Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 05: Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng

08/02/201816:26(Xem: 3630)
Chương 05: Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng


dalailama-sydney 

TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH

Khám phá tâm thức thần bí nhất

 

 

Đức ĐẠT-LAI LẠT-MA

Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

 

 

PHẦN THỨ HAI

 Dẫn nhập về phép Đại hoàn thiện

 

***

 

Chương  5

 Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng

 

 

            Tôi muốn nhấn mạnh một điều vô cùng quan trọng là đã từng có rất nhiều các vị đại sư từ các học phái khác nhau trong Phật giáo Tây Tạng xác nhận là tất cả các học phái của họ đều được thiết lập trên cùng một nền tảng chủ yếu giống nhau. Tuy nhiên tôi cũng phải giải thích thêm về điểm này. Dù rằng sự phân tích các học phái trên đây có thể đưa đến một vài tranh cãi (tuy chủ trương cùng một nền tảng nhưng cũng có những điểm dị biệt), dầu sao đi nữa, rất nhiều nhà du-già lừng danh và vô cùng uyên bác đều thừa nhận rằng trên căn bản thì toàn bộ các hệ thống triết học [của Phật giáo Tây Tạng] đều được thiết lập trên một nền tảng tối thượng xoay quanh một quan điểm chung, một nguyên tắc chung. Nguyên tắc đó giống nhau [giữa các học phái], bởi vì tất cả đều được xây dựng dựa trên một sự cảm nhận tối thượng làm nền tảng chung. Dầu sao thì những lời tuyên bố ấy [của các nhà du-gia uyên bác] cũng không phải là hoàn toàn mang tính cách dung hòa hay lịch sự bề ngoài nào đó.

 

            Một khi đã công nhận có một điểm trùng hợp [giữa các học phái] như trên đây thì điểm ấy là gì? Đối với tôi thật hết sức quan trọng là phải khám phá và tìm hiểu điểm trùng hợp của sự hiểu biết và các sự nhận thức ấy. Tuy nhiên mỗi hệ thống [triết học] đều có một hệ thống thuật ngữ riêng, mang các nét đặc thù và chuyên biệt nhằm giải thích về một số điểm cá biệt nào đó. Nếu muốn vượt qua các khó khăn tạo ra bởi sự dị biệt về thuật ngữ này thì nhất thiết phải căn cứ vào bối cảnh mà các thuật ngữ ấy được sử dụng, cũng như ý nghĩa của chúng trong từng trường hợp một, nhưng không được thoát  ra ngoài nguyên tắc căn bản chung.

 

            Trong các kinh sách thừa hưởng từ [Phật giáo] Ấn Độ thì nguyên tắc căn bản đó lúc thì được gọi là "tâm thức tự tại và nguyên sinh của ánh sáng trong suốt", lúc thì được gọi là "trí tuệ tự tại nguyên sinh của ánh sánh trong suốt" - thế nhưng cả hai cách gọi này đều mang cùng một ý nghĩa như nhau. Trong một số kinh sách khác thì nguyên tắc căn bản trên đây được gọi là "tâm thức vajra/kim cương xuyên thấu không gian", và trong các kinh sách khác nữa thì được gọi là "tâm thức minh châu", chẳng hạn như trong câu phát biểu: "Nếu không có tâm thức minh châu thì cũng sẽ không có Phật, và cũng không có chúng sinh".

 

(Xin mạn phép giải thích thêm về ý nghĩa của thuật ngữ "tâm thức" trong Phật giáo. "Tâm thức" là cấu hợp thứ năm trong số năm thứ cấu hợp - còn gọi là "ngũ uẩn" - tạo ra một cá thể, tiếng Phạn gọi là "cấu hợp tri thức"/"vijnana-skandha" hay là "citta". Ngôn ngữ Tây Phương gọi là aggregates of consciousness/agrégats des consciences, tức là "cấu hợp tâm thần" của một cá thể, gồm có năm thứ "tri thức cảm giác" phát sinh từ mắt, tai, mũi, lưỡi, da thịt và "tri thức tâm thần" tức là tri thức thứ sáu, gồm các cảm nhận hiện lên bên trong nội tâm một cá thể. "Cấu hợp tâm thần" được gọi bằng một thuật ngữ thông dụng là "tâm thức"/spirit/esprit, các thể loại cấu hợp của tâm thức thì được gọi chung bằng một thuật ngữ thông dụng là "tri thức"/"consciousness", trong đó "tri thức tâm thần" - thông thường được gọi một cách vắn tắt là "tri thức"/consciouness - là thể loại quan trọng nhất trong số sáu thể loại tri thức, bởi vì "tri thức" này là đối tượng của việc tu tập Phật giáo nói chung, nói một cách khác thì tu tập Phật giáo có nghĩa là biến cải "tri thức vô minh" - hay "tâm thức vô minh" với ý nghĩa rộng - của mình trở "thành tri thức giác ngộ của một vị Phật". Vậy mỗi khi đọc kinh sách, tìm hiểu hay tu tập Phật giáo thì cũng nên quan tâm đến các cách định nghĩa trên đây của các chữ "tâm thức" và "tri thức" trong kinh sách cũng như trên phương diện thông dụng)

