Từ năm 1932 ông bắt đầu theo học Hán văn và chữ quốc ngữ tại địa phương. Năm 1939 (16 tuổi) xuất gia với ngài Hòa thượng Tăng Cang Thích Trí Hưng, trụ trì Sắc Tứ Từ Lâm Tự (sau là Phó Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Cổ sơn môn Việt Nam). Ông thọ giới tỳ-kheo và được ban pháp hiệu là Thích An Hiển. Ông tên thật là Nguyễn Ngọc Lưu, sinh ngày 15 tháng 4 năm Quý Hợi, nhằm ngày 30 tháng 5 năm 1923, tại thôn Cổ Lũy, xã Tư Hiền (nay là xã Nghĩa Phú), huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quãng Ngãi. Ông là con trưởng trong gia đình có 6 anh chị em.
Năm 1943, Ông được Tỉnh hội An Nam Phật học Quảng Ngãi và Hòa thượng Bổn sư cử đi học trường An Nam Phật học tại chùa Báo Quốc, Huế. Đây là trường Phật học được thành lập sớm nhất và duy nhất vào thời điểm đó trên toàn quốc, là nơi xuất thân của hầu hết các vị tăng tài hiện nay như các vị Thích Trí Quang, Thích Huyền Quang, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Tịnh…
Năm 1945, do các biến động xã hội, trường phải di dời vào miền Nam. Chính trong năm này, ngày 5 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 2 năm Ất Dậu), thân phụ ông qua đời tại Quảng Ngãi và nhiều yếu tố khác đã kết hợp dẫn đến việc ông phải gián đoạn việc học.
Tiếp đó là Cách mạng tháng 8 năm 1945 bùng nổ và toàn quốc kháng chiến, đường sá vào Nam bị đứt đoạn, và trường An Nam Phật học sau cũng giải tán. Do đó, vào thời điểm này ông hoàn tục, lấy tên là Nguyễn Minh Hiển, giữ lại chữ Hiển để kỷ niệm thời gian được ân sư dìu dắt. Từ đó ở lại quê nhà và tham gia các phong trào địa phương, từng làm thư ký Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Xã.
Năm 1949, Ông lập gia đình với Bà Trần Thị Hảo, quê ở xã Hành Phong, huyện Nghĩa Hành.
Kể từ năm 1955, ông tham gia Bảo chính đoàn của chế độ miền Nam. Lực lượng này sau đổi tên là Bảo an đoàn, Ông được giao phụ trách công việc văn phòng.
Năm 1966, ông chuyển sang hoạt động ở Phòng Tuyên úy Phật giáo Tiểu khu Quảng Ngãi. Trong thời gian này, Ông đã tập trung chủ yếu vào các hoạt động hoằng pháp và từ thiện, cụ thể là những hoạt động cứu trợ cho nạn nhân chiến tranh và thiên tai bão lụt tại quê nhà, và hoằng dương giáo lý đến tận những vùng sâu xa, giúp nhiều anh em binh sĩ Phật tử thời ấy được hiểu biết rộng thêm về Phật pháp.
Năm 1973, ông giải ngũ (rời khỏi quân đội) và đưa gia đình vào Nam, điểm lập nghiệp đầu tiên là tỉnh Bình Tuy cũ, sau là Thuận Hải, và đến nay là Bình Thuận.
Năm 1982, ông đưa gia đình đến địa điểm hiện nay (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, tỉnh BRVT). Kể từ năm 2000, ông sử dụng kiến thức Hán văn và Phật học đã tích lũy từ thuở thiếu thời để tham gia hiệu đính các bản kinh văn chữ Hán và trợ giúp việc dịch thuật cho con trai là ông Nguyễn Minh Tiến. Các công trình đã hoàn tất là kinh Đại Bát Niết-bàn, kinh Duy-ma-cật, kinh Na-tiên Tỳ-kheo… và nhiều kinh điển khác nữa.
Hiện nay, ở độ tuổi trên 90, ông sống thanh thản với người con thứ năm là ông Nguyễn Minh Tiến, hằng ngày chỉ thảnh thơi đọc sách, xem kinh và niệm Phật, gác bỏ mọi chuyện thế sự.