Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Những Nội Quán về Pháp Môn Tịnh Độ

07/09/201607:57(Xem: 5341)
Những Nội Quán về Pháp Môn Tịnh Độ
ngaithanloan
SƯU TẬP
NHỮNG NỘI QUÁN
VỀ
PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ
(tức TỊNH ĐỘ VĂN LOẠI TỤ SAO)
 
của THÂN LOAN thánh nhân
 
Nguyên tác:
Receuils sur Reflexions de la Terre Pure.
Trích trong cuốn sách:
“Sur le vrai Bouddhisme de la Terre Pure”,
của Jean Eracle, Editions du Seuil, 1994.
 
Nguyễn Xuân Chiến dịch từ bản Pháp ngữ
dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Tôn Thất Quỵ
(1997-1998)

Jean Eracle

giới thiệu về

 

 

NHỮNG TÁC PHẨM

 

của Tổ Sư

 

THÂN LOAN

 


 

Vài hàng sơ lược về 

Vài hàng sơ lược về Jean Eracle

 

Theo lời giới thiệu của nhà xuất bản Seuil, Paris, thì Jean Eracle nguyên là Quản Đốc Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học Á Châu, đặt trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ. Do một nhân duyên vô cùng kỳ lạ, ông được sang Nhật-bản lưu trú suốt mấy mươi năm để học hỏi cùng thực hành Niệm Phật theo giáo pháp của “Đạo Phật Chân Chánh trong Pháp môn Tịnh-độ” tức Tịnh-độ Chân-tông do Ngài Thân Loan Thánh Nhân khai sáng cách đây gần 8 thế kỷ.

 Rất thông thạo tiếng Nhật Bản và tiếng Hán cổ, ông Jean Eracle đã nỗ lực phiên dịch các tác phẩm của Tổ sư Thân Loan sang tiếng Pháp, với ước mong giới thiệu và cống hiến cho nước Pháp và cả thế giới biết đến một phương thức vô cùng đơn giản, dễ dàng đạt được hạnh phúc và mau chóng chứng ngộ ngay giữa kiếp sống này: Đó là pháp Niệm Phật, xướng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật.

Ngoài ra, Jean Eracle còn chấp bút và cho ấn hành những công trình sau:

- Lời dạy của Đức Phật

- Một đạo Phật dành cho tất cả mọi người: Niệm Phật Tịnh-độ.

- Giáo nghĩa Niệm Phật: Giới thiệu Đại Kinh, Quán Kinh, và Tiểu Kinh.

- Cẩm nang đạo Phật của nước Trung-hoa ngày xưa: Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Tứ Thập Nhị Chương Kinh).

- Kinh Phật Thuyết A Di Đà, theo bản dịch của Pháp-sư Cưu-Ma-la-Thập.

-         Nguồn cội Đại Thừa Phật Giáo: Tịnh-độ Tam Kinh và Vãng Sanh Luận.

-         Văn minh Võ Sĩ Đạo.

-         . . . v . . . v . . . 

 

Thân Loan thánh nhân –

Cuộc đời và tác phẩm

 

(Tìm hiểu về Chân tông Nhật bản và vị Tổ sư khai sáng)

Thân Loan thánh nhân hiển nhiên là một nhân vật phi thường mặc dù Ngài thường tự gọi mình là “gã đầu trọc ngu dốt” với giọng điệu khiêm tốn pha lẫn chút ít hài hước.

Ngài hạ sinh tại Hino, gần thủ phủ Kyoto vào năm 1173. Xuất thân từ một gia đình danh giá thuộc giai cấp quý tộc vào thời ấy: Dòng họ Fujiwara, Ngài có thể trở thành một quan viên cao cấp trong triều đình Nhật Bản. Ngay từ thuở ấu thơ, Ngài đã biểu lộ một thiên hướng mạnh mẽ về những thực tại siêu việt, đồng thời cũng luôn luôn bày tỏ những cảm quan bén nhạy đối với bản chất vô thường tạm bợ của tất cả sự vật chung quanh. Năm lên chín tuổi, Ngài trở thành đứa trẻ mồ côi cha lẫn mẹ, và được người thúc phụ đem về cưu mang.                        

Thúc phụ của Ngài đã nhìn thấy những biểu hiện khác thường của cháu mình, nên  đã  quyết định cho phép Ngài xuất gia dưới sự chăm sóc của Thượng tọa Jien (Từ Trấn). Pháp danh của Ngài khi mới bước vào chùa là Hanen.                           

Suốt hai mươi năm tu học trên núi Tỷ Duệ (Hiéi), Thân Loan tiếp nhận một sự rèn luyện nghiêm ngặt về giáo thuyết lẫn thực hành, trong một không gian bao la của những văn bản Phật-giáo, những tác phẩm kinh viện, cũng như bước vào những cánh cửa bí mật của tông phái Thiên Thai đầy quyền lực. Tông phái này được Đại sư Dengyô (Đạo Nguyên) truyền thừa từ Trung-hoa và phát triển tại Nhật Bản vào ba thế kỷ trước.

Ngài nỗ lực hướng dẫn bản thân theo phương thức tu tập Sáu Ba-la-mật của Bồ-tát đạo như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ, y như lề lối thông thường của các tu sĩ thời ấy. Ngài tự khép mình khổ hạnh, tích lũy công đức và tri thức, để một ngày nào đó sẽ thu đạt sự chứng ngộ tối thượng của chư Phật. Ngài tự thể nghiệm biết bao ngõ ngách u tối của vô minh, biết bao độc tố của tham dục và giận dữ thường tác động đến thân tâm Ngài một cách liên tục.                 

Ngài cũng khép mình tu tập nhiều pháp môn khác nhau, nhưng vẫn không hề gặt hái chút ít thanh bình tâm linh.

Năm hai mươi chín tuổi, Ngài từ bỏ tu viện trên núi Tỷ Duệ, và du hành đến Yoshimitsu nơi mà Thượng nhân Genku đang hóa đạo dưới danh hiệu Pháp Nhiên (Honen Shônin).

Pháp Nhiên xuất hiện như là một con người khoan hòa nhân hậu, mặc dù Ngài vốn là vị Đạo sư vô cùng thông thái. Ngài bỏ công đến hơn năm lần để nghiền ngẫm kho tàng bao la của Tam tạng Kinh điển Phật học.

Được đào tạo từ nền triết học và kỹ thuật tâm linh của phái Thiên Thai, Ngài đã khám phá và phát hiện ra một trong những phương thức tu tập của tông phái này, đó là Xưng Niệm Phật. Nghĩa là, chỉ cần xướng lên danh hiệu Đức Phật A Di Đà với lòng tin trọn vẹn, cũng đủ đưa hết thảy chúng sanh giải thoát khổ đau. Và tất nhiên, trong lúc thực hành niệm Phật thì người ta phải kiên trì loại bỏ tất cả những đường lối thực hành khác, dù là của đạo Phật. Đối với những người niệm Phật, thì tất cả pháp môn khác đều trở nên vô dụng, không còn ích lợi thiết thực nữa.
 
Sau đó, Pháp Nhiên dứt khoát bước ra khỏi tu viện của phái Thiên Thai, lui về ẩn dật tại một căn lều cỏ nơi thôn dã hẻo lánh cạnh Kurodani, gần thành phố Yoshimitsu. Cuối cùng, Ngài dành trọn vẹn cuộc đời mình cho pháp môn niệm Phật vô cùng giản dị này, rồi truyền dạy cho rất đông đệ tử đến gõ cửa hỏi đạo.

Chàng trai trẻ Thân Loan tức khắc trở thành người học trò khiêm cung và siêng năng của Thầy. Pháp Nhiên đặc biệt gởi gắm niềm tin nơi người học trò có khả năng tiếp nối sự nghiệp tâm linh của mình. Ngài cho phép Thân Loan  được noi theo mẫu mực cùng nhân cách của mình, cũng như chỉ dạy Thân Loan nghiên cứu tác phẩm quan trọng và đắc ý nhất, đó là:  “Tuyển Trạch Bản Nguyện Niệm Phật Tập” (Senjaku Hongan Nemboutsou Shu) do chính Pháp Nhiên sáng tác.

Giữa những người anh em cùng học, Thân Loan hiển nhiên là người thấu suốt lời dạy của Thầy nhất. Một hôm, Thân Loan nói với các vị huynh đệ đồng môn rằng:

“Đức tin của tôi và đức tin của Thầy đều hoàn toàn giống y như nhau!”

Rất phẫn nộ vì một thái độ có vẻ tự phụ như vậy, các huynh đệ đem lời phát biểu ấy trình lên Sư phụ Pháp Nhiên, để chờ xem Ngài giải quyết thế nào?

Nhưng, Thượng nhân Pháp Nhiên trả lời giản dị như sau:

“Đức tin của ta là do A Di Đà ban cho, niềm tin của Thân Loan cũng do A Di Đà ban cho. Vậy, có gì khác nhau đâu?

Nếu chúng ta có được một đức tin do những nỗ lực cá nhân thì chúng ta đã thiết lập một niềm tin khác, tùy thuộc vào những công đức tu hành riêng tư của mình. Nhưng thật ra, đức tin của chúng ta được phát xuất từ tấm lòng Đại Bi của Phật, qua sự xác lập bởi Bản Nguyện A Di Đà, do đó đức tin ấy chắc chắn giống hệt như nhau. . .”

Vừa lúc ấy, Sư phụ Pháp Nhiên cho phép Thân Loan lấy vợ. Chủ ý của Ngài muốn chứng tỏ rằng, bất cứ kẻ nào có một đức tin bền chắc như kim cương, thì kẻ ấy không cần thiết phải thực hiện nếp sống từ bỏ gia đình, cũng chẳng cần giữ mình trinh bạch, khổ hạnh, mà vẫn được tái sanh nơi Cõi Sạch của Đức Phật A Di Đà.

“Một con người rất đỗi bình thường, dù đàn ông hay phụ nữ, trẻ hay già, thông thái hay ngu độn, đạo đức hay tội lỗi, nếu đem lòng tin chân thật mà xưng niệm danh hiệu A Di Đà thì thảy đều được cứu độ triệt để bởi năng lực vượt lên trên mọi tư duy và mô tả của Bản Nguyện. Song song với việc thực hành niệm Phật, người ta chỉ cần hướng dẫn cuộc sống thường ngày bằng cách tuân thủ luật pháp xã hội hoặc lề thói của quốc gia mà mình đang sinh sống.

Nếu người ta kiên trì xưng niệm Phật để thành tựu lòng tin chuyên nhất  trong sự  tuyên dương Bản Nguyện A Di Đà, thì người ta chắc hẳn cảm nhận nội tâm được chuyển hóa, và cuộc sống được biến đổi - những khuynh hướng bi mẫn và giác ngộ, sẽ thay thế tất cả những thói hư tật xấu mà mình từng đeo đẳng trong nhiều kiếp quá khứ”.

Một quan niệm cách mạng như vậy được phổ biến rộng rãi, tất nhiên đã gây nên những làn sóng chống đối dữ dội. Do áp lực của những tu viện nổi tiếng cũng như giới Tăng lữ uy tín, triều đình và Thiên-hoàng tỏ ra phẫn nộ và trách cứ. Họ buộc tội Pháp Nhiên và đệ tử đồng bọn đã phá hủy nền tảng đạo đức xã hội, làm tổn hại đến quyền lực triều đình.

Thật ra, các tu viện lớn hồi đó thường đóng vai trò chính trị trong các tổ chức triều đình, và đương nhiên trở nên giàu có, bỗng thấy rằng họ sẽ trở thành vô dụng nếu tông phái Niệm Phật phát triển to rộng, quyền lực của họ sẽ bị đổ vỡ và con đường danh lợi của họ sẽ bị tan hoang. Họ phản ứng mạnh mẽ. Lập tức, Pháp Nhiên và các đệ tử bị tước lột Tăng tịch, rồi bị trục xuất khỏi thành phố, có thể bị kết án tử hình.

Thân Loan bị đày sang Kokobu thuộc huyện Echigo (ngày nay là tỉnh Niigata). Đó là năm 1207.

Pháp Nhiên và các đệ tử bị chính quyền triều đình phân tán thành những bộ phận rời rạc. Nhưng, tai họa này vô tình tạo ra những điều kiện tốt đẹp nhất cho việc quảng bá giáo lý Niệm Phật dễ dàng thành công, trong những miền đất lạc hậu, hoang sơ của đất nước Đại Hòa vào thời ấy.

Năm năm sau, năm 1211, triều đình ban hành sắc lệnh ân xá, cho phép Pháp Nhiên trở về Kyoto, nơi mà Ngài sẽ từ bỏ thế gian vào năm 1212 với tuổi thọ bảy mươi chín tuổi.                

Dẫu được ân xá, Thân Loan vẫn lưu trú tại Echigo cho đến vài năm sau để tiếp tục truyền bá giáo lý Niệm Phật, cũng như để củng cố những nhóm đệ tử do Ngài sáng lập.                   

Về sau, Ngài định cư lâu dài tại Inada, gần Hidachi, huyện Kasama (thuộc tỉnh Ibaraki).

Cuộc sống của Ngài vẫn còn xa lánh thế nhân, nhưng nhiều nhân vật với những thân thế và địa vị cao thấp khác nhau đã đến ra mắt tỏ ý cầu học. Ngài đã ban cho họ nhiều lời giáo huấn thích hợp về pháp môn Niệm Phật.

Năm 1224, Thân Loan công bố tác phẩm kiệt xuất và quan trọng nhất của Ngài: “Giáo Hành Tín Chứng” (tiếng Nhật là: Ken Jôdo Shinjitsu Kyôgyôshô Monrui).

Tác phẩm này quan trọng đến nỗi các tín đồ Niệm Phật đã lấy ngày phát hành làm ngày khai sinh truyền thống và nền tảng của pháp môn Tịnh-độ Chân-tông, (tiếng Nhật là : Jodo-Shinshu).

“Giáo Hành Tín Chứng” hiển nhiên là một tổng hợp thực sự các văn phẩm Phật giáo Tịnh-độ. Sách gồm sáu chương, khéo léo kết hợp và dung hóa nhuần nhuyễn những dẫn chứng từ các kinh luận cổ điển, những luận giải, cùng những chiêm nghiệm nội quán của tác giả.

Sau một bài đề tựa vô cùng hấp dẫn, Thân Loan giải thích tại sao mình phải căn cứ vào bản Kinh Vô Lượng Thọ để làm nền tảng chính yếu trong việc sáng tác bộ luận thư này. Đây là Chương I.

Tiếp theo, Thân Loan chứng minh pháp Niệm Phật đã đúc kết trong bản thân Ngài đến những vô lượng vô số phương thức tu tập. Đây là Chương II.

Và lòng tin chắc thật, bền vững như kim cương không những chuyển hóa tâm hồn chúng ta, mà còn đánh động đến Trái Tim Thuần Khiết của A Di Đà (chân như tâm). Đây là Chương III.

Kinh điển và sự luận giải của Đại-thừa Phật-giáo thường đề xướng một sự chứng ngộ cùng tột, viên mãn, - có nghĩa là đạt đến Niết-bàn tối thượng. Và hình thức chứng ngộ này còn hàm chứa ẩn nghĩa rằng: Dẫu chư vị Bồ-tát đã hoàn toàn thoát khỏi mạng lưới rối rắm của nghiệp lực, nhưng các Ngài vẫn tự nguyện tái sinh giữa lòng thế gian khốn khổ, để giải thoát tất cả chúng sanh bởi lòng thương yêu rộng lớn, cao thượng và không phân biệt sẵn có của mình. Đây là Chương IV.                                                                                           

Trong hai chương cuối của “Giáo Hành Tín Chứng”, Thân Loan đã bác bỏ những quan điểm thiên lệch về A Di Đà và cõi Tịnh-độ của Ngài.

Thân Loan cũng chứng minh rằng: Bằng đức tin rực rỡ như ánh sáng vô hạn lượng và vĩnh cửu như sức sống không cùng tận, chư Phật vì mục đích cứu vớt chúng sanh, đã biểu lộ sự viên mãn cao độ của Phật-tánh rốt ráo. Thân Loan còn xác định rằng: Cõi Đất Trong Sạch của A Di Đà không phải là một thế giới vật chất được tìm thấy giữa các thiên hà xa xôi, mà chỉ là một trạng thái thanh bình hạnh phúc thực sự của Tâm Linh, vượt lên trên tất cả tư duy và diễn tả của thế gian tầm thường.

Không thể nào cảm nhận những ẩn nghĩa trong giáo huấn của Thân Loan, nếu chúng ta không thấu suốt những bí mật sâu thẳm trong ba bộ Kinh Đại-thừa: Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, và A Di Đà.

Trong ba bộ Kinh nêu trên, qua sự khảo cứu dày công của Thân Loan, thì bộ Kinh Vô Lượng Thọ chứa đựng những giáo lý cốt tủy, trọng yếu, và chính xác. Còn hai bộ Kinh Quán Vô Lượng Thọ và A Di Đà thì đóng vai trò bổ túc ý nghĩa cho bộ Kinh Vô Lượng Thọ mà thôi.
 
Trong tác phẩm “Giáo, Hành, Tín và Chứng” được sáng tác bằng Hán-ngữ, Thánh nhân Thân Loan đã lựa chọn Sáu trong số Bốn Mươi Tám Lời Nguyện Vĩ Đại của Bồ-tát Pháp Tạng như là phần thiết lập nòng cốt của bản Kinh Vô Lượng Thọ. Lời Nguyện thứ 12 và 13 phù hợp với thể tánh của Đức Phật A Di Đà bằng cái nhìn thuộc về không gian như là “ánh sáng không thể đo lường được” - và bằng cái nhìn thuộc về thời gian như là “sự sống không cùng tận, không giới hạn”.

Khái niệm “ánh sáng không thể đo lường được” đồng nghĩa với tia sáng chói lọi rực rỡ không thể nào bị ngăn che nổi - mặt khác, còn có ý nghĩa: “Trí tuệ không hạn định nổi”.

Khái niệm “sức sống không cùng tận” phù hợp với một đời sống vĩnh cửu không thể nào hạn định được, và giải nghĩa rằng Đức Phật A Di Đà tự kéo dài tuổi thọ của mình để dẫn dắt chúng sanh: Điều này cho biết tại sao đời sống vô hạn thì đồng nghĩa với Đại Bi vô hạn. Chính vì sự thành tựu của hai lời thệ nguyện vĩ đại này, Bồ-tát Pháp Tạng đã thành tựu địa vị Phật-đà với danh xưng “Ánh Sáng Vô Lượng” tức Amitâbha -  và “Thọ Mạng Vô Lượng” tức Amitâyus. Cả hai danh xưng này được chứa đựng trong danh hiệu A Di Đà, nghĩa là Vô Lượng. Thân Loan đã đặt hai lời nguyện này vào Chương Thứ Năm của tác phẩm “Giáo Hành Tín Chứng”, và nỗ lực tuyên dương A Di Đà như là “Vị Phật chân thật”, Đức Phật của Chân Lý Tuyệt Đối. (thuật ngữ Phật-học gọi là Pháp Thân Phật).

Đây là Hai Lời Nguyện ấy:

LỜI NGUYỆN THỨ 12: Lúc tôi thành Phật, nếu ánh sáng còn bị giới hạn, ít nhất là không soi chiếu thấu trăm triệu tỷ cõi Phật, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

LỜI NGUYỆN THỨ 13: Nếu lúc tôi thành Phật, thọ mạng của tôi còn bị hạn chế, ít nhất không kéo dài đến trăm ngàn tỷ tỷ tỷ năm, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

Chương Thứ Ba của “Hợp Tuyển” được đặt nền tảng trên Lời Nguyện Thứ 17, Thân Loan xác định phương pháp thực hành mầu nhiệm trong việc chứng minh danh hiệu A Di Đà chứa đựng tinh túy và phẩm cách của tất cả chư Phật.

LỜI NGUYỆN THỨ 17:

Khi tôi thành Phật, vô số chư Phật khắp mười phương trong vũ trụ thảy đều tuyên dương và xưng tán danh hiệu tôi, nếu không phải vậy thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

Chương Thứ Ba của “Hợp Tuyển” còn xác định lòng tin đặt nền tảng trên Lời Nguyện Thứ 18, mà chúng ta suy diễn bằng cách nắm giữ những dòng giải thích của Thân Loan:

LỜI NGUYỆN THỨ 18:

Khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới hết lòng tin mộ muốn tái sanh trong cõi nước tôi, bằng cách xưng niệm danh hiệu tôi ít lắm là mười lần - nếu không được tái sanh thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác. Ngoại trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch và hủy báng chánh pháp.

Nơi chương thứ tư, Thân Loan đã xác định khái niệm về chứng ngộ. Giai đoạn sơ chứng dành cho các bậc Bồ-tát sơ địa được dựa vào Lời Nguyện Thứ 11. Giai đoạn quả chứng dành cho bậc Bồ-tát đại địa được dựa vào Lời Nguyện Thứ 22. Và sau đây là Hai Lời Nguyện ấy:

LỜI NGUYỆN THỨ 11:

Khi tôi thành Phật, nếu hàng Trời Người trong cõi nước tôi không an trụ nơi Chánh Định hoặc giải thoát hoàn toàn, thì tôi thề sẽ không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

LỜI NGUYỆN THỨ 22:

Khi tôi thành Phật, các Bồ-tát từ cõi khác đã được sanh về Tịnh-độ của tôi, rốt ráo đều đắc quả Nhất Sanh Bổ Xứ (chỉ còn tái sanh để tu một kiếp nữa thì thành Phật). Trừ những người có bản nguyện riêng, tự tại hóa hiện, vì chúng sanh mà phát thệ nguyện rộng lớn, thực hành các công đức, độ thoát mọi loài, du hành khắp các thế giới thể hiện công hạnh Bồ-tát, cúng dường chư Phật ở khắp mười phương, khai hóa vô lượng chúng sanh, làm cho tất cả đều trụ vững nơi đạo tràng Vô thượng chánh giác, vượt trội công hạnh của các bậc thông thường, hiện tiền tu tập tánh đức của Bồ-tát Phổ Hiền - nếu không được như vậy thì tôi thề sẽ không chấp nhận địa vị Toàn Giác.

Thân Loan không những chỉ khởi xướng một sự diễn dịch được đặt nền tảng trên Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà, mà còn căn cứ vào những văn bản quan trọng khác của truyền thống Đại-thừa.

