Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VII: Năm Tông Phái Thiền

25/01/201111:44(Xem: 5797)
Chương VII: Năm Tông Phái Thiền

VẠN PHÁP QUI TÂM LỤC
Thiền Sư Tổ Nguyên
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Đắc Pháp

CHƯƠNG VII
NĂM TÔNG PHÁI THIỀN

Tăng hỏi: Ngài Đạt Ma từ Ấn sang “chỉ thẳng nhứt tâm”. Do đâu từ đời Lục Tổ về sau lại chia làm năm phái? Mỗi nhà riêng lập môn đình và bày ra những tướng lạ sai khác nhau?

ĐÁP: Như vàng làm ra đồ vật, mỗi vật đều là vàng. Giống như lủa chia các đèn, nhưng mỗi đèn đều là lửa. Tuy cành sung lá thanh nhưng mà rễ nó vốn một thể. nếu mắt trí rỗng sáng thì tự nhiên rõ pháp không hai.

1- TÔNG LÂM TẾ

HỎI: Chủ trương Tông Lâm Tế như thế nào?

ĐÁP:

Lâm Tế gia phong
Bạch niêm thủ đoạn
Thí như sơn băng
Cơ tợ điện quyện
Xích thủ sát nhơn
Độc chưởng truy mạng
Bổng hát giao tri
Chiếu dụng tề hành
Tân chủ lịch nhiên
Nhơn cảnh tung đoạt
Nhứt thiết sai biệt danh tướng
Bất ly hướng thượng nhứt trứ.

DỊCH:

Thói nhà Lâm Tế
Nắm rõ thủ đoạn
Thí như núi lở
Cơ như điện chớp
Tay không giết người
Tay độc tìm mạng
Gậy, hét lẫn dùng
Chiếu dụng đều hành
Chủ khách rõ ràng
Người cảnh đều đẹp
Tất cả danh tướng sai khác
Không lìa một lối hướng thượng.

HỎI: Thế nào là tám loại gậy? (bát bổng)

ĐÁP: Gậy thưởng, gậy phạt, gậy tung, gậy đoạt, gậy ngu si, gậy hàng ma, gậy tảo tích, gậy vô tình.

HỎI: Thế nào là gậy thưởng?

ĐÁP: Khi người học hỏi một câu, lời rất thân thiết và khế hợp với Đaọ, Sư liền đánh, gọi là gậy thưởng.

HỎI: Thế nào là gậy phạt?

ĐÁP: Khi người học cùng thầy hỏi đáp, tuỳ ý nói loản, xúc phạm người, Sư liền đánh, gọi là gậy phạt.

HỎI: Thế nào là gậy tung?

ĐÁP: Người học được “một biết nửa hiểu” nói một câu, có một chút tương ưng. Sư liền đánh, gọi là gậy tung.

HỎI: Thế nào là gậy đoạt?

ĐÁP: Người học bị “Tạp độc nhập tâm”, nói câu hợp đầu (có vẻ phù hợp), cho là đắc ý. Sư liền đánh, gọi là gậy đoạt.

HỎI: Thế nào là gậy ngu si?

ĐÁP: Người học chủ khách không phân, tà chánh không rõ, mở miệng nói bướng. Sư liền đánh gọi là gậy ngu si.

HỎI: Thế nào là gậy hàng ma?

ĐÁP: Người học nhận cảnh giới ma, nói lời ma quỷ điên cuồng cho là chứng đạo. Sư liền đánh mạnh, gọi là gậy hàng ma.

HỎI: Thế nào là gậy tảo tích? (quét dấu vết)

ĐÁP: Người học chẳng rơi vào phàm tình mà kẹt vào Thánh giải, chẳng lìa hang ổ. Sư liền đánh gọi là gậy tảo tích.

HỎI: Thế nào là gậy vô tình?

ĐÁP: Nói phải cũng đánh, nói chẳng phải cũng đánh, mở miệng cũng đánh, không mở miệng cũng đánh, tất cả đều chẳng còn, gọi là gậy vô tình.

HỎI: Dưới gậy chuyển thân được đạo lý gì?

ĐÁP: Bữa ngay đầu một gậy toàn thân rơi thoát, ý thức tan tành, chơn thường bày bộ một mình. Hàng lợi cơ thì chuyển thân, kẻ căn độn thì điểm trán. Vừa trải qua sự suy nghĩ liền thành một loạt ma mị.

