Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 4

18/04/201317:33(Xem: 2987)
Phần 4

NHỮNG TRUYỆN DUYÊN KHỞI

TRONG LUẬTBÍ-SÔ-NI

Lược thuật:Giác Tuệ

Hiệu đính:Thích Đỗng Minh

Chú thích:Tâm Nhãn

--- o0o ---

Phần 4

KHÔNG NÊN NHẬN Y TỪ BÍ-SÔ CHẲNG PHẢI BÀ CON

Lúc bấy giờ, đức Phật ở vườn Cấp-cô-độc, rừng Thệ-đa, tại thành Thất-la-phạt. Khi chưa ngăn cấm Bí-sô ni ở nơi A-lan-nhã, thì bấy giờ, có các ni đến trong rừng vắng tu tập tịnh lự, hưởng thọ cái định vui thắng diệu. Bấy giờ, Bí-sô ni Liên Hoa Sắc, cùng năm trăm đồ chúng, đều đến trong rừng tối, dưới gốc cây, ngồi bán già, nhập diệt tận định. Sau buổi xế chiều, các cô ni khác muốn trở về thành Thất-la-phạt, nên bảo như vầy:

- Ta nên kêu thánh giả Liên Hoa Sắc xuất thần.

Có người lại nói:

- Thánh giả đủ đại oai thần, ta nên vào trước trong chùa, không cần phải gọi làm chi.

Do vậy, họ tự ra về. Mãi đến sẫm tối, Liên Hoa Sắc mới xuất định, nhìn khắp, thấy các ni đều đi hết, liền nghĩ: “Ta nên vào thành hay nên ở lại đây ?”. Nghĩ rồi, thánh giả lại nhập định.

Bấy giờ, có năm trăm tên giặc, cướp đoạt của người, rồi đến bên rừng này cùng nhau bàn nói: “Phân nửa số người chia vật, phân nửa số người phòng thủ”. Họ vào trong rừng, thấy cô ni nhập định, có người nói là gốc cây, có kẻ nói là người, có người lại nói là Bí-sô. Bấy giờ, trong bọn giặc có người tu xuất, bảo rằng:

- Ðây là Bí-sô ni, chẳng phải Bí-sô.

Những người kia hỏi:

- Làm sao biết được ?

Người tu xuất trả lời:

- Bí-sô thì ngồi toàn già, ni thì ngồi bán già. Người này ngồi bán già, nên rõ thật là ni.

Ðồ chúng của bọn giặc tự nghĩ và nói:

- Chúng ta nên biết, nơi đây là rừng tối đáng sợ, mà lại có một Bí-sô ni, có thể ở lại đêm nơi đây, thật là hy hữu !

Họ liền đến chỗ tướng quân của họ. Tướng quân hỏi:

- Trong rừng này, anh em có thấy điều gì kỳ lạ hay chăng ?

Bọn giặc trả lời:

- Có thấy ! Trong khu rừng tối đáng sợ này mà lại có một cô ni, có thể ở lại đêm nơi đây.

Tướng quân nghe rồi, bảo người phòng hộ rằng:

- Ta thử đến đó xem !

Tướng quân thấy Bí-sô ni dung nhan đoan chánh, khiến ai cũng muốn nhìn, và oai nghi lại tĩnh lặng, người thấy đều thâm kính. Tướng quân khâm phục và khen ngợi:

- Hiện tại, nơi rừng này có hai điều khả ái: một là ánh sáng của mặt trăng chiếu soi, hai là Bí-sô ni hình dung rực rỡ kỳ lạ.

Tướng quân bảo:

- Nên kêu cô ni dậy, để ta dâng thức ăn.

Người tu xuất kia bảo rằng:

- Người này không ăn phi thời.

Tướng quân lại nói:

- Ở trong rừng này lại có hai điều khả ái: một là dung nghi đoan chánh, hai là không ăn phin chánh, hai là không ăn phi thời cô ni uống rượu.

Người tu xuất báo cáo:

- Người này không uống rượu.

Tướng quân nói:

- Trong rừng này lại có hai điều khả ái: một là Bí-sô ni nhan sắc đoan chánh, hai là lại không uống rượu.

Tướng quân bảo tiếp:

- Nay ta may mắn gặp đám ruộng phước hơn đời, mà không dâng cúng được một món ăn thức uống nào !

Tướng quân liền dùng diệp y quý báu phủ lên thức ăn ngon nhất, đem treo trên nhánh cây, với ý nghĩ: “Thánh giả dung nghi tĩnh lặng này, không điều gì không hay biết. Nay ta để y thực nơi đây, nếu được may mắn, xin người từ bi sẽ vì ta mà thọ dụng”. Với ý nghĩ như vậy, rồi để đó ra đi.

Ðến sáng ngày hôm sau, Liên Hoa Sắc từ định đứng dậy, nhìn thấy dấu chân của nhiều người, nhìn thấy năm trăm bọn giặc, đã đến đây rồi bỏ ra đi, lại quán sát nơi thân mình, xem có bị việc xú ố hay chăng. Liên Hoa quán biết vẫn thanh tịnh. Sau đó, lại thấy diệp y treo trên nhánh cây, liền nghĩ: “Ðây là vật do từ tịnh tâm kính tín dâng đến”. Liên Hoa Sắc lại nghĩ tiếp: “Nếu ta đợi có người trao thức ăn, thì sợ cầm thú đến phá hoại tịnh thí kia. Nay ta nên mang phẩm vật này đến dâng cúng cho Tăng”.

Như đức Phật có dạy: “Ni có tiếp xúc Bí-sô cũng tịnh, Bí-sô tiếp xúc ni vẫn là tịnh”, Liên Hoa Sắc liền dùng tay mang đến rừng Thệ-đa. Thường thường, Lục chúng lúc nào cũng có mặt một hay hai người của họ, đứng nơi cửa ngõ. Bấy giờ, Ô Ba Nan Ðà đang đi kinh hành trước cửa, từ xa thấy Bí-sô ni đến, liền hỏi:

- Ðại muội, trời chưa sáng, cửa thành đã mở rồi à ?

Cô ni đáp:

- Thưa Ðại đức, chẳng phải tôi ngủ trong thành, mà tôi từ rừng tối đến đây.

Ô Ba Nan Ðà nói:

- Ðại muội, ban ngày, tôi vào trong rừng ấy, thân tâm còn sợ sệt, tóc lông dựng đứng. Bằng cách nào mà đại muội một mình dám ở nơi đó ? Nơi tay đại muội cầm vật gì vậy ?

Bí-sô ni trình bày đầy đủ mọi việc, và nói:

- Ðây là tịnh tâm của bọn giặc để lại.

Ô Ba Nan Ðà nói:

- Ðại muội, thấy oai nghi của cô, giặc sanh kính ái, nên cô mới nhận được vật này; chứ nếu thấy tôi, thì ắt bọn giặc cho một hèo, rồi khiến tôi mang đồ đi !

Ô Ba Nan Ðà nói tiếp:

- Ðại muội, nếu có được bạch diệp mới và tốt như vầy, mà cắt may Tăng-già-chi hai lớp, thì đối với nếp sống thiểu dục, tu các thiện pháp, thật là điều tốt đẹp biết bao !

Cô ni nói:

- Thánh giả cần y này chăng ?

Ðáp:

- Nếu cô có dư, thì tùy tình càng tốt.

Cô ni bảo:

- Thánh giả chờ một chút, tôi mang tiểu thực phụng hiến cho Tăng, rồi trở lại đây mang y dâng cúng.

Ô Ba Nan Ðà liền nghĩ: “Nếu các Hắc Bát thấy, thì ắt họ xin y này, mình đâu có được”. Nghĩ như vậy rồi, liền bảo:

- Này đại muội, đại muội có thể đứng tại đây, tôi kêu người phụ trách tiểu thực ra nhận thức ăn.

Cô ni đồng ý, nên Ô Ba Nan Ðà liền về chùa, thấy người phụ trách nhận thức ăn đứng không, liền bảo:

- Cụ thọ, thí chủ ở ngoài cửa gánh thức ăn khổ sở, cụ thọ ở không, nên ra nhận thức ăn cúng dường gấp !

Cụ thọ ấy liền đem đồ đựng ra ngoài cửa chùa, đến chỗ Bí-sô ni nhận thức ăn tiểu thực. Cô ni trao thức ăn rồi, mang y bạch diệp đến dâng cho Ô Ba Nan Ðà. Nhận được y, Ô Ba Nan Ðà vui mừng chú nguyện:

- Cô cúng vật này với tâm anh lạc, với tâm giúp đỡ, thì mong rằng định huệ trang nghiêm, sẽ đạt được con đường đi đến nhơn thiên, thọ dụng theo ý muốn, y phục thắng diệu, cuối cùng đạt đến Vô thượng an ổn Niết-bàn.

Ô Ba Nan Ðà chú nguyện xong, liền ra đi. Bấy giờ Bí-sô Liên Hoa Sắc lại nghĩ: “Nay ta nên về lại bổn xứ, hay đến kính lễ đức Thế Tôn ? Từ lâu, ta chưa đến kính lễ Thế Tôn, nay ta nên đến kính lễ Phật”. Nghĩ vậy, liền đến kính lễ Thế Tôn, xong rồi ngồi qua một bên. Bấy giờ, năm y của Bí-sô ni 1bị hư rách, đức Thế Tôn thấy vậy, hỏi A Nan Ðà rằng:

- Ni chúng Bí-sô, mùa an cư, lợi dưỡng có đầy đủ không ?

A Nan Ðà bạch Phật:

- Ðầy đủ.