Trong những dòng chữ đầu tiên của cuốn luận thư: “Giáo hành tín chứng”, Thân Loan hết lòng tri ân và ghi nhận những kinh luận cũng như diễn giải của 7 vị Tổ sư tiền bối, như :

Hai vị Tổ sư phát xuất từ Ấn-độ :

Long Thọ Bồ-tát (thế kỷ I, II)
Thiên Thân Bồ-tát (thế kỷ IV)
Ba vị Tổ sư Trung-hoa là :
Đàm Loan Tổ-sư (476 - 542)
Đạo Xước Tổ-sư (562 - 645)
Thiện Đạo Tổ-sư (613 - 681)

Cuối cùng là hai vị Tổ sư Nhật-bản :

Nguyên Tín (942 - 1017) tức Genshin Shônin
Pháp Nhiên (1133 - 1212) tức Hônen Shônin.

Rốt cuộc, mặc dù bận rộn với vô số hoạt động truyền bá giáo lý Niệm Phật, và bắt buộc phải sống rày đây mai đó, nhưng Thân Loan cũng đã hoàn tất lắm công trình đáng kể: Nhiều tác phẩm bằng Hán ngữ và Nhật ngữ, nhiều khảo luận súc tích, nhiều bản ký sự, sưu tập thi kệ và cả vô số thư từ cho những đệ tử ở nơi xa.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng, cuốn “Giáo, Hành, Tín, Chứng” và cuốn “Tịnh-độ loại tụ” mới đúng là phần cốt tủy đích thật của giáo lý Thân Loan.

Trong giai đoạn cuối cùng của kiếp sống, Thân Loan thánh nhân trở về Kyoto, nơi mà Ngài đã từng thay đổi chỗ ở rất nhiều lần - và Ngài hân hoan mở rộng vòng tay đón nhận những người đến gõ cửa, rồi giáo hóa họ bằng pháp môn Niệm Phật.

Năm 1263, tại thủ phủ Kyoto, Ngài thản nhiên day mặt về hướng Tây, nằm nghiêng trong tư thế “sư tử ngủ” như phong cách chư Phật nhập Đại Niết Bàn, rồi từ giã thế gian mà trở về Cõi Sạch A Di Đà, để lại vô vàn kính ngưỡng cho rất nhiều đệ tử.

Hình ảnh cao đẹp của Ngài vẫn còn sống động trong lòng nhân dân Nhật Bản cho đến thời đại ngày nay.

JEAN ERACLE

Nguyễn Xuân Chiến dịch

Từ bài Le Saint Homme Shinran, sa vie et ses oeuvres
trích trong cuốn Sur le vrai bouddhism de la Terre Pure,
của Jean Eracle


SƯU TẬP  NHỮNG NỘI QUÁN
VỀ
PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

(tức TỊNH ĐỘ VĂN LOẠI TỤ SAO)

 

của THÂN LOAN thánh nhân

 
Nguyên tác:
Receuils sur Reflexions de la Terre Pure.
Trích trong cuốn sách:
“Sur le vrai Bouddhisme de la Terre Pure”,
của Jean Eracle, Editions du Seuil, 1994.
 
Nguyễn Xuân Chiến dịch từ bản Pháp ngữ
dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Tôn Thất Quỵ
(1997-1998)

 

 

 

 

 

 


SƯU TẬP NHỮNG NỘI QUÁN

VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

(Nguyên tác bằng chữ Hán:

TỊNH ĐỘ VĂN LOẠI TỤ SAO)

 

 

MỞ ĐẦU

Đúng thật như thế! Ánh sáng rực rỡ chói lọi không gì ngăn trở nổi, vượt lên trên mọi tư duy và mô tả, của Đức Phật A Di Đà, đã dập tắt hết thảy khổ đau và bừng nở hạnh phúc.

Danh hiệu tuyệt vời của A Di Đà đã thâu tóm trong Ngài đến những vô lượng vô số công phu tu tập. Chính danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật đã phá tan những khó khăn chướng ngại, và hủy diệt mọi nghi ngờ! 

 Dường như tất cả những bất hạnh và trắc trở đã quyết định số phận của chúng ta vào thời đại mạt pháp này - thời đại mà mọi thứ đều suy đồi toàn diện, không thể nào chạy chữa được. Con phải tự hiến mình cho giáo lý nhiệm mầu này, và công phu tu tập giản dị này. Chính giáo lý và công phu tu tập này sẽ phải là cặp mắt và đôi chân của con: Con cần phải dâng hiến tất cả tấm lòng sùng kính và cả nhiệt huyết của mình.

 

Khi nhận lãnh và thực tập giáo lý đã được truyền ban bởi Đại Nguyện Siêu Việt của A Di Đà, con sẽ từ bỏ những thứ dơ bẩn và chỉ chấp nhận những gì trong sạch, thuần khiết. Nếu giờ đây, đã nhận lãnh và nắm giữ lời dạy của Phật, con xin cảm tạ lòng đại từ khoan dung của Ngài, và xin ca tụng phẩm chất cao thượng của Ngài.

Là gã trọc đầu ngốc nghếch, con hiện tạm trú tại xó xỉnh tận cùng hẻo lánh trong một tỉnh lẻ quê mùa trên đất nước Nhật Bản, chỉ biết một mực tin cậy hoàn toàn vào các bản sớ luận từ xứ Ấn Độ và Cachemire, gồm luôn cả những bản chú giải của các vị Tổ sư Trung Hoa và Nhật Bản. Con xin đặt trọn niềm tin, dốc lòng phó thác cho Giáo lý, Thực hành, và Chứng ngộ của Đạo Phật Chân Chánh trong pháp môn Tịnh-độ.

Bởi lẽ, không thể nào quay lưng trước lòng đại từ khoan  dung  vô  tận  của Phật,  con  xin  công  bố  tác phẩm :

“Sưu Tập Những Nội Quán về pháp môn Tịnh-độ”

(tức TỊNH ĐỘ VĂN LOẠI TỤ SAO)

 

I.- GIÁO LÝ

 

 

Những lời thuyết giảng phát xuất từ bản Kinh “Sức Sống Không Cùng Tận” (Vô Lượng Thọ Kinh), chính là giáo lý căn bản của đạo Phật chân chánh trong pháp môn Tịnh-độ.

Tư tưởng vĩ đại của bản Kinh này là: Đức Phật A Di Đà trong khi phát khởi đại nguyện, đã rộng mở cho chúng ta một Kho Tàng Chánh Pháp. Vì thương xót những chúng sanh tầm thường và vô nghĩa như chúng ta, Ngài đã ban tặng những gì quý báu nhất trong vô lượng công đức do Ngài thành tựu.

Nói đúng hơn, bản Kinh Sức Sống Không Cùng Tận đã chứa đựng tri kiến chân thật, chính vì mục đích mang tri kiến chân thật này đến cho tất cả chúng sanh, mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã xuất hiện ở thế gian. Bản Kinh kỳ diệu này thật là phi thường và siêu việt làm sao! Chính tri kiến cao thượng này đã hoàn thành đạo lý Nhất Thừa, và cũng chính tri kiến như thực này đã được tuyên bố bởi chư Phật khắp mười phương.

Lý do hiện hữu của bản Kinh Sức Sống Không Cùng Tận (Vô Lượng Thọ Kinh) chính là trình bày Bản Nguyện Vĩ Đại của A Di Đà, thực chất của Kinh này là tuyên dương danh hiệu của Ngài.

Đó là NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

         

II.- THỰC HÀNH

 

Sự Thực Hành, chính là Pháp Tu Vĩ Đại căn cứ vào việc Bản Nguyện Cứu Độ của A Di Đà đã được thành tựu. Điều này được dẫn khởi từ Đại nguyện thứ 17, xác quyết rằng chư Phật ở khắp mười phương đều đồng thanh ca ngợi A Di Đà. Còn được gọi là:  “Đại Nguyện xác quyết rằng chư Phật đều xưng tán danh hiệu A Di Đà. Và Đại Nguyện cũng diễn tả hành vi chuẩn xác để tái sanh vào Cõi Sạch của Ngài.

Khi Đức Phật A Di Đà chuyển hóa chúng ta bằng năng lực Bản nguyện Cứu Độ của Ngài, Ngài mang sẵn hai chủ ý: Thứ nhất là giúp đỡ chúng ta được tái sanh nơi Cõi Sạch, và chủ ý thứ hai là khiến chúng ta trở lại nơi thế gian này. Để thực hiện ý định đưa chúng ta về Cõi Sạch, Ngài phải thực hiện hai phần việc: Phần việc thứ nhất: Ban cho chúng ta một phương pháp hành trì vĩ đại. Phần việc thứ hai: Ban cho chúng ta một đức tin thuần khiết. Phương pháp hành trì vĩ đại, ấy là đọc lớn danh hiệu Phật A Di Đà (réciter le nom du Bouddha Amida), Ngài là ánh sáng chói lọi không gì ngăn trở được.

Pháp hành trì này gom chứa tất cả các pháp tu khác, bao hàm vô số vô lượng công phu tu tập khác.

Sự tu trì này được gọi là “Đại Pháp”, nghĩa là “Phương Pháp Thực Hành Cao Sâu Rộng Lớn”, bởi vì pháp này dẫn dắt chúng ta đến Chứng Ngộ vô cùng nhanh chóng.
Đọc lớn tiếng danh hiệu A Di Đà, hoặc xướng danh hiệu A Di Đà, có năng lực phá vỡ tất cả vô minh của chúng sanh: Xướng niệm danh hiệu A Di Đà cũng có khả năng làm cho mọi ước vọng của chúng sanh được tròn đầy. Đọc lớn danh hiệu A Di Đà hoặc xướng niệm danh hiệu A Di Đà, ấy là gắn chặt tư tưởng vào danh hiệu, ấy là tưởng niệm đến Phật, còn gọi là NIỆM PHẬT. Niệm Phật chính là: Nam mô A Di Đà Phật.                    

Trong những dòng trình bày về sự thực hiện Đại Nguyện thứ 17, Kinh “Sức Sống Không Cùng Tận” đã ghi:

“Khắp mười phương thế giới, có nhiều Đức Phật đông như cát sông Hằng, đều ca ngợi A Di Đà, Đức Phật của Đời Sống Vô Biên Vô Tận, cùng những năng lực siêu nhiên và phẩm chất không thể nghĩ bàn của Ngài. Bất cứ chúng sanh nào thoáng nghe danh hiệu của Ngài mà phát khởi ý niệm vui mừng dù chỉ một lần thôi, đều được cải biến bởi Chân Tâm, mong ước được tái sanh vào cõi nước của Ngài, liền khi ấy đều được tái sanh và an trú trong cảnh giới giải thoát, chấm dứt sanh tử luân hồi.”

Kinh ấy cũng còn ghi rằng:

“Đức Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn nói với Di Lặc Bồ-tát: Bất cứ người nào hội đủ cơ duyên, may mắn nghe được danh hiệu A Di Đà mà dấy khởi tâm lý vui mừng, hớn hở - dù chỉ một lần duy nhất - cũng thu hoạch được nhiều lợi ích lớn lao, thành tựu những công đức cao thượng.”

          Trong bộ luận thư nổi tiếng “Thập Trụ Tỳ-Bà-Sa”, Ngài Long Thọ Bồ-tát tuyên bố:

 “Nếu người nào muốn mau chóng chứng đạt,

Cảnh giới của trạng thái chấm dứt sanh tử,

Thì người ấy phải dốc trọn lòng sùng kính

Mà quyết tâm xướng lớn danh hiệu A Di Đà

 

Nếu một ai gieo trồng các loại thiện căn

Mà vẫn còn nghi ngờ, thì hoa sen không nở

Nếu đức tin được hoàn toàn thuần khiết

Thì hoa sen tự bừng nở,

Và kẻ ấy liền được thấy Phật.”

 

Trong bộ luận đặt nền móng cho pháp môn Niệm Phật (Vãng Sanh Luận), Thiên Thân Bồ-tát tuyên bố:

Kính lạy Đức Thế Tôn

Với tấm lòng chuyên nhất

Con xin được trở về

Nương tựa nơi Đức Phật

Có ánh sáng chói lọi rực rỡ

Chiếu soi khắp cả mười phương

Và con ước mong được tái sanh

Nơi cõi nước Thanh Bình Và Hạnh Phúc.

 

Con xin căn cứ vào Kinh điển

Vào tướng hảo và công đức chân thật

Rồi tập hợp tất cả vào các thi kệ

Ca tụng Bản Nguyện Siêu Việt của Ngài

Đã được thực hiện đầy đủ, rộng khắp

Phù hợp với lời dạy của chư Phật

Cho con được thấy năng lực Bản Nguyện

Gặp được Ngài thì vô cùng lợi ích

Có khả năng chứng đắc nhanh chóng

Biển cả châu báu của công đức Ngài . . .

 

Qua những lời thuyết giảng của Phật, Bồ-tát và những lời dạy của các vị Luận sư, bạn phải biết rằng, trong các công phu tu tập khác mà những chúng sanh bình thường từng thực hiện, thì bắt buộc phải hồi hướng công đức về Vô thượng chánh giác, do đó sự tu tập ấy mới có hiệu quả thiết thực. Nhưng, sự thực hành niệm Phật là công phu tu tập phát khởi từ lòng Đại Bi của Đức Phật - Ngài sẽ chuyển hóa chúng ta bằng vô lượng công đức huyền diệu chẳng thể nghĩ bàn của Ngài .

Do vậy, Thân Loan tôi bảo rằng, trong pháp Niệm Phật, sự hồi hướng công đức là không cần thiết.

Sự hành trì này là do Đức Phật A Di Đà tuyển chọn và thâu tóm trong Bản Nguyện, trong lời thệ ước tối thắng, không thể vượt trội, và ở ngoài mọi tri kiến thế gian. Công trình tu tập này đã kết tinh được cả phương tiện tối thắng, xác thực và huyền nhiệm của đạo lý Nhất Thừa: Ấy là sự hành trì cao thượng, tối ưu, cô đọng cả thảy vô số vô lượng đức hạnh siêu việt của Đức Phật A Di Đà.

Bản Kinh Sức Sống Không Cùng Tận đưa ra từ ngữ: “dù chỉ một lần duy nhất” , đã xác định một sự đầy đủ tối thiểu, và từ ngữ “một lần duy nhất” cũng có nghĩa là “một ý tưởng duy nhất” hoặc  “hợp nhất tư tưởng”, “chuyên nhất tư tưởng”.

Ý tưởng duy nhất này, chính là “một tiếng gọi duy nhất”. Và “một tiếng gọi duy nhất” ấy là đọc tụng danh hiệu A Di Đà.

Đọc tụng danh hiệu A Di Đà, ấy là một tư tưởng chăm chú chuyên nhất. Một tư tưởng chăm chú chuyên nhất, ấy là một tư tưởng chân chánh. Cuối cùng, tư tưởng chân chánh sẽ dẫn đến hành động chân chánh khiến được tái sanh nơi Cõi Sạch (Tịnh-độ).

Trong một khía cạnh khác, từ ngữ “chỉ một lần duy nhất” ở đây không xác định việc tập trung tư tưởng đạt được bằng cách thiền quán về tướng hảo của Phật, hoặc lập đi lập lại danh hiệu A Di Đà rất nhiều lần.

Nói một cách thích đáng hơn, từ ngữ  “chỉ một lần duy nhất” có nghĩa là, tư tưởng và sự tu tập mà nhờ đó, người ta sẽ đạt được sự tái sanh nơi Cõi Sạch trong một khoảnh khắc duy nhất và lưu trú nơi đó với một hạn kỳ lâu dài.

Nam mô A Di Đà Phật

 

III.- ĐỨC TIN THUẦN KHIẾT

 

Đức Tin thuần khiết, đó là một niềm tin sâu thẳm và rộng lớn, do năng lực Bản Nguyện của A Di Đà mang lại cho chúng ta trong khi Ngài cứu độ tất cả chúng sanh. Đức Tin này được khơi dậy trong “Đại Nguyện xác quyết rằng, nếu có người nào thường xuyên nghĩ nhớ đến Phật, thì chắc chắn được tái sanh nơi cõi Tịnh-độ” (Đại Nguyện thứ 18), cũng được gọi là: ”Đại Nguyện đoan quyết Tấm Lòng Chân Thành và Đức Tin Trong Sáng”. Hay còn gọi là: ”Đại Nguyện khơi dậy lòng tin với ý nguyện thực hiện tái sanh nơi Cõi Sạch”.

Đối với chúng ta, những chúng sanh tầm thường và căn cơ thấp kém, quả thật là vô cùng khó khăn để đạt đến Lòng Tin thuần khiết, lại càng khó khăn hơn nữa để thực hiện cứu cánh tối hậu. Tại sao như thế?

Bởi vì chính chúng ta không biết chuyển hóa công đức tu tập vào chiều hướng tái sanh nơi Tịnh-độ, do đó chúng ta vẫn còn bị rối rắm trong mạng lưới nghi ngờ. Chắc hẳn vì điều này mà Đức Phật phải giúp đỡ chúng ta bằng diệu lực cao thượng của Ngài.

Với chủ ý tạo ra một nhân tố ban đầu, Đức Phật đã dang rộng đôi tay để cứu vớt chúng ta bằng năng lực Đại Từ Đại Bi và Trí Tuệ Vô Hạn, khiến chúng ta gặt hái được Lòng Tin thuần khiết và chân thật. Người nào có được Lòng Tin như vậy thì thật là kiên cố, không gì lay chuyển nổi. Lòng Tin như thế, khiến sự nghiệp hành trì sẽ không biến thành hư ngụy, giả dối.

Hãy nhận thức đúng đắn về điều này: Nhờ vào một Đức Tin như thế, thì mục tiêu tối thượng và vi diệu sẽ dễ dàng đạt được - nhưng, làm thế nào để sở hữu một đức tin chân thật và thuần khiết mà ngay tự thân chúng ta thật khó thủ đắc nổi?

 

(GHI CHÚ từ bản Pháp-ngữ của dịch giả JEAN ERACLE :

Thật vô cùng khó khăn cho nhân loại trong việc từ bỏ năng lực bản thân để phó thác hoàn toàn vào diệu lực được xác định bởi Bản Nguyện A Di Đà, với lòng tin cậy tuyệt đối.

Nhân loại cũng khó khăn trong việc từ bỏ thành kiến sai lầm, ấy là đòi hỏi những nỗ lực gắt gao, những công phu tu tập lâu dài và phải tích lũy công đức dồi dào, rồi mới đạt được Chứng Ngộ Tối Thượng. Thật ra, sự chứng ngộ tối thượng chỉ là sự vận hành tức thời của Tâm - Rất giản dị: Không cần tìm kiếm giờ Ngọ vào lúc 14 giờ.

Điều ấy xảy ra rất đơn giản, thậm chí quá  mức  đơn  giản, vì là con người - ai cũng thường nghĩ rằng mình đủ khả năng thực hiện quá nhiều việc, dễ dàng bắt nắm mục đích, rồi thì, khi đụng độ sự việc trước mắt: Tất cả đều bị đảo ngược lại!

          Chính vì ham hố tom góp những kết quả cụ thể trên ván bài thế tục, mà những nỗ lực hoặc đôi khi là những kỷ luật nghiêm ngặt có vẻ như là cần thiết - nhưng sự Chứng Ngộ Tối Thượng được tượng trưng bởi cõi Tịnh-độ, thì hoàn toàn vượt lên trên mọi tầm nhìn cạn cợt của thế gian. Đức Tin của Niệm Phật sẽ khiến chúng ta đạt được Chứng Ngộ Tối Thượng một cách trực tiếp, thẳng tắt).

Kẻ nào nhận lãnh Đức Tin chân thật và thuần khiết, sẽ cảm nghiệm một rung động cao độ của sự hoan lạc, và điều này đã được trình bày trong bản Kinh Sức Sống Không Cùng Tận như sau:

          Bất cứ người nào có được Tấm Lòng Chân Thành và Ước Vọng tái sanh nơi Xứ Sở của Thanh Bình và Hạnh Phúc, thì có khả năng giác ngộ bởi trí tuệ và đạt được Thành Tựu Tối Thượng - và Như Lai nói người ấy được trang bị một tri kiến bao la và thắng diệu.

          Như vậy, chúng ta hẳn nhiên sẵn có một phương tiện siêu thắng để bước ra khỏi nghi ngờ và đón nhận Đạo Lý, một phương thức chuẩn xác để thu hoạch nhanh chóng sự hòa điệu hoàn toàn, một tinh túy của vĩnh cửu, và cả sự bất diệt: Ấy là Đức Tin  thuần khiết, bao la, và tràn đầy phẩm chất cao thượng.

Chắc chắn rằng, phải tham dự vào sự thực hành, hoặc hòa nhập vào Đức Tin thuần khiết - chẳng còn lại gì trong chúng ta, nếu chúng ta không phát khởi từ Bản Thể Thuần Khiết của Phật A Di Đà, được thể hiện qua đại nguyện của Ngài.

          Không có gì gọi là ngẫu nhiên, hoặc là do một nguyên cớ khác, mà ta có thể sở hữu một Đức Tin như vậy. Chỉ có vậy thôi!  

 

IV.- CHỨNG NGỘ

 

Phật A Di Đà cứu độ chúng sanh bằng cách đưa chúng sanh đến Chứng Ngộ, đó là kết quả vi diệu mà Bản Nguyện của Ngài phải thực hiện cho kỳ được mới thôi.                    

Sự chứng ngộ này được khơi dậy trong “Đại Nguyện khiến mọi người đạt được sự giải thoát cần thiết” (Đại Nguyện thứ 11). Cũng gọi là: “Đại Nguyện làm cho tất cả chúng sanh thực hiện được Đại Niết Bàn”. Hay còn gọi là: “Đại Nguyện thọ ký quả vị giải thoát bao gồm việc được tái sanh nơi Tịnh-độ”.

          Sự chứng ngộ này là Thuần Khiết, Chân Thật, Cứu Cánh Tối Hậu, Toàn Giác, là Vô Sanh và Niết Bàn Tối Thượng.

          Trong một đoạn nói về sự thực hiện Bản Nguyện, Kinh Sức Sống Không Cùng Tận ghi:

“Tất cả chúng sanh được tái sanh nơi cõi nước Cực Lạc kia, đều ở vào nhóm người tu học thiền định chân chính theo Phật-đạo (chánh định tụ), chẳng thối đọa, chẳng dứt lìa các căn lành, dần dần sẽ được chứng ngộ. Vì sao?    

Bởi vì ở cõi Phật kia, không có nhóm người tu học theo tà giáo, dị đoan, tà kiến, phạm tội ngũ nghịch (tà tụ). Và cũng không có nhóm người thiếu quyết định là chân chánh hay tà ngụy (bất định tụ).