 

            Ở Tây Tạng, người ta thường thấy trong một số kinh sách có nói đến "tâm thức thông thường " và "tâm thức thần bí nhất". Các thuật ngữ này thường được sử dụng trong các cuộc tranh luận liên quan đến sự giải thoát tư duy (loại bỏ tư duy trong sự vận hành của tâm thức). Trong lãnh vực tâm lý học và qua các kinh nghiệm cảm nhận, thì sự giải thoát tư duy này có nghĩa là một sự "tự-giải-thoát"/"auto-libération"/"self-liberation hay một sự "giải thoát trần trụi"/"libération nue"/"naked release". Chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn dưới đây.

 

            Tâm thức thần bí nhất được xem như nền tảng đưa đến sự hiển hiện của bánh xe khổ đau còn gọi là "samsara"/ta-bà, thế nhưng cũng là nền tảng mang lại sự giải thoát hay "nirvana"/niết-bàn. Không có một ngoại lệ nào cả, tất cả [các thứ ấy: ta-bà, niết-bàn, khổ đau, giải thoát...] đều hiện hữu đầy đủ trên dòng luân lưu/continuum của tâm thức thần bí nhất, dòng luân lưu đó của tâm thức "hiển lộ một cách tự nhiên" từ muôn thuở và sẽ còn tiếp tục cho đến bất tận (độc giả có thể xem lại tầm nhìn bao quát này về sự hình thành và tiến hoá của chúng sinh và sự sống nói chung trong thế giới hiện tượng, mà Đức Đạt-lai Lạt-ma đã nêu lên trong chương 3).

 

            Tất cả các hiện tượng liên quan đến sự hiện hữu chu kỳ và cả nirvana/niết-bàn, nếu được đơn giản hóa đến chỗ tinh túy nhất của chúng, thì chúng sẽ không còn tạo tác ra bất cứ một thứ gì khác qua quy luật nguyên nhân và hậu quả (thể dạng sâu kín và tinh khiết nhất của mọi hiện tượng thoát ra khỏi sự chi phối của nguyên lý tương liên và quy luật nguyên nhân hậu quả. Thực hiện được thể dạng đó cũng có nghĩa là thoát ra khỏi thế giới hiện tượng). Chúng ở thể dạng hoàn hảo và trọn vẹn từ bên trong bản thể của tâm thức nguyên sinh thần bí nhất, và tâm thức đó hiển lộ một cách tự nhiên. Tất cả [mọi thứ] đều hàm chứa bên trong bầu không gian của sự hiển lộ đó. Tại điểm khởi thủy (initial point), nền tảng của các sự hiển lộ đưa đến tất cả các hiện tượng trong thế giới khổ đau chính là "tâm thức vajra/kim cương của ánh sáng trong suốt". [Thế nhưng] ở cấp bậc tối hậu (ultimate point), thì nền tảng của các sự hiển lộ đưa đến sự hình thành của tất cả các hiện tượng tinh khiết mang lại sự giải thoát cũng không phải là một thứ gì khác với  "tâm thức vajra/kim cương của ánh sáng trong suốt".

 

            Chủ đề trên đây thật đáng để tìm hiểu hầu mang lại cho mình một sự an bình nội tâm sâu sắc hơn. Đấy là cách mở thật rộng tâm thức để vượt thoát dòng luân lưu của các thứ tư duy quen thuộc, hầu mang lại nhiều an bình hơn, không những đối với những gì chung quanh mình mà cả thế giới.

 

 

Tâm thức thần bí nhất

thâm nhập vào tất cả các thể dạng tri thức

 

 

            Ánh sáng trong suốt của tâm thức thần bí nhất có thể thâm nhập vào bất cứ một thể dạng tri thức nào. Tuyết băng dù đông cứng đến đâu cũng không thể nào tách ra khỏi bản chất của nước. Cũng vậy, dù các khái niệm có thô thiển, tối tăm hay bình dị đến đâu thì nơi mà chúng phát lộ và cả nơi mà chúng tan biến khi chúng ta dừng lại sự suy nghĩ, cũng không tách ra khỏi tâm thức thần bí nhất (khái niệm dù là dưới hình thức nào đều phát sinh từ sự suy nghĩ, khi sự suy nghĩ dừng lại thì chúng cũng tan biến theo, tất cả đều tàng ẩn thật sâu bên trong tâm thức thần bí nhất của mình).

