Kinh Nghĩa Túc: Cái Biết Qua Bờ
Nguyên Giác
Tôi là một Phật tử, thuộc thế hệ khi mới lớn đã có nhiều cơ duyên đọc một số tác phẩm của Thầy Nhất Hạnh. Tôi cũng có vài hạnh ngộ riêng, đặc biệt cơ duyên là giao tình thân thiết từ thời 1980s với nhà sư quá cố Giác Thanh ở Virginia, người về sau trở thành trụ trì đầu tiên của Tu Viện Lộc Uyển, San Diego. Trong bài viết này, nhân dịp nửa thế kỷ sau năm 1975, xin trình bày để tạ ơn về một bản dịch của Thầy Nhất Hạnh ít người chú tâm tới.
Cuốn sách đó nhan đề là “Đạo Bụt Nguyên Chất - Kinh Nghĩa Túc” trong đó người ghi dịch và giảng giải là Thầy Thích Nhất Hạnh, nhà xuất bản Đạo Tràng Mai Thôn 2011. Đây không phải là một Kinh riêng lẻ. Đây là một nhóm 16 Kinh. Tương đương trong Tạng Pali là nhóm 16 Kinh trong "The Chapter of Eights" (Phẩm Tám) của nhóm Kinh Suttanipāta, trong Kinh Tiểu Bộ. Nhóm 16 Kinh này trong nhóm 32 Kinh được Đức Phật yêu cầu các học trò tụng hàng ngày, khi Đức Phật còn sinh tiền. Nhóm 16 Kinh còn lại là Phẩm Qua Bờ Bên Kia.
Điểm đặc biệt, rất nhiều câu trong các Kinh này đều có sức mạnh giải thoát. Kinh văn cô đọng, từng câu có thể là cẩm nang giải thoát của người xưa. Nơi đây, xin trích vài dòng của Thầy Nhất Hạnh trong Kinh Đạo Lý Duyên Khởi (Dị Học Giác Phi Kinh) để suy nghĩ, vì đây hẳn là một trong những cội nguồn của Thiền Tông Trung Hoa và Việt Nam. Trong khi suy nghĩ, người viết đã đối chiếu với 4 bản Anh dịch Kinh Snp 4.11 của Bhikkhu Sujato, Laurence Khantipalo Mills, John D. Ireland, Thanissaro Bhikkhu.
Trong bản Kinh Đạo Lý Duyên Khởi (Dị Học Giác Phi Kinh), trích từ 2 bài kệ kế tiếp như sau (cuối 4 dòng phiên âm Hán-Việt, chúng ta ghi lời Thầy Nhất Hạnh giải thích kế tiếp, dưới mỗi bài kệ).
(Trích:)
Bài kệ 12
Tùng hà đắc xả hảo sắc
Tùng chúng ái tùng hà khởi
Sở trước tâm ninh tất tận
Đế hành tri như giải thoát
12. Làm thế nào để buông bỏ được sự ham muốn về danh và sắc? Vì lý do gì mà phát sinh các loại tham ái? Làm sao cho tâm đắm trước tham ái được tiêu diệt tận cùng? Phải biết và hành trì theo giáo lý (bốn) sự thật như thế nào mới có thể đạt tới giải thoát?
Bài kệ 13
Bất tưởng tưởng bất sắc tưởng
Phi vô tưởng bất hành tưởng
Nhất thiết đoạn bất trước giả
Nhân tưởng bổn hí tùy khổ
.
13. Phải lìa bỏ ý niệm về tưởng, về sắc, về cái vô tưởng và về cái bất hành tưởng. Phải đoạn trừ tất cả và không vướng mắc vào ý niệm nào. Bởi tưởng là gốc rễ của mọi hý luận đem tới nhiều đau khổ. (Hết trích)
.
Bài Kệ 12 dễ hiểu, vì là câu hỏi trình lên Đức Phật rằng: Làm thế nào để giải thoát? Làm thế nào ngừng mọi ham muốn danh-sắc, thân-tâm, tức là để không phải sinh từ luân hồi nữa? Làm thế nào xả ái dục? Làm thế nào dựa vào Tứ Thánh Đế (trong bài kệ, viết tắt là “đế” để tu giải thoát?
Nhưng bài Kệ 13 mới là khó hiểu, khó hành trì. Ngay cả các câu Thầy Nhất Hạnh giải thích Bài Kệ 13 cũng khó hiểu. Sau khi đối chiếu với các bản Anh dịch, có thể tóm tắt lời Thầy Nhất Hạnh giải thích lời Đức Phật cho dễ hiểu rằng người tu phải tỉnh thức trong cái Biết vô niệm thì sẽ giải thoát.