Khi diễn tả về nếp sống và hình thức sinh hoạt của các cư dân ở Tịnh-độ, bản Kinh ấy ghi như sau:

“Đó là để phù hợp với cách thức sinh hoạt của các thế giới ở cõi Ta-bà, mà Đức Thích-Ca phải diễn tả nhân dân ở Cực Lạc bằng các khái niệm thông thường như “Trời, Người ở Tịnh-độ…”. Thật ra, mỗi cư dân ở cõi Tịnh-độ đều có khuôn mặt cân đối, tư cách đoan chánh, vượt trội hẳn thân thể loài Trời, loài Người nơi cõi này. Cư dân ở Cực Lạc Tịnh Độ đều có khả năng dị thường, không phải nhân loại mà cũng không phải phi nhân. Tất cả đều có thân thể tự nhiên phi vật chất tựa như hư không, và họ có thể sử dụng rất nhiều hình thái sinh hoạt (gần như vô giới hạn)”

Khi mô tả tình trạng của những người sắp sửa tái sinh nơi cõi Phật, Kinh ghi rằng:

“Không thể chối cãi rằng: Vào lúc lâm chung, người ấy được tái sanh vào Tịnh-độ, phải vượt qua năm cảnh giới xấu ác, và năm cảnh giới xấu ác này tự nhiên khép cửa lại. Rồi y thẳng bước tiến lên, chẳng còn bị bất cứ ai ngăn cản và y được giải thoát, không còn một điều gì có thể trói buộc nổi. Nơi cõi Phật kia, không có sự mâu thuẫn, đối kháng, và ai nấy đều tự nhiên hòa hợp nhau”.

Qua những lời thuyết giảng của Phật và chư vị Tổ sư, chúng ta thấy rõ rằng, chúng ta là những  hiện hữu tầm thường và tràn đầy tham dục, đồng thời cũng là những đám đông sinh vật dơ bẩn do những hành vi  bất  thiện, đời đời quay cuồng theo hiện tượng sống chết liên tục - chúng ta phải đón nhận sự thực hành niệm Phật với đức tin, phù hợp ý nguyện A Di Đà sẵn đủ năng lực dẫn dắt chúng ta trở về Cõi Sạch. Song song với việc này, chúng ta sẽ được an lập trong nhóm người tu tập thiền định chân chánh, tương tự như thành tựu địa vị Bồ-tát của Đại-thừa (Bất Thối Chuyển).

          An trú trong nhóm người tu tập thiền định chân chánh, thì chắc chắn đạt đến giải thoát. Chắc chắn đạt đến giải thoát ấy là thường xuyên an trú trong hạnh phúc tâm linh. Thường xuyên an trú trong hạnh phúc tâm linh, ấy là Đại Niết Bàn. Đại Niết Bàn chính là kết quả phát sanh từ nguyện lực A Di Đà, bằng cách giáo hóa và cải biến tâm linh chúng sanh để cứu độ tất cả.           

Ngay trong thân thể vật chất của chúng ta, chúng ta tự phát hiện một thân thể tâm linh, gọi là Pháp-thân. Pháp-thân chẳng phải là một sản phẩm nhân tạo, mà là bản chất cốt lõi của Thành Tựu Viên Mãn. Thành Tựu Viên Mãn chính là Diệt Tận. Diệt Tận chính là chấp nhận thực tại. Chấp nhận thực tại, ấy là thấu suốt được bản thể của mọi sự vật. Thấu suốt được bản thể của mọi sự vật, ấy là an trú trong sự chân thật. An trú trong sự chân thật, ấy là: Chỉ hiện hữu trong tri kiến Như Thị.

          Cũng vậy, vấn đề là nguyên nhân hoặc vấn đề là kết quả -   đều không đáng đặt ra. Vì không có một cái gì hiện hữu ở trong chúng ta khi nó không được bắt nguồn từ Trái Tim Thuần Khiết của A Di Đà đang thể hiện Bản Nguyện của Ngài. Chính vì nguyên nhân là thuần khiết, tinh sạch, thì cũng như thế, kết quả sẽ được thuần khiết, tinh sạch.

          Chỉ có vậy thôi!

 

* * *

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

 

(GHI CHÚ

của Jean Eracle trong bản tiếng Pháp :

 

Niết-bàn thể hiện Đức Tin của Niệm Phật, là một trạng thái thuần khiết, bởi vì nó không trộn lẫn với bất cứ mảy may nào của vết nhơ dục vọng. Nó là chân thật, bởi vì nó chứa đựng tri kiến Như Thật về các hiện tượng thế gian.

Niết-bàn là cứu cánh tối hậu, bởi vì, từ bên trong nó có thể tiến đến chỗ đồng nhất hóa với mọi sự vật, không còn mảy may phân biệt.

Nó là Toàn Giác, bởi vì thoát khỏi tất cả dây trói của luân hồi, không những không còn tái sanh vào thế giới xấu xa mà ngay cả chẳng còn tái sanh vào cõi Trời hoặc cõi Người, mà nó đã vĩnh viễn chấm dứt sanh tử luân hồi.

Niết-bàn còn có nghĩa là Vô Sanh, bởi vì nó không phải là kết quả của bất cứ phương pháp tu tập nào mang tính cách tự lực.

Niết-bàn là tối thượng, vì nó không còn mục tiêu nào để sanh khởi, và nó cũng biểu lộ tất cả chư Phật toàn giác, viên mãn.)

 

V.- TRỞ LẠI THẾ GIAN

 

Ý định thứ hai của Đức Phật A Di Đà là khiến chúng ta trở lại nơi thế gian này, nhằm mục đích làm cho chúng ta trở nên hữu ích bằng cách giáo hóa chúng sanh và cải biến tâm linh của chúng sanh, trên nền tảng mang lại sự giải thoát cho tất cả. Ý định này đã khơi dậy chúng ta nơi đại nguyện “khiến chúng ta chắc chắn đạt đến trạng thái quyết định của tâm thức”, (Đại Nguyện thứ 22), còn được gọi là “Đại Nguyện khiến chúng ta đạt được cảnh giới bất sanh bất diệt hoàn toàn (như một vị Phật). Hoặc còn gọi là: ”Đại Nguyện tỏ rõ ý định khiến chúng ta trở lại thế gian này”.   

Trong một đoạn thuyết giảng về sự thành tựu đại nguyện này, kinh chép rằng : 

“Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo:

Này A-nan! Tất cả các vị Bồ-tát nơi cõi Cực Lạc kia đều đã đạt đến trạng thái giác ngộ tâm linh bất thối chuyển, chỉ còn tái sanh một lần nữa để thành tựu địa vị Phật-đà. Ngoại trừ những vị Bồ-tát đã lập Bản Nguyện riêng, vì chúng sanh mà trở lại thế gian, đem đại nguyện công đức rộng lớn để tự trang nghiêm, trong mục tiêu giải thoát tất cả chúng sanh”.

Qua lời dạy của Phật và chư vị Tổ sư, chúng ta thấy rõ rằng, chính vì lợi ích vô tận và bất tư nghị của Bản Nguyện phát xuất từ Đại Từ Bi mà chúng ta phải quay trở lại trong cánh rừng dày dặc đầy tham dục của thế gian, cuối cùng, phải mở đường vạch lối và dẫn dắt tất cả chúng sanh đến giải thoát rốt ráo.

Rồi thì, chúng ta noi theo những hạnh nguyện toàn thiện toàn hảo của Bồ-tát, rộng phát khởi lòng thương xót đến tất cả sanh linh.

Cũng vậy, dù chúng ta đi đến Cực Lạc để sinh sống, hoặc chúng ta quay trở lại thế gian, đều không đáng đặt thành vấn đề. Vì chẳng còn gì hiện hữu trong chúng ta nếu nó không được bắt nguồn từ Trái Tim Thuần Khiết của Phật A Di Đà đang thể hiện Bản Nguyện của Ngài.

Chỉ có vậy thôi!

         

Nam mô A Di Đà Phật

          Nam mô A Di Đà Phật

 

VI.- KẾT LUẬN

 

Ngày hôm ấy đã trở thành thời điểm chín muồi tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thị về Tịnh-độ. Đó là vụ Đề Bà Đạt Đa xúi giục vua A Xà Thế phạm vào tội ác đại nghịch. Và tiếp theo, Đức Phật Thích Ca khuyến cáo Hoàng thái hậu Vi Đề Hy hãy lựa chọn để chuẩn bị sanh vào một cõi nước Thanh Bình, bởi vì bà hoàng này đang khắc khoải, tự tra vấn mình tại sao lại bị sanh ra trong một thế giới dơ bẩn xấu ác như thế này.

Khi Thân Loan tôi miệt mài trầm tư về sự kiện xa xưa ấy và tư duy bằng tất cả sự sâu lắng của tâm hồn. Tôi thấy rằng, chính vì rủ lòng từ bi, xót thương đến Đề Bà Đạt Đa và vua A Xà Thế, mà Đức Thích Ca nhân cơ hội này đã khai thị cho chúng ta về thể tánh thẳm sâu của Trái Tim Thuần Khiết A Di Đà.

Bởi cưu mang những tư tưởng như vậy, mà tác giả của “Tịnh-độ Vãng Sanh Luận”, Ngài Thiên Thân Bồ-tát  đã  bắt  tay  vào công cuộc xiển dương Đức Tin Thuần Khiết rộng lớn và không bị ngăn ngại. Ngài đã rao giảng khắp mọi nơi, rồi hoán cải vô số chúng sanh khổ đau vì nhiễm ô đủ loại độc tố khác nhau.             Đàm Loan, người đứng đầu các bậc Thầy của Tịnh-độ Trung Hoa, đã đưa ra ánh sáng một vấn đề cốt tủy: Tái sanh nơi Tịnh-độ và quay trở lại thế gian, đều bắt buộc phải chuyển hóa chính mình bằng năng lực của Đại Bi.

          Với sự thận trọng sẵn có, Tổ sư Đàm Loan đã tuyên bố khắp nơi về ý nghĩa sâu thẳm của từ ngữ “giải thoát bởi năng lực vô biên của A Di Đà” “hành động để cứu vớt người khác”.

Năng lực cải biến và cứu vớt của Thánh Hiền là hướng đến việc giải thoát tất cả chúng sanh tầm thường và ngu độn như chúng ta. Và tâm hồn rộng lớn cũng như sự tu tập chỉ có lý do tồn tại trong mục tiêu dẫn dắt những kẻ phạm trọng tội vốn bị cắt đứt gốc rễ hiền thiện.

Bây giờ, với tất cả mọi người, dù tu sĩ hoặc là thế tục, Lời Thệ Nguyện bắt nguồn từ Đại Bi chính là chiếc thuyền vững chắc, đồng thời, Lòng Tin thuần khiết là làn gió thuận lợi, và trong đêm tối vô minh, thì viên ngọc quý báu của công đức A Di Đà sẽ là ngọn đuốc sáng. Nếu tâm hồn bạn bị vẩn đục, rối loạn đến nỗi bạn không thể hiểu được những gì tôi đang nói, thì hãy cùng tôi hiến mình lập tức cho đạo lý Niệm Phật này với chút tâm tư sùng kính.

          Còn như nếu hành vi hỗn loạn của bạn dường như ra vẻ nặng nề, và bạn chỉ thấy trước mắt mình đầy dẫy phiền não chướng ngại, thì một đức tin Niệm Phật như thế này sẽ hủy diệt tất cả những u mê ám chướng đến tận gốc rễ.

Trải qua vô lượng kiếp sống, than ôi, thật khó khăn làm sao khi phải nỗ lực buộc chặt mối liên hệ gần gũi với Bản Nguyện A Di Đà. Con người liều lĩnh bạt mạng đến nỗi dám chối từ Đức Tin thuần khiết và chân thật suốt cả trăm ngàn tỷ năm. Nếu giờ đây, bạn bỗng móng khởi một ý niệm tin cậy vào Bản Nguyện A Di Đà mà reo mừng hớn hở, thì phải biết rằng, bạn đã từng gieo trồng nhiều nhân duyên tuyệt diệu từ một quá khứ xa xăm.

Nếu đức tin của bạn đang ở trong tình trạng bị che lấp bởi mạng lưới nghi ngờ, thì bạn sẽ phải chịu trách nhiệm về sự nghiệp tâm linh của bản thân, trong vô lượng kiếp sống kéo dài suốt vô số tỷ tỷ năm.

“Tất cả những người niệm Phật thì thường xuyên được bảo bọc và che chở bởi chư Phật và họ không bao giờ bị bỏ rơi cả”: đây là một nguyên lý chân thật và đúng đắn biết dường nào, và nguyên lý này hiển nhiên gây nên nhiều ấn tượng mãnh liệt, chẳng khác chi Đức Thích Ca đã từng khẳng định:

“Chỉ cần một bước nhảy thần tốc, thì người ta đã tức khắc đi thẳng vào Miền Đất Trong Sạch bằng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật”.

Hạnh phúc thay cho con, khi con trầm tư sâu sắc về bản thân, gã trọc đầu ngốc nghếch! Con đã từng gieo trồng những hạt giống Đức Tin trên cánh đồng ngút ngàn của Đức Phật, nhờ nương vào Bản Nguyện siêu việt, rộng khắp và vô lượng quyền năng! Bởi vì dòng nước tham dục của con đã tự tan biến trong biển cả Chánh Pháp vượt trên mọi tư duy và mô tả. Con xin ngợi ca giáo lý  mà  con đã được nghe, và xin reo mừng phấn chấn về những phước lạc mà con đã nhận lãnh được.                          

          Con xin tập hợp những lời dạy xác thực của Phật, và công bố những chú giải  của các vị tổ sư, chỉ để tỏ lòng kính ngưỡng Đấng Thế Tôn Tối Thắng, và để cảm mộ ơn đức cao sâu phát khởi từ lòng thương yêu rộng lớn, cao thượng và không phân biệt của Ngài.

 

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

Nam mô A Di Đà Phật

 

Thân Loan

           

 

           

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

HỎI VÀ ĐÁP

về

Niệm Phật, Tịnh Độ

 

 

của THÂN LOAN thánh nhân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

HỎI VÀ ĐÁP về Niệm Phật Tịnh Độ

 

I)-. PHẦN THỨ NHẤT

 

 

 

Bạn thường thắc mắc: “Đại Nguyện thứ 18 bảo đảm rằng: Nếu kẻ nào luôn luôn nghĩ nhớ đến Phật, thì sẽ được tái sanh nơi Tịnh-độ”. Và trình bày rõ ràng về Ba Tâm. Tại sao tác giả Vãng Sanh Luận lại chỉ nói đến một Tâm Chuyên Nhất?

Tôi xin giải đáp như sau: Chỉ vì muốn mọi người dễ hiểu, nên tác giả bộ Vãng Sanh Luận đã tập hợp Ba Tâm thành một Tâm.

Ba Tâm ấy là :

1.- Tâm Chân Thành 

2.- Lòng Tin Thanh Tịnh (Tịnh Tín Tâm)

3.- Ước Muốn tái sanh nơi cõi nước A Di Đà (Phát Nguyện Tâm)

Nhờ khảo sát những văn bản Hán ngữ vốn được sử dụng từ trước, mà người ta thấy tại sao tác giả Vãng Sanh Luận đã gom Ba Tâm trở nên một Tâm.

a). Trước hết, chúng ta xét về Tâm Chân Thành: Từ ngữ “Chân thành” tức là “chân thật”, “không tạp nhiễm”, hoặc “không pha trộn”. Và từ ngữ “Tâm” nghĩa là hạt giống, hoặc “cốt lõi” hoặc “nhân tố”.      

b). Tiếp theo, xem xét từ ngữ “Lòng Tin Thanh Tịnh”. Từ ngữ “Tin” nghĩa là “chân thật”, “xác thật”, “chân thành”, “tròn đầy”, “vẹn toàn”, “hoàn tất”, và đồng nghĩa với “năng động” “nghiêm chỉnh”, “nghiêm túc”, cũng có nghĩa “phân biện”, “xác chứng” (minh chứng).

Từ ngữ “Thanh Tịnh” có thể diễn dịch là “ước muốn”, “mong ước”, “tối lạc”, “vui mừng”, “hạnh phúc”.

c). Sau hết, trong cụm từ “mong muốn tái sanh”, thì từ “mong muốn” đồng nghĩa với “mong ước”, “tự vui mừng” hoặc “tỉnh thức bởi một điều gì”, hoặc nghĩa là “thấy biết”(cảm biết).

Từ ngữ “Tái sanh” còn gọi là vãng sanh, nghĩa là “thực chứng”, “chứng đắc” (thể hiện tâm linh) và “phát triển” (làm cho phát đạt, phong phú hơn).

Cũng vậy, Tâm Chân Thành là một tâm hồn có hạt giống chân thành và cốt lõi chân thật. Đó là lý do tại sao, Tâm Chân Thành là một tâm đã gột rửa mọi bóng đen nghi ngờ.                    

Lòng Tin Thanh Tịnh, đó là một Tâm hoàn toàn chắc thật và chân thành, một Tâm vẹn toàn và viên mãn, năng động và nghiêm túc, một Tâm minh chứng cho sự phân biện. Điều này cắt nghĩa tại sao Lòng Tin Thanh Tịnh là một tâm đã phá vỡ mạng lưới nghi ngờ.

Ước muốn tái sanh (hoặc ý nguyện vãng sanh) ấy là một Tâm mong cầu hạnh phúc, một Tâm muốn đánh thức Tri Kiến. Khi ngọn lửa Tri Kiến bừng dậy, sẽ đốt cháy tan tành mọi rác rơm nghi ngờ.

Nói thích đáng hơn, cả Ba Tâm đều chân thật như nhau và đều trừ khử mọi nghi ngờ. Bởi vì Ba Tâm đều rũ bỏ mọi yếu tố nghi ngờ, nên thật ra, chúng nó chỉ là MỘT TÂM DUY NHẤT. Như tôi vừa giải thích, ý nghĩa của những từ ngữ nêu trên đều chỉ có thế, mong các bạn hãy nên trầm tư về đề tài này một cách sâu lắng hơn nữa.

 

 

THỂ TÁNH CỦA BA TÂM

 

Vả lại, thể tánh của Ba Tâm được trình bày như sau:

 

Thứ nhất: TÂM CHÂN THÀNH

Tâm Chân Thành là tâm chân thật của Giác Ngộ Viên Mãn, nhờ sự thành tựu của công cuộc gieo trồng tất cả công đức mà người ta chứng đạt được Tâm Chân Thành.

Đức Phật A Di Đà đã ban cho chúng ta tất cả những công đức chân thật phát xuất từ thực hành xướng niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, mà sự thực hành này đã trở thành bản chất đồng nhất với Tâm Chân Thành (nghĩa là trong khi xướng niệm danh hiệu A Di Đà, người ta tức khắc đạt được Tâm Chân Thành).

Hẳn nhiên, tất cả chúng sanh khắp mười phương đều có một tâm hồn thối nát, dơ bẩn và hư hỏng, một tâm hồn lầm lạc bởi chứa đựng nhiều loại thuốc độc khác nhau, phát sinh từ ảo tưởng và dối lừa. Ấy là lý do tại sao trong thời gian tinh tiến thành lập Bản Nguyện, đấng Toàn Giác thực hành Bồ-tát-đạo đã tu tập bằng cách rèn luyện Thân Khẩu Ý được thanh tịnh từng khoảnh khắc, và tâm của Ngài luôn luôn thuần khiết. Để rồi một điều hiển nhiên đã xảy ra: Tâm thuần khiết và chân thật của đức Toàn Giác đã giao hòa cùng chúng ta, những sinh linh khốn khổ.

Bồ-tát Pháp Tạng, tiền thân của A Di Đà đã tu tập chứa nhóm công đức như thế nào để thành tựu Tâm Chân Thành?

Chúng ta hãy đọc lại một trích đoạn của bản Kinh Sức Sống Không Cùng Tận như sau:

“Này A-nan! Tỳ kheo Pháp Tạng ở trước Phật, trước chư Thiên, Ma vương, Phạm vương, Long thần tám bộ loại, mà phát Lời Thệ Nguyện Vĩ Đại ấy. Lập nguyện xong, đem Tâm Chuyên Nhất mà tự trang nghiêm công cuộc tu hành, trong mục tiêu thiết lập cõi Tịnh-độ rộng lớn, vĩ đại, vượt hẳn các cõi khác.

Luôn luôn xây dựng, không bao giờ lui sụt, không thay đổi, trong số kiếp không thể nghĩ bàn, gieo trồng vô lượng đức hạnh của Bồ-tát.

Ngài không sanh khởi ý niệm tham dục, ý niệm sân hận, ý niệm độc hại. Không dấy lên tư tưởng tham dục, tư tưởng sân hận, tư tưởng độc hại. Không đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

          Ngài có sức kham nhẫn bền bỉ, không bao giờ bị biến chất, chẳng có nỗi khổ đau nào làm cho Ngài lay chuyển. Ít muốn, biết đủ, không nhiễm ô bởi bất mãn, sỉ nhục. Luôn luôn giữ vững chánh định, nên lòng luôn khoan hòa và trí tuệ không bị chướng ngại, không thốt ra lời nói phù phiếm và dối gạt. Sắc mặt dịu dàng vui vẻ, lời nói thân thiện dễ mến. Ai có thắc mắc điều chi, đều được Ngài đối đáp với thái độ khiêm cung. ( ... )   

…Nói năng như chánh pháp, dũng mãnh tinh tiến, không bao giờ mỏi nhọc nhàm chán trong việc thực hiện chí nguyện cứu vớt chúng sanh. Luôn luôn mong cầu giáo pháp cao thượng và tinh sạch, ban bố ân huệ cho tất cả mọi loài chúng sanh, cung kính Ba Ngôi Tam Bảo, phụng thờ các bậc Sư trưởng, thiện hữu tri thức. Tự trang nghiêm bản thân bằng vẻ đẹp rực rỡ của công phu tu tập phước tuệ, và ban tặng diệu lực chánh pháp cho mọi chúng sanh để mang lại giải thoát hoàn toàn”.

Qua lời dạy của Phật và Bồ-tát, giờ đây bạn đã thấy được rằng: Tâm Chân Thành chẳng khác gì với Tâm Bao La Chân Thành và Thuần Khiết của đấng Toàn Giác.

          Vâng, chính Tâm ấy được gọi là Tâm Chân Thật.

Tâm Chân Thành cũng chính là Tâm Đại Bi.

Bạn đã hiểu tại sao đó là một tâm đã gột sạch mọi nghi ngờ!

