Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

23. Phẩm Thứ Hai Mươi Ba: Dược Vương Bồ Tát bản sự

23/05/201114:39(Xem: 3568)
23. Phẩm Thứ Hai Mươi Ba: Dược Vương Bồ Tát bản sự

SEN NỞ TRỜI PHƯƠNG NGOẠI
Thầy Nhất Hạnh giảng kinh Pháp Hoa
Nhà xuất bản Lá Bối 2001

Phần II: Kiến giải Pháp Hoa Kinh

Phẩm Thứ Hai Mươi Ba: Dược Vương Bồ Tát bản sự

Với Phẩm Thường Bất Khinh, phẩm 20, chúng ta đã đi vào bình diện thứ ba là bình diện của diệu dụng, của hạnh nguyện mà chúng ta gọi là Hạnh môn, môn thứ ba sau Tích môn và Bản môn. Sang Phẩm thứ 23, trang 473, chúng ta lại trở về Hạnh môn, tức là bình diện của sự thực hiện, của hành động. Kỳ trước trong Phẩm nói về Bồ Tát Thường Bất Khinh, ta biết rằng Thường Bất Khinh là một vị đại sứ đem theo chỉ một thông điệp, đó là: Ông, bà, anh, chị, cháu đều là những người có thể thành Bụt được. Vị đại sứ đó không cần ủy nhiệm thư. Ủy nhiệm thư của Ngài là một niềm tin thật vững chãi, tin vào sự thật rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Không cần ủy nhiệm thư, không vin vào uy lực của một vị Bụt nào hết mà ruốt cục Thường Bất Khinh đã thành công, và về sau Ngài đã thành Bụt Thích Ca.

Bây giờ, trong Phẩm thứ 23 này, mình thấy một nhân vật khác, thực hiện Pháp Hoa trên một bình diện khác, bình diện của tín nguyện (devotion), con đường của đức tin, của ân nghĩa, đó là Bồ Tát Dược Vương (BhaĩỐajyarẠja Bodhisattva). Con người không có niềm tin thì không sống được, con người không có tình cảm, không có ân nghĩa cũng không phải là một con người. Không phải tu theo Phật Pháp là chỉ đi tìm kiến thức, tu Phật phải là người biết thương yêu, phải có tình nghĩa, và Dược Vương tượng trưng cho lãnh vực đó. Thường Bất Khinh có một phận sự, Dược Vương có một phận sự khác.

Lúc bấy giờ Bồ Tát Tú Vương Hoa bạch với Bụt rằng: Lạy đức Thế Tôn, Bồ Tát Dược Vương dạo chơi trong cõi ta bà này như thế nào? Chữ dạo chơi rất hay, Du ư ta bà thế giới. Nói theo người Mỹ thì: Ông có business gì mà về cõi ta bà này? Nhưng ở đây không đề cập đến business, mà chỉ nói đến chuyện dạo chơi. Chúng ta phải học cho được điều này từ kinh Pháp Hoa. Chúng ta đang dạo chơi trong cõi ta bà này, thấy được như thế để chúng ta thảnh thơi hơn lên một chút. Dạo chơi nên không có gì cần phải tính toán, cần phải hấp tấp. Ta không làm business trong cõi ta bà này, mà chỉ nên thảnh thơi dạo chơi thôi. Khi đi sang kinh Phổ môn chúng ta cũng thấy chữ dạo chơi: Quán Thế Âm Bồ Tát vân hà, du thử ta bà thế giới. Vậy thì các vị Bồ Tát chỉ toàn là những người biết thảnh thơi và rong chơi không thôi! Tuy thế mình chỉ có thể làm người dạo chơi khi mình đã có sự giải thoát, có sự thảnh thơi, nếu không, mình làm sao dạo chơi được? Người có giải thoát thì làm việc gì cũng như chơi, không bị trói buộc, không bị thúc dục. Làm giới đàn, làm chùa hay làm gì đi nữa, thì họ cũng thấy như "làm chơi" vậy thôi, làm mà không mong cầu bất cứ một mức thành đạt nào, làm một cách vô tác. Những người như vậy, khi xây chùa, tuy cũng đo đạc, cũng tính tiền công thợ, cũng chọn màu ngói, nhưng họ làm với tinh thần giải thoát. Không có sự giải thoát đó thì ngay cả chư Bụt và chư vị Bồ Tát cũng không thể du thử ta bà thế giới, mà sẽ bị kẹt ở thế giới ta bà.