Nơi đây, chúng ta trích bản Anh dịch bài Kệ 13 của Bhikkhu Sujato, rằng Đức Phật dạy:
“Without normal perception
or distorted perception;
not lacking perception,
nor perceiving what has disappeared.”
.
Viết lại cho thành văn xuôi thì dễ hiểu hơn: “Without normal perception or distorted perception; not lacking perception, nor perceiving what has disappeared.” (Việt dịch: Không phải là niệm tưởng bình thường, cũng không phải là niệm tưởng bị méo mó, cũng không phải là không có niệm tưởng, cũng không phải niệm tưởng cái đã biến mất.)
Chúng ta có thể viết lại Bài Kệ 13 như thế này: "Hãy lấy bất tưởng mà tưởng, hãy lấy bất sắc mà tưởng; Không phải là không có tưởng, cũng đừng khởi tâm mà tưởng."
Nếu viết như thế mà còn khó hiểu, thì cúng ta hãy phân biệt giữa niệm và tưởng để sẽ viết cách khác. Tưởng là perception. Niệm là think, là thought. Chữ tưởng là "nhận biết" nhưng chưa dẫn tới "hành" (lựa chọn). Thí dụ, chúng ta thấy màu xanh, màu vàng, thì biết màu xanh, màu vàng (đó là tưởng, nhận biết). Nếu sinh khởi ghét cái xấu, ưa cái đẹp, thì là trải qua hành để thành nghĩ ngợi, lựa chọn, phân biệt. Chánh niệm (mindful, mindfulness) là ý thức nhận biết nhưng không rơi vào ghét xấu, ưa đẹp; tức là, chỉ thấy như nó là nó.
Như thế, dùng chữ cách khác, chúng ta có thể viết lại Bài Kệ 13 là: “Đức Phật dạy pháp giải thoát là hãy lấy vô niệm mà niệm, không phải là niệm bình thường (như nghĩ chuyện thế gian), cũng không phải niệm méo mó (vì bị sắc, thanh, hương... lôi kéo), cũng không phải là không có niệm (như tượng đá, cục đất), cũng không phải là niệm những gì đã biến mất (hí luận, niệm quá khứ...).”
Như thế, chỉ 4 dòng trong Bài Kệ 13 là tóm tắt ý chỉ Thiền Huệ Năng. Với ý chỉ này, chúng ta hiểu vì sao, nhiều Thiền sư khi dạy cho đệ tử ngộ đạo đã có khi dùng phương tiện là xé kinh, đốt tượng. Không phải vì kinh với tượng là cái gì sai. Nhưng Thầy muốn cho học trò thấy rằng kinh là ký ức, là “sắc thọ tưởng hành thức của quá khứ” và tượng là “cái được thấy” và là tượng trưng của “sắc thọ tưởng hành thức của hiện tại” và bất kỳ ai lìa được hai thời quá khứ và hiện tại thì sẽ vắng bặt tất cả những gì gọi là thời tương lai. Đó là giải thoát.
Làm thế nào vô niệm mà niệm? Làm thế nào niệm mà không phải là niệm bất cứ gì của ba thời quá, hiện, vị lai?
Đó là cái Biết trực tiếp. Hãy đi, đứng, nằm, ngồi trong cái tỉnh thức của cái Biết này. Từ nơi cái Biết này, chúng ta thấy, chúng ta nghe, chúng ta nếm, ngửi... Không nhận ra cái Biết này để sống tỉnh thức thường trực với cái Biết này, chính là si mê. Ngộ, chính là nhận ra cái Biết này. Bài Kệ 13 dẫn trên là nói về cái Biết, cái tỉnh thức của vô niệm mà niệm.
Y hệt như khi chúng ta nghe tiếng chim kêu, tiếng mưa rơi, tiếng nhạc vẳng tới, hễ nghĩ ngợi bất cứ gì khác trong khi nghe, là sẽ mất dòng âm thanh, là sinh tử luân hồi. Khi bạn biết cái Biết thức dậy, hãy sống với cái Biết này trọn vẹn, hãy thấy và nghe trân trọng từng khoảnh khắc. Đó là Biết trực tiếp, không trải qua nghĩ ngợi, không trải qua suy lường. Nơi đó, tham sân si biến mất.
THAM KHẢO:
. Nhóm Kinh Nghĩa Túc: Kinh Đạo Lý Duyên Khởi, bản dịchThích Nhất Hạnh:
https://thuvienhoasen.org/p16a9940/kinh-dao-ly-duyen-khoi
. Kinh Snp 4.11, bản Anh dịch của Bhikkhu Sujato: “Without normal perception or distorted perception; not lacking perception, nor perceiving what has disappeared.”
https://suttacentral.net/snp4.11/en/sujato
. . Kinh Sn 4.11, bản Anh dịch của Laurence Khantipalo Mills:
https://suttacentral.net/snp4.11/en/mills
.