HỎI: Thế nào là bốn loại hét? (tứ hát)

ĐÁP: Một hét như bảo kiếm vua Kim Cang. Một hét như Sư tử ngồi. Một hét như cây sào dò bóng cỏ. Một hét mà không có công dụng của hét.

HỎI: Thế nào là bảo kiếm vua Kim Cang?

ĐÁP: Hay chém ý thức, tình phàm thánh đều hết, lẽ chơn thường riêng chiếu.

HỎI: Thế nào là Sư tử ngồi?

ĐÁP: Hai kiến chấp đoạn thường cùng tất cả tham lậu. Ngồi rống một tiếng làm cho ngói bể băng tiêu.

HỎI: Thế nào là cây sào dò bóng cỏ?

ĐÁP: Như gương chiếu hình tượng đẹp xấu, chơn ngụy, tự nhiên bày mặt thật.

HỎI: Thế nào là không công dụng của tiếng hét?

ĐÁP: Ý thức vừa khởi động, một tiếng hét làm cho tan nát. Chuyển tìm lại tiếng hét, tiếng hét cũng chẳng dùng.

HỎI: Dưới tiếng hét lãnh ngộ, được ý chỉ gì?

ĐÁP: Ra oai một tiếng chẳng có chẳng không, khởi vốn không khởi, rơi vốn không rơi, hội được như vậy, gượng gọi là chánh giác.

HỎI: Thế nào là bốn loại chiếu dụng?

ĐÁP: Một, trước chiếu sau dụng. Hai, trước dụng sau chiếu. Ba, chiếu dụng đồng thời. Bốn, chiếu dụng chẳng đồng thời.

HỎI: Thế nào là trước chiếu sau dụng?

ĐÁP: Trong tự chứng phần dùng trí ứng vật, dùng trí huệ phân biệt tà chánh. Trước bảo: “Nói mua!” đợi suy nghĩ liền hét.

HỎI: Thế nào là trước dụng sau chiếu?

ĐÁP: Trong tự chứng phần. Trước dùng huệ phân biệt, sau dùng trí dứt hết. Trước dựng một ngón tay. Lại hỏi: Hội không?

HỎI: Thế nào là chiếu dụng đồng thời?

ĐÁP: Trong tự chứng phần, trí chẳng lìa huệ, huệ chẳng lìa trí. Đánh cho một gậy hỏi: Lại biết đau nhức chăng?

HỎI: Thế nào là chiếu dụng chẳng đồng?

ĐÁP: Trong tự chứng phần, trí là trí giám, huệ là huệ dụng. Sự yên lặng giây lâu. Tăng suy nghĩ, Sư bèn về phương trượng.

HỎI: Thế nào là bốn loại chủ khách?

ĐÁP: Một là khách trong khách. Hai là chủ trong khách. Ba là khách trong chủ. Bốn là chủ trong chủ.

HỎI: Thế nào là khách trong khách?

ĐÁP: Hướng vào sự, trái lại với lý, tự mê muội bản chơn.

HỎI: Thế nào là chủ trong khách?

ĐÁP: Sự chẳng lìa lý, nhiệm vận toàn chơn.

HỎI: Thế nào là khách trong chủ?

ĐÁP: Lý hay thành sự, chẳng rơi vào thiên không.

HỎI: Thế nào là chủ trong chủ?

ĐÁP: Lý hay thành sự, chẳng rơi vào thiên không.

HỎI: Thế nào là chủ trong chủ?

ĐÁP: Bỏ sự hướng lý, chỉ nhắm vào bổn chơn.

HỎI: Thế nào là chủ khách gặp nhau, phân biệt chánh tà?

ĐÁP: Thầy cùng người học, thêm một lớp khóa vàng. Người học khen thiện gọi là “khách xem khách”. Nếu làm thầy người mắt mình chẳng trong, bị người hiểu khinh lờn, gọi là “khách xem chủ”, mắt thầy trong sáng hay cướp món ăn của người đói, cùng nhổ gốc bệnh cho người, gọi là “chủ xem khách”. Thầy nghiệm xét người, người học bám cảnh chủ bày vẽ, mà khách bất động, gọi là “chủ xem chủ”.

HỎI: Thế nào là bốn liệu giảng?

