NS.Chúc Linh đã phổ nhạc và xuất bản nhiều album Phật giáo, quen thuộc nhất là 6 album mang tựa đề Đức Khiêm Từ (1. Mẹ từ bi, 2. Kinh cầu Mẹ Từ Bi, 3. Dấu chân Yên Tử, 4. Phật Hoàng Trần Nhân Tông, 5. Hải Triều Âm, 6. Sư Tử hống).
Nhiều ca khúc của anh đã đi vào lòng như: Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Kính Mừng Phật Đản Sinh, Đạo Kỳ Phật Giáo, Mẹ từ bi, Chùa tôi, Đêm Pháp Hoa, Trăng tròn tháng tư, Tình Lam, Đường Lam, Áo Lam Hiền…
Trong số đó, có những ca khúc được giải thưởng như: Dấu Chân Yên Tử (Sử Ca Việt Nam), Đóa hồng dâng Cha (giải nhì toàn quốc về sáng tác gia đình). Dưới đây là tâm tình của anh.
Cơ duyên nào đưa anh đến với đạo Phật và âm nhạc Phật giáo?
Thuở còn bé thơ, vào những ngày 14 rằm, 30 mùng một, tôi được ba mẹ dẫn đi lễ chùa, ngồi bên mẹ nghe tụng kinh niệm Phật, sau buổi lễ, thường được thầy trụ trì và các anh chị cho ngồi quây quần quanh mâm trái cây, có chuối ổi mận xoài, chè đậu xanh, xôi nếp dẻo, vừa ăn vừa được các anh chị dạy hát bài: “Em đến chùa. Chúng ta là chim, ba má ơi cho con đến với gia đình, Ta đoàn áo Lam…”
Thật vui, thật là thích thú.
Từ đó tôi cứ mong đến ngày rằm để được theo ba mẹ lên chùa lễ Phật, được ăn xôi chè và được dạy hát múa ca.
Năm 10 tuổi tôi chính thức được mặc áo Lam, học hỏi rèn luyện tinh thần Bi-Trí-Dũng, dưới mái chùa Mân Quang, chợ chiều An Hải, Đà Nẵng.
Lúc đó tuổi thơ tôi thật là vô tư trong sáng, thường đến chùa, vào chánh điện, một mình ngồi chắp tay hướng lên đức Phật nhìn đếm thầm 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Ngài, với tất cả tấm lòng cung kính tràn đầy hỷ lạc, lại có những lúc trưa về yên lắng, một mình bắt chước ngồi như Phật, chắp tay sen niệm thầm Chú Đại bi, Bát Nhã Tâm kinh…đọc thôi trôi chảy nghe tiếng vang vang, tưởng như trên đầu tay Phật nhè nhẹ xoa xoa trìu mến, toàn thân thấy ấm lâng lâng thanh thoát, trí tuệ bùng vỡ thiền trụ vững vàng, hốt nhiên lời kinh tung cánh, âm thanh rơi rụng tỏa ngát mười phương.
Thân tâm tuổi thơ tôi là vậy!
Sống trong Gia đình Phật tử, được quý Tăng Ni giảng dạy giáo lý Phật Đà, để chăm làm các việc lành, lánh xa những điều ác, giữ tâm ý thanh tịnh… được các anh chị trưởng chăm sóc rèn luyện thân tâm châm ngôn Bi-Trí-Dũng, với tinh thần tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn.
Trong một lần Gia đình Phật tử tổ chức chương trình văn nghệ “Kính mừng Đại lễ Phật đản” tôi có nhiệm vụ kéo màn và phụ giúp dụng cụ sân khấu qua từng tiết mục, đêm văn nghệ đại chúng đến xem chật kín sân chùa, mỗi tiết mục diễn xong tiếng vỗ tay rộng khắp.