 

            Tri thức khái niệm hiện lên từ bên trong bầu không gian của tâm thức thần bí nhất. Chính vì lý do này nên vào đầu thế kỷ XX, vị du-già Dodrubchen Jigme Tenpe Nyima (là một vị thầy Tây Tạng, 1865-1926, thuộc học phái Nyingmapa. Các việc nghiên cứu và luyện tập của Đức Đạt-lai Lạt-ma về phép Dzogchen/Đại hoàn thiện chủ yếu được căn cứ vào giáo huấn của vị thây này - gcts), thuộc học phái dịch thuật xưa (học phái Nyingmapa/Ninh-mã được hình thành từ thế kỷ thứ VIII, vào dịp hoàng đế Tây Tạng Trisong Detsen mời vị đại sư Shantarakshita, trụ trì đại học Nalanda viếng thăm hoàng triều Tây Tạng và thuyết giảng Đạo Pháp năm 767. Cũng nhân dịp này hoàng đế Trisong Datsen lần đầu tiên ra lệnh phải dịch Kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng. Từ việc dịch thuật này đã đưa đến sự hình thành của học phái Nyingmapa, và cũng do đó học phái này được gọi là "học phái dịch thuật xưa" - gcts), có nói rằng chẳng khác gì như hạt mè tẩm đầy dầu, ánh sáng trong suốt cũng vậy, cũng thấm đượm bên trong toàn thể tri thức. Do đó vị du-già trên đây cho rằng dù trong lúc xảy ra các cấp bậc hiển lộ thô thiển của tâm thức - khi chúng ta suy nghĩ hoặc kích động sự vận hành của các tri thức giác cảm, liên quan đến mắt, tai, mũi, lưỡi và sự đụng chạm - thì mình cũng vẫn có thể nhận biết được một nét tinh tế nào đó của ánh sáng trong suốt bên trong từng thể dạng tri thức giác cảm đó của mình (xin nhắc thêm là theo Tâm lý học Phật, trí nhớ và khả năng nhận thức gồm có nhiều thể loại gọi chung là các "tri thức giác cảm", trong đó gồm có "tri thức thị giác", " thính giác", "khứu giác", "vị giác", "xúc giác" và "tâm thần"), tất cả là nhờ vào sức mạnh của phúc hạnh và những lời giáo huấn thâm sâu truyền lại từ vị Thầy của trí tuệ (tức là Đức Phật. Xin mạn phép nhắc thêm là trong Kinh Anapanasati/Bài kinh về sự chú tâm vào hơi thở, MN 118, Đức Phật có dạy rằng hãy chú tâm vào "bên trong của bên trong" thân xác, chú tâm vào "bên trong của bên trong" các cảm giác,  chú tâm vào "bên trong của bên trong" tâm thức, chú tâm vào "bên trong của bên trong" các hiện tượng tâm thần, đấy là cách giúp mình quán thấy bản chất trống không thật sâu xa của những thứ ấy. Theo các lời giảng trên đây của Đức Đạt-lai Lạt-ma thì phải chăng sự trống không thật sâu xa ấy cũng chính là ánh sáng trong suốt của tâm thức thần bí nhất, tàng ẩn thật sâu phía sau các sự cảm nhận phát sinh từ các cơ quan cảm giác, gồm ngũ giác và cả tâm thức?).

 

 

Hãy bước vào Con Đường ngay từ lúc này

 

 

            Vậy phải làm thế nào để hội nhập tâm thức thần bí nhất vào con đường tu tập tâm linh của mình ngay từ lúc này? Đó là phải đưa ánh sáng trong suốt hòa nhập vào tất cả mọi thể dạng tri thức, bằng cách nhận biết được nó, thiền định về nó, tập trung vào nó như là một điểm duy nhất, đồng thời vẫn giữ sự chú tâm hướng vào ánh sáng trong suốt trong bầu không gian phi-tư-duy và phi-tạo-tác mang tính cách khái niệm.

 

            Tiếp theo sau đó, khi ánh sáng trong suốt dần dần trở nên sâu sắc hơn thì các tư duy thô thiển cũng sẽ dần dần lắng xuống. Chính vì thế mà phép luyện tập này được gọi là "con đuờng chủ yếu nhờ đó sự hiểu biết sẽ loại bỏ đưọc tất cả mọi thể dạng" ("thể dạng" ở đây có thể hiểu như là các thứ tư duy, khái niệm và các thứ tạo tác tâm thần). Sau khi đã quen dần với tâm thức thần bí nhất đó qua các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình, thì mình cũng sẽ loại bỏ được tất cả mọi sự xung đột [trong tâm thức mình] (tư duy, xúc cảm, khái niệm, tác ý thường hiển hiện dưới các thể dạng đối nghịch, tàn phá và bấn loạn trong tâm thức).