ĐÁP: Một là đoạt nhơn chẳng đoạt cảnh. Hai là đoạt cảnh chẳng đoạt nhơn. Ba là nhơn cảnh đoạt cả hai. Bốn là nhơn cảnh đều chẳng đoạt.

HỎI: Thế nào là đoạt nhơn chẳng đoạt cảnh?

ĐÁP: Chỉ tự tâm mình không (rỗng) ngại gì ngoại cảnh? Kẻ hạ căn bực hạ đến, đoạt pháp chẳng đoạt cảnh.

HỎI: Thế nào là đoạt cảnh chẳng đoạt nhơn?

ĐÁP: Chẳng trụ vào cảnh bên ngoài, chỉ tâm chiếu soi một mình. Kẻ hạ căn bậc trung đến, đoạt cảnh chẳng đoạt pháp.

HỎI: Thế nào là nhơn cảnh đoạt cả hai?

ĐÁP: Tâm và cảnh đều không (rỗng), thì vọng từ đâu mà có? Hàng trung căn bực thượng đến, cảnh, pháp, nhơn đều đoạt.

HỎI: Thế nào là nhơn cảnh đều chẳng đoạt?

ĐÁP: Tâm tự trụ tâm, cảnh tự trụ cảnh. Hàng thượng căn bậc thượng đến, cảnh pháp đều chẳng đoạt.

HỎI: Thế nào câu thứ nhứt tiến được kham cùng Phật, Tổ làm Thầy?

ĐÁP: Một niệm chẳng sanh, muôn duyên đều không lặng.

HỎI: Thế nào là câu thứ hai tiến được kham cùng người trời làm thầy?

ĐÁP: Một niệm do duyên mà khởi lên, chẳng tiếp tục hai niệm.

HỎI: Thế nào là câu thứ ba tiến được tự cứu chẳng xong?

ĐÁP: Niệm phân biệt vừa sanh khởi, tánh tròn sáng tự mờ.

HỎI: Thế nào là đệ nhứt huyền?

ĐÁP: Bản tánh không lặng.

HỎI: Thế nào là đệ nhị huyền?

ĐÁP: Chơn trí lặng lẽ mà chiếu soi.

HỎI: Thế nào là đệ tam huyền?

ĐÁP: Diệu dụng không ngại.

HỎI: Thế nào là thể trung huyền, cú trung huyền, huyền trung huyền?

ĐÁP: Thể trung huyền là bản tánh không lặng. Cú trung huyền là trong lời mà không lời. Huyền trung huyền là vượt ngoài mọi suy nghĩ.

HỎI: Thế nào là đệ nhứt yếu?

ĐÁP: Chơn thể dứt tuyệt dấu vết.

HỎI: Thế nào là đệ nhị yếu?

ĐÁP: Dụng lớn khôn ngằn.

HỎI: Thế nào đệ tam yếu?

ĐÁP: Một bên cùng ở giữa đều chẳng lập.

HỎI: Thế nào là mười trí đồng chơn?

ĐÁP: Sư ra oai hét một tiếng, hỏi rằng: “đấy là trí thứ mấy”?

HỎI: Thế nào là đồng nhứt chất?

ĐÁP: Tất cả sum la vạn tượng do sự ấn định của một pháp.

HỎI: Hai, thế nào là đồng đại sự?

ĐÁP: Trong ánh sáng của tịch chiếu không thiếu cũng không thừa.

HỎI: Ba, thế nào là tổng đồng tham?

ĐÁP: Loài hữu tình, loài vô tình đều đồng một pháp giới.

HỎI: Bốn, thế nào là đồng chơn trí?

ĐÁP: Các pháp đều bình đẳng, vật và ngã đều nhất như.

HỎI: Năm, thế nào là đồng biến phổ?

ĐÁP: Lớn thì bao trùm pháp giới, nhỏ thì chẳng chứa mũi kim.

HỎI: Sáu, thế nào là đồng cụ túc?

ĐÁP: Trăm ngàn pháp môn chẳng lìa tấc vuông.

HỎI: Bảy, thế nào là đồng đắc thất?

ĐÁP: Nơi thánh chẳng được, ở phàm chẳng mất.

HỎI: Tám, thế nào là đồng sanh sát?

ĐÁP: Rải ra muôn vật đều phát sanh. Thu vào thì lấp cảnh bít hang.

HỎI: Chín, thế nào là đồng âm hẩu?

