết là cái chắc chắn đến với mỗi chúng ta, nhưng khi nó đến vẫn mang cho chúng ta một nổi bàng hoàng, một sự đau buồn to lớn… nhưng dù thế nào đi nữa, nó cũng là một sự cảnh tỉnh chúng ta rằng mạng sống con người thật ngắn ngủi, không thể đoán trước được và thật mỏng manh.

Chết là tiếng gọi chung từ tử thần, là một định nghiệp chung và là mẫu số chung cho tất cả chúng ta.

Chết nhắc cho chúng ta về bản chất phù du của mạng sống ngắn ngủi, khiến ta phải suy nghĩ lại về mình và khuyên chúng ta sống có ý nghĩa hơn, đừng lãng phí thời gian theo những theo đuổi tầm thường, theo những hoạt động vô tích sự, những lời nói sáo rỗng, những bảo thủ ngu dốt, những sở hữu vật chất tầm thường… vì những cái này kết cuộc chỉ gây đau khổ cho chúng ta.

Khi linh hồn chúng ta đi ra khỏi thế giới này thì những sở hữu, những thành tựu, những danh tốt, tiếng thơm đều trở thành vô dụng, chỉ có bản chất đạo đức con người mới có tồn tại… chỉ có tính chánh trực, lòng tốt, kiên nhẫn, trí tuệ và sự hy sinh hết lòng vì người khác là còn mãi. Hãy tu tập những phẩm tánh cao thượng này, thì cái chết đến sẽ là một sự ra đi nhẹ nhàng, là một sự hoàn thành lớn và không có gì để sợ hãi. Chết sẽ là sự hoan hỉ nên đánh vang tiếng trống, vui mừng vì ta đã hoàn thành nhiệm vụ. Sanh tử đã hết, gánh nặng đã đặt xuống, những việc cần làm đã làm xong. Không còn gì nữa.

Đức Phật dạy đối trị lòng tham ái xác thân bằng hạnh đầu đà và quán về cái chết (cửu tưởng quán). Tập thấy mình là một xác chết, một tử thi. Một cô gái trẻ đẹp đi qua kia chỉ là những bộ xương bọc thịt, phủ một lớp da, xức dầu thơm, bản chất là 32 thể trược đang chuẩn bị hoá dòi mủn nát trở về với cát bụi.

Niệm thân để đối kháng lại chỗ thấy biết rất sai của mình.

Cháu đưa đám ông, con đưa đám cha. Cứ thế nối dòng đào hố vô thường, kiếp kiếp đời đời không thay đổi tri kiến, không thay đổi lối sống.

Tập thấy cơ thể ta và người chỉ là những tập hợp vô thường đầy khốn khổ. Do đây giải thoát khỏi những hiểm nguy của tham ái.

Nghĩ đến cái chết, đến sự hủy diệt, ta sẽ không quyến luyến cuộc đời. Do đó tâm được hoan hỉ và định tâm. Bởi biết sự vật đúng chân tướng của nó, ta không bị ràng buộc.

Nếu chúng ta không quán cái chết và tính tất nhiên của nó, chúng ta sẽ không có sự chuẩn bị, chúng ta sẽ trở nên mất chánh niệm khi cái chết đến, nhất là đối với người thân trong gia đình, bạn bè hay chính bản thân chúng ta. Vì vậy, hãy chuẩn bị hành trang tâm lý cho cái chết thanh bình. Nếu chúng ta để đời sống của chúng ta chạy theo vật chất thì chúng ta sẽ chết trong lo âu và tiếc nuối. Ngược lại, nếu chúng ta sống hết lòng phục vụ mọi người với tấm lòng từ bi thì chúng ta có thể chết với tâm an ổn, hạnh phúc. Thế nên phương pháp tốt nhất chuẩn bị cho sự chết là hãy sống một đời sống tận tụy phục vụ con người với trọn vẹn lòng yêu thương của mình.

Phần đông chúng ta bị nghiệp và các thứ cảm xúc ngăn che không cho thấy bản tánh. Những hành nghiệp tiếp tục trói buộc chúng ta vào vòng sanh tử không cùng tận. Bởi thế mọi sự đang bấp bênh, tùy thuộc cách ta đang sống, suy nghĩ ngay giờ phút này. Nếp sống hiện tại của ta có ảnh hưởng đến suốt kiếp vị lai.