 

Thứ hai: LÒNG TIN THANH TỊNH

 Lòng Tin thanh Tịnh cũng còn gọi là Tâm Chân Thật, vì nó có cùng bản chất như nhau.         

Nói đúng hơn, tất cả chúng ta, những sinh vật hèn mọn bị trói buộc bởi tham dục, những hiện hữu tầm thường và ngu dốt, chúng ta không hề có ý niệm thanh khiết về lòng tin, chúng ta không hề có tư tưởng chân thật về lòng tin: Do đó, chúng ta rất khó khăn trong việc gieo trồng những công đức chân thật. Tự thân chúng ta, chúng ta không thể gặt hái Lòng Tin thanh tịnh và thuần khiết.

Nói như sự nhận định của một Luận sư Tịnh-độ, thì những tư tưởng đam mê tự trổi dậy liên miên trong chúng ta, và khiến những tư tưởng cao thượng trở nên dơ bẩn. Ngọn lửa hừng hực của giận dữ và thù hận, đã đốt cháy tan tành vô số tài sản tâm linh quý báu ở ngay trong chúng ta...                 

Ngay cả khi chúng ta thực hiện những nỗ lực gắt gao về thân xác và cả tinh thần, suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày, để thúc đẩy bản thân tinh tiến hơn và can thiệp mạnh mẽ hơn, chẳng khác chi chúng ta đang đội những cục than rực lửa ở trên đỉnh đầu thì chúng ta không thể nào xuất sanh những thiện hạnh trộn lẫn với những thứ công phu tu tập tào lao phù phiếm và dối lừa giả giả thiệt thiệt: Chúng ta không thể nào thành tựu những đức hạnh tuyệt đối chân thật. Vậy, nếu chúng ta đem những thiện hạnh trộn lẫn độc tố tham dục ấy để hồi hướng vào thành quả vãng sanh Tịnh-độ, thì rốt cuộc chúng ta cũng không thể đặt đôi chân lấm lem bụi bặm trần tục của mình lên miền đất chói lọi, rực rỡ ánh vàng của Đức Phật A Di Đà. Thành quả vãng sanh của chúng ta, chỉ có thể phát xuất từ công phu tu tập của Đức A Di Đà, vì ngay tự bản thân Ngài, khi hiến mình tu tập Bồ-tát đạo, rèn luyện công hạnh từng giây từng phút không biếng trễ, thành tựu ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh do một tâm thức tuyệt đối chân thật, không trộn lẫn với bóng tối dày dặc của nghi ngờ. Mà quả thật, lòng tin thanh tịnh, thuần khiết và chân thật của A Di Đà đã lan truyền cảm ứng đến chúng ta, tất cả chúng ta, những sinh linh khổ đau.                        

Đoạn kinh nói về sự hoàn thành Bản Nguyện đã ghi:

“Tất cả chúng sanh nếu có ai chợt nghe danh hiệu A Di Đà thoáng qua thính giác, liền phát khởi một ý niệm tin cậy mà reo mừng, hớn hở…”

Qua lời dạy của Phật, bạn thấy rõ rằng, cái Tâm mà chúng ta đã nói ở phần 2, chỉ là Lòng Tin Thanh Tịnh, Thuần Khiết và Chân Thật, thành tựu do Bản Nguyện. Đúng hơn, cái mà người ta gọi là “Lòng Tin” chính là Đại Bi Tâm.

Khi lòng tin được đồng nhất ý nghĩa với Đại Bi Tâm, bạn đã hiểu lý do tại sao nó là một tâm đã thoát ra khỏi mạng lưới nghi ngờ!

 

Thứ ba: ƯỚC MUỐN VÃNG SANH

Cũng thế, lòng tin thuần khiết và chân thật ấy là bản chất của ước muốn vãng sanh.

Nói đúng ra, chúng ta, đám đông của những sinh linh khốn khổ, những hiện hữu tầm thường, dưới cơn lốc dữ dội của tham dục, quay cuồng, từ vô số tỷ tỷ năm xa xăm, trong bánh xe Sanh Tử, chúng ta không thể nào có được một tâm thức thuần khiết như vậy để hồi hướng công đức - chúng ta cũng không thể nào có được một tâm thức chân thật như thế để hồi hướng công đức.

Chính vì lý do ấy, mà A Di Đà khi tinh tiến thiết lập Bản Nguyện, hiến mình cho việc thực hành Bồ-tát đạo, đã tu tập Thân Khẩu Ý thanh tịnh trong từng phút giây, chẳng lúc nào mà quên hồi hướng công đức với mục tiêu trước hết là chứng đạt Đại Bi Tâm tròn đầy. Mà thật sự cái tâm thuần khiết và chân thật của A Di Đà, hoàn toàn mong muốn đưa chúng ta tái sanh nơi cõi miền trong sạch, đã cảm ứng đến chúng ta, tất cả chúng ta, những chúng sanh đau khổ.

Xin trích dẫn đoạn kinh nói về sự hoàn thành Bản Nguyện:

“Nếu có những chúng sanh nhờ đem Tâm Chân Thành mà hồi hướng để mong ước vãng sanh, thì liền được vãng sanh và an trú trong trạng thái không còn bị lui sụt”(cảnh giới bất thối chuyển)

Qua lời dạy của Phật, bạn thấy rõ rằng, cái Tâm mà chúng ta bàn đến nơi phần 3, chỉ là sức mạnh phát sinh từ tiếng gọi giục giã của A Di Đà đang thống thiết cất lên để nhắn nhủ chúng ta bằng Đại Bi. Đúng hơn, đó là tâm tương tự như Đại Bi, thảy đều mong muốn chúng ta vãng sanh Cõi Sạch, được gọi là “Ba Tâm Hồi Hướng”.

Và bởi vì ba tâm đều hồi hướng từ Đại Bi, thảy đều chân thật, thuần khiết, không bị tạp nhiễm, không bị pha trộn bởi bóng đen nghi ngờ: Ấy là lý do tại sao ba tâm ấy hợp thành Tâm Chuyên Nhất.

Bạn nên nương tựa vào thí dụ “Con Đường An Toàn” của Tổ sư Thiện Đạo :

Về phía bờ Tây, có một người cất tiếng gọi và bảo rằng: Hãy đến thẳng nơi đây với Tâm Chuyên Nhất và Tư Tưởng Chân Chánh, Ta sẽ che chở ngươi: Đừng sợ hãi vì những hiểm nguy của nước và lửa!

Giữa nước và lửa, có một lối đi an toàn. Nghĩa là, chặng giữa những dục vọng của khát ái và hận thù, chúng ta có thể phát sinh Tâm Thuần Khiết mong ước vãng sanh Cõi Sạch.

Với sự ngưỡng mộ, khi nhận lãnh sự khích lệ của Đức Phật Thích Ca và tiếng gọi thúc giục của A Di Đà, chúng ta chẳng còn quan tâm chi đến hai dòng sông lửa và nước, bởi chúng ta sử dụng lối đi an toàn này bằng sức mạnh Bản Nguyện.

Giờ đây, chúng ta biết rằng, nếu chúng ta có khả năng khai sinh ngay nơi bản thân một Tâm Thuần Khiết được biểu hiện bằng những Đại Nguyện, thì thành quả này không phải là do đức hạnh của chính chúng ta, hoặc do nương cậy vào Tự Lực (những khả năng tự phát) của chúng ta. Mà ấy là do công đức của Tâm được hồi hướng từ Đại Bi. Do đó, tôi bảo rằng: Tâm Thuần Khiết được biểu hiện bởi những Đại Nguyện.

TÂM CHUYÊN NHẤT

VÀ TƯ TƯỞNG CHÂN CHÁNH

Thật vậy, có Tâm Chuyên Nhất và có Tư tưởng Chân Chánh.

Tư Tưởng Chân Chánh, ấy là xướng đọc Danh Hiệu, và xướng đọc Danh Hiệu ấy là Niệm Phật.

(La Pensée Correct, c’est la récitation du Nom; et la récitation du Nom, c’est le Nemboutsou). 

Tâm Chuyên Nhất ấy là Tâm Thẳm Sâu (Thâm Tâm). Tâm Thẳm Sâu chính là Lòng Tin Sâu Thẳm và Không Thối Chuyển.

Lòng Tin Sâu Thẳm và Không Thối Chuyển, ấy là Tâm Chân Thật.

Tâm Chân Thật là Tâm bền chắc như kim cương.

Tâm bền chắc như kim cương là Tâm Tối Thắng, không còn gì có thể vượt trội lên trên được.

Tâm Tối Thắng là Tâm Giản Dị. Tâm Giản Dị bao giờ cũng chỉ có một mặt biểu hiện.

Tâm Giản Dị chỉ có một mặt biểu hiện, ấy là Tâm Hoàn Toàn Hoan Lạc, Tâm được trang nghiêm bởi Niềm Vui Lớn. Tâm như vậy, có thể nào lại khác biệt với ba Tâm?

Tâm như vậy là luôn luôn phù hợp với ba Tâm. Tâm như vậy, đó là ước vọng lớn lao hướng đến giác ngộ. Và ước vọng lớn lao hướng tới giác ngộ, đó là Lòng Tin Chân Thật.

Lòng Tin Chân Thật, ấy là thệ nguyện thành Phật. Thệ nguyện thành Phật là thệ nguyện cứu độ chúng sanh. Thệ nguyện cứu độ chúng sanh, ấy là tư tưởng che chở, và đùm bọc tất cả chúng sanh với mục tiêu làm cho chúng sanh được tái sanh nơi cõi nước Thanh bình và Hạnh Phúc. Một tâm như vậy, đó là một tâm hoàn toàn bình đẳng.  Một Tâm như vậy, đó là tâm đồng nhất với Đại Bi. Ấy là tâm thành Phật, ấy là tâm làm Phật. (thị tâm thành Phật, thị tâm tác Phật). Đó là cái mà người ta gọi sự thực hành bằng cách hòa điệu cùng Chân Lý. Rốt cuộc, nó tương ưng với Tâm của chính Đức Phật.

Lời giải đáp xin chấm dứt ở chỗ ba tâm được kết hợp thành Tâm Chuyên Nhất, kết quả của việc xướng đọc danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật thường xuyên, liên tục.                

 

II. - PHẦN THỨ HAI

 

 

 

Bạn cũng thắc mắc rằng: Có một sự khác biệt giữa ba Tâm được xác định bởi Kinh Sức Sống Không Cùng Tận (Kinh Vô Lượng Thọ) như là: Tâm Chân Thành, Lòng Tin Thanh tịnh, và Ước Muốn Tái Sanh -  và ba Tâm được nêu lên bởi Kinh “Quán Tưởng Đức Phật Có Đời Sống Không Cùng Tận và Cảnh Giới Kỳ Diệu của Ngài” (Kinh Quán Vô Lượng Thọ) như là: Tâm Chân Thành và Xác Thật, Tâm Sâu Thẳm, và Tâm Hồi Hướng Ước Nguyện Tái Sanh.

Thân Loan tôi xin giải đáp như sau:

“Từ những góc cạnh khác nhau, mà ba Tâm được trích dẫn từ hai bộ Kinh nêu trên, thật ra chỉ có Một, hợp thành Một. Tại sao nói như vậy? Ta phải căn cứ vào luận giải của Ngài Tổ sư Thiện Đạo:

Về thể tánh của Tâm Chân Thành và Xác Thật, Ngài Thiện Đạo nói:

Từ ngữ “chân thành” tức là “thật sự”- từ ngữ “xác thật” có nghĩa là “có thật” “thật tế”.

Về thể tánh của lòng tin đặt nền tảng trên lời xác chứng của Phật, và trên công phu Niệm Phật, Thiện Đạo nói: “Thường xuyên nghĩ nhớ đến danh hiệu A Di Đà với Tâm Chuyên Nhất, điều ấy được gọi là “Hành động đúng đắn để trở thành thành phần trong nhóm người tu tập thiền định chân chánh của đạo Phật” (chánh định tụ).

Về thể tánh của Tâm Sâu Thẳm, Ngài nói :

 “Lòng Tin Sâu Thẳm ấy là niềm tin chân thật”.

Về thể tánh của Tâm Hồi Hướng Ước Nguyện Vãng Sanh, Ngài nói:

“Do tác dụng của Lòng Tin Sâu Thẳm, mà Tâm Hồi Hướng Vãng Sanh sẽ được bền chắc như kim cương”.

Giờ đây, chúng ta thấy rõ rằng: Tâm Chuyên Nhất ấy là Lòng Tin, và Tư Tưởng Kiên Định ấy là Pháp Thực Hành Đúng Đắn.

Như thế, trong Tâm Chuyên Nhất đồng thời bao gồm luôn cả Tâm Chân Thành và Tâm Hồi Hướng Công Đức.

Kết thúc giải đáp của câu hỏi thứ hai.

 

III.- PHẦN THỨ BA

 

Câu hỏi cuối cùng của bạn:

Hai bộ Kinh kia đều nói đến ba Tâm, thế thì tại sao Kinh A Di Đà lại khẳng định: “Chỉ cần nắm giữ vững chắc Danh Hiệu”? (chấp trì danh hiệu). Có sự khác biệt nào chăng?

Giải đáp:

Kinh A Di Đà khẳng định rằng: “Phải nắm giữ vững chắc Danh Hiệu A Di Đà”, thì chữ “vững chắc” xác quyết rằng tư tưởng phải được ổn định và không suy nghĩ vớ vẩn, xao động. Về phần động từ “nắm giữ” nghĩa là: Không được buông thả Danh Hiệu mà cũng không được để Danh Hiệu chạy vuột khỏi tâm ý.

Vì lý do ấy, mà Kinh nói thêm rằng: “Không xao động” (bất loạn). Khi Kinh nói “nắm giữ vững chắc” tức Chấp Trì, thì cũng đã xác nhận: “VớiTâm Chuyên Nhất” tức Nhất Tâm. Mà Tâm Chuyên Nhất chính là Lòng Tin.

 

Vậy, cụm từ “nắm giữ vững chắc Danh Hiệu” và đoạn văn trung thực “với Tâm Chuyên Nhất và không xao động” (mà bản chữ Hán chép là: Chấp Trì Danh Hiệu và Nhất Tâm Bất Loạn) - dĩ nhiên  chúng ta phải tin như thế nhưng cũng phải trầm tư quán sát sâu xa các ý nghĩa của chúng với tấm lòng trân trọng.

Trong thế gian ô nhiễm này, chúng sanh đều có khuynh hướng lầm lạc và ảo tưởng, do đó Ngài Thiên Thân Bồ-tát (người đã viết Vãng Sanh Luận) và chư vị Tổ sư Tịnh-độ, tất cả đều minh chứng con đường giải thoát thực sự, trong việc trình bày đạo Phật chân chánh của pháp môn Tịnh-độ.

Tư tưởng vĩ đại của ba bản Kinh Tịnh-độ đều vừa ẩn mật vừa rõ ràng, đã tuyên bố dứt khoát: Chỉ có Tâm Chuyên Nhất mới đủ khả năng đưa chúng ta bước vào Cõi Miền Trong Sạch.       

Các bản kinh thường bắt đầu bằng cụm từ: “Tôi nghe như vầy…”, và tác giả Vãng Sanh Luận cũng khởi sự viết bộ Luận thư với lời tuyên bố: “Tôi, với Tâm Chuyên Nhất…” Phát biểu như thế Ngài Thiên Thân quyết chứng minh rằng lời tuyên bố của mình có giá trị tương tự như “Tôi nghe như vầy…”

 

Vả lại, giờ đây hãy đưa ra ánh sáng vấn đề mà các Tổ sư Tịnh-độ cũng muốn chúng ta được thông suốt rốt ráo. Ngài nói:

“Từ ngữ “tùy theo ước muốn” được sử dụng bởi các bản Kinh Tịnh-độ đã khoác hai ý nghĩa:

- Nếu từ ngữ ấy muốn nói: “Tùy theo ước muốn của chúng sanh” thì điều ấy có nghĩa rằng: Tất cả chúng sanh đều sẽ được cứu độ đúng y như những tư tưởng mong cầu của họ phát xuất từ tâm niệm.

Nếu từ ngữ ấy muốn nói: “Tùy thuộc vào ý nguyện của A Di Đà” thì điều ấy có nghĩa là “với tri kiến nhiều đến vô số vô lượng vô biên, Đức A Đi Đà hoàn toàn hiểu rõ tất cả chúng sanh: Bằng phương tiện của sáu thứ thần thông và quyền lực siêu nhiên của đấng Pháp Vương, Ngài sẽ đột ngột xuất hiện trước họ đúng vào thời điểm khát khao của họ, với thân thể bằng xương bằng thịt và với tinh thần có thể cảm nhận được, trong diệu dụng của Thân, Khẩu, Ý, Ngài sẽ mở cho họ những cánh cửa tri kiến giải thoát.

Rất tiếc là hai cách diễn dịch trên, đều không mang lại một kết quả khả quan nào cả.

Ngài Thiện Đạo còn nói:

“Hỡi các bậc thiện hữu muốn vãng sanh nơi cõi Tịnh-độ, ta kính cẩn thưa cùng chư vị rằng: Hãy chấp nhận ý tưởng này: Tất cả các ngươi đều hoàn toàn bất lực trước ngưỡng cửa giải thoát, nhưng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tựa như một người cha thương mến thật sự, hoặc như một người mẹ dịu dàng trìu mến, Ngài có thể đánh thức trong các ngươi một Lòng Tin Tối Thắng bằng nhiều phương thức khác nhau.”

Thân Loan tôi thấy rõ rằng, nhờ Đại Bi của hai Đức Như Lai (A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni) mà tôi đã nhận được Tâm Chuyên Nhất, đồng thời đó cũng là nhân tố cốt tủy của Phật-tánh. Những ai có được Tâm Chuyên Nhất như vậy, quả là những chúng sanh hiếm có làm sao, phi thường biết bao!

 

Đúng ra, đối với chúng ta, những con người si mê ám chướng đang bị cuốn phăng theo dòng tham dục và đối với tất cả sinh linh đang trôi lăn vô vọng dưới bánh xe Sống Chết, thì dường như không bao giờ tự đánh thức mình bằng Lòng Tin. Đây là lý do tại sao Phật dạy rõ trong kinh: 

 “Có người nào nghe Kinh này mà chấp nhận với lòng tin thanh tịnh, đó là đã thực hiện một việc khó nhất trong tất cả mọi điều khó khăn ở trên thế gian: chẳng còn gì có thể sánh kịp với sự việc khó khăn này.”

Phật cũng nói: “Đối với tất cả chúng sanh, giáo lý này quả thật là khó chấp nhận, khó tin tưởng đến tột độ.”

Thật vậy, giờ đây tôi biết rằng, Đức Như Lai xuất hiện nơi thế gian chỉ với mục tiêu tối thượng, đó là mở bày những ân huệ vĩ đại được lưu bố từ Thệ Nguyện Đại Bi. Đây mới thực sự là giáo lý trung thực của đấng Toàn Giác, tôi biết như vậy.

Nếu mãi kiếm tìm ý nghĩa đích thực trong lời dạy của tất cả chư Phật, tôi thấy rằng: Chư Phật thị hiện nơi thế gian từ quá khứ, hiện tại, vị lai - đều chỉ với mục tiêu xác đáng ban đầu là giáo hóa chúng sanh bằng Bản Nguyện Siêu Việt Tư Duy và Mô Tả của A Di Đà, cuối cùng, những chúng sanh tầm thường luôn bị đắm nhiễm bởi tham dục, nhờ hồi hướng công đức vào năng lực Bản Nguyện, nghe được những phẩm chất siêu việt tư duy và mô tả của A Di Đà, cảm nhận được Lòng Tin Tối Thắng và tất nhiên, đắc Đại  Hoan Lạc, đạt được trạng thái bất thối chuyển của Tâm, và chẳng cần phải diệt trừ tham dục mà vẫn nhanh chóng chứng ngộ Đại Niết Bàn. (sans détruire les passions, réaliser promptement le Grand Nirvana).

 

SƯU TẬP NHỮNG NỘI QUÁN

VỀ PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ

 

Bản thảo do Shaku Rennyo (Liên Như) sao chép lại, xin được chấm dứt ở nơi đây.

Ký tên : Shaku Rennyo

ngày thứ 12, tháng thứ 5, năm thứ 6

kỷ nguyên Eikyo, 1445 (năm Con Cọp)./.

 


 

 

 

 

GIÁO

HÀNH

TÍN

CHỨNG

 

(tức  GIÁO LÝ, THỰC HÀNH, NIỀM TIN,

VÀ CHỨNG NGỘ

trong pháp môn Niệm Phật tịnh độ)

 

của THÂN LOAN thánh nhân

 

 

 

 

 

Dịch từ bản Pháp ngữ:

Florilège sur l’enseignement, la pratique, la foi et la réalisation selon l’école de la Terre Pure.

Trích trong cuốn sách:

“Sur le vrai Bouddhisme de la Terre Pure”

Do Jean Eracle dịch từ tác phẩm Giáo Hành Tín Chứng của Thân Loan.

Nguyễn Xuân Chiến dịch từ bản Pháp ngữ,

dưới sự hướng dẫn của giáo sư Tôn Thất Quỵ.

Huế, 1997-1998

(1) LỜI TỰA

 

 

 

Theo ý kiến cạn cợt hèn mọn của tôi, con người thật khó mà cảm nhận Bản Nguyện siêu việt, rộng khắp và vô lượng quyền năng, vượt lên trên mọi suy tư và diễn tả của Đức Phật A Di Đà. Đó là chiếc thuyền vĩ đại đưa chúng ta qua khỏi đại dương sóng gió hiểm nghèo. Ánh Sáng không bao giờ bị che khuất, chính là Mặt Trời Ân Huệ phá tan bóng đêm ngu si.

          Tôi tin chắc rằng, danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phậtngợi ca Đạo Lý viên mãn, thường bảo bọc và che chở tất cả chúng sanh, chính là trí tuệ chân thật để cải biến điều xấu ác một cách hiệu quả, mặc dù niềm tin tràn trề hỷ lạc thì bền chắc như kim cương và khó thủ đắc. Chính lòng tin này là yếu tố thật sự cần thiết để cắt lìa mọi nghi ngờ và đưa đến Chứng Ngộ.

Đây chính là giáo lý chân thật mà các chúng sanh thấp kém, tầm thường sẽ dễ dàng thực hiện. Đây là pháp tu ngắn gọn, đơn giản mà những kẻ ngu si vô trí sẽ dễ dàng tu tập. Giữa hết thảy giáo lý của Đức Thích Ca, thì không có một giáo pháp nào có thể sánh kịp với đại dương công đức của pháp Niệm Phật này .