ĐÁP: Nói khéo hay nói dụng đều trở về đệ nhứt nghĩa.

HỎI: Mười, thế nào là đồng đắc nhập?

ĐÁP: Muôn pháp nhứt tâm, đồng trở về bất nhị, tiếp theo đó, ngài xè hai tay ra nói: “Một trí nầy cùng cái mâm kia bưng ra”.

HỎI: Thế nào là đệ nhứt quyết của Phần Dương?

ĐÁP: Tánh thể vốn lặng.

HỎI: Thế nào là đệ nhị quyết?

ĐÁP: Trí dụng riêng chiếu.

HỎI: Thế nào là đệ tam quyết?

ĐÁP: Tịch chiếu không hai.

HỎI: Thế nào là cửu đái của Phù Sơn?

ĐÁP: Đái là cột, bó lại, nghĩa là bao gồm.

HỎI: Thế nào là “Chánh pháp nhãn tạng đái”?

ĐÁP: Pháp hội Linh Sơn, Phật chưa nói một chữ, cuối cùng Phật đưa cành hoa, ngài Ca Diếp nhận gánh vác.

HỎI: Thế nào là “Phật pháp Tạng đái”?

ĐÁP: Ba Tạng giáo điển cùng năm Tông phái Thiền đều phát xuất từ nhứt tâm.

HỎI: Thế nào là lý quán đái?

ĐÁP: Không kiếp trở về trước, mượn gọi là chánh vị.

HỎI: Thế nào là lý quán đái?

ĐÁP: Không kiếp trở về trước, mượn gọi là chánh vị.

HỎI: Thế nào là “Sự quán đái”?

ĐÁP: Theo dòng đời được lẽ diệu, ứng với muônvật mà được toàn chơn.

HỎI: Thế nào là “Lý sự tung hoành đái”?

ĐÁP: Tùy duyên mà không hề biến đổi, chẳng biến đổi mà tùy duyên.

HỎI: Thế nào là “Khuất phục thùy đái”?

ĐÁP: Chẳng trụ vô vi, chẳng bỏ hết hữu vi. Đi trong phi Đạo, mà thông đạt Phật đạo.

HỎI: Thế nào là “Diệu hiệp kiêm đái”?

ĐÁP: Đại dụng hiện tiền, chẳng câu chấp nơi tiểu tiết, muôn sự muôn vật đều là diệu trí.

HỎI: Thế nào là “kim châm song tỏa đái”?

ĐÁP: Mở mang Phật sự mà chẳng nhờ tạo tác. Bàn tay tín đưa lại, chẳng ràng chẳng buộc.

HỎI: Thế nào là “Bình hoài thường nhật đái”?

ĐÁP: Không thành có thể cầu, không phàm có thể xả. Một tâm thản nhiên lặng lẽ tự hết. Dựng một ngón tay lên nói: “Một đái nầy xem mặt trình nhau”.

2- TÀO ĐỘNG TÔNG

HỎI: Chủ trương của Tông Đào Động như thế nào?

ĐÁP:

Tào Động gia phong
Đạo khu miên mật
Ứng cơ tiếp vật
Ngữ kỵ thập thành
Kim châm song tỏa
Ngọc tuyến ám xuyên
Chánh thiên hồi hỗ
Ngũ vị công huân
Nội ngoại thiệu đẳng
Tam chủng sấm lậu
Nhứt thiếu sai biệt
Bất ly bổn phận.

DỊCH:

Thói nhà Tào Động
Then đạo khít khao
Ứng cơ tiếp vận
Lời kiên mười thành
Kim vàng đều khóa
Chỉ ngọc thầm may
Chánh thiên hồi hỗ
Năm vị công huân
Trong ngoài tiếp nối
Ba loại sấm lậu
Hết thảy sai biệt
Chẳng lìa bổn phận.

HỎI: Thế nào là chánh trung thiên?

ĐÁP: Lý hay thành sự.

HỎI: Thế nào là thiên chung chánh?

ĐÁP: Sự chẳng lìa lý.

HỎI: Thế nào là chánh trung lai?

ĐÁP: Lý vốn không tịch.

HỎI: Thế nào là thiên trung chí?

ĐÁP: Sự, dụng không dấu vết.

HỎI: Thế nào là kim trung đáo?

ĐÁP: Sự lý đều mất.

HỎI: Năm vị công huân như thế nào?