Trong hậu trường tiếng anh chị trưởng quan tâm nhắc nhở các tiết mục chuẩn bị, động viên chăm lo các diễn viên sắp biểu diễn, trong đó có tiết mục đơn ca Em là vị sao sáng do thiếu nam Lưu Tú Bội trình diễn, với giọng nam cao trong sáng, tướng tá cao ráo mặt mày thanh tú, đây là những tiết mục “đinh” trong chương trình, vì vậy ai nấy đều chăm sóc ân cần, thiếu nữ thì bưng nước cho Bội uống thấm giọng để hát hay, anh trưởng thì nhắc nhở Bội bình tĩnh, khi chào nhớ nở nụ cười nhé em!...
Còn tôi thì chẳng ai quan tâm, nếu có gọi thì phải nhanh tay mau chân khiêng ghế bàn để diễn kịch, kéo màn, chuẩn bị tiết mục, miệng khô khốc áo ướt đẫm mồ hôi hột…
Ngồi nhìn thế sự tức cảnh sinh tình, tôi mới suy nghĩ: “Mình phải tập hát thử coi! Đã biết nói là biết hát, vấn đề là hát hay hay dở mà thôi!”
Sau đó là tôi tập hát và được trân trọng giới thiệu lên sân khấu biểu diễn ca khúc Trái tim Bồ tát được đại chúng vỗ tay rần rần, thầy trụ trì khen ngợi thưởng cho một trái đu đủ thật lớn! Tôi mang lộc Phật về nhà, ba mẹ rất vui, lòng tôi tràn đầy hạnh phúc!
Anh cảm nhận thế nào lợi ích của Âm nhạc Phật giáo?
Văn hóa Phật giáo được truyền tải qua Văn, Thơ, Nhạc, Họa, rất dễ dàng đi vào lòng người, chúng ta đọc một đoạn văn, câu thơ, xem một bức tranh nghệ thuật, trong ý thức của đôi mắt, câu chữ và hình ảnh thật nhanh chóng được tiếp nhận chan hòa vào tâm thức, đặc biệt về nhạc, lời văn được chuyển thành ý thơ và từ thơ phổ nhạc thành ca khúc, mắt xem miệng hát tai nghe, thì thật là mở toang tâm thức trí tuệ, hòa quang đồng trần, biện tâm vô úy, vui đạo tùy duyên,…mới có thể đi trước hướng dẫn sức trẻ thời đại cùng tinh tấn tin yêu vượt lên đi đầu Hộ pháp, Hoằng pháp và thọ trì Chính pháp, hoằng khai Chính đạo.
Thời đại bây giờ, sinh viên, học sinh đều là những nhà trí thức trẻ tương lai, khao khát học cao để vào đời làm việc lớn cống hiến cho xã hội, đó là tinh thần đại thừa hành trì Bồ tát hạnh.
Vì vậy, đạo Phật Việt phải có tàu lớn “Đại Bi Trí Dũng” đủ sức chở họ vượt đại dương ra khơi đưa đến bờ đại giác ngộ, chân hạnh phúc an vui! Như lời Phật dạy: “Trí tuệ sinh muôn hạnh lành (thành công). Ngu si sinh ngàn tội lỗi (thất bại); Mọi sự việc ở đời đều là đạo. Nếu không trái với Chính pháp (lẽ phải)..”
Anh đã có những sáng tác âm nhạc Phật giáo nổi tiếng, được đại chúng trong và ngoài nước đón nhận. Trong quá trình sáng tác anh có những kỷ niệm nào đáng nhớ và những dự tính sáng tác trong tương lai?
Với mong muốn đưa đạo Phật đến với cuộc đời, đặc biệt là đến với tuổi trẻ sinh viên học sinh, tôi hướng đến Pháp: Báo đáp “Tứ trọng ân”.(Ân Tam bảo - Phật, Pháp,Tăng. Ân Cha me, tổ tiên. Ân Quê hương, Đất nước. Ân Chúng sinh nhân loại).