 

 (2)

 

Xướng đọc Danh Hiệu, đó là hành vi tối thượng, và thật sự nhiệm mầu, để đưa chúng ta tham dự vào “nhóm người tu tập thiền định chân chánh của đạo Phật” (thâm nhập Chánh Định Tụ). Hành vi khiến chúng ta trở nên phần tử của nhóm người tu tập thiền định chân chánh, đó là Niệm Phật.

Niệm Phật, tức là xướng đọc “Nam-mô-A-Di-Đà-Phật” thường xuyên, liên tục.

Ngài Thiện Đạo, Tổ sư Tịnh-độ, đã luận giải :

          Từ ngữ “Nam mô” nghĩa là “Tôi xin trở về nương tựa…”, nhưng cũng có thể diễn giải: “Tôi phát khởi ước mong…” hoặc: “Tôi tự hướng bản thân đến…”

“A Di Đà Phật” tức là Đức Phật A Di Đà, tự thâu tóm trong Ngài vô số vô lượng công đức tu tập của quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do việc xướng niệm danh hiệu Ngài, tất nhiên chúng ta đạt được sự tái sanh nơi Cõi Miền Trong Sạch (Tịnh-độ).

Chú Thích:

A Di Đà hoặc A Mi Đà bao gồm 2 từ ngữ Sanskrit: Amitâbha và Amitâyus.       

AMITÂBHA: Vô Lượng Quang: Ánh sáng không đo lường được và không giới hạn được. Dựa vào một quan niệm phổ biến của Phật giáo cũ, cho rằng Đức Phật có khả năng phóng ra từ kim thân của Ngài những luồng ánh sáng tràn khắp vũ trụ. Nhưng thật ra, với trí tuệ bất tư nghị, Ngài siêu việt trên tất cả mọi thứ ánh sáng vật chất và cả ánh sáng tâm linh.

AMITÂYUS: Vô Lượng Thọ: Sức sống không cùng tận,  thọ mạng không cùng tận.

Thông thường, bất cứ một vị Phật quá khứ nào cũng có tuổi thọ tương ứng với kiếp sống của nhân loại vào thời điểm mà Đức Phật ấy giáng sanh. Phạm vi rộng lớn của tia sáng và độ dài lâu của tuổi thọ, cũng phải tương ứng với những khái niệm về không gian và thời gian, đều được quy định bởi những Thệ Nguyện riêng biệt được phát ra khi Ngài còn tu tập bồ-tát đạo.

Trong trường hợp Đức Phật A Di Đà, được trích dẫn từ Kinh điển, Ngài vì lòng đại bi mà phát nguyện giải thoát tất cả chúng sanh khắp không gian vô tận và trong thời gian vô cùng, cho nên tia sáng của Ngài cũng có hiệu năng vô giới hạn và sức sống của Ngài cũng dài lâu không thể hạn lượng được.

 

(3)

Tổ sư Thiện Đạo còn dạy: “Điều kiện chính yếu để tái sanh nơi Cõi Miền Trong Sạch ấy là điều kiện đã được xác định  qua  bản Kinh Sức Sống Không Cùng Tận (Vô Lượng Thọ Kinh), trong 48 lời nguyện của A Di Đà.

 “Phật A Di Đà thề rằng: “Nếu khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh khắp mười phương nếu mong muốn tái sanh nơi cõi nước tôi, thì hãy xướng đọc danh hiệu tôi cho được mười lần, sử dụng chiếc xe nguyện lực, và nếu không được tái sanh thì tôi thề không đắc quả Toàn Giác”.

“Điều này nghĩa là, bất cứ ai xưng niệm Phật với ước muốn tái sanh nơi Cõi Sạch thì được hộ trì bởi năng lực Bản Nguyện, vào thời điểm kết thúc mạng sống sẽ tức khắc được tái sanh Cõi Sạch. Đó là lý do tại sao ta bảo rằng Niệm Phật là điều kiện chính yếu để tái sanh nơi Miền Đất Trong Sạch”.

 

(4)

Trong tác phẩm “Tuyển tập đặc biệt về Niệm Phật căn cứ vào Bản Nguyện”, Ngài Pháp Nhiên viết:

“Chính ngay nơi tự thân danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật đã làm chúng ta được tái sanh nơi Tịnh-độ. Niệm Phật là căn bản của sự Vãng Sanh.”

Pháp Nhiên cũng dạy:

 “Nếu con muốn nhanh chóng vượt thoát khỏi gông cùm Sanh Tử, thì con phải chọn lựa giữa hai giáo lý cao thượng: Một là khuynh hướng đi theo Con Đường Tu Tập của Thánh Nhân (Thánh Đạo Môn); hoặc chọn lựa khuynh hướng thứ hai, đó là đi theo Con Đường Dễ Thực Hành của Tịnh-Độ (Tịnh-Độ Môn), tức là chấp nhận tái sanh nơi Cõi Sạch.

Nếu con quyết định vãng sanh nơi Tịnh-độ thì con cũng đứng trước hai loại phương thức tu tập để mình phải lựa chọn: Thứ nhất, là những pháp tu đúng đắn, chuyên nhất; thứ hai, là những pháp tu tạp loạn. Và con hãy gạt bỏ những pháp tu tạp loạn, lộn xộn, mà đặt trọn lòng tin vào những pháp tu chuyên nhất, đúng đắn.

Nếu con muốn trau luyện những công phu tu tập đúng đắn chuyên nhất, thì con cũng có hai loại để thực hiện tâm linh: Thứ nhất, là những công phu chân chánh, thứ hai, là những công phu phụ trợ. Hãy vứt bỏ mọi công phu phụ trợ mà chỉ chọn lấy công phu phản ánh Trạng Thái Bất Thối Chuyển, ấy là xướng  đọc Danh Hiệu của Đức Phật A Di Đà. Trong khi xướng đọc Danh Hiệu, con chắc chắn đạt được sự Vãng Sanh bởi vì con đang nương tựa vào Bản Nguyện của Phật.

Các bậc trí dũng của Tiểu-thừa hoặc Đại-thừa, dù lỡ phạm vào giới cấm, hoặc là nặng hoặc là nhẹ,  thảy đều bình đẳng như nhau trong việc tin tưởng vào Bản Nguyện được tuyển chọn đặc biệt, vì đó là một đại dương công đức giúp họ thành Phật bởi thực hành Niệm Phật.

Đó là điều mà Tổ sư Đàm Loan muốn diễn đạt trong tác phẩm đặc sắc của Ngài: “Chú giải Vãng Sanh Luận”:

“Nơi cõi nước thanh bình và hạnh phúc kia, tất cả mọi người đều hóa sanh từ đóa sen thanh khiết của A Di Đà, đấng Giác Ngộ Viên Mãn: Với chúng ta, đó chỉ nhờ vào thực hành Niệm Phật, chứ không phải nương cậy một pháp nào khác.

 

CHÚ THÍCH CỦA JEAN ERACLE

          Các vị Tổ sư Tịnh-độ chủ trương có hai loại giáo lý trong chánh pháp của đức Thích Ca:

      Thứ nhất: Thánh Đạo Môn, tức là Con Đường Tu Tập Của Thánh Nhân, (bậc thông tuệ) đặt căn bản trên Giới Luật và Thiền Định,  bao gồm nhiều phương tiện có thể thực hiện ngay trong kiếp sống này, nhưng không chắc chắn chứng ngộ hoàn toàn và dứt điểm giải thoát, mà lại tồn tại nhiều chướng ngại dẫn đến sự lui sụt tâm chí và đổ vỡ sự nghiệp tâm linh.

      Thứ hai: Tịnh-độ môn, tức là Con Đường Dễ Thực Hành của Tịnh-độ, đó là Niệm Phật Vãng Sanh, nghĩa là người niệm Phật  chắc chắn được an lạc, giải thoát phiền não ngay trong kiếp sống này và thành Phật tại cõi Cực Lạc vào kiếp sắp tới.

      Nếu quyết chọn Tịnh-độ môn, và còn bị chi phối bởi hiệu lực của tương quan nghiệp quả, người ta phải đối mặt với rất nhiều pháp tu khác nhau.

      Kẻ nào nương vào nguyện lực của các vị Phật khác và các Bồ-tát khác, rồi thực hành nhiều loại công phu của nhiều thứ giáo lý khác nhau như: Vừa trì chú kiết ấn, vừa thiền quán, kiêm thêm tụng kinh cả bố thí hành thiện, tích lũy công đức v..v…thì hạng người này được Thân Loan gọi là kẻ tu hành tạp loạn, vì tham lam và sợ hãi nên đã trộn lẫn đủ thứ công phu và thiện hạnh nên tâm khó được chuyên nhất và thuần khiết.

          Có nhiều kẻ chỉ tập trung hoàn toàn vào Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc, chỉ một lòng niệm Phật mà không chen vào bất cứ một pháp tu nào khác, thì Thân Loan gọi người này là kẻ tu hành đúng đắn với công phu tu tập chân chánh. 

          Các kinh điển thông dụng thường hay đề xướng 5 phương pháp tu tập như: Đọc tụng Kinh điển, thiền định quán tưởng, lễ bái sám hối, bố thí cúng dường và xướng đọc danh hiệu A Di Đà. Nhưng ngài Thân Loan cho rằng: Chỉ có việc xướng đọc danh hiệu A Di Đà là pháp tu đúng đắn, chân thật, bảo đảm chắc chắn vãng sanh. Các pháp tu kia chỉ là phương tiện phụ trợ. Đây cũng là chủ trương của chư vị Tổ sư tiền bối như Thiện Đạo và Pháp Nhiên. Nhưng Ngài Thân Loan tuy sử dụng lại tư tưởng trên, đã sửa chữa cho phù hợp với chủ trương của mình: Năm phương pháp tu tập nêu trên, nếu được thực hiện bởi những nỗ lực cá nhân (tự lực), thì sẽ dẫn đến sự tái sanh nơi Cõi Chuyển Hóa (Lâu Đài Nghi Ngờ,  Cung Điện Thai Sen).                                

Nếu với tư tưởng chuyên nhất và lòng tin thuần khiết, chỉ nương tựa vào Bản Nguyện, phó thác hoàn toàn cho Phật-lực, mà xướng đọc danh hiệu A Di Đà, thì kết quả chắc chắn vãng sanh Cực Lạc, cõi nước chân thật: Sự xướng đọc Danh Hiệu chỉ còn là một ấn tượng hoan lạc và tri ân của lòng tin.

      Thân Loan cũng nhấn mạnh rằng, nếu niệm Phật đặt cơ sở trên trình độ tâm linh của cá nhân, thì không bằng việc niệm Phật hoàn toàn cơ giới - nghĩa là Lý Niệm Phật thì không bằng Sự Niệm Phật.

Thế nào là Lý Niệm Phật?

      Một người có căn cơ bén nhạy, trình độ học hỏi khá cao, chịu khó nghiên cứu kinh luận, thông suốt Lý Vô Sanh, quan niệm rằng niệm Phật tức là niệm tự tánh Di Đà, giữa Ta và A Di Đà chỉ là Một, không hai, không khác. Với kiến giải như thế, người ấy khởi tâm niệm Phật.  Đây gọi là Lý Niệm Phật.      

Thế nào là Sự Niệm Phật ?

      Một người chẳng hiểu biết gì nhiều về những kiến giải cao cấp của đạo Phật, do duyên lành y được các vị thiện hữu dạy rằng “Niệm Phật thì sẽ được Phật A Di Đà cứu độ ngay trong đời sống hàng ngày, và lúc lâm chung sẽ được tiếp rước qua miền Cực Lạc”. Với niềm tin như thế, y khởi tâm niệm Phật thường xuyên mà chẳng bao giờ thắc mắc, do dự. Đây gọi là Sự Niệm Phật.   

Trong hai quan niệm vừa nêu trên, Thân Loan đánh giá cao hành động niệm Phật của người thứ hai. Vì phù hợp với Bản Nguyện và lòng tin trong sạch, nhất là không bị vướng kẹt bởi các khái niệm, dù là khái niệm về Chân Lý Tối Thượng.

 

(5)

Tận đáy lòng thăm thẳm, tôi tin chắc rằng, nếu không có người cha yêu mến của Danh Hiệu tràn đầy công đức, thì không có nhân tố chủ động để được vãng sanh. Và cũng vậy, nếu không có người mẹ cưng chiều của Ánh Sáng Vô Cùng Tận, thì sẽ không có điều kiện thụ động cần thiết để vãng sanh. Trong khi ấy, dẫu nhân tố kia và điều kiện này được kết hợp nhau, nhưng nếu không có nhân duyên cảm ứng với lòng tin chân thật, thì người ta cũng sẽ không đạt đến Cõi Miền Vô Lượng Quang.                  

Nhân duyên cảm ứng với lòng tin chân thật được sử dụng như là nhân tố ở ngay bên trong - mà cha mẹ là Danh Hiệu và Ánh Sáng được kết hợp như những điều kiện bên ngoài. Nếu những nhân tố bên trong cùng điều kiện bên ngoài được giao hội với nhau, thì người ta chứng đắc Pháp-Thân ngay tại Cõi Miền Cực Lạc.

 

CHÚ THÍCH:

Đoạn văn này chỉ dễ hiểu nếu được đặt vào ngữ cảnh của giáo lý nhà Phật khi trình bày về những kiếp sống nối tiếp nhau. Theo cách nhìn như vậy, để thụ thai, cần phải có sự đóng góp của tinh cha, huyết mẹ, mà cũng phải có sự tham gia bởi cận tử nghiệp của thai nhi trong kiếp sống vừa rồi - nghĩa là, động lực cần thiết của nghiệp và ý thức trong chập tư tưởng cuối cùng trước khi lâm chung của đương sự ngay khi thay đổi kiếp sống.

Thân Loan thừa nhận ba yếu tố để đánh thức lòng tin:

-         Phó thác cho Bản Nguyện, ấy là ánh sáng, được ví dụ như Người Mẹ.

-         Khát khao xướng đọc Danh Hiệu, được ví dụ như Người Cha.     

-  Cuối cùng, phải có nhân duyên cảm ứng giữa người niệm Phật với lòng tin vào Bản Nguyện.

 

(6)

Khi bước lên chiếc thuyền Bi Nguyện, người ta lèo lái trên đại dương mênh mông của ánh sáng, trời mây trong xanh, không gian yên lành, dưới làn gió nhè nhẹ của công đức cao cả - thì mọi cơn sóng dữ dằn xấu ác sẽ bị lật nhào, bặt mất tăm hơi. Cho đến khi đêm tối ngu si tan dần, người ta nhanh chóng bước lên bến bờ của Cõi Miền Vô Lượng Quang, chứng ngộ Đại Niết Bàn, và hòa nhập vào hạnh nguyện công đức của Phổ Hiền.          [ . . .]

          Khi nói đến đại dương, tôi muốn nói rằng: Nước của dòng sông được hòa trộn giữa những công phu tu tập cùng những thiện hạnh, được gột rửa bởi thánh giả và những kẻ tầm thường từ quá khứ vô tận - và nước biển của vô số lầm lạc tựa như cát sông Hằng bởi những kẻ phạm ngũ nghịch hoặc phỉ báng chánh pháp, hoặc phá hủy gốc rễ hiền thiện: Tất cả nước sông nước biển kia thảy đều dần dần được chuyển hóa trong nước mặn của đại dương tràn đầy trân bảo của vô lượng vô số công đức chân thật nhiều hơn số cát sông Hằng, của Trí Tuệ và Đại Từ Bi đã được thực hiện bởi Bản Nguyện A Di Đà.

 

(7) NIỆM PHẬT

VÀ CÁC PHÁP KHÁC

Niệm Phật là vua của các pháp, và danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật là cứu cánh tối thượng, siêu việt, bất khả tư nghị, thì cũng không cần phải so sánh với những pháp khác làm gì, tựa như đã là vua thì làm sao có thể đem phân bì cao thấp với thường dân?

Nhưng, đứng trên quan điểm của phương tiện, trong thế giới nhị nguyên vẫn tồn tại những hiện hữu đối lập nhau như: Niềm tin và nghi ngờ, điều thiện và điều ác, cái đúng và cái sai, xác định và phủ định, thực và giả, chân thật và ảo tưởng, thuần khiết và pha tạp, sắc bén và cùn nhụt, thú vị và khó chịu, cao thượng và phàm tục, ánh sáng và bóng tối. Do đó, xét về quan điểm giáo nghĩa, nếu so sánh Niệm Phật và các pháp khác đang thịnh hành, thì tôi thấy có những tương phản, khác biệt:

1/.Niệm Phật thì dễ dàng. Các pháp khác thì khó khăn.

2/.Niệm Phật thì thành tựu tức khắc. Các pháp khác thì tuần tự từng bước.

3.- Niệm Phật thì đi băng ngang. Các pháp khác thì đi vòng vèo.               

4.- Niệm Phật như một bước nhảy vĩ đại. Các pháp khác thì như đi bộ thủng thẳng.

5.- Niệm Phật thì thích thú dễ chịu. Các pháp khác thì nặng nhọc lao khổ.

6.- Niệm Phật thì vĩ đại, vì phát huy Phật tánh một cách cùng cực và toàn vẹn. Các pháp khác thì nhỏ bé vì chỉ phát huy Phật tánh từng phần.

7.- Niệm Phật thì cao cả, siêu việt, tuyệt vời. Các pháp khác thì cần phải xét lại.

8.- Niệm Phật có những hiệu quả mau lẹ. Các pháp khác thì rất lâu mới có hiệu quả.

9.- Niệm Phật tạo ra những giá trị tiên khởi. Các pháp khác tạo ra những phó sản tâm linh.

10.- Niệm Phật là thuần khiết, chuyên nhất. Các pháp khác thì bị pha trộn, tạp loạn.

11.- Niệm Phật được trình bày bằng trực giác tâm linh. Các pháp khác được minh chứng bằng tương quan nhân quả.

12.-Niệm Phật thì cảm ứng với Danh Hiệu Phật. Các pháp khác là những công phu thiền định hoặc phi thiền định.

13.- Niệm Phật là pháp tối thắng, không có gì có thể vượt qua. Các pháp khác thì dễ bị vượt qua, vì  ở trong vòng tương đối.             

14.-  Niệm Phật là pháp siêu việt tư duy và diễn tả. Các pháp khác vẫn còn sử dụng ngôn ngữ và hình ảnh để suy tư và diễn tả.

15.-  Niệm Phật mang lại những thành phẩm tâm linh cao cấp. Các pháp khác tác động như một nguyên nhân sơ khởi.

16.- Niệm Phật được truyền dạy bởi A Di Đà. Các pháp khác chỉ được rao giảng bởi các vị thánh nhân khác.

17.- Niệm Phật được chư Phật đề cao, khen ngợi. Các pháp khác không được như thế.

18.-  Niệm Phật không cần phải hồi hướng công đức, vì danh hiệu A Di Đà chính là cứu cánh tối thượng. Các pháp khác thì buộc phải hồi hướng công đức, vì còn nằm trong phương tiện.

19.- Niệm Phật thì thường xuyên được che chở bởi chư Phật (chư Phật hộ niệm). Các pháp khác không phải là đối tượng được che chở bảo bọc.

20.- Niệm Phật được bảo chứng bởi chư Phật. Các pháp khác không phải là đối tượng được bảo chứng.                  

21.-  Niệm Phật được dễ dàng truyền thừa. Các pháp khác đòi hỏi nhiều điều kiện khó khăn mới được truyền thừa.

22.- Niệm Phật được truyền bá rõ ràng, dễ dàng cảm nhận. Các pháp khác thì khúc mắc, dài dòng trong việc phổ biến giáo lý.

23.- Niệm Phật thì thực hành giản dị, dễ dàng. Các pháp khác thì phức tạp, rắc rối trong việc tu tập.

24.- Niệm Phật là pháp tu được Đức Thích Ca đặc biệt trao truyền trước khi Niết-bàn.

Các pháp khác được Đức Thích Ca rao giảng bằng những phương thức thông thường.

25.- Niệm Phật vẫn mang lại hiệu quả cho tất cả chúng sanh, dù ở vào thời đại sau khi chánh pháp bị diệt tận. Các pháp khác chỉ mang lại hiệu quả vào thời đại hưng thịnh của chánh pháp.

26.- Niệm Phật là tùy thuận Bản Nguyện của Phật. Các pháp khác thì cách trở với Bản Nguyện vì chối bỏ năng lực cứu độ của Phật.

27.-  Niệm Phật là pháp môn đưa hành giả tham dự vào nhóm người tu tập thiền định chân chánh của đạo Phật (tham dự Chánh Định Tụ).

Các pháp khác thì không xác định rõ là đi về đâu.                     

 

 (8) NĂNG LỰC CỦA BI NGUYỆN

 

Thân Loan tôi xin nghiêng mình kính cẩn thưa cùng các bậc thiện hữu tri thức mong muốn tái sanh Tịnh-độ rằng:

Đại Dương Nhất Thừa của Bản Nguyện vĩ đại, rộng khắp và vô lượng quyền năng, là hoàn hảo tuyệt vời, không chướng ngại và vô giới hạn. Nó là rất khó diễn đạt bằng ngôn ngữ, nằm ngoài mọi lời nói và khái niệm, được trang nghiêm bằng công đức tối thắng, tối thượng. Và vì tại sao như vậy? Bởi vì tự thân Bản Nguyện vốn không thể tư duy và diễn tả, không thể cảm nhận bằng tri thức thế gian. Chỉ thực chứng bằng cách xướng đọc danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật trong mọi tình huống của đời thường.

Sau đây là những biểu tượng tương ứng với năng lực của Bi Nguyện:

1/. Bi Nguyện thì bao la vô tận như hư không vũ trụ, bởi vì những phẩm chất vi diệu của nó thì đồ sộ, lớn rộng và vô giới hạn.

2/. Bi Nguyện tựa như chiếc xe vĩ đại, vì nó có khả năng chuyển vận những bậc Thánh cũng như những chúng sanh tầm thường đến khắp mọi nơi. 

3/. Bi Nguyện như đóa sen trắng, vì nó không bị nhiễm dơ bởi bất cứ sự vật nào của thế gian. 

4/. Bi Nguyện tựa như chúa tể của các vị thuốc, vì có thể chữa lành tất cả những người mắc bệnh tham dục.

5/. Bi Nguyện như lưỡi kiếm sắc bén, vì nó có thể đâm thủng tất cả áo giáp kiêu ngạo và lãnh đạm.