ĐÁP: Năm vị công huân là: Hướng, phụng, công, cộng công, công công.

HỎI: Thế nào là Hướng?

ĐÁP: Hướng đến việc nầy, không cho gián đoạn.

HỎI: Thế nào là Phụng?

ĐÁP: Như kính bậc trưởng thượng, thừa sự phụng hành không lúc nào dừng.

HỎI: Thế nào là Công?

ĐÁP: Có dụng hay không dụng đều gọi là công huân cả.

HỎI: Thế nào là Cộng Công?

ĐÁP: Khi dụng thì không dụng, không dụng tức là dụng.

HỎI: Thế nào là Công Công?

ĐÁP: Đã không công dụng được đại giải thoát.

HỎI: Thế nào là chuyển công tựu vị?

ĐÁP: Dụng chẳng lìa thể.

HỎI: Thế nào là chuyển vị tựu công?

ĐÁP: Thể hay phát dụng.

HỎI: Thế nào là Công vị tề thi?

ĐÁP: Thể Dụng đều bày.

HỎI: Thế nào là Công vị câu ẩn ?

ĐÁP: Thể dụng đều mất.

HỎI: Thế nào là “Đản sanh Vương tử” ?

ĐÁP: Căn bổn đại trí vốn tự hiện thành.

HỎI: Thế nào là “Triêu sanh Vương tử” ?

ĐÁP: Không nhờ tu chứng, thế nào là về gốc?

HỎI: Thế nào là “Mạt sanh Vương tử” ?

ĐÁP: Có tu có chứng chẳng phạm công huân.

HỎI: Thế nào là “Hóa sanh Vương tử” ?

ĐÁP: Đại dụng hiện tiền ai dám đương đầu?

HỎI: Thế nào là “Nội sanh vương tử” ?

ĐÁP: Đạt bổn hoàn nguyên chơn như pháp giới.

HỎI: Thế nào gọi là ba thứ đọa?

ĐÁP: Một là mang lông đội sừng, gọi là loại đọa. Hai là chẳng đoạn thinh sắc, gọi là tùy đọa. Ba là chẳng thọ thực, gọi tôn quí đọa.

HỎI: Thế nào là mang lông đội sừng

ĐÁP: Chẳng mặc áo bổn lai, cần đi trong dị loại.

HỎI: Thế nào là chẳng đoạn thinh sắc?

ĐÁP: Sáu trần không chán, về đồng chánh giác.

HỎI: Thế nào là chẳng thọ thực?

ĐÁP: Lý còn chẳng giữ việc khác ra gì?

HỎI: Thế nào gọi là “ba loại sấm lậu” ?

ĐÁP: Một là kiến sấm lậu, hai là tình sấm lậu, ba là ngữ sấm lậu

HỎI: Thế nào là kiến sấm lậu?

ĐÁP: Không đổi chánh vị, rơi tại một sắc.

HỎI: Thế nào là tình sấm lậu?

ĐÁP: Mắc kẹt hai bên, sóng thức trôi đi.

HỎI: Thế nào là ngữ sấm lậu?

ĐÁP: Thể diuệu chẳng tròn, thốt ra lời ám muội.

HỎI: Thế nào là ba đường tiếp người?

ĐÁP: Điểu đạo, huyền lồ, triển thủ.

HỎI: Thế nào là điểu đạo (đường chim) ?

ĐÁP: Hư không, không vui không giận.

HỎI: Thế nào là huyền lộ?

ĐÁP: Chữ bát thiếu hai phết. (không chữ)

HỎI: Thế nào là triển thủ?

ĐÁP: Chữ nhứt hai đầu rũ. (thành chữ công)

HỎI: Thế nào là chánh vị nhứt sắc?

ĐÁP: Diệu thể vô hình.

HỎI: Thế nào là Đại công nhứt sắc?

ĐÁP: Dụng lớn không ngằn.

HỎI: Thế nào là trí công minh vị?

ĐÁP: Sóng vốn là nước.

HỎI: Thế nào là tá vị minh công?

ĐÁP: Nước hay dậy sóng.

HỎI: Thế nào là tá tá bất tá tá?

ĐÁP: Sóng và nước chẳng hai.

HỎI: Thế nào là toàn siêu bất tá tá?

ĐÁP: Sóng và nước đều trong lặng.