Dược Vương là một vị Bồ Tát đã được tu học với một vị Bụt là Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức, và tình thầy trò đã rất sâu đậm. Trong thời gian tu học với Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức, Bồ Tát Dược Vương có tên là Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, có nghĩa là người mà ai nhìn vào cũng thấy vui. Không phải vì người này làm trò hay nói chuyện khôi hài, nhưng vì cái tươi mát của người ấy. Thử nhìn lại ta và chung quanh ta để xem có ai đáng được danh xưng Nhất thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến hay không? hẳn là có, và có đến một mức độ nào đó. Mình nên tu tập thêm để cho người khác có niềm vui khi nhìn thấy mình. Mình không cần nói cười gì cả mà người khác đã vui khi gặp mình. Lúc đó mình là niềm vui của không phải một người mà là của cả đại chúng. Theo tiếng Việt, ta có thể gọi Pháp danh của Ngài là Bồ Tát Ai Thấy Cũng Vui.

Trang 475: Ngoài những việc tu tập khổ hạnh, Bồ Tát còn tu tập kinh hành, thiền hành rất tinh chuyên. Tu khổ hạnh ở đây chỉ có nghĩa là sống đơn giản, không đòi ăn ngon mặc đẹp, mà tập hạnh tri túc. Sau một thời gian tu tập, Ngài thành tựu được một tam muội gọi là Hiện nhất thiết sắc thân, có nghĩa là muốn thành sắc thân nào, mình sẽ có thể hiện ra được sắc thân đó. Mình muốn làn con nít thì mình biến thành con nít, chơi những trò chơi con trẻ, muốn làm người lớn thì thành người lớn, muốn làm Hòa Thượng, mình cũng có thể trở thành đạo mạo, nghiêm trang, uống trà được với các vị Hòa Thượng. Ta cũng thấy những người có nhiều khả năng, nói tiếng Việt được cả ba giọng Bắc, Trung, Nam. Gặp người Trung họ nói tiếng Huế, gặp người Nam họ nói giọng Saigon, gặp cô gái bắc, họ dùng đúng giọng Hà nội. Đó cũng là một hình thái của Hiện nhất thiết sắc thân. Cái tính chất này tương đồng với tính chất của Bồ Tát Quán Thế Âm. Bồ Tát Quán Thế Âm cũng có thể hiện ra bất cứ một sắc thân nào mà Bồ Tát muốn. Bồ Tát Ai Thấy Cũng Vui cũng có cái khả năng như vậy. Luôn luôn ứng hiện để thích hợp với hoàn cảnh, ứng hiện để tạo niềm vui cho người đối diện, vì vậy mà ai thấy cũng vui cả. Hiện nhất thiết sắc thân là vị Bồ Tát đã có rất nhiều hóa thân.

Nghĩ cũng buồn cười, đứng về phương diện kinh nghiệm cá nhân của tôi mà nói, thì nhiều khi mình đã làm như vậy mà mình không hay. Khi viết văn, mình viết đủ mọi thể, viết truyện ngắn cũng được, truyện dài cũng được, làm thơ cũng được, phóng sự cũng được. Mình viết đủ loại, thì đó cũng là ứng hiện sắc thân trong lãnh vực của một nhà văn. Viết chuyện trẻ con thì phải dùng ngôn từ con nít, cũng cùng câu chuyện đó mà muốn nói cho người lớn nghe, thì ngôn từ phải thay đổi, tức là mình phải quán cơ để mà thực hiện.