Ðức Phật hỏi:

- Tại sao năm y của Liên Hoa Sắc bị hư rách ?

A Nan Ðà thưa:

- Kính bạch Ðại đức, Bí-sô ni này do lòng tin kiên cố, ý ưa thuần thiện, những vật nhận được, đối với Tam bảo thảy đều hỷ xả. Người đến xin không trái ý họ. Vừa rồi, tại trú xứ, cô có nhận được đại diệp mới và tốt, lại đem dâng cúng cho tôn giả Ô Ba Nan Ðà.

Ðức Phật bảo A Nan Ðà:

- Bí-sô đối với ni không phải bà con, nên nhận y hay chăng ?

A Nan Ðà thưa:

- Ðúng như vậy, không nên nhận.

Ðức Phật bảo A Nan Ðà:

- Bí-sô không phải bà con, thì không biết được Bí-sô ni này có đủ năm y hay không, nên tùy theo đó, khi họ dâng cúng, có thể không nhận. Nếu Bí-sô ni là bà con, thì biết họ thiếu, nên không nhận.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bảo A Nan Ðà:

- Số y còn chứa trong phòng lớn, nên lấy năm y trao cho Bí-sô ni Liên Hoa Sắc.

Tôn giả A Nan Ðà vâng lời Phật dạy, lấy năm y trao cho ni Liên Hoa Sắc.

Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng nhân duyên này, bảo các Bí-sô ni, cũng không nên đến Bí-sô chẳng phải bà con nhận y... Rồi vì hai bộ đệ tử, chế học xứ này:

Bí-sô ni nào, nhận y từ Bí-sô chẳng phải bà con, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.

BÍ-SÔ NI ÐƯỢC NHẬN Y QUÝ GIÁ RỒI TRAO ÐỔI CÙNG BÍ-SÔ

Lúc bấy giờ, tại thành Thất-la-phạt, có một trưởng giả giàu, có nhiều của cải, việc thọ dụng phong túc. Của nhà như vua Tỳ-sa-môn, cưới người nữ vọng tộc làm vợ. Tuy ăn ở với nhau lâu ngày mà không có con, lòng luôn âu lo suy nghĩ: “Nay trong nhà ta có nhiều của quý báu, mà không có người kế thừa. Sau khi ta chết, tài sản có được này, mà không có con, thì sẽ bị nhập vào kho nhà vua. Lương thực đi đường cho đời sau lại chưa tu tập”, nên lấy tay chống má than dài thở ra. Người vợ thấy vậy, hỏi:

-Tại sao mình ưu sầu, lấy tay chống má vậy ?

Ông chồng trả lời:

- Này hiền thủ, nay ta làm sao không ưu sầu được !

Rồi ông ta thuật lại hết những gì mình đã nghĩ. Người vợ nói:

- Thế nào là tu tập để làm lương thực cho đời sau ?

Người chồng nói:

- Này hiền thủ, nếu có thể dùng đồ ăn thức uống ngon bổ, cúng dường cho Phật và Tăng. Khi các ngài ăn xong, chúng ta dâng cúng cho mỗi người một cặp bách diệp thượng hạng, thì đó gọi là tu tập để làm lương thực cho đời sau.

Người vợ hỏi:

- Như vậy, tại sao không làm ?

Lúc bấy giờ, ông trưởng giả đến chỗ đức Phật, kính lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Ðức Phật dùng diệu pháp chỉ bày những điều an vui lợi ích xong, rồi ngồi im lặng. Ông trưởng giả từ chỗ ngồi đứng dậy, phủ y một bên vai, chắp tay bạch Phật:

- Kính bạch đức Thế Tôn, cúi xin Ngài thương xót, con xin thỉnh Ngài và Bí-sô Tăng, sáng mai đến nhà con, thọ nhận sự cúng dường ít ỏi của con.

Ðức Thế Tôn im lặng thọ nhận. Ông trưởng giả biết Phật đã nhận lời, liền kính lễ cáo lui.

Ðêm đó, trưởng giả sửa soạn đầy đủ các món đồ ăn thức uống ngon bổ, an trí chỗ ngồi và đồ đựng nước sạch. Sáng ngày, sai sứ đến bạch Phật.

Sáng hôm đó, đức Thế Tôn đắp y bưng bát cùng chúng Bí-sô đến nhà trưởng giả, đến tòa an tọa. Trưởng giả thấy đức Phật và chúng Tăng như pháp ngồi xuống xong, liền đem đồ ăn thức uống ngon bổ chính tay dâng cúng, theo thứ tự đầy đủ. Khi súc miệng xong, Phật và Tăng đều được dâng cúng mỗi vị một cặp bạch diệp thượng hạng. Ông trưởng giả liền dùng ghế thấp, ngồi ngay trước đức Thế Tôn để nghe diệu pháp. Ðức Phật tùy theo căn tánh, mà chỉ bày những điều an vui lợi ích. Sau khi vì thí chủ nói pháp yếu, và chú nguyện xong rồi, từ chỗ ngồi ra về.

Bấy giờ, trưởng giả đưa chân đức Thế Tôn ra về, nhiễu quanh ba vòng, kính lễ sát chân, rồi trở lên trên lầu tu niệm xả thí. Bấy giờ, ông trưởng giả bảo người vợ rằng:

- Này hiền thủ, người nên sanh tâm vui mừng hơn hết. Nay tôi đã tạo ra lương thực cho đời sau rồi đó.

Bà vợ liền bảo:

- Tuy anh đã tu, nhưng em chưa tu.

Trưởng giả bảo:

- Việc tu phước hôm nay, há không cùng chung hưởng sao ?

Người vợ bảo:

- Tuy biết là cùng chung hưởng, nhưng lòng em có nguyện thỉnh Ðại thế chúa và ni chúng Bí-sô đến nhà thọ thực và dâng mỗi vị một cặp bạch diệp thượng hạng, đó là phần lương thực đời sau của em.

Trưởng giả nói:

- Hay lắm, tốt lắm ! Em cứ làm theo ý nguyện.

Bấy giờ, vợ chồng trưởng giả liền đến chỗ Bí-sô ni Ðại thế chúa, kính lễ sát chân, ngồi qua một bên. Khi nghe diệu pháp rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy thưa:

- Kính thưa thánh giả và chúng Bí-sô ni, cúi xin dũ lòng thương xót, con xin được thỉnh thánh giả và ni chúng, sáng mai đến nhà con thọ nhận sự cúng dường ít ỏi của con...

Bấy giờ, vợ chồng trưởng giả dùng cái thùng lớn đựng đầy bạch diệp thượng hạng, ngay trước tòa mở ra. Ðại thế chúa liền nghĩ: “Ðức Thế Tôn đã chế giới, không cho Bí-sô ni nhận y phục thượng hạng. Nay ta nhận thì trái với học xứ. Nếu không nhận thì trở ngại cho việc tu phước của thí chủ, và các Bí-sô ni lại mất lợi dưỡng”. Ni chúng cũng nghĩ: “Nếu Ðại thế chúa nhận y này, thì thật là điều tốt lành”.

Ðại thế chúa biết được lòng của ni chúng rồi, liền nghĩ: “Ðức Thế Tôn cũng sẽ ứng theo duyên sự này, mà cho phép nhận y tốt”. Ðại thế chúa nhận hết số y, và vì vợ trưởng giả nói kệ chú nguyện, rồi từ chỗ ngồi cáo lui, đến chỗ đức Thế Tôn, với đầy đủ oai nghi hằng ngày, đem mọi việc trình bày đầy đủ lên đức Thế Tôn. Ðức Phật bảo Ðại thế chúa:

- Lành thay, lành thay ! Như Lai chưa cho phép, mà ngươi đã tự biết thời. Từ nay về sau, cho phép Bí-sô ni nhận y quý giá, để rồi trao đổi cùng Bí-sô.

Ðại thế chúa vâng lời đức Phật dạy, kính lễ sát chân cáo lui, rồi về lại trú xứ của ni, báo cáo rằng:

- Ðức Thế Tôn có dạy: Từ nay, cho phép Bí-sô ni được nhận y quý giá, rồi trao đổi cùng Bí-sô, lấy loại y thô, tùy ý thọ dụng. Bí-sô ni nhận được y rồi, đến rừng Thệ-đa trao đổi lại cùng Bí-sô.

Bấy giờ, mười hai chúng Bí-sô ni liền mang y quý đến nơi lục chúng, báo rằng:

- Thưa thánh giả, đức Thế Tôn có dạy: Từ nay, cho phép Bí-sô ni được nhận y quý giá, rồi trao đổi cùng Bí-sô. Nay thánh giả nên lấy y tốt này, trao cho tôi y thô.

Lục chúng nói:

- Các cô cho, tôi còn chưa nhận, huống là đổi chác với hạng người ngu si, vô thức, không tự do như các cô hay sao ?

Các ni chúng khác, đều theo ý mình, mang y nhận được đến chỗ Bí-sô trưởng lão, thuật lại mọi việc trên, rồi đem y cùng trao đổi.

Bí-sô già nói:

- Các cô chờ một chút, tôi sẽ thỉnh tôn ý đức Phật.

Bí-sô ấy liền đến chỗ đức Phật, bạch:

- Kính bạch Ðại đức Thế Tôn, có Bí-sô ni đem y đẹp đến chỗ con, xin đổi lấy y thô, không biết việc ấy thế nào ?

Ðức Phật bảo:

- Ta cho phép, Bí-sô từ nay được nhận y đổi chác từ Bí-sô ni. Khi đổi y, nên làm sao để cho Bí-sô ni hoan hỷ và không hối hận.