3- TÔNG VÂN MÔN

HỎI: Chủ trương của Tông Vân Môn như thế nào?

ĐÁP:

Vân Môn gia phong
Cô nguy tỉnh tuấn
Cách ngoại đề tê
Tiểu trừ tình kiến.
Tm cú quan kiện
Nhứt tự cơ phong
Bắc đẩu tàng thân
Kim phong thể lộ.
Trụ trượng bột khiêu
Phật tổ thoái hậu.
Trản tử thuyết pháp
Ma ngoại tìm hình
Nhứt thiết ngữ ngôn
Tổng qui hướng thượng.

DỊCH:

Thói nhà Vân Môn
Cô nguy cao vót
Nêu lên dáng ngoài
Cắt trừ tình kiến.
Ba câu khóa cửa
Một chử mũi nhọn
Bắc Đẩu ẩn thân
Gió vàng thể lộ.
Cầm trượng nhảy vọt
Phật Tổ lui sau.
Trản tử nói pháp
Ma ngoại ẩn hình
Hết thảy ngôn ngữ
Gồm về hướng thượng.

HỎI: Thế nào là câu “bao trùm càn khôn” (hàm cái càn khôn cú) ?

ĐÁP: Bao trùm thái hư, ngang suốt ba mé.

HỎI: Thế nào là câu “Cắt đứt các dòng” (tiệt đoạn chúng lưu cú) ?

ĐÁP: Một niệm chẳng sanh, muôn pháp tự dứt.

HỎI: Thế nào là câu “theo nước đuổi sóng” (tùy ba trục lãng cú) ?

ĐÁP: Theo dòng được diệu, ứng vật toàn chơn.

HỎI: Thế nào là nhứt tự quan (cửa một chữ) ?

ĐÁP: Vượt ngoài sự suy nghĩ, chẳng rơi vào hang ổ.

HỎI: Thế nào là Tông Đề Bà?

ĐÁP: Hiện bày trâu trắng, đông xúc tây chạm.

HỎI: Thế nào là suy mao kiếm?

ĐÁP: Muôn sự muôn vật, ngói bể băng tiêu.

HỎI: Ý Tổ, ý kinh là đồng hay khác?

ĐÁP: Chạm chẳng được mà trái chẳng xong.

HỎI: Thế nào là “Bắc đẩu lý tàng thân” ?

ĐÁP: Không dấu vết.

HỎI: Thế nào là “Thể lộ gió vàng” (thể lộ kim phong) ?

ĐÁP: Toàn thân hiện.

4- TÔNG QUI NGƯỠNG

HỎI: Chủ trương Tông Qui Ngưỡng thế nào?

ĐÁP:

Qui ngưỡng gia phong
Cơ dụng viên dung
Thết trung nghiệm nhơn
Cú năng hãm hổ.
Viên tướng sai biệt
Minh lai ám hợp
Cảnh xuất tam sanh
Lưỡng khẩu nhứt thiệt.
Phụ tử hòa xướng
Đạo truyền thiên cổ.

DỊCH:

Thói nhà Qui Ngưỡng
Cơ dụng viên dung
Trong thất nghiệm người
Câu hay hãm hổ.
Tướng tròn sai khác
Sáng đến hợp tối
Gương hiện ba sanh
Một lưỡi hai miệng.
Cha con đồng xướng
Đạo truyền thiên cổ.

HỎI: Thế nào gọi là ba loại sanh?

ĐÁP: Ba loại sanh là tưởng sanh, tướng sanh và lưu chú sanh.

HỎI: Thế nào là tưởng sanh?

ĐÁP: Ý thức bên trong.

HỎI: Thế nào là tướng sanh?

ĐÁP: TRần cảnh bên ngoài.

HỎI: Thế nào là lưu chú sanh?

ĐÁP: Không gián đoạ.

HỎI: Sao gọi là mật nghĩa của viên tướng (tướng tròn).

ĐÁP: Mật nghĩa của viên tướng có sáu loại: một là viên tướng, hai là ám cơ, ba là nghĩa hải, bốn là tự hải, năm là ý hải, sáu là mặc luận.

HỎI: Lấy già làm thể?

ĐÁP: Vẽ một hình tròn (O) đấy là thể

HỎI: Lấy gì làm dụng?

ĐÁP: Vẽ một hình tròn giữa có một đường thẳng từ trên xuống dưới, đấy là dụng.