Lúc đã thành tựu được Hiện nhất thiết sắc thân, Bồ Tát thấy biết ơn thầy của mình nhiều quá, vì nếu không được thầy dạy dỗ thì làm sao mình chứng đạt được tam muội này. Lúc đó Bồ Tát cũng chứng được rằng thân này chẳng qua là một hóa thân của ta thôi, ta có vô số sắc thân. Thân này tới rồi nó đi, sự tan rã của thân này không động chạm gì đến cái chân thân của ta cả. Vì vậy cho nên để chứng tỏ rằng mình đã đạt tới cái thế giới của Bản môn, để thấy rằng mình có vô số sắc thân, Bồ Tát mới làm một hành động rất mãnh liệt, là tự thiêu thân này để cúng dường chư Bụt. Lúc đó Bồ Tát tưới lên mình không biết bao nhiêu là hương thơm, uống vào rất nhiều chất thơm như chiên đàn, trâm thủy, giao hương v.v... rồi dùng lửa đốt thân mình để cúng dường Bụt. Cố nhiên là không ai ưa người khác cúng dường mình bằng cách tự thiêu, không ai ưa cái pháp cúng dường này cả, và chắc chắn là Bụt cũng không thích cách cúng dường này. Tuy nhiên đây là một pháp cúng dường rất là đặc biệt, nó chứng minh rằng con đã đạt tới sự không sợ hãi, không vướng mắc, tại vì thân này không phải là sắc thân duy nhất của con. Ở đây cúng dường không phải là cúng dường cái xác chết này cho Bụt, mà là chứng minh được cái thành quả của sự tu tập, cúng dường cho Bụt điều mình đã chứng đạt được. Cũng như khi tôi in được một cuốn sách, tôi đưa sách lên để cúng dường Bụt trước rồi mới cho phát hành. Thật ra thì Bụt đâu có cần đọc cuốn sách đó, nhưng mình cúng dường là cúng dường cái lòng tín thành của mình, cái công trình in kinh của mình mà thôi.

Trong kinh nói rằng khi Bồ Tát tự đốt sắc thân đó thì ánh sáng của ngọn lửa tự thiêu chiếu sáng khắp tám mươi ức hằng hà sa thế giới. Ánh sáng này chính là sự giác ngộ, và cúng dường này là cúng dường Pháp, đem sự giác ngộ của mình chiếu rọi chung quanh để cho mọi người cùng thấy mhư mình. Lúc đó các đức Bụt ở hằng hà sa số thế giới, liền mở lời khen ngợi rằng: Hay quá, hay quá, đó mới là Pháp cúng dường chân thực, nghĩa là cái thấy của Bồ Tát rất sâu sắc, cái thấy vượt thoát được hình hài và sắc thân. Nếu đem cúng dường những thứ như quốc thành, thê tử, ngọc ngà, châu báu, cũng không thể nào so được với sự cúng dường này. Cái thân thể đó của Bồ Tát cháy trong một nghìn hai trăm năm, tức là ánh sáng đó soi sáng được cho người ta hơn một nghìn năm, để người ta thấy được rằng mình không cần phải bị kẹt trong cái nhục thân này. Sau khi lửa tắt thì Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến tái sanh ngay trong nước đó, và làm thái tử.

Khi thái tử khôn lớn, thì Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức cũng vẫn chưa nhập diệt, thái tử bèn mời cha mẹ cùng đi để mình được đến gặp Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức lần thứ hai. Đây là nhân duyên thầy trò, nên Bồ Tát đã tái sinh vào nước đó để được gặp thầy cũ.

Trang 478 ghi rằng: Khi đến gặp Bụt, thái tử hậu thân của Bồ Tát Ai Thấy Cũng Vui, liền chắp tay lại đọc một bài kệ để cúng dường Bụt:

Dung nhan Người rất đẹp,
Ánh sáng soi mười phương,
Con đã từng cúng dường,
Nay lại về thân cận.
Nghĩa là con vừa đốt thân con để cúng dường, bây giờ con lại trở về để được gần gũi thầy của con trở lại.

