266- Giáo Sư Ngô Trọng Anh www.quangduc.com
Nhà nghiên cứu Phật học , cư sĩ lão thành, nhà văn nổi tiếng có pháp danh là Tâm Tràng, là một trong ban biên tập viên của Viện Đại học Vạn Hạnh từ số đầu tiên 1969 cùng với G.S. DƯƠNG THIỆU TỔNG G.S. LÊ TÔN NGHIÊM. G,S. VŨ KHẮC KHOAN. G.S. BU LỊCH G.S. TÔN THẤT THIỆN, và với sự cộng tác của toàn ban giáo sư, Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Trích đoạn trong " Pháp thoại của Năm Đại Tăng Xứ Huế " bài viết đầu tiên trên thư viện hoa sen 21/4/2011 và trangnhaquangduc 18/12/2015.
Thú thật với quí vị, trải qua 75 năm pháp nạn và quốc nạn, tôi nay đã trên tám mươi, lại mắc nhiều bệnh nan y, tài hèn sức mọn, nhớ trước quên sau, nhưng cố gắng noi gương các Ngài xưa, tìm phương pháp diễn đạt vui vui bằng giai thoại - (đạo Phật là đạo thoát khổ khôngbao giờ buồn cả) - ngõ hầu tìm một lối thoát đạo đức cho cơn khủng hoảng trầm trọng hậu Cộng sản nay mai, một chế độ đọa đày văn hóa dân tộc ngót ba phần tư thế kỷ, làm mất hết tình người, tiêu diệt đức tính vô úy của kẻ sĩ.
Trích đoạn một chút về thời còn đi học của tác giả trong bài viết đăng trên Cờ học Việt nam ngày 8/11/2011.
...Tôi đi học Tiểu Học Trường Paul Bert (sau này là Thượng Tứ) ngó sang bên kia Hương Giang, thấy xa xa các trường Trung Học oai lắm, nào là các trường Hồ Đắc Hàm, Khải Định, Đồng Khánh và cuối cùng là trường Pellerin, còn trường Providence ở ngã xa hơn, gần cầu Lò Rèn (Nhà Đèn) bắt qua một nhánh sông Hương hướng về An Cựu gọi là sông An Cựu. Chị tôi học Trung học Đồng Khánh trong khi các em gái tôi học trường Tiểu Học Thành Nội, hoặc trường Bồ Đề sau này..
Mỗi lần đi học tôi thường đi băng qua Cơ Mật Viện trong vòng thành nhỏ gọi là Tam Tòa (3 tòa lầu một tầng) để ra cửa Thượng Tứ, trước khi vào tiểu học Paul Bert. Cơ Mật Viện tuy là cơ quan tối quan trọng trên nguyên tắc nhưng lại bù nhìn thành thử trên thực tế không cần ai canh gát cả; nhờ vậy học sinh chúng tôi mỗi khi đi học tắt vào Tam Tòa, có cơ hội hái bông Kèn màu đỏ. Nhưng khi ra đến vòng thành nội gặp phải lính Khố Đỏ canh gát thông thường khá lỏng lẻo các cửa như Thượng Tứ, Đông Ba, cửa Hữu, cửa Tả, cửa An Hòa v.v. Vua ở trong Hoàng cung có lính Khố Vàng bảo vệ hiền hơn lính Khố Đỏ. Cửa vào Đồn Mang Cá thì do lính Khố Xanh trực thuộc Quân đội Pháp canh gát, vũ khí tối tân hơn; họ kiểm soát và canh phòng đường đi biển Thuận An.
Trích đoạn trong tập truyện Đường trở về :
Cửa động - Đầu non - Đường lối cũNghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi
(Tản Đà)
Nói đến trở về tất phải công nhận đã ra đi - Ra đi vì chí lớn, nghĩa cả hai ra đi vì công danh nghĩa vụ. Trăm ngàn chuyến ra đi, hay có dở có theo hàng trăm lý tưởng, chống nhau, liên kết nhau hoặc không biết nhau.
Tuy nhiên, sự ra đi của các bạn, đạo Phật rất tiếc không chú trọng đến, không ngăn, không cấm cũng không khuyến khích. Có thể nói rằng đạo Phật không lo đến vấn đề "khai sinh" nhưng đặc biệt lưu ý đến vấn đề tạm cho là "khai tử" nếu ta hiểu đó là đạo của đường về của những bạn nào cảm thấy như Tản Đà:
Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!Trần giới em nay, chán nữa rồi.
Trở về đã là đau khổ hoặc thông cảm nỗi niềm đau khổ của người, trở về là đã già nua với sắc hương tàn tạ, trở về là đã tật bệnh với thân xác gầy còm. Đạo Phật là đạo của những người từng sống, đã trải qua biết bao kinh nghiệm phũ phàng với thực tại, của những người đã từng theo danh, vụ lợi sống cuồng loạn, sống già trước tuổi, sống đam mê.
Danh từ nhà Phật có rất nhiều chữ để gọi các bạn trở về như Nam mô, quy y, hồi hướng, chuyển... những chữ này như những điệp khúc của một bài ca nhân loại: Hãy trở về, các bạn ơi, trở về với bản tâm của mình, của mính chứ không phải của ai cả, vì đã là tự mình, do mình, thì tạo nghiệp cũng mình và giải thoát cũng mình mà thôi. Ngoài ra tất cả đều là phương tiện có thể là thiện xảo nhưng cũng chỉ là phương tiện.(Huệ Hương ST)