Lúc ấy, đức Thế Tôn tán thán người trì giới, thiểu dục, tri túc, rồi chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, nhận y từ nơi Bí-sô không phải bà con, trừ đổi chác, Ni-tát-ky-ba-dật-để-ca.

KHÔNG NÊN CẦM GIỮ VẬT BÁU

Khi đức Thế Tôn ở rừng Thệ-đa, tại nước Chiêm-ba 1, có một trưởng giả, thâm tín, thuần thiện, dùng vật tốt nhất để dâng cúng. Vị trưởng giả này vì đức Phật và chúng Tăng, tạo lập trú xứ. Cửa ngõ, cửa sổ, lan can trang trí đẹp đẽ, mọi người đều thích nhìn. Vì muốn sanh thiên nên nhiều ni chúng an cư tại đây. An cư xong, việc tùy ý cũng rồi, chư ni thưa với ông trưởng giả:

- Nay chúng tôi muốn đến nơi thành Thất-la-phạt, kính lễ sát chân đức Ðại sư và các kỳ túc trưởng lão, nhưng Bí-sô ni hiện thiếu y phục, xin ông giúp cho !

Ông trưởng giả thưa:

- Thưa thánh giả, người ở đây không có y diệp tốt nhất, nghe đoàn thương nhân sắp đến đây, đợi khi họ đến, tôi sẽ dâng cúng.

Bí-sô ni thưa:

- Này trưởng giả, nếu không có vật tốt thì cho vật xấu.

Ông trưởng giả nói:

- Thưa thánh giả, tánh của tôi thường dâng cúng vật tốt, làm sao nay lại dùng vật xấu để cúng. Nếu chư ni không đợi được, thì số tiền sắm y có thể mang theo.

Các ni đáp:

- Này ông trưởng giả, đức Thế Tôn chế giới: không cho chúng tôi cầm tiền.

Ông trưởng giả thưa:

- Nếu như vậy, thì thà là tôi không cúng, chứ tôi không thể dùng thứ xấu để dâng cúng.

Cuối cùng, các ni chúng không nhận được gì, bèn ra đi. Trên đường đi đến thành Thất-la-phạt, các ni gặp chào nhau:

- Lành thay, chào các cô mới đến ! Há chẳng phải các cô an cư tại chỗ, nhận được nhiều y phục, tại sao lại mặc y phục xấu rách mà đến đây như vậy?

Chư ni trả lời:

- Không có y có thể nhận.

Bí-sô ni hỏi:

- Các cô an cư tại trú xứ nào ?

Các ni trả lời:

- Tại nước Chiêm Ba.

Hỏi:

- Nương vào ai ?

Thưa:

- Trưởng giả tên là...

Hỏi:

- Nghe ông trưởng giả ấy ưa cúng y hảo hạng, tại sao không cúng dường ?

Thưa:

- Vì tại địa phương đó, nên chúng tôi không nhận được y.

Hỏi:

- Lý do tại sao ?

Chư ni trình bày đầy đủ mọi việc. Các Bí-sô ni tại trú xứ này nghe rồi bạch lại các Bí-sô. Các Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật liền nghĩ: “Có những Bà-la-môn, trưởng giả, cư sĩ.v.v... thành kính tin ưa, hoan hỷ muốn dâng cúng tiền sắm y cho Bí-sô ni; các đệ tử của ta cũng thật tình muốn được y. Ta nên tác pháp, để các Bí-sô ni được nhận, không phải thiếu hụt”. Do đó, Như Lai mới bảo các Bí-sô ni rằng:

- Nếu có người cúng tiền sắm y, cần dùng thì nhận. Nhận rồi liền khởi tâm là vật của người kia nhờ mình cất giữ. Song các Bí-sô ni nên tìm gởi nơi người chấp sự.

Bí-sô ni không biết tìm người gởi như thế nào ?

Ðức Phật dạy:

- Nên tìm người trong nhà chùa, hoặc Ô-ba-tư-ca. Người trong nhà chùa là tịnh nhân. Ô-ba-tư-ca là người thọ tam quy ngũ giới. Nên hỏi họ rằng: “Ngươi có thể vì tôi làm người thí chủ được không ?”. Nếu họ nói là “Có thể”, thì đặt lòng tin gởi gắm nơi họ, giao cho họ cất. Mọi vật nhận được nhờ họ cất giữ, không nên tự mình cầm giữ.

Bấy giờ, có Bí-sô ni vừa đến chỗ mới, nên nghĩ: “Nay ta đến đây chưa có thí chủ”, liền sanh tâm hối hận. Các ni bạch lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dạy:

- Dầu cho đi xa, miễn là người thí chủ kia còn sống, thì vẫn là người thí chủ của mình.

Bấy giờ, có Bí-sô ni chưa tìm được người thí chủ, có người dâng cúng vật, Bí-sô ni nghi, không dám thọ nhận. Ðức Phật dạy:

- Nên nhận. Nhận rồi, đem vật ấy đổi cho một Bí-sô ni khác, và nói như vầy: “Cụ thọ, ngài nhớ nghĩ cho, tôi Bí-sô ni tên là... nhận được vật bất tịnh này. Tôi sẽ đem vật bất tịnh này để đổi lấy tịnh tài”. Nói như vậy ba lần, rồi tự nhận dùng, chớ có tâm nghi.

Bấy giờ, có thí chủ xây dựng tự viện nơi biên giới, dâng cúng cho Tăng, thường bị giặc cướp đến khủng bố. Bí-sô ni kia tự bỏ chùa đi, nên bọn giặc đến lấy vật dụng trong chùa. Ðức Phật dạy:

-Nếu vậtcủa Tăng, vật của Tốt-đô-ba [1], như vàng, bạc, tiền, bảo vật.v.v... nên cất giữ chắc chắn, sau đó mới di chuyển.

Tuy nói cất giữ, nhưng ni không biết sai ai cất giữ. Ðức Phật dạy:

- Hoặc tịnh nhơn, hoặc Ô-ba-sách-ca cất giữ.

Trường hợp người cất giữ kia lấy luôn vật, đức Phật dạy:

- Ô-ba-sách-ca có tín tâm mới sai cất giữ. Nếu họ không có thâm tín thì nên sai Cầu tịch nữ [2]. Nếu không có Cầu tịch nữ, thì ni tự cất giữ.

Ni lại không biết cất giữ bằng cách nào, đức Phật dạy:

- Nên đào hầm.

Ni không biết sai ai đào, đức Phật dạy:

- Nên sai tịnh nhân, hoặc Ô-ba-sách-ca.

Những người này lại lấy trộm vật, đức Phật dạy:

- Nên sai người có tín tâm. Nếu không có người có lòng tin, thì sai Cầu tịch nữ. Nếu Cầu tịch nữ không có, thì nên tự đào lấy. Sau khi giặc cướp đi rồi, nên đem vật ấy hoàn lại cho Tăng như trước. Vì nạn duyên nên ta khai cho điều này. Sau khi nạn duyên hết, thì không nên áp dụng. Nếu vẫn áp dụng thì mắc tội Việt pháp.

XUẤT NHẬP CẦU LỢI

Khi đức Thế Tôn ở tại rừng Thệ-đa, vườn ông Cấp-cô-độc, thì lúc ấy, xa gần đều nghe trung quốc có Phật xuất hiện ở đời. Các vị Thanh văn đệ tử có đại thần thông, làm các việc biến hóa, rộng nói diệu pháp. Nếu có người nào đối với hàng đệ tử kia, làm việc cúng dường thì sẽ được quả báo lớn, càng thêm nhiều ích lợi.

Vào lúc ấy, phương Bắc có các thương khách nghe tiếng đồn như vậy, cùng nhau bàn bạc: “Quý vị nên biết, chúng ta nên đến trung quốc cùng nhau giao dịch, một là được nhiều lợi nhuận, hai là cúng dường Tam bảo”. Các thương nhân có nhiều hàng hóa của cải, vận chuyển đến thành Thất-la-phạt. Trong thành này có một lõa hình ngoại đạo, giỏi về thiên văn, tiên đoán việc sẽ xảy ra, đến chỗ thương chủ, nói:

- Thiện lai, thương chủ ! Cha của người tên là..., mẹ của người tên là.... Người vận chuyển hàng hóa như vậy đến đây, ngày đó đến sẽ được lợi nhuận như vậy...

Thương chủ nghe rồi, liền nghĩ: “Ta đã từng nghe đệ tử đức Thế Tôn có đại thần biến, làm mưa, làm gió..., trước đây chưa hề có, người đó là đây rồi”. Họ bèn dùng tơ lụa màu chu ở phương Bắc, các quả mang đến dâng cúng. Ngoại đạo kia nhận được rồi, liền mặc đi đến chỗ đồng bạn. Bạn thấy hỏi, người kia trình bày đầy đủ. Ðồng bạn nói:

- Này ông bạn, chúng ta thường bị Sa-môn Thích tử khinh miệt. Họ thường nói với tôi rằng: “Các ông không hề gần gũi với hạng người cao quý tốt nhất, chỉ có thể lân la được với giới người làm thuê, làm mướn, cùng đinh, Chiên-trà-la 1”. Nay ông bạn nên mặc chiếc áo cao quý này, đến chỗ Thích tử, để họ đau nhói tâm can chơi !

Ngoại đạo liền mặc chiếc áo lông quý giá đó, đến rừng Thệ-đa. Bấy giờ, Ô Ba Nan Ðà đang đi bách bộ ngoài cửa rừng Thệ-đa, từ xa thấy ngoại đạo đi đến, liền khởi ý nghĩ: “Ngoại đạo mặc chiếc áo tốt kia, nếu ta không lấy được chiếc áo ấy, thì không xứng với tên Ô Ba Nan Ðà”. Ngoại đạo kia đi gần đến, Ô Ba Nan Ðà liền hỏi:

- Này ngoại đạo, ông mới vừa hoàn tục hay chăng ?