Ngày xưa khi còn làm chú tiểu, tôi chưa được học kinh Pháp Hoa. Sau đó, được học thì tôi mới biết rằng bốn câu này nằm trong một bài Kệ Cúng Hương mà tôi đã được nghe từ hồi tóc còn để chỏm. Nguyên văn chữ Hán của bài kệ là:

Dung nhan thậm kỳ diệu,
Quang minh chiếu thập phương,
Ngã tích tằng cúng dường,
Kim phục hoàn thân cận.

Nghĩa là dung nhan của Bụt rất là kỳ diệu, và ánh sáng của Bụt chiếu khắp mười phương. Ngày xưa con đã từng cúng dường Bụt và con đã cúng dường bằng ánh sáng, giờ đây con trở về để được gần thầy lại một lần nữa. Đây là con đường của sự tín nguyện, của ân tình của mình đối với ân sư. Nguyên văn chữ Hán của bài kệ cúng hương đó là:

Nguyện thử diệu hương vân,
Biến mãn thập phương giới,
Cúng dường Nhất Thiết Phật,
Tôn Pháp chư Bồ Tát,
Vô biên Thanh văn chúng,
Cập nhất thế thiên tiên,
Dĩ khởi quang minh đài,
Quá ư vô biên giới,
Vô biên thập độ trung,
Thọ dụng tác Phật sự,
Phổ huân chư chúng sanh,
Giai phát Bồ đề tâm,
Dung nhan thậm kỳ diệu,
Quang minh chiếu thập phương,
Ngã tích tằng cúng dường,
Kim phục hoàn thân cận.
Thánh chúa thiên trung vương,
Ca Lăng Tần Già thanh,
Ai mẫn chư chúng sanh,
Cố ngã kim kính lễ,
Nam mô hương cúng dường Bồ Tát Ma ha tát.

Đọc bài kệ xưng tán Bụt xong, thái tử, lúc đó vẫn mang tên là Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến mới thưa: Bạch thầy, thầy vẫn còn tại thế sao? thầy chưa nhập diệt sao? con may quá, lại được diện kiến thầy. Bụt bèn nói rằng: Này con, đêm nay thầy tịch, con đến thật là hợp thời, con phải tiếp nhận cái sứ mạng ở lại để truyền trì Diệu Pháp Liên Hoa. Ngay buổi chiều hôm đó thì Bụt Nhật-Nguyệt Tịnh-Minh-Đức giao công việc và phó chúc cho Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến trách nhiệm làm cho cái chân lý Pháp Hoa được hoằng dương khắp cõi tam thiên đại thiên thế giới.

Sau khi Bụt nhập diệt rồi thì Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến nghĩ rằng, ta vẫn có thể cúng dường thêm được nữa. Bồ Tát đưa cánh tay bằng vàng của mình ra và bắt đầu lấy lửa đốt cánh tay đó để cúng dường Bụt. Cúng dường này là cúng dường cái khả năng nhẫn nhục và cúng dường cái sắc thân siêu việt của Bồ Tát, tại vì cái tam muội mà Ngài đã chứng đắc là Hiện nhất thiết sắc thân tam muội. Cánh tay đó cháy trong vòng bảy muôn hai ngàn năm, và ánh sáng tỏa chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới.