Đó là lý do cấp thiết khiến ta phải chuẩn bị con đường của mình với thái độ thông minh. Cần tránh thảm kịch quay tròn trong 12 nhân duyên khổ nhọc. Kiếp sống này là thời gian và nơi chốn duy nhất cho ta chuẩn bị. Ta chỉ có thể thực sự chuẩn bị bằng cách trở về chân tâm. Tổ Liên Hoa dạy: ‘Đời người ngắn ngủi, đâu có thời giờ để tâm lang thang. Cần thầy nghe quán tưởng không xao lãng để cầu giác ngộ. Có ba dụng cụ là văn, tư, tu có thể giúp chúng ta thấy được sự thật ta là ai và thể hiện niềm vui giải thoát gọi là trí vô ngã.’

Sống và chết là một chuyển tiếp. Đức Phật không can thiệp vào đường đi của nghiệp lực. Đức Phật chỉ giảng về cơ cấu và tác động của nó. Nguồn gốc của tái sanh là tham sân si. Mà tham sân si được vẽ trên nền xanh hư vọng nghĩa là huyễn hóa không có, vì thế nhà thiền gọi là không gốc:

“Vốn từ không gốc,
Từ không mà đến,
Lại từ không mà đi,
Ta vốn không đến đi,
Tử sanh làm gì lụy.”
(Thiền sư Như Trừng Lân Giác)

“Sanh từ chỗ nào đến?
Chết sẽ đi nơi nào,
Biết được chỗ đi đến,
Mới gọi người học đạo.”
(Thiền sư Hương Hải)

Đức Phật dạy chúng ta có năm pháp bất định là

1. Mạng sống bất định: mạng sống là tuổi thọ, chất ấm, thức thứ tám duy trì mạng căn, là năm uẩn, là sáu căn, sáu thức hoạt động… Nó bất định vì chúng ta không biết khởi thủy của nó khi nào và chung cuộc khi nào. Nó không chủ thể, nó muốn không sinh hoạt nữa thì không sinh hoạt nữa gọi là mạng sống đã dừng.

2. Bịnh tật bất định: do vi khuẩn nhập và theo đạo Phật là tứ đại khi hoà, khi không hoà, khiến cho thân thể khi khoẻ, khi bịnh bất định.
3. Thời gian bất định: thời gian là sự biến dịch và vận hành thay đổi, ngày đêm sáng tối, quá khứ, hiện tại và vị lai không dừng và không định lại một chỗ.

Thời gian như ngựa ruỗi. Trần thế như mây mờ. Đức phật biết tiết kiệm tối đa dù chỉ một phút, vì chết có thể đến bất cứ lúc nào. Đối với người hiểu đạo thì thời gian là phương thuốc nhiệm mầu để cảnh tỉnh vô thường, bồi dưỡng, tẩm bổ trí tuệ và kết quả hoa hương.

4. Chết bất định: muốn chết là chết không theo ý mình cho nên bất định. Có khi thật trẻ, có khi trung niên và có khi già mới chết. Có khi do bịnh mà chết, do tai nạn và có khi không có nguyên nhân gì cả cũng ngã lăn đùng ra chết. Chúng ta sanh một nơi, trú một nơi hay nhiều nơi và chết thường khó định là nơi nào? Có thể là núi rừng hoang vắng, cao nguyên lộng gió, đại lộ xe cộ, sông suối biển khơi, nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả tổ tiên, chùa chiền tự viện…

Chết là sự gián đoạn một kiếp người, gián đoạn của một hơi thở mà hơi thở thì rất mỏng manh.

5. Nơi sanh bất định: đây là cảnh giới tái sanh bất định (chớ không phải bịnh viện chọn để sanh con), là cảnh giới hiện diện sau khi chết. Chết không phải là hết mà là một gian đoạn chuyển từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Con người chỉ rời bỏ thể xác này đến một cảnh giới khác.

Cứ thế mà làm nhân, làm quả quyện nhau khiến bánh xe quay liên tiếp không dứt. Trong vòng luân hồi cái chết và sống làm duyên cho nhau. Chết nơi này, sanh nơi khác, chúng sanh có mặt ở một nơi thì cùng một lúc cũng có một chúng sanh vắng mặt ở một nơi. Có khi chết sanh lại chỗ cũ cũng có. Muốn biết nghiệp tái sanh của mình hãy nhìn nghiệp hiện tại của mình.
Mạng sống vốn bấp bênh, thân người luôn bịnh hoạn, thời giờ không ngừng bức bách, nơi chết lại vô chừng, chỗ tái sanh thì bất định. Hãy sống thu thúc giới hạnh và thanh tịnh.















Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567