Ngoại đạo ngạc nhiên nói:

- Tôi đâu có hoàn tục !

Ô Ba Nan Ðà hỏi:

- Nếu không hoàn tục, thì tại sao lại mặc chiếc áo của người thế tục ?

Ngoại đạo kia mới trình bày rõ ràng mọi việc. Ô Ba Nan Ðà nói:

- Ðó không phải là việc làm tốt. Với tuổi tác cao, già nua như ông, há lại cho phép làm việc phá giới sao ? Ông hãy ngồi tạm, để nghe tôi nói pháp yếu.

Ngoại đạo theo lời khuyên, ngồi xuống. Ô Ba Nan Ðà tâm hoan hỷ, vì ngoại đạo nói pháp. Khi Ô Ba Nan Ðà vì người nói pháp xả thí, thì người nào nghe cũng đều muốn chính mình tự xẻo thịt nơi thân để làm việc bố thí.

Ô Ba Nan Ðà lại nói với ngoại đạo:

- Ðại sư của ông tánh ưa thô thiển, dạy ông cùng môn đồ lõa hình và nhổ tóc, đi nhiều đứng ít, thường nằm nơi đất. Nếu đại sư của ông tánh ưa thích y thực tốt đẹp, thì sẽ cho phép ông mặc những chiếc áo thượng hạng, giá trị ngàn vạn; ăn uống thì trăm vị, tùy ý thọ hưởng; phòng xá để ở thì trị giá trăm ngàn. Nhưng vì đại sư ông tánh tình khiêm tốn, nên đã không cho phép làm những điều đó. Ðại sư của tôi với lòng rộng lớn, cho phép các hàng đệ tử mặc y thì đáng giá, nhận thức ăn thì trăm vị, phòng xá để ở thì giá đến ngàn vàng. Nếu ông mặc chiếc y quý giá tốt đẹp này đi khất thực, thì người tín kính sẽ có ý nghĩ: “Nay ngoại đạo này thân hành phá giới, đưa đến vấn đề ẩm thực sẽ gặp khó khăn, để tự nuôi thân”. Thượng y này của ông nên trao lại cho tôi, tôi sẽ dùng lông tơ đổi lại. Khi tôi mặc y này đi vòng quanh khất thực, có người tịnh tín nào đến hỏi, tôi sẽ trả lời: “Có người ngoại đạo lõa hình tên... họ... mặc rồi trao cho tôi”. Họ sẽ biết ông là người có lòng tin sâu xa. Khi nào ông đi khất thực, họ vừa thấy, liền đem rượu ngon rót đầy bát cúng dường ông.

Ngoại đạo lõa hình kia nghe xong, liền sanh lòng tin vui, nói:

- Ðại đức, nếu vậy thì Ðại đức có thể lấy chiếc y này.

Ô Ba Nan Ðà liền chú nguyện:

- Cầu mong ông vô bệnh, trường thọ ! Song, đồ đảng của ông bần cùng khổ sở, khi nghe ông thí xả chiếc áo này, họ khiến đoạt lại thì sao ?

Ngoại đạo lộ hình nói:

- Ðại đức, chiếc áo quý giá này đâu phải là vật của họ, quyền tự do của tôi. May mắn thay, đại đức chớ lo !

Ô Ba Nan Ðà nói:

- Nếu được như vậy, thì tôi sẽ vì ông mà nhận.

Nhận được chiếc y ấy rồi, Ô Ba Nan Ðà liền trao cho ngoại đạo một chiếc y lông thô xấu. Ngoại đạo liền mặc chiếc áo ấy đi. Khi đến nơi đồng phạm hạnh, họ thấy liền hỏi:

- Từ nơi nào, ông bạn lại được chiếc áo này ?

Ngoại đạo kể lại câu chuyện đổi y cho bạn mình nghe một cách đầy đủ. Ðồng bạn nghe xong, tất cả đều nổi giận, nói:

- Này ông bạn ơi, tên Thích tử này luôn luôn nghĩ chuyện giết chúng ta. Mọi người tuy có lòng khinh chúng ta, nhưng không như bọn lục chúng. Trong số sáu người này, không ai hơn tên này. Nếu ông bạn thí xả chiếc y cho Ðại đức nào khác, thì chúng tôi còn có thể tùy hỷ, nhưng Ô Ba Nan Ðà thì lúc nào cũng muốn uống máu chúng ta. Ông đem y thí xả cho ông ấy, thì ai có thể chịu được ? Ông bạn nên đến đòi lại, nếu đòi được thì tốt, bằng không thì chúng tôi đồng tình tẫn xuất ông bạn, dời đổi chỗ ngồi của ông, cắt thức ăn của ông, khỏi phải cùng ông nói chuyện.

Ðương sự đâm ra sợ hãi, liền đến chỗ Ô Ba Nan Ðà. Từ xa, Ô Ba Nan Ðà thấy ngoại đạo đến, liền nghĩ: “Coi bộ dáng điệu của tên ngoại đạo này muốn đến đoạt lại chiếc y thượng hảo hạng thì phải ?”. Ô Ba Nan Ðà liền vào phòng đóng cửa. Ngoại đạo gõ cửa kêu. Ô Ba Nan Ðà im lặng không trả lời. Các Bí-sô thấy vậy, hỏi:

- Ông cần việc gì ?

Ngoại đạo trả lời:

- Tôi đem y đến đổi lại.

Bí-sô nói:

- Ông muốn đổi lại được, thì chỉ có cách là đến chỗ đức Thế Tôn cần cầu Ngài, bảo vị ấy trả lại.

Ngoại đạo nghe lời hướng dẫn, đến chỗ đức Thế Tôn. Lúc ấy, đức Thế Tôn từ xa thấy ngoại đạo đến, bảo các Bí-sô:

- Các ông có thấy ngoại đạo đang đến hay chăng ?

Các Bí-sô thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, có thấy.

Ðức Phật dạy:

- Người ấy vì chiếc y lông quý nên đến. Nếu đòi được thì tốt, bằng không sẽ mửa máu nóng cho đến chết.

Ngoại đạo đến chỗ đức Thế Tôn, thưa:

- Kính bạch Ðại đức, Ô Ba Nan Ðà lấy chiếc áo lông của tôi. Cúi xin Thế Tôn từ bi ai mẫn, khiến Ô Ba Nan Ðà trả lại cho tôi. Nếu không trả lại, đồng phạm hạnh của tôi sẽ tẫn xuất tôi...

Bấy giờ, Phật bảo cụ thọ A Nan Ðà:

- Chính ông đến bảo Ô Ba Nan Ðà rằng: “Chúc ông vô bệnh”, nhưng bảo ông ấy nên trả lại chiếc y quý giá cho ngoại đạo. Nếu không trả, thì họ sẽ mửa máu nóng cho đến chết, cho mà xem !

Khi ấy, cụ thọ A Nan Ðà vâng lời Phật dạy, đến nói như vậy. Ô Ba Nan Ðà nghe rồi, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, nói:

- Nay tôi vì kính đức Vô thượng tôn, đâu dám trái lời. Nếu chẳng phải đức Phật bảo tôi trả lại, thì dù cho bọn ngoại đạo hết cả Thiệm Bộ châu, với số lượng nhiều như trúc vĩ, đều đồng loạt mửa máu nóng cho đến chết nữa, thì Ô Ba Nan Ðà tôi, một sợi lông cũng không động. Cụ thọ A Nan Ðà có thể về đi, tôi sẽ trả lại cho họ !

Ô Ba Nan Ðà đem trả y, và nói với ngoại đạo rằng:

- Ðại sư của ngươi trước kia đã tìm cách nói dối, lừa đảo thế gian. Sau khi ông ta chết, sẽ đọa vào địa ngục lớn vô gián. Ở nơi đó, trên lưỡi của ông ta có năm trăm con trâu cày suốt ngày lẫn đêm. Nay ngươi nói dối còn gấp bội, hơn cả Ðại sư của ngươi, thì sẽ có một ngàn con trâu cày trên lưỡi của ngươi. Ngươi đã mặc chiếc áo lông của ta, còn vật của ngươi, ta chưa từng dùng.

Ngoại đạo ngơ ngác nói:

- Tôi cũng không mặc.

Bấy giờ, Ô Ba Nan Ðà lấy chiếc y đẹp kia trải xuống đất, tay bên tả túm lấy bốn diệp, còn tay bên hữu kéo cái phách trương ra, khiến cho tơ lụa đều bị sút nơi đầu. Ngoại đạo té xỉu xuống đất, Ô Ba Nan Ðà đạp xéo vào hông, và nói:

- Ngoại đạo đi gấp, đi gấp ! Ðừng để phân uế làm nhớp Tăng điền của ta !

Ngoại đạo gắng gượng nói:

- Này Ðại đức, nay tôi còn được sống để ra khỏi chốn này, tôi sẽ không gao giờ dám vào vườn Thệ-đa, trong rừng này nữa !

Ðây là duyên khởi, nhưng đức Thế Tôn vẫn chưa chế giới.