Tôi nhớ hồi đó tôi đã thực hiện một Văn tập để tưởng niệm Nhất Chi Mai, người đã tự thiêu cho hòa bình. Tôi mời nhiều nhân vật trong Phật giáo viết bài cho văn tập, trong đó có cả ông Đạo Dừa, tại vì ông có những hành tung mà hồi đó người ta cho là không tỉnh táo. Tuy vậy nhìn cho kỹ thì ta thấy những hành động của ông đều có nghĩa lý hết. Ví dụ ông đi lượm tất cả những vỏ đạn về, đúc thành một cái chuông và trong lễ khánh thành, ông mời rất đông người tham dự, trong đó có cả chính quyền, hội đoàn, tôn giáo, và ngoại giao đoàn tại Việt-nam. Lúc làm lễ ông nói: Những mảnh bom đạn ơi, qua đã lượm các con về đây để cho các con tu. Khi qua thỉnh lên một tiếng chuông, thì các con trở thành Bồ Tát hết, các con thức người ta tỉnh dậy để thiên hạ đừng bắn giết lẫn nhau nữa. Một lần khác, ông nuôi hai con chuột và một con mèo. Không biết ông luyện như thế nào mà khi bỏ chúng vào chung trong một cái lồng, con mèo không ăn thịt hai con chuột. Ông mang cái lồng đó tới Dinh Độc lập, tức là dinh Tổng thống hồi đó, ngồi chờ để xin vào diện kiến tổng thống Nguyễn văn Thiệu. Hỏi xin gặp để làm gì, ông bảo để chứng tỏ cho tổng thống biết rằng, mèo và chuột mà còn sống chung được, huống hồ là người Việt với nhau. Họ bắt ông vào tù, ông dùng cơm tù để nuôi mèo và chuột. Một tuần sau ông nói với các tù nhân khác: Các vị thấy chưa, con mèo dù ăn thiếu mà nó có ăn thịt hai con chuột đâu, tại sao mình là người mà lại tranh giành, bắn giết nhau vì miếng ăn, vì quyền lợi dữ vậy? Đó là cái hạnh của ông Đạo Dừa.

Khi viết bài để ca ngợi Nhất Chi Mai, ông viết: Cháu Mai ơi, qua cũng đang tự thiêu, nhưng qua tự thiêu từ từ chứ không tự thiêu mau như cháu. Cũng như Bồ Tát Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến, thiêu một cánh tay mà phải thiêu đến mấy muôn ngàn năm để cúng dường, tại vì thời gian tự thiêu càng lâu chừng nào, thì cái ánh sáng tự thiêu càng chiếu rọi vào trong cuộc đời càng sâu chừng đó.

Phật giáo Đại Thừa chịu ảnh hưởng rất lớn của kinh Pháp Hoa cho nên trong các giới đàn, để chứng tỏ mình có một sức chịu đựng lớn, và mình quyết chí tu học, các giới tử quỳ xuống và đốt 9 huyệt bằng ngãi cứu ở trên đỉnh đầu để cúng dường chư Bụt cái chí nguyện của mình. Như vậy sự cúng dường này ở trong các giới đàn là có nguồn gốc từ kinh Pháp Hoa.

Trang 482: Này Tú Vương Hoa, trong các dòng nước như sông, ngòi, kinh, rạch thì biển là lớn nhất, trong các kinh thì kinh Pháp Hoa này là lớn nhất. Cái ý niệm kinh Pháp Hoa là Vua của các kinh đã bắt nguồn từ đoạn này. Kinh này là Vua của các kinh đó không phải là tại vì Kinh nói lý thuyết giỏi, tại vì Kinh có những tư tưởng thâm áo, mà tại những tư tưởng thâm áo đó được diễn tả bằng những hình ảnh rất tuyệt vời, và kinh Pháp Hoa rất có tính cách thực dụng, có thể thực hành được trong đời sống hàng ngày. Kinh Duy Ma cũng rất cao siêu, nhưng về phương diện thực hành thì có khi mình thấy mình với không tới.

Chủ nhật tới chúng ta sẽ bắt đầu đi vào Phẩm thứ 24, cũng ở trong phạm vi Hạnh môn và sẽ làm quen với một vị Bồ Tát khác, đó là Bồ Tát Diệu Âm, tức là vị Bồ Tát của âm thanh vi diệu. Con đường của Diệu Âm khác với con đường của hai vị Bồ Tát Thường Bất Khinh và Bồ Tát Dược Vương.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567