HỎI: Lấy gì làm trí?

ĐÁP: Vẽ một hình tròn ở giữa có chữ sơn, đấy là trí.

HỎI: Trong tướng tròn viết chữ Ngưu, chữ Phật, chữ Nhơn, chữ Tư, chữ Thập,chữ Vạn, một điểm, một nét, bán nguyệt, khuyết nguyệt … chẳng nhứt định, đấy là ý chỉ gì?

ĐÁP: Đưa tay tiếp người, nêu rõ hay ngầm, chẳng lìa thể dụng, lý sự chủ khách, sanh sát, buông hay nắm, quyền thật, ẩn hiện, đồng dị, tổng biệt, ngầm ấn bản tâm. Đấy gọi là một nghĩa của Tam muội ẩn thân. Phải là người thật tỏ ngộ mới hiểu suốt được cơ nầy. Bọn môn đồ của nghĩa giải khó hiểu được liền.

HỎI: Thế nào là “mở mắt ngước nhìn” (bình phục mục ngưỡng thị)?

ĐÁP: Chạm chẳng được mà trái chẳng xong.

HỎI: Thế nào là một lưỡi hai miệng?

ĐÁP: Chẳng được có lời cũng chẳng được không lời.

HỎI: Thế nào là trước nhiên đăng (nhiên đăng tiền)?

ĐÁP: Thể tịch.

HỎI: Thế nào là chánh nhiên đăng?

ĐÁP: Tịch chiếu (lặng lẽ và chiếu soi).

5- TÔNG PHÁP NHÃN

HỎI: Chủ trương của Tông Pháp Nhãn thế nào?

ĐÁP:

Pháp Nhãn gia phong
Đối chứng thí dược
Thùy cơ tốc lợi
Tảo trừ tình giải.
Lục tướng nghĩa môn
Hội qui tánh địa
Vạn tượng chi trung
Toàn thân độc lộ.
Tam giới duy tâm
Vạn pháp duy thức
Trực siêu dị kiến
Viên dung chơn tế.

DỊCH:

Thói nhà Pháp Nhãn,
Đối bịnh cho thuốc
Phương tiện bén nhạy
Quét sạch tình giải.
Sáu tướng nghĩa môn
Gom về tánh địa
Ở trong muôn tượng
Toàn thân một đường.
Ba cõi duy tâm
Muôn pháp duy thức
Vượt thẳng dị kiến
Chan hòa chơn tế.

HỎI: Thế nào là sáu tướng nghĩa?

ĐÁP: Sáu tướng nghĩa là: Tổng, biệt, đồng, dị, thành, hoại.

HỎI: Thế nào là Tổng?

ĐÁP: Nhứt tâm chơn như gồm nhiếp các pháp.

HỎI: Thế nào là biệt?

ĐÁP: Tâm sanh các pháp, nhưng các pháp không phải một.

HỎI: Thế nào là đồng?

ĐÁP: Pháp do tâm sanh, tâm pháp không hai.

HỎI: Thế nào là dị?

ĐÁP: Pháp là pháp tướng, tâm là tâm lý.

HỎI: Thế nào là thành?

ĐÁP: Tâm sanh các pháp, pháp hay thành sự.

HỎI: Thế nào là hoại?

ĐÁP: Gom pháp về tâm, tâm không (rỗng) pháp mật.

HỎI: Tứ liệu giản của Thiều Quốc Sư như thế nào?

ĐÁP: Tứ liệu giản của Thiểu Quốc Sư là: Văn văn, văn bất văn, bất văn văn, bất văn bất văn.

HỎI: Thế nào là văn văn?

ĐÁP: Lặng lẽ (tịch) nhưng mà thường hay chiếu soi (chiếu).

HỎI: Thế nào là văn bất văn ?

ĐÁP: Chiếu soi nhưng mà thường lặng lẽ.

HỎI: Thế nào là bất văn văn?

ĐÁP: Tịch chiếu không hai.

HỎI: Thế nào là bất văn bất văn?

ĐÁP: Tịch chiếu đều mất.

Sư nói thâm: Giáo ngoại biệt truyền, Tông chỉ hướng thượng, quả như vậy ư? Nếu chỉ như thế có thể gọi là khẩu truyền, có gì kỳ đặc? Còn nếu chẳng như thế lại làm sao sanh? Hãy tham!







Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com