Bấy giờ, lục chúng Bí-sô ni xuất ra nhiều vật để cầu lãi. Dùng vật đã thành trao lấy vật đã thành, dùng vật chưa thành trao lấy vật đã thành, dùng vật đã thành trao lấy vật chưa thành, dùng vật chưa thành trao lấy vật chưa thành. Bí-sô ni giao dịch như vậy để cầu lợi, nên lúc ấy các ngoại đạo Bà-la-môn, cư sĩ, trưởng giả thấy việc làm như vậy, tất cả đều sanh cơ hiềm: “Tại sao Sa-môn Thích tử lại làm việc xuất vật cầu lợi. Như vậy đâu có khác nào người thế tục đâu ? Ai có thể cho y thực, cung cấp vật dụng cho họ ?”. Các Bí-sô bạch lên Phật, đức Phật dùng nhân duyên này tập hợp chúng, hỏi để xác định sự thật, rồi quở trách... và chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, kinh doanh tài bảo dưới mọi hình thức để cầu lợi, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.

DÙNG TIỀN SẮM Y VÀO VIỆC ĂN UỐNG

Tại thành Thất-la-phạt, lúc bấy giờ, năm y của ni Thổ La Nan Ðà hư rách, đến giờ thọ trai, cô mặc y bưng bát đến chỗ Thắng Man phu nhân. Tới nơi, phu nhân trải tòa mời ngồi. Thổ La nói pháp xong, rồi ngồi im lặng. Phu nhân thưa:

- Tại sao y phục cũ rách như thế ?

Ni Thổ La Nan Ðà nói:

- Hiện tại tôi đâu có chồng và con để cho tôi y phục.

Phu nhân thưa:

- Thưa thánh giả, tôi xin cúng năm y.

Thổ la nói:

- Cầu nguyện cho bà vô bệnh. Ðiều đó nay đúng là lúc.

Phu nhân liền lấy rương đựng y mở ra và nói:

- Thánh giả, tùy ý cứ lấy.

Thổ La nói:

- Tuy có phước dâng cúng, nhưng không có phước thọ dụng. Tôi cần có một số tiền để may, một số tiền để nhuộm.

Phu nhân lại cúng luôn.

Nhận được y rồi, Thổ La Nan Ðà đem bán, dùng vào việc ăn uống.

Sau đó, lại như ngày trước, ni Thổ La Nan Ðà mặc y cũ rách, đến chỗ phu nhân, phu nhân thấy, hỏi:

- Thưa thánh giả, vì sao cô cũng vẫn mặc thứ y cũ rách này ?

Thổ La nói:

- Chỉ cần tùy hỷ thì sẽ được xa lìa tám nạn. Những gì bà cho bữa trước, tôi đã cất vào trong kho vô tận rồi.

Phu nhân nói:

- Thưa thánh giả, nhận được y lại đem làm việc gì ?

Thổ La nói:

- Tùy nghi thì có lỗi. Chỉ che thân thể bằng y phấn tảo đủ rồi, cần gì phải dùng y phục tinh khiết ?!

Phu nhân xét thấy những điều như vậy, nên tâm sanh bất kính: “Tại sao cúng tiền để sắm năm y, mà Bí-sô ni lại đem dùng vào việc ăn uống ?!”. Các Bí-sô ni biết, thưa lại các Bí-sô. Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này, tập hợp các ni, hỏi để xác định sự thật, rồi quở trách... và chế học xứ như vầy:

Bí-sô ni nào, dùng tiền sắm y vào việc ăn uống, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.

THỌ TRÌ Y QUÝ GIÁ

Tại thành Thất-la-phạt, lúc bấy giờ, đại vương Thắng Quang Kiều-tát-la ban cho tướng quân một chiếc y quý giá sang trọng. Tướng quân bèn đem y đó dâng cho ni Pháp Dữ. Cô ni Pháp Dữ nhận được y rồi, đem treo lên móc y. Bấy giờ, ni Châu Kế Nan Ðà vào trong phòng của Pháp Dữ lễ bái, thấy y quý giá, hỏi:

- Thánh giả nhận được chiếc y này ở đâu?

Pháp Dữ nói:

- Chấp Kích tướng quân đem cho tôi.

Ni Châu Kế nói:

- Cô có ý thích y này phải không ?

Ni Châu Kế nói tiếp:

- Thưa thánh giả, nơi miếu thần hoa héo thì nên bỏ.

Nghe nói như vậy, biết ý, nên Pháp Dữ liền lấy y cho cô Châu Kế. Châu Kế nhận được y rồi, liền mặc đi vào thành khất thực. Người đời thấy vậy đều chê trách:

- Này, xem cô ni này đắm say dục lạc. Tại sao cô ni lại mặc chiếc y thượng phục của vua, du hành khắp nơi ?

Các ni thưa lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật, đức Phật dùng nhân duyên này, tập hợp ni chúng, hỏi để xác định sự thật, rồi quở trách:

- Cô là người khó nuôi, khó biết đủ, nhiều ham muốn, không biết nhàm chán !

Ðức Thế Tôn khen ngợi người dễ nuôi, dễ biết đủ, ít ham muốn, rồi đức Phật chế học xứ như sau:

Bí-sô ni nào, sử dụng y quý giá, Ni-tát-kỳ-ba-dật-để-ca.

CỐ Ý NÓI DỐI

Khi đức Phật ở cạnh ao Yết Lan Ðạc Ca, trong vườn Trúc Lâm, tại thành Vương-xá, thì bấy giờ, có cụ thọ La Hổ La an trụ tại rừng Ôn Tuyền, cũng trong thành này. Lúc ấy có một số đông Bà-la-môn, cư sĩ.v.v... với lòng thành kính tin yêu đến tại đó, hỏi La Hổ La rằng:

- Ðại đức Thế Tôn hiện nay ở đâu ?

Nếu nói đức Phật Thế Tôn hiện ở tại Trúc Lâm, thì La Hổ La sợ phiền Ngài, nên liền trả lời:

- Ðại đức Thế Tôn hiện ở tại núi Thứu Phong 1.

Nếu đức Thế Tôn ở tại hang Tất Bát La, thì La Hổ La lại trả lời:

- Ðại đức Thế Tôn ở tại hang Tây Ny Già.

Nếu ở tại hang Tây-ny-già, thì lại nói:

- Hiện ở tại hang Tất Bát La.

Số đông người có tín tâm ấy muốn tìm để kính lễ đức Phật, mà không gặp được. Thân thể họ tiều tụy, rất là khổ cực. Họ trở lại chỗ La Hổ La, và được La Hổ La hỏi:

- Các người có gặp được đức Thế Tôn hay không ?

Họ trả lời:

- Không gặp.

Mọi người cật vấn La Hổ La:

- Tại sao thánh giả lại cố ý gây phiền phức cho chúng tôi ?

La Hổ La nói:

- Thật vậy, tôi đã cố ý gây phiền phức cho nhau.

Bấy giờ, mọi người đều sanh lòng hiềm trách. Các Bí-sô đem nhân duyên này bạch lên Phật. Ðức Thế Tôn nghe nói như vậy rồi, sáng hôm đó, Ngài đắp y mang bát vào thành Vương-xá, tuần tự đi khất thực, rồi trở về bản xứ thọ trai. Sau bữa ăn, Ngài liền đến chỗ ở của La Hổ La, nơi rừng Ôn Tuyền. Bấy giờ, La Hổ La từ xa trông thấy đức Thế Tôn đến, liền trải tòa, sắp đặt bình nước, luôn cả đồ rửa chân. La Hổ La rửa tay sạch sẽ, rồi đến nghinh đón đức Thế Tôn, rước thượng y của Ngài, và bạch:

- Lành thay ! Ðức Thế Tôn quang lâm ! Cung thỉnh Thế Tôn an tọa nơi tòa này.

Ðức Phật đến nơi tòa an tọa rồi, liền lấy bình nước tự rửa hai chân. Rửa xong, đổ nước, để lại một ít. Thế Tôn hỏi La Hổ La:

- Ông có thấy trong chậu còn một ít nước hay không ?

La Hổ La thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn ! Con có thấy.

Ðức Phật dạy:

- Này La Hổ La, nếu Bí-sô cố ý nói dối, không có xấu hổ, cũng không ăn năn sám hối, thì ta xem người ngu si như vậy, là người thiếu một ít pháp Sa-môn.

Ðức Thế Tôn lại đổ hết một ít nước còn lại trong chậu xuống đất, và bảo La Hổ La rằng:

- Ông có thấy một ít nước còn lại trong chậu đã được đổ hết xuống đất hay không ?

Thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, con có thấy.

Ðức Phật dạy:

- Này La Hổ La, nếu cố ý nói dối, không biết xấu hổ, cũng không ăn năn sám hối, thì ta xem người ngu si như vậy, là người đã đổ hết pháp Sa-môn.

Ðức Thế Tôn lại nghiêng cái chậu xuống đất và bảo La Hổ La:

- Ông có thấy cái chậu bị nghiêng xuống đất hay không ?

Thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn, con có thấy.

Ðức Phật dạy:

- Nếu Bí-sô cố tâm nói dối, không biết xấu hổ, cũng không ăn năn sám hối, thì ta xem người ngu si như vậy, là người nghiêng đổ pháp Sa-môn xuống đất.

Ðức Thế Tôn lại úp cái chậu xuống đất và hỏi La Hổ La:

- Ông có thấy cái chậu bị úp xuống đất hay không ?

Thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn ! Con có thấy.

Ðức Phật dạy:

- Nếu Bí-sô cố tâm nói dối, không biết xấu hổ, cũng không ăn năn sám hối, thì ta xem người ngu si như vậy, là người úp pháp Sa-môn xuống đất.