6/. Bi Nguyện tựa như lá cờ của vị đại tướng dũng cảm, vì có thể hàng phục tất cả đạo quân của Ma-vương.

7/. Bi Nguyện tựa như lưỡi cưa sắc nhọn, vì nó có thể cưa đứt tất cả gốc cây ngu si.

8/. Bi Nguyện tựa như một lưỡi rìu vô cùng lợi hại, vì nó có thể chặt đứt tất cả cành nhánh khổ đau.

9/. Bi Nguyện tựa như một vị thiện tri thức, vì nó có thể giải thoát gông xiềng Sanh Tử.

10/. Bi Nguyện tựa như người dẫn đường, vì với thiện chí, nó có thể giúp chúng sanh biết rõ phương tiện chính yếu để thoát ra khỏi rừng tham dục.

11/. Bi Nguyện tựa như dòng suối sống động, vì nó làm tuôn rỉ ra những giọt nước Trí Tuệ không bao giờ cạn.

12/. Bi Nguyện tựa như bông sen trắng, vì không bị vấy bẩn bởi bùn dơ của tất cả hành vi xấu ác.

13/. Bi Nguyện tựa như làn gió bấc nhè nhẹ vì nó xua tan sương mù của mọi chướng ngại.   

14/. Bi Nguyện tựa như một bình rượu tiên ngọt dịu vì nó được rót đầy bởi tất cả vị ngon ngọt của công đức vô lậu.

15/. Bi Nguyện như con đường thẳng, vì nó khiến đám đông đi thẳng vào lâu đài trí tuệ.

16/. Bi Nguyện như một khối đá nam châm, vì nhờ phương tiện của Bản Nguyện A Di Đà mà chúng ta được sức hút của Phật lôi cuốn.

17/. Bi Nguyện như vàng ròng của dòng sông Jambu, vì vượt trội hơn tất cả báu vật thế gian tầm thường, tạm bợ.

18/. Bi Nguyện tựa như kho tàng bí mật, vì chứa đựng tri kiến giải thoát của chư Phật.

19/. Bi Nguyện tựa như chất liệu của đất, vì nó là lý do xuất hiện ở thế gian của chư Phật khắp mười phương ba đời.

20/. Bi Nguyện tựa như tia sáng rực rỡ của mặt trời vì nó hủy diệt bóng tối ngu si của tất cả chúng sanh tầm thường, và khai sinh trong tất cả chúng sanh ấy một Đức Tin Thanh Tịnh.            

Chính Bi Nguyện là tác nhân cho phép chúng ta thoát khỏi lâu đài nghiệp quả của ba cõi thế gian: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Chính Bi Nguyện là người ra lệnh đóng cánh cửa dẫn vào 25 chỗ tái sanh. Chính nó giúp chúng ta đạt đến Cõi Miền Chân Thật của Cực Lạc, cho phép cúng ta phân biệt đâu là con đường chân chánh, đâu là con đường tà ngụy, nó tháo cạn đại dương khổ não của tất cả chúng sanh, nó tích lũy tất cả châu báu công đức và tri kiến giải thoát, mở ra kho tàng của các phương tiện thiện xảo.

Để kết luận, chúng ta phải trân trọng giữ gìn Bi Nguyện và kính cẩn nâng niu nó ở ngay trước mặt mình.

 

(9) LÒNG TIN

Lòng Tin Vĩ Đại, là:

- Một sức mạnh siêu nhiên làm cuộc sống trở nên trường cửu và đưa con người vượt thoát cái chết.

- Một kỹ năng mầu nhiệm, thu hút sự Thuần Khiết và kinh tởm những điều dơ bẩn.

          - Một tâm linh giản dị được tuyển chọn đặc biệt để hồi hướng công đức đến Phật quả.

- Một niềm tin thanh tịnh mà sự nghiệp giải thoát chúng sanh phải nương nhờ niềm tin này để tiến hành với phương tiện rộng lớn và sâu thẳm. 

- Một tinh túy của sự thật, mà tinh túy ấy luôn luôn bền chắc như kim cương.

- Một đức tin trong sạch mà nếu thiếu đức tin này thì dẫu một thái độ phi nhân tính cũng khiến đọa lạc dễ dàng trong các cõi xấu ác.

- Một tâm hồn chuyên nhất, mà nhờ nó, chúng ta được bảo bọc và che chở bởi ánh sáng giác ngộ tâm linh.

- Một niềm tin hiếm có và vượt lên trên mọi giá trị thế gian

- Một sự ngắn gọn, cô đọng, giản đơn - mà thế gian không thể nào chấp nhận dễ dàng, thế nhưng nó đúng là nhân tố cốt tủy để thực chứng Đại Niết-Bàn

- Một đường lối an toàn đưa đến giải thoát viên mãn vô cùng nhanh chóng.

- Một niềm tin bao la như đại dương, phản ánh thể tánh trung thực của tri kiến nhất như và chân thật.

          Mà tâm này được phát khởi từ Thệ Nguyện tiếp độ tất cả vãng sanh Cõi Sạch bằng phương tiện Niệm Phật.                          

 

(10)

 

Ngài Thiện Đạo nói: Tâm Sâu Thẳm (Thâm Tâm) là tâm đã thành tựu một đức tin sâu thẳm, chính nó mang hai phong cách tư tưởng như sau:

Một: Chúng ta thường nghe mọi người trong cơn khổ đau hoặc thất bại, đã bày tỏ sự nhận định thế này: Cuộc sống này đây không chỉ là một dòng hiện sinh tầm thường, tẻ nhạt và xấu xa, miễn cưỡng vận hành theo vòng quay sống chết từ thuở xa xăm, từng bị chìm đắm giữa trục xoáy Luân Hồi chẳng bao giờ vượt ra khỏi. Quan điểm này có vẻ như đầy thuyết phục và mang tính cách kiên định, sâu sắc đấy chứ?

          Hai: Chúng ta thỉnh thoảng cũng đã từng nghe một quan điểm sâu sắc, kiên định và đầy sức thuyết phục khác: Đức Phật A Di Đà thường bảo bọc và che chở tất cả chúng sanh bằng phương tiện của Bốn Mươi Tám Lời Nguyện, và nói đúng hơn, người ta chắc chắn đạt được sự vãng sanh Tịnh-độ nếu sử dụng chiếc xe hoàn hảo và tiện lợi của năng lực thệ nguyện.

          Tất cả các bậc thiện tri thức ước mong vãng sanh Tịnh-độ đều cũng đã nói như vậy.

 

(11)

THÍ DỤ VỀ CON ĐƯỜNG AN TOÀN

 

Bây giờ, tôi xin kể một thí dụ nói về mục tiêu của những người niệm Phật trong dụng ý bảo vệ tâm hồn tràn đầy niềm tin của họ, chẳng khác chi là tự nguyện làm một bờ đê an toàn để ngăn chống mọi gươm đao tấn công của những kẻ tà kiến mang những quan niệm lầm lẫn và khác biệt.

          Thí dụ ấy như thế nào?

          Có một người muốn đi xa trăm ngàn dặm về hướng Tây, thình lình, trong khi rảo chân tiến bước, y thấy hai dòng sông: Một là dòng sông rực lửa xuất hiện ở phương Nam, kia là dòng sông ngập nước đang phơi trải nơi phía Bắc.

          Hai dòng sông ấy đều rộng khoảng trăm bước chiều ngang và bề sâu thăm thẳm dường như không thấy đáy. Về phía Nam và phía Bắc, hai dòng sông trôi xuôi vô tận đến cuối chân trời. Ngay vào khoảng trung tâm giữa nước và lửa duy nhất chỉ có một lối di an toàn, bề rộng khoảng bốn năm tấc. Lối đi này cách bờ Tây và bờ Đông một khoảng cách chừng một trăm bước.

Những đợt sóng cuộn tròn trên mặt nước, tràn lấp sát mé lối đi, và những ngọn lửa bùng lên lấn áp lề đường. Nước và lửa lần lượt va chạm lẫn nhau, liên tục như vậy và không hề sút giảm.

          Người kia chợt dừng lại, nhìn qua một thảo nguyên khô cằn, thấy một miền đất hoang vu không một bóng người. Lúc bấy giờ trong tầm nhìn của gã đàn ông đơn độc này, xuất hiện vô số kẻ cướp và bầy thú hung tợn ồ ạt xông vào với bộ dạng đằng đằng sát khí. Vì quá sợ chết, y đã tháo chạy về hướng Tây.

          Chốc lát, y nhận ra hai dòng sông lửa và nước ấy, bèn tự nhủ:

- Ta không biết hai con sông này bắt nguồn từ phương Bắc hay phương Nam, nhưng ở giữa chỉ có độc nhất một lối đi an toàn vô cùng chật hẹp, dường như hai bờ sông rất gần kề nhau. Tuy nhiên, chiều rộng của chúng kể từ bờ này đến bờ kia đều có khoảng cách không thể vượt qua được. Chắc chắn hôm nay chính là thời điểm kết thúc mạng sống của mình.

“Nếu ta lùi lại đằng sau thì bọn lâu la thảo khấu và bầy thú dữ càng lúc càng bao vây rất gấp. Nếu ta quay sang phía Bắc hoặc phía Nam thì bầy thú dữ cùng lũ độc xà sẽ lao vào cắn xé ta thành trăm nghìn mảnh. Nếu ta muốn sử dụng con đường về phương Tây thì thật đáng ngán, nếu bị rơi tõm xuống hai con sông đầy lửa và nước kia. Mình cảm thấy một mối khiếp sợ không thể nào diễn tả được.

Rồi y trầm tư:

“Với ta, nếu giờ này mà thụt lùi lại tức là chết tức khắc. Đứng yên tại chỗ, cũng đụng phải cái chết thê thảm. Tiến lên phía trước cũng không tránh khỏi cái chết. Ví dầu ta có thể tìm ra một phương kế nào đó để vuột khỏi lưỡi hái tử thần, thì cũng chẳng có mưu chước nào hơn là sử dụng con đường trước mặt. Bởi vì dù muốn hay không, nhất định phải nương vào con đường ấy mới mong vượt qua mọi hiểm nguy trong đường tơ kẽ tóc”.

Nghĩ ngợi vừa xong, y chợt thoáng nghe một tiếng gọi cường liệt, dũng cảm của một người đang cố sức khích lệ từ phía Đông:

Này, hỡi người kia! Ngươi chỉ còn một giải pháp là tiến lên con đường này, bởi vì mọi lối đi khác đều nguy hiểm chết người, mà đứng yên tại chỗ cũng sẽ phải chết!

Lát sau, trên bờ Tây, xuất hiện một người buông tiếng gọi:       -Hỡi bạn! Chỉ với tâm chuyên nhất và tư tưởng chân chánh, ngươi hãy bước thẳng tới! Ta có thể bảo vệ ngươi, đừng sợ bị rơi vào lửa hoặc té xuống nước!

          Đến khi người ấy nghe được từ bên này là tiếng nói cường liệt đầy khích lệ, từ bên kia là tiếng gọi giục giã bức bách - y lấy lại bình tỉnh cho thể xác và tinh thần, quyết định chọn giải pháp chắc chắn, đó là bước thẳng lên con đường trước mặt, lòng chẳng còn dấy lên một chút do dự hoặc sợ hãi.

          Nhưng khi mới tiến tới vài ba bước, thì bên bờ Đông, bọn lâu la thảo khấu lên tiếng sống sượng:

- Này ông bạn kia ơi, hãy lùi gót! Con đường ấy thật lắm hiểm nghèo, bạn không thể bước qua phía khác được, chớ nghi ngờ mà chi! Bạn chắc chắn sẽ phải tàn úa đời thanh xuân! Về phần bọn tớ, bọn tớ quyết không để cho bất cứ ai rơi vào lầm lẫn cả!

Mặc dù nghe được lời réo gọi ấy, gã đàn ông đáng thương của chúng ta cũng chẳng thèm nhìn ngoái lại. Với tâm chuyên nhất, y chỉ nghĩ đến việc đi thẳng tới và tiến bước trên con đường đã định. Trong khoảnh khắc, y đặt chân lên bờ Tây, nơi không còn một chút hiểm nguy nào nữa cả. Y liền nhận ra người thiện hữu tuyệt vời và cảm nhận lòng mình ngập tràn hạnh phúc bất tuyệt.     

 

(12) Ý NGHIÃ CỦA THÍ DỤ

 

Câu chuyện kể trên, là Thí Dụ của chúng ta. Bây giờ, tôi muốn bàn về ý nghĩa của thí dụ ấy.

Bờ phía Đông: Chính là nơi chìm đắm trong ngọn lửa ngùn ngụt của thế giới Ta-bà.

Bờ phía Tây: Ấy là xứ sở quý giá tuyệt vời của Hạnh Phúc Tối Thượng.            

Những bọn lâu la thảo khấu và các bầy thú dữ, tương quan mật thiết với mưu ma chước quỷ, đó là:

  • Sáu căn: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn.
  • Sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
  • Sáu thức: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức.
  • Ngũ uẩn: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
  • Tứ đại: Đất, nước, gió, lửa.

Người đàn ông du hành qua thảo nguyên khô cằn không một bóng người: Chính là nhân loại có khuynh hướng đi theo những bạn bè xấu ác không bao giờ gặp được một người bằng hữu chân thật và trí dũng.            

Dòng sông ngập nước: Tượng trưng cho tình yêu chấp ngã (ái dục) của tất cả chúng sanh. Và dòng sông ngùn ngụt lửa đỏ: Tượng trưng cho sự giận dữ và hận thù.

Lối đi an toàn rộng bốn năm tấc: Ấy là Tâm của tất cả chúng sanh dù ở giữa cơn lốc tham dục, khát ái và hận thù, vẫn có thể phát khởi ước muốn trong sạch được vãng sanh Tịnh-độ. Khát khao và hận thù được tượng trưng bởi nước và lửa, vì sức mạnh ghê hồn của chúng, trong khi tâm hồn tuyệt diệu được tượng trưng bởi con đường an toàn do tính chất thanh cao, vi tế của nó.

Hơn nữa, những ngọn sóng ồ ạt tràn ngập con đường tượng trưng cho những tư tưởng tham dục liên miên trổi dậy và có thể nhận chìm tâm hồn tuyệt vời. Còn những ngọn lửa ngùn ngụt bốc liếm liên tục thì tượng trưng cho những tư tưởng thù hận và lỗi lầm, có thể đốt cháy châu báu công đức được lưu xuất từ Chánh Pháp.

Người lữ hành đang tiến bước trên con đường hướng về phương Tây: Chính là kẻ hiến mình cho tất cả hành vi và công phu tu tập đưa đến việc vãng sanh nơi Tịnh-độ Tây-phương.

Tiếng nói vang vọng từ bờ Đông của người khích lệ hãy dấn bước mạnh mẽ trên con đường về Tây: Đó chính là tiếng nói của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - mà sau khi Ngài diệt độ, chúng ta không còn thấy được kim thân và tướng hảo của Ngài bằng đôi mắt thịt của kẻ phàm tục nữa, chỉ có Chánh Pháp là tồn tại để khai thị cho chúng sanh.

Những bầy thú dữ kêu gào réo gọi kẻ lữ hành, khiến y có thể dở chứng tần ngần buông lỏng vài ba bước chân: Tượng trưng cho đám đông nhân loại thường đa mang đủ thứ tri thức lệch lạc, những công phu tu tập khác biệt bằng cái nhìn lầm lẫn, bằng những lời nói dối trá thô bỉ, gạt gẫm kẻ lữ hành thay đổi quan điểm nhận thức đến nỗi có thể chối bỏ con đường phải đi.

Tiếng gọi giục giã của ông lão phát ra từ bờ Tây: Đó là Ý Chí được biểu lộ qua Bản Nguyện A Di Đà.

Trong khoảnh khắc, người lữ hành đặt đôi chân lên bờ Tây, thấy người thiện hữu tuyệt vời và y bày tỏ nỗi vui mừng vô hạn: Chính là tất cả chúng sanh từng bị chìm đắm dài lâu trong dòng sống chết và quay cuồng lăn lộn trong nẻo luân hồi từ thuở vô lượng kiếp xa xưa, tự trói buộc chính mình và không có năng lực giải thoát bản thân, hoàn toàn sống trong ảo tưởng ê chề, đã đón nhận lời khích lệ đi về hưóng Tây do Đức Thích Ca thốt ra - lại nữa, còn có tiếng gọi giục giã xuất phát từ lòng đại từ đại bi của A Di Đà, nên những chúng sanh ấy đã tin cậy và vâng theo lời dạy của hai Đức Như Lai - không bao lâu, tất cả chúng sanh chẳng còn lo sợ mọi hiểm nguy của hai dòng sông lửa và nước, liền phó thác sự vận hành bản thân cho con đường của năng lực Bản Nguyện, sau khi lâm chung được vãng sanh Tịnh-độ, gặp được Phật và cảm nhận niềm hoan lạc không bao giờ úa tàn.

 

(13)  MƯỜI THỨ LỢI ÍCH

 

Bất cứ người nào niệm Phật và chứng được Tâm Chân Thật bền chắc như kim cương, thì tạo một bước nhảy vượt lên trên năm nẻo luân hồi và tám tai nạn ngăn trở việc phát triển Tâm Linh (17), trong đời sống như vậy, người ấy được trang nghiêm tự thân bằng mười thứ lợi ích:

1/. Được hưởng sự che chở bí mật của chư Thiên, các vị Thiện thần, của rất đông chúng sanh khuất mặt từ các cảnh giới siêu hình.

2/. Được trang nghiêm bằng Công Đức Tối Thượng.

3/. Được thấy rõ sự cải biến tâm linh ngay nơi tự thân: Chuyển hóa điều tà ác trở thành chân thiện.

4/. Được che chở bởi chư Phật.

5/. Được tán thán bởi tất cả chư Phật.

6/. Được bao trùm liên tục bởi ánh sáng tâm linh của A Di Đà.

7/. Được hiển thị vô số niềm vui nội tâm.

8/. Được cảm nhận lòng tri ân bởi sự hộ trì tưởng nhớ do lòng đại từ của chư Phật.

9/. Được thường xuyên tiến bước trong Đại Bi.

10/. Được trở thành phần tử của nhóm người tu tập thiền định chân chánh trong đạo Phật (được tham dự vào hàng ngũ Chánh Định Tụ).

 

(14)

 

Khi tôi miệt mài trầm tư về Đức Phật Chân Thật và Cõi Nước Chân Thật của Ngài,  tôi mới rõ ra rằng: Đức Phật Chân Thật chính là Đấng Toàn Giác của ánh sáng siêu việt tư duy và mô tả - và Cõi Nước Chân Thật chính là Cõi Miền của ánh sáng không cùng tận. Chắc hẳn vì những thứ ánh sáng ấy được lưu xuất từ Thệ Nguyện Đại Bi, nên chúng được gọi là “Đức Phật Chân Thật” và “Cõi Miền Chân Thật của Cực Lạc”. Lời nguyện tương quan với sự việc này, trước hết là lời nguyện xác quyết hiệu năng của ánh sáng, tiếp theo là lời nguyện xác quyết sức sống không cùng tận. Như bản Kinh Vô Lượng Thọ đã ghi:

“Khi tôi thành Phật, nếu hiệu năng của ánh sáng còn bị hạn chế, ít nhất không chiếu soi thấu trăm nghìn triệu tỷ thế giới hệ, thì tôi không chấp nhận địa vị Toàn Giác”. -  Và:

“Khi tôi thành Phật, nếu thọ mạng của tôi còn bị hạn chế, ít nhất không tới trăm nghìn tỷ tỷ tỷ năm, thì tôi không chấp nhận địa vị Toàn Giác”.

 (15)

 

Qua các lời dạy chân chánh của Đấng Toàn Giác và của các Luận sư, Tổ sư trong pháp môn chúng ta, tôi thấy rõ rằng, tất cả đều minh chứng Cõi Nước Trong Sạch Thanh Tịnh như là Cõi Chân Thật của Cực Lạc (Cực Lạc Chân Độ).

Những chúng sanh tràn đầy ảo tưởng và nhơ bẩn  thì không thể nào thấy thế giới này đồng nhất với Bản Chất của Phật (Phật Tánh), bởi vì tâm thức của họ bị che lấp bởi tham dục. Vì vậy, kinh Đại Bát Niết Bàn đã ghi:

“Như Lai khẳng định rằng, ngay cả chư Bồ-tát ở địa vị Thập-trụ cũng chỉ thấy một phần rất nhỏ Phật-tánh (Thể Tánh của Phật).

Ngược lại, tôi biết rằng khi đặt chân lên Cõi Miền Thanh Tịnh của Phật, nhất thiết tôi phải được khai thị về Phật-Tánh, và việc ấy tùy thuộc vào sự cải biến tâm linh được điều động bởi năng lực Bản Nguyện A Di Đà.

 (16)

 

Kinh Đại Bát Niết Bàn còn ghi rằng:

“Trong một tương lai về sau, các chúng sanh sẽ có một thân thể trong sạch, được trang nghiêm rực rỡ bằng vô số công đức, vì họ đạt được sự thấy biết về Phật Tánh.”

Tại sao lại có những phần thưởng vi diệu  như vậy? Bởi vì, những lời nguyện lớn rộng như đại dương của Đấng Toàn Giác đã tạo ra những kết quả và những phước báo vi diệu được hiện hữu nơi cõi nước kia. Do đó, mới gọi cõi nước ấy là “Cõi Cực Lạc”.

Giữa những lời thệ nguyện bát ngát thẳm sâu như đại hải, có những hệ quả chân thật và những hệ quả tạm thời. Ấy là lý do tại sao  khi nói về thể tánh của Cõi Phật, người ta phân định thế nào là thể tánh chân thật, thế nào là thể tánh tạm thời.

          Do vì nguồn căn thực sự của “Bản Nguyện tuyển chọn đặc biệt” đã được minh chứng bởi Cõi Nước Chân Thật của Phật, và cũng để nêu rõ Đức Phật Chân Thật mà Kinh Vô Lượng Thọ đã phải nói về “Đức Phật của ánh sáng không giới hạn, vô lượng vô biên” và về “Đức Phật của ánh sáng không bị ngăn ngại” v.v…

Bản Kinh Đại A Di Đà nói:

“Ở giữa hết thảy chư Phật, thì A Di Đà là vị chúa tể! Ở giữa tất cả các loại ánh sáng, A Di Đà là ánh sáng tối thắng, tối tôn, tối diệu…

Ngài Thiên Thân, tác giả bộ Vãng Sanh Luận đã nói: “Con xin trở về nương tựa nơi Đấng Toàn Giác mà ánh sáng của Ngài chiếu rọi khắp mười phương, không bao giờ bị ngăn ngại...”

