Là tác giả của kinh Phật thuyết Phật Danh (Kinh Vạn Phật)
Đại lão HT.Thích Thiện Chơn
Thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM
Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận 8
Nguyên Phó đại diện Phật giáo quận 8
Viện chủ chùa Giác Linh, quận 8
Cố Đại lão HT.Thích Thiện Chơn (1928-2013)
Hòa thượng Thích Thiện Chơn, thế danh Đỗ Văn Thiệt, sinh năm Mậu Thìn 1928 tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Hòa thượng sinh ra trong một gia đình nông dân nho phong gia giáo, thân phụ là cụ ông Phạm Văn Tức, thân mẫu là cụ bà Đỗ Thị Cân. Ngài là người con thứ 3 trong gia đình có 4 anh chị em. Cuộc sống quanh năm chỉ gắn bó với ruộng vườn, nhàn nhã, giữ gìn đạo lý nho phong là trên hết.
Năm 1940, với tuổi đời vừa tròn 12, sau khi đã học xong cấp tiểu học, cha và mẹ lại qua đời trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, Hòa thượng được sự giáo dưỡng của bà nội trong khuôn phép nho phong, vì nhà gần chùa lại có duyên lành với Phật pháp nên ngài thường xuyên đến chùa Giác Nguyên (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) làm công quả.
Năm 1948, Phật duyên hội đủ, Hòa thượng đã phát tâm xuất gia tu học với Đại lão Hòa thượng Thượng THIỆN Hạ NGƯƠN, húy Hồng Thuộc, dòng Lâm Tế chánh tông đời thứ 40.
Từ năm 1952-1964, ngoài việc tinh chuyên Hán học, Hòa thượng được các bậc thượng tôn danh đức tại tổ đình Linh Sơn như Đức Trưởng lão Hòa thượng Thượng Thiện Hạ Lợi truyền trao pháp sự khoa nghi và pháp học xuất trần. Ngày tháng dần trôi, nhật nguyệt hằng đắp đổi, Giáo pháp được đượm nhuần trong tâm thức, ý thức việc sanh tử vô thường, Hòa thượng bắt đầu chuyên tâm mật niệm Thánh hiệu A Di Đà và trì Đại Bi chú.
Năm 1965, giới luật tri tường, đạo tâm tăng trưởng, phẩm hạnh viên dung, Hòa thượng được bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại trường hương tổ đình Phụng Sơn, quận 11, TP.Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 5 năm 1965, kể từ đó được dự vào hàng Tăng bảo, xứng đáng là bậc Chúng Trung Tôn dòng họ Thích. Suốt thời gian này, ngoài mật niệm chuyên tu, ứng dụng pháp sự khoa nghi trong thời khóa hàng ngày, Hòa thượng quyết tâm nỗ lực tham học cổ ngữ Hán văn với chí nguyện dịch kinh, viết sách phổ hóa quần sanh.
Năm 2005, mặc dù tuổi hạc dâng cao, thân tứ đại dần dà mỏi mệt, nhưng với tâm nguyện “trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, điểm tô Giáo pháp Phật-đà, làm cho ngôi Tam bảo tại thế gian càng thêm trang nghiêm và hưng thịnh. Sau khi được quyết định của Ban Thường trực Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh chuẩn y về việc hợp thức hóa trụ trì chùa Giác Linh vào ngày 25 tháng 10 năm 2005, Hòa thượng khởi công tái thiết đại trùng tu ngôi già lam thánh địa Giác Linh tự, trải qua suốt 3 năm không nản chí sờn lòng, chan hòa cùng nắng táp mưa chan, ngày đêm không mệt mỏi, không sợ gian lao, chẳng nề khó nhọc, cuối cùng công trình tái thiết trùng tu được thành tựu viên mãn qua công đức viên dung của Hòa thượng và hàng ngàn Phật tử hảo tâm cùng chung tay góp sức.
Năm 2011, với tuổi đời “bát niên thập ngoạt tứ tuần” nhưng chí nguyện “truyền trì đạo mạch, tục diệm truyền đăng, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức” của ngài vẫn luôn rực sáng như vì sao Bắc đẩu, tâm nguyện trang nghiêm ngôi Tam bảo Giác Linh tự được thành tựu viên mãn, Hòa thượng đã truyền trao ngôi vị trụ trì cho Đại đức Thích Thiện Trí, người trưởng tử tài đức vẹn toàn của Ngài. Tứ chúng môn nhơn và môn hạ của tông phong đều nhứt dạ chí thành đê đầu đảnh lễ suy tôn Ngài vào ngôi vị viện chủ cho đến ngày viên tịch (tháng 10-2013).