Ðức Phật dạy tiếp:

- Lại nữa, này La Hổ La ! Như con voi chúa say, có thế lực lớn, ngà của nó như cái trục bánh xe, trẻ mập, dũng mãnh và chiến đấu giỏi. Ðến trong chiến trường, khi cùng với đối phương chiến đấu, bốn chân, hai ngà, đuôi, xương sống và hông thảy đều có tác dụng, chỉ có cái vòi cuốn lại không đưa ra. Này La Hổ La ! Vì để bảo vệ tính mạng, nên con voi này không dùng cái vòi để đánh bại quân địch. Người nài voi liền nghĩ: “Voi chúa này muốn bảo vệ thân mạng của nó. Này La Hổ La ! Nếu con voi chúa khi cùng địch chiến đấu, đưa cái vòi ra tham chiến, thì khi ấy người nài voi liền biết voi mày không tiếc thân mạng; quên mình, quên người, khi xáp chiến đều bị tàn hại, và không một việc ác nào nó không làm. Này La Hổ La ! Như vậy, nếu có Bí-sô cố tâm nói dối, không biết xấu hổ, cũng không ăn năn sám hối, thì ta nói người như vậy không một việc ác nào mà họ không làm.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ:

- Nếu người trái thật pháp

Cố nói lời hư dối

Khi nào họ còn sống

Không tội nào không làm

Thà nuốt hoàn sắt đỏ

Giống như lò lửa mạnh

Không dùng miệng phá giới

Ăn nuốt lòng tin người.

Ðây là duyên khởi nhưng đức Thế Tôn chưa chế giới.

Lúc bấy giờ, tại thành Thất-la-phạt, lại có Bí-sô ni Thổ La Nan Ðà cố tâm nói dối. Chư ni đem việc này thưa lại Bí-sô, Bí-sô bạch lên Phật. Ðức Phật dùng nhân duyên này, tập hợp ni chúng, hỏi Thổ La Nan Ðà:

- Thật sự cô có cố tâm nói dối như vậy không ?

Thưa:

- Kính bạch đức Thế Tôn! Có thật như vậy.

Ðức Phật dùng lời quở trách... rồi vì hai bộ chúng đệ tử, chế học xứ này:

Bí-sô ni nào cố ý nói dối, Ba-dật-để-ca2.

NÓI LỜI MỈA MAI MẮNG NHIẾC

Khi đức Bạc Già Phạm ở vườn Cấp-cô-độc, trong rừng Thệ-đa, tại thành Thất-la-phạt, thì bấy giờ, Lục chúng Bí-sô khi tiếp xúc với các Bí-sô khác, thường hay nói lời mỉa mai, mắng nhiếc rằng:

- Thầy mắt chột, chân què, lưng gù, tủn mủn, cao quá, thấp quá, điếc, đui, câm, ngọng, đi bằng gậy, chân bước nặng nề, tay trụi, đầu to, môi hở, răng sún...

Khi bị Lục chúng Bí-sô dùng những lời mỉa mai mắng nhiếc như vậy, các Bí-sô nghe qua xấu hổ, thẹn đỏ mặt, ưu sầu không vui, phế bỏ cả việc đọc tụng tư duy, luôn ôm lấy những lo âu trong cuộc sống.

Bấy giờ, có Bí-sô thiểu dục nghe những sự việc như vậy rồi, sanh lòng hiềm trách, nói ra lời hủy báng khinh thị: “Tại sao Bí-sô lại đối với những Bí-sô khác, nói lên những lời mắng nhiếc, mỉa mai như: mắt chột.v.v...”

Các Bí-sô đem nhân duyên này bạch lên Phật. Ðức Thế Tôn dùng nhân duyên này, tập hợp hai bộ chúng, hỏi Lục chúng rằng:

- Các ông thật có nói lời mắng nhiếc, mỉa mai, gây phiền não cho các Bí-sô khác, như: “Con mắt thầy chột”.v.v... hay chăng ?

Lục chúng trả lời:

- Kính bạch Thế Tôn, có thật như vậy.

Ðức Thế Tôn dùng mọi cách quở trách:

- Các ông chẳng phải Sa-môn, việc đó chẳng phải việc làm của các ông...

Ðức Phật dạy:

- Các ông nên lắng nghe: Ðời xa xưa về trước, trong một tụ lạc nọ, có một ông trưởng giả cưới vợ chưa bao kâu, thì trong cuộc sống hỷ ái, sanh được một người con gái. Cô ta theo thời gian lớn khôn, ông trưởng giả cũng một mình lo việc cấy cày. Bấy giờ, có người con trai của một cư sĩ, cha mẹ đều qua đời, thường ở nơi rừng hoang, đốn củi nuôi sống. Một hôm, anh ta gánh củi đến chỗ đầu thửa ruộng đang cày, ngồi nghỉ mệt dưới gốc cây. Thấy ông trưởng giả đích thân làm việc cày cấy, đến gần bên hỏi:

- Thưa cậu, tại sao với tuổi già nua, mà cậu còn tự cày bừa khổ sở vất vả thế này ? Lẽ ra cậu phải được yên nghỉ nơi thôn xóm, hay đứng trên bờ ruộng để coi ngó người làm mới phải chứ, thưa cậu ?

Ông trưởng giả nói:

- Này cháu nhỏ, cậu không có anh em, lại không có con rể, không tự mình cày cấy, thì vấn đề cơm áo, lấy vào đâu để chi dụng ?

Chàng thanh niên tỏ ý:

- Thưa cậu, cháu có thể thay thế cậu trong việc cày cấy này, để cậu tạm nghỉ được không ?

Ông trưởng giả đồng ý. Chàng thanh niên liền lại cầm cày, cày thế cho ông trưởng giả đến trưa. Khi người nhà đem cơm đến, ông trưởng giả kêu chàng thanh niên đến cùng ăn. Ăn xong, chàng thanh niên thưa:

- Cậu nên về nghỉ cho khỏe, để cháu cày đến chiều luôn. Nhưng cháu chưa biết nhà cậu. Chiều tối cậu cho người ra đầu thôn đón cháu.

Ông trưởng giả đồng ý và về nhà nghỉ. Con ông cư sĩ cày cho đến sẫm tối, mở trâu cho ăn cỏ tươi, rồi gánh củi và lùa trâu về. Khi đến đầu thôn, ông trưởng giả đón và đưa về nhà. Chàng thanh niên quét dọn chuồng bò, rải rơm khô, xông muỗi, bỏ cỏ cho bò ăn. Ông trưởng giả thấy vậy, liền có ý nghĩ: “Ta nhờ cháu nhỏ này mà được an lạc. Ðứa con gái của ta sẽ cho nó làm vợ”. Ông trưởng giả khiến nó ăn, rồi bảo:

- Cháu sẽ ở đây luôn, siêng năng coi ngó gia nghiệp, đứa con gái của ta đây sẽ trao cho cháu làm vợ.

Con ông cư sĩ thưa:

- Hay lắm !

Rồi anh ta nương vào đó mà lo làm ăn sanh nghiệp.

Nhà ông trưởng giả có hai con bò. Mỗi lần lùa đi ăn, con lớn tánh hiền lành, con nhỏ tánh ham ăn, tuy đã xỏ mũi mà nó vẫn ăn phá hoa màu của người. Chàng thanh niên nổi giận, từ xa lấy đá quăng, nên nó bị gãy hết một sừng. Do vậy, nó được mang tên là con bò trụi sừng. Một ngày nọ, nó vẫn phạm phải tội ăn phá lúa bắp của người, thanh niên lấy lưỡi liềm cắt đuôi của nó, cho nên nó lại được gọi là “con bò cụt đuôi gãy sừng”.

Sau một thời gian, con ông cư sĩ thưa với ông trưởng giả rằng:

- Trước đây cậu có hứa... may mắn thay, nay cậu có thể thực hiện.

Bấy giờ, ông trưởng giả nói: “Tốt !”, rồi ông trưởng giả nói với vợ:

- Này hiền thủ, bà nên sắm sửa y phục, anh lạc, không bao lâu nữa tiểu nữ của ta sẽ làm lễ hôn thất.

Người vợ ngạc nhiên hỏi:

- Tôi chưa từng hứa gả cho ai, tại sao lại sắm sửa ?

Ông trưởng giả nói:

- Tôi đã hứa gả cho người ta rồi.

Bà vợ hỏi:

- Ông hứa gả cho ai ?

Ông chồng thản nhiên nói:

- Tôi hứa gả cho con ông cư sĩ.

Bà vợ tỏ vẻ bất bình, nói:

- Người này dòng họ vốn không ai biết, chẳng biết nó sanh từ nơi nào, làm sao vội đem con gái mình làm lễ hôn phối ? Phàm hôn nhân, thân thuộc phải tới lui, quà cáp, ăn uống, họ hàng cùng đồng biết, tôi mới gả con gái của tôi.

Ông trưởng giả nói với vợ:

- Này hiền thủ, từ ngày con ông cư sĩ này đến nhà mình thay thế việc lao nhọc, do đó tôi được an lạc. Nếu không có nó thì tôi phải đích thân cày cấy ruộng vườn, chịu nhiều vất vả.

Bà vợ bảo chồng:

- Thật sự tôi không thể đem ái nữ của mình mà gả cho một người làm thuê như vậy. Người đời họ sẽ lắm lời trong vấn đề cưới gả này.

Bấy giờ, ông trưởng giả liền có ý nghĩ: “Nếu ta trả lời rằng không gả con, thì người làm này sẽ bỏ đi ngay, ta lại không tránh khỏi tự cày cấy. Nay ta nên giả vờ, dùng phương tiện nói khéo, khiến cho nó không đi liền”.

Sau đó, một thời gian, người làm kia lại thưa với ông trưởng giả:

- Kính thưa trưởng giả, gia trưởng nên tổ chức việc hôn nhân cho con.