Về thể tánh của Cõi Chân Thật, thì bản Kinh Vô Lượng Thọ ghi rằng:

“Đó là Cõi Miền của ánh sáng không thể đo lường được, vượt ra ngoài mọi khái niệm của chúng sanh…”

Bản Kinh “Vô Lượng Thọ Như Lai Hội” do Ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch (năm 706), đã chép:

“Cõi Cực Lạc chính là cõi Viên Giác, cõi Chánh Giác, cõi Toàn Giác, Trí Tuệ Viên Mãn”.

Vãng Sanh Luận cũng còn nói:

“Rốt cuộc, cõi Cực Lạc có thể tánh tương tự như vũ trụ không gian: Rộng lớn, bao la, dàn trải vô giới hạn, không có bờ mé… Vì đó là cõi của Tâm, tức Chân Tâm (Tâm Chân Thật), cõi của Giác Ngộ Tâm Linh mà bất cứ khái niệm nào của lý trí nhị nguyên cũng không thể vươn tới được.              

Vắn tắt, có thể nói: “Cõi Cực Lạc chính là cõi của Nam mô A Di Đà Phật, cảnh giới thọ dụng của Danh Hiệu…”

 

(16)

 

Khi tôi trầm tư sâu sắc về Đức Phật và Cõi Nước Chuyển Hóa, tôi mới thấu triệt rằng, đó là Đức Phật được diễn tả qua bản Kinh Quán Vô Lượng Thọ, trong pháp thiền-quán thứ chín về Chân Thân của Phật.

Cõi Tịnh-độ được quán tưởng theo lời dạy của Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chính là Cõi Nước Chuyển Hóa mà thôi.  Cõi nước ấy cũng tương tự như Thế Giới Đãi Nọa (thế giới uể oải lười biếng) được nhắc đến qua bản Kinh “Bồ-tát Xử Thai Chuyển Thế Kinh” và các văn bản khác: Cõi Nước Chuyển Hóa hoàn toàn tương ứng với Cung Điện Thai Sen hoặc Lâu Đài Nghi Ngờ thường tọa lạc tại Giải Mạn Quốc được trích dẫn từ bản Kinh Sức Sống Không Cùng Tận (Vô Lượng Thọ Kinh).                     

Thật ra, trong thế giới dơ bẩn này, đa số chúng sanh dẫu có ý thức xấu ác và bất tịnh, vẫn có thể khéo léo thoát khỏi những đường lối lầm lẫn của chín mươi lăm học phái tà kiến, để bước thẳng vào giáo lý đạo Phật, hoặc là giáo lý đầy đủ hoặc là giáo lý khiếm khuyết đôi ba phần - do những cơ duyên tạm thời hoặc do những quyết định dứt khoát.        

Bởi vì, gặp được Đạo Phật Chân Chánh quả là khó khăn biết bao: Chúng ta cứ phóng tầm mắt nhìn quanh, có mấy ai hội đủ nhân duyên hi hữu để vươn tới Đạo Phật Chân Chánh? Trong khi phần đông chúng sanh đều ngoan ngoãn cúi đầu vâng theo những thứ giáo lý tạp nhạp được diễn dịch sai lầm (20) và hầu hết mọi người đều lẩn quẩn miệt mài với những công phu chưa chín tới, những lối thực hành huê dạng, màu mè hình thức như mê đắm công quả, tom góp phước báo, lăng xăng hành thiện, cúng dường bố thí v.v...

Phần đông chúng sanh đều ôm ấp những mục tiêu tệ hại như vậy, chỉ vì họ say mê dồn chứa phước báu hữu lậu và tích lũy công hạnh, nên họ muốn Đức Thích Ca Mâu Ni một mực cứ thuyết giảng về sự bòn mót, kiếm chác công đức mà thôi.

Điều này thật dễ hiểu: Khi chưa tu tập, người ta có khuynh hướng tom góp tài sản, cất giấu tiền bạc càng ngày phải càng nhiều hơn - khi bước vào ngõ tu hành, người ta vẫn đèo theo cái thói quen cũ bằng cách dồn chứa công đức sao cho ngày một nhiều hơn. Đó là căn bệnh trầm trọng sẵn có của tất cả chúng sanh.

Đức A Di Đà, đấng Toàn Giác, biết bệnh của chúng sanh muôn thuở đều như vậy, nên Ngài quyết tâm chữa lành cho kỳ được, bằng phương thức cải biến tâm linh của chúng sanh một cách triệt để hoàn toàn. Cải biến như thế nào, để giúp chúng sanh thực hiện những bước khởi đầu?

Đó là lý do tại sao Lời Nguyện thứ 19 đã xuất hiện, góp mặt vào cuộc sống chúng ta. “Lời Nguyện mong ước chúng sanh gieo trồng tất cả các loại công đức”, hoặc là “Lúc sắp lâm chung, đức Phật sẽ hiện thân trước mặt”. Và còn nữa: “Đức Phật hứa sẽ hiện thân để tiếp dẫn qua miền Cực Lạc”, hay là: “Ước mong sao mọi người sẽ phát khởi Tâm Chuyên Nhất,  Tâm Thành Khẩn…”

Nguyên văn “Lời Nguyện thứ 19 dược dẫn từ bản Kinh Vô Lượng Thọ như sau:

“Khi tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương phát khởi tâm thái giác ngộ (Bồ-đề tâm), gieo trồng các loại công đức, và dấy khởi lòng thành khẩn mà ước nguyện sanh về cõi nước tôi, đến lúc lâm chung nếu tôi cùng chư vị thánh chúng chẳng hiện thân trước người ấy để đón rước, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác”.

Sự thành tựu lời nguyện này được trích dẫn  từ đoạn kinh văn diễn tả về Ba Cấp Bậc Của Sự Vãng Sanh, hoặc diễn tả các pháp quán tưởng để được vãng sanh Cực Lạc. Đó là pháp quán tưởng thứ 14, 15, 16  trong bản Kinh Quán Vô Lượng Thọ, đồng thời trình bày Chín Phẩm Vãng Sanh của các vị thượng thiện nhân ở cõi Tinh-độ qua các phương tiện thiền quán hoặc phi thiền quán

 

(17)

 

Ngược lại, Tổ sư Nguyên Tín, bậc Thầy về Thủ Lăng Nghiêm (le Maitre du Shuryôgon), trong chương “Những Chứng Cứ Về Hiệu Quả của sự Niệm Phật” đã triển khai đề tài: “Lời Nguyện thứ 18 là Lời Nguyện Chọn Lọc Nhất trong các lời nguyện được tuyển chọn”. 

 Đối với tất cả các vị thiện hữu đang sử dụng những công phu tu tập thiền quán và phi thiền quán được xiển dương bởi Quán Vô Lượng Thọ Kinh, Ngài Nguyên Tín nhấn mạnh tha thiết rằng: Những kẻ đa mang đủ loại tội chướng nặng nề, chỉ cần thành khẩn thốt lên:“Nam mô A Di Đà Phật’’ thì tức khắc, bao nhiêu tội chướng liền bị tiêu diệt hoàn toàn, và sẽ cảm nhận một nỗi bình an, hạnh phúc bất tuyệt…

Hỡi những bậc Tăng sĩ cũng như Cư sĩ trên thế giới ô nhiễm này, xin quý vị hãy đối diện với chính mình và tự thẩm tra năng lực của bản thân một cách nghiêm túc.

Chỉ có vậy thôi!

 


(18)

 

Về khía cạnh khác, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã mở bày Kho Tàng Công Đức của chánh pháp tối thượng - kế tiếp là phần việc của Đức A Di Đà, đấng Toàn Giác: Để cải biến tâm linh tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới ác trược này, Đức A Di Đà đã công bố một lời hứa hẹn tương quan đến cứu cánh giải thoát rốt ráo và những nhân tố chân chánh đưa đến cứu cánh tối hậu ấy. Lời hứa hẹn nêu trên, phát khởi từ lòng đại bi, chính là nhằm mục đích dẫn dắt hết thảy chúng sanh tới bến bờ trí giác.

Đại Bi Thệ Nguyện thứ 20 còn gọi là “Lời Nguyện ước mong chúng sanh thường xuyên niệm Phật như là gieo trồng gốc rễ của mọi công đức vô lậu”. Ngoài ra, còn gọi là: “Lời Nguyện bảo đảm chắc chắn vãng sanh bởi chuyên nhất tư tưởng mà nghĩ nhớ đến cõi nước tôi...” (hệ niệm ngã quốc). Và còn gọi là: “Đem tâm chí thành, hồi hướng công đức...”  

Nguyên văn Lời Nguyện Thứ 20 là:

“Khi tôi thành Phật, tất cả chúng sanh khắp mười phương nghe danh hiệu tôi mà chuyên nhất tư tưởng hướng về cõi nước tôi, gieo trồng Gốc Rễ của tất cả công đức, và đem tâm thành khẩn hồi hướng công đức để vãng sanh trong cõi nước tôi - nếu không có được kết quả như ý mặc dù đã thực hiện những điều cần thiết, thì tôi thề không chấp nhận địa vị Toàn Giác.”

Bản Kinh Vô Lượng Thọ còn đi xa hơn: “Những kẻ nào còn hoài nghi các tri thức đạo lý vừa nêu trên, và chẳng tin tưởng chút gì vào các điều ấy, thì tuy vẫn gieo trồng Gốc Rễ công đức để hy vọng vãng sanh Cực Lạc dù thường đặt lòng tin gắn liền với những khái niệm công đức và tội lỗi - rốt cuộc những kẻ ấy sẽ tái sanh trong Cung Điện Thai Sen nơi biên địa cõi Cực Lạc.”

Hiển nhiên chỉ vì thế, mà tôi biết chắc rằng người ta thực hành một công phu chọn lọc như Niệm Phật mà lại đem kết hợp với một tư tưởng tạp loạn (đem tín tâm pha trộn với tự lực), thì sẽ không thể nào đạt đến Đại Hoan Lạc. Đây là lý do tại sao Tổ sư Thiện Đạo nói:

 “Kẻ nào không phát khởi tư tưởng tri ân về sự đoái hoài của Phật đã từng ban phát cho chúng ta biết bao ân đức của sự Vãng Sanh, mà chỉ một mực chăm chú vào việc chất chứa những hành vi tu tập tự lực, đồng thời nổi lên những tư tưởng kiêu ngạo, hoặc mưu đồ kiếm chác danh vọng cùng lợi ích vật chất. Kẻ ấy chắc hẳn bị quay cuồng trong ngục tù bản ngã chật hẹp u mê, y sẽ không có được một người bạn thiết để đồng hành trên bước đường tu tập. Y lấy làm thích thú biết bao bởi vô số phương thức tu tập tự lực, y nào biết rằng chính y đã gây ra chướng ngại cho sự tinh tiến đích thực, nhờ đó mà người ta được tái sanh Tịnh-độ chỉ bởi năng lực của Phật mà thôi (Tha Lực).

(19)

NIỆM PHẬT

VÀ CÁC THỜI KỲ CHÁNH PHÁP

 

 

Tôi tin tưởng rằng, giáo lý tu tập theo Con Đường Của Các Thánh Nhân là phương tiện hành trì chỉ dành riêng cho các bậc thượng căn vào thời kỳ Đức Thích Ca Mâu Ni còn hóa đạo tại thế gian,  đó là giai đoạn của Chánh Pháp Chân Thật (Đúng Đắn) - chứ không thể nào ban cho chúng sanh vào các thời kỳ hánh Pháp Tương Tự hoặc Chánh Pháp Suy Tàn và Chánh Pháp Diệt Tận.

Thời gian đầu tiên đã qua rồi, giáo lý tu tập theo Con Đường Của Bậc Thánh Nhân thì dường như chẳng còn mấy thích ứng với các thời kỳ tiếp theo.

Trái lại, Niệm Phật tức là Đạo Phật Chân Chánh của Tịnh-độ được thực hành vào thời Đức Thích Ca còn lưu trụ trên thế gian này, giáo pháp lúc ấy là Chánh Pháp Đúng Đắn, nhưng đặc biệt vẫn còn được thực hành rộng rãi vào các thời đại Chánh Pháp Tương Tự, Chánh Pháp Suy Tàn hoặc Chánh Pháp Diệt Tận.           

Niệm Phật cũng là sự dìu dắt tràn đầy xót thương mà chư Phật ban cho chúng ta, và là phương tiện hết sức phù hợp với đại đa số chúng sanh trong thời đại xấu ác sẵn đủ năm loại nhiễm ô…

Trong bộ Đại Trí Độ Luận, Ngài Long Thọ đã trình bày giáo pháp về “Bốn Lãnh Vực Nương Tựa” (Tứ Y Pháp) như sau:

“Vào lúc sắp sửa bước vào Đại Niết Bàn, Đức Phật dặn dò chư vị Tỳ-kheo rằng, kể từ nay, các con phải:

Thứ nhất, nương tựa vào Chánh Pháp mà chớ nương tựa vào người thuyết giảng.

Thứ hai, các con hãy nương tựa vào ý nghĩa giáo pháp mà chớ căn cứ vào ngôn ngữ, văn tự.

Thứ ba, các con hãy nương tựa vào Trí Tuệ Chân Thật chứ đừng căn cứ vào cảm nhận của 6 thức.

Thứ tư, các con hãy nương tựa vào những bản kinh có ý nghĩa rõ ràng chứ đừng nên căn cứ vào những bản kinh mang ý nghĩa khúc mắc, bí mật và mù mờ.        

Vì vậy cho nên, vào thời đại chánh pháp suy tàn như hiện nay, quý vị Tăng sĩ cũng như Cư sĩ đều phải thực hành Giáo Pháp được nhắc nhở trong “Bốn Lãnh Vực Nương Tựa” (Tứ Y Pháp).

          …

Thân Loan tôi căn cứ vào những mục tiêu đúng đắn và xác thực của chư Tổ sư cũng như các bộ luận giải của các Thánh hiền thuở xưa, tôi sẽ chứng minh rằng: 

Thánh Đạo, hay Con Đường Tu Tập Của Các Bậc Thông Tuệ, chỉ là giáo lý nhất thời ở vào giai đoạn khởi đầu của đạo Phật - còn Con Đường Trở Về Tịnh-Độ bằng thực hành Niệm Phật, lại là giáo lý quyết định dứt điểm, phù hợp với tất cả các giai đoạn phát triển của đạo Phật, dù ở bất cứ không gian nào, địa phương nào. Tôi cũng quan tâm đến việc phản ứng nghiêm túc đối với những sự diễn dịch sai lầm và cũng muốn chống lại những giáo lý ngoại lai, hỗn tạp trong đạo Phật.

Để có thể phân biệt những thời kỳ khác nhau sau khi Phật Thích Ca Niết-bàn, tôi sẽ xác định ranh giới của các thời đại ấy, đâu là thời kỳ Chánh Pháp Đúng Đắn, đâu là thời kỳ Chánh Pháp Tương Tự,  đâu là thời kỳ Chánh Pháp Suy Tàn. Ngài Đạo Xước nói: Để trình bày thời đại nào Kinh điển tồn tại trên thế gian, và thời đại nào Kinh điển bị hủy diệt, tôi phải nói rằng: Sau khi Đức Thích Ca diệt độ, chánh pháp đúng đắn được duy trì trong khoảng 500 năm.

Thời kỳ chánh pháp tương tự kéo dài khoảng một ngàn năm tiếp theo đó. Giai đoạn suy tàn của chánh pháp (mạt pháp) kéo dài khoảng mười ngàn năm. Rồi thì số lượng chúng sanh tu tập theo Phật-pháp sẽ càng ngày càng giảm bớt và tất cả các loại Kinh điển đều bị biến mất hoàn toàn. Khi ấy, đấng Thế Tôn Toàn Giác mới xót thương hết thảy chúng sanh bị thiêu đốt bởi khổ não ưu phiền, Ngài sử dụng tuệ nhãn để chọn một bản kinh có khả năng cứu độ tất cả, đó là Kinh Vô Lượng Thọ, và Ngài quyết định cho phép bản Kinh này lưu trụ trên thế gian khoảng hơn một trăm năm.

Ngài tiếp lời:

Trong bản Kinh Vô Lượng Thọ Như Lai Hội, Đức Phật dạy rằng: “Vào thời mạt pháp, mặc dầu có ức ức chúng sanh tu tập theo chánh pháp của Ta,  nhưng chẳng có một người nào chứng ngộ rốt ráo cả”. Quả thật, chúng ta đang ở vào thời kỳ mạt pháp: Đó là thời đại mà cuộc sống bị nhiễm ô bởi năm thứ dơ bẩn (ngũ trược ác thế). Chúng ta không đủ khả năng dù nhỏ bé để có thể tu tập theo bất cứ giáo pháp chân chánh nào của đạo Phật, duy chỉ có Niệm Phật là công phu tu tập dễ dàng mà chúng ta có thể thực hiện nổi…“                          

(20)

 

Nhờ nương tựa vào Kinh điển mà chúng ta có được sự phân biệt thế nào là giáo pháp tạm thời và thế nào là giáo pháp bất biến, xác định - tôi quyết tâm chống lại những thứ giáo lý ngoại lai, hỗn tạp đang hiện hữu trong đạo Phật, và tôi cũng cương quyết phản ứng mạnh mẽ đối với những diễn dịch sai lầm vẫn còn tồn tại rải rác quanh đây.

Về đề tài này, kinh Đại Bát Niết Bàn nói:

“Bất cứ người nào đã quy y Phật, thì hoàn toàn không đặt niềm tin vào bất cứ năng lực thần quyền khác… “

Kinh Đại Tập đưa vấn đề này ra trước các Đức Như Lai và được dạy như sau:

“Là đệ tử của Như Lai, nhà ngươi đã học hỏi những giáo lý được kiết tập và muốn thực hiện trong đời sống… Nhà ngươi chỉ nên quy y Phật, quy y Pháp, quy y Thánh Hiền Tăng. Đồng thời không quy y ngoại đạo, tà giáo. Không sùng bái các loại chư Thiên. Không hiến mình thờ cúng các loại Ma, Quỷ, Thánh Thần. Không nên mê say bói toán kiết hung, dâng sao giải hạn, tử vi, phong thủy, xem ngày giờ tốt xấu…

 

(Nói chung, người niệm Phật thì không giải quyết vấn đề tâm linh bằng bất cứ một phương thức thế gian nào, ngoài việc duy trì công phu sáu chữ: Nam. Mô. A. Di. Đà. Phật) ./.

         

 (21)   LỜI CUỐI CÙNG

 

Hạnh phúc thay!

Con đã gieo cấy tâm hồn con trên khoảnh đất mơn mởn tươi xanh của Bản Nguyện A Di Đà, và con đã khơi dòng tư tưởng cuồn cuộn chảy vào đại dương của Chánh Pháp siêu việt tư duy và mô tả.

Con nhận biết từ đáy sâu thăm thẳm lòng xót thương bất tận của đấng Toàn Giác và con vô cùng thích thú đón nhận những ân đức vĩ đại đến từ những giáo huấn của chư Sư, chư Tổ. Niềm vui trào dâng đến mức độ tột cùng, và trong lòng con, một mối rung cảm chân thành của sự tri ân đang lớn dần lên.

Chính vì những nguyên do kia, mà con đã thực hiện công cuộc trình bày Đạo Phật Chân Chánh và tập hợp các phần cốt tủy của những giáo lý liên quan đến Niệm Phật Tịnh-Độ.                 

          Bởi vì con đã thâm nhập tận cùng những tầng sâu hun hút của ân đức Niệm Phật, nên con không hề quan tâm đến những mũi dùi phê phán hoặc thái độ chế riễu của người đời. Mặt khác, nếu có một người nào gặp cơ hội tiếp xúc với những bản văn này, mà chấp nhận với niềm tin cậy, hoặc còn nghi ngờ chút ít, hoặc miễn cưỡng lắng nghe, thì nhờ những nhân duyên hi hữu này, một ngày kia tâm hồn y sẽ đơm hoa nẩy nụ khiến cho Lòng Tin Thanh Tịnh sẽ bừng sáng ở trong y do năng lực Bản Nguyện A Di Đà - và rồi, quả đức Vi Diệu sẽ hiển hiện ngay nơi tự thân người ấy  trong Cõi Miền Cực Lạc.

Ngài Đạo Xước viết trong “An Lạc Tập, phần I” như thế này: “Con xin tập hợp nơi đây những lời dạy chân thật của Phật và Thầy, Tổ - chỉ mong giúp đỡ mọi người đạt được ý nguyện vãng sanh Cực Lạc”

Ước vọng của con, cũng như chí hướng của các bậc tiền nhân, là trở thành người dẫn dắt những kẻ hậu sanh, và dĩ nhiên người thời nay cũng có thể rút tỉa được một vài lợi ích khi tiếp nhận những lời chỉ bày của những người đi trước. Mong sao, thời đại nào cũng có sự tiếp nối liên tục cho đến mãi mãi về sau. Và nhờ sự tiếp nối vô tận này, mà đại dương khổ não của Sanh Tử sẽ phải cạn khô.

Chúng ta đang ở vào thời kỳ suy tàn của chánh pháp (mạt pháp), mong sao các bậc Tăng sĩ cũng như Cư sĩ, hãy đem cả lòng tin mà trân trọng và ngưỡng mộ giáo lý Niệm Phật này. Để rồi, quyết liệt chối bỏ mọi thứ ô nhiễm của thế gian và xác nhận danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật mới là máu thịt và hơi thở của chính mình.