 

            Khó khăn lớn nhất trong việc nhận biết tâm thức thần bí nhất là phải phân biệt thật minh bạch giữa tâm thức (tiếng Tây Tạng là sem, tức là tâm thức thông thường - gcts) và tâm thức thần bí nhất (tiếng Tây Tạng là Rigpa - gcts). Sự phân biệt đó tương đối dễ nhận thấy khi nói rằng: "Tâm thức thần bí nhất sẽ không bao giờ có thể bị ô nhiễm bởi các sự sai lầm được, trong khi đó thì tâm thức [thông thường, thường tình] chịu ảnh hưởng của các sự sinh hoạt tâm thần mang tính cách khái niệm, do đó sẽ dễ bị các thú tư duy lầm lẫn làm cho nó bị ô nhiễm". Nói ra như thế thì dễ, nhưng nếu phải cảm nhận được sự khác biệt giữa hai thứ tâm thức ấy trên dòng luân lưu continuum trong tâm thần mình thì quả vô cùng khó khăn. Theo Dodrubchen (vị đại sư nói đến trên đây), ngay cả trường hợp mà mình cho rằng mình đang thiền định về tâm thức tinh tế nhất, nhưng thật ra thì đấy cũng có thể là mình đang duy trì sự tập trung hướng vào bản chất trong sáng mang khả năng nhận biết có tính cách bên ngoài, ở một cấp bậc đặc biệt nào đó của tâm thức mà thôi. Vì thế các bạn phải hết sức cảnh giác, bởi vì tuy có thể việc luyện tập thiền định trên đây có thể trợ giúp các bạn được phần nào, nhưng thật ra không được sâu sắc lắm.

 

            Trong quyển sách này chúng ta sẽ tìm hiểu cách phải làm thế nào để tự đưa mình vào tâm điểm của tâm thức thần bí nhất, nhờ vào sự phân tích và tìm hiểu một văn bản Tây Tạng của học phái dịch thuật xưa trong Phật giáo Tây Tạng, mà tôi nghĩ rằng sẽ có thể khiến các bạn phải say mê trên cả hai phương diện tâm lý học và cả tâm linh.

 

 

                                                                                                Bures-Sur-Yvette, 07.02.18

                                                                                                     Hoang Phong chuyển ngữ

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
28/08/2010(Xem: 4629)
Hoàng tử Bồ-Đề-Đa-La thả lỏng giây cương. Con bạch mã thong dong bước qua cổng hoàng thành, đi về phía hoàng cung. Đám lính lệ cúi rạp, đỡ hoàng-tử xuống ngựa. Khi hoàng-tử bước vào sân rồng thì đã thấy phụ hoàng là vua Hương Chí, hai hoàng huynh là hoàng-tử Nguyệt-Tịnh-Đa-La và Công-Đức-Đa-La đang cung kính tiếp chuyện một vị tăng. Hoàng-tử Bồ-Đề-Đa-La vội quỳ xuống đảnh lễ. Vua Hương Chí nói: - Đây là Tổ Bát-Nhã-Đa-La mà cha cung thỉnh tới để được cúng dường ngài.
16/08/2010(Xem: 5999)
HỎI:Tôi là một thiền sinh gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểucông án. Vậy xin quý Báo cho biết công án là gì và có cáchnào giúp dễ dàng tiếp cận tìm hiểu công án không?
04/08/2010(Xem: 5173)
Câu thơ trên của Bùi Giáng nhẹ nhàng thanh thoát, như áng mây chiều lãng đãng, tựa như thân phận con người mỗi chúng ta, không biết từ đâu đến và rồi sẽ đi về đâu. Chúng ta, dù đẹp đẽ hay xấu xa, giầu sang hay nghèo hèn, khôn ngoan hay khờ dại cũng chỉ như là một khách lữ hành ở trọ trần gian, mai này rồi ai nấy cũng sẽ phải từ giã quán trọ ra đi một mình. Sự ra đi này không miễn trừ một ai, nó đến với tất cả mọi người, đến lúc tuổi còn thơ, đến lúc tuổi thanh xuân hay đến lúc tuổi già.
28/06/2010(Xem: 18684)
Bản dịch Việt Bích Nham lục được thực hiện với một tấm lòng tôn kính, cảm phục tài đức của giáo sư Wilhelm Gundert (12. 4. 1880-3. 8. 1971). Vì W. Gundert đã giới thiệu tường tận về tác phẩm độc nhất vô nhị này nên dịch giả người Việt hạn chế tối đa những lời dư thừa, chỉ đề cập đến nguyên tắc dịch, một vài nét đặc biệt cũng như kĩ thuật được áp dụng trong bản dịch Việt:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567