Ông trưởng giả bảo:

- Này cháu, nhà ta họ hàng bà con rất đông, khi nào muốn tụ họp thì phải cần nhiều thức ăn. Chúng ta nên đợi đến mùa thu lúa chín, khi thu hoạch xong sẽ hay.

Khi thu hoạch xong, chàng thanh niên lại yêu cầu tổ chức lễ thành hôn. Ông trưởng giả nói:

- Này cháu, lễ này cần nhiều đường, đợi đến mùa mía sẽ tổ chức.

Khi thu hoạch đường xong, con ông cư sĩ lại hối thúc tổ chức lễ thành hôn. Kỳ này cậu ta được ông trưởng giả trả lời:

- Bánh bún cần nhiều lúa mạch, nên phải đợi đến khi nào lúa mạch chín, sẽ tổ chức.

Khi lúa mạch chín, thu hoạch xong, vấn đề được đặt trở lại. Lần này ông trưởng giả hoãn binh một cách hết sức gượng gạo:

- Này cháu, lúa cũ gần hết rồi, phải đợi đến mùa lúa mới.

Bấy giờ, con ông cư sĩ thấy sự trì hoãn nhiều lần, nên đâm ra suy nghĩ: “Ðâu có chuyện nông vụ đồng bộ, nhất thời thu hoạch hết các thứ được, hết hẹn mùa lúa, đến hẹn mùa đường... kéo dài mãi thế này ? Chắc chắn ta đã bị lừa dối trong việc này rồi. Nay ta nên đem vấn đề này bố cáo cho mọi người biết. Nếu ông ta không gả thì ta phải đến cửa quan, để nhờ lấy sự quyết định”. Chàng thanh niên nghĩ như vậy rồi, bèn rêu rao cho mọi người biết, để ông trưởng giả có thể tổ chức lễ thành hôn cho mình. Mọi người nghe như vậy, liền đến gợi ý ông trưởng giả:

- Ông đã hứa lâu rồi, tại sao không làm lễ thành hôn cho cậu thanh niên kia ?

Ông trưởng giả nổi giận nói:

- Quý vị nên biết, người này là người làm thuê trong nhà tôi, lý do nào tôi lại đem ái nữ của tôi gả cho nó !

Bấy giờ, con ông cư sĩ liền có ý nghĩ: “Ta không nhận được tiền thuê, lại không được vợ, luống qua năm tháng chẳng ích gì. Nay ta phải gây tổn hại cho người này trước khi ta đi mới được”.

Anh ta liền lùa hai con bò vào lúc giữa trưa, cột vào gốc cây khô, dưới sức nóng thiêu đốt của mặt trời, dùng gậy đánh đập một cách tàn bạo, trước khi trở về. Bấy giờ, gần kiếp sơ, súc vật hiểu được tiếng nói của con người, nên con bò lớn bảo con ông cư sĩ rằng:

- Trước đây, ông đối với tôi, cùng nhau thương nhớ, ân của ông đồng như cha mẹ. Ông đã biết được nỗi vất vả khổ sở của tôi, tại sao nay ông lại đánh đập tôi nhiều thế này ? Ông cột tôi vào gốc cây khô, với sức nóng thiêu đốt của mặt trời giữa trưa, và dùng bạo lực đối với tôi, rồi ông bỏ tôi về nhà. Tôi đối với ông có điều gì sai lỗi hay chăng ?

Con ông cư sĩ nói:

- Ngươi thì không có lỗi gì, song chủ của ngươi đối với ta có lỗi.

Con bò nói:

- Ông ấy có lỗi gì ?

- Ông ấy trước đây có hứa gả con gái cho ta, nay lại nói ngược lại.

- Như vậy, sao ông không kiện nhờ quan xử ?

- Vì không có người làm chứng !

- Chúng tôi sẽ vì ông mà làm chứng cho việc này.

- Ngươi nói bằng tiếng người, hay tiếng của bò?

- Tôi không nói bằng tiếng người, mà tôi hiện tướng, khiến người ta hiểu được. Ông sẽ lập lời thề, dẫn tôi làm chứng, khiến mọi người đều biết. Ông cột hai chúng tôi vào trong chuồng, đừng cho ăn cỏ uống nước chi cả. Ðủ bảy ngày, ông thả hai chúng tôi ra nơi chỗ đất có nhiều cỏ, nước. Mọi người chung quanh đến xem sẽ đều tin nhận. Chúng tôi sẽ cấm khẩu, không ăn, không uống. Chúng tôi sẽ hiện tướng mạo khiến đại thần của vua tin lời ông nói là thật, khi ấy chúng tôi mới ăn uống.

Bấy giờ, chàng thanh niên nghe kế hoạch của con bò trình bày như trên, liền thả hai con bò nơi chỗ cỏ non xanh để nó ăn, rồi tự mình đến chỗ nhà vua, tâu với vua:

- Tâu đại vương, tại nơi thôn..., có ông trưởng giả hứa gả con gái ông ấy cho tôi, khiến tôi phục dịch nhiều năm nay, nay lại phủ nhận lời hứa.

Nhà vua liền đòi ông trưởng giả đến, hỏi để biết việc hư thật. Ông trưởng giả tâu:

- Thật sự tôi không hứa.

Nhà vua hỏi chàng thanh niên:

- Có ai làm chứng cho ngươi không ?

Chàng thanh niên tâu:

- Tâu đại vương, có !

Nhà vua hỏi:

- Chứng nhân là người hay chẳng phải người ?

Chàng thanh niên tâu:

- Chứng nhân chẳng phải là người.

Nhà vua hỏi:

- Như vậy là loài gì ?

Chàng thanh niên tâu:

- Là loài bò !

Nhà vua ngạc nhiên hỏi:

- Nó nói tiếng người hay nói tiếng khác?!

Chàng thanh niên tâu:

- Nó không nói tiếng người.

Nhà vua nói:

- Như thế làm sao thành chứng được ?

Chàng thanh niên tâu:

- Nó có tín hiệu khiến cho người biết được: Bò kia suốt bảy ngày cột trong chuồng, không cho ăn uống chi cả, đủ bảy ngày thả chúng ra, nơi chỗ đất có nhiều cỏ tươi xanh, nước trong mát, tôi sẽ dẫn chúng làm chứng. Lúc này, ắt chúng sẽ có tướng kỳ lạ, là chúng sẽ không ăn uống chi cả, cho đến khi nào đại vương chưa tin lời tôi là đúng sự thật. Ðiều này nếu là hư dối thì tôi sẽ chịu tội.

Vua ra lệnh cho một vị đại thần rằng:

- Nên y theo lời nói này, tìm xem sự chứng nghiệm của vấn đề.

Vị đại thần phụng mệnh, bèn bắt hai con bò cột trong chuồng, không cho nước, cỏ... Bấy giờ, con bò gãy sừng đứt đuôi bảo con bò lớn rằng:

- Ðâu có chuyện điên đảo thế này, chỉ có chúng ta suốt ngày bị cột trong chuồng, mà không nghe nói đến cỏ, nước !

Con bò lớn trả lời:

- Há chúng ta đã hứa với chàng thanh niên ấy là sẽ làm chứng, là trong bảy ngày tự chúng mình sống đói khát, không ăn uống, cho đến khi nào nhà vua chưa tin lời nói của anh ấy hay sao ?

Con bò gãy sừng cụt đuôi nói với con bò lớn rằng:

- Nếu thả tôi ra thì đá cục tôi cũng nuốt, huống là nước với cỏ.

Con bò lớn khuyên:

- Con ông cư sĩ này thương nhớ đối với chúng ta, chẳng khác gì cha mẹ, đâu có thể trái với lòng tin, làm nguy hại cho người này.

Con bò gãy sừng cụt đuôi nói:

- Tuy thật là thương nhớ cũng như song thân, nhưng anh ấy thường kêu tôi là cụt đuôi gãy sừng. Mỗi khi tôi nghe kêu như vậy, tôi liền muốn dùng cái sừng còn lại đâm thủng bụng anh ta.

Con bò lớn nghe những lời như vậy, chỉ biết nín thinh.

Khi con ông cư sĩ đến thăm, và hỏi bò rằng:

- Ðược an ổn hay chăng ?

Con bò lớn trả lời:

- Tôi có thể an ổn, nhưng ông không được an ổn !

Con ông cư sĩ hỏi:

- Nói như vậy có ý gì ?

Con bò lớn báo cáo lại đầy đủ vấn đề. Con ông cư sĩ chán nản thở ra, và nói:

- Nếu như vậy thì tôi nay phải trốn thoát, chứ đối với nhà vua mà nói dối, thì mạng sống chỉ còn trong chốc lát.

Con bò lớn hiến kế:

- Ông khỏi phải trốn thoát. Ông nên dùng cái dây, xỏ mũi ông bạn cụt đuôi gãy sừng của tôi, rồi đem sợi dây ấy cột vào sừng của tôi. Ngày thả ra, nếu khi ông bạn tôi trái lại với lòng tin, ăn cỏ uống nước, thì tôi sẽ dùng cặp sừng của tôi, đưa cái mũi ông bạn tôi lên trời. Khi ấy, ông nên trình bày rằng: “Hiện nay hai con bò này đang báo cáo với vị hộ thế thứ năm”. Người đời đều thừa nhận có năm vị hộ thế là: đất, nước, gió, lửa và mặt trời.

Bấy giờ, con ông cư sĩ liền tặng cho con bò nhỏ sợi dây xỏ mũi. Con bò cụt đuôi gãy sừng nói với con bò lớn rằng:

- Ông anh xem cái nỗi khổ ngược đãi đối với tôi đây !