          Để kết thúc, xin trích dẫn một đoạn thơ từ bản kinh Hoa Nghiêm (le Soutra de l’Ornementation Fleurie) :

Kẻ kia rất mực chúng sanh

Thấy vị Bồ-tát tu hành siêng năng

Dấy lên tâm niệm oán hờn

Hoặc là thù nghịch như từng nợ nhau

Người này rất mực thanh cao

Phát sanh tâm niệm yêu thương tràn trề

Trước sau Ngài vẫn từ bi

Chẳng hề phân biệt kẻ kia người này

Dang tay bảo bọc cuộc đời

Như mưa rưới xuống cỏ cây chan hòa

 

                   Thân Loan

 


CHƯƠNG THỨ BẢY:

 

 

 

 

NHỮNG VẦN THƠ

NGỢI CA

LÒNG TIN

CHÂN CHÁNH

 

của THÂN LOAN thánh nhân

 

 

 

 

 

 


 

NHỮNG VẦN THƠ NGỢI CA

LÒNG TIN CHÂN CHÁNH

(Le Poème sur la Foi Véritable)

Nhật-ngữ: SHÔ SHIN GE

 

 

 

[1]

Kính lạy Tây phương A Di Đà Phật

Con trở về nương Sức Sống Vô Cùng

Xin cúi đầu phủ phục trước từ dung

Vì kính ngưỡng Hào Quang bất tư nghị

[2]

Thuở xa xưa, thời gian như mộng mị

Năm tháng như nghìn số cát sông Hằng

Ngài thực hành Bồ-tát đạo siêng năng

Danh hiệu là Pháp Tạng thánh Tăng

Tu học theo Thế Tự Tại Vương Phật

[3]

Nghiên cứu các nguyên do và năng lực

Đã cấu thành cõi sạch khắp mười phương

Các phẩm chất thanh cao

Những khuyết điểm tầm thường

Của chư Thiên, loài người nơi Tam giới

 

 

 

 

 

[4]

Thương chúng sanh đời đời quằn quại

Ngài lập ra những lời nguyện  kiêu hùng

Tuyệt vời và lớn rộng tựa hư không

Cứu tất cả hữu tình không phân biệt

[5]

Ngài thiền quán suốt năm đại kiếp

Cho đến khi định lực tựu thành

Danh Hiệu Ngài tích tập vạn công năng

Vang vọng cả mười phương cõi nước

[6]

Những tua sáng huy hoàng vô lượng

Những tia màu tỏa rạng nơi nơi

Rực lòa hơn ngọn lửa mặt trời

Không ngăn ngại, dần lan vô cùng tận

[7]

Ánh sáng Ngài hoàn toàn trong sạch

Tràn niềm vui và tuệ giác mênh mông

Ánh sáng miên trường, bất diệt, vô song,

Vượt lên trên mọi suy tư và diễn tả

 

 

 

 

[8] Vầng nhật nguyệt mai kia ắt tàn tạ

Ánh sáng Ngài xuyên vũ trụ, không gian

Tẩy sạch bao cát bụi ngỡ ngàng

Trùm phủ lên chúng sanh

Muôn triệu vầng hào quang uyển chuyển!

 [9]

Danh Hiệu được tuyên dương từ Bản Nguyện

Khơi trong con chân tánh Nhất-như

Chuyển hóa nhân gian bởi đức từ

Tâm thành khẩn và niềm tin hỷ lạc!

[10]

Chúng con sẽ tựu thành Tâm Toàn Giác

Và chứng đắc quả vị Đại Niết Bàn

Níu chiếc bè Bản Nguyện với hân hoan

Để chắc chắn cập bến bờ giải thoát

[11]

Chúng con hiểu vì sao Đức Phật

Đã xuất hiện nơi thế gian này

Thương chúng sanh Ngài nhẫn nại chỉ bày

Đại dương bao la của Bản Nguyện A Di Đà!

 

 

 

 [12]

Vào thời đại của năm món hôi tanh

Nếu muốn giải thoát cả chúng sanh

Thì chúng con phải nghiêm túc thực hành

Những lời dạy đúng đắn của Phật!

[13]

Tham dục lịm tắt như gió ngàn tản mác

Khi chúng con cảm nhận trái tim Ngài

Đầy yêu thương, hoan lạc, ngất ngây

Như chứng ngộ Niết-Bàn vô thượng!

[14]

Dẫu là những chúng sanh tầm thường

đầy tội chướng

Hoặc thánh nhân cao thượng

Hoặc kẻ phỉ báng Lẽ Chân

Đều được Ngài cải hóa khỏi mê lầm

Hòa tan vào nước đại dương giải thoát

[15]

Lòng yêu thương ấm nồng của Phật

Thường sáng bừng và bảo bọc chúng con

Dập tắt luôn những bóng tối chất chồng

Của ngu si, đam mê và lầm lạc

 

 

 

 

 

 

 

 

[16]

Dục vọng như đám sương mù dày dặc

Cùng mây đen của giận dữ, điên cuồng

Từng che khuất các khoảng mát yêu thương

Của bầu trời tín tâm chân thật

[17]

Như ánh sáng mặt nhật

Bị sương mù lấp che

Khi sương mù tan mất

Thì ánh sáng hiện về

Bóng đen liền phai nhạt

[18]

Chúng con được lòng tin chuyên nhất

Tri kiến, và lòng sùng kính thiết tha

Niềm hân hoan giúp con nhảy thật xa

Chỉ một bước,vượt trên năm đường dữ

 

 

 

[19]

Chúng con là bọn làng nhàng ngái ngủ

Dù thiện lương hay là kẻ bất lương

Nếu được nghe Bản Nguyện phi thường

Liền chấp trì với tâm tình ngưỡng mộ

Thôi, từ nay thấm nhuần ơn cứu độ

Tự trang nghiêm bằng Tri Kiến tuyệt vời

Đúng như lời khen ngợi của Như Lai :

“Các con là những bông sen trắng !”

[21]

Dẫu có những kẻ xấu ác

Ôm hoài cái nhìn lầm lạc

Nhưng quyết dốc trọn tín tâm

Tin vào Bản Nguyện siêu phàm

Thực hành Niệm Phật siêng năng đêm ngày

Và ơn đức của Như Lai

Rưới tràn một thuở cho đầy Trí Bi!

[22]

Chấp nhận điều trên… ôi quá khó!

Rồi giữ gìn và gắn bó lâu dài

Một lòng tin cậy mà vui

Là điều khó nhất trên đời, phải chăng?  

 

 

 

 

[23]

Các Luận sư nơi miền Thiên Trúc

Hoặc ở gần rất mực Cachemire

Tổ sư Đông Độ đề huề

Trung Hoa, Nhật Bản đều đi chung đường

 

[24]

Tất cả đều kiên cường minh chứng:

Phật Thế Tôn hạ giáng trần gian

Lý do chắc chắn rõ ràng

Ấy là khai thị lời vàng thiêng liêng

Để chánh pháp uyên nguyên mạng mạch

Để chúng sanh trừ sạch buồn đau

Phải nương Bản Nguyện nhiệm mầu

A Di Đà Phật bắc cầu Nam


[25]

Thuở còn tại thế, ngày xưa

Đứng trên đỉnh núi Lăng-già

Hôm nao Đức Phật Thích Ca dạy rằng :

“Nơi miền Ấn Độ phương Nam

Sẽ hạ sanh bậc Cao Tăng phi phàm!

 

 [26]

Bồ-tát ấy pháp danh Long Thọ

Thừa khả năng đạp đổ ngụy tà

Con đường Trung-Quán nở hoa

Chấp Không chấp Hữu đều là vô minh!

[27]

Ngài xiển dương Tâm Linh Tối Thượng

Là Đại Thừa thù thắng không hai

Vãng sanh Cực Lạc cuối đời

Chứng Hoan Hỷ Địa, Trời Người ngả nghiêng!

[28]

Ngài quyết liệt bao phen xác nhận:

Thánh Đạo Môn quả thật khó đi

Đường dài hiểm trở gian nguy

Biết bao nỗ lực rất chi mệt nhoài

[29]

Dị Hành Đạo: Hoa cười nụ hé

Dấn thân cùng thú vị niềm tin

Lòng vui nên chí cũng bền

Tòa sen bất thối tự nhiên nở bừng!

 

[30]

Nên chúng con chuyên cần đọc tụng

Danh Hiệu Ngài chấn động mười phương

Biết bao diệu dụng phi thường

Thì xin đón nhận với lòng tri ân!

[31]

Ấn-độ xưa, Thiên Thân Bồ-tát

Xác nhận trong bộ Luận Vãng Sanh:

“Con xin đem dạ chí thành

Quy y Đức Phật Thọ Quang vô cùng!” 

 [32]

Căn cứ vào một rừng kinh pháp

Ngài tỏ bày sự thật hiển nhiên:

Bản Nguyện vĩ đại, thâm huyền

Chính là Bước Nhảy qua miền An Vui!

[33]

Ngài công bố tuyệt vời Bản Nguyện

Đầy công năng cải biến tâm linh

Ngài nhấn mạnh pháp thực hành:

“Tâm Chuyên Nhất phải tựu thành trước tiên!”

 

[34]

Vừa phân biện vừa liền tiến bước

Vào đại dương công đức ngọc ngà

Tức thời nhất quyết tham gia

Liên Trì hải-hội hiện tòa sen thanh!

 [35]

Lòng Tin tưới nguyện thêm xinh

Bảo liên cảnh giới tự nhiên mở bày

Lộ ra Bản Thể Xưa Nay

Kết tinh diệu pháp mặt mày rưng rưng

[36]

Rồi quay lại giữa rừng tham dục

Tung hoành bằng quyền lực siêu nhiên

Thần thông buộc đá phải mềm

Khu vườn Sanh Tử mặc tình thênh thang!

[37]

Tổ-sư Tịnh-độ: Đàm Loan

Được Lương Võ Đế sắc phong Đại Hiền

Kính như Bồ-tát hóa thân

Chắp tay ngưỡng vọng cúc cung hướng về!

 

[38]

Thuở thiếu thời, Ngài mê ngoại đạo

Sách thế gian Trang, Lão, tà kinh

Gặp Lưu Chi bỗng giật mình

Đốt quách Trang Lão, mà tin pháp Thiền!

[39]

Đọc bản dịch các kinh Tịnh-độ

Ngài Đàm Loan tỏ ngộ Pháp-thân

Nguyên nhân hậu quả dập dồn

Cũng từ Bản-nguyện là nguồn là căn

[40]

Chú thích bộ luận Vãng Sanh

Tổ sư, Bồ-tát Thiên Thân thuở nào

Ngài rằng: “Tha Lực nhiệm mầu

Khả năng chuyển hóa khổ đau luân hồi

Đức tin khiến núi phải dời

Là nhân tố chính khiến đời sạch trong!

 

[41]

Cũng có kẻ quay cuồng sống chết

Vì nhiễm lây độc tố nghi ngờ

Phải phát khởi lòng tin quyết liệt

Chứng Niết-bàn ra khỏi Hữu Vô  

[42]

Cần thiết nên vãng sanh Tịnh-độ

An trú trong vô tận quang minh

Để tâm thức hoàn toàn chuyển hóa

Chẳng nhọc công đổi lốt thay hình!

 [43]

Ngài Đạo Xước xác nhận rằng:

Con đường Thánh Đạo mười phần khó theo

Núi cao vực thẳm truông đèo

Chỉ nương Tự Lực hắt hiu phận người

Thực hành Niệm Phật mà vui

Con thuyền Bản Nguyện thảnh thơi vượt bờ

Vừa chèo vừa hát vu vơ

Thấu miền Tịnh-độ công phu chưa tròn!

 

[44]

Mười ngàn công hạnh chon von

Còng lưng gắng sức mỏi mòn tín tâm

Si mê Tự Lực thêm lầm

Chẳng bằng xướng đọc hồng danh Di Đà!

 

[45]   Đức Tin và Lòng Nghi

Thường có ba cấp độ

Tùy thuộc ba thời kỳ

Thời chánh pháp kiên cố

Thời văn tự pháp số

Thời đạo lý tàn khô

Lời dạy của Đạo Xước

Nhắn  nhủ kẻ hồ đồ!            

[46]

Có những người tội khổ

Vướng ác nghiệp trọn đời

Nương Bản Nguyện Cứu Độ

Tâm hồn được thảnh thơi

Lâm chung được tiếp rước

Về Thế giới An vui

Gặt quả đức vi diệu

Trong ơn Phật tuyệt vời!

 

 

 

 

 

 

 

 

[47]

Ngài Thiện Đạo chứng minh

Ý định thật của Phật

Là đưa hết chúng sanh

Trở về cõi Cực lạc

Bằng Bản nguyện Di Đà

Và Ngài rơi nước mắt

Xót thương kẻ bôn ba

Quẩn quanh trong Tự Lực

Càng lầm càng bước xa

Hoặc tu hành tạp loạn

Đắm phước báu sa đà

Hoặc say sưa thiền quán

Càng tu càng chấp Ta

Hoặc những kẻ lạc lối

Giữa lưới mê rừng tà

Mò mẫm cùng tam độc

Chẳng tìm được nẻo ra!                 

 

 

 

 

[48]

Ngài Thiện Đạo ân cần dạy bảo

Vầng hào quang tuyệt hảo Như Lai

Hồng Danh siêu việt không hai

Chính là điều kiện cuối đời vãng sanh

Thuyền buồm gặp gió lướt nhanh

Đại dương Bản Nguyện tựu thành Trí Bi

[49]

Phật-hiệu bất khả tư nghì

Siêng năng xưng niệm, kiên trì tín tâm

Mới hay đón nhận bao lần

Cho niềm hoan lạc trào dâng cõi lòng

[50]

Thuở Đức Phật hãy còn tại thế

Vi Đề Hy quyết chí tu hành

Chuyên nhất xưng niệm Hồng Danh

Cầu sanh về cõi trong lành Tây-phương

 

Và lòng tin kiên cường, miên mật

Chẳng bao lâu chứng đắc Pháp-thân

Hạnh phúc siêu thoát vĩnh hằng

Hiện tiền đập vỡ vô ngần chiêm bao!

 

 

 

[51]

 Ở Nhật-bản, có Sư Nguyên Tín

Đem pháp mầu giải thích sâu xa:

“Mục đích của Phật Thích-Ca

Là đưa nhân loại vượt qua sáu đường

Trở về nơi cõi thanh lương

Ân cần mời gọi, vừa thương vừa chờ!”

[52]

Ngài định nghĩa:

Thế nào là công phu chuyên nhất

Thế nào là tạp loạn tu hành

Pháp nào là thẳm sâu bát ngát

Pháp nào là hời hợt loanh quanh

Ngài đã từng tỏ tường phân biệt

Giúp chúng ta hiểu biết đinh ninh

Miền kia: Chuyển Hóa Tâm Linh

Cõi này Cực Lạc thanh bình Tây phương

 

 

 

 

 

 

 

[53]

Dẫu là kẻ vô cùng hư hỏng

Chỉ chuyên ròng đọc tụng Hồng Danh

Thì đời con vẫn an lành

Được bao trùm bởi quang minh Di Đà!

 

[54]

Đôi mắt tăm tối mù lòa

Phải chăng tham dục che mờ con ngươi

Đại bi Nguyện lực của Ngài

Luôn luôn tiếp cứu những người trầm luân

 

 [55]

Sư Pháp Nhiên xả thân vì đạo

Từng thấu triệt chánh giáo Phật-đà

Nhìn chúng sanh bỗng xót xa

Ai là xấu ác, ai là thiện lương?               

 

[56]

Sư rong ruỗi dặm trường xa lắc

Tuyên bố rằng: Đạo Phật cứu đời

Nhờ nơi giáo pháp An Vui

Lời vàng Chân Thật trao người hạ lưu!

Bản Nguyện siêu thắng, tối ưu

Tục, Tăng, phàm, Thánh, trí, ngu, sang, hèn

Nắm tay, bình đẳng bước lên!

[57]

Có những kẻ nghi ngờ, do dự

Đành quay lui sanh tử xoay vần

Càng nghi càng lắm phân vân

Cũng đành ở lại bụi trần lênh đênh!

 

 [58]

Nếu chúng con rảo nhanh thẳng tới

Hạnh phúc của một cõi Thanh Bình

Do vì tịnh tín tựu thành

Giúp mau đạt quả Vô Sanh một lần!

[59]

Thánh hiền chú giải kinh văn

Tổ sư tạo luận, pháp đăng vững bền

Chúng sanh xấu ác ươn hèn

Thảy đều được rước qua bên kia bờ                

[60]

Này người áo trắng tại gia

Hoặc là Tăng sĩ cà sa đầu tròn

Mong sao chuyên nhất tâm hồn

Thức niềm tin dậy, ướp lòng thơm tho

A Di Đà Phật Nam

Chiếc thuyền Bản Nguyện đợi chờ ai kia

Vào ra hơi thở chia lìa

Lời chư Tổ dạy, con ghi bên lòng . . .

 


Phật tử Thanh Phi sửa lại lỗi chính tả.

 

 

 

 

 

 

 


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
30/12/2010(Xem: 5370)
Thiền tập Phật Giáo là cần thiết trong trường học do những lợi ích thiết thực của nó. Nhưng có những gì hơn thế ấy. Khi tín ngưỡng trong trường học từ mọi truyền thống tiếp tục chiếm những đề mục nổi bật hàng đầu, thì quan điểm của một nền giáo dục đặc biệt của Đạo Phật không phải tranh cải nhiều. Những sự thực tập căn bản của trường học gợi hứng từ Đạo Phật, trái lại đang bắt đầu đạt được sự thúc đầy.
29/12/2010(Xem: 4442)
Kinh Kim Cang Đức Phật dạy rằng: “Nhứt thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán”. Bằng trí tuệ siêu việt của bậc giác ngộ đã khai thị cho chúng ta thấy được muôn sự muôn vật tồn tại trên thế gian này đều là mộng ảo hư huyễn giả tạm, như bọt sóng, như ảo ảnh, như sương mai, như điện chớp, tạm bợ vô thường không tồn tại lâu dài, vật lớn như sơn hà đại địa cho đến thân mạng cũng đều như vậy, tất cả đều phải tuân theo một qui luật chung là Thành Trụ Hoại Không hay Sanh Trụ Dị Diệt. Đủ duyên thì hợp hết duyên thì tan, không đáng để tham luyến khổ đau.
19/12/2010(Xem: 6125)
Khi tôi là một thiếu niên ở Tây Tạng, tôi cảm thấy rằng đạo Phật của chính tôi phải là một tôn giáo tốt nhất - và những tôn giáo khác là kém hơn làm sao ấy. Bây giờ tôi thấy tôi đã ngây thơ như thế nào vậy, và nguy hiểm như thế nào mà sự cực đoan thiếu bao dung tôn giáo thể hiện ngày nay.
17/12/2010(Xem: 4588)
Dù thế nào chăng nữa thì mọi cuộc đời đều quý báu. Trước hết, quý báu có nghĩa là gì? Trong Phạn ngữ, từ ratna để chỉ cho sự quý báu. Trong tiếng Tây Tạng, ratna đôi khi được dịch là konchog và có lúc được dịch là rinpoche. Đôi khi từ này được dịch ngắn gọn là rinchen. Những lúc khác được dịch là norbu, có nghĩa là viên ngọc quý. Vì thế, tiếng Tây Tạng thật phong phú khi diễn tả những thuật ngữ tâm linh khác nhau.
15/12/2010(Xem: 4048)
Nền tảng những lời dạy của Đức Phật là phật tính. Và cũng do phật tính mà Đức Phật đã ban cho những lời giảng. Mọi chúng sinh đều có khả năng để hoàn thiện và đạt được giác ngộ. Bởi phật tính là bản chất tinh khiết và giác ngộ thực chất của chúng ta mà chúng ta có thể hoàn thiện và vượt qua bất cứ ô nhiễm nào. Đức Phật đã chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc của Ngài về điều này, không chỉ công nhận thực tế phật tính tồn tại trong tất cả chúng sinh, mà còn dẫn dắt chúng ta để đánh thức khả năng vô hạn và bẩm sinh này cho tới khi chúng ta đạt được sự tỉnh giác trọn vẹn về phật tính của chính mình, và tự chúng ta trở thành những vị phật giác ngộ.
10/12/2010(Xem: 11363)
Tập sách này gồm 2 bài giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV, được ngài Rajiv Mehrotra – đệ tử của đức Đạt-lai Lạt-ma – trực tiếp ban cho chúng tôi cùng với 4 bài giảng khác nữa, kèm theo một văn bản cho phép chuyển dịch tất cả sang Việt ngữ và phát hành ở dạng song ngữ Anh-Việt. Phát tâm Bồ-đề là bài giảng được chúng tôi hoàn tất trước tiên và được chọn làm tựa đề cho tập sách này vì tính phổ quát của nó đối với mọi người Phật tử. Bài giảng này có nội dung khuyến khích và hướng dẫn việc phát tâm Bồ-đề, một yêu cầu tối thiết yếu đối với bất cứ ai muốn bước chân vào con đường tu tập theo Phật giáo Đại thừa.
08/12/2010(Xem: 4096)
Vấn đề tha lực và tự lực xưa nay vẫn được nhiều người tranh luận sôi nổi. Ở đây, NSGN trân trọng giới thiệu ý kiến của Minh Đức Thanh Lương, tác giả của Tịnh độ luận, Con đường lý tưởng Bồ tát đạo Ẩ về mối quan hệ giữa tự lực và tha lực trong quá trình thực nghiệm tâm linh.
05/12/2010(Xem: 7969)
Lịch sử nhân loại nhìn từ một khía cạnh nào đó chính là lịch sử của tư duy con người. Các biến cố lịch sử, chiến tranh, sự tiến bộ về mọi mặt, các thảm kịch..., tất cả phản ảnh bản chất hoặc tiêu cực hoặc tích cực của tư duy con người. Các danh nhân, các nhà cách mạng, các tư tưởng gia..., đều là các vĩ nhân đại diện cho những tư duy tích cực. Thảm kịch, bạo ngược, chiến tranh tàn khốc... phát sinh từ những tư duy tiêu cực.
04/12/2010(Xem: 3401)
Mỗi sáng thức dậy với tâm tỉnh giác, ta thấy mình vẫn còn sống và hân hoan chào đón một ngày mới hạnh phúc, vui tươi bằng sự nhiệm mầu trong từng phút giây. Một ngày mới bắt đầu giúp ta có thời gian rèn luyện nhân cách, sống cố gắng làm một việc gì, để làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, dấn thân đóng góp lợi ích cho xã hội.
03/12/2010(Xem: 4533)
Cho dù bạn không hiểu biết nhiều về Pháp, cho dù điều duy nhất bạn biết là Om Mani Padme Hum thì cuộc đời hạnh phúc nhất vẫn là cuộc đời được sống với một thái độ giải thoát khỏi tám mối bận tâm thế tục. Nếu bạn sống cuộc đời mình với thái độ trong sạch thoát khỏi sự tham luyến với cuộc đời này và chỉ đơn thuần trải đời mình trong việc trì tụng Om Mani Padme Hum – thần chú sáu-âm này là tinh tuý của toàn bộ Giáo Pháp – thì đó là Pháp thanh tịnh nhất. Việc trì tụng có vẻ rất đơn giản, rất dễ dàng. Nhưng nếu bạn nghĩ tưởng về những lợi lạc của nó, thì điều đó không hoàn toàn đơn giản. Ở đây tôi sẽ chỉ đề cập tới cốt lõi của những lợi lạc vô biên của nó.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567