Thích Pháp Như
Sau 4 năm học tập và nghiên cứu Phật Học tại Ấn Độ với tấm bằng thạc sĩ trên tay, cuối tháng 6 năm nay, Đại đức Thích Pháp Như đã quay trở về Việt Nam để thực hiện MV nhạc Phật giáo mang tên “ Diệu Pháp Liên Hoa – Lotus Sutra”.
Đây là một ca khúc do nhạc sỹ Hàn Châu sáng tác và được Đại đức Thích Pháp Như rất tâm đắc.
Đại đức Thích Pháp Như được biết đến như một tu sỹ hát nhạc Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam và có số lượng nhạc chờ Phật giáo trên điện thoại nhiều nhất hiện nay, sau 4 năm học tập và nghiên cứu tại Ấn Độ, Đại đức đã tốt nghiệp thạc sĩ và thời gian tới sẽ tiếp tục học lên Tiến sỹ. Trước khi bước vào thời điểm học tập và nghiên cứu để có được tấm bằng Tiến sỹ Phật học, Đại đức Thích Pháp Như đã quyết định quay trở về Việt Nam để thực hiện MV “ Diệu Pháp Liên Hoa”nhằm đánh dấu một bước ngoặt mới trên con đường học tập và nghiên cứu của mình.
MV: “ Diệu Pháp Liên Hoa – Lotus Sutra” với những cảnh quay rất ấn tượng, được thực hiện tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Khi được hỏi về dự án quay MV này, Đại đức Thích Pháp Như cho biết: “ Ngay sau khi Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2019 được tổ chức thành công tại chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam từ ngày 12 đến ngày 14/05/2019 và đã được bạn bè, chư Tăng khắp nơi trên thế giới đánh giá rất cao cả về quy mô, cũng như nội dung của chương trình, thầy đã có ý tưởng lần về thăm Việt Nam năm nay sẽ thực hiện một MV tại chính nơi đây để chúc mừng sự thành công của Đại lễ Vesak 2019 và cũng là để giới thiệu cảnh đẹp, con người Việt Nam nói chung và chùa Tam Chúc nói riêng tới bạn bè, chư Tăng khắp nơi trên thế giới đang học tập và nghiên cứu tại miền đất Phật…”
Chỉ sau một thời gian rất ngắn quay và dựng, MV “ Diệu Pháp Liên Hoa – Lotus Sutra” do đơn vị truyền thông CK Media thực hiện, đã được Đại đức Thích Pháp Như ra mắt vào tối ngày 29/6/2019.
Đại đức Thích Pháp Như cũng chia sẻ thêm: “ Sở dĩ thầy thực hiện quay MV : Diệu Pháp Liên Hoa là do khi học tập và nghiên cứu bên Ấn Độ, chư Tăng quốc tế thường hỏi thầy ở Đất nước của bạn, tăng ni và Phật tử thường hay tụng kinh gì? Thầy đã trả lời với bạn bè, chư Tăng thế giới rằng: Ở Đất nước tôi, chư tăng và Phật tử tụng rất nhiều kinh khác nhau nhưng đặc biệt và thường được tụng nhiều nhất đó làl bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa ( LOTUS SUTRA). Vì vậy, lần thực hiện MV này, thầy đã quyết định chọn ca khúc Diệu Pháp Liên Hoa ( LOTUS SUTRA), sáng tác của Nhạc sỹ Hàn Châu để thể hiện…”
Được biết vào năm 2011 trên báo Giác Ngộ đã viết về Thầy như sau:
Một lần tình cờ nghe Đại đức Thích Pháp Như hát, tôi thật sự ấn tượng với sự nhiệt tình của người tu sĩ trẻ này. Với phương châm "tuỳ duyên bất biến" của Phật giáo Đại thừa, thầy đã mang Phật pháp đến với mọi người bằng cách riêng của mình: bằng con đường âm nhạc.
Qua tìm hiểu, được biết ĐĐ. Thích Pháp Như sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bình Thuận đầy nắng và gió. Thầy đã trải qua thời niên thiếu với niềm đam mê tột cùng là âm nhạc. Thầy tâm sự: "Âm nhạc đối với tôi là một chất liệu không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi đến với âm nhạc như là định mệnh mà tạo hoá đã sẵn dành. Hồi bé, hình như tôi biết hát trước khi biết nói."
Niềm đam mê đó đã thôi thúc thầy theo học các lớp nhạc lý từ khi còn nhỏ. Những tưởng đời thầy sẽ theo nghiệp hát ca, nhưng khi lớn lên, tiếp xúc với giáo lý đạo Phật, thầy lại phát sanh duyên lành, phát tâm xuất gia theo con đường tỉnh thức của đức Phật. Ngỡ rằng niềm đam mê lúc nhỏ phải từ bỏ, nhưng khi đến với Phật giáo, được tiếp xúc với những ca khúc mang đậm triết lý nhà Phật, chuyển tải sự bình an và giải thoát đến với mọi người, niềm hạnh phúc của thầy như được nhân đôi khi nhận ra mình vừa có thể tu tập, mà cũng có thể thực hiện được đam mê ca hát của mình.
Thế là thầy bắt đầu tập hát những ca khúc Phật giáo. Và nhận ra, hát nhạc Phật giáo mà chuyển tải hết ý nghĩa của nó thật không phải là điều dễ dàng. Một ca sĩ chuyên nghiệp, nắm được nhạc lý thì phần nhiều là cảm thụ giáo lý không được thông suốt, còn đối với người hiểu đúng giáo lý thì đa số không nắm vững nhạc lý. Hai yêu cầu quan trọng để làm nên phần hồn của ca khúc cứ khập khiễng nhau nên những bài hát Phật giáo trình bày thường không được trọn vẹn, làm người nghe không cảm nhận được hết những âm hưởng và ý nghĩa mà ca khúc muốn chuyển tải.