Con bò lớn tếu:

- Em xem đó như xâu chuỗi anh lạc, thì có gì là khổ.

Sợi dây ấy được cột nơi đầu con bò lớn.

Ðã đúng bảy ngày, vua và các đại thần đích thân đến chứng kiến. Hai con bò được thả ra nơi đám ruộng nhiều cỏ, nước. Con bò gãy sừng cụt đuôi vừa thấy cỏ, nước liền muốn ăn. Khi ấy, con bò lớn liền dùng cặp sừng, đưa cái mũi con bò nhỏ lên, hướng về mặt trời. Nhà vua hỏi các đại thần:

- Hai con bò ngóng về hướng mặt trời, có ý gì ?

Bấy giờ, vị đại thần có trí tâu:

- Muôn tâu đại vương, hiện nay hai con bò có ý muốn khải tấu với nhà vua rằng: sự việc này chẳng phải chỉ có hai đứa tôi làm chứng, mà có cả vị hộ thế thứ năm kia nữa. Giữa thanh thiên bạch nhật, giúp tôi chứng tri việc này.

Nhà vua thấy sự việc hết sức hy hữu như vậy, liền bảo các đại thần:

- Súc sanh vô tri còn có thể làm chứng, như thế là bảo đảm, sự việc chẳng phải hư dối, nên bảo người nữ kia cùng nam tử này xây dựng cuộc sống trăm năm với nhau.

Bấy giờ, hai con bò được thả ra, nó liền ăn cỏ uống nước. Con ông cư sĩ đắc thắng, cưới người nữ kia làm vợ.

Ðức Phật bảo tiếp các Bí-sô:

- Các ông nên biết, loài bàng sanh nghe những lời mắng nhiếc mỉa mai, còn ôm lòng não hại, huống là đối với con người. Vậy các Bí-sô không nên dùng lời nói mỉa mai mắng nhiếc, đối với người khác.

Ðây là duyên khởi, song Phật chưa chế giới.

Ðức Phật lại bảo các Bí-sô:

- Thuở xa xưa, ở một thôn nọ, có ông trưởng giả sống với nghề đánh xe. Ông ta có hai con bò cái, một con tên là Hoan Hỷ, một con tên là Mỹ Vị. Vào mùa xuân, mỗi con đều đẻ một con nghé, sắc lông loang lỗ. Khi đã lớn khôn, con của con bò Hoan Hỷ thì sừng dài và rộng, con của con bò Mỹ Vị thì đầu trọc, không sừng. Lúc bấy giờ, ông trưởng giả đặt tên cho nó: một con tên là Hoan Hỷ sừng dài, một con tên là Mỹ Vị trọc đầu. Cả hai con khi trưởng thành đều có khí lực. Sau đó một thời gian, những người đánh xe nhân lúc cho bò của họ cùng uống nước nơi ao, họ nói với nhau:

- Bò của ai khỏe nhất ?!

Mọi người đều nói là bò của mình khỏe nhất. Ông trưởng giả nói:

- Bò của tôi mới thật là rất khỏe. Tại sao biết ?- Vì nó có thể kéo một xe nặng lên ngược sườn núi.

Họ liền lập lời minh ước với nhau, bằng năm trăm kim tiền. Lập minh ước xong, họ đem bò của họ kéo một xe nặng lên ngược sườn núi. Khi ấy, ông trưởng giả kêu hai con bò của ông rằng:

- Này con Hoan Hỷ sừng dài, nên đến mau để kéo ! Này con Mỹ Vị trọc đầu, cũng phải đến kéo gấp !

Bấy giờ, con bò trọc đầu nghe tiếng hủy nhục, đứng yên không chịu đến kéo. Ông trưởng giả cả giận, dùng gậy to đánh đập nó. Mọi người nói:

- Nay ông trưởng giả muốn giết con bò này hay chăng ? Nó đã không kéo thì nên mở nó ra.

Ông trưởng giả đành chịu thua cuộc, bị phạt năm trăm kim tiền. Hết sức phẫn nộ, ông ta đánh nó bằng gậy, cột nó dưới gốc cây khô.

Vào lúc đó, bò hiểu được tiếng người như đã nói ở trên. Ông trưởng giả bảo rằng:

- Hôm nay vì ngươi mà ta phải bị phạt năm trăm kim tiền !

Con bò nói:

- Do tại miệng của ông chủ có lỗi.

Ông chủ hỏi:

- Miệng của tao có lỗi gì ?

Con bò nói:

- Tại sao trước mọi người mà ông hủy nhục tôi ? Nếu ông gọi tên tôi một cách đẹp đẽ, không hủy nhục tôi, thì đối với sườn núi đó, nặng bằng hai lần, tôi cũng kéo được. Ông cứ lập minh ước một ngàn kim tiền, với trọng tải bằng hai, tôi sẽ kéo cho ông xem !

Ông trưởng giả nói:

- Nay ngươi lại muốn cho ta bị phạt gấp đôi nữa hay sao ?

Con bò nói với tinh thần xây dựng:

- Ông chủ đừng hủy nhục tôi, nhất định tôi sẽ tận lực.

Sau đó, ông trưởng giả, cùng với người khác lập minh ước: dùng bò kéo xe ngược lên sườn núi... Bấy giờ, ông ta kêu hai con bò của ông:

- Này Hoan Hỷ, nên đến kéo gấp ! Này Mỹ Vị, hãy đến kéo mau !

Hai con bò nghe kêu tên mình một cách êm đẹp, lòng phát sanh vui mừng hoan hỷ, tận lực kéo xe lên đến đỉnh đồi. Khi đã được thắng cuộc rồi, ông trưởng giả nhận được một ngàn kim tiền. Bấy giờ, có thiên thần ở giữa hư không nói kệ:

- Dù chở đồ rất nặng

Ở dưới chân sườn núi

Hai bò lòng được vui

Sẽ kéo được xe này.

Lời nói nghe thuận ý

Hai bò nghe vui lòng

Kéo xe khỏi chỗ khó

Chủ được thưởng ngàn vàng.

Cho nên thường ái ngữ

Ðừng nói nghịch tai người

Khi nói lời ái ngữ

Không tội, thường an lạc.

Ðức Phật bảo các Bí-sô:

- Loài bàng sanh kia, khi nghe lời hủy nhục, còn có thể làm việc không lợi ích đối với chủ, huống là đối với người. Vậy nên, các thầy Bí-sô.v.v... không nên đối với người khác nói lời hủy nhục.

Ðức Phật dùng mọi cách quở trách, rồi vì hai bộ đệ tử, chế học xứ này:

Bí-sô ni nào, cố ý dùng lời nói mỉa mai mắng nhiếc, phạm Ba-dật-để-ca.


1Năm y của Tỳ-kheo-ni (Bí-sô ni): Ngoài 3 y như Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni còn có thêm hai loại y : 1.Câu-tô-la là cái váy phụ nữ mặc lót phòng kinh nguyệt; 2.Tăng-kỳ-chi tức cái yếm để nịt vú.

1Nước Chiêm-ba: Một vương quốc thời xưa ở Ấn độ, nằm phía Nam nước Phệ-xá-ly. Theo Ðại đường tây vực ký q.10 : Vị trí đô thành nước Chiêm-ba ở phía Nam sông Hằng. Nay là thành phố Bhàgalpur.

[1]Tốt-đô(đổ)-ba : Dịch là tháp. Ðầu tiên là nơi thờ xá lợi của Phật và các vị Thánh Tăng. Về sau tháp trở thành biểu tượng cho hình ảnh đức Phật, cho sự tưởng niệm đức Phật. Vì vậy, các thánh địa Phật giáo đều có xây tháp kỷ niệm. Hiện nay các nước Trung hoa, Ðại hàn, Nhật bản, Việt nam xây tháp để thờ xá lợi, tro tàn, hay thân của các vị Cao Tăng.

[2]Cầu tịch nữ: Là Sa-di-ni

1Chiên-trà-la : Hay còn gọi Chiên-đà-la, dịch là ngườihiểm ác, kẻ sát nhân, hạ tính v..v. Hạng người này thấp hèn nhất, dưới giai cấp Thủ-đà-la.

1Núi Thứu Phong: Hay còn gọi là núi Kỳ-xà-quật, núi Linh-thứu, gọi tắt Linh sơn. Vì đỉnh núi có hình dáng tựa như đầu con chim thứu(chim kên kên) và loài chim này sống ở đây rất nhiều. Vị trí nằm phía Ðông bắc thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà.

2Ba-dật-để-ca: Phiên âm khác, Ba-dật-đề, Ba-la-dật-ni-kha, Ba-dạ-đề... dịch là đọa, bị thiêu đốt (năng thiêu nhiệt), chuộc tội (ưng đối trị), cần phải sám hối (ứng sám hối). Căn bản Tát-bà-đa-bộ luật nhiếp q.8, tr 272c16, T.24, n.1458: Ba-dật-để-ca nghĩa là bị thiêu đốt, đọa vào đường ác. Căn bản Nhất-thiết-hữu-bộ Tỳ-nại-da q.25, tr 762c 44, T.23, n. 1442: Ba-dật-để-ca nghĩa là đọa lạc nơi thiêu đốt nung nấu. Người phạm tội này bị đọa nơi địa ngục, bàng sanh, ngạ quỉ, chịu các khổ nung nấu trong đường dữ. Tội này nếu không khẩn thiết ăn năng sám hối thì có thể bị trở ngại đối với pháp lành. Ðủ các nghĩa trên gọi là Ba-dật-để-ca.

--- o0o ---


Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567