Vì vậy, trong tất cả các ca khúc của Chúc Linh, đều trân trọng tôn vinh những ý nghĩa cao đẹp trên, từ nội dung, âm thanh và sắc tướng đều tràn đầy tinh thần Bi- Trí - Dũng, như lời Phật dạy: “Trên tất cả các hạnh nguyện cúng dường. Cúng dường Pháp là tối thượng.” “Điều thiện tối cao không gì bằng hiếu. Điều ác tột cùng không gì bằng bất hiếu”.
Vào một đêm mưa gió bão bùng, sấm chớp thét gào, tôi ngồi yên lắng niệm Pháp Hoa kinh, tới phẩm 20 - Thường Bất Khinh Bồ tát, lòng tôi hoan hỷ quán tưởng Bồ tát Thường Bất Khinh, cung kính chắp tay lạy người và xưng tán: “Lạy ngài tôi không dám khinh suất các ngài. Vì nhân duyên trước sau các ngài sẽ thành Phật”
Với đức hạnh khiêm từ nhân ái, Bồ tát Thường Bất Khinh đã giúp nhân sinh xả bỏ được lòng kiêu căng ngã mạn, đố kỵ hận thù, gây dựng nên ngọn lửa tin yêu hòa hợp, bình đẳng sưởi ấm cho nhân thiên, cho cuộc đời này.
Trời dứt cơn mưa, trăng rằm tỏa rạng, tôi ngồi thiền tịnh, bắt ấn Chuẩn Đề, tâm niệm Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa, thời gian rất lâu, bỗng nhiên thấy trước mặt bừng sáng bởi một luồng ánh trăng chiếu thẳng vào giữa trán. Tỉnh thức xả thiền, đưa ấn lên trên đầu mở rộng vòng cung hai bàn tay từ từ buông xả xuống và đưa lên ngực chắp tay sen.
Tôi thấy hiện ra nhiều cánh tay nối tiếp, rạng rỡ hào quang tỏa sáng sắc màu: vàng, hồng, xanh, trắng. Tôi làm lại hai lần, vẫn thấy như vậy, lúc ấy thân tôi nhẹ nhàng lâng lâng như bay, tâm tôi thanh thoát hân hoan vui sướng!...Thật là uy linh huyền diệu!
Sau đó, tôi đã thành tâm nhanh chóng viết lên ca khúc “Hoa kinh Bồ-tát Khiêm Từ", phổ trong kinh Pháp Hoa, phẩm 20 – Thường Bất Khinh Bồ-tát.
Tôi phát nguyện sáng tác những ca khúc Phật giáo được phổ trong kinh Phật, Lời Phật dạy… “Phật pháp vô biên tâm vô lượng. Bồ Đề thơm ngát tỏa mười phương”.Ngoài các album thành công, anh có dự kiến về những đóng góp trong tương lai?
Tôi đang sáng tác nhạc Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (28 bài), Kinh Thủ Lăng Nghiêm (5 bài) với chủ đề Sư Tử Hống, Kinh Kim Cang (5 bài) với chủ đề Diệu Pháp, Kinh A Di Đà (10 bài) với chủ đề Chắp tay sen nở…, Kinh Phổ Môn (10 bài) với chủ đề Mẹ từ bi. Lời Phật dạy (15 bài) với chủ đề Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Sử ca Phật Việt triều Trần (10 bài), Kinh Vu Lan, Thiện Sinh (15 bài), Gia đình Phật tử (25 bài).
Hy vọng các sáng tác này sẽ góp phần làm phong phú nhạc Phật giáo, giúp cho thanh thiếu niên vui thích đến Chùa, hành trì Phật đạo, hoằng khai Chính pháp.
Nhân mùa Phật đản về, tôi kính chúc chư tôn đức Tăng Ni và toàn thể quý Phật tử an lạc và hanh thông.
Kính mời vào nghe